Đẩy mạnh tái canh, nâng tầm giá trị cà phê
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Đẩy mạnh tái canh, đưa giống mới chất lượng vào sản xuất đã giúp cho ngành hàng cà phê của tỉnh Gia Lai từng bước nâng cao năng suất và giá trị trên thị trường.
Bỏ dần những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém
Huyện Đăk Đoa là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 28.000ha. Giai đoạn 2020 – 2024, người dân trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 1.500ha thay thế vườn cà phê già cỗi, giống không đảm bảo chất lượng, dẫn đến năng suất kém.
Trước đây, đình anh Xuân (xã Glar, huyện Đăk Đoa) có vườn cà phê 700 cây già cỗi, năng suất thấp. Sau khi tham khảo nhiều nơi, anh Xuân chọn sử dụng giống xanh lùn và TR4 để thực hiện tái canh cho vườn cà phê.
“Sau 2 năm trồng và chăm sóc, đã có khoảng 70 cây cà phê cho quả bói, gia đình thu được hơn 8 triệu đồng. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch chính, doanh thu dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái”, anh Xuân chia sẻ.
Theo anh Xuân, tái canh cà phê muốn đảm bảo bền vững thì quan trọng nhất là khâu xử lý đất. Phải mất ít nhất 1 năm để thực hiện cải tạo đất trước khi xuống giống cà phê thì mới hiệu quả. Nếu không, cà phê dễ bị sâu bệnh, tuyến trùng tấn công.
Tương tự, trải qua 4 năm, nông dân ở huyện Chư Sê đã thực hiện tái canh được hơn 1.100ha cà phê. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình tái canh, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất nên phần lớn các vườn cà phê sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng đảm bảo.
Vườn cà phê 1,4ha của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) trồng từ trước năm 2.000 nên đã già cỗi, bình quân chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha. Nhận thấy nếu cứ tiếp tục chăm sóc vườn cà phê, gia đình không đủ bù đắp chi phí. Đến năm 2021, được hỗ trợ chi phí mua cây giống cà phê vối lai TRS1, bà Hưởng đã tiến hành tái canh vườn.
“Dù mới tái canh được 2 năm nhưng 700 cây cà phê đã cho thu bói hơn 7 tấn quả tươi. Trong khi đó, 700 cây mới tái canh năm 2023 cũng đang phát triển rất tốt”, bà Hưởng chia sẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh tái canh, sử dụng giống chất lượng
Để đẩy mạnh tái canh cà phê, hàng năm huyện Chư Sê đều dành một phần ngân sách kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm hỗ trợ người dân.
Ông Lê Sỹ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây cà phê tái canh theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhờ đó, những diện tích cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh cho năng suất cao, đạt 5 – 6 tấn nhân/ha. So với những vườn cà phê già cỗi trước đây, vườn cây tái canh cho năng suất cao hơn từ 10 – 20%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, các giống cà phê mới đưa vào tái canh đã đáp ứng tốt trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, kháng được các loại sâu bệnh hại và chịu hạn tốt.
Trong đó, các giống cà phê mới như TR4, TRS1 rất phù hợp với chân đất của địa phương nên được nhiều người dân trên địa bàn sử dụng rộng rãi. Nhờ đẩy mạnh tái canh trong thời gian qua, cây cà phê trên địa bàn huyện có năng suất vượt trội và chất lượng ngày càng đáp ứng tốt trên thị trường.
“Huyện Đăk Đoa tiếp tục phối hợp cùng Công ty TNHH Nestlé Việt Nam triển khai hỗ trợ kinh phí và giống chất lượng từ các viện nghiên cứu cây trồng cho người dân trên địa bàn tái canh hiệu quả”, ông Anh thông tin.
Th515
Giá cà phê tăng cao, người dân ồ ạt xuống giống
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
Thấy giá cà phê tăng cao, người dân lại ồ ạt xuống giống, trong khi chính quyền địa phương khuyến cáo nên ổn định diện tích, tập trung sản xuất theo hướng bền vững.
Đua nhau trồng cà phê
Gia Lai hiện có khoảng hơn 100.600ha cà phê, trong đó có 90.000ha giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân đạt khoảng trên 31 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng hơn 281.000 tấn. Hiện giá cà phê dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng trên 100.000 đồng/kg nhân. Do giá cà phê cao kỷ lục, gấp 3 – 4 lần so với nhiều năm trước nên nông dân khắp nơi đang đua nhau trồng.
Những ngày này, đi một vòng quanh huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), dễ dàng bắt gặp người dân tất bật làm đất, đào hố chuẩn bị trồng cà phê. Bên cạnh việc trồng tái canh thay thế những vườn cà phê già cỗi, có rất nhiều diện tích được trồng mới hoàn toàn. Thậm chí, rất nhiều cây trồng khác đã được phá bỏ để chuyển sang trồng cà phê.
Khoảng hơn 1 tháng trước, khu vườn hơn 1ha của gia đình ông Trần Văn Linh (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) phủ kín bởi giàn chanh dây thì nay đã được dọn sạch sẽ để chuẩn bị trồng cà phê. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Linh đã đào hố, bỏ phân, chỉ còn chờ mưa xuống là thực hiện trồng.
Ông Linh cho biết, những năm trước, giá chanh dây tăng cao, gia đình cũng chạy theo để trồng. Nhưng rồi chỉ được thời gian ngắn, chanh dây lại rớt giá thê thảm, tiền bán không đủ bù nhân công thu hái khiến gia đình thua lỗ nặng.
Thấy giá cà phê tăng vọt trong thời gian qua, gia đình ông Linh đã mạnh dạn xuống giống hơn 1.000 cây cà phê với hi vọng trong vài năm tới giá cà phê vẫn ổn định như bây giờ.
“Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, bền vững của tỉnh Gia Lai nên dù giá cả có lên xuống thì gia đình vẫn quyết tâm trồng. So với các cây trồng khác, cà phê tương đối dễ trồng và chăm sóc, ít bị sâu bệnh tấn công. Hi vọng vài năm sau khi cà phê cho thu hoạch, giá vẫn cao”, ông Linh chia sẻ.
Xuôi về huyện Chư Păh, rất nhiều hộ dân đã lên phương án tái canh cũng như trồng mới sau khi chứng kiến giá cà phê tăng vọt thời gian qua. Mọi khâu chuẩn bị từ cải tạo đất, đào hố, bỏ phân đã được người dân thực hiện, chờ khoảng hơn 1 tháng nữa khi mưa xuống sẽ tiến hành trồng.
Đang cặm cụi bỏ phân xuống từng hố để chuẩn bị xuống giống cà phê, anh Pyul (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, trước đây gia đình có gần 1ha trồng cao su. Tuy nhiên, việc khai thác mủ cao su không còn được thuận lợi như trước, cộng với giá cả bấp bênh nên gia đình quyết định phá bỏ để trồng cà phê.
“Gia đình nhận thấy cà phê vẫn là cây trồng bền vững hơn so với nhiều loại cây khác. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng cà phê không cao và chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Hiện giá cà phê đang tăng cao, hi vọng vài năm tới mức giá này vẫn giữ ổn định”, anh Pyul nói.
Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai sản xuất thường chạy theo thời giá. Một thời, phong trào trồng chanh dây nổ ra rầm rộ đã phần nào phá vỡ quy hoạch cây trồng. Hậu quả kéo theo là mất giá, nông dân phải chặt bỏ vườn cây.
Cần ổn định diện tích, sản xuất bền vững
Với tiềm năng về đất đai và khí hậu, tỉnh Gia Lai rất phù hợp trồng cây cà phê. Tuy nhiên, để cà phê phát triển bền vững, không bị động chạy theo thời giá thì cần phải trồng có lộ trình, trên diện tích phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, diện tích cà phê trên địa bàn huyện vẫn ổn định khoảng 18.000ha. Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Ia Grai sẽ tái canh khoảng 450 – 500ha cà phê. Tuy nhiên, với tình hình giá cà phê tăng cao như hiện nay, diện tích tái canh dự kiến sẽ nhiều hơn so với kế hoạch.
“Huyện sẽ cố gắng duy trì diện tích cà phê trong khoảng 18.000ha. Đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp thì khuyến khích thực hiện tái canh. Tuy nhiên không nên tái canh cà phê cùng một lúc mà thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo nguồn thu. Mặt khác, huyện cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện tái canh hoặc trồng mới cà phê cần chủ động về nguồn nước tưới, tránh tình trạng bị khô hạn như hiện nay”, ông Thắm khuyến cáo.
Huyện Đăk Đoa là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với khoảng 28.000ha. Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, theo kế hoạch hàng năm, huyện sẽ thực hiện tái canh khoảng trên 300ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Để thực hiện tái canh hiệu quả, huyện không khuyến khích trồng trên những vùng đất mà nguồn nước tưới chưa đảm bảo.
“Trên thực tế hiện nay, người dân đang ồ ạt xuống giống cà phê nhưng huyện không khuyến khích trồng mới mà chỉ nên tái canh, ổn định diện tích, tăng năng suất, năng cao chất lượng sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch” ông Anh chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh Gia Lai với 490 triệu USD trong năm 2023.
“Hiện nay giá cà phê tăng cao do nhu cầu thu mua của thế giới ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cà phê của Gia Lai có chất lượng, độ đồng đều cao nên được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, thời gian tới, việc thực hiện tái canh là chủ trương của tỉnh để hướng đến phát triển ngành hàng cà phê bền vững”, ông Có chia sẻ.
Cũng theo ông Có, đối với diện tích tái canh năm 2024, các địa phương cần hướng dẫn người dân khẩn trương nhổ bỏ, thu gom, đưa toàn bộ thân, cành, rễ, tàn dư thực vật ra khỏi vườn và đốt. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý đất trồng tái canh theo đúng quy trình tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT.
“Đối với vườn cà phê đã có biểu hiện già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp, thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, không chủ động được nguồn nước tưới, người dân cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng ít nước hơn như cây điều, bơ, sầu riêng”, ông Có thông tin.
Theo kế hoạch, hàng năm Gia Lai thực hiện tái canh cà phê từ 2.000 – 2.500ha. Để thực hiện tốt kế hoạch, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê, sử dụng các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt đã được công nhận.
Th207
Đak Đoa triển khai dự án trồng hoa cúc trong nhà lồng
Nguồn tin: Báo Gia lai
(GLO)- Để đáp ứng nhu cầu sử dụng hoa cúc chất lượng cao cho người dân của huyện và các vùng lân cận, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện dự án ứng dụng công nghệ đèn Led trồng hoa cúc trong nhà lồng tại xã Hneng.
Dự án ứng dụng công nghệ đèn Led trồng hoa cúc trong nhà lồng tại xã Hneng. Ảnh Nguyễn Diệp
Theo đó, quy mô của dự án khoảng 2.000 m2 tại hộ gia đình ông Đinh Xuân Thành (thôn Krun, xã Hneng). Đây là hộ dân được lựa chọn nhờ đảm bảo các yêu cầu của dự án như diện tích đất, nhà lồng, lưới bọc hoa, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cao và 50% kinh phí đối ứng mua phân bón, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước và sử dụng đèn Led…
Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ 345 triệu đồng (giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình…) và vốn do hộ dân đối ứng hơn 845 triệu đồng.
Lứa hoa cúc đầu tiên sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ sử dụng đèn Led đơn sắc trong trồng hoa cúc cho người dân trên địa bàn xã Hneng và hộ tham gia dự án; đồng thời, hỗ trợ giống, phân bón vật tư các loại theo đúng quy trình kỹ thuật cho hộ thực hiện…
Hiện cây hoa cúc sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, là địa chỉ để người dân địa phương tham quan, học tập, nhân rộng trong thời gian tới.
Th919