Hiệu quả mô hình nuôi trùn quế khép kín
(AGO) – Lấy trùn quế làm trung tâm của quy trình nuôi, trùn quế làm thức ăn cho gà, heo, bò; sau đó lại tận dụng phân của bò, gà, heo để ủ và sinh ra trùn quế. Cách làm khép kín này giúp anh Nguyễn Thanh Sang (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú An, Phú Tân) tiết kiệm chi phí chăn nuôi, đặc biệt chất lượng của đàn gia súc, gia cầm còn được cải thiện rõ rệt.
Dẫn chúng tôi tham quan lần lượt 3 trại nuôi gà, heo, bò kết hợp điểm nuôi trùn quế, anh Sang giải thích: “Vì chưa có điều kiện nên phải thuê đất để nuôi mỗi con một chỗ, nhưng không lâu nữa tôi sẽ cất trang trại để nuôi tập trung, vì hiệu quả kinh tế nhờ kết hợp trùn quế trong chăn nuôi rất êm. Tôi còn có ý tưởng lấy đất mùn sau khi nuôi trùn quế để trồng thêm rau an toàn trong nhà lưới, cung cấp rau sạch tại địa phương”. Trại gà ta của anh Sang hiện có 600 con được nuôi xoay vòng liên tục: Gà đẻ trứng, ấp cho nở rồi bổ sung vào tổng đàn khi gà thịt đã bán đi, đem lại lợi nhuận cho anh từ 5-6 triệu đồng/đợt bán. Trong khi đó, trại nuôi heo thịt luôn được duy trì hàng chục con heo thịt và heo giống, thu nhập ổn định sau mỗi lượt xuất chuồng. Theo anh Sang, trùn quế là nguồn thức ăn giàu đạm, rất thích hợp để nuôi bò và gà thả vườn. Trước đây làm nghề thu mua nông sản, vì thị trường chững lại nên anh Sang tìm hiểu nghề làm ăn khác, mong tìm được mô hình hợp với kinh tế gia đình và điều kiện tự nhiên ở địa phương. Nhờ sự giới thiệu của một người bạn tại TP. Hồ Chí Minh, anh biết đến hiệu quả của trùn quế trong sản xuất nông nghiệp, hơn nữa còn giúp ích trong việc giải quyết lượng phân thải chăn nuôi nên liền thử nghiệm.
Sử dụng trùn quế làm thức ăn cho heo, bò, gà giúp mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Thanh Sang tiết kiệm chi phí
Với chục con bò vỗ béo có sẵn ở gia đình, anh lấy nguồn phân để nuôi trùn. Trong ô nuôi, giống trùn được trải phía dưới, bên trên lót phân của gà, bò, heo làm thức ăn cho trùn. Đến nay, anh Sang có 25 ô nuôi trùn quế, với diện tích 1.000m2. Sau 60 ngày nuôi, trùn giống bắt đầu sinh sản và cho 3-4kg trùn khối. Khi lượng trùn phát triển ổn định, anh tiến hành nuôi gà con, vỗ béo gà thịt, nấu hoặc phơi khô để trộn trùn và cám thành thức ăn viên cho heo. Lúc đầu, anh cho vật nuôi ăn nhiều trùn quế để sớm đạt hiệu quả nhưng kết quả lại không như ý muốn. Làm tới đâu anh rút kinh nghiệm tới đó, điều tiết chế độ ăn để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của đàn gà, heo. Nếu bán trùn quế ra thị trường, với giá hiện tại 40.000 đồng/kg sẽ có thêm khoản thu nhập khá lớn nhưng anh Sang quyết định giữ lại toàn bộ để chăn nuôi, vì so chi phí với cách nuôi thông thường, trùn quế giúp việc nuôi gà tiết kiệm được 50%, nuôi heo tiết kiệm được 40%. Lấy đơn cử việc nuôi gà, anh phân tích theo cách nuôi truyền thống thì thời gian thả nuôi đến xuất bán mất ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, nuôi với thức ăn trùn quế thì gà lớn nhanh hơn, giảm mắc bệnh, thời gian nuôi chỉ còn 4 tháng, gà bán cho khách hàng được khen thịt ngon, dai và đầu ra ổn định.
Mô hình nuôi trùn quế khép kín của anh Nguyễn Thanh Sang là một trong 5 mô hình tiêu biểu được chọn tuyên dương tại Đại hội điểm nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi xã Phú An. Mô hình được Hội Nông dân huyện Phú Tân và chính quyền xã đánh giá cao không chỉ bởi mang lại lợi ích kinh tế, mà còn có ích cho môi trường vì góp phần xử lý nguồn chất thải trong chăn nuôi hiệu quả. Nếu áp dụng rộng rãi thì nông dân sẽ có cơ hội tăng thu nhập cho gia đình và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH, báo An Giang