Là hộ liên kết trồng dưa lưới, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) cho hay: “Gia đình tôi hiện có 5 sào nhà màng trồng dưa lưới. Ở vùng nông thôn, mô hình này vẫn còn mới mẻ và nhiều tiềm năng phát triển. Dưa lưới trồng trong nhà màng có thiết bị phun sương, tưới nhỏ giọt, đo nhiệt độ… giúp giảm nhân công lao động và chi phí sản xuất. Cây trồng còn được quản lý về dinh dưỡng, cách chăm sóc nghiêm ngặt nên đảm bảo chất lượng an toàn. Cây giống dưa được Công ty cung cấp, đồng thời hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi vụ thu hoạch 2-3 tấn/sào, thu nhập 50-60 triệu đồng tùy theo từng loại giống. Nhờ liên kết với Công ty mà tôi được chuyển giao kỹ thuật sản xuất dưa lưới đạt năng suất, chất lượng”.
Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Qua quá trình sản xuất cho thấy, cây dưa lưới rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/sào/vụ, chất lượng dưa được người tiêu dùng đánh giá cao. Bước đầu, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với một số loại cây trồng khác. Huyện khuyến khích các hộ dân liên kết với doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ.