Trồng chè hướng hữu cơ: Lợi ích nhân 3, lợi nhuận nhân 2
THÁI NGUYÊN Nhiều hợp tác xã làm chè tại Thái Nguyên đã chuyển hình thức canh tác sang hướng hữu cơ từ nhiều năm nay, thành quả thu được lớn hơn mong đợi.
Tiên phong trồng chè hữu cơ
Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (ở xóm Thái Sơn 2, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) chia sẻ: Ông tiếp quản công việc làm chè của gia đình từ năm 2000 đến nay.
Ngay từ thời điểm đó, ông thấy rằng việc sử dụng hình thức canh tác cũ, tất cả từ phun thuốc trừ sâu đến bón phân đều là hóa học đã khiến cho thiên địch như giun, dế, nhện… không sống được. Trong khi đó đất đai bị chai cứng, nước ô nhiễm, dẫn tới sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, nhiều loại bệnh ngoài da cho tới bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo xuất hiện.
Nhận thức được nguy hiểm từ chất hóa học gieo rắc cho nhiều thế hệ, ông Đại cùng người thân trong gia đình và các hộ liên kết sản xuất ngày đêm suy nghĩ việc thay đổi hình thức sản xuất an toàn với con người, thân thiện với môi trường.
Đó cũng chính là lý do từ trước năm 2010, HTX chè Tiến Yên đã bắt đầu canh tác chè theo hướng hữu cơ rất sớm khi rất ít người sản xuất theo hình thức này ở Thái Nguyên. Đến nay, đơn vị này có diện tích trồng chè hơn 10ha, tất cả đã được chứng nhận VietGAP và đang trong quá trình làm quy trình để được công nhận là sản phẩm chè hữu cơ.
Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên đã sản xuất chè theo hướng hữu cơ từ trước năm 2010. Ảnh: Toán Nguyễn.
Ông Đại phấn khởi nói: “Người dân chúng tôi sinh sống giữa vùng chè Tân Cương, nhờ sớm làm chè hữu cơ nên môi trường ở khu vực này trong lành, không còn mùi khó chịu của thuốc trừ sâu hóa học bay khắp nơi như trước. Nguồn nước giờ cũng cơ bản sạch, an toàn và nước giếng vẫn là nguồn nước sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của người dân. Người dân trong xóm đã từ lâu không có người bị bệnh ung thư hay bệnh hiểm nghèo liên quan tới việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Nhiều người dân ở xóm Thái Sơn 2 gắn bó cả cuộc đời với công việc chăm sóc và thu hoạch chè, họ chính là những người cảm nhận rõ nhất về những ưu việt trong việc canh tác chè theo hướng hữu cơ”.
Bà Loan, năm nay đã gần 60 tuổi và gắn bó cả cuộc đời với cây chè cho biết: Trước đây dùng phân hóa học, nhất là thuốc trừ sâu hóa học khiến người lúc nào cũng khó chịu, ngứa ngáy, mệt mỏi cả với người tiếp xúc trực tiếp hoặc sinh sống quanh những đồi chè. Nhưng những năm trở lại đây, khi không dùng chất hóa học nữa mà chuyển sang hữu cơ, thấy sức khỏe mọi người tốt hơn, hoạt bát hơn. Giờ mọi người làm chè phấn khởi, an tâm sản xuất mà không lo lắng độc hại nữa.
Người lao động an tâm làm việc mà không còn lo độc hại của thuốc trừ sâu và phân hóa học. Ảnh: Đào Thanh.
Kiên trì theo hướng hữu cơ
Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX Chè trung du Tân Cương (TP Thái Nguyên) cho biết: Từ năm 2017 đến nay, 100% diện tích đất trồng chè của HTX đã chuyển hình thức canh tác theo hướng hữu cơ. Thời gian đầu thực hiện vô cùng khó khăn, vì mất khoảng 6 tháng sản lượng giảm sâu do cây chè bị thiếu chất.
Vấn đề khác khiến bà con nản lòng là tình trạng sâu bệnh hoành hành với mật độ cao. Những vấn đề nói trên làm cho người trồng chè bị thất thu, thậm chí không được thu hoạch, nhiều xã viên chán nản và muốn quay lại hình thức canh tác cũ.
Tuy nhiên, lãnh đạo HTX Chè trung du Tân Cương đã động viên bà con kiên trì, vì các chế phẩm hữu cơ như vỏ đỗ, vỏ cây, mùn cưa, phân xanh, phân chuồng, lạc dại, rơm rạ… cần có thời gian để phân hủy, cải tạo đất. Bà con không dùng thuốc trừ sâu hóa học độc hại nữa, thay vào đó là chế phẩm sinh học có nguồn gốc là thảo mộc. Sau một thời gian, những thiên địch có lợi phát triển, cũng là lúc sâu bệnh được giải quyết.
Sau khoảng 6 tháng, khi cây chè bắt đầu hút được dưỡng chất từ các chế phẩm hữu cơ thì sản lượng chè bắt đầu được khôi phục. Sau hơn 1 năm, lượng dưỡng chất trong đất đã được duy trì ổn định thì hiệu quả thấy rõ, sản lượng đạt tương đương với dùng phân hóa học, nhưng chất lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối. Lớp vỏ cây, vỏ đỗ, mùn cưa tạo thành lớp mùn dày giữ ẩm cho cây, chất dinh dưỡng tự nhiên được thẩm thấu trong đất giúp cho mầm chè mọc tươi tốt hơn, mập hơn.
Th1011