
Dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc hút khách dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Quý Mão, nông dân Đồng Tháp mạnh dạn phát triển sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc được khách hàng khắp nơi đặt mua.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp đang rất tất bật chăm sóc các vườn cây ăn trái, hoa kiểng để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Quý Mão sắp đến. Tại vườn dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, 2.500 gốc dưa lưới, cho năng suất 3,2 tấn. Hiện nay, vườn dưa đã được thương lái bao tiêu toàn bộ. Tuy nhiên năm nay, thời tiết những ngày cuối năm trở lạnh, đây là một trong những yếu tố khiến năng suất vụ dưa cuối năm không cao.
Vườn dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.
Với bà con nông dân trồng dưa lưới, đây là vụ mùa lớn nhất trong năm. Vì thế để gia tăng giá trị cho sản phẩm, anh Vinh có ý tưởng đa dạng hóa sản phẩm, khai thác thị hiếu của khách hàng, phát triển thêm sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc. Từ công đoạn thiết kế đến khắc chữ lên dưa lưới đều được anh Vinh tự thực hiện, với giá bán 500.000 đồng/cặp.
Anh Vinh đánh giá, sản phẩm dưa lưới khắc chữ thuộc dạng sản phẩm “khó chơi” nên thị trường đối với mặt hàng này khan hiếm. Đây là một lợi thế giúp anh khai thác giá trị từ vườn dưa lưới hiện có của gia đình để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới. Dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc là một trong những sản phẩm được thị trường “săn đón” trong dịp Tết để trưng bày trong gia đình với mong muốn mang lại may mắn, tài lộc trong năm mới. Hiện thị trường tiêu thụ dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc đang ổn định, anh Vinh đã mạnh dạn tăng hơn 700 gốc dưa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc được thị trường rất ưa chuộng trong những ngày cuối năm. Ảnh: Kim Anh.
Hiện tại, giá dưa lưới vàng dao động trong khoảng 45.000 đồng/kg, dưa lưới xanh khoảng 30.000 đồng/kg, so với cách đây một tháng giá dưa lưới đã tăng 5.000 đồng/kg. Dự đoán tình hình tiêu thụ dưa lưới từ nay đến cuối năm, anh Vinh cho biết, hiện dưa lưới nguồn cung trên thị trường đang khá nhiều so với mọi năm, nên có thể dẫn đến tình trạng ùn ứ mặt hàng nông sản này vào dịp cuối năm, kéo theo giá dưa có thể giảm.
Th1213

Hiệu quả mô hình trồng dưa lưới công nghệ tưới nhỏ giọt
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Năm 2019, gia đình ông Trần Đình Yến (ở thôn Sơn Lộc 2, xã Cư Bao, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) quyết định phá bỏ 6 sào cà phê, tiêu già cỗi để đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Ban đầu ông Yến trồng thử nghiệm 3.000 gốc dưa; tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong xử lý bệnh tuyến trùng trên cây, kỹ thuật thoát nước cho cây chưa đúng quy chuẩn nên vụ thu hoạch đầu tiên quả nhỏ, vỏ bị nứt, gia đình ông bị thua lỗ. Không nản chí, với sự giúp sức của con trai vốn là kỹ sư công nghệ sinh học, ông Yến tiếp tục đầu tư trồng dưa lưới ở vụ tiếp theo. Song song với đó, ông dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thông tin trên sách báo, mạng Internet về kinh nghiệm trồng, chăm sóc dưa lưới.
Hiện nay, gia đình ông Yến đã đầu tư 5 nhà màng để trồng 6.000 gốc dưa. Để có nguồn thu nhập liên tiếp cũng như dễ xử lý sâu bệnh, ông trồng cây theo hình thức gối vụ, xen canh giữa các giai đoạn phát triển của cây. Mỗi năm gia đình ông Yến trồng được 3 vụ, nhờ áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật nên vườn cây phát triển tốt, đạt năng suất cao, mỗi quả dưa nặng từ 1,2 – 1,8 kg, giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ dưa mang lại cho gia đình ông nguồn thu gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng thử nghiệm 500 gốc dưa hấu không hạt để theo dõi và trồng đại trà vào vụ sau nếu đạt hiệu quả cao.
Mô hình dưa lưới mang lại thu nhập khá cho gia đình ông Yến.
Ông Yến chia sẻ, việc trồng dưa lưới trong nhà màng tuy mức chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng nhà nông sẽ sử dụng nhà màng được thời gian dài mới phải thay thế; thời gian sinh trưởng của dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác nhiều vụ trong năm nên có thể thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, hệ thống màng lưới giúp cây trồng không phụ thuộc vào thời tiết mưa nắng, côn trùng không thể xâm nhập, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đảm bảo sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa, hệ thống tưới nhỏ giọt có thể cung cấp phân bón, nước tưới tận gốc, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây trồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng dưa lưới của ông Yến còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công của gia đình và lao động tại địa phương. Hiện tại, gia đình ông Yến đã xây dựng thương hiệu dưa lưới Nông Farm CACB cũng như đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao chất lượng cũng tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ninh Trang
Th1207

Người trồng dưa háo hức chờ vụ Tết
Nguồn tin: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu
Thời điểm này, người trồng dưa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuống giống cho vụ Tết – vụ lớn nhất trong năm. So với vụ dưa Tết năm ngoái, chi phí đầu vào năm nay tăng khá cao. Do vậy, người trồng dưa kỳ vọng vụ này mưa thuận gió hòa, được mùa, được giá để có cái Tết đủ đầy.
Nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc chăm sóc dưa để chuẩn bị cho vụ Tết.
Chú trọng kỹ thuật, nâng cao chất lượng
Những ngày này, tại vườn trồng dưa lưới của gia đình bà Mai Thanh Hoa, ở ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, nhân công đang tất bất chăm sóc, xuống phân cho 7 sào dưa lưới phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Sau khi dịch bệnh ổn định, thị trường sôi động trở lại, gia đình bà Hoa tăng diện tích sản xuất. Hiện nay, dưa đã xuống giống gần 20 ngày tuổi, dự kiến từ ngày 23 tháng Chạp, dưa sẽ bắt đầu cho thu hoạch để phân phối ra thị trường ngoài tỉnh.
Theo bà Hoa, khi lên ý tưởng khởi nghiệp cùng giống dưa lưới Hà Lan, ngoài việc đầu tư công nghệ với nhà màng, hệ thống tưới tự động, bà tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường. Dù có vốn đầu tư ban đầu khá cao, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác mới nên công chăm sóc giảm, sản phẩm an toàn, được thị trường ưa chuộng. Nếu đạt năng suất và giá cả ổn định, từ 4 – 5 vụ, người trồng dưa lưới có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Đối với vụ dưa Tết, ngoài chất lượng, hương vị thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của trái dưa. Vì vậy, để có trái dưa to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, cần chú ý đến nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác. Dưa được sản xuất trong nhà màng sẽ giúp người trồng kiểm soát tốt hơn về các chỉ số thời tiết, nhiệt độ, cân nặng của trái, dưa được bảo vệ trước sâu bệnh nên mẫu mã cũng đẹp hơn so với trồng bên ngoài. Dù mới xuống giống, nhưng toàn bộ dưa vụ Tết nhà bà đã được thương lái đặt mua để xuất đi thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
“Năm nay, tuy chi phí có tăng do phân bón và nhân công tăng, nhưng bù lại thị trường ổn định hơn năm ngoái. Đặc biệt, dưa lưới của chúng tôi được trồng trong nhà màng bảo đảm an toàn, mẫu mã đẹp nên được thương lái đặt mua từ trước, không phải lo về đầu ra. Dự kiến, chúng tôi sẽ cung ứng ra thị trường hơn 30 tấn dưa lưới trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão”, bà Hoa chia sẻ thêm.
Tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, người trồng dưa cũng đang tất bật thuê nhân công chăm sóc vườn dưa lê phục vụ Tết. Bà Phạm Thị Thúy, ngụ ấp Hồ Tràm thông tin, năm nay bà xuống giống khoảng 6 sào đã được 1 tháng tuổi. Dưa này có thời gian thu hoạch khá nhanh, chỉ khoảng 75 ngày. Theo bà Thúy, vụ này thời tiết khá thuận lợi, song chi phí lại tăng khoảng 1,5 lần so với năm ngoái. Do đó, để có đầu ra ổn định, gia đình bà tập trung chăm sóc cho dưa bảo đảm chất lượng và mẫu mã, không chạy theo số lượng. “Chúng tôi hy vọng từ nay đến khi thu thu hoạch, thời tiết thuận lợi, dưa không bị sâu rầy, côn trùng, chuột bọ cắn phá, bán được giá cao để người dân đón cái tết sung túc, đủ đầy hơn”, bà Thúy cho hay.
Diện tích giảm
Bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết, địa phương có thổ nhưỡng đặc trưng là vùng đồng bằng ven biển, xen kẽ các dãy đồi cát thấp, khí hậu ôn hòa, mát mẻ nên rất thuận lợi cho việc trồng các loại dưa. Ngoài dưa hấu, dưa lê thông thường, các ruộng dưa đặc sản mới, hương vị lạ như dưa vàng kim cô nương, hoàng kim… cũng được các hộ trồng và phát triển ổn định mấy năm gần đây.
Dù mới xuống giống, vườn dưa lưới của gia đình bà Mai Thanh Hoa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ đã được thương lái đặt mua.
Tuy nhiên, diện tích trồng dưa vụ Tết trên địa bàn xã năm nay giảm phân nửa so với những vụ trước, chỉ còn khoảng 20ha. Nguyên nhân là do thời gian qua mưa nhiều khiến phần lớn diện tích trồng dưa của địa phương bị ngập trong thời gian dài, không thể canh tác. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư tăng, lo thời tiết thiếu ổn định nên nông dân e ngại đầu tư vụ Tết.
Theo ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 400ha trồng dưa các loại. 2 năm trở lại đây, diện tích trồng dưa vụ Tết có xu hướng giảm dần do chi phí đầu tư khá cao, khiến nhiều nông dân không còn mặn mà. Ngoài ra, đầu ra, giá cả còn phụ thuộc vào thị trường nên người dân không ồ ạt xuống giống vụ Tết mà chia ra thành nhiều đợt canh tác để có sản phẩm thu hoạch trước, trong và sau Tết nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Th102