
Tập trung tháo “nút thắt” cho sầu riêng
nguồn tin: Báo Đăk Lăk
Phát triển trên vùng đất bazan màu mỡ, sầu riêng Đắk Lắk có nhiều lợi thế hơn hẳn những vùng khác trong cả nước về sản lượng và chất lượng, nhất là sầu riêng Dona – sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá trị kinh tế cao và thị trường đang rộng mở đã làm cho tốc độ phát triển của cây sầu riêng quá nhanh, gây ra nhiều bất cập, hạn chế trong sản xuất, quản lý vùng trồng cũng như các khâu liên quan đến xuất khẩu.
Để làm rõ những vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông VŨ ĐỨC CÔN, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk
* Sầu riêng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, với nhiều tiềm năng, thế nhưng việc phát triển loại cây trồng này ở Đắk Lắk đang bộc lộ nhiều bất cập. Xin ông cho biết đó là những điểm bất cập nào?
Không thể phủ nhận lợi thế và giá trị kinh tế cao mà cây sầu riêng đang mang lại cho người dân Đắk Lắk, nhất là khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chính yếu tố này đã khiến việc phát triển sầu riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Trước hết là diện tích đang tăng mạnh, năm 2022 là trên 15.000 ha (tăng trên 12.000 ha so với năm 2015) và hiện người dân đang tiếp tục mở rộng trồng mới ở nhiều địa phương, với dự kiến năm 2023 diện tích sầu riêng toàn tỉnh lên trên 22.000 ha, trong đó có nhiều vùng trồng nhỏ lẻ, trồng xen và thiếu đồng bộ từ quy trình trồng, chăm bón.
Mặt khác, nhận thức của người dân về mã số vùng trồng cũng như việc tuân thủ các yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu vẫn còn hạn chế, đặc biệt là nhận thức về chủ thể đại diện và sử dụng mã số vùng trồng; một số doanh nghiệp thực hiện công tác liên kết vùng trồng chưa thực sự công khai, minh bạch. Tiếp đến là việc áp dụng các quy định như: quy trình sản xuất; quy trình kiểm soát dịch hại và quy trình thu hoạch sản phẩm tại vùng trồng chưa được đồng nhất. Một bất cập nữa là lực lượng chuyên môn của địa phương hiện còn hạn chế, mỗi huyện đã bố trí một cán bộ phụ trách hoạt động liên quan đến mã số vùng trồng nhưng lại đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Trong khi đó, việc kiểm tra thực tế tại vùng trồng cần nhiều thời gian dẫn đến quá tải trong việc thiết lập hồ sơ vùng trồng…
* Vậy ngành nông nghiệp của Đắk Lắk đã có những “kịch bản” nào để sầu riêng phát triển bền vững từ khâu sản xuất đến thị trường xuất khẩu, thưa ông?
Dự đoán được những tình huống phát triển khi giá trị sản phẩm tăng cao nên ngay từ khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần sầu riêng. Đồng thời, tập trung rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 217/KH-UBND, ngày 14/11/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác thiết lập, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là thành lập và đưa vào hoạt động Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, đây là hiệp hội ngành hàng sầu riêng đầu tiên trong cả nước.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh, với mục tiêu xây dựng và phát triển ngành hàng này theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị chất lượng của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: bố trí sử dụng đất phát triển sầu riêng theo từng địa phương; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về giống, sản xuất và chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất (giao thông, thủy lợi, logistics); tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; đề xuất các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển ngành hàng; xây dựng thương hiệu Sầu riêng Đắk Lắk…
* Theo ông, trong bối cảnh sầu riêng đang gặp nhiều “áp lực” về phát triển sản xuất và thị trường thì Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát huy vai trò của mình như thế nào trong thời gian tới?
Mặc dù trái sầu riêng Đắk Lắk – Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu riêng Thái Lan và Philippines về sản lượng và chất lượng, tuy nhiên, trái sầu riêng Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn trên “đường đua” xuất khẩu với các nước cùng trồng loại cây này, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Nếu chúng ta không làm tốt các khâu từ sản xuất cho đến xuất khẩu thì sầu riêng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ cùng xuất khẩu vào thị trường lớn này.
Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk xác định sẽ là nơi tập hợp và làm cầu nối tạo mối liên kết chặt chẽ, trách nhiệm giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phát triển thị trường. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân tại vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiệp hội sẽ phát huy vai trò giám sát, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong các hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp…
* Xin cảm ơn ông!
Thuận Nguyễn (thực hiện)
Th1102

Vùng trồng sầu riêng của Đồng Nai đạt chuẩn xuất khẩu
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ngày 19-9, Việt Nam vừa chính thức xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc. Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong đợt đánh giá này, 100% vùng trồng và cơ sở đóng gói của Đồng Nai đăng ký tham gia đều đạt chuẩn và được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng với quy mô 533 ha được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân
Năm 2022, Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi. Trong đó, các yêu cầu phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định nghiêm ngặt về phòng, chống Covid-19.
Xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nên mọi thay đổi về chính sách liên quan đến nhập khẩu ở thị trường này đều ảnh hưởng rất lớn đến thị trường rau, quả của Việt Nam.
Bà Trần Thị Tú Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho biết, để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ngày từ đầu năm 2021 Sở NN-PTNT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Kết quả, tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh đều đạt trong đợt đầu đánh giá, cấp mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Kết quả, trong đợt đánh đầu tiên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về vùng trồng và cơ sở đóng gói, Đồng Nai có 7 vùng trồng được cấp mã số gồm: HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H, Xuân Lộc); HTX sầu riêng Lò Than, Vùng trồng Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An; Tổ Hợp Tác Sầu riêng Phú Sơn (H.Tân Phú); HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Xuân Lập; HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh). 3 cơ sở đóng gói được cấp mã số gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Hương (H.Định Quán); Cơ sở đóng gói Thanh Trung; Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Lộc Phát (TP.Long Khánh).
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao nên doanh nghiệp chủ động đăng ký được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì xuất khẩu chính ngạch sẽ không còn lo tình trạng ùn ứ xe hàng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, giảm rủi ro trong vận chuyển, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định hơn cho trái sầu riêng.
HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H, Xuân Lộc) được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: Phan Anh
Tính chuyện đường dài
Tại Hội nghị “Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc” diễn ra vào ngày 12-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần chuẩn bị cho hành trình đi xa, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng. Ở đây không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính là Trung Quốc. Đồng thời, thông qua câu chuyện trái sầu riêng nhìn lại chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, nhìn lại lợi thế, tiềm năng, rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng qua việc chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân… Ngành nông nghiệp cần phải tập huấn, chuẩn hóa cho người nông dân, tránh tình trạng giả mạo truy xuất nguồn gốc; xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước…
Nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cây ăn trái chủ lực cũng là định hướng tỉnh Đồng Nai đang tập trung triển khai trong thời gian tới. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, thời gian qua, Ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng và đang tập trung giám sát và hoàn thiện hồ sơ trình công nhận mới 12 mã vùng trồng chuối, sầu riêng xuất khẩu. Toàn tỉnh cũng đã có 5 cơ sở đóng gói chuối và sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu và 19 cơ sở đóng gói đang chờ được phê duyệt để cấp mã số xuất khẩu.
Để đủ điều kiện được cấp mã số, các cơ sở đóng gói phải xây dựng quy trình đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu từ khâu nhập hàng, xử lý trái cây, khu chứa nguyên liệu đến kho thành phẩm đều phải đảm bảo vệ sinh…Đặc biệt, trái cây xuất khẩu đều phải có tem truy xuất nguồn gốc; thùng đựng phải dán nhãn với đầy đủ thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất hoặc mã số vùng trồng, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói…
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand…với tổng diện tích hơn 24 ngàn ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 53 mã số cơ sở đóng gói đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand…
Phan Anh
Th323