
Số hóa canh tác, lão nông biến đất cằn thành vườn bưởi Diễn trĩu quả
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
HÀ NỘI Ở tuổi ‘xế chiều’, ông Diện vẫn rất nhạy bén ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc vườn bưởi. Bên cạnh đó, ông còn tuân thủ tốt canh tác theo VietGAP, hướng hữu cơ.
Lão nông nhạy bén ứng dụng công nghệ số
Đến thăm vườn bưởi xanh mướt, sai trĩu quả, chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình ông Lê Hữu Diện ở thôn Trung Cao, xã Trung Hòa (Chương Mỹ, TP Hà Nội), chúng tôi thực sự ấn tượng với cách làm của nông dân này.
Năm nay, vườn bưởi Diễn của ông Diện được mùa, quả sai và đều, mẫu mã đẹp, hứa hẹn thắng lợi. Ảnh: Trần Toản.
Ông Diện cho biết, năm 2005, ông chuyển đổi 4 sào đất gò đồi khó canh tác của gia đình sang trồng 140 gốc bưởi Diễn. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn vì vốn ít, kinh nghiệm và kỹ thuật chưa có khiến cây bưởi còi cọc, chậm phát triển. Không nản chí, ông nghiên cứu tài liệu, sách báo, internet, đi tham quan học hỏi các mô hình trồng bưởi Diễn đã thành công trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Diện còn tích cực tham gia các khóa học trồng cây ăn quả công nghệ cao do Thành phố, huyện tổ chức và được hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp canh tác, nhất là kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi bằng công nghệ sinh học (sử dụng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật).
Sau khi 4 sào bưởi trồng đầu tiên cho thu nhập khá, năm 2014, ông Diện tiếp tục đấu thầu thêm 2ha đất gò đồi hoang hóa cằn cỗi ở địa phương để trồng bưởi Diễn.
Mặc dù đã chủ động đào ao sát vườn bưởi để lấy nước tưới nhưng việc tưới từng cây cho cả vườn bưởi vừa tốn công mà tưới trước khô sau, độ ẩm không đều. Để khắc phục điều này, ông Diện đã đầu tư 120 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng phần mềm trên điện thoại di động. Từ khi ấy, chỉ cần ngồi nhà bấm nút, sau 30 phút, diện tích 2ha với 300 cây bưởi Diễn đã được “tắm” đều.
Theo ông Diện, việc sử dụng hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng phần mềm trên điện thoại di động có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp điều chỉnh được áp suất, lưu lượng nước tưới đồng đều cho toàn bộ các gốc cây ở những vị trí, địa hình khác nhau theo ý muốn; độ văng của dòng nước lên tới 36m, trong khi chi phí lắp đặt hợp lý với túi tiền của bà con nông dân.
Ông Diện đầu tư hệ thống tưới tự động, điều khiển qua smarphone. Ảnh: Trần Toản.
Ngoài việc tiết kiệm được chi phí nhân công tưới nước so với phương pháp thủ công, chỉ cần vài thao tác nhẹ nhàng, hệ thống tưới tự động còn tưới rải đều 100% vườn bưởi bất kể ngày hay đêm, nước tưới thấm sâu hơn. Nhờ đó, vườn bưởi cho năng suất, chất lượng quả cao hơn rõ rệt, quả bưởi có mẫu mã đẹp hơn, độ tươi của quả bưởi được duy trì lâu hơn nên có thể vận chuyể đi tiêu thụ đến các địa phương xa mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy giá bán bưởi của vườn ông Diện luôn cao và ổn định.
Hệ thống tưới nước tự động tại vườn bưởi của gia đình ông Diện được thiết kế, lắp đặt đồng bộ gồm tủ điều khiển điện tử, bộ điều khiển và giám sát được kết nối mạng internet với smartphone. Người vận hành sẽ cài đặt, thiết lập các thông số nhằm duy trì, kiểm soát trạng thái hoạt động, sự ổn định của toàn bộ hệ thống. Máy bơm nước được lắp đặt nhằm tăng áp suất nước, giúp cung cấp đủ nước. Bộ lọc có chức năng loại bỏ toàn bộ các tạp chất, rong rêu có trong nguồn nước. Ống dẫn nước chuyển nước từ nguồn đến toàn bộ khu vực vườn bưởi. Van điện từ được dùng để đóng/mở dòng nước cho hệ thống tưới.
Thành công nhờ kiên trì với canh tác hướng hữu cơ
Ngoài số hóa hệ thống tưới, ông Diện cũng chuyển hướng chăm sóc vườn bưởi Diễn từ vô cơ sang hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm của mình, ông Diện luôn tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Diễn, ông Diện bật mí: Vào tháng 12 hàng năm, sau khi thu hoạch xong quả, gia đình ông tiến hành dọn vườn, tỉa cành, phun rửa cây và phun ủ mầm hoa. Đồng thời, cây bưởi sẽ được “cho ăn” phân hữu cơ ủ hoai mục, đậu tương, ngô nghiền, quả chuối xay nhuyễn… để tiết kiệm chi phí, hạn chế tối thiểu phân bón hóa học, đồng thời tăng sức đề kháng cho cây, giúp cây khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt…
Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP nên quả bưởi cho chất lượng tốt, bảo quản lâu và luôn bán được giá cao. Ảnh: Trần Toản.
Khoảng tháng 2 năm sau, khi cây bưởi ra hoa, ông Diện tiến hành phun kích hoa, đồng thời tiến hành thụ phấn bổ sung để tăng tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi Diễn. Sau đó, dùng chế phẩm sinh học để phun phòng các loại bệnh trên cây bưởi như thán thư, sâu đục thân, sương mai, rỉ sắt, nhện đỏ, rệp…
Khoảng tháng 3 – 4 khi cây bưởi ra quả non, ông lại tiến hành bón thêm lượng nhỏ phân NPK, Kali, tỉa loại bỏ những quả dị tật, méo mó, những chùm quá nhiều quả cũng tỉa bớt, tốt nhất chỉ để lại 1 – 2 quả.
“Số lượng quả bưởi để lại trên cây tùy theo kích cỡ, tuổi cây. Cây bình thường thì để 100 quả đổ lại, nếu cây to thì 150 quả. Nếu để quả quá nhiều cây bưởi sẽ không đủ chất dinh dưỡng để nuôi quả. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, tôi thường tưới 2 lần trong ngày là sáng và tối. Để quả bưởi đạt chất lượng, tất cả các khâu từ chăm bón, phòng bệnh cho đến thu hoạch đều rất quan trọng”, ông Diện cho hay.
Cũng theo ông Diện, năm 2020, ông tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang. Tại đây, gia đình ông được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi, có các kỹ sư nông nghiệp về hỗ trợ, tư vấn 1 lần/tháng để sản phẩm quả bưởi có năng suất, chất lượng tốt nhất.
Hiện ông Diễn đã tham gia vào HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang, bưởi của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của TP Hà Nội. Ảnh: Trần Toản.
Tại vườn bưởi Diễn của gia đình ông Diện, mỗi cây bưởi được đánh dấu theo số thứ tự để tiện theo dõi, khi cây bị bệnh sẽ được tổ kỹ thuật của Hợp tác xã đến tận vườn để hướng dẫn cách xử lý. Quy trình chăm sóc như bón phân, phun phòng trừ sâu bệnh, tưới nước đều có sổ nhật ký để ghi chép; mua phân bón ở đâu, loại gì, bón bao nhiêu… đều được ghi chép rõ ràng, tỉ mỉ để hàng tháng Hợp tác xã đến kiểm tra sổ sách.
Hiện tại, khu vườn 2ha với 300 gốc bưởi Diễn của ông Diện được trồng theo quy trình VietGAP, cho thu hoạch 25 tấn quả/năm. Với giá bán bưởi loại 1 từ 35.000 – 39.000đ/kg, loại 2 từ 25.000 – 30.000đ/kg, trung bình mỗi năm ông Diện thu về khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí, ước lãi hơn 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông Diện còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương với thu nhập 350.000 đồng/người/ngày.
Th1111

Nông dân tất bật chuẩn bị trái cây, rau màu phục vụ tết
Nguồn tin: Báo Long An
Gần 2 tháng nữa là đến Tết Dương lịch năm 2024. Như mọi năm, vào thời điểm này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chuẩn bị trái cây, rau màu nhằm cung cấp cho thị trường mùa tết.
Th1111

Xoài Đồng Tháp xuất đi hơn 10 nước
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng ĐBSCL, sản lượng bình quân đạt trên 115.000 tấn quả/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp như lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng và sen. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trồng xoài VietGAP
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, bao gồm lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng và sen. Đặc biệt những năm gần đây ngành hàng xoài ở Đồng Tháp được ứng dụng công nghệ vào sản xuất như rải vụ, thụ phấn bông xoài 70% diện tích, bao trái xoài gần 90% diện tích nhằm giúp xoài ra trái quanh năm.
Tính đến nay diện tích trồng xoài của Đồng Tháp đạt hơn 14.000ha gồm 3 giống chủ lực như Cát Chu, Tượng da xanh và Cát Hòa Lộc. Xoài được trồng ở 12/12 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Cao Lãnh là 4.100ha và TP Cao Lãnh là 3.400ha, huyện Thanh Bình 1.700ha và huyện Lấp Vò 1.300ha… Sản lượng bình quân đạt trên 115.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.
Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi đến HTX xoài Mỹ Xương, ở huyện Cao Lãnh – hiện nay là thời điểm nhà vườn bắt đầu thu hoạch xoài nghịch vụ để cung cấp cho thị trường. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã tập tành mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tính đến nay diện tích trồng xoài của Đồng Tháp đạt hơn 14.000ha gồm 3 giống chủ lực là Cát Chu, Tượng da xanh và Cát Hòa Lộc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết: Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc BVTV, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gia đình ông đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học. Trước đây thông thường mỗi vụ ông phải tốn từ 8 – 10 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 15 – 16 tấn/ha thì hiện tại, chỉ cần 1 – 2 lần nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái để không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được, nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.
Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài cho thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí người trồng lãi từ 250 – 300 triệu đồng/ha/vụ.
295 vùng trồng xoài được cấp mã số
Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình sản xuất đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản hiện nay.
Sản lượng xoài bình quân của tỉnh Đồng Tháp đạt trên 115.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Trung Quốc là thị trường lớn đã được cấp 252 mã số vùng trồng (trên 7.000 ha). Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài.
Bên cạnh đó, hiện đã có 5 doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn tỉnh, 1 mã số đang hoạt động và 4 mã số đang chờ phê duyệt. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Tuy nhiên, diện tích thực hiện còn khá khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 486ha đạt chứng nhận VietGAP (33 cơ sở) và 2 ha đạt chứng nhận hữu cơ (Công ty TNHH Chú Chín).
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
“Hiện nhiều thị trường nhập khẩu yêu cầu nông sản phải được truy xuất nguồn gốc, mà để truy xuất được nguồn gốc thì phải được cấp mã số vùng trồng. Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là dễ tính nhưng nay cũng đã có nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta. Vì vậy, muốn tăng xuất khẩu nông sản thì quá trình sản xuất cần phải thay đổi để thích ứng và vượt qua các rào cản đó.
Tại vùng trồng xoài Đồng Tháp đến nay đã có hàng ngàn hecta được cấp mã số vùng trồng, đa phần những vùng này phục vụ cho xuất khẩu, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi”, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp khẳng định.
Th1030

Niên vụ cà phê 2023-2024: Bảo đảm tỷ lệ cà phê được hái chín trên 85%
Nguồn tin: báo Đăk Lăk
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị nhằm bảo đảm cho việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2023-2024 đạt hiệu quả cao.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85% (trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%). Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê non; hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy đề phòng trường hợp thời điểm thu hoạch gặp mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Kế hoạch phần mềm quản lý ngành hàng cà phê; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện tái canh cà phê, rà soát điều chỉnh kế hoạch tái canh; phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương trong việc kiểm soát chất lượng cà phê đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ ở các thị trường…
Thu hoạch cà phê ở Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu. |
Sở Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê; tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng cà phê sau thu hoạch; thường xuyên nắm bắt giá cả, dự báo tình hình diễn biến thị trường để thông tin kịp thời; chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý thích hợp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường để hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thực hiện công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ cà phê của tỉnh niên vụ năm 2023-2024…
Chế biến cà phê sau thu hoạch ở Trang trại cà phê Aeroco. |
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thu mua, tiêu thụ cà phê; ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi ép giá, ép cân để trục lợi.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2023-2024, nhất là nguồn vốn vay để đầu tư tái canh cà phê, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay cho những doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ theo sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để đảm bảo được mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Minh Thuận
Th1026

Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè hữu cơ
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sạch của khách hàng, cũng như nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, cân bằng môi trường sinh thái, từ năm 2020, HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) đã chuyển từ làm chè VietGAP sang canh tác chè hữu cơ, với diện tích 5ha.
Các đơn vị, tổ hợp tác sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè hữu cơ tại HTX chè Thủy Thuật. |
Anh Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, cho biết: HTX được thành lập tháng 6-2017, với 15 thành viên, chuyên sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 7ha. Đến năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, 5/7ha diện tích sản xuất chè của HTX được thay đổi toàn bộ quy trình chăm sóc từ khâu bón phân, phun tưới, đảm bảo 100% không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Không có bất kỳ chất tạo màu, tạo hương, tạo vị nào trong quá trình chế biến.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè phía sau nhà, chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên HTX, giới thiệu: Toàn bộ diện tích chè canh tác hữu cơ được chúng tôi phân thành các lô để dễ quản lý, theo dõi, đảm bảo từng khâu phải được chăm sóc kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Về bón phân, mỗi năm đồi chè sẽ được đào rãnh để bón phân chuồng ủ mục 2 lần, vào khoảng tháng 1 và đầu tháng 5. Sau đó sẽ bón rải gốc chè bằng phân hữu cơ. Sau mỗi lứa hái từ 10-15 ngày, bà con tiếp tục bón hỗn hợp gồm đậu tương nghiền trộn đường hoặc mật mía, bột ngô trộn với men vi sinh, ủ trong vòng 10 ngày.
Ngoài ra, cây chè có thể được bón đạm cá, chuối ủ để thay thế. Khi phát hiện cây chè bị sâu bệnh, dùng các chế phẩm vi sinh xua đuổi sinh học, thảo mộc. Các thành viên HTX cũng dùng vỏ cây keo, cây guột để vùi vào gốc chè nhằm tránh cỏ dại mọc lên và giữ ẩm, tạo độ phì nhiêu cho đất.
Theo lời chị Thủy, khi mới áp dụng canh tác hữu cơ, các thành viên trong HTX phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Bởi làm chè hữu cơ cần bỏ nhiều công sức nhưng năng suất chè giảm hẳn trong vòng hơn 1 năm đầu. Cụ thể, nếu trước 1 sào chè, bình quân thu được khoảng 22kg chè khô, thì giờ chỉ được từ 12-15kg. Thị trường lúc đó nhiều người chưa quan tâm đến chè hữu cơ, khách buôn giảm hẳn…
Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ khuyến nông cũng như sự kiên trì của bà con, đến nay, cây chè đã sinh trưởng, phát triển ổn định, chất lượng, giá thành chè được nâng lên. Sản phẩm chè của HTX hiện đã có mặt trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện nay, HTX tiêu thụ trên 5 tấn chè búp khô/năm, với giá bán từ 250 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg, tuỳ từng sản phẩm. Theo tính toán, trung bình 1ha chè hữu cơ đạt trên 475 triệu đồng/năm, cao hơn sản xuất thông thường 120 triệu đồng.
Theo đánh giá của các thành viên HTX, khi sản xuất chè hữu cơ, hệ sinh thái nương chè đã được cải thiện đáng kể, đất đai trở nên phì nhiêu hơn. Ngoài ra, bà con cũng yên tâm hơn khi sản xuất, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Không khí trong khu vực không còn bị ô nhiễm.
Với những nỗ lực của Ban Giám đốc và các thành viên, đến nay, HTX chè Thủy Thuật đã có các sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Vùng chè của HTX được chứng nhận mã số vùng trồng… Đặc biệt, cuối năm 2022, sản phẩm chè của HTX được các đơn vị chuyên môn chứng nhận là sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ năm 2023..
Th1026

Ớt Palermo ‘khổng lồ’ được săn đón
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
SƠN LA Xuất hiện tại Mộc Châu chưa lâu, giống ớt ngọt Palermo khiến nhiều người thích thú bởi kích cỡ quả ‘khổng lồ’ (200 – 300g/quả), ăn lại rất ngon và giàu dinh dưỡng.
Do dịch bệnh Covid-19 khiến công việc gặp khó khăn, năm 2019, anh Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1990) đã chuyển hướng, rời Hà Nội lên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) để lập nghiệp.
Anh Phạm Văn Tuấn, chủ trang trại ớt Palermo tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Thảo Phương
Sinh ra ở mảnh đất miền núi huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), từ nhỏ anh Tuấn đã yêu thích làm vườn, tìm tòi các giống cây trồng. Ngoài tìm hiểu kiến thức trong sách vở, lên mạng, anh Tuấn còn cùng bạn bè vào Đà Lạt (Lâm Đồng) để tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La được ví như “Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam bởi khí hậu ôn hòa, thích hợp để trồng các loại rau, quả ôn đới. Nắm được thế mạnh đó, cùng với kiến thức tích lũy được từ thành công của mô hình trồng dâu tây trước đó, đầu năm 2023, anh Tuấn đã trồng thử nghiệm giống ớt ngọt Palermo (giống ớt này đã được trồng thành công tại Đà Lạt).
Với diện tích 8.000m2 nhà màng, anh Tuấn đã quyết định đầu tư trồng 1,2 vạn cây ớt Palermo. Hạt giống ớt này được anh Tuấn nhập khẩu từ Hà Lan.
Cây ớt Palermo trưởng thành có chiều cao trung bình từ 1,6 – 1,7m, cho năng suất 3 – 4kg/cây. Ảnh: Thảo Phương
“Giống ớt này một năm mình làm được một vụ, tháng 6 gieo hạt thì tháng 9 thu hoạch được. Trong quá trình chăm sóc, công đoạn tỉa hoa là quan trọng nhất. Nếu căn chỉnh không đúng thời điểm, phù hợp với thời tiết thì quả sẽ không đậu, không đạt được năng suất cao.
Thời gian đầu nhiều người chưa biết tới giống ớt này nên nghĩ ăn sẽ cay và hăng, nhưng khi ăn thử thấy khá ngon, giòn và ngọt. Các đại lý ban đầu chỉ mua mỗi lần 5 – 10kg để bán thử, sau đó đều đều mỗi ngày lấy vài tạ”, anh Tuấn chia sẻ.
Qủa ớt Palermo có 4 màu (đỏ, vàng, cam và sô cô la). Mỗi màu sắc cho hương vị khác nhau. Đặc biệt, loại ớt này có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, vitamin C trong ớt ngọt Palermo cao gấp 3,8 lần quả cam và 1,7 lần kiwi. Ớt Palermo có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch kéo dài trong khoảng 8 tháng, năng suất quả đạt từ 3,5 – 4kg/cây.
Với 8.000m2 nhà màng, hiện trang trại ớt của anh Tuấn cung ứng ra thị trường trung bình từ 9-10 tạ ớt mỗi ngày. Trang trại trồng ớt của anh Tuấn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30 lao động, trong đó có nhiều lao động tại địa phương.
Quả ớt Palermo có khối lượng từ 200 – 300g, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Thảo Phương
Bà Phạm Thị Kim Phượng (tiểu khu 6, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là chủ cửa hàng hoa quả tại thị trấn Mộc Châu tỏ ra khá thích thú khi lần đầu nhìn thấy quả ớt Palermo “khổng lồ”.
“Đây là lần đầu tôi thấy trái ớt lớn như vậy, màu sắc cũng đa dạng và đẹp, nhìn rất bắt mắt. Ớt này khá dễ ăn, không hắc, có vị ngọt và thơm. Với giá trị dinh dưỡng cao như vậy, tôi tin chắc tương lai ớt Palermo sẽ trở thành sản phẩm OCOP và là nông sản đặc sắc mới của Mộc Châu”, bà Phượng chia sẻ.
Ớt ngọt Palermo là một trong những giống ớt thịnh hành không chỉ trong bữa ăn gia đình mà còn nằm trong thực đơn tại các nhà hàng ở châu Âu, châu Mỹ. Đầu năm 2020, Ớt Palermo đã nhận được giải thưởng Hương vị của năm 2020 (Taste of the Year 2020, Sabor del Año 2020) tại Tây Ban Nha.
Ớt Palermo thu hoạch tại trang trại của anh Tuấn ở Mộc Châu với 4 màu sắc khác nhau, hương vị mỗi màu quả cũng khác biệt nhau. Ảnh: Thảo Phương.
Vừa qua, ông Lim Mansuk, một chuyên gia nông nghiệp, Giám đốc Công ty Thương mại Kfram Hàn Quốc đã có chuyến thăm trang trại ớt Palermo của hộ gia đình anh Tuấn tại huyện Mộc Châu. Ông Lim Mansuk bị thu hút bởi loại ớt khổng lồ này.
“Tôi khá thích thú với trang trại ớt của anh Tuấn. Tôi sẽ đưa sản phẩm này về nước và nghiên cứu, đất nước chúng tôi chưa có loại quả này. Tới đây, tôi sẽ khảo sát thị trường của Hàn Quốc, nếu sản phẩm này tiêu thụ tốt, tôi sẵn sàng đầu tư mô hình sản xuất giống ớt Palermo này tại Hàn Quốc”, ông Lim Mansuk chia sẻ.
Th1024

Phúc Sinh Group khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn
Ngày 21/10, Công ty CP Phúc Sinh Sơn La đã khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.
Dự khai trương có ông Lò Minh Hùng – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các ông/ bà Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực UBND tỉnh; các ông/bà nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan, nước Công hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; Đoàn đại biểu tỉnh Hủa Phăn (Công hòa dân chủ nhân dân Lào).
Công ty CP Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) là một trong những đơn vị xuất khẩu nông nghiệp tiêu và cà phê uy tín nhất trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Phúc Sinh Group đã có 6 nhà máy nông sản tại Bình Dương, Đắk Lắk, Sơn La.
Phúc Sinh đã dành trọn tâm huyết và luôn nỗ lực đầu tư, phát triển các dự án nhà máy sản xuất tiêu, cà phê với quy trình và công nghệ hiện đại.
Công ty luôn sáng tạo và ra mắt những sản phẩm độc đáo, có mặt lần đầu tại Việt Nam như tiêu sấy lạnh, sốt tiêu và hiện tại là trà Cascara. Phúc Sinh Group đã có đóng góp không nhỏ vào hệ thống kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giúp các sản phẩm nông nghiệp nước nhà như:tiêu, cà phê gia tăng giá trị kinh tế, xuất khẩu.
Nhà máy chế biến trà Cascara của Phúc Sinh Sơn La là dây chuyền đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và chế biến trà Cascara trên quy mô lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Trà cà phê Cascara là một sản phẩm rất được ưa chuộng tại khu vực Mỹ và Nam Mỹ nhưng còn khá mới lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Người ta thường xử lý vỏ cà phê bằng cách làm vật liệu đốt hoặc phân bón cho cây. Những cách làm này không những không tối ưu mà còn gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ít người biết rằng vỏ quả cà phê khi được chế biến thành trà Cascara có nhiều giá trị dinh dưỡng, mang lại những lợi ích sức khỏe như: hỗ trợ hệ tiêu hóa, chống oxy hóa, giúp đẹp da, đẹp tóc…”, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group phát biểu trong lễ khánh thành.
Cũng theo ông thông, Phúc Sinh đã sản xuất và xuất khẩu trà Cascara trong vài năm gần đây. Khi sản phẩm nhận được sự yêu thích, ủng hộ từ nhiều khách hàng ở Ý, Pháp và các nước châu Âu, Phúc Sinh quyết định thành lập nhà máy sản xuất trà Cascara để cung cấp sản lượng trà lớn hơn cho thị trường nội địa và quốc tế.
Nhà máy Phúc Sinh Sơn La tự hào là đơn vị sản xuất cà phê Arabica Sơn La và trà Cascara với quy trình sấy khô và tách vỏ hiện đại của Colombia. Dây chuyền chế biến trà Cascara đầu tiên tại Việt Nam đạt được cùng lúc 3 tiêu chuẩn vùng nguyên liệu bền vững và BRC Food 9. Nguồn nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng từ các vườn cà phê mẫu, cà phê đặc sản đến từ 22 nông dân tại bản Tường Chung và Bản Củ – huyện Mai Sơn.
Đây cũng là vùng trồng cà phê nằm trong dự án cà phê bền vững Rainforest Alliance, vùng cà phê công nghệ cao của tỉnh Sơn La. Cà phê tại đây được các nông hộ chăm sóc, thu hái theo quy trình nghiêm ngặt và đưa vào sản xuất. Nhà máy thực hiện kiểm soát quy trình chế biến, vận hành theo HACCP Codex, BRCGs nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khi được hỏi về bài toán nâng cao giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế của trà Cascara Sơn La, ông Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Sơn La cho biết, để đem đến sản phẩm Cascara có giá trị cạnh tranh với Brazil, Colombia thì ta cần cho ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất và ngon nhất.
Phúc Sinh Sơn La đã không ngừng nghiên cứu và phát triển dây chuyền sản xuất đồng bộ, dựa trên sự mô phỏng cách làm trà thủ công nhưng năng suất cao hơn, đảm bảo chất lượng và sự ổn định giữa các lô trà làm ra.
“Dây chuyền Blue Sơn La Cascara gồm có: Hệ thống rửa quả tiêu chuẩn thực phẩm, tách vỏ, sấy khử UV. Hệ thống sấy lạnh đa chức năng đảm bảo sạch và giữ nguyên hương vị, màu sắc. Hệ thống đóng gói tự động có thể ra các sản phẩm túi lọc vuông, túi lọc tam giác. Công suất dây chuyền thiết kế là 0.5 tấn trên một lô sản xuất, và sử dụng 3 công nhân làm việc”, ông Anh cho biết.
Theo đại diện Phúc Sinh Sơn La, đơn vị tin rằng, với sự phát triển công nghệ liên tục của dây chuyền này, công ty sẽ còn làm ra được nhiều sản phẩm từ trà và cà phê chất lượng cao hơn để phục vụ rộng rãi trong ngành thực phẩm đồ uống.
Bích Ngọc
Th1024

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Công điện nêu rõ, việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Đến ngày 11/10/2023 mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%); thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán năm.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy nguồn lực, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền… nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích tín dụng vào các dự án khả thi, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng; rà soát kỹ lại, nghiên cứu thủ tục cho vay thông thoáng và giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; trong đó phát huy vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại nhà nước và sự tham gia tích cực, sáng tạo của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hướng dẫn, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đồng thời triển khai các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Th1016

Tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc vào tối 13/10.
Tôn vinh và trao danh hiệu 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tại buổi lễ, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân, các cấp Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua các cấp Hội đã tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước ấy, đã xuất hiện lớp nông dân điển hình xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, tham gia bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, nhiều hợp tác xã tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp; dịch vụ…
Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân gương mẫu hiến đất; đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu đã đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, hình thành chuỗi sản xuất đa giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tại lễ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 hợp tác xã tiêu biểu, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định việc xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” với tinh thần là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức hợp lý; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng và phát triển của đất nước. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng nhanh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững diễn ra phong phú và sôi nổi, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh,100 nông dân xuất sắc và 63 hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu được tôn vinh hôm nay là những đại diện xuất sắc nhất trong hàng triệu nông dân tiêu biểu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế, là những tấm gương người thực, việc thực, đầy sức thuyết phục trong cộng đồng.
Tại Lễ tôn vinh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những thành tích đạt được của Hội Nông dân Việt Nam, của mỗi cán bộ, hội viên nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp trong những năm qua.
Đỗ Hương
Th1016

Bưởi da xanh Thanh Thủy trên đất dốc
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Trên sườn dốc cao của đất Mỹ Đức, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), một vườn bưởi da xanh với những trái bưởi đặc sản đang cho trái ngọt. Lựa chọn trồng giống cây giá trị cao trên đất dốc, người nông dân nơi đây đã cho thấy hướng đi hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Trường bên vườn bưởi da xanh
Anh Nguyễn Hữu Trường, nông dân Thôn 7, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh cũng như hầu hết những người nông dân xung quanh luôn trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để có được thu nhập ổn định. Mảnh đất của anh có diện tích lớn, tới 6 ha nhưng nằm trên một quả đồi cao. Đất bazan cao nguyên khô cháy dưới những cơn gió mùa khô khiến người nông dân càng thêm vất vả. Nhưng, anh Trường không ngại khó, không ngại khổ để trồng và hôm nay đã được hưởng vị ngọt từ trái bưởi.
Anh Trường kể lại, mảnh đất đồi khá dốc, cằn cỗi vì thiếu nước. Ban đầu, anh trồng điều vì với mảnh đất này, chỉ có cây điều mới chịu được khô hạn, cằn cỗi. Nhưng trồng điều thu nhập không ổn định, giá thất thường, năng suất bấp bênh. Vì vậy, anh tính toán trồng cây ăn trái như rất nhiều nông hộ trong xã. Nhận thấy cây bưởi da xanh rất hợp đất Mỹ Đức, lại cho giá trị kinh tế cao, anh Trường đã xuống giống 500 cây bưởi da xanh thương hiệu Thanh Thủy, thứ bưởi vỏ xanh, ruột hồng không hạt, có vị ngọt đậm đà. Anh Trường chia sẻ: “Trồng bưởi là trồng cây lâu năm, tôi tính toán phải trồng giống nào cho năng suất và chất lượng ổn định, thị trường ưa chuộng. Khi tính toán kỹ, tôi chọn giống bưởi da xanh Thanh Thủy và mua giống ở cơ sở cung cấp giống uy tín, đảm bảo chất lượng”.
Chặt từng gốc điều, cày sạch rễ, đào hố trồng từng cây bưởi ghép, anh Nguyễn Hữu Trường đã đổ nhiều mồ hôi trên mảnh đất đồi dốc. Anh cho biết, đặc trưng của cây trồng trên đất đồi là lớn khá chậm do nguồn nước không dồi dào. Để đảm bảo nguồn nước tưới, anh Trường đào ao trên đỉnh đồi, bơm nước từ khe lên ao và sau đó, nước theo đường ống tự động chảy xuống cung cấp nước cho cây trồng. Theo anh Trường, trồng trên đồi việc chăm sóc khó hơn, gió lớn hơn, đất khô hơn nên cây không lớn nhanh như trồng đất bằng. Vườn bưởi trồng từ năm 2018 tới nay mới bước vào vụ thu hoạch đầu tiên trong khi nhiều vườn bưởi chỉ 3 năm là có trái. Tuy nhiên, trồng trên đất đồi, bộ rễ cây không bị úng nước, cây ít bệnh tật, ít phải sử dụng các lại thuốc bảo vệ thực vật chữa nấm, chữa bệnh. Và cũng vì lớn chậm, vị trái cây đất đồi đậm đà hơn trồng tại những vùng có độ ẩm cao. Trái bưởi da xanh đất đồi ngọt lịm, anh Trường bán rất dễ, được bạn hàng ưa chuộng. Anh cho biết, bưởi được bán ngay tại vườn với giá trung bình 25-30 ngàn đồng/kg, bao nhiêu hàng cũng hết.
Anh Trường chia sẻ, trái bưởi da xanh Thanh Thủy đặc trưng là da xanh, tép quả hồng, không có hạt. Với vị ngọt đặc trưng, khách hàng rất ưa chuộng dòng bưởi không hạt này. Để tìm đầu ra ổn định cho cây bưởi, anh Trường còn tham gia HTX trái cây Mỹ Đức, trồng bưởi theo chuẩn VietGAP, đảm bảo trái bưởi “vào” được siêu thị, chuỗi cửa hàng trái cây sạch. Cùng với các thành viên trong HTX trồng bưởi da xanh, đăng kí thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, trái bưởi da xanh của anh Nguyễn Hữu Trường được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Không chỉ dừng ở nội tiêu, anh và bà con HTX còn đang xây dựng kế hoạch đưa trái bưởi xuất ngoại, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Anh Trường vui mừng cho biết, cây bưởi vài năm đầu năng suất chưa cao, những năm về sau năng suất sẽ tăng dần và có thể cho thu hoạch ổn định tới 20 – 30 năm, là nguồn thu rất tốt bởi nhu cầu của người tiêu dùng với trái bưởi rất cao, nhất là khi anh và bà con nuôi ý định xuất khẩu trái bưởi Mỹ Đức.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết, vườn bưởi của anh Nguyễn Hữu Trường là một điểm sáng trong xã. Giống ngon, trồng theo hướng trái cây sạch, anh Trường đang cung cấp những trái bưởi chất lượng cao ra thị trường. Chính quyền xã đang tích cực động viên, hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Hữu Trường xây dựng nông sản vườn nhà thành sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu – nói theo kiểu nông dân là làm “sản phẩm OCOP”. Từ việc xây dựng một sản phẩm OCOP, Mỹ Đức hy vọng thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp người nông dân chọn lựa và phát triển những giống cây trồng mới có giá trị cao hơn.
DIỆP QUỲNH
Th1114