Hằng năm, lượng phụ phẩm rơm rạ được thải ra từ sản xuất lúa ở nước ta rất lớn, nhất là tại ÐBSCL, nơi đang cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Với sản lượng lúa hàng năm đạt hơn 24 triệu tấn, ÐBSCL cũng có lượng rơm rạ ở mức tương đương…
Nguồn rơm rạ dồi dào
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hằng năm ước tính nước ta có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30-50 triệu phế phụ phẩm thực vật khác. Tổng khối lượng phế phụ phẩm trong trồng trọt lên trên 100 triệu tấn/năm, với hầu hết là xác hữu cơ như thân, lá, vỏ hạt… tất cả đều chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất. Với khối lượng này, nếu không quản lý và sử dụng tốt sẽ gây nên một sự lãng phí. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, con số lãng phí hằng năm có thể lên tới vài trăm nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, lượng phế phụ phẩm này không sử dụng đúng mục đích có thể gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước) do hoạt động vùi lấp yếm khí, xử lý bừa bãi hay đốt bỏ…