
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở Đà Lạt
Nguồn tin: báo Lâm Đồng
Nông nghiệp Đà Lạt với nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, từng bước hoàn chỉnh và nhân rộng quy trình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, đã tập trung xây dựng các vùng cây trồng chủ lực phát triển bền vững theo quy hoạch.
Giá trị thu nhập bình quân cây hoa Đà Lạt hiện đạt 970 triệu đồng/ha/năm
ĐẠT VÀ VƯỢT PHẦN LỚN CÁC CHỈ TIÊU
Thống kê trong năm vừa qua, toàn TP Đà Lạt sản xuất theo quy hoạch 1.900 ha rau tại các Phường 7, 8, 9, 11, 12, xã Xuân Thọ; 480 ha chè xã Xuân Trường và xã Trạm Hành; gần 3.950 ha cà phê ở các xã Xuân Trường, Trạm Hành, Xuân Thọ và Tà Nung. Riêng làng hoa Vạn Thành, Phường 5 và làng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ sản xuất theo quy hoạch với quy mô lần lượt 27 ha và hơn 20 ha gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp với dịch vụ, du lịch.
Đáng kể, toàn TP Đà Lạt đã xây dựng 7 mô hình cải tạo chất lượng cây giống khoai lang mật; 5 mô hình nông nghiệp thông minh; 3 mô hình dâu tây công nghệ cao; 1 mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể; 3 mô hình trồng cây trà hoa vàng… Đến nay, toàn TP Đà Lạt đạt 60 ha canh tác rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng từ Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ; áp dụng công nghệ canh tác thủy canh, khí canh (30 ha), công nghệ IoT (300 ha)…
Kết quả, toàn TP Đà Lạt đều đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững. Theo đó, tổng diện tích canh tác cây trồng các loại tương ứng với sản lượng đối với hoa (5.926 ha, 2,4 tỷ cành); rau (10.548 ha, 441.961 tấn); chè (236,8 ha, 3.032 tấn); cà phê (5.156,6 ha, 9.660 tấn nhân); dâu tây 160 ha, trong đó 140 ha sử dụng giống mới, canh tác trong nhà kính, tưới nước, bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt… Tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua các hình thức liên kết và thông qua hợp đồng đạt trên 48%/tổng sản lượng. Giá trị thu nhập bình quân cây hoa đạt 970 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt, một số mô hình canh tác hoa lily, địa lan thu nhập từ 2,5 – 3 tỷ đồng/ha/năm; cây rau đạt 830 triệu đồng/ha/năm; dâu tây đạt 3 – 4 tỷ đồng/ha/năm…
Tính chung, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn TP Đà Lạt đạt 7.050 ha, tăng 100 ha so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 65% diện tích đất canh tác. Trong đó, diện tích rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao 5.009 ha (rau: 2.773 ha, dâu tây: 140 ha, atisô: 110 ha; hoa 1.986 ha); diện tích cây chè 230 ha; cà phê 1.811 ha. Riêng diện tích rau sản xuất theo quy trình Chứng nhận VietGAP 1.020 ha; cây hàng năm áp dụng công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt đạt 95% trên tổng diện tích đất canh tác. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng với 48 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản lượng 31,8 triệu cây giống các loại phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, TP Đà Lạt có 2 làng hoa Vạn Thành và Thái Phiên được công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó còn có các đơn vị được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô 374,1 ha gồm: Công ty Cổ phần CNSH Rừng Hoa Đà Lạt; Công ty TNHH Dalat Hasfarm; Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P; Công ty TNHH Trang trại Langbiang; Công ty TNHH Sinh Học Sạch; Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1; Công ty TNHH Quang Nguyên Đà Lạt. Và 2 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình hữu cơ là Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt 4,5 ha, Chi nhánh Công ty TNHH trồng trọt thương mại Kim Bằng 1 ha.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
HOÀN THIỆN CHUỖI GIÁ TRỊ CÁC SẢN PHẨM LỢI THẾ CẠNH TRANH
Đến nay, TP Đà Lạt có 62 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và 2.264 các hộ nông dân, quy mô diện tích 2.319 ha, chiếm 22,1% diện tích canh tác. Cụ thể gồm 39 chuỗi liên kết với 1.232 ha rau, sản lượng 117.009 tấn; 8 chuỗi liên kết với 107 ha hoa, sản lượng 102 triệu cành; 7 chuỗi liên kết với 805 ha cà phê, sản lượng 2.310 tấn; 4 chuỗi liên kết với 144 ha chè, sản lượng 1.146 tấn…
Mục tiêu trong những năm tới gắn chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân. Đồng thời, tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn đối với các sản phẩm chủ lực như rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, dược liệu; xây dựng Mô hình Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ. Đặc biệt, “tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: rau, hoa, chè, cà phê, đặc sản, dược liệu; mở rộng liên kết sản xuất theo tiêu chí doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể…”.
VĂN VIỆT
Th708

Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ: Cung cấp sản phẩm sạch, hướng tới xuất khẩu
Nguồn tin: báo Bình Dương
Với sản phẩm chủ lực là bưởi, Hợp tác xã (HTX) Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) do anh Lê Minh Sang làm giám đốc là một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả và điển hình của tỉnh.
Từ nguồn vốn vay hỗ trợ, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ có điều kiện đầu tư máy rửa bưởi tự động
Theo anh Lê Minh Sang, năm 2006 anh bắt đầu trồng bưởi với diện tích 10 ha, đến năm 2013, sản phẩm bưởi của anh bắt đầu vào siêu thị. Cũng vào thời điểm này, Nhà nước có chủ trương mỗi xã phải có một đơn vị kinh tế hợp tác. Anh Sang và nhiều nông hộ xung quanh thành lập tổ hợp tác đầu tiên ở địa phương. Được chính quyền địa phương hỗ trợ từ thủ tục pháp lý đến phương hướng hoạt động, năm 2015, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ chính thức ra đời với 7 thành viên.
Học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, tích cực tìm kiếm thị trường và mạnh dạn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ không những duy trì hoạt động mà còn gắn kết được với doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Đến nay, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ có 22 thành viên, với tổng diện tích trên 60 ha, trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới. Tổng sản lượng sản xuất trên 300 tấn/ năm, lợi nhuận bình quân hàng năm đạt 15 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm cho các thành viên và khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động từ 8-10 triệu đồng/tháng/người.
Anh Lê Minh Sang cho biết từ khi thành lập cho đến nay, HTX luôn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển. HTX đã tham gia đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, giúp giảm chi phí đầu tư 18-22%. Anh Sang cho rằng để tiếp cận nguồn vốn vay, nông dân phải có phương án kinh doanh hiệu quả, đây là bài toán khó với các nông hộ nhỏ lẻ. Thông qua HTX, việc tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác sẽ giúp các thành viên giải quyết nhu cầu vốn từ chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức lớp đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặt khác, với sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về quy trình áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, tập huấn quản lý dịch hại, giúp giảm tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm nông sản an toàn để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Có thể thấy, hiệu quả từ chính sách đúng, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. HTX đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử mã cod QR để truy xuất nguồn gốc. Với những nỗ lực đó, hiện nay sản phẩm của HTX được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm bưởi của HTX còn đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc và Singapore.
PHƯƠNG ANH
Th703

Chanh không hạt Trà Vinh chinh phục châu Âu
Nguồn tin: báo Nông Nghiệp
TRÀ VINH Hợp tác xã trồng chanh không hạt tại Trà Vinh góp phần cải thiện cho đời sống người dân địa phương thông qua việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Chanh không hạt trồng giúp nhiều nông dân Trà Vinh cải thiện kinh tế. Ảnh: Hồ Thảo.
Khi đặt chân đến xã Huyền Hội, huyện Càng Long, chúng tôi không thể bỏ qua cảnh vườn chanh xanh mướt, trĩu quả bên những ngôi nhà mới khang trang của người dân. Theo lời kể trước kia trồng lúa và dừa từng là hoạt động chủ yếu của cư dân địa phương, nhưng lại không mang lại lợi nhuận đáng kể. Điều này đã thúc đẩy họ tìm kiếm giải pháp mới và cây chanh không hạt đã nổi lên như một lựa chọn vượt trội.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trồng chanh không hạt Thành Trí, là người tiên phong trong việc trồng loại cây này. Ông đã nghiên cứu rất kỹ về chanh không hạt và khám phá cơ hội xuất khẩu sang châu Âu. Qua việc canh tác tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, HTX trồng chanh không hạt Thành Trí đã thiết lập mối liên kết giữa các nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX đã ký hợp đồng xuất khẩu chanh không hạt với một công ty ở Hà Lan, thị trường quan trọng của châu Âu, với số lượng hàng hóa lên đến 100 tấn mỗi năm.
HTX trồng chanh không hạt Thành Trí tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP và các nông dân tham gia HTX được hưởng giá từ 10 nghìn đồng trở lên cho mỗi kg chanh. Hơn nữa, họ còn được hưởng ưu đãi khi mua phân bón và thuốc trừ sâu với giá ưu đãi, không qua trung gian.
Ông Phan Đức Tài cho hay: “Chanh không hạt có quả tạo thành chùm, vỏ mỏng, nước ít chua hơn và không có vị đắng. Chanh không hạt được sử dụng làm nước giải khát có mùi thơm ngon và tác dụng giải nhiệt tuyệt vời, do đó, thị trường rất ưa chuộng. Để nâng cao hiệu suất kinh doanh, HTX đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh tế bằng cách kết hợp mô hình vườn, ao, chuồng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã hợp tác với các doanh nghiệp lớn để mở rộng hoạt động trồng đậu bắp và đu đủ, nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên trong HTX”.
Sự thành công của HTX trồng chanh không hạt Thành Trí đã truyền cảm hứng cho những nông dân khác. Gần đây, nhiều hộ gia đình tại xã Huyền Hội đã chuyển từ trồng dừa sang trồng cây chanh không hạt. Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Danh ở ấp Sóc, người đã mua giống từ HTX và trồng trên một diện tích 4.000m2 đất nhà.
Ông Danh cho biết, cây chanh không hạt chỉ cần chăm sóc đúng cách khoảng 17 tháng bắt đầu cho trái, kỹ thuật trồng cũng đơn giản hơn so với loại cây khác. Giá bán ổn định từ 20 – 30 nghìn đồng/kg vào những tháng cao điểm, trong khi thời điểm giá rẻ cũng từ 15 – 20 nghìn đồng/kg. Hai tuần, ông có thể thu hoạch một lần và thu nhập hàng năm của ông đạt khoảng 400 triệu đồng từ 4 công đất trồng chanh (1 công = 1.000m2). Trồng chanh chỉ khó nhất là thu hoạch, phải thuê nhân công hái trái với giá 200 nghìn đồng/người/ngày.
Sự thành công của việc trồng cây chanh không hạt tại xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, là một ví dụ điển hình về sự sáng tạo và tận dụng cơ hội của người nông dân Việt Nam. Thông qua việc hợp tác, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu, họ đã đạt được thành công và tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Câu chuyện này không chỉ chứng minh tiềm năng phát triển của nông nghiệp Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Chanh không hạt được HTX thu mua với giá ổn định từ 10 nghìn đồng/kg trở lên. Ảnh: Hồ Thảo.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, một cán bộ nông nghiệp tại xã Huyền Hội, cũng chia sẻ rằng HTX ban đầu đã gặp khó khăn tài chính và may mắn nhận được sự hỗ trợ từ UBND xã với khoản tiền là 30 triệu đồng. Điều này đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của HTX. Hiện nay, thị trường chính của HTX là châu Âu, và thành công này đã làm tăng số lượng thành viên của HTX trồng chanh không hạt Thành Trí từ 10 hộ ban đầu lên trên 100 hộ.
Đồng thời, diện tích trồng cây đã được mở rộng và cơ hội việc làm mới đã được tạo ra cho người lao động trong địa phương. Mô hình trồng chanh thành công không chỉ mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình mà còn đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Nông dân trong khu vực đã chứng tỏ khả năng thích nghi với những thay đổi và tận dụng những cơ hội mới để cải thiện cuộc sống của mình. Qua việc mở rộng xuất khẩu sang châu Âu, chanh không hạt Trà Vinh đã khẳng định được chất lượng và uy tín trên thị trường quốc tế.
Th626

Đam Rông: Chú trọng nâng cao chất lượng sầu riêng để mở hướng xuất khẩu
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
(LĐ online) – Những năm gần đây, huyện Đam Rông tổ chức sản xuất sầu riêng theo hình thức liên kết xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, nâng cao chất lượng để xuất khẩu.
Huyện Đam Rông đang tập trung chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng
MỞ RỘNG QUY MÔ, LIÊN KẾT SẢN XUẤT
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, sầu riêng là một trong những cây trồng tiềm năng và là thế mạnh của huyện. Thời gian qua, sản xuất sầu riêng trên địa bàn huyện được tập trung phát triển và đạt kết quả cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Huyện có khí hậu, thổ nhưỡng và thủy văn thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển. Đặc biệt, huyện có điều kiện để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng nguồn nông sản chất lượng và hướng đến xuất khẩu. Với mức giá giao động từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg như hiện nay, sầu riêng đã trở thành mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp nhiều nông hộ vươn lên làm giàu.
Cũng theo bà Hà, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành và đang mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng. Trong đó bao gồm 1 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng. Qua thống kê, diện tích trồng sầu riêng toàn huyện ở vào khoảng 1.800 ha; trong đó, diện tích trồng thuần gần 750 ha, trồng xen trên 1.000 ha.
Diện tích sầu riêng ứng dụng công nghệ cao của địa phương khoảng 578 ha; diện tích bước vào giai đoạn kinh doanh là 451 ha, chiếm 24,8% tổng diện tích với tổng sản lượng trên 4.300 tấn.
Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng đang đầu tư, mở rộng tại địa bàn huyện với vùng liên kết lên đến hàng trăm ha. Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu thị trường, đặc biệt xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp đã đề xuất cấp 5 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng trên 260 ha.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: “Để các mô hình sản xuất sầu riêng đạt hiệu quả cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn cho người sản xuất, tổ chức các cuộc trao đổi kỹ năng sản xuất tại vườn điểm. Ngoài ra, còn xây dựng các mô hình sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, mô hình tưới tiết kiệm để phổ biến đến người dân”.
Nông dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái sầu riêng
CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG KÉM HIỆU QUẢ QUA TRỒNG SẦU RIÊNG
Để đẩy mạnh phát triển diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn và đáp ứng nguồn nông sản chất lượng cao cung cấp cho thị trường, hướng đến xuất khẩu, ngành nông nghiệp huyện Đam Rông hướng đến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, tiêu thụ và chế biến sâu nông sản.
Đồng thời, tổ chức công tác khuyến nông, trao đổi kỹ năng sản xuất sầu riêng đầu vườn cho nông hộ; hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất sầu riêng an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Huyện cũng chú trọng các giải pháp về kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, sản lượng sầu riêng gắn kết với chuỗi giá trị và liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp huyện Đam Rông đang thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cây trồng kém hiệu quả như điều, cà phê già cỗi thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm sang trồng sầu riêng. Đối với diện tích sầu riêng đang trồng xen, địa phương này tổ chức vận động người dân chuyển đổi sang trồng thuần khi cây bước vào giai đoạn kinh doanh, tức năm thứ 4 trở lên, để thuận tiện chăm sóc và tăng năng suất, chất lượng.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông đang hướng dẫn UBND các xã tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí sản xuất sầu riêng công nghệ cao. Và trên cơ sở rà soát này, ngành nông nghiệp sẽ đề xuất các giải pháp hỗ trợ đối với các tiêu chí chưa đạt để hình thành vùng sầu riêng công nghệ cao vào cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước đây, Đam Rông là huyện khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, Đam Rông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều loại cây trồng giá trị.
“Đặc biệt cây sầu riêng đã được huyện Đam Rông lồng ghép, triển khai trong các chương trình hỗ trợ nông dân và đã đạt hiệu quả cao. Với thị trường xuất khẩu sầu riêng như hiện nay, huyện Đam Rông cũng đã có những mã số vùng trồng được cấp, có những doanh nghiệp đã liên kết mạnh mẽ với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là sự phát triển rất phù hợp” – ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ.
BÌNH AN
Th626

Bế mạc Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ 6
Nguồn tin: Báo Bình Phước
BPO – Sau 5 ngày tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, sáng nay 26-6, Ban tổ chức Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ 6, năm 2023 đã tổ chức bế mạc hội chợ nhằm đánh giá kết quả hoạt động và tuyên dương các đơn vị, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu, thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia hội chợ.
ự lễ có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Trưởng Ban tổ chức hội chợ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Vinh, Phó Ban tổ chức hội chợ và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu dự tại lễ bế mạc
Theo báo cáo kết quả hoạt động, hội chợ đã đảm bảo về số lượng gian hàng tham gia, khu vực trưng bày theo đúng kế hoạch đặt ra. Công tác tổ chức tuyên truyền trước và trong hội chợ với nhiều hình thức khác nhau đảm bảo thông tin rộng rãi đến người dân. Kết quả đã thu hút trên 30 ngàn lượt người dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm, mua sắm…
Nhằm tuyên dương và ghi nhận những đóng góp của các đơn vị, địa phương cho thành công của hội chợ năm nay, Ban tổ chức đã trao các giải: Gian hàng đẹp và trái cây ngon Bình Phước năm 2023.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Giang tuyên bố bế mạc hội chợ
Cụ thể, giải gian hàng đẹp được trao cho 13 đơn vị xuất sắc nhất, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 8 giải khuyến khích. Trong đó giải nhất thuộc về Hội Nông dân thành phố Đồng Xoài. Đối với giải trái cây ngon Bình Phước năm 2023 có 12 sản phẩm đạt giải cho 4 dòng sản phẩm: Sầu riêng, măng cụt, dưa lưới và bưởi da xanh. Trong đó, giải nhất đối với sản phẩm sầu riêng thuộc về Hội Nông dân huyện Lộc Ninh; giải nhất sản phẩm măng cụt thuộc về Hội Nông dân huyện Bù Gia Mập; Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đoạt giải nhất về sản phẩm bưởi da xanh; và Hội Nông dân huyện Phú Riềng đoạt giải nhất về sản phẩm dưa lưới.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội chợ Trần Tuyết Minh đánh giá cao kết quả hội chợ đạt được và chỉ ra những điểm nổi bật tại hội chợ lần này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội chợ Trần Tuyết Minh đánh giá cao kết quả đạt được và chỉ ra những điểm nổi bật tại hội chợ lần này. Với sự tham gia nhiều sản phẩm trái cây, đặc sản cũng như quy tụ nhiều sản phẩm OCOP thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nông dân đến lĩnh vực cây ăn trái của tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động, hội thảo chuyên đề tại hội chợ đã mang lại ý nghĩa thiết thực, hữu ích và phù hợp với nông dân Bình Phước. Qua đó thể hiện được sự phát triển của hội chợ qua mỗi lần tổ chức, uy tín của sự kiện ngày càng cao.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội chợ Trần Tuyết Minh và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Phó Ban tổ chức hội chợ Trần Văn Vinh trao giải cho 4 cá nhân, đơn vị đoạt giải nhất ở nội dung thi Trái cây ngon Bình Phước năm 2023
Các đơn vị, cá nhân đạt giải trái cây ngon được ban tổ chức vinh danh
Ban tổ chức đã trao giải cho các đơn vị có giải nhất, nhì và giải ba ở nội dung gian hàng đẹp
8 đơn vị đoạt giải khuyến khích ở nội dung gian hàng đẹp
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Vinh cho biết: Hội chợ đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp cho người dân, du khách trong tỉnh và các tỉnh bạn. Đồng thời tạo được ấn tượng tốt, góp phần quảng bá, tuyên truyền cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn về thương hiệu các loại trái cây của Bình Phước nói chung và trái cây đặc trưng của từng vùng miền nói riêng.
Th620

“Quả ngọt” từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng ở Nam Ninh
Nguồn tin: báo Lâm Đồng
Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái không chỉ nâng cao thu nhập của người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của một xã vùng xa như Nam Ninh (huyện Cát Tiên) phát triển.
Các mô hình chuyển đổi cây trồng sang trồng sầu riêng trên địa bàn xã Nam Ninh cho hiệu quả kinh tế cao
Trở lại xã Nam Ninh những ngày này, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là những ngôi nhà mái ngói khang trang xen giữa vườn sầu riêng trĩu quả, xanh mướt mắt. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, bức tranh kinh tế của xã Nam Ninh đã có những gam màu tươi sáng với nhiều đổi thay đáng kể.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Nam Ninh, chúng tôi đến thăm mô hình vườn mẫu trồng sầu riêng rộng chừng 1 ha của gia đình anh Đặng Văn Tuấn, thôn Mỹ Bắc, xã Nam Ninh. Thời điểm này, gia đình anh đang tất bật với các công việc chăm sóc ở các khâu cuối cùng trước khi xuất bán cho thương lái. Anh Tuấn cho biết, năm nay, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên rất có giá. Ngoài ra, vườn sầu riêng của anh cũng được tham gia liên kết và nằm trong một mã vùng trồng được chứng nhận chung nên thương lái tranh nhau tìm đến mua từ rất sớm. Dự kiến năm nay, vườn sầu riêng của anh sẽ mang lại nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng cho gia đình.
Anh Tuấn chia sẻ, Nam Ninh là địa phương thuần nông nghiệp, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, cây điều và phát triển chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình. Mặc dù, đại đa số các hộ gia đình ở đây đều có quỹ đất canh tác lớn, tuy nhiên, do phần lớn diện tích đất được người dân canh tác là khu vực đồi núi, trước đây chỉ canh tác độc canh cây điều nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Anh nhận thấy, so với các địa phương tương đồng về điều kiện tự nhiên như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, người dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái rất nhiều và đã thành công. Chính vì vậy, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, năm 2017, anh Tuấn quyết định phá bỏ diện tích 1 ha điều và tiến hành cho máy múc cải tạo lại vườn cây; đồng thời, đào thêm ao để trữ tích nước phục vụ tưới tiêu.
Trên diện tích rộng 1 ha, anh Tuấn trồng hơn 200 cây sầu riêng, giống chủ yếu là Ri6 và Dona. Nhờ áp dụng thực hiện tốt các biện pháp hướng dẫn theo khoa học kỹ thuật nên vườn sầu riêng của anh Tuấn phát triển tốt, riêng năm 2022 cho thu bói nhưng đã đạt tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, vườn sầu riêng của anh Tuấn cũng đã được UBND huyện Cát Tiên công nhận đạt chuẩn vườn mẫu; được cấp chung 1 mã số vùng trồng để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Ninh chia sẻ, Nam Ninh là xã có địa hình khá phức tạp với các đồi núi thấp đan xen. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã nghiên cứu và căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để xác định các loại cây trồng chủ lực; trong đó, các loại cây ăn quả như sầu riêng, bưởi là hướng đi phù hợp. Từ đó, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng này. Mặt khác, từ năm 2020, cấp ủy, chính quyền xã Nam Ninh đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đến nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trở thành phong trào phát triển mạnh trên địa bàn xã.
Tính từ năm 2022 đến nay, xã Nam Ninh còn tổng diện tích cây điều là 1.071 ha, giảm 115 ha. Số diện tích này đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng như sầu riêng 41 ha, nâng tổng diện tích sầu riêng lên 60,15 ha; cam, quýt, bưởi, xoài, mít, vú sữa 4,2 ha, nâng tổng diện tích 14,55 ha; cao su 17 ha, nâng tổng diện tích 19,3 ha; cây lâm nghiệp 21,15 ha (dầu, gõ, cẩm lai, giáng hương); 10,3 ha cây nguyên liệu (tầm vông); keo 18,35 ha, nâng tổng diện tích 91,89 ha. Đối với cây sầu riêng, trên địa bàn xã Nam Ninh đã xây dựng và được cấp 6 mã số vùng trồng.
Với hiệu quả đem lại từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Ninh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo kết quả rà soát, dự kiến đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 4,42%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS là 5,88%. Trong thời gian đến, UBND xã Nam Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo Nhân dân tăng cường thăm ruộng, vườn để chủ động tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành liên kết, liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, cải tạo vườn hộ, vườn tạp, chuyển đổi những đồi điều kém hiệu quả sang trồng điều ghép, cây trồng hiệu quả kinh tế cao, ông Bình cho biết thêm.
Th620

Nông dân Krông Năng giúp nhau làm giàu
nguồn tin: Báo đăk Lăk
Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân huyện Krông Năng triển khai hiệu quả và thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Nhận thấy cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình, năm 2012 ông Phan Thế Cửu ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng mắc ca. Năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân huyện Krông Năng, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Đắk Lắk, ông Cửu vận động bà con, người dân trong xã đứng ra thành lập HTX Đàn hương – Mắc ca VIP. Mọi thành viên cùng góp vốn đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, từ khâu thu hoạch cho đến đóng gói thành phẩm; xây dựng các nhà xưởng bảo quản chất lượng và đăng ký thương hiệu Mắc ca Thành Vương. Sản phẩm của HTX hiện được tiêu thụ ở các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
HTX hiện có 14 thành viên, lợi nhuận bình quân hằng năm đạt 3,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ông Phan Thế Cửu chia sẻ, hiện HTX đang làm các thủ tục để đăng ký OCOP 3 và 4 sao cho các sản phẩm mắc ca, hướng đến xuất khẩu, tăng thu nhập và phát triển bền vững cho các hộ thành viên.
Mô hình chuyên canh mắc ca của hội viên Phan Thế Cửu (bên phải).
Không chỉ riêng hộ nông dân Phan Thế Cửu và HTX Đàn hương – Mắc ca VIP ở xã Phú Lộc, nhiều năm qua, từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của huyện Krông Năng đã xuất hiện đa dạng các mô hình kinh tế như: hộ gia đình, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngày càng có nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm…
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Năng cho biết, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã giúp nhiều hội viên nông dân tích cực tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ, tiếp cận kịp thời với các dịch vụ hỗ trợ, trở thành những hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi. Hằng năm, toàn huyện Krông Năng có từ 7.400 – 8.000 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 88% số hộ đăng ký. Toàn huyện hiện có 51 HTX nông nghiệp, 116 trang trại đang hoạt động. Trong đó, có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề và phát triển kinh tế – xã hội. Để thúc đẩy phong trào phát triển bền vững, có chiều sâu, hiện các cấp Hội Nông dân huyện Krông Năng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; tăng cường tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học – công nghệ, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản…
Nguyễn Gia
Th603

Mô hình lúa – tôm “thuận thiên” đạt hiệu quả kép
Nguồn tin: báo Đồng Khởi
BDK – Mấy năm nay, nông dân tại các xã chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn tại huyện Thạnh Phú không ào ạt đào ao nuôi tôm công nghiệp mà phát triển mô hình lúa – tôm thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình “thuận thiên” này tuy lợi nhuận không cao nhưng rất bền vững và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Hợp tác xã Lúa – tôm Thạnh Phú sản xuất lúa sạch có hợp đồng bao tiêu giá ổn định với doanh nghiệp.
Phát triển bền vững
Cuối tháng 5-2023, gia đình ông Phan Văn Chí ngụ ấp An Bình (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) vẫn đang thu hoạch tôm sú quảng canh kết hợp với cua theo con nước hàng tháng. Cứ mỗi tháng 2 lần, gia đình ông xổ cống để thu hoạch tôm, cua bán được vài triệu đồng, đủ chi tiêu trong gia đình. Suốt mấy chục năm sản xuất lúa nhưng mấy năm nay ông mới thật sự an tâm với mô hình lúa – tôm theo kiểu “thuận thiên”. Trước đây, gia đình ông chỉ làm lúa 1 vụ, còn những tháng mùa nắng thì bỏ không, chẳng thu hoạch được gì. Bây giờ, toàn bộ diện tích gần 1ha được gia đình ông đào đất xung quanh để làm bờ bao và chỉ chừa phần giữa ruộng để trồng lúa, còn lại thì nuôi thủy sản.
Ông Chí cho biết: “Mô hình lúa – tôm tuy lời không nhiều nhưng bền vững do giữa con tôm, cua và cây lúa hỗ trợ cho nhau phát triển. Sau Tết khi thu hoạch lúa xong, nông dân sẽ cho nước vào để nuôi tôm sú, cua. Khi đó, nguồn rơm, rạ sẽ là thức ăn cho tôm, cua nên đỡ tốn tiền thức ăn. Đến tháng 7 hàng năm thì sẽ thu hoạch hết tôm, cua để rút nước tiếp tục sạ lúa. Cây lúa còn nguồn phân từ tôm, cua nên không cần phải tốn phân bón. Cả hai sản phẩm thủy sản và lúa đều bảo đảm sạch nên bán được giá cao hơn”.
Năm 2022, Tổ hợp tác (THT) Lúa – tôm ấp An Bình (xã An Nhơn) với 20 hộ đều có lợi nhuận từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng nhờ mô hình này. Tổ trưởng THT Lúa – tôm ấp An Bình Phan Văn Triệu cho biết: “Năm rồi cả THT hầu hết đều có lãi từ lúa, tôm. Năm nay tới thời điểm này gia đình nào cũng thu được từ 10 – 20 triệu đồng từ bán tôm, cua theo con nước. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong ấp xin vô THT. Dự kiến năm nay THT sẽ tăng lên 30 thành viên. Khi đó, sẽ ký hợp đồng mua tôm giống, bao tiêu sản phẩm lúa với công ty, mang lại hiệu quả cao hơn”.
Bản thân gia đình ông Triệu có hơn 1,1ha đất sản xuất theo mô hình lúa-tôm năm nào cũng lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Ông Triệu cho biết: Nhiều hộ dân thấy nuôi tôm công nghiệp lời nhiều nên nhảy vô nuôi nhưng rất bấp bênh vì dịch bệnh, giá cả. Một số hộ thua lỗ phải bán đất, đi làm thuê. Mô hình này không lợi nhuận cao so với nuôi tôm công nghiệp nhưng được cái là bền vững. Bà con nông dân làm theo kiểu “ăn chắc, mặc bền” nên rất an tâm sản xuất.
Tại các xã khác của huyện Thạnh Phú như: Mỹ An, An Qui, An Thuận… cũng phát triển mô hình lúa tôm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Năm nào cũng vậy, gia đình ông Đỗ Văn Phương (ngụ xã Mỹ An) thu hoạch lúa và sau đó thả ngay giống tôm càng xanh vào ruộng để nuôi. Diện tích 1ha, nhiều năm liền đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Ông Phương cho biết: “Mô hình này rất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn mặn ở địa phương. Sản phẩm con tôm, hạt lúa đều sạch nên được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay thì mô hình này sẽ phát triển rất bền vững”.
Hướng đến sản phẩm xuất khẩu
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú” cho 17 hộ dân thuộc THT Lúa sạch Thạnh Phú tại xã An Nhơn. Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Lúa – tôm Thạnh Phú được thành lập để sản xuất lúa sạch ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tập trung xây dựng phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú để tiếp cận các thị trường lớn. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Lúa – tôm Thạnh Phú Hồ Văn Cương cho biết: HTX hiện có 110 thành viên chuyên sản xuất theo mô hình lúa – tôm với diện tích khoảng 80ha tại xã An Nhơn. Đối với con tôm và cây lúa đều hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định. Hiện tại, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Hoa Nắng (chuyên kinh doanh lúa gạo xuất khẩu) để bao tiêu sản phẩm lúa ST25 sản xuất theo quy trình hữu cơ với giá 10.500 đồng đến 11.000 đồng/kg. Ngoài ra, thành viên còn sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống như: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 6162, Nàng Keo, Tép Trắng… bán giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg nên hiệu quả khá cao.
Hiện tại, xã An Nhơn có 1.783ha sản xuất theo mô hình lúa – tôm, với khoảng 819ha sản xuất lúa sạch. Phó chủ tịch UBND xã An Nhơn Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Chính quyền địa phương đang hỗ trợ HTX đầu tư xây dựng kho chứa, nhà máy sấy, xay xát, đóng gói lấy tên “Gạo sạch Thạnh Phú” bán ra thị trường nhằm giúp xã viên đạt lợi nhuận cao nhất. Địa phương đang làm thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Lê Văn Tiến cho biết: Toàn huyện có khoảng 6.000ha sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Gần đây mô hình này phát huy hiệu quả cao và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu của địa phương. Trung bình một héc-ta, nông dân thu lợi nhuận từ 70 – 100 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên không đủ để tiêu thụ. Hiện tại, HTX, THT trên địa bàn đã liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng lúa sạch, lúa đạt chuẩn hữu cơ xuất khẩu. Trong đó, Công ty Hoa Nắng đang liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 300ha để sản xuất lúa hữu cơ xuất sang châu Âu và các nước khác.
Tỉnh luôn chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để từng bước hình thành, phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế, mô hình canh tác lúa chịu mặn, sản xuất lúa – tôm thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả và chứng minh được sự phát triển bền vững. |
Bài, ảnh: Thành Châu
Th529

Quản lý chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
Nguồn tin: báo Tiền Giang
Để đảm bảo việc xuất khẩu trái cây bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai các giải pháp quản lý, giám sát tình hình sử dụng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG).
Ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai các giải pháp để quản lý chặt việc sử dụng MSVT, MSCSĐG.
Thời gian qua, công tác cấp MSVT, MSCSĐG cây ăn trái phục vụ xuất khẩu rất được tỉnh chú trọng. Các ngành liên quan và địa phương đã đẩy mạnh công tác này và đạt nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy xuất khẩu cây ăn trái của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ công tác cấp MSVT, MSCSĐG bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc cấp mã số phục vụ xuất khẩu; chấp hành các quy định của nước nhập khẩu, sản xuất theo hướng an toàn; cách thiết lập MSVT, MSCSĐG thành phần hồ sơ minh bạch đầy đủ; kiểm tra giám sát định kỳ chặt chẽ… Tính đến thời điểm hiện tại, có 271 MSVT cây ăn trái được cấp với diện tích 20.051 ha, gồm: 70 MSVT mít, diện tích 8.519 ha; 77 MSVT thanh long, diện tích 6.090 ha; 32 MSVT xoài, diện tích 1.579 ha; 12 MSVT vú sữa, diện tích 73 ha; 05 MSVT dưa hấu, diện tích 819 ha; 03 MSVT chôm chôm, diện tích 389 ha; 02 MSVT nhãn, diện tích 121 ha; 66 MSVT sầu riêng, diện tích 2.401 ha; 04 vùng trồng bưởi, diện tích 60,35 ha và 257 MSCSĐG. Các mã số trên đảm bảo thực hiện đúng theo quy định, chưa có trường hợp phải hủy hoặc thu hồi.
Có thể nói, việc thiết lập MSVT, MSCSĐG cây ăn trái phục vụ xuất khẩu hiện là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu. Khi được cấp MSVT, MSCSĐG giúp nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch. Điều này góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả về công tác quản lý MSVT, MSCSĐG, ngành Nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp như: Quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các MSVT đã cấp trên địa bàn tỉnh và có báo cáo kết quả giám sát gửi Cục Bảo vệ thực vật hủy mã số đối với vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác hoặc các mã số không còn hoạt động; thu hồi mã số đối với vùng trồng không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về yêu cầu cấp MSVT.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số. Trọng tâm hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu là tiến tới sản xuất theo hướng GAP. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới MSVT cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch đối với các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là thường xuyên theo dõi, liên hệ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân trong vùng được cấp mã số nhằm kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đồng thời, khuyến khích nông dân mở rộng, liên kết sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tạo vùng sản xuất cung cấp hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến.
Anh Thư
Th523

Hợp tác xã Cẩm Sơn xây dựng vùng sầu riêng an toàn
Nguồn tin: báo Tiền Giang
Hợp tác xã (HTX) Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) hiện quản lý gần 780 ha sầu riêng chuyên canh tại xã Cẩm Sơn, chủ yếu trồng các giống chất lượng cao có giá trị xuất khẩu lớn: Ri6, Mongthong. Nhằm phát huy lợi thế cây sầu riêng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, giúp nông dân làm giàu và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thành công, HTX Cẩm Sơn tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương và các ngành chức năng, xây dựng vùng sầu riêng an toàn theo hướng GAP, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe và môi sinh, môi trường.
Sầu riêng của HTX Cẩm Sơn.
Trong đó, HTX chuyển giao quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP cho nông dân, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đăng ký để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc,… Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, công ty giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa chủ lực, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sầu riêng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn cho biết, HTX đã phối hợp với Công ty Nho Nho Cần Thơ đầu tư xây dựng vùng trồng sầu riêng VietGAP trên diện tích 10 ha với 20 hộ dân tham gia. Diện tích trên đã được chứng nhận đạt VietGAP, thời hạn có hiệu lực là 03 năm (2023 – 2025).
Trong năm 2023, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, HTX cũng xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng với quy mô 30 ha vườn chuyên canh. Vừa qua, tham gia Chương trình OCOP, HTX Cẩm Sơn cũng đã có sản phẩm trái sầu riêng tươi đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hạng 4 sao. HTX Cẩm Sơn còn liên kết với doanh nghiệp đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà kho nhằm đáp ứng mục đích liên kết thu mua, tiêu thụ sầu riêng cho vùng chuyên canh của HTX.
Nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng đặc sản, HTX Cẩm Sơn tăng cường xúc tiến thương mại qua các kênh thương mại điện tử Postmart.vn, mạng xã hội Facebook; ứng dụng các phần mềm trên máy tính theo dõi việc trồng, chăm sóc và xử lý, thu hoạch trái cây đạt hiệu quả, chất lượng…
Đặc biệt, để đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, HTX Cẩm Sơn đã lập hồ sơ đăng ký và được cấp thẩm quyền cấp 07 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch cho gần 780 ha, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng.
Có được mã số vùng trồng, HTX Cẩm Sơn triển khai các bước quản lý vùng được cấp mã số vùng trồng, tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân tuân thủ quy trình trồng, đảm bảo chất lượng nông sản khi xuất khẩu, giữ vững thương hiệu trái sầu riêng HTX Cẩm Sơn.
Theo đó, thành lập 04 tổ giám sát mã số vùng trồng ở 100% số ấp trong xã. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đầu tư phát triển Vạn Hòa, Công ty TNHH Thiện Toàn, Công ty TNHH Song Toàn Phát, Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung… tiêu thụ, xuất khẩu trái sầu riêng.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn chia sẻ, dự kiến đến cuối năm 2023, khi địa phương bắt đầu thu hoạch rộ vụ nghịch trong năm, những lô hàng sầu riêng đầu tiên của HTX thông qua các doanh nghiệp đầu mối sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là kỳ vọng chung của địa phương, HTX và bà con.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Sơn, xã đã được công nhận là xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và theo lộ trình, đến cuối năm 2023 sẽ ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu, là xã đầu tiên của huyện Cai Lậy đạt danh hiệu này. Thành tích đó có sự đóng góp to lớn và ý nghĩa của nông dân vùng chuyên canh, của HTX Cẩm Sơn trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng vùng trồng sầu riêng chất lượng, an toàn, khẳng định được thương hiệu và tạo sự tín nhiệm, tin cậy của thị trường nói chung.
Minh Trí
Th708