Tin tức
Tăng lúa hữu cơ, nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác hải sản
Nguồn tin: báo nông nghiệp
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kiên Giang sẽ mở rộng sản xuất lúa đạt chuẩn chứng nhận, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm sản lượng khai thác nhằm phát triển bền vững.
Nông nghiệp thắng lợi lớn trong khó khăn
Chiều 5/1, tại TP Rạch Giá, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
Năm 2023, ngành nông nghiệp gặp nhiều tác động bất lợi của dịch bệnh, giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… giữ ở mức cao và diễn biến bất thường của thời tiết. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của tỉnh Kiên Giang đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giành thắng lợi lớn.
Tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2023 toàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 713.000ha, tăng gần 13.000ha so với kế hoạch, lúa chất lượng cao chiếm trên 97% diện tích gieo trồng. Sản lượng lúa thu hoạch đạt hơn 4,55 triệu tấn, tăng gần 156.000 tấn. Toàn tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 1.334 cánh đồng, với diện tích 167.225ha. Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ, với diện tích 120.696ha, có 55.165ha sản xuất an toàn, đạt các chuẩn chứng nhận. Năm 2023, do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới tăng cao, là thời cơ của ngành sản xuất lúa – gạo nên nông dân gia tăng sản xuất, góp phần tăng thu nhập.
Sản xuất cây trồng khác, như nhóm rau – quả thực phẩm, cây ăn trái… được duy trì ổn định và tăng nhẹ so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 9/12 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tổng diện tích chuyển đổi là 6.850ha, hầu hết diện tích sau khi chuyển sang các mô hình trồng rau màu chuyên canh và luân canh lúa màu các loại đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 – 4 lần so với trước.
Công tác hướng dẫn, đề xuất cấp mã số vùng trồng được quan tâm tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tỉnh nhằm minh bạch nguồn gốc sản phẩm góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có 396 mã số vùng trồng, với 15 loại cây trồng được cấp mã số, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như EU, Trung Quốc, Singapore, Canada, Nga… Trong đó, vùng trồng lúa được cấp 302 mã với tổng diện tích 6.044ha phục vụ xuất khẩu chủ yếu các thị trường như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt hơn 798.000 tấn. Trong đó, khai thác thủy sản ước đạt 437.200 tấn, còn lại là thủy sản nuôi trồng. Riêng tôm nuôi nước lợ ước được 121.000 tấn, tăng 10.400 tấn so với năm 2022. Thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi thủy sản chủ lực, đến nay cơ quan chuyên môn đã chứng nhận cấp mã số cho 28.426 cơ sở đủ điều kiện cấp mã số.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai, theo dõi nhiều chương trình khuyến nông tỉnh gồm: Tuyên truyền tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản và mở lớp tập huấn phổ cập ngắn hạn. Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa, cây ăn quả, rau màu các loại, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, lợn và nuôi thủy sản nước mặn, lợ, ngọt trên địa bàn. Đặc biệt triển khai Dự án “Phát triển sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị giai đoạn 2022 – 2025”, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá lồng trên biển.
Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 110/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã nông thôn mới nâng cao. Có 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP, đến nay toàn tỉnh có 238 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp quốc gia 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 195 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Giảm mạnh khai thác hải sản
Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi giá trị, giảm phát thải nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh ngày càng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông thủy sản.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2024 tỉnh chủ trương sản xuất lúa với sản lượng lúa đạt 4,4 triệu tấn, tương đương kế hoạch 2023. Duy trì tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 90% tổng diện tích gieo trồng. Đẩy mạnh sản xuất lúa an toàn, sản xuất giảm phát thải, sản xuất hữu cơ và sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, tăng diện tích đáp ứng sản xuất lúa hữu cơ được ký hợp đồng tiêu thụ.
Tập trung thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó, kế hoạch năm 2024 Kiên Giang đăng ký tham gia Đề án năm 2024 là 60.000ha, năm 2025 là 100.000ha và đến năm 2030 đạt 200.000ha.
Về khai thác và nuôi trồng thủy sản, mục tiêu sản lượng đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn và sản lượng nuôi trồng thủy sản 365.000 tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 130.000 tấn.
Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa – tôm ở những địa bàn có điều kiện, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành.
Tập trung khai thác dư địa về phát triển nuôi biển, nuôi ven biển với đối tượng chính là tôm nước lợ. Giảm cường lực khai thác, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa chống khai thác IUU hiệu quả hơn.
Xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có thêm 2 huyện hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới.
Có 4 vấn đề cần khắc phục
Đánh giá kết quả năm 2023, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn nêu ra 4 vấn đề mà ngành nông nghiệp thực hiện chưa tốt, cần có giải pháp khắc phục.
– Một là công tác phòng chống khai thác IUU vẫn còn tàu cá vi phạm.
– Hai là công tác quản lý bảo vệ rừng, còn để xảy ra tình hình lấn chiếm, sang bán trái phép đất rừng, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc và các huyện có rừng phòng hộ ven biển.
– Ba là phát triển thủy sản, mặc dù đã cơ cấu lại sản xuất, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tuy nhiên chưa phát huy được hết lợi thế về nuôi biển.
– Bốn là ngành nông nghiệp đã xây dựng được nhiều mô hình điểm, hiệu quả nhưng việc nhân rộng ở các địa phương còn hạn chế, nên chưa giúp số đông nông dân nâng cao thu nhập.
Th110
Nhiều hợp tác xã xin tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Nguồn tin: báo nông nghiệp
AN GIANG Vụ đông xuân 2023 – 2024, An Giang có 19 hợp tác xã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 40 nghìn ha, có liên kết.
129 HTX đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu và đại diện Ngân hàng Thế giới đã làm việc với các HTX tham gia “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại An Giang.
Đoàn công tác đã khảo sát tại huyện Tri Tôn (An Giang) – địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh An Giang nhằm nắm bắt thực trạng các HTX trong hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các HTX nông nghiệp để thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, An Giang đăng ký tham gia Đề án với lộ trình 100.000ha đến năm 2025 và 150.000ha đến năm 2030 tại 11 huyện/thị/thành.
An Giang luôn chủ động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, nhất là các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có khoảng 90% diện tích canh tác lúa áp dụng “3 giảm 3 tăng”, 47% diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm”.
Diện tích tham gia đăng ký trả tín chỉ carbon năm 2024 là 50 nghìn ha (thực hiện vụ đông xuân 20.609ha, hè thu 30.615ha, thu đông 49.861ha) cho 10 huyện/thị/thành. Trong đó Tập đoàn Lộc Trời tham gia liên kết năm 2024 khoảng 140 nghìn ha.
Ngoài ra, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và đơn đặt hàng của doanh nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu cao cấp, từ năm 2016 đến nay, An Giang đã triển khai sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP cho hơn 1.200 hộ nông dân, thực hiện với tổng diện tích qua các mùa vụ là 22.000ha; 60ha sản xuất theo GlobalGAP; 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trước khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Chính phủ phê duyệt chính thức, ngành nông nghiệp An Giang đã tổ chức thực hiện thí điểm 10.000ha trong vụ thu đông 2023 tại các tiểu vùng đã tương đối hoàn chỉnh về hạ tầng sản xuất, nông dân đáp ứng cơ bản các tiêu chí của Đề án và liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Qua thực hiện thí điểm, đã mang lại kết quả tốt, được nhiều HTX và nông dân hưởng ứng triển khai ở các vụ lúa tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, toàn tỉnh có khoảng 300 HTX nông nghiệp, trong đó có 129 HTX hiện đã đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong đó số HTX dự kiến tham gia liên kết năm 2025 là 100 HTX, năm 2026 là 150 HTX, từ năm 2027 đến năm 2030 tiếp tục mở rộng và tăng lên 200 HTX tham gia liên kết.
Riêng vụ đông xuân 2024, An Giang có 19 HTX đăng ký tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, có gắn với doanh nghiệp tiêu thụ với tổng diện tích 40 nghìn ha.
Nhiều HTX xin tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Trong vụ đông xuân 2023 – 2024, HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 ở xã Núi Voi, huyện Tri Tôn (An Giang) là một trong hàng trăm HTX ở An Giang tiên phong tham gia vào Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.000ha.
Ông Đặng Thái Hiện, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 phấn khởi cho biết: Đây là vụ lúa đầu tiên HTX tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, qua đó giúp các xã viên thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Nông dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Trong năm 2024, HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 còn phối hợp triển khai liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa tươi cho xã viên 100%. HTX phục vụ dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái cho thành viên trong HTX khoảng 600ha. HTX cũng phối hợp cùng Công ty Phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương bón phân trình diễn trên ruộng lúa với diện tích gần 100ha trong vụ đông xuân 2023 – 2024. Bên cạnh đó, HTX còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự tích cực của An Giang trong quá trình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, xem đây là “cuộc cách mạng” giúp nâng cao chất lượng hạt gạo, gia tăng thu nhập cho nông dân và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh An Giang, hệ thống các HTX trong tỉnh tuyên truyền nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa, áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tập huấn khuyến nông để nông dân thực hiện tốt các yêu cầu, tiêu chí của Đề án nhằm đảm bảo giảm phát thải carbon ở mức thấp nhất. Tiếp tục tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam thông qua việc giảm phát thải carbon.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh An Giang cần kịp thời đưa ra ý kiến, đề xuất, thông tin những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án để Bộ NN-PTNT có những định hướng và chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho địa phương…
An Giang có diện tích sản xuất lúa rất lớn, thuận lợi cho việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Nông dân An Giang hầu hết đã hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chất lượng giống và giảm lượng giống gieo sạ còn 80 – 100kg/ha. Bên cạnh đó có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết. Đây là lợi thế của tỉnh trong triển khai Đề án.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT quan tâm, chỉ đạo sâu sát; hằng năm, hằng vụ đều có kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái. Điều này giúp diện tích sản xuất lúa được đảm bảo, an ninh lương thực được giữ vững, đồng thời tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Th103
Trồng hoa để bán… không gian
Nguồn tin: báo Nông nghiệp
Ngành hàng hoa kiểng được tỉnh Đồng Tháp tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Làng hoa Sa Đéc rạo rực đón chờ Festival
Những năm gần đây, Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái. Thực tiễn cho thấy, xây dựng nông thôn mới hỗ trợ cho phát triển du lịch nông nghiệp trong việc nâng cấp kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống.
Du lịch nông nghiệp xứ Sen hồng có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn như: Thuận Tân hội quán, Homestay Tư Cá Linh, Ngôi nhà Hoa Ếch, Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofarm… Những mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, mà còn thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó Đồng Tháp còn có thế mạnh sản xuất hoa kiểng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái hiếm có tỉnh nào ở ĐBSCL làm được. Tỉnh đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng cho làng hoa Sa Đéc và xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện nghiên cứu, chuyển giao giống hoa cảnh, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa gắn với du lịch sinh thái. Bình quân mỗi năm, Trung tâm cung ứng trên 200.000 – 300.000 cây giống hoa cấy mô với 16 chủng loại.
Song song đó ngành hàng hoa kiểng cũng được tỉnh tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với du lịch. Đã có 4 HTX và 6 hội quán được thành lập, tạo sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, ngành hàng hoa kiểng đem lại tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Tỉnh đang thực hiện dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 510ha, trong đó tập trung vào hai vùng lõi thuộc 2 khóm Tân Hiệp và Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng.
Đặc biệt, TP. Sa Đéc đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp ở xã Tân Khánh Đông, với diện tích hơn 4,2 ha, góp phần phát triển kinh tế nơi đây.
Tại điểm du lịch Happy Land Hùng Thy ở phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc những ngày này, các nhân viên đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị đón khách dịp Festival hoa kiểng. Hàng chục tiểu cảnh được làm mới, nhiều chủng loại hoa được trồng và trang trí, tạo không gian cho du khách có những bức ảnh lưu niệm đẹp.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng, quản lý điểm du lịch Happy Land Hùng Thy, cho biết: “Công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn chờ cây hoa kiểng trổ hoa để khu du lịch thêm rực rỡ sắc màu”.
Đến Happy Land Hùng Thy, du khách có thể tham gia rất nhiều trò chơi dân gian như: tát ao bắt cá, đi cầu thăng bằng, đu dây qua sông, đạp xe qua cầu khỉ, đi cầu lắc, nấc thang lên thiên đàng, tham gia mô hình chợ quê, đi con đường chà là và nhiều trò chơi khác.
Sau khi vui chơi thỏa thích, du khách có thể ghé vào khu vực ẩm thực để thưởng thức các món ăn đặc sản như cá lóc nướng trui cuốn lá sen non hoặc bánh tráng đặc trưng của loại bột gạo Sa Đéc, cơm xào tỏi, cơm xào trứng, lẩu cá đồng, ốc hấp tiêu và nhiều món ăn dân dã khác.
Ngoài các khu vui chơi, khu ẩm thực, Happy Land Hùng Thy còn có khu mua sắm, giới thiệu và bày bán các sản vật tiêu biểu của Đồng Tháp, các sản phẩm OCOP như hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, mắm Sen Quê, trà tim sen, trà lá sen…
Níu chân du khách từ những điều vô hình
Có lần trò chuyện với bà con Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, làm du lịch không chỉ tạo ra sản phẩm để “bán” mà trong mỗi sản phẩm còn phải có cảm xúc và sự khác biệt, mới mẻ để khách hàng cảm nhận được những điều đặc biệt.
Nếu chúng ta biết kể những câu chuyện, biết nâng giá trị từ vốn văn hóa, lịch sử, từ vẻ đẹp của làng nghề truyền thống, hoa kiểng, cây sen, ruộng lúa, ngôi nhà, thì chúng ta còn “bán” cả không gian. Tất cả đều được cảm nhận bằng cảm xúc và níu chân du khách chính từ những điều vô hình này.
Mượn câu nói của cố GS.TS Trần Văn Khê, “bỏ tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin, biết tự hào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, những người làm du lịch cần phải biết học hỏi không ngừng, không tự hài lòng với chính mình và cần phải biết lắng nghe khi góp ý, phát huy điểm mạnh của mình đúng lúc thì sẽ có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư và du khách.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Tháp từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng tầm quy mô và chất lượng, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương và là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khu vực ĐBSCL. Năm 2023, phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.800 tỷ đồng.
Trước tiên, tỉnh là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch đặc trong thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa, lịch sử (đình làng – nhà cổ) kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực sen – sự kiện kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Triển khai dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc sau khi được phê duyệt và xây dựng Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười gắn với phát triển ngành hàng sen.
Khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên” (TP.HCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang), phối hợp với tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Song song đó, Đồng Tháp còn phối hợp với tỉnh An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử. Quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và an ninh an toàn xã hội.
Th103
Nông dân Vĩnh Châu sẵn sàng vụ hành tím sớm bán Tết
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có diện tích và sản lượng hành tím lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Hiện tại, nông dân trên địa bàn đã đẩy mạnh gieo trồng vụ hành tím sớm với kỳ vọng trúng mùa, bán được giá dịp tết Nguyên đán năm 2024.
Năm nay, ông Ngô Văn Lý, ngụ Phường 2 sử dụng một phần đất rẫy để trồng vụ hành sớm bán đón Tết 2024. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng hành nên hằng năm năng suất thu hoạch của gia đình ông luôn ở mức cao. “Vụ hành tím năm rồi năng suất bình quân 1,5 – 2 tấn/1.000m2, giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg nên gia đình vô cùng phấn khởi. Năm nay, bước đầu tôi thấy thời tiết khá thuận lợi, trời ít mưa, đất khô ráo, cây hành ít sâu bệnh và phát triển nhanh. Tôi rất hy vọng có vụ hành bội thu và có giá cao để đón Tết thật trọn vẹn” – ông Lý cho biết.
Năm nào cũng vậy, gia đình ông Nguyễn Văn Phấn, ngụ Phường 2 cũng dành riêng 1.000m2 đất rẫy để trồng hành bán Tết. Ông Phấn chia sẻ: “Giống hành gia đình trồng tương đối ngắn ngày, dự kiến thời điểm thu hoạch vào khoảng giữa tháng 12/2023 (âm lịch), sẽ kịp bán phục vụ Tết. Năm vừa qua, với 1 công đất trồng hành dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ, nhưng gặp mưa dầm làm giảm năng suất, ngoài ra còn do bệnh hại đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Năm nay thời tiết đầu vụ thuận lợi, tôi hy vọng từ nay đến ngày thu hoạch, rẫy hành sẽ phát triển tốt, có năng suất cao, giá ổn định”.
Nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hành tím qua mô hình trồng trong nhà lưới. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Không chỉ trồng hành kiểu truyền thống, năm nay ông Thạch Soal, ngụ xã Vĩnh Hải còn mạnh dạn đổi mới khi dành riêng khoảng 1.000m2 đất để làm mô hình trồng trong nhà lưới. Hiện tại, hành tím của gia đình ông trồng được hơn 1 tháng và phát triển tốt. Ông Thạch Soal cho biết: “Qua theo dõi 2 phương pháp trồng này, tôi nhận thấy có sự khác biệt. Đối với 1.000m2 hành trồng trong nhà lưới thấy ít sâu hại, ít sử dụng phân, thuốc. Riêng 2.000m2 được trồng theo truyền thống, tuy chi phí có cao nhưng không nhiều, một phần có thể nhờ thời tiết năm nay cũng “ủng hộ” nông dân”.
Theo đồng chí Mã Chí Thọ – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, trong vụ hành tím năm 2023 – 2024, trên địa bàn thị xã dự kiến xuống giống khoảng 5.000 hécta; trong đó diện tích hành tím sớm có khoảng 1.300 hécta, hành chính vụ khoảng 3.700 hécta. Vào thời điểm giữa tháng 11/2023, giá bán hành tím thương phẩm được thương lái thu mua khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg, với mức giá này thì người trồng hành đảm bảo có được lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất. Đến thời điểm này, giá đã giảm so với trước. Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân xuống giống rải vụ, từ đó sản lượng thu hoạch được rải đều, không tập trung vào cùng một thời điểm như các năm trước, điều này sẽ giúp việc tiêu thụ hành tím trên thị trường tương đối ổn định. Bên cạnh đó, chính quyền và ngành chức năng thị xã Vĩnh Châu luôn nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho nông sản hành tím thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị, công ty, chuỗi siêu thị cả trong và ngoài tỉnh để tránh tình trạng tồn đọng hành tím vào thời điểm thu hoạch rộ.
Hằng năm, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có 3 đợt trồng hành, gồm vụ hành sớm, hành chính vụ và vụ hành giống. Để giúp cho nông dân gia tăng giá trị kinh tế từ củ hành tím, ngay từ đầu vụ hành năm nay, ngành Nông nghiệp thị xã đã chủ động phối hợp với sở, ngành tỉnh đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân trong khâu sản xuất, nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của yếu tố thời tiết. Đồng thời, xây dựng các mô hình trồng hành đạt hiệu quả cao như trồng hành tím trong nhà lưới, trồng theo hướng dùng phân bón hữu cơ. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu tư và đảm bảo được khâu tiêu thụ ổn định, giúp cho nông dân tăng được lợi nhuận.
PHƯỚC LIÊU
Th103
Kết nối giao thương các sản phẩm hoa, kiểng
Nguồn tin: báo Đồng Tháp
ĐTO – Tiếp tục chuỗi các hoạt động Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023, chiều ngày 31/12, tại Trung tâm Thương mại Hoa – Kiểng Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm Hoa – Kiểng.
Quang cảnh hội nghị
Dự hội nghị có ông Lê Minh Hoan – Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Làng hoa Sa Đéc ngày càng mở rộng, với đa dạng chủng loại, cung cấp sản phẩm các mùa trong năm. Đặc biệt, hoa, kiểng không chỉ phục vụ sản xuất, kinh doanh mà còn phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh. Thời gian tới, cùng với các lễ hội khác, tỉnh tiếp tục tổ chức Festival Hoa – Kiểng để thúc đẩy kinh tế phát triển, với mong muốn tạo hiệu ứng tích cực cho du lịch nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, giúp bà con làm giàu từ ngành hoa, kiểng…
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam, Hiệp hội Hoa Đà Lạt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoa, kiểng trao đổi thực trạng sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng trong thời gian qua; đưa ra những giải pháp để cùng chung tay phát triển ngành hoa, kiểng trong thời gian tới.
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 4 từ phải sang), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 4 từ trái sang) và lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp kinh doanh hoa, kiểng thực hiện nghi thức ra mắt Website hoasadec.vn
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần này là dịp để đưa ngành hoa, kiểng bước sang một chương mới, nâng tầm hơn so với trước đây.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn tất cả người bán, người mua và người kết nối hợp tác, đoàn kết, lạc quan để cùng chung tay xây dựng những giá trị tốt đẹp, nâng tầm cho ngành hoa, kiểng. Nhằm kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của ngành hoa, kiểng nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung, người trồng hoa phải luôn trong tâm thế là nghệ nhân chơi hoa, là doanh nhân làm du lịch, là chủ doanh nghiệp kinh doanh thì mới mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Các công ty, doanh nghiệp sản xuất và thu mua, phân phối hoa kiểng cùng trao đổi, tìm phương án kết nối, hợp tác
Hội nghị còn diễn ra phiên kết nối trực tiếp giữa các công ty, doanh nghiệp sản xuất và thu mua, phân phối hoa, kiểng.
Dịp này, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức nghi thức ra mắt Website Thương mại điện tử cung cấp thông tin và giao dịch thương mại ngành hàng hoa, kiểng Đồng Tháp, tên miền hoasadec.vn. Đồng thời, Sở Công Thương chủ trì chương trình Livestream bán hàng với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoa, kiểng; tổ chức chương trình livestream giới thiệu hàng trăm chủng loại hoa, kiểng độc đáo, giá trị cao…
TRANG HUỲNH
Th1230
Nâng cao chất lượng HTX sẽ giúp nông sản tiêu thụ tốt
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
TP.HCM Để nông sản được biết đến nhiều hơn và tiêu thụ tốt, các HTX cần minh bạch trong sản xuất và có các sản phẩm khác biệt để tăng sức cạnh tranh.
Đây là nội dung chính được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và HTX trao đổi tại Diễn đàn kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua HTX được tổ chức sáng 29/12 tại Văn phòng Bộ NN-PTNT.
Chương trình được Báo Nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng Bộ NN-PTNT, Trường Chính sách công và PTNT đồng thực hiện, hơn 150 điểm cầu trực tuyến.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu, Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX cùng ngồi lại với nhau, đóng góp ý kiến phát triển nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp và đa sinh thái.
Trong những năm qua, bức tranh sản xuất nông sản, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo Việt Nam có sự khởi sắc và đạt nhiều thành tựu. Sản lượng lúa gạo mà Việt Nam sản xuất đạt 40 triệu tấn, trong đó ĐBSCL là 25 triệu tấn, có nhiều dư địa để xuất khẩu.
“Tuy nhiên, ngành trồng trọt nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn nước sông Mekong đang bị hạn chế, điều này gây nhiều khó khăn hơn. Chúng ta phải thay đổi mùa vụ, giống và biện pháp canh tác.
Việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, trong khi đó các nước khác cũng đang chủ trương tự lực nguồn lương thực và tiến tới xuất khẩu. Do đó, việc chúng ta cần phải thay đổi lối canh tác truyền thống, giảm lượng phân bón giúp giảm thuốc BVTV, giảm giá thành và giảm lượng phát thải”, ông Tùng cho hay.
Để làm được điều này, sự chung tay của các HTX có vai trò rất lớn trong liên kết sản xuất và thay đổi tập quán, tư duy kinh tế nông nghiệp cho bà con nông dân.
TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT đánh giá cao công tác hoạt động của các HTX trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Hiện, Việt Nam có khoảng 20.500 HTX nông nghiệp, gồm 3,8 triệu thành viên, trong đó có trên 51% HTX tốt và khá.
“Tiềm năng sản xuất nông lâm thủy sản của chúng ta rất lớn. Do đó, để các sản phẩm được biết đến nhiều hơn và tiêu thụ tốt hơn thì cần có sự đầu tư bài bản, quản lý số và đầu tư sâu vào cơ giới hóa”, TS Trần Minh Hải bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Phó trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho rằng, phần lớn HTX vẫn còn những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và người nông dân. Đồng thời, công cụ hỗ trợ cho HTX cũng còn hạn chế.
“Đã đến lúc chú trọng chất lượng HTX chứ không chỉ là về số lượng. Do đó, cần sự phối hợp, thay đổi phương thức để phát triển HTX gắn với các chương trình xúc tiến. Đây là con đường mà trên thế giới nước nào cũng phải đi để tiêu thụ sản phẩm, nông sản”, bà Hồng Vân mong mỏi.
Cũng tại đây, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cũng giới thiệu 66 mô hình HTX nông nghiệp điển hình trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây là các gương HTX nông nghiệp trong cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy, cách làm, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp nông thôn.
Diễn đàn còn là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Lê Bình
Th1230
Nông nghiệp Việt Nam 2023: Nhiều điều ‘lần đầu tiên’ và nhiều cái ‘nhất’
Nguồn tin: báo nông nghiệp
2023 là năm ngành nông nghiệp chứng kiến nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực, nhiều điều ‘lần đầu tiên’ và nhiều cái ‘nhất’.
Nhiều điều ‘lần đầu tiên’ và nhiều cái ‘nhất’
Chiều 29/12, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo công bố kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
Điểm lại những kết quả chính của ngành nông nghiệp năm 2023, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) thông tin, đây là năm chứng kiến nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực, nhiều điều “lần đầu tiên” và nhiều cái “nhất”.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% (chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%).
Nền nông nghiệp cũng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu một lượng lớn nông sản ra thế giới, khẳng định cam kết về an ninh lương thực trong khu vực và thế giới. 6 mặt hàng trên 3 tỷ USD: rau quả đạt 5,69 tỷ USD, gạo 4,78 tỷ USD, hạt điều 3,63 tỷ USD, cà phê 4,18 tỷ USD, tôm 3,38 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD.
Ông Việt cũng nhấn mạnh, lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển lâm nghiệp.
Ngoài ra, ngành đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế như Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai…), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông, lâm, thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Tập trung xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án lớn như Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Năm 2023 cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, có 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022). Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Bộ cũng có sự cố gắng lớn trong công tác giải ngân, cải cách hành chính.
Phấn đấu xuất khẩu 54 – 55 tỷ USD trong năm 2024
Năm 2024, ngành NN-PTNT đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 – 3,5%, trong đó tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2 – 2,2%; chăn nuôi là 4 – 5%; thuỷ sản là 3,7 – 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 – 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%.
Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng giá trị sản xuất của lâm nghiệp là 5 – 5,5%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn, nhất là nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm; thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn về đích nhiều mục tiêu quan trọng, có nhân tố mới xuất hiện tích cực, có dấu hiệu bền vững. Đây là kết quả của sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, phối hợp giữa trung ương và địa phương, sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân.
Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thứ trưởng Bộ NNN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, nhiều ngành hàng xuất khẩu đã đạt những kỳ tích mới, có tín hiệu xuất khẩu tốt sẽ tạo tiền đề để năm 2024 ngành nông nghiệp tăng tốc trong xuất khẩu, đạt mục tiêu từ 54 tỷ đến 55 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến gợi mở một số trọng tâm của ngành cho năm 2024. Theo đó, trên nền tảng những kết quả đã đạt được và để tiếp tục đẩy mạnh mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế trong năm 2024 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành NN-PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với nhiều chỉ tiêu đề ra.
Linh Linh
Th1225
Sản xuất ‘du canh’, liên kết yếu cản đường cấp mã số vùng trồng
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
QUẢNG NGÃI Diện tích sản xuất nhỏ lẻ, thiếu doanh nghiệp đủ tiềm lực để liên kết sản xuất với người dân khiến Quảng Ngãi gặp khó trong việc xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé thông hành” đối với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, việc duy trì, thiết lập và cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là điều kiện cần thiết cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cấp mã số vùng trồng cũng là điều kiện, cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường yêu cầu chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình, có kiểm soát sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Trên cơ sở Quyết định số 3156 và của Bộ NN-PTNT, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh này đã cấp được 9 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa gồm: 2 mã vùng trồng rau, 1 mã vùng trồng ớt, 4 mã vùng trồng lúa, 1 dừa xiêm lùn xanh và 1 mã vùng trồng dưa hấu.
Trong khi đó đối với xuất khẩu, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ cấp được 1 mã vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3.
Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, về mặt hàng nông sản xuất khẩu, tỉnh xác định ngoài cây chuối thì cây ớt và dưa hấu là 2 loại cây trồng sẽ tiến tới cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với cây ớt, diện tích trồng toàn tỉnh khoảng trên 1.550ha, sản lượng đạt gần 24.650 tấn/năm. Cây dưa hấu có tổng diện tích hơn 2.000ha, sản lượng đạt hơn 57.000 tấn. Những năm qua, sản phẩm 2 loại cây này đa phần xuất qua thị trường Trung Quốc nhưng giá cả rất bấp bênh khi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do đó, để đảm bảo tính ổn định lâu dài, việc liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng cấp thiết.
“Mặc dù vậy, trở ngại đối với vùng trồng xuất khẩu của tỉnh là diện tích sản xuất chủ yếu nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết để hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Như cây dưa hấu, hiện nay tình trạng chung của Quảng Ngãi là người dân thuê đất ở từng khu vực qua từng năm, sau đó lại chuyển đi chỗ khác nên rất khó để kết nối với các chủ ruộng và xây dựng liên kết sản xuất lâu dài”, ông Vĩnh nói
Xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) là địa phương có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh Quảng Ngãi với hơn 150ha, khoảng 250 hộ sản xuất. Cây ớt của địa phương này cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh nhưng việc tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn vì hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên có thời điểm giá ớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, bà con không thèm thu hoạch.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Dương chia sẻ: “Thực trạng của cây ớt ở xã Bình Dương nói riêng và cả huyện Bình Sơn nói chung là khi sản lượng cao thì giá thấp. Do đó, địa phương rất muốn xây dựng mã số vùng trồng nhằm hướng đến xuất khẩu, đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định. Về vấn đề liên kết sản xuất thì hợp tác xã có thể làm được nhưng việc tìm thị trường, đối tác xuất khẩu thì rất khó. Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thực hiện”.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận rằng, trên địa bàn đang thiếu những doanh nghiệp lớn về lĩnh vực nông nghiệp có đủ tiềm lực để xây dựng vùng nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho các địa phương để hình thành mã vùng trồng của tỉnh cũng chưa đủ mạnh. Cùng với đó, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Từ thực tế này, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 38 lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng vùng trồng đảm bảo cho việc cấp mã. Trong đó gồm 1 lớp cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và phòng NN-PTNT các huyện; 12 lớp cho 12 huyện, thành phố, thị xã và 25 lớp cho nông dân, cơ sở sản xuất với khoảng 1.300 người tham gia.
“Trước mắt, chúng tôi tập trung xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi đảm bảo hình thành được các chuỗi liên kết, tìm được thị trường thì mở rộng ra xuất khẩu. Đồng thời các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương hình thành mã vùng trồng.
Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp tham gia, tạo mối liên kết để tổ chức xuất khẩu”, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi nói.
Th1225
Cây lúa trở lại trên đất nuôi tôm
Nguồn tin : báo Cà Mau
Sau nhiều năm vắng bóng, cây lúa đang dần trở lại trên đất nuôi tôm ở huyện Phú Tân. Ðây là tín hiệu cho sự phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Năm 2023, nhiều nông dân xã Phú Mỹ chủ động sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Thực tế đã qua cho thấy, tuy lúa có trúng, có thất nhưng chắc chắn rằng, khi làm được lúa thì tôm nuôi sẽ ổn định và cho năng suất khá. Theo một số nông dân, để làm được vụ lúa trên đất nuôi tôm đòi hỏi nông dân phải quyết tâm, chủ động ngay từ đầu, cần có sự cần cù, chịu khó.
Ông Lâm Văn Tỷ, 54 tuổi, ấp Lung Môn, xã Phú Mỹ làm lúa trên đất nuôi tôm 2 năm nay. Năm 2022, vụ lúa trên đất nuôi tôm của gia đình cho hiệu quả vượt trội, sạ 8 công thu hoạch 70 giạ lúa khô. Ðáng nói là tôm trúng gấp 2 lần so với lúc chưa trồng lúa; tổng thu nhập năm qua trên 200 triệu đồng.
Ông Tỷ tận dụng diện tích đất trước sân nhà khoảng 300 m2 để sạ lúa và chuẩn bị thu hoạch; ước khoảng 10 giạ lúa, ông dùng để nuôi gà, vịt.
Năm nay, ông Tỷ tiếp tục sạ lúa trên đất nuôi tôm, hiện lúa trên 2 tháng, đang phát triển tốt. Ngay từ đầu, ông chủ động rửa mặn để sạ lúa nên đến thời điểm này, lượng nước trong vuông vẫn ngọt để cây lúa phát triển đến khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Bình, 61 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ mới làm lúa trên đất nuôi tôm năm nay. Ông gieo mạ trên sân, sau khoảng 1 tháng thì nhổ cấy xuống ruộng. Với 12 kg lúa giống Một bụi đỏ, ông Bình cấy được khoảng 8.000 m2 đất. Hiện lúa đang phát triển tốt, sắp trổ bông.
Bản thân ông Bình hiểu rằng, có cấy lúa thì môi trường nuôi tôm sẽ ổn định và sản lượng thu hoạch tôm sẽ khá. “Từ khi trồng lúa đến giờ, thu hoạch tôm thấy khá hơn. Trước đây đến con nước đặt lú, mỗi đêm chỉ thu được từ 300-500 ngàn đồng, nay tăng lên 3-5 triệu đồng”, ông Bình cho biết.
Năm nay là năm đầu tiên ông Nguyễn Thanh Bình, 61 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, cấy lúa trên đất nuôi tôm. Lúa đang phát triển tốt.
Ông Võ Văn Kiệt, 57 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ trồng lúa được 4 năm qua. Trong tổng diện tích đất nuôi tôm của gia đình 12.000 m2, ông cải tạo khoảng 6.000 m2 để trồng lúa. Theo ông Kiệt, trồng lúa tạo môi trường nước sạch, tôm, cua phát triển tốt. Mỗi năm thu nhập từ tôm, cua của gia đình khoảng 100-150 triệu đồng, cao hơn những người dân xung quanh không trồng lúa.
Năm 2023, xã Phú Mỹ có trên 20 hộ dân ở các ấp: Lung Môn, Phú Thành, Thọ Mai… trồng lúa trên đất nuôi tôm, với diện tích trên 15 ha. Lúa hiện đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Cây lúa không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn cải tạo môi trường đất, mang lại thức ăn cho con tôm, giúp nuôi tôm trúng gấp nhiều lần so với bình thường. Chính vì vậy, bà con nơi đây luôn ý thức thực hiện vụ lúa khi điều kiện thời tiết cho phép”./.
Anh Phan
Th1225
Tất bật chuẩn bị vụ bưởi Tết
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Nhà vườn tích cực chăm sóc bưởi để phục vụ thị trường Tết.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn tại TX Bình Minh đang tích cực chăm sóc bưởi năm roi để cung ứng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Một số nhà vườn dự báo sản lượng bưởi Tết năm nay giảm mạnh so với năm trước.
Nhiều nhà vườn trồng bưởi năm roi cho hay, năm nay, ngoài chịu ảnh hưởng thời tiết thì có nhiều nguyên nhân khiến bưởi giảm năng suất, sản lượng. Theo đánh giá của nhà vườn, sản lượng bưởi cung cấp ra thị trường Tết năm nay dự báo giảm mạnh.
Có 1ha trồng bưởi năm roi hơn 20 năm, anh Võ Trung Tính (xã Mỹ Hòa) cho hay: Thời tiết năm nay khó xử lý ra hoa, giữ trái, bên cạnh đó, do vườn bưởi lâu năm, khai thác nhiều nên năng suất bưởi cũng không còn cao. Năm ngoái, 1ha bưởi cho sản lượng 15 tấn trong dịp Tết. Tuy nhiên, theo số lượng bưởi ra hoa, đậu trái năm nay thì dự đoán sản lượng bưởi sẽ giảm mạnh.
“Dự đoán năm nay vườn bưởi chỉ cho năng suất tầm 7-8 tấn/ha. Tuổi thọ bưởi hơn 20 năm rồi, nhiều cây già cỗi, nên năng suất cũng giảm. Tuy vậy, tôi vẫn chú trọng chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng độ đẹp của trái bưởi, phục vụ thị trường Tết năm nay”.
Xã Mỹ Hòa là địa phương có diện tích trồng bưởi năm roi lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây vì nhiều nguyên nhân khiến diện tích trồng loại cây ăn trái này giảm mạnh. Hiện diện tích trồng bưởi năm roi ở xã chỉ còn hơn 670ha, giảm hơn 400ha so với năm trước.
Theo một số nhà vườn, nguyên nhân chủ yếu là do một số vườn bưởi già cỗi cho năng suất thấp, giá bưởi bấp bênh, nhiều diện tích được người dân cải tạo, chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái khác…
Diện tích giảm, giá cả bưởi năm roi không ổn định nên nhà vườn cũng khá dè dặt đầu tư bưởi bán Tết. Một số nhà vườn cho hay, việc sản xuất của nhà vườn cũng không tập trung vào dịp Tết như trước mà được rải vụ quanh năm, phần nào cũng làm giảm sản lượng bưởi Tết. Theo đó, nhà vườn dự đoán sản lượng bưởi năm roi phục vụ thị trường Tết năm nay giảm 40-50% so với năm trước.
Cô Nguyễn Thị Huỳnh Hoa (xã Mỹ Hòa) cho hay: “Tôi có 12 công bưởi, những năm trước thu hoạch được 1-2 tấn/công, tuy nhiên vài năm gần đây sản lượng giảm mạnh, năm nay còn ít hơn năm trước, độ chừng vài trăm ký/công.
Nguyên nhân do bưởi bị dịch hại, côn trùng tấn công, làm cho chất lượng, mẫu mã bưởi bị giảm, ảnh hưởng đến năng suất của bưởi vào dịp Tết. Tôi phải thường xuyên thăm vườn, tỉ mẩn trong khâu chăm sóc, phòng trừ các loại côn trùng chích, bảo vệ trái cho đẹp mới bán chợ Tết được giá cao”.
Mặc dù diện tích trồng bưởi giảm, song địa phương vẫn tuyên truyền, vận động nhà vườn sản xuất sạch theo hướng hữu cơ và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng trái bưởi, cung ứng phục vụ thị trường Tết. Hiện toàn xã Mỹ Hòa có 50ha diện tích bưởi được Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ xây dựng theo chương trình VietGAP với gần 60 hộ tham gia.
Ông Ngô Văn Sơn- cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Hòa, cho biết: Hiện các hộ dân duy trì sản xuất bưởi năm roi theo hướng GAP, VietGAP, GlobalGAP thường có thị trường tiêu thụ ổn định và giá bán cao hơn so với bưởi trồng theo cách truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho hay: Địa phương tập trung phối hợp các ngành hướng dẫn, tuyên truyền nông dân thực hiện nhiều mô hình trồng theo hướng bưởi sạch, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy giá bưởi năm nay có giảm nhưng người dân vẫn duy trì áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng chất lượng, mẫu mã trái để cung ứng thị trường Tết.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để cây bưởi cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng vào đúng dịp Tết, nông dân cần lưu ý đến cách chăm sóc cây. Theo đó, khi cây bưởi đã cho ra trái hình thành ổn định, nên tiến hành tuyển trái cho cây, chỉ để lại những trái đảm bảo chất lượng nuôi vào dịp Tết.
Cần loại bỏ những trái méo mó, không đồng tâm, tâm bị lệch, trái bị chai sượng, không căng nở tròn đều, trái bị sâu bệnh hại tấn công, chỉ để lại những trái to tròn đều, khoảng cách giữa các trái trên một cành đảm bảo. Trung bình chỉ nên để lại 2-3 trái/cành.
Cần chú ý phòng trừ các loại dịch hại và côn trùng tấn công như ruồi đục trái, bọ xít muỗi, nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít xanh,… Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến các loại nấm bệnh như bồ hóng, phấn trắng…
Sản lượng giảm mạnh, nhiều nhà vườn dự báo giá bưởi Tết có thể tăng cao hơn so với mọi năm. Nhà vườn đang tất bật, tập trung chăm sóc, dưỡng trái để tạo mẫu mã đẹp, có chất lượng, cung ứng ra thị trường với hy vọng sẽ có vụ mùa bưởi Tết giá tốt.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Th110