Hoa màu mất trắng, nông dân ngậm ngùi ‘làm lại từ đầu’
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
QUẢNG NINH Sau cơn bão dữ, hàng ngàn ha hoa màu tại Quảng Ninh mất trắng, nhiều nơi chưa thể khôi phục sản xuất do ngập úng lâu ngày.
Tại phường Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên), hoa màu vốn là cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại thu nhập chính cho bà con nông dân. Tuy nhiên bão gây mưa lớn đã khiến hàng nghìn ha hoa màu ngập trong biển nước, đồng ruộng trở nên tan hoang, tiêu điều.
Nhìn ruộng rau của mình, ông Đoàn Văn Đạm (khu Đống Vông, phường Cộng Hòa) không khỏi xót xa: “Hơn 20 năm trồng rau, chưa bao giờ tôi bị thiệt hại nặng nề như vậy. 5 sào rau của tôi hỏng hoàn toàn, mất trắng rồi”. Nhờ những ruộng rau mà ông Đạm nuôi sống cả gia đình, chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ. Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ, ông Đạm đành ngậm ngùi, tự dặn lòng “thôi làm lại từ đầu”.
Không chỉ riêng gia đình ông Đạm, hầu hết hộ dân trồng hoa màu trên địa bàn thị xã Quảng Yên đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Những luống rau bị gió bão vò nát, lại gặp thêm ngập úng nên nhanh chóng thối rễ.
Vừa cặm cụi thu dọn luống rau dền bị dập nát, bà Nguyễn Thị Nhiệm (khu Đống Vông, phường Cộng Hòa) vừa nghẹn ngào chia sẻ: “Trước bão rau còn non, tôi chỉ có thể nhặt nhạnh một chút để bán, coi như được đồng nào hay đồng đó. Đến nay thì chả còn gì nữa, tôi đang cố thu dọn lại vườn, làm cỏ cho sạch để chờ ngày gieo trồng lại”.
Theo dự tính, sau khi làm sạch cỏ dại và cày xới đất, bà Nhiệm sẽ tiếp tục trồng thêm một số loại rau ngắn ngày như rau dền, rau cải, hành lá… để nhanh chóng cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên thông tin: Ngay sau bão, địa phương tập trung tiêu úng cứu diện tích lúa, hoa màu bị đổ, ngập. Riêng rau màu, với diện tích có khả năng khắc phục được, địa phương đã hướng dẫn bà con chăm sóc tích cực để phục hồi, thu hoạch. Đồng thời, hướng dẫn bà con khẩn trương thu dọn, vệ sinh ruộng vườn để sớm bắt tay vào khôi phục sản xuất.
Theo thống kê, bão số 3 đã khiến 7.633ha lúa, hoa màu của Quảng Ninh bị đổ, ngập úng, trong đó tập trung tại thị xã Đông Triều (2.067ha) và thị xã Quảng Yên (1.737ha).
Ông Phan Minh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) – đơn vị đang đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng rau thủy canh trong nhà màng cho biết, bão số 3 đã khiến 12 nhà màng trên tổng diện tích gần 1,5ha của Công ty bị hư hỏng nặng. Ước hơn 15 tấn rau bị hư hại, hơn 1.000 cây nho bị dập nát, gãy đổ, trong đó nhiều cây đang chuẩn bị cho thu hoạch. Cùng với đó, mưa bão đã khiến hệ thống làm mát, tưới cây tự động, kho dinh dưỡng, nhà bơm… của đơn vị bị hư hại. Đến nay, đơn vị vẫn đang nỗ lực khắc phục.
Th809
Nông dân Đắk Lắk buồn bã vì trái sầu riêng bị sượng nước
Nguồn tin : Báo lao động
Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đang hết sức buồn bã vì trái sầu riêng chuẩn bị đem bán thì bị sượng nước, thiệt hại về kinh tế rất nhiều.
Sầu riêng đang được xem là vua của các loại cây trồng khi có giá bán và lợi nhuận vào loại cao nhất hiện nay. Mùa vụ năm nay, nông dân ở Đắk Lắk kỳ vọng vào việc sẽ thắng lợi lớn khi sầu riêng vừa được mùa, được giá.
Thêm một điều đáng trông chờ nữa là loại cây trồng này cũng đang hết sức rộng đường xuất khẩu chính ngạch vào đất nước Trung Quốc, thị trường có hơn 1 tỉ dân.
Niềm tin của người nông dân là có cơ sở khi đầu vụ thu hoạch, sầu riêng có giá trên 80.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nhà vườn được thương lái đến đặt cọc, chốt giá từ 86.000-87.000 đồng/kg.
Thế nhưng, khi vào chính vụ, thời tiết mưa nhiều. Tình trạng mua bán hàng hóa này cũng không được sôi động như các năm trước.
Thời điểm này, giá sầu riêng bắt đầu hạ xuống khoảng 70.000 đồng/kg. Ngoài việc giá thành giảm sút, nhiều người dân ở Đắk Lắk còn hết sức lo lắng, buồn bã vì chất lượng sầu riêng đang bị ảnh hưởng do thời tiết mưa nhiều.
Ông Đào Văn Ngà (trú tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) cho biết: “Gia đình tôi có 200 cây sầu riêng. Trong đó, có 150 cây đang cho thu hoạch. Năm nay, gia đình dự kiến thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Hiện nay, giá sầu riêng giảm xuống còn khoảng 70.000 đồng (năm 2023 gia đình bán 78.000 đồng/kg – PV).
Đã vậy, tỉ lệ sầu riêng bị hư hỏng khá nhiều (khoảng 20%). Lý do, thời gian qua, mưa lớn kéo dài tạo điều kiện cho các loại nấm gây hại phát triển. Tôi đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các loại nấm tác động đến vườn cây” – ông Ngà cho hay.
Theo ông Trần Công Minh – cơ sở thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắk, năm nay, tỉ lệ “hàng dạt” (sầu riêng bị sượng nước – PV) rất nhiều. Nguyên do mưa lớn kéo dài nên sầu riêng bị dư nước trong quả.
“Mỗi ngày, cơ sở của tôi thu mua từ 10 – 50 tấn sầu riêng “hàng dạt”, với mức giá dao động từ 35.000 – 41.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn 1 nửa so với sầu riêng đạt chất lượng, mẫu mã đẹp” – ông Minh cho biết thêm.
Th520
Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.
Tiếp tục chương trình tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ngày 18/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tập huấn cho nông dân trong và ngoài HTX nông nghiệp Thuận Tiến ở xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ).
Bà con nông dân trong và ngoài HTX nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) được tập huấn, nâng cao kiến thức canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.
Đây là HTX triển khai cánh đồng lúa giảm phát thải đầu tiên ở ĐBSCL, thí điểm quy trình canh tác của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong vụ hè thu 2024, quy mô 50ha.
Đến nay, cây lúa đã phát triển được 43 ngày, đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng và dự kiến sẽ thu hoạch từ ngày 5/7 – 10/7.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Tiến đánh giá, cánh đồng lúa giảm phát thải đang phát triển tốt. Trong giai đoạn cây lúa phát triển được 27 – 28 ngày, trên đồng ruộng có phát sinh dịch hại là sâu cuốn lá. Sâu phát triển rất nhanh, khoảng 80% diện tích trong mô hình đã bị tấn công, tuy nhiên mức độ phát sinh không liên tục.
Với quyết tâm làm theo quy trình canh tác lúa giảm phát thải, bà con xã viên giảm thiểu phun thuốc trừ sâu trước giai đoạn cây lúa 40 ngày. Thay vào đó, bà con kết hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông địa phương thường xuyên thăm đồng và kiểm tra dịch hại. Nhờ đó, đến thời điểm này, cánh đồng lúa giảm phát thải của HTX chưa chịu tác động của thuốc trừ sâu, lúa khỏe, vượt qua sâu hại.
Trong khi đó, những ruộng lúa bên ngoài mô hình gieo sạ dày, trung bình từ 18 – 20kg lúa giống/công tầm lớn (tương đương 1.300m2). Trong vòng 3 ngày bị sâu cuốn lá tấn công, nông dân không kịp phun thuốc trừ sâu nên đã bị tấn công lên đến 90% diện tích, bạc lá trắng ruộng.
Ông Khải bộc bạch, trước đây, bà con nông dân đã ứng dụng phương pháp gieo sạ bằng tay hoặc kéo hàng. Khi tham gia cánh đồng lúa giảm phát thải, lượng giống gieo sạ được kéo giảm xuống còn khoảng 6kg/công, bà con rất băn khoăn. Tuy nhiên đến nay, lúa trong mô hình phát triển tốt, bà con hầu như không ai chê.
Mặc dù đã tham gia canh tác trong mô hình, nhưng hiện nay khái niệm về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon, hay quy trình canh tác giảm phát thải vẫn còn khá mông lung với xã viên.
Nói theo lời ông Khải là bà con chỉ nghe trên danh từ, chứ chưa định nghĩa và hiểu được những khái niệm trên. Do đó, chương trình tập huấn lần này rất bổ ích, vừa có mô hình trực tiếp trên đồng ruộng, vừa kết hợp với những kiến thức đã được các chuyên gia trang bị. Việc sản xuất theo quy trình canh tác giảm phát thải sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mang tầm quốc gia, có sự đồng hành của nhiều cơ quan chuyên môn. Trách nhiệm của bà con nông dân là trực tiếp sản xuất theo quy trình để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo.
Đợt tập huấn lần này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ giúp bà con nông dân trang bị đầy đủ các kiến thức về khí nhà kính trong sản xuất lúa; quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phương pháp đo đạc, báo cáo, thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV); ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa… Đồng thời, giải đáp, làm rõ những vấn đề thắc mắc, băn khoăn của bà con nông dân trong quá trình canh tác.
Ông Hồng đánh giá, quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải không khác nhiều so với một số giải pháp kỹ thuật như “1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng”… mà bà con đang áp dụng. Tuy nhiên sẽ có một số vấn đề canh tác cần được lưu ý, cập nhật thêm để việc sản xuất trở nên tốt hơn.
Th417
Nông dân mong giá sầu riêng duy trì ở mức cao
Nguồn tin : Báo Cần Thơ
Hiện sầu riêng của nông dân các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ như Ô Môn, Phong Ðiền, Thới Lai… đã bắt đầu bước vào thu hoạch trái. Gần đây, dù giá sầu riêng đã giảm mạnh so với tháng trước nhưng vẫn còn đang duy trì ở mức khá cao so với cùng kỳ. Với việc sầu riêng trúng mùa nên nông dân có sầu riêng thu hoạch trái sớm đã đạt mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nông dân có sầu riêng chưa tới lứa thu hoạch khá lo về giá cả đầu ra sản phẩm trong thời gian tới.
Giá giảm nhưng vẫn còn cao
Hồi cuối tháng 3-2024, giá sầu riêng Ri 6 được nông dân ở TP Cần Thơ bán cho thương lái với giá từ 115.000-130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày 11 và 12-4, giá sầu riêng Ri 6 được nông dân bán xô cho thương lái chỉ còn ở mức từ 65.000-85.000 đồng/kg, tùy loại. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, hiện giá sầu riêng vẫn đang cao hơn ít nhất từ 15.000-20.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, cùng với việc nhiều vườn sầu riêng có trái cho thu hoạch sớm khá trúng mùa, nông dân trồng sầu riêng có thể đạt mức lợi nhuận rất cao, với từ 60-100 triệu đồng/công trở lên.
Chị Võ Thị Chi, ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Cách nay hơn 2 tuần, tôi đã thu hoạch 75 cây sầu riêng trồng trên diện tích gần 3 công đất và đã thu được 10,2 tấn trái, với giá bán 90.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, tôi có lời tổng cộng khoảng 800 triệu đồng. Hiện đứa em ruột của tôi đang thu hoạch 10 công sầu riêng, với năng suất đạt bình quân 2 tấn/công. Ðợt này, giá bán sầu riêng giảm còn ở mức 75.000 đồng/kg nên lợi nhuận không bằng đợt tôi bán nhưng vẫn ở mức khá cao so với các năm trước nhờ được giá hơn”. Anh Trương Văn Tuấn ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Với chỉ 1,5 công đất trồng sầu riêng mới cho trái chiếng trong năm nay, tôi vừa thu hoạch được 2 tấn trái sầu riêng và bán xô 65.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, tôi có lời khoảng 100 triệu đồng và rất phấn khởi”.
Ông Nguyễn Văn Ninh ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, vừa thu hoạch 10 công sầu riêng Mỏn Thon cho trái sớm, với năng suất đạt 1,5 tấn/công. Ông bán xô tại vườn cho thương lái với giá 105.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm hơn 80.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 3 tuần nhưng vẫn còn khá cao nên ông có thể kiếm lời hơn 100 triệu đồng/công.
Sầu riêng đang là loại cây ăn trái có diện tích trồng lớn. Thành phố hiện có 4.816ha trồng sầu riêng. Cây sầu riêng được trồng tại nhiều quận, huyện của thành phố (như Phong Ðiền, Thới Lai, Cờ Ðỏ, Ô Môn, Thốt Nốt…), với chủ yếu là sầu riêng hạt lép Ri 6 và sầu riêng Mỏn Thon. Huyện Phong Ðiền hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tại thành phố, với 3.284ha. Sầu riêng trồng trên địa bàn TP Cần Thơ được nhiều người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, bởi trái có màu sắc sáng đẹp bắt mắt, ăn ngon ngọt và ít bị sượng, nhất là đối với loại sầu riêng hạt lép Ri 6. Sầu riêng ở Cần Thơ được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để đem tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu.
Mong giá sầu riêng không giảm thấp
Hiện nay, nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn trong giai đoạn nuôi trái nhỏ hoặc có trái lớn nhưng chưa bước vào giai đoạn đủ độ già và chín để thu hoạch. Dự kiến trong những tuần tới đây, nhiều vườn sầu riêng mới bước vào vụ thu hoạch rộ.
Anh Nguyễn Văn Trí ở ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình tôi trồng được 25 công sầu riêng, trong đó có khoảng 13 công trồng sầu riêng Ri 6, còn lại trồng Mỏn Thon. Vừa qua, tôi đã thu hoạch 10 công sầu riêng Ri 6 cho trái sớm và bán được giá tới 110.000 đồng/kg. Hiện tại, tôi vẫn còn 15 công sầu riêng trái còn nhỏ, chưa tới lứa thu hoạch, tôi rất mong giá sầu riêng tới đây không bị giảm mạnh. Trong những năm trước, khi sầu riêng vào vụ thu hoạch rộ, giá Ri 6 có thời điểm chỉ còn ở mức trên dưới 45.000 đồng/kg”. Ông Nguyễn Văn Thọ ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 6 công sầu riêng Ri 6 đang cho trái và dự kiến vài tuần nữa mới tới lứa thu hoạch. Trước tình hình giá sầu riêng bị giảm, tôi cũng có phần lo cho đầu ra sản phẩm trong thời gian tới, nhất là khi hiện giá bán trái sầu riêng còn phụ thuộc nhiều vào đầu ra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tôi mong tới đây đầu ra xuất khẩu tiếp tục thuận lợi và giá sầu riêng được duy trì ở mức cao để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng sầu riêng. Tôi cũng rất mong có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến để liên kết, ký các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với nông dân. Qua đó, giúp đôi bên cùng có lợi khi giảm được các khâu trung gian, nông dân bán sầu riêng được mức giá tốt, doanh nghiệp có nguồn hàng đảm bảo chất lượng và có vùng nguyên liệu ổn định”. Cũng theo ông Thọ, thời gian qua khi sầu riêng mới có trái còn nhỏ và còn non, đã có nhiều thương lái tìm đến tận vườn ngỏ ý đặt cọc mua sầu riêng lúc thu hoạch với giá “chết” lên đến 80.000-100.000 đồng/kg nhưng không ký hợp đồng rõ ràng và số tiền đặt cọc cũng ít. Ðể tránh rủi ro, ông quyết không chịu bán vì sợ khi đến thu hoạch, giá giảm, thương lái có thể bỏ tiền cọc mà không đến thu mua đúng thời điểm. Khi ấy, nông dân bị động trong tìm các doanh nghiệp và mối lái khác để tiêu thụ sản phẩm.
Những năm gần đây, đầu ra trái sầu riêng có nhiều thuận lợi nhờ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mở rộng. Từ tháng 9-2022, nước ta đã xuất khẩu chính ngạch lô hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư, từ đó mở ra những đơn hàng lớn liên tục được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, nông dân trồng sầu riêng ở nước ta cũng bán được sản phẩm với mức giá cao hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Song, giá sầu riêng thời gian qua liên tục biến động với biên độ khá lớn, chứ không ổn định. Do vậy, ngành chức năng cần có các giải pháp cân đối cung – cầu, điều tiết và tổ chức sản xuất sầu riêng cho trái rải vụ một cách phù hợp để ổn định giá bán giữa các tháng trong năm. Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã và nông dân để tạo mối liên kết bền vững. Kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng và hành vi có thể ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng…
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Th124
Nhộn nhịp vụ mùa Đông Xuân
Nguồn tin: báo Long An
Những ngày này, các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An bắt đầu thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Năm nay, giá lúa cao, lại trúng mùa nên nông dân Tân Thạnh rất phấn khởi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần làm cho niềm vui như được nhân đôi.
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, nông dân huyện Tân Thạnh xuống giống hơn 29.000ha, hiện thu hoạch khoảng 5.000ha
Ngay từ sáng sớm, trên các cánh đồng ở huyện Tân Thạnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy gặt đập liên hợp đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín. Từng đoàn người vác lúa trên cánh đồng làm cho không khí vụ mùa vùng quê trở nên sôi động.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, ông Nguyễn Văn Mạnh (ấp Huỳnh Tịnh, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) sản xuất hơn 2ha nếp. Với giá bán hiện nay tại ruộng gần 9.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, ông Mạnh có lợi nhuận 35-40 triệu đồng/ha. “Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh ít phát sinh, đặc biệt là chọn giống lúa chất lượng và tuân thủ lịch gieo sạ của ngành Nông nghiệp khuyến cáo nên không chỉ năng suất đạt cao mà chi phí lại thấp, lúa bán được giá. Vụ này, nông dân ai nấy đều phấn khởi” – ông Mạnh chia sẻ.
Nghề vác lúa cũng vào mùa, tạo thêm thu nhập cho người dân
Cùng niềm vui như ông Nguyễn Văn Mạnh, ông Đinh Văn Mười (ấp Nguyễn Bảo, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) nói: “Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình canh tác hơn 1,5ha lúa, thu hoạch hơn 8 tấn, bán cho thương lái với giá 9.900 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lợi nhuận gần 70 triệu đồng. Lúa năm nay được mùa, trúng giá nên có điều kiện đón tết sung túc hơn”.
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, nông dân huyện Tân Thạnh xuống giống hơn 29.000ha, hiện thu hoạch khoảng 5.000ha. Các giống được sử dụng là OM18, Đài thơm, IR4625. Đây là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của vụ lúa Đông Xuân. Nông dân cùng nhau ra đồng, đợi máy thu hoạch chở lúa về từ sớm.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thạnh – Trần Thanh Hiền cho biết: Cùng với đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân, nông dân trong huyện cũng chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón,… để sẵn sàng sản xuất vụ tiếp theo. Hội Nông dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để có vụ mùa bội thu”.
Những chuyến xe chở lúa chạy bon bon trên đường quê đổi mới cùng những nụ cười rạng rỡ và niềm vui hiện rõ trên nét mặt nông dân. Đó là sự phấn khởi trước mùa vàng bội thu. Những cánh đồng như nhuộm lên màu nắng, trải rộng mênh mông. Nắng và gió quyện với mùi thơm lúa chín tạo nên mùi hương đồng nội nhẹ nhàng. Với người dân Tân Thạnh, cây lúa không chỉ có giá trị kinh tế nông nghiệp mà còn là đời sống văn hóa, là hồn quê./.
Chí Tâm
Th103
Nông dân Vĩnh Châu sẵn sàng vụ hành tím sớm bán Tết
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có diện tích và sản lượng hành tím lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Hiện tại, nông dân trên địa bàn đã đẩy mạnh gieo trồng vụ hành tím sớm với kỳ vọng trúng mùa, bán được giá dịp tết Nguyên đán năm 2024.
Năm nay, ông Ngô Văn Lý, ngụ Phường 2 sử dụng một phần đất rẫy để trồng vụ hành sớm bán đón Tết 2024. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng hành nên hằng năm năng suất thu hoạch của gia đình ông luôn ở mức cao. “Vụ hành tím năm rồi năng suất bình quân 1,5 – 2 tấn/1.000m2, giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg nên gia đình vô cùng phấn khởi. Năm nay, bước đầu tôi thấy thời tiết khá thuận lợi, trời ít mưa, đất khô ráo, cây hành ít sâu bệnh và phát triển nhanh. Tôi rất hy vọng có vụ hành bội thu và có giá cao để đón Tết thật trọn vẹn” – ông Lý cho biết.
Năm nào cũng vậy, gia đình ông Nguyễn Văn Phấn, ngụ Phường 2 cũng dành riêng 1.000m2 đất rẫy để trồng hành bán Tết. Ông Phấn chia sẻ: “Giống hành gia đình trồng tương đối ngắn ngày, dự kiến thời điểm thu hoạch vào khoảng giữa tháng 12/2023 (âm lịch), sẽ kịp bán phục vụ Tết. Năm vừa qua, với 1 công đất trồng hành dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ, nhưng gặp mưa dầm làm giảm năng suất, ngoài ra còn do bệnh hại đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Năm nay thời tiết đầu vụ thuận lợi, tôi hy vọng từ nay đến ngày thu hoạch, rẫy hành sẽ phát triển tốt, có năng suất cao, giá ổn định”.
Nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hành tím qua mô hình trồng trong nhà lưới. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Không chỉ trồng hành kiểu truyền thống, năm nay ông Thạch Soal, ngụ xã Vĩnh Hải còn mạnh dạn đổi mới khi dành riêng khoảng 1.000m2 đất để làm mô hình trồng trong nhà lưới. Hiện tại, hành tím của gia đình ông trồng được hơn 1 tháng và phát triển tốt. Ông Thạch Soal cho biết: “Qua theo dõi 2 phương pháp trồng này, tôi nhận thấy có sự khác biệt. Đối với 1.000m2 hành trồng trong nhà lưới thấy ít sâu hại, ít sử dụng phân, thuốc. Riêng 2.000m2 được trồng theo truyền thống, tuy chi phí có cao nhưng không nhiều, một phần có thể nhờ thời tiết năm nay cũng “ủng hộ” nông dân”.
Theo đồng chí Mã Chí Thọ – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, trong vụ hành tím năm 2023 – 2024, trên địa bàn thị xã dự kiến xuống giống khoảng 5.000 hécta; trong đó diện tích hành tím sớm có khoảng 1.300 hécta, hành chính vụ khoảng 3.700 hécta. Vào thời điểm giữa tháng 11/2023, giá bán hành tím thương phẩm được thương lái thu mua khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg, với mức giá này thì người trồng hành đảm bảo có được lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất. Đến thời điểm này, giá đã giảm so với trước. Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân xuống giống rải vụ, từ đó sản lượng thu hoạch được rải đều, không tập trung vào cùng một thời điểm như các năm trước, điều này sẽ giúp việc tiêu thụ hành tím trên thị trường tương đối ổn định. Bên cạnh đó, chính quyền và ngành chức năng thị xã Vĩnh Châu luôn nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho nông sản hành tím thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị, công ty, chuỗi siêu thị cả trong và ngoài tỉnh để tránh tình trạng tồn đọng hành tím vào thời điểm thu hoạch rộ.
Hằng năm, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có 3 đợt trồng hành, gồm vụ hành sớm, hành chính vụ và vụ hành giống. Để giúp cho nông dân gia tăng giá trị kinh tế từ củ hành tím, ngay từ đầu vụ hành năm nay, ngành Nông nghiệp thị xã đã chủ động phối hợp với sở, ngành tỉnh đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân trong khâu sản xuất, nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của yếu tố thời tiết. Đồng thời, xây dựng các mô hình trồng hành đạt hiệu quả cao như trồng hành tím trong nhà lưới, trồng theo hướng dùng phân bón hữu cơ. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu tư và đảm bảo được khâu tiêu thụ ổn định, giúp cho nông dân tăng được lợi nhuận.
PHƯỚC LIÊU
Th1006
Giá phân bón tăng trở lại
Nguồn tin: Báo Long An
Sau khoảng thời gian giảm mạnh, hiện giá các loại phân bón (PB) đã tăng trở lại, trong đó, phân đạm tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tuần trước; các loại khác như NPK, DAP,… tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg, tùy loại. Theo nhiều nông dân, nguyên nhân dẫn đến giá PB tăng là “ăn theo” giá lúa. Mặt khác, do thị trường PB trên thế giới đều tăng giá nên giá PB trong nước cũng tăng theo.
Giá nhiều loại phân bón tăng cao, nông dân gặp khó khăn vì chi phí sản xuất tăng
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh khá lo lắng khi giá PB tăng cao, trong khi đầu ra nông sản còn bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Hòa (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ) cho biết: “Tôi đang trồng 1,2ha dưa hấu nên sử dụng PB khá nhiều. Tôi lo khi giá nhiều loại PB đang “nhích” lên, trong khi năm nay, giá bán dưa hấu lại bấp bênh, có lúc chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng/kg. Vừa qua, tôi mua PB DAP với giá trên 1,3 triệu đồng/bao, còn NPK gần 1,2 triệu đồng/bao”.
Theo ông Hòa, để giảm chi phí PB, ông giảm lượng sử dụng PB hóa học và tăng cường sử dụng các loại PB hữu cơ. Tuy nhiên, khi chuyển sang các loại PB mới cũng như giảm lượng sử dụng, nguy cơ cây trồng bị giảm năng suất khá cao.
Đối với nông dân trồng lúa, việc giá PB tăng đúng vào thời điểm đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu 2023 nên chưa ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, sau khi lũ rút, nông dân bắt đầu sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thì đây sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tấn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết: “Giá PB tăng trở lại sau một thời gian giảm, nhất là các loại phân đạm có giá khoảng 900.000 đồng/bao, trong khi, các năm trước chỉ từ 650.000-800.000 đồng/bao”. Hiện ông Tấn ngâm lũ 2,8ha đất và sẽ gieo sạ ngay sau khi lũ rút. Giá PB cao như hiện nay, ông Tấn sẽ phải tính toán rất nhiều trong việc sử dụng cũng như đầu tư các chi phí sản xuất khác để bảo đảm hiệu quả kinh tế vụ Đông Xuân 2023-2024.
Theo một số chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá PB đang ở mức cao do giá PB trên thế giới tăng cũng như các nguyên liệu nhập khẩu và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất PB ở trong nước tăng. Giá PB DAP nhập khẩu từ Trung Quốc (50kg/bao) được bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ở mức trên 1,1 triệu đồng/bao, giá NPK 20-20-15 TE ở mức trên 1,2 triệu đồng/bao. Trong khi đó, giá các loại phân đạm (Urê) như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc đang bán lẻ ở mức 780.000-800.000 đồng/bao.
Trước những khó khăn trên, nhiều nông dân và cửa hàng bán lẻ PB mong muốn giá PB sớm được bình ổn và ngành chức năng cần tổ chức thêm các lớp tập huấn, giới thiệu cụ thể cho nông dân về những loại PB có giá phù hợp và chất lượng bảo đảm, nhất là các loại PB hữu cơ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá và chất lượng các loại PB trên thị trường, tránh xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý hay hàng gian, hàng giả, kém chất lượng./.
Minh Tuệ
Th1205
Nông dân chật vật trong “cơn bão” vật tư nông nghiệp
Nguồn tin: báo Sài gòn Giải Phóng
Giá vật tư nông nghiệp tăng “phi mã”, thậm chí có nông dân chua xót nói: “Chưa bao giờ thấy vật tư nông nghiệp giảm giá trong suốt năm 2022”. Vụ lúa thu đông vừa qua, trong nhiều lý do nông dân để đất trống có lý do sợ thua lỗ vì giá vật tư tăng quá cao. Nông dân trồng lúa, cây ăn trái, nuôi tôm không thể “bỏ đất trống mãi”.
Mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh của HTX Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đạt hiệu quả cao. Ảnh: TÍN DI
Chỉ tăng và tăng
Ông Phạm Công Danh (xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) nói như mếu: “Hơn 10 năm trồng 8ha lúa, chưa bao giờ thấy giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm, chỉ có tăng ít hay nhiều mà thôi. Trước đây, phân urê khoảng 400.000-500.000 đồng/bao (loại 47kg/bao), giờ vọt hơn 1 triệu đồng/bao. Với chi phí sản xuất tăng, vụ lúa thu đông này dù được mùa, nhưng lợi nhuận vẫn không thể nào cao như những vụ trước”.
Theo ông Danh, gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng gấp đôi, ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận của nông dân. Đặc biệt, tháng trước giá xăng dầu tăng cao, nông dân tăng thêm khoản chi phí trong sản xuất và khâu vận chuyển. Còn bà Nguyễn Thúy Nga (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) lo lắng khi giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng chưa có điểm dừng. “Mỗi hécta lúa phải bón từ 600-700kg phân các loại. Vụ lúa rồi, lợi nhuận đã giảm 40% vì giá phân bón tăng. Hiện nay tất cả các loại phân bón tiếp tục tăng cao, nguy cơ vụ đông xuân 2022-2023 sắp tới sẽ bị lỗ vốn nếu giá lúa không tăng”, bà Nga chia sẻ.
Ngăn chặn tình trạng trục lợi, tăng giá vật tư nông nghiệpTheo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, ngành đang tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tình trạng trục lợi, tăng giá hoặc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể là tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm phân bón. Thông báo kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ, quy mô sản xuất các loại cây trồng đến doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp để chủ động cân đối, cung ứng giống, phân bón… đáp ứng kịp thời cho sản xuất. |
Trong 6 tháng gần đây, giá phân bón tăng rất cao, có những loại tăng giá trên 100%. Chẳng hạn, giá phân urê là 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm chỉ khoảng 6.700 đồng/kg. Nhiều chủ đại lý phân bón cũng than khó vì các loại phân bón tăng gần gấp đôi, khiến việc kinh doanh rất khó khăn. Ông Nguyễn Phước Hưng, chủ đại lý phân bón Hưng Lợi (xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho hay, hiện tại giá phân urê khoảng 960.000 đồng/bao, giá kali sản xuất trong nước cũng đã gần 800.000 đồng/bao… So với cùng kỳ năm trước, giá các loại phân bón tăng ít nhất 80% trở lên, trong đó tăng cao nhất là urê trên 125%, phân DAP tăng 150%.
Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Nông dân nuôi tôm đối diện với nhiều khó khăn như thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt là giá thức ăn tăng cao. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến giờ, giá thức ăn cho tôm đã nhiều lần điều chỉnh tăng. Vì vậy, nông dân thu hoạch rơi vào thời điểm giá tôm thấp thì sẽ thua lỗ”.
Tìm giải pháp thích ứng
ĐBSCL có gần 3 triệu hécta trồng lúa, cây ăn trái và nuôi thủy sản, nhu cầu sử dụng hàng triệu tấn vật tư nông nghiệp trong năm. Riêng vụ lúa đông xuân 2022-2023, ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa. Tính toán sơ bộ của các sở NN-PTNT trong vùng, cần khoảng 1 triệu tấn phân và khoảng 10.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với giá vật tư tăng vọt, diễn biến giá xăng dầu càng làm nông dân thêm lo lắng. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong vùng đang nỗ lực giúp nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp sản xuất tiến bộ để giảm lượng giống và lượng phân bón.
Ngay khi giá vật tư nông nghiệp tăng vọt, Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã khẩn trương tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm; tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ nhằm giảm dần hoặc thay thế phân bón vô cơ…
Theo Bộ NN-PTNT, có 40.000-60.000ha lúa/vụ ở ĐBSCL đã áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm vật tư nông nghiệp, thân thiện với môi trường như: sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác lúa thông minh, sản xuất lúa an toàn sử dụng khoáng tự nhiên không phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật… Hầu hết các mô hình sản xuất lúa đều giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm từ các mô hình này có đầu ra ổn định, tăng thu nhập, tạo được vùng nguyên liệu, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất bền vững. So với ruộng không áp dụng theo quy trình, các mô hình này đã giúp nông dân đạt lợi nhuận cao hơn ruộng không áp dụng mô hình từ 3-8 triệu đồng/ha. Đây được xem là giải pháp thiết thực giúp nông dân thích nghi và duy trì lợi nhuận tối thiểu từ sản xuất lúa. Tuy nhiên, diện tích áp dụng các mô hình này vẫn còn ở mức khiêm tốn, cần nhanh chóng nhân rộng các mô hình này là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Theo ý kiến của các nhà khoa học và nhiều nông dân, các địa phương cần tăng cường kiểm soát giá phân bón bán buôn ở các đại lý vật tư, nhất là kiểm soát chặt mức “hoa hồng” ở mức vừa phải, không để tăng quá cao. Ngoài ra, hiện hàng ngàn nông dân trồng lúa, trồng cây ăn trái có hợp tác với doanh nghiệp (bao tiêu sản phẩm), thì giá vật tư do doanh nghiệp cung cấp thường thấp hơn mua ở các đại lý 5%-15%. Đây là cách làm hay cần nhân rộng để giảm trung gian ở các đại lý, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân.
GS-TS VÕ TÒNG XUÂN:Sử dụng phân bón thân thiện với môi trườngCần phân định rõ ĐBSCL có 3 vùng nông nghiệp chính: Vùng thượng nguồn – nước ngọt quanh năm; vùng giữa – ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập; vùng ven biển – nước ngọt trong mùa mưa, nước mặn-lợ trong mùa nắng. Theo đó, sản xuất lúa ở vùng thượng nguồn có hệ thống thủy lợi cần áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, bón lót phân hữu cơ vi sinh có pha ít phân khoáng NPK, bón thúc và nuôi đòng với lượng phân khoáng vừa phải. Vùng giữa đồng bằng gồm lúa, thủy sản, mương liếp trồng cây ăn trái, cần tăng cường áp dụng phân bón hữu cơ vi sinh kết hợp ít phân khoáng và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Vùng ven biển, là vùng sản xuất bền vững nhất: lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng. Vùng này cần sản xuất giống lúa chất lượng cao và ngon cơm được sản xuất theo phương pháp an toàn thực phẩm gắn với sử dụng phân hữu cơ vi sinh kèm một ít phân khoáng. |
PGS-TS DƯƠNG VĂN CHÍN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:Sản xuất hữu cơ nên tính đến yếu tố thị trườngCác bộ, ngành cần có các giải pháp phù hợp để thích ứng với vật tư nông nghiệp tăng giá trên thế giới. Vùng ĐBSCL cần tập hợp các HTX trong vùng và thuyết phục các nông dân xã viên áp dụng mô hình: Giảm 50% lượng phân bón sử dụng bằng cách chôn vùi phân bón xuống sình nhưng năng suất lúa vẫn không giảm theo nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới và trong nước. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phong trào rộng khắp thế giới. Nhiều nước trên thế giới cũng ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu. Diện tích nuôi trồng hữu cơ gia tăng qua từng năm, các ngành hữu quan đã xây dựng tiêu chuẩn để đạt sản phẩm hữu cơ, nhiều công ty dịch vụ trong nước cũng như quốc tế đang làm dịch vụ chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam. Nông nghiệp hữu cơ là một chân trời rộng mở. Tuy nhiên nên lưu ý, muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững nên tính đến yếu tố thị trường. |
Ông NGUYỄN THANH TRUYỀN, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnhLong An: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vậtĐiều cần thiết hiện nay là tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón tiết kiệm, tận dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh…, bón phân phù hợp theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách sử dụng. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương đã tăng cường hướng dẫn nông dân quy trình quản lý dịch hại tổng hợp ngay trên đồng ruộng theo vòng đời phát triển của cây lúa. Nông dân được thấy, hiểu và áp dụng, từ đó hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ được số lượng thiên địch cần thiết, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, ngành tiếp tục tuyên truyền cho người dân nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: đúng chủng loại, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật. |
Th918