
Lâm Đồng đề nghị đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
Chiều 15/2, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng về định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, đáp ứng xuất khẩu.
Ngày 15/2, đoàn công tác Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng về tình hình sản xuất, triển khai công tác chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại vụ đông xuân 2022 – 2023.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023 với đoàn công tác Cục BVTV. Ảnh: Minh Hậu.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh xuống giống 37 nghìn ha/40 nghìn ha cây hàng năm (đạt 91,1% kế hoạch), trong đó: Diện tích lúa khoảng 6,5 nghìn ha/8,9 nghìn ha (đạt 73,2% kế hoạch); diện tích ngô đã xuống giống 1,3 nghìn ha/1,7 nghìn ha, đạt 75,3% kế hoạch; cây rau, đậu các loại đã xuống giống khoảng 25,3 nghìn ha/25,2 nghìn ha; cây hoa các loại, diện tích gieo trồng 3,7 nghìn ha/3,6 nghìn ha.
Đối với cây lâu năm, toàn tỉnh có 172 nghìn ha cà phê, 11 nghìn ha chè, 22 nghìn ha điều, 1,9 nghìn ha tiêu, gần 10 nghìn ha dâu tằm, 7,7 nghìn ha mắc ca, 773 ha chanh dây, 9 nghìn ha cao su, 31 nghìn ha cây ăn quả các loại.
Về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, hiện nay toàn tỉnh đã được cấp 5 mã số. Trong đó 1 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 150ha của Công ty Long Thuỷ, 2 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Công ty Long Thuỷ và Công ty Tập đoàn Trung Bảo Tín, 2 mã số vùng trồng chanh leo với diện tích 111ha của Công ty Trường Hoàng và Công ty Bảo Long Đức Trọng.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận sinh vật gây hại, các loại bệnh hại trên cà phê, sầu riêng, điều, các loại rau, hoa… và đã triển khai các biện pháp phòng, trừ. Ảnh: Minh Hậu.
Đối với tình hình dịch bệnh, ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh ghi nhận sinh vật gây hại, các loại bệnh hại trên cà phê, sầu riêng, điều, các loại rau, hoa… và đã triển khai các biện pháp phòng, trừ.
Riêng bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm, năm 2022 tỉnh ghi nhận khoảng 700ha dâu ở những khu vực trũng thấp, ngập úng, vườn dâu lâu năm bị ảnh hưởng. Đối với diện tích bị ảnh hưởng, ngành nông nghiệp đã tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc sinh học để phòng trừ. Đối với diện tích nhiễm bệnh nặng, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân luân canh.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, địa phương ghi nhận 215ha cây trồng bị bệnh xoăn lá virus tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và 248ha bị bệnh mốc sương gây hại, trong đó 25ha nhiễm nặng. Đối với bệnh xoăn lá virus trên cây họ cà và bệnh tuyến trùng trên dâu tằm, việc phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân không tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nhiều diện tích vườn nhiễm bệnh nặng, cần luân canh nhưng người dẫn vẫn tổ chức xuống giống nên bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan.
Đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, thời gian qua, các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của địa phương được cấp mã đã giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Do vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Cục BVTV tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói đối với nông sản này.
Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Cục BVTV và các cơ quan chức năng hỗ trợ địa phương nhập khẩu trứng giống tằm để phục vụ sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Hiện nay tỉnh có khoảng 16 nghìn ha sầu riêng nhưng mới chỉ có 150ha được cấp mã số, còn 2 nghìn ha mới hoàn thiện hồ sơ. Một số tổ hợp tác đang gặp khó khăn trong việc đề xuất cấp mã số vùng trồng nên rất cần Cục BVTV hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Việc có mã số vùng trồng sẽ giúp các tổ hợp tác sản xuất sầu riêng đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc”.
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Cục BVTV tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa cắt cành qua Úc do thị trường này cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate trong xử lý mầm hoa. Đồng thời kiến nghị Cục BVTV có giải pháp hỡ trợ Lâm Đồng nhập khẩu các giống hoa bản quyền để phục vụ sản xuất. Cùng với đó, hỗ trợ địa phương nhập khẩu trứng giống tằm.
Ông Nguyễn Văn Châu đề nghị: “Ngành dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng đang có sự phát triển tốt, ngang tầm với thời hoàng kim trước đây. Tỉnh hiện có gần 10 nghìn ha dâu, các giống dâu cơ bản đáp ứng sản xuất nhưng giống vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do vậy, tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ Cục BVTV, các bộ, ngành hỗ trợ nhập khẩu giống tằm”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, Lâm Đồng có cơ cấu giống cây trồng khá phức tạp và việc sử dụng, quản lý vật tư nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Đối với virus trên cây họ cà, tuyến trùng trên dâu tằm, bệnh trên cà phê, chè, bệnh xì mủ trên sầu riêng…, Cục BVTV sẽ giao các đơn vị liên quan rà soát lại để tuyên truyền đến người dân và thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt khuyến khích người dân giảm hoá chất BVTV, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Đối với các bệnh hại lây nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau, cần rà soát nguồn lây, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phù hợp…
Tại buổi làm việc, Cục BVTV cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp quản lý dịch bệnh hiệu quả.
Th202
Quản lý vùng trồng xoài xuất khẩu tại Bến Tre
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
BDK.VN – Theo Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Thị Thu Hương, Cục BVTV nhận được báo cáo số 1595 và công văn số 1596 về việc cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bến Tre.
Chăm sóc xoài ở Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: H. Trung
Sau khi xem xét hồ sơ, Cục BVTV có ý kiến như sau: Vùng trồng xoài của Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và EU.
Theo quy định của Hoa Kỳ, Cục BVTV sẽ gửi thông tin của vùng trồng trên cho Cơ quan Kiểm dịch động thực vật của Hoa Kỳ (APHIS). Sau khi APHIS phê duyệt mã số vùng trồng, Cục BVTV sẽ thông báo bằng văn bản cho chi cục biết. Đề nghị chi cục hướng dẫn và giám sát đại diện vùng trồng công khai thông tin cho các hộ dân tham gia sản xuất trong vùng trồng biết về tình trạng phê duyệt và sử dụng mã số vùng trồng.
Cục BVTV thông tin để chi cục được biết và thông báo cho vùng trồng bằng văn bản. Đồng thời, đề nghị chi cục tiếp tục giám sát vùng trồng, đặc biệt là giám sát ruồi đục trái và tổ chức giám sát dư lượng thuốc BVTV để đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.
Danh sách vùng trồng xoài xuất khẩu: Tên vùng trồng: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường. Địa chỉ vùng trồng: Xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tên sản phẩm: Xoài. Diện tích 10,9ha. Thị trường: Hoa Kỳ (sau khi APHIS phê duyệt); Hàn Quốc: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.KOR; Úc: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.AU; New Zealand: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.NZ; EU: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.EU.
Thu Huyền
Th1206

Phổ biến quy định về mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp
Sau khi Trung Quốc công bố nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương phổ biến các quy định của Nghị định thư.
Chuyên gia Cục Bảo vệ thực vật phổ biến quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp, HTX, nông dân tại Đắk Lắk. Ảnh: MQ.
Triển khai ngay sau khi có Nghị định thư
Cuối tháng 7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo các quy định, yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi có những quy định từ phía Trung Quốc đưa ra, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên tổ chức tập huấn, phổ biến các văn phảm quy phạm pháp luật liên quan đến yêu cầu xuất khẩu.
Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Lắk tổ chức “Hội nghị tập huấn hướng dẫn thiết lập mã số vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sầu riêng”. Tham dự hội nghị có 150 đại biểu là cán bộ các đơn vị trực thuộc, đại diện HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng gói, chế biến sầu riêng xuất khẩu các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Tại hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật đã phổ biến quá trình đàm phán mở cửa thị trường đối với quả sầu riêng và Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Các quy định chung và yêu cầu cụ thể về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng.
Yêu cầu đối với cán bộ kỹ thuật tại cơ sở đóng gói sầu riêng, hướng dẫn giám định sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói và quy trình cấp mã số và ghi chép tại vùng trồng, cơ sở đóng gói, hướng dẫn sử dụng nhật ký điện tử My Dairy Farm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX, nông dân cũng được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng, thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, HTX, nông dân tham dự hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc tại Đắk Lắk. Ảnh: MQ.
Thời điểm Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo các quy định xuất khẩu trúng vào thời điểm sầu riêng tại Đắk Lắk chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Để kịp đưa những lô hàng sầu riêng đầu tiên vào Trung Quốc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định giao Sở NN-PTNT làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, các tổ chức, các nhân liên quan rà soát, đối chiếu các điều kiện của vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Quyết định cũng yêu cầu, Sở NN-PTNT Đắk Lắk phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn doanh nghiệp, người dân về quy định của mã vùng trồng, cơ sở đóng gói và hoàn thiện hồ sơ liên quan, sẵn sàng cung cấp khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết với vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và yêu cầu quy định khác của nước nhập khẩu.
Sở NN-PTNT tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia do Cục Bảo vệ thực vật xây dựng. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật ban hành quy trình phòng trừ dịch hại đối với cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu,… đặc biệt là các loại sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm, hướng dẫn sử dụng phầm mềm quản lý từ khâu sản xuất đến xuất khẩu sản phẩm.
Trước khi quả sầu riêng được xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng tại Đắk Lắk. Ảnh: MH.
Nâng cao nhận thức về các quy định xuất khẩu
Còn tại Đắk Nông, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức chương trình tập huấn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các tỉnh Tây Nguyên vào ngày 7-8/12.
Chương trình sẽ tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, người dân về quy định mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, các yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu và cơ sở đóng gói. Tại đây, chuyên gia của Phòng thuốc BVTV Cục Bảo vệ thực vật sẽ phổ biến các quy định về việc sử dụng thuốc BVTV tại vùng trồng, thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đã sử dụng.
Các học viên cũng sẽ được hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV tại vùng trồng xuất khẩu; Quy trình cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói, hồ sơ của cơ quan quản lý, hồ sơ của vùng trồng và cơ sở đóng gói. Phổ viến các quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nông sản nguồn gốc thực vật xuất khẩu vào Trung Quốc theo Lệnh 248; An toàn thực phẩm trong nông sản vào Trung Quốc theo Lệnh 249.
Đặc biệt, hội nghị sẽ giới thiệu và hướng dẫn các học viên sử dụng, trải nghiệp sử dụng nhật ký điện tử My Farm diary cùng phần mềm quản lý nhà đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật đặt mục tiêu sau chương trình tập huấn, các doanh nghiệp, HTX, người dân tại Tây Nguyên sẽ nắm rõ được quy định về mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ cho việc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.
Trước đó, để phổ biến về các quy định xuất khẩu theo Nghị định thư đã ký kết giũa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tuyên truyền video clip hướng dẫn xây dựng mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Các cơ sở đóng gói thực hiện gắng tem khi xuất khẩu sầu riềng vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: MH.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện công tác cấp và giám sát mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đáp ứng theo quy định của nhiều nước nhập khẩu phục vụ truy xuất nguồn gốc đang được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ trên toàn quốc, nhằm cung cấp, hướng dẫn thông tin một các trực quan và dễn tiếp cận tới các đối tượng khác nhau tham gia chuỗi xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 5 video clip gồm: Quy định cấp, thu hồi mã số vùng trồng/cơ sở đóng gói và hướng dẫn xuất khẩu chanh leo, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Tại Đắk Nông, để hướng dẫn, thiết lập, giám sát và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu triên địa bàn, UBND tỉnh này đã yêu cầu các sở ngành tăng cường công tác phổ biến các quy định của Nghị định thư.
UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở NN-PTNT chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Chú trọng tổ chức thực hiện các chương trình quản lý sinh vật gây gại tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số để đảm bảo duy trì đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia do Bộ NN-PTNT xây dựng.
Th1116

Sầu riêng nghịch vụ hiệu quả gấp đôi
nguồn tin Báo nông nghiệp
TIỀN GIANG Sầu riêng nghịch vụ có giá bán cao hơn từ 20 – 40 nghìn đồng so với chính vụ, cho hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi so với chính vụ.
Sầu riêng nghịch vụ hiệu quả cao hơn từ 1,7 lần
Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, tỉnh hiện có khoảng 17.000ha cây sầu riêng. Trong đó khoảng 10.000ha cây đang trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân 28 tấn/ha. Thời gian qua, nông dân đã vận dụng kỹ thuật canh tác sầu riêng nghịch vụ nhằm rải vụ, mang lại hiệu quả rất cao.
Từ năm 2018 đến nay, trung bình diện tích rải vụ khoảng 6.787ha/năm, năng suất đạt từ 18 – 20 tấn/ha. Chênh lệch năng suất giữa xử lý rải vụ so với vụ thuận từ 0,5 – 2 tấn/ha; giá bán dao động từ 60.000 – 95.000 đồng/kg, chênh lệch giá bán tăng từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Sản xuất rải vụ thu hoạch nghịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn chính vụ trung bình từ 1,7 – 2,3 lần.
Hơn một tháng qua, giá trái sầu riêng nghịch vụ tại Tiền Giang ổn định từ 70.000 đồng/kg trở lên. Ảnh: Trọng Linh.
Hơn một tháng nay, trái sầu riêng nghịch vụ được các thương lái thu mua xô tại vườn với giá cao và ổn định, từ 70.000 đồng đến hơn 80.000 đồng/kg. Với mức giá ổn định như hiện nay, mỗi ha cây sầu riêng, nhà vườn có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, sản lượng thấp, nhất là sầu riêng đạt chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn không đủ số lượng để cung ứng cho đối tác. Bởi để trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cần có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Thời điểm này, tỉnh Tiền Giang mới có 2 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100ha. Cơ quan chức năng cho biết đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định trong những ngày tới 21 hồ sơ với diện tích khoảng 1.100ha, ước sản khoảng 30.000 tấn trái.
Ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, địa phương có 600ha cây sầu riêng chuyên canh chia sẻ: Thời điểm này, đầu ra của trái sầu riêng rất ổn định, cung không đủ cầu. Ông Quang cũng cho biết hiện chỉ mới có khoảng ¼ diện tích sầu riêng nông dân xử lý bắt đầu có trái. Đến cuối tháng 11 (âm lịch), sầu riêng mới chín rộ, bà con rất phấn khởi.
Áp dụng đồng bộ kỹ thuật theo hướng hữu cơ
Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất là một trong những giải pháp làm giảm chi phí đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng. Ngành NN-PTNT đã tổ chức nhiều lớp hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng theo hướng an toàn, với các kỹ thuật phổ biến như ủ phân hữu cơ để bón sầu riêng, tạo tán, tỉa cành, xử lý ra hoa trái vụ, phủ bạt trong sản xuất, tưới phun sương.
Tỉnh Tiền Giang chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng cho nông dân. Ảnh: Trọng Linh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chế phẩm sinh học để xử lý phân chuồng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, nấm Trichoderma sp. và các phế phụ phẩm trong sản xuất sầu riêng là những tiến bộ giúp bà con kiểm soát các loại nấm hại rễ, góp phần tạo nên cây sầu riêng khỏe, đạt năng suất cao và tiết kiệm chi phí. Đến nay, diện tích sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 90% diện tích; sử dụng nấm Trichoderma sp. chiếm gần 66%; sử dụng thuốc BVTV sinh học chiếm trên 68% diện tích sầu riêng trong vùng Đề án phát triển cây sầu riêng của tỉnh.
Ngoài ra, cơ giới hóa trong tưới nước được ứng dụng vào sản xuất sầu riêng ngày càng tăng, giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Đến cuối năm 2021, ước tính có trên 96% diện tích áp dụng cơ giới hóa trong tưới nước, tăng gần 26% so với năm 2017.
Thời gian tới, nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng, Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Tỉnh đã và đang triển khai dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Qua đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, áp dụng khoa học công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Th1102

Vùng trồng sầu riêng của Đồng Nai đạt chuẩn xuất khẩu
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ngày 19-9, Việt Nam vừa chính thức xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc. Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong đợt đánh giá này, 100% vùng trồng và cơ sở đóng gói của Đồng Nai đăng ký tham gia đều đạt chuẩn và được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng với quy mô 533 ha được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân
Năm 2022, Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi. Trong đó, các yêu cầu phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định nghiêm ngặt về phòng, chống Covid-19.
Xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nên mọi thay đổi về chính sách liên quan đến nhập khẩu ở thị trường này đều ảnh hưởng rất lớn đến thị trường rau, quả của Việt Nam.
Bà Trần Thị Tú Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho biết, để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ngày từ đầu năm 2021 Sở NN-PTNT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Kết quả, tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh đều đạt trong đợt đầu đánh giá, cấp mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Kết quả, trong đợt đánh đầu tiên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về vùng trồng và cơ sở đóng gói, Đồng Nai có 7 vùng trồng được cấp mã số gồm: HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H, Xuân Lộc); HTX sầu riêng Lò Than, Vùng trồng Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An; Tổ Hợp Tác Sầu riêng Phú Sơn (H.Tân Phú); HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Xuân Lập; HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh). 3 cơ sở đóng gói được cấp mã số gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Hương (H.Định Quán); Cơ sở đóng gói Thanh Trung; Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Lộc Phát (TP.Long Khánh).
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao nên doanh nghiệp chủ động đăng ký được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì xuất khẩu chính ngạch sẽ không còn lo tình trạng ùn ứ xe hàng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, giảm rủi ro trong vận chuyển, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định hơn cho trái sầu riêng.
HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H, Xuân Lộc) được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: Phan Anh
Tính chuyện đường dài
Tại Hội nghị “Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc” diễn ra vào ngày 12-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần chuẩn bị cho hành trình đi xa, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng. Ở đây không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính là Trung Quốc. Đồng thời, thông qua câu chuyện trái sầu riêng nhìn lại chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, nhìn lại lợi thế, tiềm năng, rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng qua việc chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân… Ngành nông nghiệp cần phải tập huấn, chuẩn hóa cho người nông dân, tránh tình trạng giả mạo truy xuất nguồn gốc; xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước…
Nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cây ăn trái chủ lực cũng là định hướng tỉnh Đồng Nai đang tập trung triển khai trong thời gian tới. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, thời gian qua, Ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng và đang tập trung giám sát và hoàn thiện hồ sơ trình công nhận mới 12 mã vùng trồng chuối, sầu riêng xuất khẩu. Toàn tỉnh cũng đã có 5 cơ sở đóng gói chuối và sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu và 19 cơ sở đóng gói đang chờ được phê duyệt để cấp mã số xuất khẩu.
Để đủ điều kiện được cấp mã số, các cơ sở đóng gói phải xây dựng quy trình đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu từ khâu nhập hàng, xử lý trái cây, khu chứa nguyên liệu đến kho thành phẩm đều phải đảm bảo vệ sinh…Đặc biệt, trái cây xuất khẩu đều phải có tem truy xuất nguồn gốc; thùng đựng phải dán nhãn với đầy đủ thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất hoặc mã số vùng trồng, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói…
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand…với tổng diện tích hơn 24 ngàn ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 53 mã số cơ sở đóng gói đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand…
Phan Anh
Th217