Xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa mục tiêu
Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nguồn tin: báo Long An
Những ngày này, các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An bắt đầu thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Năm nay, giá lúa cao, lại trúng mùa nên nông dân Tân Thạnh rất phấn khởi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần làm cho niềm vui như được nhân đôi.
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, nông dân huyện Tân Thạnh xuống giống hơn 29.000ha, hiện thu hoạch khoảng 5.000ha
Ngay từ sáng sớm, trên các cánh đồng ở huyện Tân Thạnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy gặt đập liên hợp đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín. Từng đoàn người vác lúa trên cánh đồng làm cho không khí vụ mùa vùng quê trở nên sôi động.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, ông Nguyễn Văn Mạnh (ấp Huỳnh Tịnh, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) sản xuất hơn 2ha nếp. Với giá bán hiện nay tại ruộng gần 9.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, ông Mạnh có lợi nhuận 35-40 triệu đồng/ha. “Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh ít phát sinh, đặc biệt là chọn giống lúa chất lượng và tuân thủ lịch gieo sạ của ngành Nông nghiệp khuyến cáo nên không chỉ năng suất đạt cao mà chi phí lại thấp, lúa bán được giá. Vụ này, nông dân ai nấy đều phấn khởi” – ông Mạnh chia sẻ.
Nghề vác lúa cũng vào mùa, tạo thêm thu nhập cho người dân
Cùng niềm vui như ông Nguyễn Văn Mạnh, ông Đinh Văn Mười (ấp Nguyễn Bảo, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) nói: “Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình canh tác hơn 1,5ha lúa, thu hoạch hơn 8 tấn, bán cho thương lái với giá 9.900 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lợi nhuận gần 70 triệu đồng. Lúa năm nay được mùa, trúng giá nên có điều kiện đón tết sung túc hơn”.
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, nông dân huyện Tân Thạnh xuống giống hơn 29.000ha, hiện thu hoạch khoảng 5.000ha. Các giống được sử dụng là OM18, Đài thơm, IR4625. Đây là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của vụ lúa Đông Xuân. Nông dân cùng nhau ra đồng, đợi máy thu hoạch chở lúa về từ sớm.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thạnh – Trần Thanh Hiền cho biết: Cùng với đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân, nông dân trong huyện cũng chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón,… để sẵn sàng sản xuất vụ tiếp theo. Hội Nông dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để có vụ mùa bội thu”.
Những chuyến xe chở lúa chạy bon bon trên đường quê đổi mới cùng những nụ cười rạng rỡ và niềm vui hiện rõ trên nét mặt nông dân. Đó là sự phấn khởi trước mùa vàng bội thu. Những cánh đồng như nhuộm lên màu nắng, trải rộng mênh mông. Nắng và gió quyện với mùi thơm lúa chín tạo nên mùi hương đồng nội nhẹ nhàng. Với người dân Tân Thạnh, cây lúa không chỉ có giá trị kinh tế nông nghiệp mà còn là đời sống văn hóa, là hồn quê./.
Chí Tâm
Th124
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Cách đây 6 năm, anh Phan Minh Tâm, ở khu vực Thới Bình 1, phường Thuận An, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) quyết định chuyển 4 công đất trồng bưởi, xoài sang trồng na Thái. Hiện nay, thu nhập của anh Tâm tăng gấp 5 lần so với trước đây.
Anh Phan Minh Tâm giới thiệu mô hình trồng na Thái với cán bộ, đoàn viên trong phường.
Khoảng 1 tuần nữa, anh Tâm sẽ thu hoạch vụ na Thái thứ hai trong năm. Anh đã liên hệ các thương lái đến vườn thu mua. Hằng ngày, anh Tâm ra vườn để kiểm tra trái, chuẩn bị thu hoạch dứt điểm trước Tết Nguyên đán năm 2024. Hiện nay, na trong vườn của anh Tâm phát triển đồng đều, các trái nặng trên 350gr… Na có màu sắc đẹp, thương lái bước đầu chốt giá 55.000 đồng/kg với những trái nặng trên 300gr. Anh Tâm cho biết: “Người thu mua na Thái hiện giờ khá đông. Giá trái na luôn ổn định, 6 năm qua tôi chưa bao giờ rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Tháng 7-2023, tôi đã thu hoạch một đợt na, lãi hơn 120 triệu đồng”.
Trước đây, 4 công đất vườn của gia đình anh Phan Minh Tâm trồng các loại cây, như xoài, bưởi, cam… Tuy chăm sóc vất vả, nhưng đến khi thu hoạch thì trái cây sụt giá. Trăn trở về một mô hình kinh tế làm vườn mới có thể tăng thu nhập, anh Tâm lên mạng tìm hiểu về cách trồng na Thái. Tích cóp vốn liếng gần 70 triệu đồng, anh Tâm mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới nước tự động… trồng na Thái. Anh Tâm thường xuyên học tập kinh nghiệm từ nông dân trồng na ở trong quận cũng như tìm hiểu các kiến thức trồng, chăm sóc cây na Thái thông qua bạn bè trên mạng xã hội. 6 năm qua, các cây na trong vườn nhà anh Tâm luôn sai trái, thương lái mua với giá cao…
Hiện nay, anh Tâm đang trồng 320 cây na Thái. Cây na trồng khoảng 15 tháng là cho đợt trái đầu tiên. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ vào giữa và cuối năm. Sau mỗi vụ na, anh Tâm cắt cành; tiến hành các bước để cây ra lá, ra trái. Khi bắt đầu cho trái, cây na thường bị sâu bệnh tấn công nên anh Tâm phải theo dõi để phòng trừ bệnh kịp thời. Anh Tâm cũng thường xuyên kiểm tra, chăm sóc để trái na có màu đẹp. Anh Tâm cho biết: “Trước đây, tôi trồng các loại cây khác cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Nhưng giờ thì thu nhập của tôi đã tăng gấp 5 lần, là động lực để tôi phát triển mô hình. Tôi dự định sẽ thuê thêm 4 công đất vườn để trồng na Thái”.
Theo chị Huỳnh Thị Kim Ngân, Bí thư Ðoàn phường Thuận An, anh Phan Minh Tâm là điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của phường. Bên cạnh đó, anh Tâm tích cực tham gia các hoạt động Ðoàn, Hội ở địa phương. Anh Tâm nhiệt tình chia sẻ kiến thức trồng na Thái, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên trong quận… Sắp tới, Ðoàn phường sẽ phối hợp hỗ trợ anh Tâm mua cây giống với giá ưu đãi cũng như kết nối các đoàn viên, thanh niên đến học tập kinh nghiệm trồng na Thái của anh Tâm nhằm đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp ở địa phương.
Bài, ảnh: PHẠM TRUNG
Th122
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
TP.HCM Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) kiến nghị thành phố cho quy hoạch một vùng chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Chiều 19/1, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.
Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Sagri cho biết, năm 2023 dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn suy thoái kinh tế, lạm phát, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Thành phố, cùng sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên, Sagri đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được UBND Thành phố giao.
Tổng doanh thu năm 2023 Sagri đạt hơn 1.319 tỷ đồng, nộp ngân sách 73,8 tỷ đồng, đạt 124,5% kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động là gần 16 triệu đồng/người/tháng. Sagri đạt và vượt 100% các chỉ tiêu thành phố giao. Dù gặp nhiều khó khăn, song 4 năm gần đây, Sagri đều hoàn thành kế hoạch đặt ra, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Lãnh đạo Sagri cho biết, năm 2024, Tổng Công ty tập trung thực hiện các mục tiêu đặt ra. Phấn đấu tổng doanh thu năm 2024 đạt trên 1.355 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là gần 52,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là trên 42 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động là hơn 16,4 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất là gần 478 tỷ đồng.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh có hiệu quả theo kế hoạch phát triển đầu tư giai đoạn 2021 – 2035 đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Trong đó, thực hiện 3 chương trình của Đảng ủy: phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm hoàn thiện chuỗi quy trình khép kín; Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Sagri gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, muốn tồn tại và phát triển, Sagri buộc phải đầu tư, mở rộng trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao từ khâu kiểm soát đầu vào cho đến mọi hoạt động của trang trại; ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, năm 2024, Sagri đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án lớn là nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm giai đoạn 2 và nhà máy giết mổ gia cầm; nghiên cứu sản xuất các giống cây con công nghệ cao.
Tập trung hoàn thiện và phát triển chuỗi quy trình khép kín “Thức ăn chăn nuôi, Con giống, Chăn nuôi, Giết mổ, Chế biến thực phẩm, Thị trường tiêu thụ”, gắn với bộ tiêu chí ESG nhằm tạo ra sản phẩm xanh – sạch – an toàn – chất lượng có thể đáp ứng được các thị trường khó tính trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng mới kho chứa nguyên liệu, khu nhà hành chính và căng tin tại Nhà máy thức ăn chăn nuôi Sagrifeed; Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn heo, gà tại các cơ sở chăn nuôi của Tổng Công ty.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc Sagri kiến nghị thành phố cho quy hoạch một vùng chăn nuôi công nghệ cao với diện tích 650ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (hiện là đất của Công ty Bò sữa).
“Mô hình này sẽ vực dậy cả khu vực nông thôn ngoại thành. Đây là nét son của vùng chăn nuôi thành phố, kéo những người nông dân manh mún nhỏ lẻ, tập trung tiêu thụ hàng hóa, ứng dụng công nghệ, xử lý về môi trường. Đây sẽ là dấu ấn của nông nghiệp thành phố và là mô hình để liên kết vùng với các tỉnh phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, mở rộng quy mô ngành chăn nuôi, tăng cơ cấu đàn vật nuôi”, ông Hòa nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá cao những kết quả hoạt động kinh doanh cũng như công tác xây dựng Đảng của Sagri trong năm 2023. Bên cạnh kết quả đạt được, ông Hoan nhìn nhận, Sagri đang giữ được sự cơ bản ổn định trong khó khăn nhưng chưa thực sự bứt phá đi lên, mà đang “co cụm lại”. Đặc biệt, nhiều chuồng trại cơ sở vật chất chăn nuôi còn ọp ẹp; cơ sở vật chất chưa quản lý tốt, chưa tạo ra tiền từ đó; nhiều dự án còn chậm tiến độ… cần tập trung tháo gỡ, kiến nghị thành phố tháo gỡ trong thời gian tới.
“Doanh nghiệp nhà nước của thành phố đang rơi vào tình trạng từ thái cực bung ra để sản xuất kinh doanh thì lại co cụm trở lại, làm sao cổ phần hóa. Ai cũng sợ, tất cả đều sợ. Thành phố phải chấn chỉnh việc này, nếu không thì không thể cứu vãn các doanh nghiệp nhà nước”, ông Hoan nói và đề nghị Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn tập hợp những khó khăn vướng mắc để kiến nghị để UBND TP.HCM xây dựng đề án tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.
Đặc biệt, lãnh đạo thành phố cho rằng, doanh nghiệp và từng cá nhân cần phải thay đổi mạnh mẽ cả về suy nghĩ và hành động. Trong đó, mỗi cán bộ, người lao động phải năng động, sáng tạo và đi đúng đường, làm đúng chức năng, đúng nhiệm vụ, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật để sản xuất kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Hoan cũng yêu cầu, Tổng Công ty tiếp tục thực hiện sản xuất hướng năng lượng xanh, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo; thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo quy chuẩn, quy trình, ứng dụng công nghệ xanh. Đặc biệt, quan tâm quản lý tài sản công có hiệu quả, đúng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Đoàn kết trong nội bộ.
Dịp này, UBND TP.HCM trao tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 11 tập thể và Bằng khen cho 1 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích hoàn thành xuất sắc hai năm liên tục.
Nguyễn Thủy
Th122
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp
ĐỒNG THÁP Nhà vườn trồng quýt hồng Lai Vung mở cửa đón khách du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, mà còn góp phần quảng bá đặc sản.
Từ đầu tháng 12 hàng năm đến gần Tết Nguyên đán, quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) sẽ bắt đầu chín, chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng cam bắt mắt. Chính màu sắc hấp dẫn cùng hương vị đặc trưng của trái quýt hồng trứ danh xứ Lai Vung đã làm say đắm du khách.
Ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, thời điểm này, các điểm tham quan quýt hồng Lai Vung đã bắt đầu mở cửa đón khách du lịch. Năm nay, trên địa bàn huyện Lai Vung có 10 điểm tham quan vườn quýt hồng mở cửa đón khách với giá vé 50 ngàn đồng/người. Các điểm tham quan tập trung ở các xã như Vĩnh Thới, Long Hậu, Hòa Thành, Tân Thành và Long Thắng.
Năm nay, ngoài đầu tư cơ sở vật chất thuận tiện cho việc tham quan của du khách, xây dựng các tiểu cảnh để du khách check-in, các điểm tham quan cũng đã chủ động mở thêm nhiều dịch vụ mới. Ngoài ra, còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với xứ sở quýt hồng Lai Vung.
Bên cạnh chiêm ngưỡng, chụp hình cùng những vườn quýt hồng đang say trái, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản được chế biến từ trái quýt hồng như cá lóc sốt quýt hồng, gỏi gà trộn nước quýt hồng, gà nấu quýt, nước ép quýt, rượu quýt…
Vườn quýt hồng đã dần trở thành điểm hấp dẫn và mong chờ của du khách gần xa. Các nhà vườn từ khởi điểm tập tành làm du lịch gắn với mảnh vườn sản xuất, đến nay nhiều chủ điểm tham quan đã trang bị và có được những kiến thức cơ bản trong phục vụ du khách. Đối với các nhà vườn, việc mở cửa đón khách du lịch cho lợi nhuận cao gấp 1,5 – 2 lần so với sản xuất quýt hồng truyền thống. Bên cạnh đó còn góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản trái quýt hồng Lai Vung đến với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND huyện Lai Vung còn công bố danh sách 10 điểm tham quan vườn quýt hồng Lai Vung nổi tiếng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng như: Vườn quýt Hai Kiệt (số 269A/3, ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới); vườn quýt Ba Liên (số 283/3, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu); vườn quýt Linh Trang (ấp Long Thuận, xã Long Hậu); vườn quýt Hưng Phát (ấp Tân Thành, xã Hòa Thành); vườn quýt Út Hớn (số 221/4, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu); vườn quýt Hai Kiệt (ấp Long Khánh A, xã Long Hậu); vườn quýt Út Lẹt (số 367, ấp Tân Hưng, xã Tân Thành); vườn cam, quýt Bá Chuốt (ấp Tân Khánh, xã Tân Thành); vườn quýt Hồng Danh (số 177/2, ấp Tân Lợi, xã Tân Thành) và vườn quýt Lan Anh (số 10/3, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu).
Lê Hoàng Vũ
Th117
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến của Việt Nam. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Trải qua một năm nhiều khó khăn và thách thức, đối mặt với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng thế giới, và sự thắt chặt chi tiêu ứng phó với biến động thu nhập, nhưng ngành rau quả Việt Nam vẫn mang về kết quả vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết dự kiến thời gian tới có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam ông Nguyễn Khắc Tiến, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.
Trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm tới.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm.
Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được và nhiều cơ hội đang mở ra cho ngành rau quả Việt Nam, ngành cũng phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đảm bảo uy tín của rau quả Việt Nam như lưu ý về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói… theo quy định của các Nghị định thư đã ký kết. Bởi, là loại rau quả nào, mục đích cuối cùng vẫn là tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị để có thể làm ăn lâu dài, gây dựng thương hiệu tốt, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật chơi, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả thị trường.
Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu rau quả.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Trước đó, theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng nhờ việc Việt Nam đã ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Song song đó là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu sầu riêng, đây là loại quả có giá trị cao, lại được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong lịch sử xuất khẩu rau quả, chưa năm nào có kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD.
Năm nay, vào thời điểm đầu năm 2023, Hiệp hội Rau quả cũng chỉ đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm khoảng 4 tỷ USD, nhưng hiện nay kết quả đạt được trên 5 tỷ USD. Điều này nằm ngoài mong đợi của các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý, vượt cả mục tiêu đề ra của xuất khẩu rau quả đến năm 2025.
Từ tháng 7/2022, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, từ đó giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng tốc.
Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chánh Thu, cho biết doanh thu của Tập đoàn Chánh Thu năm 2023 tăng gấp đôi so với năm 2022 nhờ sự lên ngôi của trái sầu riêng.
Năm 2023, doanh số xuất khẩu sầu riêng chiếm khoảng 80% tổng doanh thu; trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 75% mảng này.
Cũng theo bà Ngô Tường Vy, Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trái cây, nếu tạo dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 ước đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 66% so với năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nga.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2023 đạt 3,7 tỷ USD, tăng gần 250% về giá trị và 65% về thị phần so với năm 2022.
Về chủng loại, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất./.
Th117
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Dự đoán đầu ra không khả quan cùng thời tiết bất lợi, giá đầu vào tăng, nông dân tại làng nghề hoa kiểng Vĩnh Yên đã chủ động giảm sản lượng để tránh thua lỗ.
Làng nghề hoa kiểng Vĩnh Yên, thuộc xã Long Đức, TP. Trà Vinh nằm dọc theo con sông Tiền nên có vị trí thuận lợi cho việc giao thương với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, thời điểm này tâm trạng nông dân khá lo lắng bởi tín hiệu thị trường không mấy khả quan, cùng với đó thời tiết bất lợi và giá cả đầu vào cũng tăng so với năm trước.
Nông dân Nguyễn Văn Lực ở ấp Vĩnh Yên cho biết, năm nay ông đã giảm số lượng gieo trồng xuống còn khoảng 1.500 chậu hoa các loại, ít hơn gần một nửa so với mọi năm bởi rút kinh nghiệm từ năm trước, tình trạng dội chợ làm ông lỗ tiền thuê mặt bằng bán hoa.
Ông Lực nhận định, hiện kinh tế đang khó khăn và tình trạng thất nghiệp tăng nên việc trưng hoa có thể giảm đi. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề phần lớn tập trung trong tỉnh nhưng đa số các huyện làm nghề nuôi trồng thủy sản chiếm phần lớn. Do giá tôm và cá hiện khá thấp, dẫn đến việc tiêu thụ hoa của người dân cũng giảm theo.
“Hàng năm, vào thời điểm này, các thương lái thường bắt đầu liên lạc hỏi thăm, nhưng năm nay chưa thấy rục rịch gì. Hy vọng giá cả sẽ ổn định hơn năm trước, còn nếu không, huề vốn cũng được”, ông Lực lo lắng.
Bên cạnh tín hiệu thị trường trầm lắng thì thời tiết thất thường cùng giá vật tư đầu vào tăng cũng là nỗi trăn trở của nhiều nông dân trong năm qua.
Như trường hợp của lão nông Nguyễn Hoàng Hôn (ngụ cùng khu vực) trồng được 4.000 giỏ hoa Tết các loại, nhưng do thời tiết nắng nóng dẫn đến hoa cúc Đài Loan có dấu hiệu trổ bông sớm hơn kế hoạch. Gia đình ông phải thuê nhân công cắt, tỉa… để xử lý cho cây nở bông đúng ngày bán.
Cùng với nỗi cực nhọc là tâm trạng lo lắng bởi giá vật tư đầu vào từ cây giống, chậu kiểng, mùn cưa, phân bón, thuốc BVTV, thuê mướn nhân công mỗi thứ tăng một chút làm chi phí đầu tư đội lên khoảng 10% khiến lão nông “đứng ngồi không yên” chờ đợi giá thị trường.
Đa số nông dân trồng hoa Tết tại Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… hàng năm vào khoảng từ 15 – 20 tháng Chạp thương lái bắt đầu thu mua và định giá dựa vào nhu cầu của thị trường.
Theo UBND xã Long Đức, làng nghề hoa kiểng Vĩnh Yên được xem là lớn nhất tỉnh Trà Vinh với hơn 130 hộ trồng hoa trên diện tích chuyên canh khoảng 20ha, đa dạng với nhiều loại hoa phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sản lượng dự kiến của làng nghề năm nay khoảng 260.000 giỏ hoa kiểng, giảm 50.000 giỏ so với năm trước. Việc bố trí lô sạp bán Tết cũng được UBND xã quan tâm thực hiện, hỗ trợ nông dân đăng ký và chuẩn bị mặt bằng.
Đồng thời, địa phương còn tạo điều kiện để nông dân kết nối với thương lái và mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh…
Bà Thạch Thị Khone Thi, cán bộ nông nghiệp xã Long Đức cho biết, để bảo tồn làng nghề truyền thống ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ nông dân vốn vay, giảm giá điện và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng hoa áp dụng các phương pháp mới.
Hiện nay, ngoài các loài hoa truyền thống, nông dân đã tích cực thử nghiệm một số giống mới, nhằm đa dạng hóa và phong phú thêm về kiểu dáng, kích thước và màu sắc của sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hồ Thảo
Th115
Nguồn tin: báo Đăk Lăk
Là đơn vị liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao đầu tiên tại huyện Lắk, Hợp tác xã Thành Công (xã Đắk Phơi) đang mở ra hướng đi đầy triển vọng tại vùng chuyên canh cà phê của địa phương.
Mở “lối đi” riêng
Được thành lập năm 2020, gồm 28 thành viên, với diện tích đất canh tác trên 30 ha, vượt qua những khó khăn ban đầu, Hợp tác xã Thành Công (gọi tắt là HTX) đã không ngừng nỗ lực với “lối đi” của riêng mình, góp phần mang lại lợi ích cho xã viên và người dân địa phương.
HTX thành lập với mục đích tạo vùng nguyên liệu sạch, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng an toàn. Do đó, các thành viên tham gia liên kết sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong khâu trồng trọt. Đồng thời, HTX còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để vừa hỗ trợ giá, vừa kiểm soát được lượng vật tư nông nghiệp mà người dân sử dụng trong quá trình canh tác.
Cùng với việc tạo ra vùng nguyên liệu sạch, năm 2021, HTX đã xây dựng cơ sở vật chất để nghiên cứu sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó thu mua và lựa cà phê chín 100% của các hộ liên kết để sản xuất theo quy trình chất lượng cao, gồm hai loại natural và honey.
cà phê chất lượng cao được phơi trong nhà kính của Hợp tác xã Thành Công.
Ông Phạm Thế Thành, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy thị trường hiện đang rất “khát” cà phê chất lượng cao. Trong khi đó, nếu hái cà phê xanh sẽ hao hụt từ 15 – 20% sản lượng, giá cũng thấp hơn 20.000 – 25.000 đồng/kg so với cà phê chín. Do đó, tôi muốn tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất loại cà phê này để dần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con”.
Mới đây, ông Thành đã thí điểm thêm sản phẩm cà phê ủ mốc theo quy trình từ một cán bộ nông nghiệp tại Hà Nội chuyển giao lại. Theo đó, loại mốc này được nhập từ Nhật Bản về, ông sẽ dùng nguồn cà phê sạch, chín, xay để lại vỏ lụa, ủ mốc trong thời gian nhất định. Sau đó, đem phơi ở nhiệt độ thường trên giàn phơi để tạo ra thành phẩm. Sản phẩm cà phê ủ mốc này thành công, dự kiến sẽ bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cà phê thường.
Những hiệu quả bước đầu
Dự kiến niên vụ 2023 – 2024, HTX sẽ xuất bán được 7 tấn cà phê nhân chất lượng cao, với giá trên 90.000 đồng/kg. Hiện tại, rất nhiều cơ sở thu mua cà phê chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng và TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng với số lượng lớn nhưng HTX không đáp ứng đủ. Sau 4 năm, người dân liên kết sản xuất cà phê sạch chất lượng cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Điển hình như gia đình ông Y Nghinh Cil (buôn Liêng Keh) có diện tích hơn 1 ha trồng cà phê xen sầu riêng. Trước đây, do chăm sóc chưa đúng cách nên vườn cà phê bị còi cọc, thường xuyên bị bệnh khiến mỗi năm ông chỉ thu được 2 tấn nhân. Sau khi tham gia HTX, ông được kỹ sư nông nghiệp đến “cầm tay chỉ việc” từ cắt tỉa cành, tưới nước… và tham quan các mô hình khác để cập nhật thêm kiến thức chăm sóc cây cà phê. Nhờ vậy, sản lượng cà phê nhân chất lượng cao của gia đình ông đạt gần 3 tấn/năm, bán với giá gần 90.000 đồng/kg, thu được trên 250 triệu đồng.
Hay hộ ông Y Ngoan Buôn Đáp (buôn Pai Ar) cũng có hơn 1 ha cà phê, nhưng lâu nay thường hái xanh để bán nên năng suất, chất lượng không đảm bảo. Sau khi tham gia HTX, được tuyên truyền về lợi ích từ sản xuất cà phê chất lượng cao, ông đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, hái cà phê chín đạt từ 80% trở lên để cung cấp cho HTX. Nhờ vậy, mùa vụ này, gia đình ông bán được hơn 3,5 tấn cà phê nhân, với giá 90.000 đồng/kg, thu được lợi nhuận cao hơn các mùa vụ trước gần 30%.
Từ hiệu quả của việc liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao, người dân tại địa phương đã bắt đầu quan tâm đến học hỏi và làm theo mô hình của HTX. Thông qua các cuộc họp HTX và những buổi vận động, tuyên truyền, bà con trong và ngoài vùng liên kết đã có sự đồng thuận cao.
Phó Giám đốc HTX Phạm Thế Thành chia sẻ thêm, khi người dân đồng tình sản xuất, HTX sẽ sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang triển khai Dự án xây dựng thí điểm mô hình quản lý rừng cộng đồng và phát triển sinh kế dân tộc thiểu số Tây Nguyên tại địa phương. Dự án đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất các hoạt động nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập từ hệ sinh thái rừng như: sản xuất nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái…
Tuy nhiên, HTX đang đối diện với khó khăn bởi không có máy bắn màu nên tốn kém thời gian và chi phí thuê nhân công lựa quả, quy mô cơ sở sản xuất còn nhỏ. Bởi vậy, HTX rất mong được hỗ trợ vay vốn để trang bị máy móc, xây dựng sân phơi, mở rộng cơ sở sản xuất. Từ đó sẽ hỗ trợ cho xã viên và người dân địa phương hiệu quả hơn với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao này.
Khánh Huyền
Th115
Nguồn tin: báo Lâm Đồng
(LĐ online) – Giá cà phê ngày 10/1 tiếp tục tăng cao, từ 1.300 – 1.400 đồng/kg so với các ngày trước đó và đã chạm mốc lịch sử 70.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá 69.800 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông được thu mua với giá cao nhất 70.000 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện, thành phố như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 69.200 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk cà phê được thu mua ở mức 69.800 đồng/kg.
Tới hết ngày 5/1/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thống kê các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch 523.930 tấn, đạt 96,1% kế hoạch. Năm 2023 diện tích cà phê toàn tỉnh 175.708 ha; diện tích kinh doanh 163.520,8 ha; năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha; sản lượng theo kế hoạch niên vụ 2023 trên 535.000 tấn.
Theo dự báo từ ngành nông nghiệp địa phương, mặc dù Việt Nam đã bước vào thu hoạch rộ cà phê niên vụ 2023-2024, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra, trong khi nhu cầu khá lớn. Thông tin ước tính còn thiếu khoảng 1,5 – 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại xuất hiện cuối năm ngoái đã làm giá cà phê tăng vọt. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nhân, giá cà phê Việt Nam vẫn sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2024.
CHÍNH PHONG
Th111
Nguồn tin: Cổng TTĐT Tỉnh Tiền Giang
Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển các vùng chuyên canh dừa, tạo giá trị nông sản hàng hóa lớn, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo nông thôn.
Toàn huyện Chợ Gạo có gần 7.700 ha dừa, trong đó, có trên 6.500 ha dừa đang cho trái. Thời gian qua, nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ đã giúp tăng năng suất dừa từ 22 tấn/ha/năm trước đây lên 24 tấn/ha/năm thời điểm hiện tại. Huyện đã có 10 ha dừa sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Đảng bộ huyện Chợ Gạo đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 01/12/2021 về lãnh đạo phát triển vùng chuyên canh dừa đến năm 2025 và các năm tiếp theo với định hướng phát triển dừa theo quy mô tập trung, chuyển đổi tư duy và tập quán canh tác truyền thống sang trồng dừa hữu cơ xuất khẩu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Huyện Chợ Gạo quy hoạch vùng trồng chuyên canh, chuyển giao kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập cho nông dân; tổ chức lại sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị… Tiến tới, xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu hàng hóa cho trái dừa hữu cơ Chợ Gạo và thúc đẩy ngành dừa phát triển bền vững. Đồng thời, huyện đã thành lập Ban Quản lý Đề án phát triển cây dừa đến năm 2025 ở huyện và các xã trọng điểm trên địa bàn.
Để phát triển vùng trồng dừa hữu cơ, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp; đặc biệt phát huy vai trò đầu mối tổ chức sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ cho thành viên và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp.
Trong năm 2023, huyện Chợ Gạo đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico có trụ sở tại xã Bình Ninh triển khai hướng dẫn nông dân quy trình trồng và chứng nhận dừa hữu cơ tại 03 xã trọng điểm: Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh trên diện tích 300 ha.
Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang còn đầu tư nhà máy chế biến trái cây và các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo phối hợp cùng các địa phương tổ chức 85 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho nông dân vùng chuyên canh về các nội dung trọng tâm như: lợi ích, yêu cầu và quy trình trồng dừa hữu cơ…
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo đánh giá, việc chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ là một bước đi mới của địa phương nhằm phát huy tiềm lực đất đai, lao động và thế mạnh vùng chuyên canh dừa. Từ đây, mở ra hướng phát triển bền vững đối với vùng trồng dừa có lợi thế cạnh tranh của huyện Chợ Gạo, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định và nâng cao mức sống.
Xã Bình Ninh có tổng diện tích dừa trên 850 ha, lớn nhất huyện Chợ Gạo. Thích hợp với thổ nhưỡng, dễ trồng, chăm sóc, chi phí thấp là những ưu điểm của cây dừa trên vùng đất Bình Ninh. Trên địa bàn xã có doanh nghiệp Thabico chuyên chế biến dừa xuất khẩu cùng mạng lưới 16 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm từ trái dừa góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Để phát huy tiềm năng kinh tế lớn này, Bình Ninh đã quy hoạch vùng trồng, đầu tư chuyển giao khoa học – kỹ thuật thâm canh cho nông dân, định hướng sản xuất theo quy trình GAP hoặc hữu cơ nhằm nâng chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, gắn với doanh nghiệp Thabico liên kết tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, tiến tới hình thành chuỗi giá trị và góp phần thúc đẩy ngành dừa địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Trong năm 2023, xã tranh thủ các ngành hữu quan hỗ trợ tổ chức 13 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ cho 100% hộ nông dân trồng dừa trên địa bàn. Bình Ninh phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích dừa lên trên 900 ha, trong đó có khoảng 500 ha dừa hữu cơ.
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Ninh (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) đang phát huy vai trò tập hợp nông dân xây dựng vùng chuyên canh dừa hữu cơ rộng hàng trăm ha, hướng dẫn bà con vùng trồng dừa phải sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong danh mục được phép, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các chất bị cấm và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch… Mặt khác, kết nối Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa chất lượng chế biến xuất khẩu.
Mộng Tuyết
Th111
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Phong Ðiền nổi tiếng là vùng đất trù phú, bốn mùa cây xanh, trái ngọt. Trong đó, sầu riêng là một trong những loại trái cây chủ lực được địa phương đặc biệt quan tâm phát triển. Những năm qua, trên địa bàn huyện Phong Ðiền, diện tích sầu riêng nhanh chóng tăng lên, nhiều nông dân đã trở thành tỉ phú từ loại trái cây này. Ðiển hình như nông dân Huỳnh Thanh Lâm ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa.
Ông Huỳnh Thanh Lâm (hàng đầu, người thứ 3 bên trái qua) vinh dự được gặp gỡ Chủ tịch nước.
Ghé ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, hỏi thăm nông dân Huỳnh Thanh Lâm ai cũng đều biết tiếng, bởi ông là một trong những người tiên phong trồng sầu riêng ở vùng đất này. Cách nay hơn 28 năm, ông Lâm nối nghiệp ông cha, gắn bó với giống sầu riêng khổ qua. Thời điểm đó, giá cả sầu riêng khổ qua bấp bênh, có giai đoạn chỉ còn 2.000 đồng/kg. Tuy vậy, so với các loại cây trồng khác, sầu riêng vẫn được xem là có giá hơn. Năm 1998, khi lần đầu tiên thấy giống sầu riêng Ri6 và MongThong, ông Lâm mạnh dạn mua vài chục cây giống về trồng thử. Ðến khi 2 giống sầu riêng trên hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt, cho trái ngon, đem lại thu nhập cao, ông Lâm mạnh dạn phá bỏ vườn sầu riêng khổ qua để chuyển đổi đồng loạt sang giống mới trên diện tích 1ha vào năm 2004.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng tươi tốt, ông Lâm chia sẻ: “Bí quyết cho trái đạt chính là khâu thụ phấn. Vào các thời điểm này, tôi phải thuê nhân công để thụ phấn theo phương pháp thủ công. Vất vả nhất vẫn là khâu làm trái, tuyển hoa, tuyển trái. Trung bình mỗi cây cho tới 2.000 đùm hoa, nhưng chỉ có thể giữ được 100 đùm hoa. Sau tuyển hoa sẽ tiếp tục giai đoạn tuyển trái, được thực hiện qua nhiều giai đoạn”.
Hầu hết cây sầu riêng trong vườn ông Lâm đều được đắp mô cao, được tưới bằng hệ thống phun tưới tự động. Bề mặt đất vườn được giữ lớp cỏ trên 2 tấc để giữ ẩm. Theo ông Lâm, dù có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ đổi đời, nhưng để trồng sầu riêng hiệu quả thì không phải dễ. Ông Lâm nói: “Nông dân mình cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải xem trọng việc sử dụng phân hữu cơ để cải thiện năng suất, chất lượng và tăng giá trị sản xuất”. Triết lý này đã được ông áp dụng vào việc canh tác của gia đình xuyên suốt nhiều năm qua.
Trước đây, cũng như nhiều nông dân khác, ông Lâm chỉ bón phân hóa học cho cây. Sau một thời gian, cây bị cháy lá khiến ông vô cùng lo lắng. Vậy rồi ông Lâm chịu khó mày mò, tìm thêm tài liệu, đến các nhà vườn ở Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm. Giữa thời điểm phân hóa học đa dạng, từ năm 2010 đến nay, ông Lâm mày mò tự ủ phân hữu cơ tại nhà, giảm lượng phân hóa học, chuyển dần lối canh tác theo hướng sạch, an toàn. Nhờ áp dụng canh tác hữu cơ, cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, cho trái đạt chất lượng, năng suất tốt, cây “sống bền” hơn
Ông Huỳnh Thanh Lâm tưới nước cho vườn sầu riêng bằng chiếc xuồng gắn đầu phun tự chế.
Qua nhiều năm thu huê lợi từ vườn sầu riêng, đến nay, ông Lâm đã gầy dựng được khu vườn sầu riêng lớn với diện tích hơn 4,1ha. Hiện nay, toàn vườn có khoảng 900 gốc sầu riêng, gồm 3 loại Ri 6, Monthong và Musang King đang cho trái. Ông Lâm nhẩm tính: “Nếu trồng đúng, đạt năng suất, cây cho trái đều và với giá thương lái mua khoảng 100.000 đồng/kg thì 1ha sầu riêng có thể thu hoạch 20 tấn trái, lợi nhuận khoảng 1,5 tỉ đồng”.
Không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, với vai trò là Tổ trưởng Tổ Hợp tác sầu riêng ấp Tân Thành, ông Lâm luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm canh tác cho tổ viên. Ông còn mở thêm vựa trái cây, phối hợp mở cửa hàng kinh doanh các mặt hàng nông sản để chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con địa phương.
Ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, nhận xét: “Ông Lâm là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Ông luôn tìm tòi, nỗ lực học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ nhiều nhà vườn, vận dụng kiến thức khoa học để áp dụng tại vườn nhà. Nhờ đó, vườn sầu riêng của ông cây phát triển đều, năng suất cao, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động. Với quyết tâm chinh phục và làm giàu từ cây sầu riêng trên mảnh đất quê hương, ông Lâm đã gặt hái thành công khi vươn lên trở thành tỉ phú. Bên cạnh đó, ông Lâm còn đóng góp và tham gia tích cực vào các phong trào an sinh xã hội do xã phát động. Ðồng thời, ông là một trong những điển hình tiêu biểu có nhiều đóng góp trong 20 năm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ vừa được vinh dự gặp gỡ lãnh đạo Ðảng và Nhà nước…”l
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC
Bản quyền Trun Que 2015
Email: Email: phuochieptrunque@gmail.com
Website: www.trunque.vn
Đang Online : 0
Khách hôm nay : 1884
Khách hôm qua : 3720
Tổng lượt xem : 1779996
Website được phát triển bởi ATSoft
Th124