Thái Nguyên mất trắng vụ vải thiều
Nguồn tin : Báo Nông nghiệp
Mặc dù quả vải đang có giá cao ngất ngưởng nhưng người trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lại vô cùng buồn bã khi có một vụ mất mùa chưa từng có.
Đã thành thông lệ, tại tỉnh Thái Nguyên, vào độ giữa tháng 6, đầu tháng 7 hàng năm, những chùm vải thiều chín đỏ au, to tròn đẹp mắt sẽ được bày bán ở khắp nơi từ siêu thị đến các chợ truyền thống. Tuy nhiên năm nay, mặc dù đang chính vụ nhưng quả vải lại vắng bóng trên thị trường. Dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Thái Nguyên và các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai…, số người bày bán vải thiều chỉ lác đác vài sạp.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương bán trái cây ở chợ Túc Duyên (TP Thái Nguyên), vào thời điểm này năm ngoái, vải thiều được bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, mỗi ngày bà bán được từ 50 – 70kg. Tuy nhiên năm nay do vải thiều mất mùa nặng, giá vải tăng gần gấp 3 lần nên rất ít người mua, hàng bán rất chậm. Mỗi ngày bà Thảo chỉ bán được khoảng 5 – 10kg.
Tương tự bà Thảo, ông Nguyễn Đức Việt, một lái buôn trái cây có tiếng ở xã Phúc Thuận (TP Phổ Yên) cho biết đã làm nghề buôn bán hoa quả lâu năm nhưng chưa khi nào thấy giá thu mua vải thiều cao như năm nay.
“Những năm trước, tôi thường tới các vùng chuyên canh vải của Hải Dương và Bắc Giang để lấy từ 1 – 2 tấn về giao cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Nhưng năm nay, từ đầu vụ đến giờ, tôi chưa lấy được chuyến hàng nào bởi giá vải quá cao nên tiểu thương không đặt hàng”, ông Việt chia sẻ.
Hiện nay, theo khảo sát, giá quả vải thiều trên thị trường đạt mức cao nhất từ trước đến nay khi dao động từ 40.000 – 80.000 đồng/kg. Mặc dù quả vải đang có giá cao ngất ngưởng như vậy nhưng người trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lại vô cùng buồn bã khi có một vụ mất mùa chưa từng có.
Đã trồng vải thiều tại xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ hơn 20 năm nay nhưng chưa khi nào ông Nguyễn Văn Huấn lại chứng kiến vụ vải mất mùa nặng như năm nay.
“Ngay từ những tháng đầu năm Giáp Thìn, thay vì ra hoa, cây vải lại ra mầm lá. Cho đến nay, gần 20 cây vải của gia đình tôi không cây nào có quả. Dù tôi đã dùng một số biện pháp kích thích để vải ra hoa nhưng đều không hiệu quả.”
Không riêng gì gia đình ông Huấn, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều rơi vào tình trạng chung là gần như mất trắng vụ vải thiều. Điển hình như gia đình ông Tô Văn Học tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Thời điểm này năm ngoái, gia đình ông Học đã phải huy động hết nhân lực trong nhà mới có thể thu hoạch hết 50 cây vải thì năm nay vườn vải của ông gần như mất trắng.
“Các cụ thường nói ‘một năm ăn quả, một năm trả cành’ nhưng thường những năm mất mùa, mỗi cây vải cũng phải thu được khoảng 10 – 20kg quả. Riêng năm nay thì gần như mất trắng, số lượng quả trong vườn chỉ đủ để phục vụ gia đình”, ông Học buồn bã.
Theo lí giải của ngành chức năng cũng như kinh nghiệm trồng vải lâu năm của người dân địa phương, nguyên nhân vụ vải năm nay mất mùa nặng là do ảnh hưởng của thời tiết chuyển đổi thất thường, có đủ hình thái mưa – nắng, nóng – rét, sương giá… nên diện tích trồng vải tại nhiều nơi không ra hoa, những nơi có tỷ lệ nở và đậu quả cao nhất cũng chỉ bằng 50% năm ngoái.
Ngoài ra, mùa đông xuân 2023 – 2024 ở miền Bắc mặc dù vẫn có các đợt lạnh giá dưới 10 độ C nhưng so với trung bình nhiều năm nền nhiệt vẫn cao hơn khoảng 1,5 độ C, qua đó ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa của cây vải.
Từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 lại có các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất cao, trời nóng ẩm, dẫn đến cây vải có hiện tượng ra lộc sớm trên diện rộng, làm giảm mật độ hoa.
Tại vùng vải thiều ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) năm nay cũng có tình trạng vải ra lộc sớm, lộc ra cùng hoa, dẫn đến năng suất đậu trái giảm khoảng một nửa so với năm ngoái. Theo Phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà, toàn huyện năm nay có gần 3.300ha vải chín sớm và muộn. Trong đó có gần một nửa diện tích vải ra hoa cùng với lộc.
Còn tại “thủ phủ” vải thiều Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 29.700ha, sản lượng ước trên 100.000 tấn, chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2023.
Th530
Bố trí 20 điểm cân để 10.000 tấn vải chín sớm được tiêu thụ
Nguồn tin : báo nông nghiệp
Lãnh đạo xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để hơn 10.000 tấn vải trên địa bàn sớm được tiêu thụ, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết, vải sớm trồng trên địa bàn năm nay có chất lượng vượt trội, được giá.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ vải thiều, cũng như thương lái đến thu mua, xã Phúc Hòa đã bố trí khoảng 20 điểm cân, rải rác khắp các vùng trồng vải thiều trọng điểm như Phúc Lễ, Lân Thịnh, Quất Du 1, Quất Du 2…
“Hiện nhiều doanh nghiệp, thương lái người Trung Quốc đã đến tận các vườn vải, ký kết hợp đồng bao tiêu cho người dân”, ông Hiệp nói và phấn khởi thông tin thêm, rằng không khí thu mua vải ở Phúc Hòa những ngày này rất rộn ràng, tấp nập.
Cũng theo lãnh đạo xã Phúc Hòa, từ giữa tháng 5 (khoảng ngày 15/5), thương lái đã tập trung tại xã. Nhiều chuyến container chở vải sớm đã lên tới cửa khẩu tiêu thụ.
Vừa qua, Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Bắc Giang đã tiến hành phân tích dư lượng thuốc BVTV của sản phẩm vải thiều chín sớm. Kết quả đạt yêu cầu càng khiến nhiều hộ sản xuất vải, đặc biệt tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa tăng tốc thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Thời, một hộ dân trồng vải thừa nhận, năm nay dù thời tiết không thuận lợi nhưng do chăm sóc đúng quy trình nên diện tích khoảng 1 mẫu của gia đình được mùa, với sản lượng ước khoảng hơn 5 tấn.
Cuối tháng 5/2024, khi vải sớm thu hoạch rộ, thương lái đến tận vườn nhà ông thu mua, với giá dao động quanh ngưỡng 38.000 đồng/kg. Ông Thời hy vọng, giá vải thiều sẽ ổn định sang tháng 6, để người trồng vải tiếp tục có động lực chăm sóc, mở rộng diện tích cho vụ vải thiều sang năm.
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho thấy, vải sớm niên vụ 2023 – 2024 được giá. Những hộ gia đình đã ký hợp đồng thu mua được công ty trả cao hơn khoảng 15-30% so với giá thị trường.
Hiện các con đường vào huyện Tân Yên nói chung và xã Phúc Hòa nói riêng đều được nâng cấp, sửa chữa nên xe tải hầu hết đều vào được tận vườn, rất thuận lợi cho bà con. Dự kiến, hơn 700ha vải (ước khoảng hơn 10.000 tấn), trong đó trên 400ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Phúc Hòa sẽ sớm tiêu thụ hết.
Hiện diện tích vải thiều của huyện Tân Yên khoảng hơn 1.400ha, dự kiến sản lượng trên dưới 15.000 tấn. Huyện dự tính tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo tỷ lệ 50-50.
Để chuẩn bị tốt nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Tân Yên đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn và các xã có vùng vải sớm xuất khẩu tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ 27 mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu.
Trong đó, 17 mã xuất khẩu sang Trung Quốc diện tích 856ha, sản lượng 10.200 tấn; 3 mã xuất khẩu sang Nhật Bản với 25ha, sản lượng 300 tấn; 2 mã xuất khẩu sang Australia diện tích 22ha, sản lượng 260 tấn; 2 mã xuất khẩu sang Hoa Kỳ diện tích 21,4ha, sản lượng 250 tấn; 3 mã xuất khẩu sang Thái Lan diện tích 42ha, sản lượng 500 tấn.
UBND huyện cũng tích cực kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng gói vải tươi xuất khẩu, đồng thời chuẩn bị tem nhãn, bao bì, thùng xốp, đá cây đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Đến thời điểm hiện tại, hơn 10 doanh nghiệp có kế hoạch hoặc đã ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu với người dân huyện Tân Yên.
Vào ngày 27/5 vừa qua, UBND huyện Tân Yên đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm tại xã Phúc Hòa. Tại sự kiện, bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết thêm, thời gian thu hoạch vải sớm trên địa bàn sẽ tập trung từ ngày 22/5 đến 20/6. Đồng thời, ông mong muốn các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, định hướng và kết nối các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm chủ lực của huyện.
Th520
Trồng vải thiều chuẩn an toàn, ‘cháy hàng’ ngay tại vườn, giá 40.000 đồng/kg
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
BẮC GIANG Cùng với mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, huyện Lục Ngạn quản lý chặt các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu vải thiều năm 2023.
Canh tác an toàn, nông dân lợi đủ đường
Năm 2023, để chủ động trước sự biến đổi liên tục của thị trường và nâng cao giá trị sản xuất, ngay từ đầu vụ, các hợp tác xã (HTX), tổ sản xuất, chủ vườn vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tích cực mở rộng vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo anh Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải (thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang), sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi các chủ vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra. Ảnh: Trung Quân.
Anh Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: Tổng diện tích vải của HTX bao gồm cả liên kết sản xuất là 50ha. Trong đó, 10ha được cấp chứng nhận GlobalGAP và xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, các diện tích còn lại đều được cấp chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng vải trung bình hàng năm của HTX khoảng 400 – 500 tấn.
Theo anh Liên, khi sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các chủ vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt, đáp ứng các điều kiện của các thị trường xuất khẩu như: Chỉ sử dụng những loại thuốc BVTV có trong danh mục cho phép, đúng liều lượng, dừng việc phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày để đảm bảo đủ thời gian cách ly theo quy định; kỹ thuật chăm sóc thống nhất, có nhật ký ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất…
Anh Liên cũng cho rằng, cái lợi lớn nhất khi canh tác vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP là người trồng giảm được nhiều chi phí về phân bón, thuốc BVTV. Bởi lẽ, việc phun thuốc có thời điểm, theo đợt, có nhật ký nên không còn tình trạng phun tràn lan theo kinh nghiệm như trước đây, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc cây, các chủ vườn sẽ tăng dần tỷ lệ phân bón hữu cơ, giảm dần tỷ lệ phân bón hóa học, tận dụng chất thải từ chăn nuôi, lá cây, cỏ… ngâm ủ với men vi sinh để làm phân bón hữu cơ.
Nhật Bản được đánh giá là thị trường có yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng quả vải, do đó, khi sản phẩm được thị trường này chấp nhận, việc đảm bảo các tiêu chuẩn của những thị trường khác cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vườn vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.
“Khi canh tác vải theo tiêu chuẩn an toàn, không chỉ giúp người trồng tiết kiệm chi phí sản xuất mà giá bán sản phẩm cũng cao hơn so với sản xuất thông thường. Minh chứng là trong vụ vải 2022, giá bán vải xuất khẩu dao động từ 35.000 – 37.000 đồng/kg, trong khi vải thông thường chỉ 15.000 – 17.000 đồng/kg. Có những vườn nhờ tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật nên chỉ cần bán cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại vườn đã “cháy hàng” với giá luôn ở mức cao (40.000 đồng/kg)”, anh Liên cho hay.
Đang tất bật dọn vườn, chăm sóc vườn vải hữu cơ phục vụ xuất khẩu năm 2023, ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) vui vẻ chia sẻ: Tổ sản xuất có 9 hộ tham gia với diện tích 10ha.
Năm 2021, khi canh tác vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các thành viên của Tổ đã xuất khẩu được 20 tấn đi thị trường Nhật Bản. Năm 2022, từ diện tích này, HTX chuyển sang canh tác vải theo hướng hữu cơ và ngay lập tức đã giành được thắng lợi khi xuất khẩu được 20 tấn đi thị trường Nhật Bản và 20 tấn đi thị trường châu Âu.
Theo ông Mến, canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã khó, canh tác hữu cơ còn khó hơn. Bởi lẽ, khi canh tác hữu cơ, người trồng chỉ sử dụng chế phẩm thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh hại nên số lần phun phòng phải tăng lên. Bên cạnh đó, vườn trồng sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ nên trong thời gian đầu phải luôn duy trì được độ ẩm thì phân bón mới phát huy được hiệu quả. Do đó, số lần bơm nước, tưới cây, chăm sóc cũng sẽ nhiều hơn so với canh tác thông thường.
Lục Ngạn đang mở rộng xây dựng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ để phục vụ các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao. Ảnh: Trung Quân.
“Ban đầu, các thành viên ai cũng lo lắng vì không biết canh tác theo phương pháp mới thì hình thức, chất lượng quả vải có bị ảnh hưởng, doanh nghiệp có thu mua không? Chế phẩm thảo mộc có bảo vệ được quả vải trước sâu đục cuống quả hay không…? Trong khi đó, tổng chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nếu tính chi ly thì cao hơn gấp đôi so với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và gấp 3 lần so với sản xuất thông thường”, ông Mến bộc bạch.
Ông Mến cho rằng, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn là xu thế chung của toàn thế giới. Do đó, nếu các nhà vườn kiên trì, nghiêm túc trong quá trình thực hiện các yêu cầu, tiêu chuẩn thì chắc chắn sản phẩm sẽ xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Lúc này, các đầu mối tiêu thụ tất yếu sẽ tự tìm đến, sản phẩm có cơ hội đi vào những thị trường lớn, giá bán, lợi nhuận của người trồng cũng nhờ đó tăng lên.
“Trước mắt, Tổ sản xuất dự kiến sẽ thu hoạch vụ vải năm nay khoảng từ ngày 5 – 20/6, sản lượng ước đạt khoảng 60 – 70 tấn. Tổ sản xuất đặt mục tiêu sang năm 2024 sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ”, ông Mến thông tin.
Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT Lục Ngạn, quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng các vườn vải phục vụ xuất khẩu được thực hiện rất nghiêm ngặt. Định kỳ 1 – 2 tuần, cán bộ chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra quy trình và tra nhật ký sản xuất của các vườn để kịp thời hướng dẫn, bổ sung phương pháp chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện nghiêm túc các yêu cầu từ phía các cơ quan chuyên môn và thị trường nhập khẩu.
Quản chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói
Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2023, diện tích trồng vải toàn huyện hơn 17.300ha, sản lượng khoảng 97.600 tấn. Trong đó, diện tích vải sớm hơn 3.900ha (sản lượng 25.000 tấn), vải chính vụ hơn 13.300ha (sản lượng 72.600 tấn).
Huyện cũng đặt mục tiêu diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP 13.200ha, sản lượng khoảng 81.300 tấn; xây dựng mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn hữu cơ quy mô 20ha, thực hiện tại 3 xã, dự kiến sản lượng 125 tấn.
Huyện duy trì 84 mã số vùng trồng (MSVT) với diện tích hơn 11.800ha (Trung Quốc 35 mã; Mỹ, Australlia, EU 15 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã); quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) đủ điều kiện xuất khẩu.
Huyện Lục Ngạn triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng. Ảnh: Hoàng Anh.
Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT Lục Ngạn, để hoàn thành được các mục tiêu này, UBND huyện Lục Ngạn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc cấp, quản lý các MSVT, mã số CSĐG. Trong đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh giám sát, cấp mới MSVT, mã số CSĐG và số hoá vùng trồng.
Đối với MSVT và mã số CSĐG đã được cấp, thường xuyên rà soát, đánh giá và quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của nước nhập khẩu và các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV, nhật ký đồng ruộng; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mã số CSĐG, bao bì, tem nhãn cũng như các điều kiện theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 775:2020/BVTV và các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.
Huyện yêu cầu các chủ thể tuyệt đối không được tự ý cho mượn, trao đổi, dùng chung MSVT, mã số CSĐG trong quá trình xuất khẩu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp cho mượn hoặc tự ý sử dụng MSVT khác không đúng mục đích theo quy định.
Đối với các MSVT và mã số CSĐG đăng ký chuẩn bị cấp, tiếp tục rà soát lại toàn bộ các CSĐG trên địa bàn huyện, chỉ giữ lại các CSĐG đủ điều kiện xuất khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn các MSVT và các CSĐG quả tươi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp.
Trong công tác tổ chức sản xuất, huyện Lục Ngạn thành lập các tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều cấp huyện, cấp xã và tổ kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm tra, giám sát MSVT và mã số CSĐG quả vải tươi xuất khẩu sang Trung Quốc; phối hợp giữa các tổ để chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất vải đáp ứng các yêu cầu về số lượng và chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu…
Th617