
Nhà màng, nhà lưới bị phá tan, hợp tác xã phải chuyển sang trồng ngoài trời
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Thiệt hại 20 tỷ đồng do bão số 3, Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng buộc phải chuyển sang trồng ngoài trời để ‘lấy ngắn nuôi dài’, dần tìm cách khôi phục sản xuất.
Những khu nhà kính, nhà lưới bị gió bão quật đổ tan hoang Ảnh: Tùng Đinh.
Thiệt hại hơn 20 tỷ đồng
Hơn 10 ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua, HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) vẫn tan tác, ngổn ngang. Khắp nơi quanh trang trại, nhìn đâu cũng thấy những thanh thép cong queo, nứt gãy rồi màng, bạt rách bươm chất đống, kín cả lối đi.
Bão qua, nhưng những cơn mưa lớn vẫn chưa buông tha cho HTX. Dưới cơn mưa nặng hạt cuối buổi chiều, bầu trời xám xịt khiến khung cảnh của một trang trai từng đẹp như mơ càng thêm phần thê thảm.
Lần dở trong đống giấy tờ trên bàn làm việc, người phụ nữ có dáng người mảnh khảnh với thần sắc nhợt nhạt như vừa ốm dậy tìm được xấp tài liệu chi chít ô kẻ và các con số. Đó chính là thống kê thiệt hại của 3 khu vực sản xuất của HTX Rau sạch Yên Dũng mà chị Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX không thể nhớ nổi.
“Tính riêng vùng sản xuất ở Yên Dũng (Bắc Giang) chúng tôi thiệt hại hơn 5 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng, hơn 2 tỷ đồng tiền rau màu do bão số 3, tổng vào khoảng 7,7 tỷ đồng”, chị Trang nói, giọng như lạc đi khi nhìn vào tờ thống kê. Nếu cộng cả 3 khu vực sản xuất, thiệt hại của HTX Rau sạch Yên Dũng khoảng 20 tỷ đồng, trong đó riêng cơ sở hạ tầng là 15 tỷ.
Chị Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng mệt mỏi trước những gì cơn bão số 3 đã cướp đi của Hợp tác xã. Ảnh: Tùng Đinh.
Cả HTX hiện nay có hơn 60ha sản xuất rau củ quả phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thì có khoảng 17ha nhà kính, nhà lưới chuyên canh các sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại. Sau bão số 3, 12 nhà kính, nhà lưới bị sập hoàn toàn, tương ứng diện tích khoảng hơn 3ha, chưa kể những nhà hư hại một phần hoặc rách màng, bật lưới.
Nhìn mớ phế liệu đắp đống bên đường đi, nữ lãnh đạo của HTX buồn rầu cho biết chẳng thể tận dụng được gì để tái thiết sản xuất.
Kiểm tra những đám cây lưa thưa, chỗ cao chỗ thấp đang trơ trọi dưới cơn mưa, chị Trang nói: “Kia là nhà trồng măng tây, trước đây đẹp lắm mà giờ xơ xác trông như đám cây dại. Tính riêng hạt giống thì mỗi gói cũng phải ngang chiếc xe Dream”. Không chỉ măng tây, những cây trồng có nguồn gốc nước ngoài như ớt parlemo, cà chua… giống rất đắt, dao động từ 5.000 – 15.000 đồng/hạt nên thiệt hại rất nặng nề.
Một nhà dưa lưới bị bão đánh sập, giờ chỉ còn đống đổ nát và thân dưa chất đống chờ bỏ đi. Ảnh: Tùng Đinh.
Đảm bảo nguồn hàng đã ký với đối tác
Bão qua, đổ nát là không tránh khỏi nhưng điều đáng mừng là dưới cơn mưa nặng hạt, trong nhà kho vẫn thấy công nhân của HTX tất bật đóng gói, đóng hộp rau củ để đưa lên xe lạnh. Dù khuôn mặt vẫn đờ đẫn đầy mệt mỏi, giọng nói có lúc như cố để không bật khóc nhưng chị Trang cũng thừa nhận, nếu bây giờ không cố gắng gượng dậy thì còn thê thảm hơn nữa.
“Những nhà bị đổ sập hoàn toàn, chúng tôi coi như bỏ, chỉ sửa chữa những nhà bị hư hại nhẹ. Phần đổ sập sẽ được chuyển thành vùng canh tác ngoài trời dành cho các loại rau bản địa, giá trị thấp, sức chống chịu tốt hơn”, chị Trang cho biết. Sở dĩ như vậy là do các vật liệu hư hỏng không thể tận dụng, còn làm mới thì quá tốn kém, cả tiền bạc và thời gian.
Để tiết kiệm chi phí tái sản xuất, bà con sẽ thu gom những giá thể bên trong các nhà kính, nhà lưới còn sử dụng được để gieo trồng lứa mới. Bên ngoài, những loại cây ngắn ngày, rau ăn lá dễ thu hoạch sẽ được tập trung tái canh để sớm có thu nhập.
Những bộ khung nhà còn đứng vững sẽ được căng lại bạt, phần bị sập hoàn toàn coi như bỏ, trở thành khu canh tác ngoài trời. Ảnh: Tùng Đinh.
Ngoài thiệt hại về vật chất, việc rau màu bị phá hủy còn gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các đơn hàng đã ký, nói rộng ra là thiệt hại về quan hệ với các đối tác, bạn hàng truyền thống.
Để giảm thiểu nguy cơ này, chị Trang cùng lãnh đạo HTX Rau sạch Yên Dũng đã sớm liên hệ với các trang trại, HTX có sản phẩm cùng loại, đạt tiêu chuẩn để thu mua, cung cấp cho đối tác theo đúng đơn hàng, không làm ảnh hưởng đến nguồn cung.
Trước đây, do canh tác gối vụ, nguồn thu của HTX rất đều. Nay do mưa bão tàn phá, nguồn thu bị ảnh hưởng nặng nề, chưa kể phải chi ra để dọn dẹp, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Vì vậy, mà dù rất đau xót nhưng đơn vị cũng phải cắt giảm đến gần 50% nhân lực, chủ yếu là lao động sản xuất phổ thông, phần còn lại thì giảm thu nhập để phù hợp với khả năng tài chính ở giai đoạn này.
Điều này lại gây ra khó khăn trong sản xuất vì thiếu lao động. Trước mắt, để sớm ổn định, HTX sẽ phải bố trí công việc với nhân sự một cách khoa học nhất có thể, làm đến đâu, chắc đến đó.
“Cố gắng lắm, nhưng sức người cũng chỉ một phần, ông trời mà không thương thì cũng như muối bỏ bể thôi”, chị Trang nói, ném ánh mắt về phía cơn mưa đang rơi như trút xuống những luống rau vừa mới trồng lại. Quả thật, nếu thời tiết không thuận, thì gieo đến đâu trôi đến đấy, muốn làm lại cũng lực bất tòng tâm.
Người lao động của HTX Rau sạch Yên Dũng đã xuống đồng tái sản xuất, nhưng kết quả thế nào vẫn phần lớn phụ thuộc ông trời. Ảnh: Tùng Đinh.
Cần chính sách cho vay vốn để tái sản xuất
Hoạt động từ tháng 9/2016 với quy mô ban đầu chỉ 13ha, 8 năm qua, HTX Rau sạch Yên Dũng phát triển với phương châm làm đến đâu, mở rộng đến đấy. Có được 65ha canh tác như hiện nay, họ hoàn toàn dựa vào khả năng tự có, chưa từng phải đi vay.
Thế mà mưa bão đã khiến chị Trang và bà con trong HTX giờ mất sạch, lần đầu lâm vào cảnh nợ nần.
“Bây giờ muốn làm lại được nhanh và ổn định thì chỉ có đi vay. Chắc cũng phải đâu đó 10 tỷ đồng mới xoay xở được”, Phó Giám đốc HTX chia sẻ và mong muốn có chính sách hỗ trợ về lãi suất, thời gian vay để yên tâm tái sản xuất.
“Nếu mọi thứ may mắn, thuận lợi, ông trời không tàn phá thì 5 năm nữa, chúng tôi lại gây dựng lại được cơ ngơi của mình”, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói, có phần lạc quan. Ngoài trời, cơn mưa cũng vừa dứt, bà con cũng đã kịp ra đồng.
Th1111

Nông dân tất bật chuẩn bị trái cây, rau màu phục vụ tết
Nguồn tin: Báo Long An
Gần 2 tháng nữa là đến Tết Dương lịch năm 2024. Như mọi năm, vào thời điểm này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chuẩn bị trái cây, rau màu nhằm cung cấp cho thị trường mùa tết.
Th1215

Đột phá ứng dụng công nghệ cao trên cây rau
Nguồn tin: Báo Long An
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tư duy sản xuất rau theo hướng ƯDCNC, hữu cơ lan tỏa tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Ông Trần Tiết Giao (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) ứng dụng hệ thống tưới tự động vào sản xuất rau
Thay đổi tư duy sản xuất
Những năm gần đây, huyện Cần Giuộc được biết đến là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ với nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành. Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh với 34 chủng loại rau, nổi bật là các loại rau gia vị, rau ăn lá,…
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, hàng năm, huyện sản xuất trên 1.700ha rau màu, cung cấp ra thị trường khoảng 140.000 tấn rau. Tuy nhiên, trước năm 2015, việc sản xuất rau tại huyện vẫn còn manh mún, nhỏ, lẻ, sản phẩm không có thương hiệu và hầu như chưa đưa được vào hệ thống các nhà hàng, siêu thị.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nông dân không chủ động được thời vụ sản xuất. Mặt khác, trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn chế, việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với nông dân cũng như ngành Nông nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng rau chủ yếu bán cho thương lái, chỉ đến khi thu hoạch mới biết giá bán rau cao hay thấp. Việc phòng, trừ sâu, rầy cũng làm theo kiểu truyền thống, do đó, năng suất rau thường không cao và lợi nhuận cũng rất bấp bênh. Những năm gần đây, có hợp tác xã (HTX) tổ chức sản xuất, thu mua, hướng dẫn nông dân ƯDCNC nên năng suất, chất lượng rau và giá cả đầu ra được nâng lên đáng kể”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc – Ngô Bảo Quốc, trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, để thay đổi tư duy sản xuất, huyện tổ chức cho hàng trăm nông dân đi thực tế tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương có thế mạnh sản xuất rau như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Song song đó, huyện cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân cũng như tổ chức các lớp chuyển giao khoa học –
kỹ thuật về sản xuất rau ƯDCNC.
Qua những chuyến tham quan, lớp tập huấn, các mô hình trồng rau ƯDCNC bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện. Đầu tiên là mô hình sản xuất rau xà lách xoong trong nhà màng, sau đó là những mô hình sử dụng các loại phân bón thân thiện với môi trường, ít độc hại như phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh; những mô hình áp dụng đồng bộ hệ thống nhà lưới, nhà màng, tưới nước tự động tiết kiệm, sản xuất theo phương pháp thủy canh;… Ông Trần Tiết Giao (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) nói: “Với hệ thống phun tưới nước tự động, tôi chỉ cần mở cầu dao điện, hệ thống tưới sẽ phun đều cả vườn rau 0,4ha. Nhờ đó, tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc, nâng cao hiệu quả trồng rau”.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc tiếp tục triển khai nhiều dự án, mô hình nhằm khuyến khích nông dân ƯDCNC vào sản xuất rau. Cụ thể, huyện chọn HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Tiến làm mô hình điểm. HTX được tỉnh hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất, gồm phân bón hữu cơ và hệ thống tưới tự động cho 1ha rau.
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Tiến – Trần Văn Mến chia sẻ, HTX hiện có tổng diện tích gần 10ha chuyên trồng luân canh các loại rau ngắn ngày như cải, quế, hành lá,… Với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, HTX xác định sẽ đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. “Các thành viên của HTX đều có kinh nghiệm và hiểu rõ lợi ích của việc trồng rau an toàn, do đó, HTX tin rằng việc ƯDCNC vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao. Hy vọng đây sẽ là bước tạo đà để HTX mở rộng diện tích rau ƯDCNC trong thời gian tới” – ông Mến chia sẻ thêm.
Tiếp tục duy trì và nhân rộng
Những năm gần đây, huyện Cần Giuộc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, huyện chú trọng phát triển vùng trồng rau ƯDCNC theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, huyện có trên 1.175ha rau ƯDCNC. Toàn huyện có 31 HTX và 95 tổ liên kết sản xuất; trong đó, có 10 HTX, 1 tổ hợp tác trồng rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và Tổ hợp tác Xuân Huy Thịnh (xã Phước Lại) được cấp chứng nhận sản xuất rau hữu cơ. Ngoài ra, huyện còn có 5 chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm.
“Để tiếp tục duy trì và nhân rộng diện tích sản xuất rau ƯDCNC, huyện triển khai, thực hiện tốt các chính sách nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh để hỗ trợ kịp thời kinh phí cho nông dân; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; củng cố, nâng cao hoạt động các tổ hợp tác, HTX. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp như mở rộng hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng; đồng thời, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có khả năng nhân rộng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân để triển khai, thực hiện” – ông Ngô Bảo Quốc thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Chí Thiện, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng việc đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất rau màu để tạo ra nguồn nông sản sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Thông qua các chính sách hỗ trợ, hy vọng các HTX cũng như nông dân sẽ sản xuất hiệu quả và đạt lợi nhuận cao hơn.
“Khi triển khai các mô hình điểm, huyện Cần Giuộc phải thường xuyên theo dõi, đánh giá hiệu quả, qua đó từng bước mở rộng diện tích trồng rau ƯDCNC. Ngoài ra, các HTX cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và tìm đầu ra ổn định cho rau màu” – ông Nguyễn Chí Thiện đề nghị.
Bên cạnh các mô hình ƯDCNC vào sản xuất rau ở huyện Cần Giuộc, trên địa bàn tỉnh còn có các mô hình ƯDCNC tại huyện Cần Đước, TP.Tân An,… Hầu hết mô hình đều phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần khẳng định việc ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi đúng, phù hợp, cần được tiếp tục duy trì, nhân rộng trong thời gian tới./.
Đến nay, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.829ha, đạt 91,5% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, huyện Cần Giuộc trên 1.175ha; huyện Cần Đước trên 597ha và TP. Tân An trên 56ha.
Bùi Tùng
Th1015

Nông dân đầu tư tiền tỉ trồng rau công nghệ cao
Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết của bản thân, ông Nguyễn Văn Bé Lượm, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đã tự nghiên cứu, mày mò xây dựng cho mình vườn rau khí canh trụ đứng. Đây là nông dân đầu tiên trong huyện tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau.
Bình quân mỗi vụ rau trồng theo phương pháp khí canh của ông Lượm chỉ tầm 15 ngày cho thu hoạch.
Khoảng 2 tháng nay, nhiều người qua lại tuyến đường Gỗ, ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, vô cùng ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến được vườn rau công nghệ cao mà trước giờ chỉ được nhìn thấy trên báo, đài hoặc trong những chuyến du lịch, tham quan ở các địa phương khác.
Tận dụng khoảng sân trống trước nhà, ông Bé Lượm đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để thực hiện vườn rau sạch ứng dụng công nghệ khí canh trụ đứng với quy mô hiện tại hơn 320 trụ.
Ông Bé Lượm chia sẻ: “Tôi ấp ủ mô hình sản xuất công nghệ cao đã rất lâu rồi nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Cách đây 2 năm, sau khi sang tỉnh khác học tập mô hình sản xuất rau công nghệ cao, trở về tôi quyết tâm thực hiện mô hình này”.
Theo ông Bé Lượm, ngày khởi nghiệp, ông chỉ có vỏn vẹn 20 triệu đồng làm vốn đầu tư. Để tiết kiệm chi phí, ông không thuê người thực hiện mà bản thân tự tìm hiểu, nghiên cứu, thiết kế và thực hiện tất cả các công đoạn của vườn rau từ việc tạo hệ thống trụ, ống dẫn nước, hệ thống tưới phun tự động… Sau nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm, ông mạnh dạn đầu tư và cho ra đời vườn rau công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện với quy mô 700 trụ rau.
Khi vườn rau bắt đầu thu hoạch rộ đợt đầu tiên thì dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm đó, cả tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên vụ rau đó gia đình ông bán chỉ được một phần. Vừa qua thời gian đó, vườn rau gia đình lại trúng ngay dự án quy hoạch của huyện phải thu hồi đất nên gia đình ông di chuyển chỗ ở từ thị trấn Mái Dầm sang xã Phú Tân.
Tuy gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với đam mê và quyết tâm của bản thân, sau thời gian ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, ông lại bắt tay vào việc tạo lập lại vườn rau. Hiện tại, ông đã đầu tư được 328 trụ rau. Vụ rau đầu tiên cũng sắp cho thu hoạch.
“Tôi rất thích trồng rau và cứ luôn ao ước có vườn rau công nghệ cao như vậy. Được sự ủng hộ của gia đình nên tôi càng quyết tâm thực hiện cho bằng được. Dù có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng không làm tôi nản chí. Hiện nay, tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô vườn rau. Với diện tích đất hiện tại quanh nhà, tôi đang tiến hành lắp đặt thêm khoảng 1.300 trụ rau khí canh, nâng quy mô vườn rau khoảng 2.000 trụ”, ông Bé Lượm chia sẻ.
Cũng theo ông Bé Lượm, trồng rau khí canh có rất nhiều ưu điểm so với phương pháp trồng rau truyền thống. Cái lợi đầu tiên là tiết kiệm được diện tích đất sản xuất. Với hơn 300 trụ rau của ông hiện tại chỉ tốn khoảng 400m2 diện tích đất nhưng sản lượng rau cho thu hoạch tương đương với 1.000m2. Mỗi trụ rau trong một năm có thể sản xuất được khoảng 24 vụ rau ăn lá các loại như: cải ngọt, cải xanh, xà lách… so với trồng trên đất thì một năm chỉ sản xuất tối đa khoảng 7 vụ, do phải cần thời gian xử lý đất sau mỗi vụ. Bên cạnh đó, nhờ việc ứng dụng công nghệ khí canh tưới phun tự động nên rất nhẹ công chăm sóc rau, đồng thời người trồng cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng cho cây nên năng suất, sản lượng rau cũng đạt hơn. Rau sử dụng dinh dưỡng từ dung dịch thủy canh, trong nhà màng, không phun thuốc hóa học diệt sâu bọ nên an toàn và tốt hơn cho sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cái khó của mô hình này là kinh phí đầu tư quá lớn, nên đa phần nông dân ngán ngại áp dụng. Bình quân mỗi trụ rau có chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, đầu rau của rau hiện nay chủ yếu vẫn bán cho các chợ, chưa có sự chênh lệch giá so với rau trồng truyền thống.
Ông Bé Lượm cho biết: “Mong muốn của tôi hiện nay là xây dựng được thương hiệu để làm điều kiện tìm các nguồn tiêu thụ rau sạch như: siêu thị, cửa hàng rau sạch, bếp ăn tập trung… Nếu có được đầu ra như vậy thì sản phẩm rau sản xuất ra mới bán được đúng giá trị của nó”.
Theo ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, mô hình trồng rau bằng phương pháp khí canh hiện nay chưa phổ biến tại địa phương. Tuy nhiên, đây là mô hình có tiềm năng phát triển bền vững do đáp ứng được xu thế sản xuất an toàn, tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân. Do vậy, Hội Nông dân huyện đang làm đầu mối phối hợp với cơ quan chuyên môn để giúp mô hình xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho rau và quảng bá giới thiệu công nghệ sản xuất giúp nông dân có nhu cầu tiếp cận và nhân rộng.
Với sự quyết tâm của ông Bé Lượm cộng với sự vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình từ Hội Nông dân huyện Châu Thành sẽ góp phần cho mô hình phát triển hơn. Tin rằng trong thời gian tới đây, khi mà sản phẩm rau sạch từ công nghệ khí canh của gia đình ông Bé Lượm có được thương hiệu sẽ giúp nâng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định. Thành công của mô hình này cũng sẽ tạo động lực để nông dân mạnh dạn thay đổi phương pháp sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ góp phần xây dựng nên nông nghiệp hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Nguồn: Mỹ An – Báo Hậu Giang
Th924