Kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt
Quả ớt với vị cay đặc trưng là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn trong gia đình Việt. Ớt chứa hàm lượng vitamin A rất cao, ớt giúp giảm đau, giảm béo, chống cảm cúm và diệt vi khuẩn. Việc trồng và chăm sóc ớt dễ dàng, không yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ
Đặc điểm cây ớt
Ớt là một loại quả gia vị hoặc làm rau Capsicum annum L. thuộc họ Cà – Solanaceae. Ớt thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm, nhiều cành lá, chiều cao khoảng 30-120cm. Hoa ớt có 5 cánh, mọc ở nách lá. Quả ớt có nhiều loại, khi còn non có màu xanh, khi chín có màu đỏ hoặc vàng, có vị cay nồng hoặc không cay. Quả ớt có nhiều hình dáng tùy thuộc vào giống.
Cách gieo trồng ớt
Tùy vào giống và tỷ lệ nảy mầm 1ha cần trung bình khoảng 150-200g. Trước khi gieo hạt cần ngâm hạt giống trong nước sạch 6-8h. Tiếp theo ngâm 30 phút với thuốc trừ nấm Funomyl theo tỷ lệ 1g thuốc + 1 lít nước. Sau đó vớt lên rửa sạch, để ráo, gói trong khăn ẩm, để kín trong bao nilong kín miệng để tránh thoát hơi nước. Rồi ủ gói giống ở nhiệt độ 27-28oC. Sau khoảng 48 giờ các giống ớt nảy mầm, đem gieo hạt nứt mầm, tránh hạt mọc rễ quá dài, mầm yếu, gieo hạt dễ gãy mầm.
Nên gieo hạt ớt vào bầu bằng giá thể mịn, nếu không có điều kiện gieo luôn xuống ruộng. Gieo hạt vào hốc trồng, rải lớp mỏng phân chuồng hoai / 30 gr phân trùn quế lấp kín hạt ,rải một ít thuốc Basudin để đề phòng sâu đất , dế, kiến phá hoại.
Sau khi cây có 4-5 lá thật khoảng 25-35 ngày sau gieo thì đem trồng với mật độ vừa phải: cây cách cây 0,6m , hàng cách hàng 1m2-1m4.
Cây ớt rất khỏe mạnh, dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh, kháng chịu khắc nghiệt rất tốt. Rễ ớt là loại rễ chùm, mọc nông chịu úng kém nhưng chịu nóng và hạn rất tốt.
ớt có thể trồng quanh năm nhưng thường tập trung vào 3 vụ chính:
+ Vụ Xuân Hè: gieo hạt tháng 2-3, thu hoạch từ tháng 4-9
+ Vụ thu đông: gieo hạt vào tháng 9, thu hoạch từ tháng 1 năm sau.
+ Vụ Đông Xuân: gieo vào tháng 11-12, thu hoạch tháng 2-6 năm sau
– Ánh sáng: Cây ớt ưa sáng hoàn toàn, càng nhiều nắng quả càng đẹp, giàu dưỡng chất.
– Nhiệt độ: Ớt ưa nhiệt độ cao khoảng 25-30 độ C
– Độ ẩm: ớt thích độ ẩm trung bình.
– Đất trồng: Cây ớt không kén đất nhưng nên chọn các loại đất ít bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, có hàm lượng dinh dưỡng khá. pH= 5,5-6,5 là tốt nhất. Đất trồng tốt cần được luân canh đậu, lúa, bắp… tối thiểu 3 năm, vụ trước không nên trồng các loại cây họ cà: cà tím, cà chua, ớt… đề phòng nấm bệnh lan truyền cho cây. Đất phù hợp có cơ cấu thoáng xốp: đất thịt pha sét, đất trồng lúa, đất phù sa, đất cát
Đất cần được cày xới sâu 20-25 cm, phơi ải 10-15 ngày, luống rộng 1m, cao 20 cm.
– Tưới nước: Cây ớt cần tưới nước đầy đủ, mùa mưa thoát nước tốt. Tưới thấm vào rãnh là phương pháp tưới nước tốt nhất cho ớt: vừa tiết kiệm nước, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, không văng đất lên lá. Tuy nhiên nếu ruộng có cây bị bệnh gây ra trong đất thì nên tưới hốc, tưới phun.
Cần tưới nước đầy đủ trong giai đoạn ra hoa, kết quả để tránh hoa, quả bị rụng. Nếu tưới không đầy đủ và điều độ làm cây phát triển kém, giảm hoa, giảm quả, chất lượng thấp.
Tỉa cành nhánh: tỉa các lá, cành dưới điểm phân cành vào lúc nắng ráo để ớt phân tán rộng, gốc thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.
Làm giàn: Khi ớt nhiều quả gặp gió mạnh dễ bị đổ ngã nên làm giàn giúp cây đứng vững, dễ hái quả, hạn chế quả bị sâu bệnh do cây đổ, kéo dài thời gian thu hoạch.
Bón phân cho cây:
Bón lót: ( áp dụng cho diện tích 1 ha )20 kg NPK 16-16-8 + 2 kg Micromate + 1-1,5 tấn phân hữu cơ hoai mục hoặc 1-1,5 tấn phân trùn quế + 2 kg Basudin 10 H + 1 kg Super Humic.
Bón thúc ( áp dụng cho diện tích 1 ha)
Sau trồng 25-30 ngày bón thúc đợt 1: 1 kg Super Humic + 30 kg N.P.K 16-16-8 + 500kg phân trùn quế
Sau trồng 45-50 ngày bón thúc đợt 2: 5 kg Nitrabor + 30 kg N.P.K 16-16-8+ 5 kg Ure + 500kg phân trùn quế
**** có thể giảm bớt 20-30% lượng NPK nếu bón NPK chung với trùn quế
Bổ sung dinh dưỡng cho cây
Sau khi ớt được 15 ngày, pha 1 lít dịch trùn quế với 600-700 lít nước, 7 ngày phun xịt 1 lần cho đến khi thu hoạch. Các thành phần dinh dưỡng và amin có trong dịch trùn quế sẽ giúp ớt phát triển tốt, hạn chế nấm bệnh, cây ra hoa đều đẹp. Trái ớt vỏ dày, cay, nặng cân, ít bị thối úng.
Phòng trừ sâu bệnh:
Cây ớt ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên nếu trồng nhiều đồng loạt thì có thể bị sâu ăn lá, sâu đất, sâu đục quả, bọ phấn, bọ trĩ, rầy mật … bà con sử dụng luân phiên các loại thuốc: Thiamax 25WDG, Ammate, Brightin 1.8EC, Secure 10EC, Actimax 50WG
Thu hoạch ớt:
Ớt cay thu hoạch sau 35-40 ngày sau trổ hoa, thu hoạch trung bình 1-2 ngày/ lần.Năng suất ớt đạt trung bình 25-35 tấn/ha.
Nên thu hoạch khi quả bắt đầu chuyển màu có vết đỏ để kích thích hoa nhiều, tăng năng suất đợt sau. Chú ý cắt cả cuống quả,tránh làm gãy nhánh.
Nguồn: sưu tầm và chỉnh sửa