Tin tức
Liên kết ‘4 nhà’ trồng khoai tây, xã viên an tâm sản xuất
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
HTX Nông nghiệp Bình Dương (thành phố Đông Triều, Quảng Ninh) đã thành công trong nhân rộng, phát triển mô hình trồng khoai tây Atlantic nhờ việc liên kết ‘4 nhà’.
Sau hơn 12 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp Bình Dương có hơn 130ha diện tích trồng khoai Atlantic. Từ vài chục hộ dân ban đầu, đến nay đã có trên 1.500 hộ dân tham gia mô hình liên kết trồng khoai.
Nhớ lại thời điểm năm 2012 khi bắt đầu triển khai dự án, ông Trịnh Xuân Dương (Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương) chia sẻ: “Khi đó Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) phối hợp với TP Đông Triều triển khai dự án trồng khoai tây Atlantic với mục đích xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Phường Bình Dương khi đó giao cho HTX Nông nghiệp Bình Dương trực tiếp đảm nhận”.
Vào thời điểm đó, diện tích trồng chỉ vỏn vẹn 10ha, tập trung tại 3 thôn của phường Bình Dương là Bắc Mã 1, Bắc Mã 2 và Đạo Dương. Được sự tuyên truyền của các cấp, đặc biệt là khi biết cơ chế hợp tác, liên kết “4 nhà” (bao gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp), đông đảo người dân đã hưởng ứng.
Theo đó, về phía doanh nghiệp đã phối hợp với Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đảm bảo cung cấp giống, thuốc vi sinh chống nấm mốc và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, hỗ trợ máy móc, thiết bị làm đất… và đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm.
HTX Nông nghiệp Bình Dương chính là đại diện, thay người dân đứng ra cam kết, ký hợp đồng với doanh nghiệp; nhận và cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát quy trình, cung cấp dịch vụ tưới tiêu, làm đất… Chính vì vậy, khi tham gia mô hình người dân chỉ cần tập trung sản xuất, đầu ra cho sản phẩm đã được đảm bảo.
Để phát triển bền vững, những năm qua các thành viên của HTX đã chú trọng trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, HTX còn hướng dẫn người dân tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ kết hợp cùng rác hữu cơ để chế biến thành phân bón. Đặc biệt, các loại rơm, rạ còn được dùng để phủ luống cho toàn bộ diện tích trồng, từ đó giảm tác động của trời mưa khi mới trồng khoai, giúp đất và phân không bị rửa trôi, bảo đảm chất dinh dượng cho khoai sinh trưởng.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trịnh Xuân Dương (Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương) cho biết: “Khoai tây đạt chuẩn sẽ phải đáp ứng một số tiêu chí như củ không xanh, không bị nứt, ghẻ, đạt từ 4,9cm trở lên. Nhìn chung quy trình chăm sóc khoai tây khá đơn giản, thời gian cho thu hoạch ngắn. Đồng thời khi trồng khoai tây sẽ để lại hàm lượng dinh dưỡng cho đất ở vụ mùa tiếp theo, từ đó chi phí cho khâu làm đất, bón phân sẽ ít đi”, ông Trịnh Xuân Dương chia sẻ.
Với việc đảm bảo nghiêm ngặt trong mọi quy trình từ gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch, bảo quản, chất lượng và năng suất của khoai tây ngày càng nâng cao. Vụ đông năm 2022-2023, tổng sản lượng khoai tây Atlantic đạt hơn 1.300 tấn, trị giá thu hoạch là hơn 11 tỷ đồng.
Theo ước tính, mỗi sào khoai tây đem về từ 2,5-3,5 triệu đồng, đây là con số khá cao so với trồng một số loại hoa màu khác. Từ khoai tây, nhiều hộ dân trong phường Bình Dương đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải, ổn định cuộc sống.
Là một trong những hộ gia đình tham gia HTX từ những ngày mới bắt đầu, ông Nguyễn Đình Thọ bày tỏ: “Khi tham gia mô hình, tôi được công ty hướng dẫn quy trình, khoa học kỹ thuật, phương pháp chăm bón cho cây trồng. Hiện nay tôi có khoảng 70 sào trồng khoai tây, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Với những hiệu quả từ mô hình trồng khoai tây Atlantic, trong thời gian tới, HTX Nông nghiệp Bình Dương dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ.
“Chúng tôi dự kiến trong những năm tới sẽ mở rộng diện tích lên tới 150ha trên địa bàn phường Bình Dương. Cùng với đó, chúng tôi đã giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật để nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trong tỉnh như Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà… Đến nay, một số địa phương đã thu hoạch được 2 vụ, bước đầu diện tích gieo trồng đều phát triển rất tốt”, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương bày tỏ.
Th1128
Trồng ớt hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất sang Nhật Bản
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
Những ruộng ớt đang lên xanh tốt sau gần 2 tháng trồng và chăm sóc. Ảnh: Thanh Tiến.
Trong vài năm gần đây, người dân xã Thanh Lương (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp trồng ớt theo hướng hữu cơ, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và an toàn để xuất khẩu quả ớt tươi sang thị trường Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính và đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm.
Những ngày cuối tháng 11, thời tiết ở Nghĩa Lộ đã se lạnh, những cánh đồng ở xã Thanh Lương tấp nập người dân chăm sóc rau màu. Những ruộng ớt trồng cách đây gần 2 tháng đang dần bén rễ và vươn lên xanh mướt, chuẩn bị cho vụ thu hoạch đầy hứa hẹn.
Gia đình chị Đèo Thị Héo ở bản Đồng Nơi, xã Thanh Lương đã trồng 1.000m2 ớt từ vụ đông năm 2023, toàn bộ sản phẩm được Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Nghĩa Lộ thu mua với giá 7.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế khá, ngay sau vụ gặt lúa mùa năm nay, gia đình chị Héo đã khẩn trương làm đất, lên luống để trồng hơn 2.000m2 ớt.
Chị Héo chia sẻ, giống ớt được công ty cung cấp, sau khi trồng, chăm sóc khoảng 3 tháng sẽ bắt đầu cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 – 4 tháng. Vì hợp đất, khí hậu và được hướng dẫn kỹ thuật nên diện tích ớt cho năng suất cao, giá bán ổn định và thu nhập cao hơn nhiều lần so với ngô, lúa và các cây màu khác.
Cũng như gia đình chị Héo, 2 vợ chồng bà Đinh Thị Nga đang tất bật cắm cọc làm chỗ dựa cho những cây ớt khỏi bị đổ khi ra sai quả. Vụ đông năm nay gia đình bà Nga trồng 2.500m2 ớt với giống ớt chuông do công ty cung cấp.
Theo bà Nga, trước đây toàn bộ diện tích này thường trồng dưa hấu, dưa chuột và một số loại rau màu trong vụ đông. Mấy năm nay bà chuyển sang trồng ớt cho năng suất cao, thời gian thu hoạch kéo dài và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên ít rủi ro, thu nhập luôn ổn định. Trung bình 1.000m2 đất trồng ớt thu hoạch được khoảng 6 tấn quả, với giá bán cho công ty là 7.000 đồng/kg.
Sản phẩm ớt tươi của bà con trong xã được Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Nghĩa Lộ ký kết bao tiêu để xuất khẩu sang Nhật Bản nên đòi hỏi quy trình chăm sóc phải theo hướng hữu cơ, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn. Phân bón chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học, luống trồng ớt được phủ nilon để hạn chế cỏ dại. Đến vụ thu hoạch, nhân viên kỹ thuật của công ty sẽ trực tiếp kiểm định chất lượng trước khi thu mua.
Chị Hà Thị Vỹ, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng ớt xuất khẩu xã Thanh Lương cho biết, sau khi đi tham quan mô hình trồng ớt xanh ở Phú Thọ, một số hộ dân trong xã đã chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng ớt xuất khẩu. Thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác nên ngày càng nhiều hộ dân chuyển sang trồng ớt.
Năm 2022, Tổ hợp tác trồng ớt xuất khẩu được thành lập, đến nay có 33 thành viên. Các thành viên luôn cam kết tuân thủ đúng quy trình trồng ớt như sử dụng hạt giống do công ty cung ứng; sử phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn. Thời gian gieo hạt giống bắt đầu từ tháng 10, đến cuối tháng 12 bắt đầu thu hoạch và kết thúc vụ vào khoảng tháng 6 năm sau.
Chất lượng sản phẩm thu hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn về mẫu mã, màu sắc, kích thước và trọng lượng, không nhiễm bệnh, dị dạng, không dính tạp chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn quy định.
Mô hình trồng ớt theo hướng hữu cơ, an toàn phục vụ xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, ngô và cây màu khác, trung bình đạt 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ sản phẩm ớt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có nguồn gốc rõ ràng và sinh trưởng tốt trong điều kiện canh tác theo hướng hữu cơ. Giống ớt có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và năng suất cao, thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai địa phương.
Anh Phạm Văn Lâm, nhân viên kỹ thuật Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Nghĩa Lộ cho biết, việc trồng ớt để xuất khẩu sang Nhật Bản đòi hỏi nông dân phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đất, gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch.
Để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty hướng dẫn người dân lựa chọn và chuẩn bị đất trồng không bị ô nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Thực hiện cải tạo đất bằng cách bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng, phân xanh, mùn hữu cơ để tăng độ tơi xốp và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ ớt để giảm thiểu sâu bệnh và không làm đất bị cạn kiệt dinh dưỡng.
Hiện Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Nghĩa Lộ đang ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với gần 20ha ớt ở địa phương. Công ty cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng quy mô diện tích vùng trồng ớt xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác và tăng thu nhập cho bà con.
Th1125
Cà phê là mặt hàng nông sản tăng giá mạnh nhất niên vụ 2023 – 2024
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3%, kim ngạch niên vụ 2023-2024 vẫn đạt kỷ lục 5,42 tỷ USD (tăng 33%), trong đó EU nhập khẩu 2 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong quý III/2024 đạt 1,12 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu giảm 12,9%, ở mức 212.926 tấn.
Tuy sản lượng giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4,24 tỷ USD trong cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.
Kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử.
Giá cà phê xuất khẩu tăng đột biến, cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt mức trung bình 3.673 USD/tấn. Riêng trong quý III, với giá trung bình đạt 5.266 USD/tấn (tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái), và đạt đỉnh điểm 5.469 USD/tấn trong tháng 9 – mức cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới được cho là có lợi nhất từ trước đến nay do nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta toàn cầu tăng mạnh, yếu tố khiến cho giá cà phê liên tục tăng cao và lập đỉnh mới trong niên vụ 2023-2024.
Cà phê Arabica dao động quanh mức cao nhất kể từ giữa năm 2011, cao nhất trong 13 năm trong bối cảnh lo ngại về tương lai nguồn cung. Các nhà giao dịch đã đánh giá hậu quả của việc trì hoãn trong một năm đối với quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu.
Điều này có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ các quốc gia như Brazil và Indonesia, nơi xảy ra tình trạng phá rừng.
Bên cạnh đó, trọng tâm vẫn là vấn đề thời tiết gây bất lợi cho vụ mùa năm sau tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil. Các nhà kinh doanh lưu ý rằng mặc dù có mưa gần đây, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp, dẫn đến sự phát triển hạn chế của quả và sự phát triển quá mức của lá.
Chính điều này đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới. Theo ghi nhận, tại các khu vực như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đang giao động ở mức 113.000 đồng/kg.
Cụ thể, trong niên vụ 2023-2024, với khối lượng đạt 562.601 tấn, trị giá 2 tỷ USD, so với niên vụ trước giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41,1% về kim ngạch, chiếm 38,1% khối lượng và 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt lần lượt là 607,1 triệu USD, 416,6 triệu USD và 412,6 triệu USD, tăng 37,1%, 29,6% và 74,6% so với niên vụ trước. Xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản cũng tăng 38,4% về kim ngạch dù lượng giảm 0,3%; Nga tăng 20% về kim ngạch dù lượng giảm 20,3%. Đối với khu vực châu Á như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… tăng rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với niên vụ trước.
Th1125
Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.
Dưới 1% diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao
Trong 10 năm kể từ thời điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Sơn La của về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã làm thay đổi diện mạo Sơn La.
Nhìn lại thập kỷ qua, bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La khẳng định, sự linh hoạt và hiệu quả của các nghị quyết do tỉnh ban hành đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Các chính sách hỗ trợ – từ xây dựng vườn ươm giống tới vùng trồng, hỗ trợ thành lập hợp tác xã… đã đưa nông nghiệp Sơn La không ngừng vươn lên.
Nông dân huyện Mộc Châu tham gia khóa tập huấn kỹ thuật về công nghệ trồng rau không dùng đất. Ảnh: Quỳnh Chi.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, nông nghiệp Sơn La đã vươn mình, trở thành hiện tượng của cả nước, đứng thứ nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước về diện tích trồng cây ăn quả.
Tuy nhiên, với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La hiện chỉ có hơn 51ha canh tác trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao (chiếm 0,02%). Dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân các giải pháp ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng số hộ dân có đủ nguồn lực đầu tư nhà màng vẫn còn hạn chế.
Bà Phong cho rằng, một số chính sách hiện đã bộc lộ bất cập, cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tham mưu để tỉnh sửa đổi Nghị quyết 128 của UBND tỉnh về khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
TS Leone Magliocchetti Lombi – trưởng bộ phận kỹ thuật của Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” thăm mô hình nhà màng do dự án hỗ trợ đầu tư tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Quỳnh Chi.
Bên cạnh đó, nông nghiệp Sơn La thay đổi diện mạo cũng nhờ sự đóng góp từ các dự án, các tổ chức, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Tỉnh luôn tích cực kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư và chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”, một loạt chương trình, dự án khác cũng đã và đang tác động tích cực đến Sơn La như dự án nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho chuỗi giá trị cà phê; nâng cao suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới; thúc đẩy nông – lâm kết hợp hướng theo thị trường và phục hồi rừng Tây Bắc…
“Với sự đồng hành tích cực từ chính quyền địa phương trong mọi hoạt động của các dự án, nông dân Sơn La đã có những thay đổi rõ rệt trong tư duy, nhận thức và cách thức sản xuất hàng hóa, ngày càng gắn kết hơn với nhu cầu của thị trường”, bà Cầm Thị Phong nói.
Khoảng trống trong liên kết chuỗi giá trị nông sản
Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” là một điểm sáng về hợp tác đa phương tại Sơn La. 34 nông hộ ở huyện Mộc Châu đã nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT). Nhờ đó, họ đã thành thạo kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cây trồng và sức khỏe đất, tự tin sản xuất rau quả sạch.
Nông dân Sơn La ngày càng chú trọng đầu tư sản xuất rau quả áp dụng công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Chi.
“Dù người dân đã tiếp cận công nghệ canh tác tiên tiến, vẫn còn nhiều khâu cần được hoàn thiện. Dự án hiện mới tập trung vào công đoạn sản xuất, nhưng các giai đoạn tiếp nối như thu hái, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch vẫn chưa được đầu tư đúng mức”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nhận xét.
Theo kế hoạch, 34 hộ nông dân tham gia dự án sẽ nhận hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây là bước khởi đầu quan trọng để sản phẩm rau an toàn Mộc Châu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Bên cạnh đó, TS Hùng cho rằng, việc phát triển các kênh tiêu thụ trực tiếp sẽ giảm phụ thuộc vào thương lái, đảm bảo giá trị sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị biến động.
Để nông sản Sơn La có thể vươn xa và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, nhà quản lý, các nhà đầu tư và hệ thống nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Th1113
Hợp tác xã trồng nhãn xuất khẩu đi Mỹ thu trên chục tỷ đồng mỗi năm
Nguồn tin : báo nông nghiệp
CẦN THƠ Hợp tác xã nhãn Nhơn Nghĩa ở huyện Phòng Điền, TP Cần Thơ mỗi năm trồng được 540 tấn nhãn xuất khẩu đi Mỹ thu về hơn chục tỷ đồng.
Sau 6 năm thành lập, HTX nhãn Nhơn Nghĩa (ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) giờ đây đã khẳng định được chất lượng sản phẩm trong và ngoài nước, giúp các thành viên có thu nhập cao.
Hiện HTX có 29 thành viên với tổng diện tích 22,5ha nhãn, năng suất bình quân 20 tấn/ha, sản lượng mỗi năm 540 tấn. Với giá nhãn dao động ở mức ổn định từ 18 – 20k/kg, ước mỗi năm HTX thu về hơn 10 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa cho biết, diện tích trồng nhãn của các hộ dân không nhiều nên trước đây chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái, chất lượng chưa được khẳng định nên giá không ổn định. Sau khi thành lập HTX, áp dụng kỹ thuật trồng trọt theo chuẩn VietGAP, đã nâng cao giá trị sản phẩm, quản lý tốt chất lượng.
HTX trồng chủ yếu là giống nhãn Ido với ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao so với những giống nhãn khác.
Giống nhãn Ido tuy một năm chỉ cho trái một vụ nhưng hiện nay bà con đã có thể xử lý ra hoa, cho quả theo ý muốn, nhờ đó đã chủ động được thời gian cho ra trái trong năm, giúp HTX có nguồn cung cấp nhãn ổn định quanh năm cho thương lái và các công ty xuất khẩu.
Thời điểm thu hoạch nhãn cao nhất trong năm là khoảng tháng 9 đến tháng 12. Ngoài bán cho thương lái, HTX còn tận dụng khai thác thế mạnh địa phương tổ chức cho khách du lịch ghé thăm và thưởng thức trái tại vườn. Trong năm 2024, HTX cũng đã kết nối được với doanh nghiệp xuất khẩu nhãn sang Mỹ.
Để duy trì năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều năm nay ông Lơ đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên trồng nhãn theo chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, HTX còn thường xuyên tập huấn những khoá ngắn hạn giúp bà con có thêm kiến thức về các loại bệnh trên cây ăn trái giúp phòng chống và quản lý sâu bệnh hiệu quả.
Nhờ mô hình hợp tác mới, các hộ dân cùng nhau liên kết sản xuất theo hướng an toàn, giảm phân bón hoá học, trồng cây theo hướng hữu cơ, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận so với trước.
Th1028
Tây Ninh triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất hữu cơ
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
Đế khuyến khích nông dân chuyển dần sang sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, sản xuất hoàn toàn hữu cơ là rất khó. Vì vậy, sau mấy năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay, chỉ có hai cơ sở sản xuất ở Tây Ninh đã đăng ký sản xuất hoàn toàn hữu cơ. Cụ thể, một cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ cây bí đỏ và một cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ với cây khoai mì. Sản lượng sản phẩm hoàn toàn hữu cơ của 2 cơ sở này hiện vẫn chưa nhiều.
Trong khi đó, sản xuất theo hướng hữu cơ ở Tây Ninh đang có xu hướng tăng lên. Như ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (huyện Tân Châu) đã có 30ha mãng cầu được chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, còn rất nhiều diện tích nông nghiệp ở Tây Ninh đang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà trong đó tỷ lệ sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang tăng lên.
Để phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, trước hết là chú trọng tới truyền thông. Theo đó, thông qua truyền thông, ngành nông nghiệp Tây Ninh giải thích cho người sản xuất, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết được ý nghĩa của việc chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc chuyển đổi ấy sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Khi đã hiểu được tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ, nông dân sẽ dần chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ và người tiêu dùng sẽ sẵn sàng ủng hộ các loại nông sản hữu cơ hay được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng đang tích cực hướng dẫn, khuyến khích nông dân chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ những chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác cũng góp phần thúc đẩy sản xuất hữu cơ. Vì để đạt được những tiêu chuẩn này, nông dẫn phải chú trọng các biện pháp sản xuất an toàn, trong đó có việc sử dụng nhiều hơn những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ trong quá trình sản xuất.
Trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp thời gian qua, Sở NN-PTNT Tây Ninh thường xuyên kiểm tra những cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kiểm tra thường xuyên, trước hết là để ngăn chặn kịp thời những sản phẩm độc hại, những sản phẩm đã bị cấm sử dụng, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm hạn chế sử dụng trên một số đối tượng cây trồng…
Ông Xuân cho rằng, việc kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng sẽ khiến những cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, tạo ra cơ hội cho những loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được tiêu thụ nhiều hơn trên thị trường.
Để phát triển sản xuất hữu cơ, không thể không phát triển thị trường nông sản hữu cơ, nông sản được sản xuất theo hướng hữu cơ. Vì vậy thời gian qua, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã khuyến khích quảng bá, giới thiệu những nông sản an toàn, nông sản ứng dụng sản xuất hữu cơ tới những hệ thống bán lẻ như Co.op Mart, Bách Hóa Xanh… với mong muốn những hệ thống bán lẻ sẽ hình thành những cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm hữu cơ hay VietGAP, qua đó tạo cơ hội cho những sản phẩm này được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn trên thị trường.
Th1011
Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ cho lợi ích dài lâu
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Tây Ninh _ Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tỉ lệ quả loại A có thể đạt từ 70 – 80%, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân và xã hội.
Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Hội quán sầu riêng Bàu Đồn và Công ty Đức Thành vừa tổ chức hội thảo về phát triển bền vững cây sầu riêng.
Tham dự hội thảo có ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cùng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất sầu riêng.
Canh tác hữu cơ, tỷ lệ loại A đạt 70 – 80%
Theo bà Phạm Hồng Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, Tây Ninh), Hội quán sầu riêng Bàu Đồn có 30 thành viên với tổng diện tích sầu riêng trên 45ha. Hiện các thành viên Hội quán đã và đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho hội viên.
Hội quán có 2 vùng trồng đã được cấp mã số và có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua việc liên kết chuỗi với 2 doanh nghiệp gồm Nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu – Chi nhánh Công ty TNHH Trinity Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ngoài ra, sản phẩm sầu riêng của Hội quán còn được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Trong niên vụ sầu riêng 2023 – 2024 (niên vụ sầu riêng tại tỉnh Tây Ninh đã kết thúc), đa số nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Bàu Đồn – thủ phủ sầu riêng của tỉnh đạt lợi nhuận cao, người dân phấn khởi.
Được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện, sản phẩm sầu riêng của Hội quán hiện đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGAP, được cấp nhãn hiệu tập thể, có thể truy xuất nguồn gốc…
“Mặc dù sầu riêng Bàu Đồn đang có năng suất, chất lượng và tình hình tiêu thụ rất tốt nhưng về lâu dài, cần phải quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu để việc tiêu thụ không chỉ là nông dân tìm đến doanh nghiệp, người tiêu dùng mà ngày càng có nhiều đơn hàng chủ động, doanh nghiệp tìm đến đặt hàng vì thương hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn”. Để nhãn hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn” không chỉ dừng lại ở việc đặt một cái tên”, bà Phạm Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Đinh Văn Chữ – một nông dân với 33 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng và là tỷ phú sầu riêng của tỉnh Tiền Giang chia sẻ việc lựa chọn giống, cách quản lý đất và dinh dưỡng hợp lý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, quản lý sâu bệnh và thiên địch một cách cân bằng… nhằm hướng tới phát triển sầu riêng hữu cơ, bền vững.
Theo ông Chữ, việc phát triển sầu riêng hữu cơ là một xu hướng nhằm đảm bảo sản phẩm sầu riêng không chỉ có chất lượng cao mà còn thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Để đạt được điều này, cần tuân thủ các nguyên tắc canh tác hữu cơ và quản lý nông trại một cách bền vững.
“Với mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tỉ lệ quả loại A – loại có thể xuất khẩu và giá trị cao nhất có thể đạt từ 70 – 80%. Đặc biệt, việc phát triển cây sầu riêng bền vững sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân và xã hội”, ông Chữ chia sẻ.
Trách nhiệm với môi trường và cộng đồng
Bà Lê Thị Mai Huyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Thành cho rằng, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để trở thành một vùng chuyên canh sầu riêng hàng đầu. Tuy nhiên, để đạt được năng suất và chất lượng cao nhất, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thân thiện với môi trường là vô cùng quan trọng.
Bà Huyền chia sẻ: Là doanh nghiệp tại địa phương với hơn 35 năm sản xuất phân bón và thuốc BVTV, với tâm huyết cho nền nông nghiệp bền vững, Công ty luôn mong muốn góp phần phát triển nông nghiệp Tây Ninh, đặc biệt là cây sầu riêng.
“Công ty cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng cao, không chỉ giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà còn đảm bảo môi trường đất và nước được bảo vệ lâu dài. Đây không chỉ là chiến lược phát triển kinh doanh, mà còn là trách nhiệm của chúng tôi đối với cộng đồng và môi trường.
Với định hướng này, chúng tôi tin rằng cây sầu riêng tại Tây Ninh sẽ không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân”, bà Huyền nhấn mạnh.
Tại hôi thảo, ông Ngô Văn Chánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã chia sẻ về xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Chánh cho biết sầu riêng Việt Nam hiện được đánh giá cao về chất lượng, giá cả vụ vừa qua ổn định hơn so với niên vụ trước. Các đối tác Trung Quốc hiện yêu cầu sầu riêng Việt Nam phải tuân thủ theo tiêu chuẩn như của Thái Lan. Năm nay, chất lượng sầu riêng tại các vườn trồng đã được cải thiện rất tốt, lượng xuất khẩu tăng và còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững, điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Ngô Văn Chánh đề xuất các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp thu mua để giải quyết đầu ra bền vững cho sầu riêng, từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân.
“Ngoài ra, cần hỗ trợ các vùng trồng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký được kiểm tra sớm, cải thiện chuỗi liên kết và giải quyết nguồn hàng sầu riêng để mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Ngô Văn Chánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng, tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, đặc biệt là giống sầu riêng Ri6 và Dona. Mùa vụ sầu riêng ở Tây Ninh muộn hơn các tỉnh Tây Nam bộ nhưng sớm hơn Tây Nguyên, nhờ đó, tỉnh có thể chủ động cung ứng cho thị trường vào những thời điểm thuận lợi.
Tây Ninh cũng ít chịu ảnh hưởng từ thiên tai, không bị hạn hán hay bão lũ thường xuyên. Đặc biệt, tỉnh có tầng đất canh tác dày, nhiều đất thịt và đất đen màu mỡ, khả năng thoát nước tốt, cùng với hệ thống tưới tiêu được quy hoạch bài bản, rất phù hợp để trồng cây sầu riêng.
“So với nhu cầu tiêu thụ sầu riêng trong tỉnh, diện tích trồng sầu riêng tại Tây Ninh hiện vẫn chưa lớn. Việc chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao hơn là hướng đi tốt trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng cần phải tuân theo định hướng, phù hợp với thổ nhưỡng, áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững cả về sản xuất và tiêu thụ”, ông Xuân nói.
Tại hội thảo, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, mới đây Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 nghị định thư, trong đó có nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
“Việc mở cửa thị trường cho sầu riêng đông lạnh không chỉ giúp đa dạng hóa quy trình chế biến mà còn giảm áp lực về mùa vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Viết Bình nhấn mạnh.
Th1007
‘Bí kíp’ trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, nông dân áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây xoài còn giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thay đổi phương thức canh tác xoài
Trước đây, cũng như nhiều nông dân trồng xoài khác tại huyện Cam Lâm, “thủ phủ” trồng xoài của tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Thành Tài, thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa canh tác theo kinh nghiệm. Việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh hại không theo nguyên tắc “4 đúng”, bón phân hóa học lạm dụng nhiều khiến đất bị bạc màu, chai cứng. Tuy nhiên sau khi được Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Cam Lâm tập huấn chương trình IPHM, anh Tài đã thay đổi hướng canh tác từ chăm sóc, bón phân cho đến phòng trừ sâu bệnh. Từ đó giúp việc trồng xoài của gia đình mang lại hiệu quả tích cực.
Để minh chứng điều đó, anh Tài dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài Úc tươi tốt với diện tích 6 sào tại thị trấn Cam Đức đang thu hoạch trái vụ. Đây cũng là vụ đầu tiên anh áp dụng IPHM trên vườn xoài này, song sản lượng dự kiến thu hoạch đạt khoảng 10 tấn. Với giá hiện nay khoảng 25 ngàn đồng/kg (xô), anh nhẩm tính sau khi trừ chi phí ước lãi hơn 150 triệu đồng. Trước đó, vườn xoài khoảng 5 sào tại xã Cam Hòa của anh Tài cũng áp dụng IPHM, anh Tài thu hoạch với sản lượng đạt 8 tấn, bán với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng.
“Nhờ áp dụng IPHM nên chi phí đầu tư cho vườn xoài của gia đình đã giảm 1/3 so với trước đây. Trong khi sản lượng, lợi nhuận cũng tăng lên từ 20-30%”, anh Tài khẳng định và chia sẻ cách thay đổi việc trồng xoài của mình đó là thường xuyên thăm vườn để nắm tình hình sâu bệnh hại. Từ đó phát hiện kịp thời để phun thuốc đúng lúc khi sâu hại trong giai đoạn tuổi nhỏ để phát huy hiệu quả. Tránh trường hợp để sâu bệnh hại bùng phát rồi mới phun thuốc phòng trừ sẽ không còn tác dụng.
Hơn nữa, việc sử dụng đúng thuốc đặc trị sâu bệnh hại, đúng liều lượng, đúng cách cũng được anh chú trọng.
“Hiện nay tôi đã chuyển sang dùng thuốc BVTV sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại xoài. Vì đã hiểu được lợi ích của thuốc sinh học là thời gian phòng trị bệnh kéo dài, ít ảnh hưởng sức khỏe con người và đảm bảo sản phẩm thu hoạch an toàn, không để lại dư lượng thuốc BVTV, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh Tài chia sẻ.
Ngoài vấn đề trên, anh Tài còn nhận thức rằng, để phòng trừ sâu bệnh hại, việc cắt tỉa loại bỏ những cành già, yếu, sâu bệnh sau thu hoạch là rất cần thiết. Cùng với đó, thường xuyên cày xới đất, bón vôi, bón phân hữu cơ để đất tơi xốp, giúp cây khỏe mạnh, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tương tự, ông Đào Văn Tám, thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cũng đã áp dụng IPHM trên vườn xoài nhà mình sau khi được tập huấn. Ông Tám cho biết, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào còn giúp vườn xoài nhà ông tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, trong thời gian tới ông sẽ kiên định sản xuất xoài theo IPHM để gia tăng hiệu quả kinh tế.
Lợi nhuận tăng 10-20%
Ông Lê Thành Luận, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Trồng trọt – BVTV huyện Cam Lâm cho biết, huyện Cam Lâm có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển cây xoài. Hiện toàn huyện có tổng diện tích 6.000ha với các giống chủ lực như xoài Úc, xoài tứ quý, xoài cát Hòa Lộc, canh nông…
Những năm vừa qua do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng mưa thất thường khiến việc trồng xoài của bà con gặp nhiều khó khăn. Bên canh đó, việc canh tác xoài của bà con theo kinh nghiệm, phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học quá nhiều khiến đất đai ngày càng bị thoái hóa. Trong khi đa số nông dân “bồi bổ đất” bằng việc bón phân vô cơ, ít bổ sung phân bón hữu cơ và vôi.
Trước thực trạng đó, từ 2022 đến nay, Trạm Trồng trọt – BVTV huyện Cam Lâm đã tổ chức 3 lớp (mỗi lớp 30 người) tập huấn cho nông dân trồng xoài về chương trình IPHM.
Bản chất căn bản của chương trình IPHM là muốn cây trồng tốt thì phải làm đất tốt và khi đất tốt thì cây trồng mới khỏe, kháng lại được sâu bệnh. Nông dân cũng cần đo độ pH của đất có đạt với tiêu chuẩn cây trồng hay không. Đối với đất thích hợp trồng cây xoài có độ pH từ 6-6,5.
Nếu độ pH thấp thì cần bón vôi để tăng độ pH đất lên. Khi đó, việc bón phân hữu cơ cho đất sẽ được hấp thụ tốt, giúp đất tơi xốp và hàm lượng khí, dinh dưỡng trong đất được đảm bảo.
“Chúng tôi đã hướng dẫn bà con cách đo độ pH đất, nếu ở mức thấp so với ngưỡng pH của cây xoài thì tiến hành bổ sung vôi và phân bón hữu cơ. Đối với vôi bón khoảng 500kg/ha, còn phân hữu cơ 3.000 kg/ha. Sau thời gian 3-4 tháng, bà con đo lại pH đất, nếu độ pH chưa lên thì tiếp tục bón với lưu lượng như vậy”, ông Luận chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra lượng mùn, mật độ giun, độ thoát nước trong đất có tốt hay không cũng cần lưu ý. Nếu vườn xoài thoát nước không tốt thì nông dân cần cày xới lên. Việc phòng trị bệnh hại xoài như rầy, bọ trĩ, thán thư cũng được Trạm khuyến cáo bà con sử dụng thuốc sinh học có hoạt chất Abamectin hoặc Emamectin Benzoate để phòng trừ thường xuyên sẽ có hiệu quả.
“Qua theo dõi của chúng tôi, khi nông dân áp dụng IPHM trên cây xoài sẽ giảm số lần phun thuốc hơn 50%, lợi nhuận tăng 10-20%”, ông Luân khẳng định.
Theo ông Luận, thời gian tới, Trạm Trồng trọt – BVTV huyện Cam Lâm sẽ tiếp tục tập huấn chương trình IPHM cho bà con trồng xoài. Phấn đấu mỗi xã được mở một lớp tập huấn để nông dân nắm bắt kiến thức, để sản xuất xoài hiệu quả, đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn cho người tiêu dùng.
Th924
Nhà màng, nhà lưới bị phá tan, hợp tác xã phải chuyển sang trồng ngoài trời
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Thiệt hại 20 tỷ đồng do bão số 3, Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng buộc phải chuyển sang trồng ngoài trời để ‘lấy ngắn nuôi dài’, dần tìm cách khôi phục sản xuất.
Thiệt hại hơn 20 tỷ đồng
Hơn 10 ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua, HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) vẫn tan tác, ngổn ngang. Khắp nơi quanh trang trại, nhìn đâu cũng thấy những thanh thép cong queo, nứt gãy rồi màng, bạt rách bươm chất đống, kín cả lối đi.
Bão qua, nhưng những cơn mưa lớn vẫn chưa buông tha cho HTX. Dưới cơn mưa nặng hạt cuối buổi chiều, bầu trời xám xịt khiến khung cảnh của một trang trai từng đẹp như mơ càng thêm phần thê thảm.
Lần dở trong đống giấy tờ trên bàn làm việc, người phụ nữ có dáng người mảnh khảnh với thần sắc nhợt nhạt như vừa ốm dậy tìm được xấp tài liệu chi chít ô kẻ và các con số. Đó chính là thống kê thiệt hại của 3 khu vực sản xuất của HTX Rau sạch Yên Dũng mà chị Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX không thể nhớ nổi.
“Tính riêng vùng sản xuất ở Yên Dũng (Bắc Giang) chúng tôi thiệt hại hơn 5 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng, hơn 2 tỷ đồng tiền rau màu do bão số 3, tổng vào khoảng 7,7 tỷ đồng”, chị Trang nói, giọng như lạc đi khi nhìn vào tờ thống kê. Nếu cộng cả 3 khu vực sản xuất, thiệt hại của HTX Rau sạch Yên Dũng khoảng 20 tỷ đồng, trong đó riêng cơ sở hạ tầng là 15 tỷ.
Cả HTX hiện nay có hơn 60ha sản xuất rau củ quả phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thì có khoảng 17ha nhà kính, nhà lưới chuyên canh các sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại. Sau bão số 3, 12 nhà kính, nhà lưới bị sập hoàn toàn, tương ứng diện tích khoảng hơn 3ha, chưa kể những nhà hư hại một phần hoặc rách màng, bật lưới.
Nhìn mớ phế liệu đắp đống bên đường đi, nữ lãnh đạo của HTX buồn rầu cho biết chẳng thể tận dụng được gì để tái thiết sản xuất.
Kiểm tra những đám cây lưa thưa, chỗ cao chỗ thấp đang trơ trọi dưới cơn mưa, chị Trang nói: “Kia là nhà trồng măng tây, trước đây đẹp lắm mà giờ xơ xác trông như đám cây dại. Tính riêng hạt giống thì mỗi gói cũng phải ngang chiếc xe Dream”. Không chỉ măng tây, những cây trồng có nguồn gốc nước ngoài như ớt parlemo, cà chua… giống rất đắt, dao động từ 5.000 – 15.000 đồng/hạt nên thiệt hại rất nặng nề.
Đảm bảo nguồn hàng đã ký với đối tác
Bão qua, đổ nát là không tránh khỏi nhưng điều đáng mừng là dưới cơn mưa nặng hạt, trong nhà kho vẫn thấy công nhân của HTX tất bật đóng gói, đóng hộp rau củ để đưa lên xe lạnh. Dù khuôn mặt vẫn đờ đẫn đầy mệt mỏi, giọng nói có lúc như cố để không bật khóc nhưng chị Trang cũng thừa nhận, nếu bây giờ không cố gắng gượng dậy thì còn thê thảm hơn nữa.
“Những nhà bị đổ sập hoàn toàn, chúng tôi coi như bỏ, chỉ sửa chữa những nhà bị hư hại nhẹ. Phần đổ sập sẽ được chuyển thành vùng canh tác ngoài trời dành cho các loại rau bản địa, giá trị thấp, sức chống chịu tốt hơn”, chị Trang cho biết. Sở dĩ như vậy là do các vật liệu hư hỏng không thể tận dụng, còn làm mới thì quá tốn kém, cả tiền bạc và thời gian.
Để tiết kiệm chi phí tái sản xuất, bà con sẽ thu gom những giá thể bên trong các nhà kính, nhà lưới còn sử dụng được để gieo trồng lứa mới. Bên ngoài, những loại cây ngắn ngày, rau ăn lá dễ thu hoạch sẽ được tập trung tái canh để sớm có thu nhập.
Ngoài thiệt hại về vật chất, việc rau màu bị phá hủy còn gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các đơn hàng đã ký, nói rộng ra là thiệt hại về quan hệ với các đối tác, bạn hàng truyền thống.
Để giảm thiểu nguy cơ này, chị Trang cùng lãnh đạo HTX Rau sạch Yên Dũng đã sớm liên hệ với các trang trại, HTX có sản phẩm cùng loại, đạt tiêu chuẩn để thu mua, cung cấp cho đối tác theo đúng đơn hàng, không làm ảnh hưởng đến nguồn cung.
Trước đây, do canh tác gối vụ, nguồn thu của HTX rất đều. Nay do mưa bão tàn phá, nguồn thu bị ảnh hưởng nặng nề, chưa kể phải chi ra để dọn dẹp, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Vì vậy, mà dù rất đau xót nhưng đơn vị cũng phải cắt giảm đến gần 50% nhân lực, chủ yếu là lao động sản xuất phổ thông, phần còn lại thì giảm thu nhập để phù hợp với khả năng tài chính ở giai đoạn này.
Điều này lại gây ra khó khăn trong sản xuất vì thiếu lao động. Trước mắt, để sớm ổn định, HTX sẽ phải bố trí công việc với nhân sự một cách khoa học nhất có thể, làm đến đâu, chắc đến đó.
“Cố gắng lắm, nhưng sức người cũng chỉ một phần, ông trời mà không thương thì cũng như muối bỏ bể thôi”, chị Trang nói, ném ánh mắt về phía cơn mưa đang rơi như trút xuống những luống rau vừa mới trồng lại. Quả thật, nếu thời tiết không thuận, thì gieo đến đâu trôi đến đấy, muốn làm lại cũng lực bất tòng tâm.
Cần chính sách cho vay vốn để tái sản xuất
Hoạt động từ tháng 9/2016 với quy mô ban đầu chỉ 13ha, 8 năm qua, HTX Rau sạch Yên Dũng phát triển với phương châm làm đến đâu, mở rộng đến đấy. Có được 65ha canh tác như hiện nay, họ hoàn toàn dựa vào khả năng tự có, chưa từng phải đi vay.
Thế mà mưa bão đã khiến chị Trang và bà con trong HTX giờ mất sạch, lần đầu lâm vào cảnh nợ nần.
“Bây giờ muốn làm lại được nhanh và ổn định thì chỉ có đi vay. Chắc cũng phải đâu đó 10 tỷ đồng mới xoay xở được”, Phó Giám đốc HTX chia sẻ và mong muốn có chính sách hỗ trợ về lãi suất, thời gian vay để yên tâm tái sản xuất.
“Nếu mọi thứ may mắn, thuận lợi, ông trời không tàn phá thì 5 năm nữa, chúng tôi lại gây dựng lại được cơ ngơi của mình”, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói, có phần lạc quan. Ngoài trời, cơn mưa cũng vừa dứt, bà con cũng đã kịp ra đồng.
Th919
Đẩy mạnh tái canh, nâng tầm giá trị cà phê
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Đẩy mạnh tái canh, đưa giống mới chất lượng vào sản xuất đã giúp cho ngành hàng cà phê của tỉnh Gia Lai từng bước nâng cao năng suất và giá trị trên thị trường.
Bỏ dần những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém
Huyện Đăk Đoa là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 28.000ha. Giai đoạn 2020 – 2024, người dân trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 1.500ha thay thế vườn cà phê già cỗi, giống không đảm bảo chất lượng, dẫn đến năng suất kém.
Trước đây, đình anh Xuân (xã Glar, huyện Đăk Đoa) có vườn cà phê 700 cây già cỗi, năng suất thấp. Sau khi tham khảo nhiều nơi, anh Xuân chọn sử dụng giống xanh lùn và TR4 để thực hiện tái canh cho vườn cà phê.
“Sau 2 năm trồng và chăm sóc, đã có khoảng 70 cây cà phê cho quả bói, gia đình thu được hơn 8 triệu đồng. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch chính, doanh thu dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái”, anh Xuân chia sẻ.
Theo anh Xuân, tái canh cà phê muốn đảm bảo bền vững thì quan trọng nhất là khâu xử lý đất. Phải mất ít nhất 1 năm để thực hiện cải tạo đất trước khi xuống giống cà phê thì mới hiệu quả. Nếu không, cà phê dễ bị sâu bệnh, tuyến trùng tấn công.
Tương tự, trải qua 4 năm, nông dân ở huyện Chư Sê đã thực hiện tái canh được hơn 1.100ha cà phê. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình tái canh, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất nên phần lớn các vườn cà phê sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng đảm bảo.
Vườn cà phê 1,4ha của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) trồng từ trước năm 2.000 nên đã già cỗi, bình quân chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha. Nhận thấy nếu cứ tiếp tục chăm sóc vườn cà phê, gia đình không đủ bù đắp chi phí. Đến năm 2021, được hỗ trợ chi phí mua cây giống cà phê vối lai TRS1, bà Hưởng đã tiến hành tái canh vườn.
“Dù mới tái canh được 2 năm nhưng 700 cây cà phê đã cho thu bói hơn 7 tấn quả tươi. Trong khi đó, 700 cây mới tái canh năm 2023 cũng đang phát triển rất tốt”, bà Hưởng chia sẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh tái canh, sử dụng giống chất lượng
Để đẩy mạnh tái canh cà phê, hàng năm huyện Chư Sê đều dành một phần ngân sách kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm hỗ trợ người dân.
Ông Lê Sỹ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây cà phê tái canh theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhờ đó, những diện tích cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh cho năng suất cao, đạt 5 – 6 tấn nhân/ha. So với những vườn cà phê già cỗi trước đây, vườn cây tái canh cho năng suất cao hơn từ 10 – 20%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, các giống cà phê mới đưa vào tái canh đã đáp ứng tốt trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, kháng được các loại sâu bệnh hại và chịu hạn tốt.
Trong đó, các giống cà phê mới như TR4, TRS1 rất phù hợp với chân đất của địa phương nên được nhiều người dân trên địa bàn sử dụng rộng rãi. Nhờ đẩy mạnh tái canh trong thời gian qua, cây cà phê trên địa bàn huyện có năng suất vượt trội và chất lượng ngày càng đáp ứng tốt trên thị trường.
“Huyện Đăk Đoa tiếp tục phối hợp cùng Công ty TNHH Nestlé Việt Nam triển khai hỗ trợ kinh phí và giống chất lượng từ các viện nghiên cứu cây trồng cho người dân trên địa bàn tái canh hiệu quả”, ông Anh thông tin.
Th1208