Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Để phát triển sầu riêng bền vững, nông dân huyện Sông Hinh (Phú Yên) thay đổi phương thức sản xuất, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Đỡ lo chuyện được mùa mất giá
Những năm gần đây, huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) phát triển khá mạnh cây sầu riêng, giúp nông dân cải thiện cuộc sống và nâng cao thu nhập đáng kể.
Theo UBND huyện Sông Hinh, toàn huyện hiện có gần 600ha sầu riêng gồm các giống Mongthong, Ri6, Musaking. Trong đó, hơn 100ha sầu riêng đã cho thu hoạch với sản lượng trên 1.000 tấn/vụ.
Xã Ea Bar là một trong những địa phương trồng sầu riêng lớn nhất huyện Sông Hinh. Hiện nhiều nông dân nơi đây đang sở hữu diện tích sầu riêng lớn đang thu hoạch. Điển hình như ông Cao Nguyên Lâm ở buôn Quen hiện có hơn 10ha sầu riêng.
Ông Lâm cho biết, trước khi trồng sầu riêng, ông đã trồng nhiều cây khác nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy sầu riêng có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuông nên khi cao su mất giá ông đã chuyển nhiều diện tích sang cây trồng này.
Nhờ tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc nên việc trồng sầu riêng của gia đình ông Lâm thuận lợi, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 5 năm, sầu riêng đã thu hoạch, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Riêng vụ năm ngoái, với 7ha sầu riêng 7 năm tuổi, ông lãi trên 8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều trăn trở của ông Lâm và nhiều nông dân là khi cây sầu riêng phát triển mạnh khiến cung vượt cầu sẽ dễ rơi vào cảnh được mùa rớt giá, đầu ra không ổn định.
Do vậy, để phát triển cây sầu riêng bền vững, với sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đầu năm 2024, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam (tỉnh Đắk Lắk) đã ký kết chương trình hợp tác liên kết và tiêu thụ với các hộ dân và tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Sông Hinh.
Trong đó, ông Lâm đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp. “Chúng tôi hi vọng việc liên kết này sẽ giúp nông dân có kênh tiêu thụ ổn định, không phải bán lẻ tại các chợ hoặc thương lái đến thu mua như lâu nay”, ông Lâm bày tỏ.
Tương tự, ông Bùi Đức Niệm ở thôn Tân An (xã Ea Bar) cũng ký kết hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Ông Niệm cho biết sau khi ký kết, hơn 2 tháng qua, ông được cán bộ kỹ thuật của Công ty đến tận vườn hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và loại bỏ trái non không như ý nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho quả phát triển đồng đều, đạt năng suất và hiệu quả tốt nhất.
Theo bà Trần Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, Công ty đã ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với 28 hộ trồng tại huyện Sông Hinh. Để sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mỗi cây tại vườn từng hộ đều được Công ty gắn mã số để quản lý vùng trồng; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trong suốt quá trình từ lúc cây ra hoa đến khi thu hoạch.
Cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc
Mới đây, tại Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn ShengXiang Trade Group (Trung Quốc) đã ký kết hợp tác xuất nhập khẩu sản phẩm sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Tại lễ ký kết, bà Trần Thu Hằng cho biết, Công ty cam kết đảm bảo hiệu quả sản xuất cho nông dân liên kết, đảm bảo nguồn cung sầu riêng chất lượng, ổn định cho đối tác. Tập đoàn ShengXiang Trade Group là doanh nghiệp thương mại quy mô lớn tại thị trường Trung Quốc, chuyên cung cấp các kênh bán hàng nên sẽ đảm bảo việc thu mua cũng như lưu thông sầu riêng Việt Nam sang thị trường tỉ dân.
Theo bà Hằng, với việc ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với đối tác Trung Quốc, sẽ là cơ hội để sầu riêng của Phú Yên tham gia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả, giá trị sầu riêng của địa phương trên thương trường quốc tế. Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị để hỗ trợ bà con kiểm soát chất lượng tại vùng trồng cũng như tiếp tục khảo sát về khí hậu, thổ nhưỡng để mở rộng vùng nguyên liệu.
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết, để chuỗi liên kết được bền chặt, người dân, HTX và các thành viên tổ hợp tác sản xuất sầu riêng tại huyện Sông Hinh cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt tuân thủ nghiêm các yêu cầu bắt buộc của nước đối tác theo hướng dẫn của doanh nghiệp liên kết.
Theo UBND huyện Sông Hinh, để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, hiện trên địa bàn huyện đã được kiểm tra, cấp mã số 4 vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 94ha. Riêng năm 2024, huyện được tỉnh hỗ trợ 1,6 tỉ đồng để phát triển cây sầu riêng với quy mô 100ha.