
Vườn sầu riêng OCOP trên đất Lộc Phú
Nguồn tin: báo Lâm Đồng
Làm nông nghiệp quy mô lớn, với giống chuẩn, quy trình canh tác chuẩn, cho ra những sản phẩm có chất lượng đồng đều đang là hướng đi của nhiều nông dân vùng sâu. Và, một nông hộ đang canh tác sầu riêng – giống cây ăn trái khó tính với quy mô lớn, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP.
Anh Nguyễn Ngọc Chương bên cây sầu riêng đang nở hoa
Anh Nguyễn Ngọc Chương, Thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm đang dạo thăm vườn sầu riêng đang ra hoa và bắt đầu kết trái non. Đất Lộc Phú vốn là đất chè, đất cà phê, bà con quen với hai loại cây phổ biến này từ nhiều năm. Thời gian gần đây, nông dân Lộc Phú bắt đầu trồng một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Với gia đình anh Chương, vườn sầu riêng của gia đình có thể coi là một khởi đầu thành công.
Anh Nguyễn Ngọc Chương kể lại, năm 2017, anh quyết tâm cải tạo lại mảnh đất 6 ha trồng cà phê già cỗi của gia đình. Suy tính kỹ càng, đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trồng cây quanh khu vực cũng như các địa phương khác, anh Chương quyết định trục hết gốc cà phê, xuống giống trồng sầu riêng. Anh Chương xác định, đã trồng sầu riêng với quy mô lớn thì cần phải có kế hoạch canh tác khoa học ngay từ ban đầu. Bởi vậy, anh đào hố, xuống giống đồng loạt 1.200 cây sầu riêng giống Monthon từ đơn vị cung cấp giống uy tín. Đồng thời, anh áp dụng một quy trình trồng chuẩn trên toàn vườn. Anh Chương chia sẻ: “Yêu cầu của thị trường khi nông dân cung ứng số lượng lớn là chất lượng phải đồng đều, không chênh lệch. Vì vậy, tôi áp dụng quy trình canh tác đồng loạt trong vườn, đảm bảo cây lớn đều, độ cao đều và cho trái đều, đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng”. Kết quả cho thấy, trên 1.000 gốc sầu riêng phát triển rất đều, chiều cao, cành, gốc đều đạt.
Để đạt kết quả tốt, vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chương được đảm bảo một chế độ chăm sóc đúng quy trình. Cây trồng đảm bảo khoảng cách 6 x 10 m, khi cây cao 4 m là “cấm” ngọn, giúp cây phát triển các cành ngang. Anh Chương làm chồi thường xuyên, tránh để cây mọc cao, vọt ngọn, năng suất vừa thấp, vừa khó thu hoạch. Toàn vườn để cỏ mọc, chỉ làm cỏ bằng cách dùng máy phát cỏ sát đất, vun vào gốc sầu riêng để giữ ẩm. Anh Chương chia sẻ: “Trồng sầu riêng phải chú ý tới bộ rễ, chăm rễ tốt thì bộ lá xanh, cây khỏe, ít bệnh. Như cây sầu riêng rất ưa phân hữu cơ, cần cung cấp một lượng phân hữu cơ lớn. Đồng thời, chú ý tới con nhện đỏ hút chích gây rụng lá. Ngoài ra, vào mùa cần dưỡng hoa, xử lý nấm thật kỹ là đảm bảo có thu hoạch tốt”.
Năm 2022, lúc vườn sầu riêng ở năm thứ 5, anh Nguyễn Ngọc Chương mới để cây ra trái bói với sản lượng 1 – 2 trái/cây. Những năm trước, khi sầu riêng ra hoa, anh đều ngắt sạch, đảm bảo cây duy trì dinh dưỡng để sinh trưởng. Vụ đầu tiên, anh thu được 30 tấn trái, giá 35 ngàn đồng/kg và thương lái vào tận vườn để thu hoạch. Vụ sầu riêng năm 2023, anh cho biết cây ra hoa rất đều, đẹp, anh dự tính thu khoảng 9 – 10 kg/gốc, tổng sản lượng khoảng 100 tấn. Mỗi cây, anh sẽ để trung bình 3 – 4 trái, đây là lượng trái rất ít, đảm bảo cây sung, khỏe. Theo anh Chương, cây sầu riêng càng nhiều tuổi, năng suất càng cao và vỏ trái càng mỏng, thịt thơm, ngọt. Những năm về sau, anh sẽ tăng dần năng suất lên theo mức độ trưởng thành của cây.
Định hướng trồng sầu riêng theo mô hình quy mô lớn, trồng cây bền vững, anh Nguyễn Ngọc Chương xác định sản phẩm sầu riêng của vườn là sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo anh Chương, cây sầu riêng trồng tại Lộc Phú có ưu điểm là ra hoa chậm, kết quả trễ và chín muộn. Hiện tại, khi nhiều vùng đã cho trái rộ thì Lộc Phú cây mới ra hoa, kết trái non. Trái sầu riêng sẽ chín vào khoảng giữa tháng 8 âm lịch, vào dịp Trung thu. Khi ấy, hầu hết các địa phương khác đã thu hoạch xong, đang chăm để chuẩn bị ra hoa vụ mới. Tuy nhiên, anh Chương cũng khuyến cáo bà con: “Một cây sầu riêng từ khi xuống giống tới khi ra trái bói, chi phí phải xấp xỉ 2 triệu đồng, một số tiền không nhỏ. Vì vậy, khi trồng sầu riêng, bà con cần chú ý chọn giống chuẩn, chăm sóc đúng kỹ thuật mới không gặp rủi ro”.
Ông Bùi Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú đánh giá, vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chương là vườn có quy mô lớn đầu tiên trong xã. Vườn được trồng bài bản, đầu tư đầy đủ và quy trình canh tác chuẩn, với sự tư vấn của các cán bộ nông nghiệp. Anh Nguyễn Ngọc Chương cũng đang phối hợp với xã Lộc Phú để xây dựng sản phẩm sầu riêng trở thành sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu trái cây cho xã vùng xa của mảnh đất Bảo Lâm.
Th1129

Sản xuất an toàn, hữu cơ và kết nối tiêu thụ cho 300 hợp tác xã
Nguồn tin: báo Nông Nghiệp
SƠN LA 300 HTX với khoảng 800 sản phẩm nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ và được liên kết, kết nối tiêu thụ bền vững.
Ngày 22/11 tại Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Trung tâm Kiểm nghiệm – Kiểm chứng và Tư vấn chất lượng Nông lâm thủy sản (RETAQ, thuộc Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ký kết chương trình phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Cục Quản lý doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ KH-CN) và Làng Nông nghiệp khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest.
Mô hình Trạm xanh xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Anh Cường.
Mục tiêu của chương trình phối hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất nông sản trong mạng lưới Techfest nâng cao chất lượng sản phẩm, tập huấn và tư vấn cho các chủ thể thực hiện quy trình trồng trọt và chế biến tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, sản phẩm thiên nhiên, OCOP…) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp “thuận thiên”, bền vững.
Tại mô hình Trạm xanh xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại Vân Hồ, Sơn La, nông dân mang phụ phẩm đến Trạm để đổi lấy phân hữu cơ, bón lại chính vườn cam của họ. Đây là giải pháp hợp tác hiệu quả để xử lý gần 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Sau gần 2 năm triển khai, đến nay, Hệ sinh thái Làng nông nghiệp Techfest quốc gia đã kết nối 300 HTX sản xuất nông sản với nhiều nguồn lực khác nhau. Qua đó, khoảng 800 sản phẩm nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ và được kết nối, liên kết tiêu thụ bền vững.
Đối với riêng tỉnh Sơn La, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp và 700 HTX với 84 nghìn ha cây ăn quả, đứng thứ 2 toàn quốc về diện tích; tổng sản lượng trái cây hàng năm của tỉnh hơn 400 nghìn tấn. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển, liên kết chuỗi và mở rộng thị trường, tỉnh rất cần sự hợp tác, hỗ trợ để phát triển, chế biến sâu và tiêu thụ nông sản địa phương, hướng đến xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Làng Nông nghiệp Techfest quốc gia cho hay: “Kết nối đầu ra thành chuỗi phân phối nông sản an toàn bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi. Đến nay, 300 HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh… đã được kết nối với 30 cửa hàng và 400 đại lý tiêu thụ nông sản tại các thành phố lớn. Qua đó, hơn 800 sản phẩm nông sản ở nhiều tỉnh, thành phố đã tạo được đầu ra”.
Trang trại trồng cam Pa Cốp (Vân Hồ, Sơn La) sử dụng toàn bộ phân hữu cơ, thuốc diệt sâu bệnh sinh học, cho năng suất tăng gần 18%, giá bán cao hơn 25%. Ảnh: Anh Cường.
Tuy nhiên, vấn đề được cả cơ quan quản lý và các chủ thể quan tâm là tính thực chất của các chứng nhận chất lượng nông sản để hướng tới nông nghiệp “thuận thiên”, an toàn.
TS Đặng Văn Cường, Trung tâm RETAG cho rằng: Chúng ta đang đẩy mạnh nhiều giải pháp giúp các chủ thể thực hiện sản xuất, trồng trọt, chế biến theo quy trình chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, hữu cơ, thiên nhiên, OCOP… Tuy nhiên, việc cấp được chứng nhận này mới chỉ đi được phân nửa chuỗi. Sau đó là phải kiểm tra, giám sát các chủ thể có tiếp tục làm đúng quy trình hay không, có tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho họ để họ tự biết cách quản trị tốt, biết mở rộng thị trường, biết bảo vệ nhau để giữ uy tín sản phẩm hay không thì hầu như chưa làm được nhiều.
Bản thân việc cấp chứng nhận cho các chủ thể cũng cần đánh giá lại toàn diện và quản lý chặt. Ví dụ huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vừa rồi, gần 6.800ha cam, bưởi, trong đó đặc biệt là dòng cam sành đặc sản đang có nguy cơ chết hàng loạt do việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Do đó, bản thân các đơn vị đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất tiên tiến cần làm chặt chẽ, giám sát định kỳ.
Với sản phẩm OCOP, Bộ NN-PTNT quản lý 16/26 nhóm ngành hàng, do đó cần có hoạt động cụ thể về công tác kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao OCOP, đặc biệt là các sản phẩm 4 – 5 sao để giữ uy tín các chứng nhận, giúp các chủ thể yên tâm, tiếp tục đầu tư vào sản xuất an toàn, “thuận thiên”.
Th603