
Tây Ninh triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất hữu cơ
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
Đế khuyến khích nông dân chuyển dần sang sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.
Vườn mãng cầu sản xuất theo hướng hữu cơ ở huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, sản xuất hoàn toàn hữu cơ là rất khó. Vì vậy, sau mấy năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay, chỉ có hai cơ sở sản xuất ở Tây Ninh đã đăng ký sản xuất hoàn toàn hữu cơ. Cụ thể, một cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ cây bí đỏ và một cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ với cây khoai mì. Sản lượng sản phẩm hoàn toàn hữu cơ của 2 cơ sở này hiện vẫn chưa nhiều.
Trong khi đó, sản xuất theo hướng hữu cơ ở Tây Ninh đang có xu hướng tăng lên. Như ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (huyện Tân Châu) đã có 30ha mãng cầu được chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, còn rất nhiều diện tích nông nghiệp ở Tây Ninh đang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà trong đó tỷ lệ sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang tăng lên.
Để phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, trước hết là chú trọng tới truyền thông. Theo đó, thông qua truyền thông, ngành nông nghiệp Tây Ninh giải thích cho người sản xuất, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết được ý nghĩa của việc chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc chuyển đổi ấy sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Khi đã hiểu được tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ, nông dân sẽ dần chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ và người tiêu dùng sẽ sẵn sàng ủng hộ các loại nông sản hữu cơ hay được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Nông dân Tây Ninh chuẩn bị bơm chế phẩm hữu cơ cho vườn cây ăn trái. Ảnh: Lê Bình.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng đang tích cực hướng dẫn, khuyến khích nông dân chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ những chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác cũng góp phần thúc đẩy sản xuất hữu cơ. Vì để đạt được những tiêu chuẩn này, nông dẫn phải chú trọng các biện pháp sản xuất an toàn, trong đó có việc sử dụng nhiều hơn những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ trong quá trình sản xuất.
Trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp thời gian qua, Sở NN-PTNT Tây Ninh thường xuyên kiểm tra những cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kiểm tra thường xuyên, trước hết là để ngăn chặn kịp thời những sản phẩm độc hại, những sản phẩm đã bị cấm sử dụng, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm hạn chế sử dụng trên một số đối tượng cây trồng…
Ông Xuân cho rằng, việc kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng sẽ khiến những cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, tạo ra cơ hội cho những loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được tiêu thụ nhiều hơn trên thị trường.
Để phát triển sản xuất hữu cơ, không thể không phát triển thị trường nông sản hữu cơ, nông sản được sản xuất theo hướng hữu cơ. Vì vậy thời gian qua, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã khuyến khích quảng bá, giới thiệu những nông sản an toàn, nông sản ứng dụng sản xuất hữu cơ tới những hệ thống bán lẻ như Co.op Mart, Bách Hóa Xanh… với mong muốn những hệ thống bán lẻ sẽ hình thành những cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm hữu cơ hay VietGAP, qua đó tạo cơ hội cho những sản phẩm này được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn trên thị trường.
Th1011

Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ cho lợi ích dài lâu
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Tây Ninh _ Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tỉ lệ quả loại A có thể đạt từ 70 – 80%, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân và xã hội.
Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Hội quán sầu riêng Bàu Đồn và Công ty Đức Thành vừa tổ chức hội thảo về phát triển bền vững cây sầu riêng.
Tham dự hội thảo có ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cùng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất sầu riêng.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Trần Trung.
Canh tác hữu cơ, tỷ lệ loại A đạt 70 – 80%
Theo bà Phạm Hồng Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, Tây Ninh), Hội quán sầu riêng Bàu Đồn có 30 thành viên với tổng diện tích sầu riêng trên 45ha. Hiện các thành viên Hội quán đã và đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho hội viên.
Hội quán có 2 vùng trồng đã được cấp mã số và có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua việc liên kết chuỗi với 2 doanh nghiệp gồm Nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu – Chi nhánh Công ty TNHH Trinity Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ngoài ra, sản phẩm sầu riêng của Hội quán còn được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Trong niên vụ sầu riêng 2023 – 2024 (niên vụ sầu riêng tại tỉnh Tây Ninh đã kết thúc), đa số nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Bàu Đồn – thủ phủ sầu riêng của tỉnh đạt lợi nhuận cao, người dân phấn khởi.
Được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện, sản phẩm sầu riêng của Hội quán hiện đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGAP, được cấp nhãn hiệu tập thể, có thể truy xuất nguồn gốc…
“Mặc dù sầu riêng Bàu Đồn đang có năng suất, chất lượng và tình hình tiêu thụ rất tốt nhưng về lâu dài, cần phải quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu để việc tiêu thụ không chỉ là nông dân tìm đến doanh nghiệp, người tiêu dùng mà ngày càng có nhiều đơn hàng chủ động, doanh nghiệp tìm đến đặt hàng vì thương hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn”. Để nhãn hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn” không chỉ dừng lại ở việc đặt một cái tên”, bà Phạm Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Ông Đinh Văn Chữ (phải) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Đinh Văn Chữ – một nông dân với 33 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng và là tỷ phú sầu riêng của tỉnh Tiền Giang chia sẻ việc lựa chọn giống, cách quản lý đất và dinh dưỡng hợp lý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, quản lý sâu bệnh và thiên địch một cách cân bằng… nhằm hướng tới phát triển sầu riêng hữu cơ, bền vững.
Theo ông Chữ, việc phát triển sầu riêng hữu cơ là một xu hướng nhằm đảm bảo sản phẩm sầu riêng không chỉ có chất lượng cao mà còn thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Để đạt được điều này, cần tuân thủ các nguyên tắc canh tác hữu cơ và quản lý nông trại một cách bền vững.
“Với mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tỉ lệ quả loại A – loại có thể xuất khẩu và giá trị cao nhất có thể đạt từ 70 – 80%. Đặc biệt, việc phát triển cây sầu riêng bền vững sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân và xã hội”, ông Chữ chia sẻ.
Trách nhiệm với môi trường và cộng đồng
Bà Lê Thị Mai Huyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Thành cho rằng, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để trở thành một vùng chuyên canh sầu riêng hàng đầu. Tuy nhiên, để đạt được năng suất và chất lượng cao nhất, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thân thiện với môi trường là vô cùng quan trọng.
Sầu riêng Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển. Ảnh: TT.
Bà Huyền chia sẻ: Là doanh nghiệp tại địa phương với hơn 35 năm sản xuất phân bón và thuốc BVTV, với tâm huyết cho nền nông nghiệp bền vững, Công ty luôn mong muốn góp phần phát triển nông nghiệp Tây Ninh, đặc biệt là cây sầu riêng.
“Công ty cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng cao, không chỉ giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà còn đảm bảo môi trường đất và nước được bảo vệ lâu dài. Đây không chỉ là chiến lược phát triển kinh doanh, mà còn là trách nhiệm của chúng tôi đối với cộng đồng và môi trường.
Với định hướng này, chúng tôi tin rằng cây sầu riêng tại Tây Ninh sẽ không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân”, bà Huyền nhấn mạnh.
Tại hôi thảo, ông Ngô Văn Chánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã chia sẻ về xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nông dân Tây Ninh ngày càng chú trọng canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường. Ảnh: TT.
Ông Chánh cho biết sầu riêng Việt Nam hiện được đánh giá cao về chất lượng, giá cả vụ vừa qua ổn định hơn so với niên vụ trước. Các đối tác Trung Quốc hiện yêu cầu sầu riêng Việt Nam phải tuân thủ theo tiêu chuẩn như của Thái Lan. Năm nay, chất lượng sầu riêng tại các vườn trồng đã được cải thiện rất tốt, lượng xuất khẩu tăng và còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững, điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Ngô Văn Chánh đề xuất các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp thu mua để giải quyết đầu ra bền vững cho sầu riêng, từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân.
“Ngoài ra, cần hỗ trợ các vùng trồng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký được kiểm tra sớm, cải thiện chuỗi liên kết và giải quyết nguồn hàng sầu riêng để mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Ngô Văn Chánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng, tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, đặc biệt là giống sầu riêng Ri6 và Dona. Mùa vụ sầu riêng ở Tây Ninh muộn hơn các tỉnh Tây Nam bộ nhưng sớm hơn Tây Nguyên, nhờ đó, tỉnh có thể chủ động cung ứng cho thị trường vào những thời điểm thuận lợi.
Tây Ninh cũng ít chịu ảnh hưởng từ thiên tai, không bị hạn hán hay bão lũ thường xuyên. Đặc biệt, tỉnh có tầng đất canh tác dày, nhiều đất thịt và đất đen màu mỡ, khả năng thoát nước tốt, cùng với hệ thống tưới tiêu được quy hoạch bài bản, rất phù hợp để trồng cây sầu riêng.
“So với nhu cầu tiêu thụ sầu riêng trong tỉnh, diện tích trồng sầu riêng tại Tây Ninh hiện vẫn chưa lớn. Việc chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao hơn là hướng đi tốt trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng cần phải tuân theo định hướng, phù hợp với thổ nhưỡng, áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững cả về sản xuất và tiêu thụ”, ông Xuân nói.
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.
Tại hội thảo, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, mới đây Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 nghị định thư, trong đó có nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
“Việc mở cửa thị trường cho sầu riêng đông lạnh không chỉ giúp đa dạng hóa quy trình chế biến mà còn giảm áp lực về mùa vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Viết Bình nhấn mạnh.
Th1028

Vườn sầu riêng hữu cơ bạc tỷ trên đất trũng
TÂY NINH – Qua bàn tay kiến thiết, vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ông Tống Thanh Đức (Tây Ninh) đã biến vùng đất trũng thành vườn cây ăn quả xanh mướt.
Vườn sầu riêng hữu cơ bạc tỷ của ông Đức trên vùng đất trũng. Ảnh: Trần Trung.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thành quả ông Đức có được hôm nay chính là nhờ niềm đam mê nông nghiệp và cách làm bài bản. Ông rất chịu khó tìm hiểu khoa học kỹ thuật qua nhiều kênh khác nhau rồi tự mình đi tìm hiểu các nơi. Mô hình nào không biết, ông lại đi tìm người giỏi hơn để nhờ tư vấn, giúp đỡ. Từ mô hình của ông Đức, Hội Nông dân xã Truông Mít thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu cho nông dân các địa phương khác đến tham quan, học hỏi.
Dẫn chúng tôi thăm dấu tích của vùng đất trũng còn tồn tại sau khi được chuyển đổi sang cây ăn trái và hoa màu cùng cây công nghiệp dài ngày, ông Đức cho biết, ngày trước, cao su, lúa và đậu phộng là những loại cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Với quan niệm đã làm nông nghiệp là phải có đất, nhờ mủ cao su được giá, hoa màu và cây lương thực trúng mùa, nhiều năm như thế ông tích cóp dần để mở rộng thêm đất canh tác.
Với triết lý “cây không đụng lá, cá không chạm đuôi”, ông Đức đã lên liếp rất khoa học. Ảnh: Trần Trung.
Nhưng lợi thế cây trồng chủ lực không lâu bền mãi. Trong khoảng thời gian gần chục năm, giá cao su duy trì ở mức thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân trồng cao su tiểu điền. Tương tự, cây đậu phộng cũng vậy. Ngày trước ít ai trồng đậu phộng trúng mùa và đạt năng suất như ông Đức. Thế nhưng thời giá bấp bênh, khó cạnh tranh, đậu phộng không còn là lựa chọn ưu tiên của người dân.
Theo ông Đức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương của tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ những năm 2000, ông và nhiều nông dân cũng bắt đầu chuyển đổi trên vườn đất của mình. Trên diện tích 25ha, ông Đức chỉ duy trì 8ha cao su, 6ha lúa và đậu phộng. Phân nửa diện tích còn lại ông Đức trồng 8ha sầu riêng, 2ha nhãn tiêu da bò và 1ha trồng tre lấy măng.
Tuy trồng trên đất trũng nhưng cây vẫn cần được tưới nước hợp lý để sinh trưởng phát triển ổn định. Ảnh: Trần Trung.
Trong số diện tích chuyển đổi, sầu riêng là cây trồng ông Đức tâm đắc nhất. Ông Đức kể, từ 5 năm trước, vùng đất này vẫn còn là vùng trũng thấp. Ông mua đất rồi mướn xe đào mương, lên liếp rồi trồng toàn bộ giống sầu riêng Ri6. Hớp ngụm trà thơm, ông Đức bộc bạch, với triết lý “cây không đụng lá, cá không chạm đuôi”, khác các tỉnh ở miền Nam và Tây Nguyên, ông trồng sầu riêng với mật độ thưa, chỉ khoảng 100 cây/ha. Mương nước giữa các luống trồng sầu riêng cũng được ông cơi nới rộng rãi so với các vườn đã tham qua ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Ngoài ra, giữa thời điểm phân hóa học đa dạng, dễ dàng tìm mua để xử lý cho cây trái vườn nhà thì lão nông này lại từng bước chuyển dần sang dùng phân hữu cơ. Ông Đức quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao, còn phân hữu cơ vừa an toàn, vừa tốt cho cây và đất, người tiêu dùng ăn sầu riêng vườn nhà ông cũng an tâm hơn.
Ông Đức tự hào bên vườn sầu riêng xanh tốt của mình. Ảnh: Trần Trung.
Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Đức có khoảng 1.000 gốc, trong đó phần lớn đang cho trái, năng suất khoảng 20 tấn/ha. Trong vụ sầu riêng 2022 vừa qua, ông thu về khoảng 2 tỉ đồng sau khi trừ chi phí. “Hồi trước sử dụng phân hữu cơ ít, còn bây giờ chiếm 2/3 lượng phân cho vườn. Phân hóa học dùng ít lại, chủ yếu không để thiếu chất. Mình xem cây như con người. Anh em nào không biết thì đến đây, tôi sẵn sàng tư vấn. Một là phải lên liếp trồng sầu riêng như thế nào cho có hiệu quả. Thứ hai là loại giống gì mà trồng được để xuất khẩu, bán được giá. Hiện tôi trồng sầu riêng Ri6, ngoài tiêu thụ trong nước, thị trường Trung Quốc rất thích ăn loại này…”, ông Đức tâm sự.
Ngoài sầu riêng, trên diện tích 25ha, ông Đức còn trồng nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Trần Trung.
Tại địa phương, ông Đức cũng là hội viên năng nổ khi thường xuyên tham gia công tác Hội Nông dân, tích cực hỗ trợ hội viên nghèo và bà con có hoàn cảnh khó khăn. Ông Đức là một trong những mạnh thường quân có đóng góp rất lớn ở địa phương.
Hơn 10 năm nay, ông Đức luôn là gương điển hình tiên tiến, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện cũng như cấp tỉnh. Từ nỗ lực và sự đóng góp cho địa phương, ông Đức vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Nguồn tin: báo nông nghiệp
Th1028