
Xoài Đồng Tháp xuất đi hơn 10 nước
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng ĐBSCL, sản lượng bình quân đạt trên 115.000 tấn quả/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp như lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng và sen. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trồng xoài VietGAP
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, bao gồm lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng và sen. Đặc biệt những năm gần đây ngành hàng xoài ở Đồng Tháp được ứng dụng công nghệ vào sản xuất như rải vụ, thụ phấn bông xoài 70% diện tích, bao trái xoài gần 90% diện tích nhằm giúp xoài ra trái quanh năm.
Tính đến nay diện tích trồng xoài của Đồng Tháp đạt hơn 14.000ha gồm 3 giống chủ lực như Cát Chu, Tượng da xanh và Cát Hòa Lộc. Xoài được trồng ở 12/12 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Cao Lãnh là 4.100ha và TP Cao Lãnh là 3.400ha, huyện Thanh Bình 1.700ha và huyện Lấp Vò 1.300ha… Sản lượng bình quân đạt trên 115.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.
Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi đến HTX xoài Mỹ Xương, ở huyện Cao Lãnh – hiện nay là thời điểm nhà vườn bắt đầu thu hoạch xoài nghịch vụ để cung cấp cho thị trường. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã tập tành mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tính đến nay diện tích trồng xoài của Đồng Tháp đạt hơn 14.000ha gồm 3 giống chủ lực là Cát Chu, Tượng da xanh và Cát Hòa Lộc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết: Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc BVTV, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gia đình ông đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học. Trước đây thông thường mỗi vụ ông phải tốn từ 8 – 10 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 15 – 16 tấn/ha thì hiện tại, chỉ cần 1 – 2 lần nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái để không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được, nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.
Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài cho thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí người trồng lãi từ 250 – 300 triệu đồng/ha/vụ.
295 vùng trồng xoài được cấp mã số
Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình sản xuất đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản hiện nay.
Sản lượng xoài bình quân của tỉnh Đồng Tháp đạt trên 115.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Trung Quốc là thị trường lớn đã được cấp 252 mã số vùng trồng (trên 7.000 ha). Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài.
Bên cạnh đó, hiện đã có 5 doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn tỉnh, 1 mã số đang hoạt động và 4 mã số đang chờ phê duyệt. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Tuy nhiên, diện tích thực hiện còn khá khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 486ha đạt chứng nhận VietGAP (33 cơ sở) và 2 ha đạt chứng nhận hữu cơ (Công ty TNHH Chú Chín).
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
“Hiện nhiều thị trường nhập khẩu yêu cầu nông sản phải được truy xuất nguồn gốc, mà để truy xuất được nguồn gốc thì phải được cấp mã số vùng trồng. Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là dễ tính nhưng nay cũng đã có nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta. Vì vậy, muốn tăng xuất khẩu nông sản thì quá trình sản xuất cần phải thay đổi để thích ứng và vượt qua các rào cản đó.
Tại vùng trồng xoài Đồng Tháp đến nay đã có hàng ngàn hecta được cấp mã số vùng trồng, đa phần những vùng này phục vụ cho xuất khẩu, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi”, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp khẳng định.
Th314

Tổ hợp tác nâng thương hiệu hoa hồng Sa Đéc
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Tổ hợp tác hoa hồng ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) là một trong những tổ đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều nông dân tham gia.
Thời gian gần đây, nhiều tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng đã được thành lập ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Trong đó, Tổ hợp tác hoa hồng ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) là một trong những tổ đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều nông dân tham gia.
Ngoài các cuộc họp định kỳ, các thành viên trong Tổ hợp tác thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật trồng, chia sẻ giống mới với nhau. Ảnh: Thanh Nghĩa.
Đã nhiều năm gắn bó với cây hoa hồng, mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm trong sản xuất giống hoa này nhưng khi địa phương thành lập Tổ hợp tác, ông Trần Hữu Thiện (ngụ phường Tân Quy Đông) đã chủ động tham gia, bởi theo ông Thiện, với sự đa dạng về chủng loại và thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, đòi hỏi nông dân phải tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm, nên việc cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân với nhau sẽ là giải pháp để nâng cao chất lượng cho cây hoa hồng Sa Đéc.
Ông Thiện chia sẻ: “Hoa hồng muốn trồng được phải có kinh nghiệm. Bây giờ anh em trong Tổ hợp tác nghiên cứu trồng tùy theo thị trường, nghĩa là mình trồng những gì nhu cầu thị trường cần chứ không trồng những gì mình có như trước kia mạnh ai nấy trồng. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận”.
Hiện Tổ hợp tác hoa hồng phường Tân Quy Đông đã có trên 30 thành viên, chủ lực của Tổ là trồng và cung ứng hoa hồng và một số loại hoa khác. Mỗi năm, Tổ hợp tác cung ứng hàng trăm ngàn giỏ hoa cho thị trường. Trong vụ hoa Tết vừa rồi, thời tiết không mấy thuận lợi đối với cây hoa hồng. Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ đã cùng họp bàn, trao đổi kỹ thuật để đối phó với thời tiết. Nhờ đó, hoa vẫn phát triển tốt, đủ cung ứng cho thị trường, tổ viên cũng có thu nhập ổn định.
Nhiều giống hoa hồng mới được các thành viên trong Tổ hợp tác giới thiệu nhân giống làm cho bức tranh làng hoa Sa Đéc thêm phú phú hơn. Ảnh: Thanh Nghĩa.
Anh Huỳnh Thanh Tuấn, Tổ trường Tổ hợp tác hoa hồng phường Tân Quy Đông cho biết thêm: “Năm vừa qua thời tiết khắc nghiệt, thay đổi đột ngột, không thuận lợi trồng hoa. Sớm nắm bắt tình hình, anh em trong Tổ hợp tác đã trao đổi kinh nghiệm trong cách trồng như: Làm nhà lưới, nhà màng, nhà mủ, phun thuốc theo định kỳ để đối phó thời tiết khắc nghiệt. Nhờ đó, chất lượng cây hoa ổn định hơn so với những người ở ngoài Tổ hoa hồng, giá bán cũng tốt, ai cũng có lợi nhuận. Hàng tháng, Tổ sẽ họp để trao đổi khoa học kỹ thuật, giá cả các loại hoa để thống nhất trong mua bán nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn”.
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất hoa hồng, các tổ viên còn chia sẻ với nhau về những giống mới để cung ứng cho thị trường. Song song đó, Tổ còn có vai trò là đầu mối tiếp nhận các đơn hàng để phân phối cho tổ viên sản xuất cũng như làm đầu mối tìm đầu ra cho bà con với giá cả ổn định. Vì thế, tổ viên an tâm hơn trong quá trình sản xuất.
Thời gian tới, Tổ hợp tác sẽ dần chuyển sang mô hình hội quán. Ảnh: Thanh Nghĩa.
Thấy được hiệu quả của Tổ hợp tác, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đã có định hướng trong việc nâng chất lượng cho Tổ trong thời gian tới. Ông Trần Văn Lành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) thông tin: “Quá trình hoạt động của Tổ hợp tác hoa hồng thời gian qua đạt hiệu quả nên số lượng thành viên ngày càng tăng. Định hướng tới có thể sẽ nâng dần từ Tổ hợp tác thành hội quán để duy trì hoạt động và tạo điều kiện để bà con nông dân, tổ viên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng hoa, từng bước nâng dần thành HTX…”.
Với hơn 2.300 hộ trồng và kinh doanh hoa kiểng, việc có thêm những tổ hợp tác sẽ rất cần thiết để hoa kiểng Sa Đéc phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Th102

Dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc hút khách dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Quý Mão, nông dân Đồng Tháp mạnh dạn phát triển sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc được khách hàng khắp nơi đặt mua.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp đang rất tất bật chăm sóc các vườn cây ăn trái, hoa kiểng để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Quý Mão sắp đến. Tại vườn dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, 2.500 gốc dưa lưới, cho năng suất 3,2 tấn. Hiện nay, vườn dưa đã được thương lái bao tiêu toàn bộ. Tuy nhiên năm nay, thời tiết những ngày cuối năm trở lạnh, đây là một trong những yếu tố khiến năng suất vụ dưa cuối năm không cao.
Vườn dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.
Với bà con nông dân trồng dưa lưới, đây là vụ mùa lớn nhất trong năm. Vì thế để gia tăng giá trị cho sản phẩm, anh Vinh có ý tưởng đa dạng hóa sản phẩm, khai thác thị hiếu của khách hàng, phát triển thêm sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc. Từ công đoạn thiết kế đến khắc chữ lên dưa lưới đều được anh Vinh tự thực hiện, với giá bán 500.000 đồng/cặp.
Anh Vinh đánh giá, sản phẩm dưa lưới khắc chữ thuộc dạng sản phẩm “khó chơi” nên thị trường đối với mặt hàng này khan hiếm. Đây là một lợi thế giúp anh khai thác giá trị từ vườn dưa lưới hiện có của gia đình để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới. Dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc là một trong những sản phẩm được thị trường “săn đón” trong dịp Tết để trưng bày trong gia đình với mong muốn mang lại may mắn, tài lộc trong năm mới. Hiện thị trường tiêu thụ dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc đang ổn định, anh Vinh đã mạnh dạn tăng hơn 700 gốc dưa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc được thị trường rất ưa chuộng trong những ngày cuối năm. Ảnh: Kim Anh.
Hiện tại, giá dưa lưới vàng dao động trong khoảng 45.000 đồng/kg, dưa lưới xanh khoảng 30.000 đồng/kg, so với cách đây một tháng giá dưa lưới đã tăng 5.000 đồng/kg. Dự đoán tình hình tiêu thụ dưa lưới từ nay đến cuối năm, anh Vinh cho biết, hiện dưa lưới nguồn cung trên thị trường đang khá nhiều so với mọi năm, nên có thể dẫn đến tình trạng ùn ứ mặt hàng nông sản này vào dịp cuối năm, kéo theo giá dưa có thể giảm.
Th1111