Tin tức
Khai mạc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương
Nguồn tin : Báo Đăk lăk
Tối 28/8, tại Quảng trường hồ Tân An, UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức khai mạc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024.
Hội chợ diễn ra từ ngày 28/8 – 3/9, quy tụ hơn 350 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh các mặt hàng sầu riêng, sản phẩm OCOP và nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm phụ trợ nông nghiệp… ở trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng lần thứ II, năm 2024.
Các gian hàng được bố trí tại 5 phân khu trưng bày, giới thiệu gồm: sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiềm năng; sản phẩm sầu riêng; doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp thương mại phụ trợ và khu vực trưng bày dành cho các nhà tài trợ lễ hội.
Lãnh đạo huyện Krông Pắc tặng hoa cho các nhà tài trợ chương trình hội chợ.
Đây là dịp để huyện Krông Pắc quảng bá, giới thiệu sản vật phong phú, các loại trái cây chất lượng cao của địa phương; tôn vinh thành quả lao động của nông dân. Đồng thời tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của huyện theo hướng bền vững.
Được biết, Krông Pắc là địa phương có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của huyện năm 2023.
Đối với mặt hàng sầu riêng, toàn huyện hiện có 8.000 ha sầu riêng trồng thuần và trồng xen với hơn 4.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 85 nghìn tấn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị cao khác như: yến sào, lúa gạo, chuối, vải, nhãn…
Đinh Nga
Th827
Nỗi ám ảnh… “trồng – chặt”
Nguồn tin : Báo Đăk Lăk
Mới đây, đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu hạt mắc ca tại Đắk Lắk đã bày tỏ lo lắng về việc phát triển vùng nguyên liệu của mình, bởi hiện tượng chặt cây mắc ca để trồng sầu riêng của người dân đang có dấu hiệu bắt đầu “nóng” lên.
Thông tin trên khiến người viết bài này không khỏi giật mình bởi nỗi ám ảnh trồng – chặt có thể trở lại.
Trong nhiều năm qua, điệp khúc trồng rồi chặt vẫn diễn ra ở khắp nơi chứ không riêng gì Đắk Lắk. Việc canh tác “chạy theo đuôi thị trường” khiến tình trạng đua nhau trồng cây, đua nhau chặt cây mỗi khi một loại nông sản nào đó tăng giá vẫn tiếp diễn mãi chưa có hồi kết. Giật mình là bởi đối với những loại cây trồng ngắn ngày thì tạm chấp nhận được, nhưng đối với các loại cây công nghiệp dài ngày thì hậu quả của điệp khúc này là rất lớn do chu kỳ phát triển dài, kéo theo mức đầu tư là khá lớn.
Tiêu là loại cây công nghiệp cũng từng lâm vào tình trạng trồng – chặt. Ảnh: Minh Thuận
Đơn cử như cây mắc ca, nếu trồng từ cây thực sinh (tức là cây trồng từ hạt) thì phải 6 – 7 năm hoặc lâu hơn nữa cây mới ra hoa. Nếu trồng từ cây ghép thì mất 3 – 4 năm mới ra bói. Đến năm thứ 6, cây bắt đầu cho nhiều quả. Còn từ năm thứ 10 trở đi, cây mới cho năng suất ổn định 20 – 30 kg/cây/năm, nếu chăm sóc tốt, cây còn cho năng suất cao hơn. Như vậy, để có được cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế, người nông dân sẽ phải bỏ thời gian, công sức, chi phí rất lớn. Thế nhưng, khi giá sầu riêng “lên ngôi”, họ cũng sẵn sàng chặt bỏ.
Không chỉ với cây mắc ca, nhiều loại cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng như cà phê, tiêu… cũng từng lâm vào tình trạng trên. Khi giá nông sản khác tăng, một số chủ vườn đã chặt bỏ cà phê, tiêu hoặc bỏ bê không chăm sóc khiến nhiều vườn cây xơ xác hoặc vườn chỉ mãi có cây con. Không ít nông dân đã điêu đứng khi chặt xong, giá lại tăng hoặc khi cho thu hoạch thì sản phẩm lại rớt giá.
Càng giật mình hơn nữa khi theo các nhà quản lý, diện tích trồng cây sầu riêng của Đắk Lắk đang tăng trưởng rất “nóng”, nhiều vùng có diện tích đã vượt xa quy hoạch. Cùng với đó là liên tiếp xuất hiện những thông tin không tốt về việc tiêu thụ sầu riêng những ngày gần đây càng khiến nhiều người lo lắng.
Về lý thuyết, để tạo dựng, phát triển nông nghiệp bền vững thì phải có vùng trồng bền vững. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản. Nhưng cứ với cái kiểu “chạy theo đuôi thị trường” như hiện nay, giải quyết được câu chuyện bền vững là rất khó cho tất cả các bên. Cơ quan quản lý thì “đau đầu” với công tác quy hoạch, phá vỡ quy hoạch; doanh nghiệp thì không có vùng nguyên liệu ổn định; người nông dân lại luôn đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng do biến động giá của thị trường…
Để giải quyết tình trạng trồng – chặt thì yếu tố tiên quyết vẫn là làm sao cho người nông dân có được thu nhập tốt nhất trên mảnh đất của họ, bất chấp biến động của thị trường. Để giải bài toán này cần có quyết tâm rất lớn, sự chung tay của tất cả các thành tố trong chuỗi từ sản xuất đến thương mại sản phẩm. Qua đó, xây dựng được chuỗi liên kết đủ mạnh để có thể “cầm trịch” thị trường hoặc tối thiểu cũng phải đứng vững mỗi khi thị trường có bất trắc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đối với nông nghiệp sát sườn hơn nữa thông qua việc hỗ trợ giám sát quá trình sản xuất, phân phối, chế biến, tìm thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng các quỹ bảo hiểm, trợ giá cho một số nông sản chủ lực để kịp thời hỗ trợ nông dân khi họ đối mặt với rủi ro do thiên tai, biến động thị trường… Có như vậy, người nông dân mới có thể yên tâm gắn bó với cây trồng mình đã chọn, mới hy vọng hạn chế được tình trạng trồng – chặt như hiện nay.
Giang Nam
Th826
Cơ hội lớn cho ngành sầu riêng và dừa gia tăng giá trị
Nguồn tin : The saigon time
(KTSG) – Việc sầu riêng đông lạnh và dừa tươi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc là tin mừng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Xuất khẩu chính ngạch không chỉ mở ra cơ hội để ngành sầu riêng và dừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn mà còn là lời giải căn cơ nhất cho bài toán tiêu thụ nông sản.
Việc ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh đã mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nối dài danh sách những mặt hàng nông sản đã và đang vào thị trường tỉ dân này bằng con đường chính ngạch. Ảnh: TRUNG CHÁNH
Có thể mang về vài trăm triệu đô la ngay trong năm nay
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vào ngày 19-8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Động thái này mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, nối dài danh sách những mặt hàng nông sản đã và đang vào thị trường tỉ dân này bằng con đường chính ngạch.
“Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho hai sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng và ngành dừa Việt Nam”, Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị tham mưu kỹ thuật cho hai nghị định thư nói trên, nhận định. Tới đây, cục này sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu; và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai các nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, theo nghị định thư, sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam. Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.
Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm (HACCP); kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Tương tự, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi muốn xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải được đăng ký và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tất cả các vùng trồng đăng ký xuất khẩu phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và giữ điều kiện vệ sinh tốt. Các chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng sẽ được thực hiện, bao gồm giám sát dịch hại thường xuyên; kiểm soát vật lý, hóa học hoặc sinh học của sâu bệnh… để tránh hoặc giảm thiểu sự xuất hiện của các loài đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm trên dừa.
Theo dự kiến của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400-500 triệu đô la Mỹ ngay trong năm nay và sẽ sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị “tỉ đô” vào năm tới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu đô la Mỹ trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo – điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
“Chính ngạch hóa” xuất khẩu
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt gần 3,5 tỉ đô la, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch sang Trung Quốc là khoảng 2,2 tỉ đô la, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu trong các thị trường xuất khẩu của mặt hàng này. Trước đó, năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỉ đô la, tăng gần 70% so với năm 2022, riêng kim ngạch sang Trung Quốc đạt 3,64 tỉ đô la.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả tăng trưởng tốt trong thời gian qua là nhờ chúng ta đã đàm phán thành công và ký các nghị định thư về kiểm dịch thực vật với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 15 mặt hàng rau quả, gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây, sầu riêng, sầu riêng đông lạnh và dừa.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, Việt Nam đã vượt Chile, giành vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) về xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến sang nước này với kim ngạch 3,4 tỉ đô la. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.
Rõ ràng, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Đưa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản. Vì thế, làm sao đàm phán sớm và nhanh, đẩy nhanh tiến độ “chính ngạch hóa” là yêu cầu lớn nhất cho ngành nông nghiệp và công thương. 16 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kim ngạch ngày càng tăng là thành quả đạt được đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng của người nông dân, doanh nghiệp, để “chính ngạch hóa” được toàn bộ chủng loại và khối lượng nông nghiệp xuất khẩu thì khối lượng công việc của ngành nông nghiệp rất khổng lồ. Nhất là khi yêu cầu của phía Trung Quốc ngày càng cao, mức độ kiểm soát ngày càng chặt chẽ; trong khi việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở nước ta không thể trong một sớm một chiều.
Nước ta hiện có 154.000 héc ta sầu riêng, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 500.000 tấn, đạt kim ngạch 2,3 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ đô la. Dự kiến hết năm 2024, mặt hàng tươi có thể thu về khoảng 3,5 tỉ đô la.
Nước ta cũng thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới với diện tích dừa cả nước đạt gần 200.000 héc ta, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân.
Dừa là một trong số ít loại cây trồng mà tất cả các bộ phận của cây đều có thể sản xuất ra các sản phẩm có giá trị. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa như: bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ… năm 2022 đạt khoảng 940 triệu đô la. Năm 2024, ngành phấn đấu xuất khẩu đạt hoặc vượt 1 tỉ đô la.
Cẩm Hà
Th820
Sầu riêng đông lạnh chính thức được cấp phép sang Trung Quốc
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Lễ ký nghị định thư được diễn ra tại Bắc Kinh, vào chiều 19/8, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Ngày 19/8, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký.
Lễ ký nghị định thư nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang Trung Quốc từ hôm qua 18/8.
Sầu riêng đông lạnh [bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ)] là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá trị gia tăng cao hơn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 – 500 triệu USD ngay trong năm 2024.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, sầu riêng đông lạnh từ trước đến nay chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan và một số thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu… với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.
Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng đông lạnh ở Trung Quốc là rất lớn, theo ông Bình. Vì vậy, khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa vào năm 2025.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, đánh giá xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Trước đó, từ tháng 3/2024, Cục BVTV đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo đó, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Ngoài sầu riêng, Việt Nam còn xuất khẩu hơn 10 mặt hàng rau quả nữa sang Trung Quốc gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, khoai lang. Cùng với đó, là tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.
Sáu tháng đầu năm 2024, sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD. Dự kiến hết năm 2024, mặt hàng tươi có thể thu về khoảng 3,5 tỷ USD.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.
Ngoài sầu riêng đông lạnh, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư cho việc xuất khẩu dừa tươi và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bảo Thắng – Thanh Sơn
Th819
Triển vọng phát triển xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia RCEP
Nguồn tin : Báo Cần Thơ
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, RCEP đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây cùng nhiều loại nông sản, hàng hóa sang nhiều thị trường tiêu thụ lớn tại châu Á.
Thị trường tiêu thụ lớn
Với tổng dân số của các nước tham gia RCEP chiếm gần 1/3 dân số toàn cầu, RCEP đang tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. RCEP hướng tới việc xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên. Hiện có 6 nước tham gia RCEP là những nước thuộc Top 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, cụ thể như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Bên cạnh đó, nhiều nước thuộc khối RCEP cũng là nơi cung cấp cho nước ta nhiều loại nguyên phụ liệu và thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Thu mua sầu riêng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại một vựa trái cây ở Phong Điền, TP Cần Thơ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, RCEP có thị trường 2,2 tỉ dân, GDP trên 26.000 tỉ USD, tương đương 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu. Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi RCEP), xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang nhiều quốc gia thuộc khối RCEP đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021. Cụ thể như, thị trường Australia tăng 49,2%, Nhật Bản tăng 27,5%, còn nhiều nước ASEAN đạt mức tăng 20%… Đến năm 2023 và trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhiều loại nông sản sang nhiều nước ASEAN và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… hiện chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Đông Bắc Á là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của nước ta. Cùng với thị trường Trung Quốc, những năm gần đây xuất khẩu rau quả của nước ta sang các nước Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tăng mạnh. Tới đây, nước ta cần đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thuộc khối RCEP, nhất là các nước ở Đông Bắc Á. Chú trọng đa dạng mặt hàng xuất khẩu, phát triển xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng mới.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản, hàng hóa của nước ta sang các nước trong khối RCEP đạt khoảng 146,5 tỉ USD, chiếm 41,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Còn qua 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 72,9 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Lương Ngọc Quang, công tác tại Phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong số các thị trường RCEP, Trung Quốc đang là thị trường có số lượng sản phẩm trái cây và rau quả tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào nhiều nhất, với các sản phẩm gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang và dưa. Thêm vào đó là chanh leo và ớt cũng đang được Trung Quốc cho nhập khẩu tạm thời, trong thời gian chờ ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch.
Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm gồm xoài, thanh long, chôm chôm, chanh và bưởi. Sau thanh long và xoài, vừa qua bưởi cũng đã trở thành mặt hàng trái cây tươi thứ 3 được xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc. Còn thị trường Nhật Bản và Úc có thanh long, xoài, vải và nhãn. Hiện Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp các cơ quan có liên quan để đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại rau quả của nước ta được xuất khẩu sang các nước.
Tạo thuận lợi cho xuất khẩu
Nhằm phổ biến các quy định của thị trường và kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn Phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) vừa phối hợp Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong hiệp định EVFTA và RCEP.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, các loại trái cây và nông sản của nước ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước và các đối tác tham gia 2 hiệp định trên, đặc biệt là các nước ở châu Á tham gia RCEP. Nguyên nhân do nhiều nước tham gia RCEP có vị trí địa lý gần ở nước ta, thuận lợi về các điều kiện giao thông và giúp tạo điều kiện để nước ta đưa nhiều loại nông sản đi xuất khẩu một cách nhanh chóng và giảm được nhiều chi phí vận chuyển và logistics.
Tuy nhiên, nhiều nước tham gia RCEP (như: Hàn Quốc, Nhật Bản…) vốn là các thị trường khó tính, trong khi đó Trung Quốc hiện không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Do vậy, ngành chức năng nước ta cần cập nhật kịp thời và thường xuyên các thông tin, quy định và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các thị trường. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và phát triển các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta trong năm qua đã đạt 5,6 tỉ USD và năm 2024 có thể đạt 7 tỉ USD, trong khi vào những năm trước thời điểm năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả hằng năm chỉ chừng 3,5 tỉ USD trở lại. Kết quả thành công trên đã nói lên việc chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, Văn phòng SPS Việt Nam cùng các ngành chức năng cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội và vượt qua được các “rào cản” kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu. Mong rằng, tới đây Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động cập nhật thông tin, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nước ta nắm bắt kịp thời các quy định và nhu cầu từ các nước để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả. Khi các nước và các đối tác ký các FTA với nước ta, họ giảm thuế nhập khẩu là điều kiện thuận lợi cho ta xuất khẩu, nhưng ngược lại họ cũng tăng cường các hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp nước ta muốn vượt qua các rào cản này thì rất cần sự chỉ dẫn và hỗ trợ từ ngành chức năng.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, tới đây tiếp tục tăng cường hỗ trợ các vấn đề SPS, giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có RCEP. Để phát triển xuất khẩu và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải quan tâm tìm hiểu, nắm bắt thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Th816
Hiểu đúng mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Để tín chỉ carbon được xác nhận, cần áp dụng quy trình cụ thể và được xác nhận dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo giảm phát thải trên toàn chuỗi sản xuất.
TS Trần Minh Hải chia sẻ về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Không nên ‘bằng mọi giá’ tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, hiện trạng cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia vào đề án nhưng chưa thực hiện đúng thực chất. Một số doanh nghiệp sử dụng sai thiết bị hoặc thậm chí “nói quá” về khả năng giảm phát thải của sản phẩm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh mà họ cung cấp. Ông Hải cho rằng, đây là những quan điểm không chính xác. Để tín chỉ carbon được xác nhận, cần phải áp dụng một quy trình cụ thể, bao gồm đầy đủ các bước trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Hơn nữa, ông Hải chỉ ra rằng việc tham gia Đề án 1 triệu ha chỉ với mục đích bán tín chỉ carbon là một cách hiểu sai lầm. Ông đưa ra ví dụ cụ thể: Để sản xuất 8 tấn lúa sẽ phát thải tương ứng 8 tấn carbon. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.
“Lợi ích kinh tế lớn nhất của đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon mà còn ở việc giảm các chi phí đầu vào thông qua các quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải và tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn cũng mang lại giá trị thặng dư đáng kể”, TS Hải nhấn mạnh. “Điều quan trọng cần lưu ý là không nên tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp”.
Quy trình MRV là chìa khóa để tham gia thị trường carbon lúa gạo
Bàn về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong chuỗi giá trị lúa gạo, TS Trần Minh Hải nhấn mạnh: “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL không chỉ gắn liền với tăng trưởng xanh mà còn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo”.
Cập nhật tiến độ tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Theo TS Hải, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án.
Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Hiện tại, Viện Môi trường Nông nghiệp đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Gold Standard (GS), và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) để xây dựng thang đo MRV.
Trong đó, GS là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, được phát triển bởi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tập đoàn South Pole. Verified Carbon Standard (VCS), một tiêu chuẩn quốc tế khác, cũng được sử dụng rộng rãi cho các dự án nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, do tổ chức Verra phát triển.
TS Hải lưu ý: “Đối với tín chỉ carbon trong trồng lúa, Việt Nam cần một khung pháp lý rõ ràng và phù hợp. Hiện nay, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại hóa tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo, mà chỉ có các dự án thí điểm”.
Một trong những thách thức lớn là chi phí để xác định giá thành của một tín chỉ carbon vẫn chưa được thống nhất. Ngoài ra, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn rõ ràng cho các thiết bị và công nghệ kiểm tra, đo lường giảm phát thải trong trồng lúa.
Mặc dù có những thiết bị mới với giá cả phải chăng và tiện dụng, nhưng quy trình đăng ký lại phức tạp, khiến tín chỉ carbon khó được thương mại hóa và người dân khó tiếp cận thị trường. “Đây là rào cản mà chúng ta cần sớm khắc phục để thúc đẩy quá trình giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp”, TS Hải khẳng định.
Do đó, rất cần thiết để sớm có quy định về cơ chế chia sẻ lợi nhuận khi thương mại hóa được tín chỉ carbon từ lúa gạo. Khung pháp lý cũng cần đưa ra tỷ lệ ưu tiên cho những người tham gia vào quá trình giảm phát thải trong sản xuất lúa, nhằm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia bền vững của cộng đồng và doanh nghiệp vào công cuộc này.
Cần nguồn nhân lực chất lượng, hiểu đúng mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa
Giá của một tín chỉ carbon trồng lúa không chỉ đơn giản là một con số, mà còn bao hàm nhiều lợi ích kép khi áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải, bao gồm lợi ích về bền vững, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển phụ phẩm “xanh”, và tăng cường thương hiệu quốc gia.
Để đạt được những mục tiêu trên, ông Hải nhấn mạnh, việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực là rất cần thiết. Ông nói: “Nếu không thu được tín chỉ giảm phát thải thì chúng ta ‘lỗ’ chứ không ‘lời’. Cần nhân lực để họ có thể thực hiện và quản lý các quy trình sản xuất mới, hiểu rõ và ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon trong nông nghiệp”.
Do đó, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chia thành hai lộ trình chính. Đào tạo cán bộ quản lý nhà nước sẽ tập trung vào kiến thức về sản xuất giảm phát thải, thị trường tín chỉ carbon và các quy định liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thực địa được trang bị các kỹ năng cần thiết để ghi chép nhật ký sản xuất, thiết lập và quản lý hồ sơ sản xuất giảm phát thải, đảm bảo các quy trình được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả.
Quỳnh Chi – Bá Thắng – Diệu Linh – Phương Linh
Th812
12.500ha lúa ở Sóc Trăng nhiễm dịch hại
Nguồn tin : báo nông nghiệp
Để giữ vững năng suất, sản lượng lúa hè thu, tỉnh Sóc Trăng khuyến khích nông dân ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, cắt cử cán bộ bám sát địa bàn.
Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 140.400ha. Đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch trên 36.200ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Kế Sách, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.
Năng suất bình quân vụ lúa hè thu 2024 ước đạt 55,3 tạ/ha, sản lượng 200.639 tấn. Các giống lúa chủ lực là OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8, nhóm ST.
Những ngày qua, thời tiết mưa liên tục, ẩm độ không khí cao khiến dịch hại trên lúa phát sinh và gây hại. Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích lúa nhiễm dịch hại trên 12.500ha. Chủ yếu là đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá, thối thân…
Tại huyện Long Phú, nông dân xuống giống vụ hè thu 2024 trễ khoảng 2 tuần so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, do mùa khô 2023 – 2024 địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, mùa mưa đến muộn và không nhiều. Vì thế, bà con nông dân chờ đợi đủ nước ngọt, đảm bảo rửa phèn mặn trước khi xuống giống, nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Ảnh hưởng của phèn, mặn, cũng khiến trên 500ha lúa hè thu trên địa bàn huyện phải dặm, sạ lại. Hiện nay, lúa chủ yếu trong giai đoạn đòng, trổ.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 8-10/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, dông, lốc làm ngập úng, lúa đổ ngã, nhất là trong giai đoạn lúa trổ.
Với thời tiết mưa bão thường xuyên trở thành bất lợi lớn cho nông dân Sóc Trăng trong việc ứng dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD), ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Để chủ động bảo vệ và chăm sóc lúa hè thu 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân áp dụng triệt để chương trình 1 phải 5 giảm; 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tăng cường rút nước giữa vụ, hạn chế lúa đổ ngã trong giai đoạn trổ chín.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, các chế phẩm, phân bón giúp tăng khả năng chống chịu cho cây lúa.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phân công cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông viên bám sát địa bàn. Mặt khác, thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo kịp thời tình hình thời tiết, dịch hại phát sinh để chủ động quản lý, phòng trừ, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Th809
Nông dân Đắk Lắk buồn bã vì trái sầu riêng bị sượng nước
Nguồn tin : Báo lao động
Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đang hết sức buồn bã vì trái sầu riêng chuẩn bị đem bán thì bị sượng nước, thiệt hại về kinh tế rất nhiều.
Sầu riêng đang được xem là vua của các loại cây trồng khi có giá bán và lợi nhuận vào loại cao nhất hiện nay. Mùa vụ năm nay, nông dân ở Đắk Lắk kỳ vọng vào việc sẽ thắng lợi lớn khi sầu riêng vừa được mùa, được giá.
Thêm một điều đáng trông chờ nữa là loại cây trồng này cũng đang hết sức rộng đường xuất khẩu chính ngạch vào đất nước Trung Quốc, thị trường có hơn 1 tỉ dân.
Niềm tin của người nông dân là có cơ sở khi đầu vụ thu hoạch, sầu riêng có giá trên 80.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nhà vườn được thương lái đến đặt cọc, chốt giá từ 86.000-87.000 đồng/kg.
Thế nhưng, khi vào chính vụ, thời tiết mưa nhiều. Tình trạng mua bán hàng hóa này cũng không được sôi động như các năm trước.
Thời điểm này, giá sầu riêng bắt đầu hạ xuống khoảng 70.000 đồng/kg. Ngoài việc giá thành giảm sút, nhiều người dân ở Đắk Lắk còn hết sức lo lắng, buồn bã vì chất lượng sầu riêng đang bị ảnh hưởng do thời tiết mưa nhiều.
Ông Đào Văn Ngà (trú tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) cho biết: “Gia đình tôi có 200 cây sầu riêng. Trong đó, có 150 cây đang cho thu hoạch. Năm nay, gia đình dự kiến thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Hiện nay, giá sầu riêng giảm xuống còn khoảng 70.000 đồng (năm 2023 gia đình bán 78.000 đồng/kg – PV).
Đã vậy, tỉ lệ sầu riêng bị hư hỏng khá nhiều (khoảng 20%). Lý do, thời gian qua, mưa lớn kéo dài tạo điều kiện cho các loại nấm gây hại phát triển. Tôi đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các loại nấm tác động đến vườn cây” – ông Ngà cho hay.
Theo ông Trần Công Minh – cơ sở thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắk, năm nay, tỉ lệ “hàng dạt” (sầu riêng bị sượng nước – PV) rất nhiều. Nguyên do mưa lớn kéo dài nên sầu riêng bị dư nước trong quả.
“Mỗi ngày, cơ sở của tôi thu mua từ 10 – 50 tấn sầu riêng “hàng dạt”, với mức giá dao động từ 35.000 – 41.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn 1 nửa so với sầu riêng đạt chất lượng, mẫu mã đẹp” – ông Minh cho biết thêm.
Th628
Giá tiêu tăng cao do nguồn cung giảm
Nguồn tin : Báo Đồng Nai
Theo nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, hiện giá tiêu thương lái đang mua trên địa bàn tỉnh có mức từ 160-170 ngàn đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với giá bán ra trong vụ thu hoạch vừa qua. Nguyên nhân khiến giá tiêu không ngừng tăng những tháng vừa qua là do nguồn cung giảm mạnh vì diện tích cây trồng này giảm. Đồng thời, vụ thu hoạch năm 2024, sản lượng tiêu bị giảm sút do mất mùa vì yếu tố thời tiết bất lợi.
Tiêu có giá cao, nông dân trồng tiêu xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) phấn khởi chăm sóc cây trồng này. Ảnh: B.Nguyên
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục giảm xuống còn khoảng 170 ngàn tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây. Sản lượng tiêu toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 465 ngàn tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529 ngàn tấn. Nguồn cung không đủ cầu là nguyên nhân khiến giá tiêu trên thị trường xuất khẩu không ngừng tăng. Dự kiến giá tiêu có thể tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.
Với mức tăng hiện nay, nhiều nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc vườn tiêu với kỳ vọng đạt năng suất tốt trong vụ thu hoạch tới.
Bình Nguyên
Th628
Phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất mô hình tôm lúa bền vững
Nguồn tin : báo Nông Nghiệp
KIÊN GIANG Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong mô hình tôm – lúa giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, giảm chi phí.
Ngày 26/6 tại TP Rạch Giá, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế tập thể sản xuất mô hình tôm – lúa bền vững”, với sự tham dự của đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan.
Mô hình sản xuất tôm – lúa (luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa) được nông dân vùng ven biển tỉnh Kiên Giang bắt đầu thực hiện cách đây gần 30 năm. Hiện mô hình này đã trở thành loại hình nuôi trồng kết hợp có thế mạnh của tỉnh, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.
Những năm gần đây, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này đạt hơn 61.000 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh và hàng trăm ngàn tấn lúa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Ông Phạm Thành Trăm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, cho biết, kinh tế tập thể của tỉnh phát triển mạnh và có hình thức đa dạng, gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà nòng cốt là hợp tác xã. Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3 liên hiệp hợp tác xã với 35 hợp tác xã thành thành viên, 447 hợp tác xã. Kinh tế tập thể giúp liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi tương trợ, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, liên kết cộng đồng và từng bước mở rộng hợp tác với các thành phần kinh tế khác.
Theo đánh giá của các hợp tác xã, mô hình sản xuất tôm – lúa hiệu quả hơn rất nhiều so với sản xuất độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Mô hình này đem lại hai nguồn lợi kinh tế từ tôm và lúa, góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Sản phẩm tôm và lúa thu hoạch từ mô hình kết hợp này là sản phẩm sạch, chất lượng cao, do đó được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu. Có nhiều hộ thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã trung bình một ha thu hoạch từ 400 – 500kg tôm thuơng phẩm và 5 – 6 tấn lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Kiên Giang đã chia sẻ về chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất mô hình tôm – lúa bền vững theo hướng liên kết, hợp tác công – tư; đầu tư các công trình thủy lợi phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, đầu tư đối ứng.
Sở Khoa học – Công nghệ Kiên Giang hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chế biến từ chuỗi giá trị tôm – lúa, phát triển sản phẩm OCOP như tôm khô, gạo hữu cơ.
Th829