
Trồng rau má, cả phường khá lên
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
BÌNH ĐỊNH Hiện nay, trên địa bàn phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) có đến 213 hộ nông dân ‘đổi đời’ nhờ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau má.
Rau má thế chân cây lúa kém hiệu quả
Cách đây khoảng 10 năm, một vài hộ dân ở khu phố Cửu Lợi Nam, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) tiên phong trồng rau má dưới tán dừa để kiếm thêm thu nhập. Đất dưới tán dừa mênh mông thật, nhưng cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng, tán dừa khép kín, cây rau không có ánh sáng để quang hợp nên èo uột, không phát triển nổi.
Cánh đồng rau má ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Thấy cây rau má là loại rau mang lại hiệu quả kinh tế, chính quyền địa phương đã vận động người dân đưa ra trồng tập trung theo hướng chuyên canh trên những diện tích đất lúa bị nhiễm phèn, cho năng suất kém. Những thửa ruộng thoáng đãng như “vùng đất hứa”, sống trên đất này cây rau má không còn vàng vọt, èo uột như khi sống dưới tán dừa mà xanh mướt từng lá. Đầu ra của rau má lại thênh thang nên những thửa ruộng bị nhiễm phèn trước đây không hiệu quả với cây lúa giờ lại mang tiền đến cho người dân.
Chẳng bao lâu sau, những diện tích trước đây canh tác lúa kém hiệu quả dọc các khối phố Cửu Lợi Nam, Cửu Lợi Đông, Tăng Long 1, Trung Hóa… đều được chuyển đổi, cây rau má thay cho cây lúa trải dài như tấm thảm nhung xanh mướt. Mùa nắng, trên những ruộng rau má điểm xuyết những chiếc dù đủ sắc màu, hay những tấm lưới râm che nắng cho những nông dân chăm sóc rau má.
Nông dân trồng rau má ở phường Tam Quan Nam kể: Những cánh đồng sản xuất lúa bị nhiễm phèn ở đây hầu hết bị bỏ hoang vì làm lúa chỉ thu hoạch rơm chứ lúa chẳng có là bao. Thấy những vùng trồng rau má nhỏ lẻ trong vườn nhà của bà con địa phương hàng ngày có nhiều thương lái đến tìm mua từng ký, nhưng không có rau má bán, thế là những nông dân có ruộng nhiễm phèn chuyển đổi những diện tích nói trên từ trồng lúa sang trồng rau má.
Đại lý thu mua rau má của chị Đào Thị Hương ở khu phố Cửu Lợi Nam, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
“Khi ấy tôi mạnh dạn đầu tư trồng 3 sào rau má (500m2/sào), bình quân mỗi tháng thu hoạch khoảng 1 tấn, bán được 8 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 5 triệu đồng. Rau má dễ trồng, ít sâu bệnh, sau khi thu hoạch lứa đầu tôi tiếp tục tưới nước, bón phân, khoảng 20 – 25 ngày sau rau má lại cho thu hoạch, trồng rau má có thể thu hoạch quanh năm.
Bình quân cả năm, mỗi sào rau má cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Tính ra hiệu quả kinh tế của cây rau má cao gấp 3 – 4 lần so với cây lúa, nhờ vậy vợ chồng tôi xây dựng được căn nhà khang trang, có tiền nuôi con ăn học”, ông Nguyễn Kim Dũng (sinh năm 1970) ở tổ Chùa Vàng, khu phố Cửu Lợi Nam, người có hơn 8 năm gắn bó với nghề trồng rau má chia sẻ.
Theo UBND phường Tam Quan Nam, riêng khu phố Cửu Lợi Nam có gần 50% hộ nông dân trồng rau má với diện tích 7,5ha, mỗi ngày, nông dân ở khu phố này thu hoạch, cung ứng ra thị trường trên 2 tấn rau má. Hiện nay rau má có giá bình quân từ 8.000 – 10.000đ/kg, ước tính mỗi ngày bà con ở đây thu khoảng 16 – 20 triệu đồng. Nông dân các phu phố Cửu Lợi Đông, Tăng Long 1, Trung Hóa… cũng tham gia trồng hơn 10ha rau má, hiện toàn phường có 213 hộ trồng rau má với diện tích khoảng 18ha.
Đổi phận nghèo nhờ rau má
“Mùa nắng là mùa thu tiền của những người trồng rau má. Càng nắng nóng nhu cầu giải nhiệt của người tiêu dùng càng cao, rau má có tác dụng tiêu nhiệt, dưỡng âm, giải độc… nên được tiêu thụ mạnh. Người tiêu dùng mua rau má để nấu canh, ăn sống hoặc làm nước sinh tố…
Mỗi buổi chiều, trên những ruộng rau má đầy ắp tiếng nói cười của nông dân tập trung từng nhóm làm cỏ, tưới nước, bón phân cho những ruộng rau. Đến khoảng 2 – 3 giờ sáng hôm sau, bà con lại tất bật ra đồng thu hoạch rau má mang về nhập cho các đại lý”, ông Nguyễn Kim Dũng phấn khởi cho biết.
Vợ chồng ông Nguyễn Kim Dũng ở tổ Chùa Vàng, khu phố Cửu Lợi Nam chăm sóc rau má. Ảnh: V.Đ.T.
Gia đình ông Huỳnh Lập (sinh năm 1966) ở tổ Chùa Nam, khu phố Cửu Lợi Nam (phường Tam Quan Nam) cũng nhờ rau má mà đổi đời. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Lập luôn thiếu trước hụt sau, làm lúa trên chân ruộng phèn thu hoạch lúa ăn không giáp hạt. Bởi, bản thân ông bị liệt 1 cánh tay không thể làm việc nặng, vợ mua gánh bán bưng, thế là vợ chồng ông Lập chuyển sang trồng rau má. Công việc trồng rau má khá nhẹ nhàng, phù hợp với người khuyết tật như ông. Cũng nhờ rau má mà vợ chồng ông Lập nuôi 2 con học đại học đến nơi đến chốn.
Người có thu nhập “đỉnh” nhất trong những hộ trồng rau má ở phường Tam Quan Nam là anh Huỳnh Văn Đến (sinh năm 1980) ở khu phố Cửu Lợi Nam. Với 8 sào rau má, hàng năm gia đình anh lãi ròng hơn 100 triệu đồng. “Không riêng gì gia đình tôi, mấy năm qua cũng nhờ cây rau má mà hàng trăm hộ nông dân ở phường Tam Quan Nam có cuộc sống đủ đầy hơn, thậm chí có nhiều hộ giàu lên”, anh Đến cho biết.
Bình quân mỗi năm đại lý của chị Đào Thị Hương ở khu phố Cửu Lợi Nam (phường Tam Quan Nam) thu mua, cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn rau má. Ảnh: V.Đ.T
Hiện trên địa bàn Tam Quan Nam có 14 đại lý thu mua rau má lớn nhỏ, hàng ngày cung ứng ra thị trường từ 4 – 5 tấn rau má.
Chị Đào Thị Hương (sinh năm 1974), đại lý chính thu mua rau má ở khu phố Cửu Lợi Nam chia sẻ: “Trước đây, tôi buôn bán các mặt hàng hải sản, vốn bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả kinh doanh không cao. Sau khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau má của các siêu thị, chợ ở các tỉnh phía Nam rất cao, nên cách đây 8 năm tôi quyết định chuyển sang làm đại lý rau má.
Bình quân mỗi năm, đại lý của tôi thu mua của bà con trên dưới 150 tấn rau má, trị giá gần 1 tỷ đồng để cung ứng cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM. Để có nguồn cung ổn định cho các mối hàng, gia đình tôi còn thuê hơn 1ha đất giao cho 5 hộ dân nghèo trong khu phố trồng rau má cung ứng cho đại lý của tôi, nhờ đó họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, bà Hương chia sẻ.
“Để nâng cao chất lượng, giá trị của cây rau má, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Hội Nông dân thị xã Hoài Nhơn tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; quy hoạch những diện tích đất màu, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau má nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời tìm kiếm doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm cao cấp từ rau má”, ông Nguyễn Văn Chữ, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam cho biết.
Th419

Dừa xiêm, xoài cát làm giàu cho người dân xứ cát
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
BÌNH ĐỊNH Từ một vùng đất cát bạc màu, hiệu quả thấp, cây dừa xiêm và xoài cát đang dần phủ xanh đất Phù Cát (Bình Định), làm giàu cho nông dân.
Dừa xiêm ngọt lịm trên xứ cát
Huyện Phù Cát, địa phương được mệnh danh là “xứ cát” của tỉnh Bình Định trước đây chẳng có tên tuổi gì trên bản đồ cây ăn quả của đất võ. Vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ 20, cây ăn quả trên đất Phù Cát có chăng cũng chỉ là những cây điều và dừa ta chẳng cho hiệu quả gì. Từ khi hệ thống kênh tưới của đập dâng Văn Phong đưa nước về xứ cát, nông dân ở đây đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để khai thác tiềm năng của đất. Những diện tích điều và dừa ta già cỗi được thay thế bằng dừa xiêm và xoài cát.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, toàn huyện này hiện có khoảng 1.188ha dừa xiêm, tập trung ở các xã Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh, Cát Tân và Cát Khánh. Sở dĩ nông dân Phù Cát chọn cây dừa xiêm để gửi gắm niềm tin là vì loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không kén đất, cả những vùng đất cát ven biển cây dừa xiêm vẫn “đẻ ra tiền”.
Ở Phù Cát, hầu như nhà nào cũng trồng dừa xiêm, nhà ít vài chục cây, nhiều đến vài trăm cây. Thực tế cho thấy, dừa xiêm là loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tiềm lực kinh tế của nhiều hộ nông dân. Dừa xiêm trên đất cát cho nước có độ ngọt cao, thơm, được nhiều thị trường ưa chuộng.
Hiện huyện Phù Cát hiện có khoảng 1.188ha dừa xiêm. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Mỗi ha có thể trồng 300 cây dừa xiêm, 4 năm sau khi trồng cây dừa xiêm sẽ cho quả. Dừa xiêm 5 – 6 năm tuổi mỗi năm cho khoảng 100 – 120 quả/cây. Dừa xiêm ở Phù Cát luôn có giá ổn định, vào mùa nắng nhu cầu giải khát tăng cao thì dừa xiêm đứng giá 10.000 – 12.000đ/quả, mùa mưa giá dẫu có hạ nhưng vẫn đứng mức 7.000đ/quả.
Riêng dịp Tết Nguyên đán, dừa xiêm được bán theo buồng để chưng bàn thờ tổ tiên thì giá còn cao hơn. Theo tính toán của nông dân Phù Cát, mỗi cây dừa xiêm cho lãi khoảng 1 triệu đồng/năm. Một số người am hiểu kỹ thuật, thu dừa khô làm giống còn có thu nhập cao hơn, bởi dừa giống có giá đến 60.000 đồng/quả.
“Để lấy ngắn nuôi dài, mấy năm đầu dừa chưa khép tán, chưa cho quả thì mình trồng xen đậu phộng (lạc), mì, rau màu dưới tán dừa để có thu nhập. Phân bón cho đậu phộng, mì và rau màu cây dừa cũng được ăn theo nên phát triển rất tốt. Khi dừa được 4 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch là chủ nhà vườn bắt đầu rủng rỉnh tiền. Trồng dừa cũng không lo đầu ra, thương lái đến tận vườn mua gom”, nông dân Nguyễn Văn Yên, chủ vườn dừa ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) chia sẻ.
Khi dừa xiêm chưa cho quả, nông dân có thể trồng đậu phộng dưới tán dừa để “lấy ngắn nuôi dài”. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cây dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển còn cho hiệu quả bất ngờ hơn. Theo kinh nghiệm của nông dân Nguyễn Công Tại ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh), cây dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển chỉ khó trong giai đoạn đầu, khi cây đã bắt rễ thì cũng phát triển như trồng trên những chân đất khác.
Đặc biệt, dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển quả cho nước có vị ngọt đậm, rất đặc trưng. “Tôi trồng 100 cây dừa xiêm từ năm 2012 – 2013, đến năm 2017 thì có thu hoạch, ngay lứa đầu bình quân mỗi cây đã được khoảng 100 quả. Mỗi năm 100 cây dừa xiêm cho gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng”, ông Tại chia sẻ.
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, dừa xiêm là loại cây trồng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật chăm sóc lại rộng đầu ra, giá cả ổn định nên mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích dừa xiêm trên địa bàn huyện đã tăng đến gần 1.200ha.
Chuẩn hóa những cây ăn quả chủ lực
Sau dừa xiêm, xoài cát cũng là cây ăn quả chủ lực của huyện Phù Cát, hiện diện tích xoài cát trên địa bàn huyện này đã có được 208ha, tập trung chủ yếu ở xã Cát Hanh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết, xã đang có diện tích trồng xoài tập trung đến hơn 100ha, trong đó hầu hết đã cho kinh doanh. Địa phương phát triển cây xoài cát đầu tiên ở xã Cát Hanh là thôn Tân Hóa Nam.
“Cây xoài cát Hòa Lộc mang về từ miền Nam về rất phù hợp với đất cát nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con thấy vậy phá hết những diện tích trồng dừa ta trước đây cho hiệu quả kém để mở rộng diện tích trồng xoài. Cây xoài nhanh chóng phủ kín những diện tích đất vườn trên địa bàn toàn xã, hiện nay đã có trên 100ha”, ông Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc (sinh năm 1955) đang sở hữu 800 gốc xoài cát trồng trên diện tích 4ha ở thôn Tân Hóa Nam, trong đó có hơn 300 gốc đã được được 21 năm tuổi và gần 500 gốc được 13 năm tuổi. Với 800 gốc xoài cát cao niên, mỗi năm ước tính ông Ngọc thu hoạch trên 40 tấn quả. Năm được giá, xoài loại 1 được thương lái đến tận vườn mua với giá 22.000đ/kg, xoài loại 2 mua 12.000đ/kg, bình quân giá xoài khoảng 15.000đ/kg.
Với hơn 40 tấn xoài, mỗi năm ông Ngọc ước tính có thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Trừ các loại chi phí từ thuê công tỉa cành, phân bón, thuốc BVTV mất khoảng 100 triệu đồng thì ông còn lãi ròng được 500 triệu đồng.
Ở huyện Phù Cát (Bình Định) hiện có 208 ha xoài cát, tập trung chủ yếu ở xã Cát Hanh. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, địa phương này xác định 2 loại cây ăn quả chủ lực là dừa xiêm và xoài cát để đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa. Do vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp Phù Cát phối hợp với các địa phương đã rà soát diện tích sản xuất của 2 cây trồng này, lập quy hoạch và định hướng người dân đầu tư thâm canh, phát triển đồng bộ theo quy trình canh tác để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.
Năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép huyện Phù Cát sử dụng địa danh “Phù Cát – Bình Định” đăng ký nhãn hiệu “xoài cát Phù Cát”. Đến nay, có khoảng 40ha xoài tập trung của Phù Cát đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Giai đoạn 2023 – 2025, huyện Phù Cát đăng ký sản xuất thêm 110ha xoài hợp chuẩn VietGAP tập trung ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Lâm, riêng trong năm 2023 sẽ trồng 60ha, đồng thời đề xuất hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho 25ha.
Cũng giai đoạn này, Phù Cát sẽ trồng thêm khoảng 100ha dừa xiêm, riêng trong năm 2023 tăng 50ha và 2 năm 2024 – 2025 tăng thêm 50ha. Toàn bộ diện tích dừa xiêm trồng mới này sẽ được điều chỉnh sản xuất theo một quy trình để triển khai đồng bộ.
Năm thời tiết thuận lợi, năng suất xoài cát khoảng 10 tấn/ha. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cũng theo ông Lê, huyện Phù Cát đã xây dựng mô hình khuyến nông thâm canh dừa xiêm thời kỳ cho quả theo hướng hữu cơ với quy mô diện tích 1,2ha ở xã Cát Hiệp; chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu để nhân rộng.
Khi đã chuẩn hóa quy trình và chất lượng sản phẩm, Phù Cát sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và đăng ký sản phẩm OCOP, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm xoài, dừa xiêm của địa phương. Đẩy mạnh quảng bá nông sản chủ lực qua các kênh tiêu thụ, kết nối với Sở Công thương Bình Định để mở rộng thị trường.
“Trong vụ đông xuân 2022 – 2023, huyện Phù Cát đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là diện tích trồng cây ăn quả kết hợp cấp mã số vùng trồng”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho hay.
“Trong năm 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định sẽ hướng dẫn canh tác và chứng nhận VietGAP cho 110ha cây ăn quả, trong đó có 50ha bưởi ở huyện Hoài Ân và 60ha xoài ở huyện Phù Cát; chứng nhận hữu cơ cho 100ha dừa xiêm, trong đó huyện Hoài Ân 50ha và huyện Phù Cát 50ha.
Toàn bộ diện tích được chuẩn hóa này được cấp mã số vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP”, ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định chia sẻ.
Vũ Đình Thung
Th1202

Nơm nớp vụ rau Tết
Nguồn tin : báo Nông Nghiệp
BÌNH ĐỊNH Nông dân Bình Định hiện đã xuống giống vụ rau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đứng trước dự báo đầu tháng 12 này sẽ có mưa lớn, người trồng rau không khỏi lo lắng.
Rau Tết dự báo tăng giá
Để kịp cung ứng cho người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hiện nay nông dân các vùng rau lớn ở Bình Định đã xuống giống các loại rau ăn quả như khổ qua, đậu bắp, đậu cô ve, đậu Hòa Lan, súp lơ, riêng dưa leo có thời gian sinh trưởng chỉ 40 ngày nên bà con chưa xuống giống. Những diện tích trồng rau ăn lá nông dân luân canh quanh năm, nhưng vụ rau chuẩn bị cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới mang đến cho người trồng rau sự hồ hởi, bởi dự báo Tết này rau xanh sẽ lên giá.
Những vùng rau ở Bình Định đang hồ hởi vào vụ rau Tết. Ảnh: V.Đ.T.
Trong những ngày này, vùng rau an toàn Thuận Nghĩa thuộc Thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) trở nên sôi động hẳn, bởi bà con đang hối hả xuống các loại rau ăn quả để kịp bán Tết. Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, trong 10 ngày nay, hôm nào thời tiết thuận lợi là bà con ra đồng xuống giống rau, vùng rau trở nên náo nhiệt hơn những ngày bình thường. Bởi, vụ rau này có ý nghĩa sẽ mang lại những khoản tiền để bà con sắm sanh rượu thịt, mua rim mứt cho gia đình ăn Tết và quần áo mới cho con cái.
Hiện vùng rau Thuận Nghĩa có 19,5ha được công nhận là rau an toàn, có 9 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 244 thành viên. Bà Lê Thị Phu, người có thâm niên sản xuất rau ở Thuận Nghĩa hiện đã xuống giống hơn 2 sào hành (500m2/sào) và 3 sào rau ăn lá.
Rau trồng ở HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) đều được trồng trên vồng đất. Ảnh: V.Đ.T.
Bà Phu chia sẻ: “Tôi luôn ý thức chấp hành quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước khi sản xuất, tôi chuẩn bị kỹ từ khâu làm đất, trong quá trình rau sinh trưởng, tôi chăm sóc rau theo đúng quy trình để rau cho năng suất, chất lượng cao kịp bán Tết. Làm ăn cả năm, cuối năm có dư giả hay không người trồng rau ở đây đều kỳ vọng vào vụ rau Tết nên vụ rau này bà con tập trung đầu tư cho những vồng rau của mình ghê lắm!”.
Nỗi lo mưa lũ uy hiếp
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, mấy ngày nay trời hửng nắng, người trồng rau ở Thuận Nghĩa rủ nhau ra đồng làm đất, vun luống chuẩn bị sản xuất vụ rau Tết. Thế nhưng khi nghe dự báo thời tiết về đợt mưa lớn sẽ xảy ra vào đầu tháng 12/2022, người trồng rau ở Thuận Nghĩa vô cùng lo lắng, nhiều người đã dừng xuống giống các loại rau ăn quả. Những diện tích đã làm đất, lên vồng, bà con lấy bạt nilon phủ những vồng đất lại để tránh bị mưa làm trôi đất, đợi hết mưa lấy bạt ra bắt đầu xuống giống, những vồng rau ăn quả đã xuống giống cũng được bà con tủ lại để tránh bị trôi giống.
Vùng rau an toàn ở xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, ình Định). Ảnh: V.Đ.T.
“Những diện tích rau ăn quả đã xuống giống được 10 ngày nay không còn lo trôi mất giống, chỉ sợ những diện tích vừa xuống giống trong những ngày cuối tháng 11. Tuy những diện tích trồng rau ăn quả không sợ mất giống nhưng nếu gặp mưa lớn quá sẽ bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất năng suất”, ông Cầu lo lắng.
Người trồng rau ở huyện An Lão cũng không ngoại lệ, hiện đang rất lo lắng khi các loại rau trồng bán Tết như bắp cải, dưa leo, khổ qua, củ cải trắng, ớt, hành, xà lách… đã xuống giống từ đầu tháng 10 âm lịch (25/10 dương lịch).
Bà Võ Thị Hương, người có thâm niên 20 năm trồng rau ở thôn Tân Lập, xã An Tân (huyện An Lão) hiện đang trồng hơn 5 sào dưa leo, khổ qua, đến nay, khổ qua đã bắt đầu ra trái lứa đầu. Hiện khổ qua đang được thương lái mua tại vườn với giá từ 16.000 – 18.000đ/kg. Theo bà Hương, nếu giá này ổn định kéo dài đến Tết, mỗi sào khổ qua bà sẽ có thu nhập 10 triệu đồng, cầm chắc có cái Tết ấm áp.
Ở vùng rau an toàn của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), nơi có 13ha chuyên canh cây rau theo hướng VietGAP hiện cũng đã xuống giống 6ha các loại rau ăn quả như khổ qua, đậu bắp, đậu Hòa Lan, những diện tích còn lại bà con trồng rau ăn lá được sản xuất thường xuyên hết vụ này đến vụ khác, luân canh quanh năm. Riêng cây dưa leo ở vùng rau Phước Hiệp bà con chưa trồng, bởi thời gian sinh trưởng của dưa leo chỉ 40 ngày là cho quả, nên người trồng rau ở đây đợi qua đợt mưa đầu tháng 12 dương lịch tới đây mới bắt đầu xuống giống.
Rau an toàn ở HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Ảnh: V.Đ.T.
“Hầu hết rau ở đây đều được trồng trên vồng, nếu mưa nhỏ thì không sợ bị ngập, nhưng mưa lớn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu xảy ra lũ lớn thì cầm chắc các vùng rau sẽ tan tác, bởi huyện Tuy Phước được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Bình Định”, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp chia sẻ.
“Trên địa bàn Bình Định hiện có 50 nhóm cùng sở thích về sản xuất rau an toàn với diện tích trên 100ha. Trong đó, có 20 nhóm cùng sở thích được thành lập từ các HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) và Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn). Các nhóm cùng sở thích lấy thương hiệu “Lá Lành” để cung cấp sản phẩm ra thị trường. Các nhóm sản xuất rau an toàn được đào tạo, thực hành sản xuất theo hướng VietGAP, cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho hay.
Th509