
Đẩy mạnh tái canh, nâng tầm giá trị cà phê
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Đẩy mạnh tái canh, đưa giống mới chất lượng vào sản xuất đã giúp cho ngành hàng cà phê của tỉnh Gia Lai từng bước nâng cao năng suất và giá trị trên thị trường.
Vườn cà phê tái canh của gia đình anh Xuân bước vào vụ thu hoạch chính. Ảnh: Tuấn Anh.
Bỏ dần những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém
Huyện Đăk Đoa là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 28.000ha. Giai đoạn 2020 – 2024, người dân trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 1.500ha thay thế vườn cà phê già cỗi, giống không đảm bảo chất lượng, dẫn đến năng suất kém.
Trước đây, đình anh Xuân (xã Glar, huyện Đăk Đoa) có vườn cà phê 700 cây già cỗi, năng suất thấp. Sau khi tham khảo nhiều nơi, anh Xuân chọn sử dụng giống xanh lùn và TR4 để thực hiện tái canh cho vườn cà phê.
“Sau 2 năm trồng và chăm sóc, đã có khoảng 70 cây cà phê cho quả bói, gia đình thu được hơn 8 triệu đồng. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch chính, doanh thu dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái”, anh Xuân chia sẻ.
Theo anh Xuân, tái canh cà phê muốn đảm bảo bền vững thì quan trọng nhất là khâu xử lý đất. Phải mất ít nhất 1 năm để thực hiện cải tạo đất trước khi xuống giống cà phê thì mới hiệu quả. Nếu không, cà phê dễ bị sâu bệnh, tuyến trùng tấn công.
Vườn cà phê tái canh của gia đình bà Hưởng. Ảnh: Tuấn Anh.
Tương tự, trải qua 4 năm, nông dân ở huyện Chư Sê đã thực hiện tái canh được hơn 1.100ha cà phê. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình tái canh, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất nên phần lớn các vườn cà phê sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng đảm bảo.
Vườn cà phê 1,4ha của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) trồng từ trước năm 2.000 nên đã già cỗi, bình quân chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha. Nhận thấy nếu cứ tiếp tục chăm sóc vườn cà phê, gia đình không đủ bù đắp chi phí. Đến năm 2021, được hỗ trợ chi phí mua cây giống cà phê vối lai TRS1, bà Hưởng đã tiến hành tái canh vườn.
“Dù mới tái canh được 2 năm nhưng 700 cây cà phê đã cho thu bói hơn 7 tấn quả tươi. Trong khi đó, 700 cây mới tái canh năm 2023 cũng đang phát triển rất tốt”, bà Hưởng chia sẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh tái canh, sử dụng giống chất lượng
Để đẩy mạnh tái canh cà phê, hàng năm huyện Chư Sê đều dành một phần ngân sách kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm hỗ trợ người dân.
Ông Lê Sỹ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây cà phê tái canh theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhờ đó, những diện tích cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh cho năng suất cao, đạt 5 – 6 tấn nhân/ha. So với những vườn cà phê già cỗi trước đây, vườn cây tái canh cho năng suất cao hơn từ 10 – 20%.
Những vườn cà phê tái canh sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Tuấn Anh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, các giống cà phê mới đưa vào tái canh đã đáp ứng tốt trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, kháng được các loại sâu bệnh hại và chịu hạn tốt.
Trong đó, các giống cà phê mới như TR4, TRS1 rất phù hợp với chân đất của địa phương nên được nhiều người dân trên địa bàn sử dụng rộng rãi. Nhờ đẩy mạnh tái canh trong thời gian qua, cây cà phê trên địa bàn huyện có năng suất vượt trội và chất lượng ngày càng đáp ứng tốt trên thị trường.
“Huyện Đăk Đoa tiếp tục phối hợp cùng Công ty TNHH Nestlé Việt Nam triển khai hỗ trợ kinh phí và giống chất lượng từ các viện nghiên cứu cây trồng cho người dân trên địa bàn tái canh hiệu quả”, ông Anh thông tin.
Th618
Gia Lai phát triển vùng chuyên canh cây trồng chủ lực
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Tỉnh Gia Lai đang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực quy mô lớn gắn với chế biến sâu, hướng đến phát triển bền vững.
Xây dựng vùng chuyên canh phù hợp từng địa phương
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng hơn 100.000ha cà phê, gần 87.000ha cao su, 79.000ha khoai mì (sắn), 76.000ha lúa, 35.000ha cây ăn quả, hơn 40.000ha mía… Để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững, năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Theo đó, các địa phương khu vực phía tây và khu vực trung tâm tỉnh Gia Lai tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… Trong khi đó, khu vực phía đông và đông nam chú trọng phát triển cây trồng ngắn ngày như lúa nước, mía, mì, bắp và cây ăn quả.
Để hiện thực hóa điều này, tỉnh Gia Lai đang dần tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu đến năm 2030, trên 50% diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại.
Ghi nhận tại huyện Chư Păh, địa phương này hiện đang hình thành vùng chuyên canh với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, cao su và sầu riêng. Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, sau khi đánh giá hiệu quả các loại cây trồng cho thấy cà phê, cao su và sầu riêng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện.
“Nhờ hình thành vùng chuyên canh, những cây trồng chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đơn cử, cà phê đang có giá tăng cao kỷ lục, mang lại mùa vụ bội thu cho người dân. Trong khi đó, cây sầu riêng dù mới chỉ phát triển khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Sơn chia sẻ.
Những năm qua, cây sầu riêng cũng đang phát triển mạnh mẽ tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Cũng theo ông Sơn, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng chuyên canh cây sầu riêng. Mặt khác, cây cà phê sẽ đẩy mạnh thực hiện tái canh, đưa giống mới vào sản xuất cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tại huyện Chư Pưh, nhận thức được hiệu quả của việc hình thành vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, từ năm 2019, địa phương đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng trên địa bàn huyện.
Ngay sau khi có dữ liệu điều tra, đánh giá, huyện đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng vùng để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, nhờ xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng vùng, đến nay, nhiều hộ dân đã liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh hình thành các vùng chuyên canh tập trung, chất lượng cao như sầu riêng, mít Thái, bơ, nhãn Hương Chi, cà phê, hồ tiêu… Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã từng bước mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Hướng đến vùng nguyên liệu lớn, chế biến sâu
Nếu như các tỉnh phía tây và khu vực trung tâm tỉnh Gia Lai có lợi thế phát triển cây công nghiệp dài ngày thì các huyện phía đông lại phù hợp với các loại cây ngắn ngày, đặc biệt là cây lúa và khoai mì. Huyện Phú Thiện được xem là “thủ phủ” của ngành lúa gạo tỉnh Gia Lai. Nơi đây có những cánh đồng lúa rộng lớn với tổng diện tích gieo cấy trên 12.000ha (2 vụ) và tập trung rất nhiều giống lúa chất lượng như ST25, Đài thơm 8, nếp 97…
Cây lúa rất phù hợp trồng trên cánh đồng huyện Phú Thiện. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, những năm qua, lúa nước trở thành cây trồng chủ lực của huyện nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ. Để trở thành vùng chuyên canh lúa lớn, huyện đã đầu tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu như huyện Phú Thiện được xem là “thủ phủ” của cây lúa thì huyện Krông Pa có diện tích khoai mì lớn nhất tỉnh Gia Lai với trên 22.000ha. Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, dựa trên đề án của tỉnh, huyện sẽ xây dựng kế hoạch vùng chuyên canh cây khoai mì cho từng địa phương trên địa bàn huyện.
“Việc xây dựng vùng chuyên canh sẽ là tiền đề phát triển ổn định vùng sản xuất phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, phục vụ chăn nuôi và các nhu cầu khác. Chúng tôi khuyến khích phát triển cây khoai mì tập trung ở những nơi có thể áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Châu chia sẻ.
Nhiều giống khoai mì cho năng suất, chất lượng được trồng tại huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, những năm gần đây, tỉnh tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực phù hợp với thực tế từng vùng, địa phương. Bên cạnh đó, người dân, HTX và doanh nghiệp đã tích cực, chủ động đầu tư phát triển cây trồng theo hướng thâm canh tập trung, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Organic…
Ông Đoàn Ngọc Có cho biết: “Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Gia Lai sẽ ttiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, vận động người dân đầu tư cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường các nước nhập khẩu. Đặc biệt, ưu tiên sơ chế, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh phục vụ xuất khẩu”.
Th515

Giá cà phê tăng cao, người dân ồ ạt xuống giống
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
Thấy giá cà phê tăng cao, người dân lại ồ ạt xuống giống, trong khi chính quyền địa phương khuyến cáo nên ổn định diện tích, tập trung sản xuất theo hướng bền vững.
Rất nhiều mảnh vườn đã được đào hố, bỏ phân để chuẩn bị xuống giống cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.
Đua nhau trồng cà phê
Gia Lai hiện có khoảng hơn 100.600ha cà phê, trong đó có 90.000ha giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân đạt khoảng trên 31 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng hơn 281.000 tấn. Hiện giá cà phê dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng trên 100.000 đồng/kg nhân. Do giá cà phê cao kỷ lục, gấp 3 – 4 lần so với nhiều năm trước nên nông dân khắp nơi đang đua nhau trồng.
Những ngày này, đi một vòng quanh huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), dễ dàng bắt gặp người dân tất bật làm đất, đào hố chuẩn bị trồng cà phê. Bên cạnh việc trồng tái canh thay thế những vườn cà phê già cỗi, có rất nhiều diện tích được trồng mới hoàn toàn. Thậm chí, rất nhiều cây trồng khác đã được phá bỏ để chuyển sang trồng cà phê.
Khoảng hơn 1 tháng trước, khu vườn hơn 1ha của gia đình ông Trần Văn Linh (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) phủ kín bởi giàn chanh dây thì nay đã được dọn sạch sẽ để chuẩn bị trồng cà phê. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Linh đã đào hố, bỏ phân, chỉ còn chờ mưa xuống là thực hiện trồng.
Ông Linh cho biết, những năm trước, giá chanh dây tăng cao, gia đình cũng chạy theo để trồng. Nhưng rồi chỉ được thời gian ngắn, chanh dây lại rớt giá thê thảm, tiền bán không đủ bù nhân công thu hái khiến gia đình thua lỗ nặng.
Thấy giá cà phê tăng vọt trong thời gian qua, gia đình ông Linh đã mạnh dạn xuống giống hơn 1.000 cây cà phê với hi vọng trong vài năm tới giá cà phê vẫn ổn định như bây giờ.
“Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, bền vững của tỉnh Gia Lai nên dù giá cả có lên xuống thì gia đình vẫn quyết tâm trồng. So với các cây trồng khác, cà phê tương đối dễ trồng và chăm sóc, ít bị sâu bệnh tấn công. Hi vọng vài năm sau khi cà phê cho thu hoạch, giá vẫn cao”, ông Linh chia sẻ.
Gia đình anh Pyul (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) tranh thủ cải tạo đất, đào hố, đợi mưa xuống sẽ trồng cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.
Xuôi về huyện Chư Păh, rất nhiều hộ dân đã lên phương án tái canh cũng như trồng mới sau khi chứng kiến giá cà phê tăng vọt thời gian qua. Mọi khâu chuẩn bị từ cải tạo đất, đào hố, bỏ phân đã được người dân thực hiện, chờ khoảng hơn 1 tháng nữa khi mưa xuống sẽ tiến hành trồng.
Đang cặm cụi bỏ phân xuống từng hố để chuẩn bị xuống giống cà phê, anh Pyul (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, trước đây gia đình có gần 1ha trồng cao su. Tuy nhiên, việc khai thác mủ cao su không còn được thuận lợi như trước, cộng với giá cả bấp bênh nên gia đình quyết định phá bỏ để trồng cà phê.
“Gia đình nhận thấy cà phê vẫn là cây trồng bền vững hơn so với nhiều loại cây khác. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng cà phê không cao và chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Hiện giá cà phê đang tăng cao, hi vọng vài năm tới mức giá này vẫn giữ ổn định”, anh Pyul nói.
Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai sản xuất thường chạy theo thời giá. Một thời, phong trào trồng chanh dây nổ ra rầm rộ đã phần nào phá vỡ quy hoạch cây trồng. Hậu quả kéo theo là mất giá, nông dân phải chặt bỏ vườn cây.
Cần ổn định diện tích, sản xuất bền vững
Với tiềm năng về đất đai và khí hậu, tỉnh Gia Lai rất phù hợp trồng cây cà phê. Tuy nhiên, để cà phê phát triển bền vững, không bị động chạy theo thời giá thì cần phải trồng có lộ trình, trên diện tích phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới.
Tái canh cà phê là chủ trương được tỉnh Gia Lai chú trọng triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, diện tích cà phê trên địa bàn huyện vẫn ổn định khoảng 18.000ha. Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Ia Grai sẽ tái canh khoảng 450 – 500ha cà phê. Tuy nhiên, với tình hình giá cà phê tăng cao như hiện nay, diện tích tái canh dự kiến sẽ nhiều hơn so với kế hoạch.
“Huyện sẽ cố gắng duy trì diện tích cà phê trong khoảng 18.000ha. Đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp thì khuyến khích thực hiện tái canh. Tuy nhiên không nên tái canh cà phê cùng một lúc mà thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo nguồn thu. Mặt khác, huyện cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện tái canh hoặc trồng mới cà phê cần chủ động về nguồn nước tưới, tránh tình trạng bị khô hạn như hiện nay”, ông Thắm khuyến cáo.
Huyện Đăk Đoa là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với khoảng 28.000ha. Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, theo kế hoạch hàng năm, huyện sẽ thực hiện tái canh khoảng trên 300ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Để thực hiện tái canh hiệu quả, huyện không khuyến khích trồng trên những vùng đất mà nguồn nước tưới chưa đảm bảo.
“Trên thực tế hiện nay, người dân đang ồ ạt xuống giống cà phê nhưng huyện không khuyến khích trồng mới mà chỉ nên tái canh, ổn định diện tích, tăng năng suất, năng cao chất lượng sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch” ông Anh chia sẻ.
Gia Lai khuyến cáo người dân ổn định diện tích, tập trung sản xuất bền vững ngành hàng cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh Gia Lai với 490 triệu USD trong năm 2023.
“Hiện nay giá cà phê tăng cao do nhu cầu thu mua của thế giới ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cà phê của Gia Lai có chất lượng, độ đồng đều cao nên được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, thời gian tới, việc thực hiện tái canh là chủ trương của tỉnh để hướng đến phát triển ngành hàng cà phê bền vững”, ông Có chia sẻ.
Cũng theo ông Có, đối với diện tích tái canh năm 2024, các địa phương cần hướng dẫn người dân khẩn trương nhổ bỏ, thu gom, đưa toàn bộ thân, cành, rễ, tàn dư thực vật ra khỏi vườn và đốt. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý đất trồng tái canh theo đúng quy trình tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT.
“Đối với vườn cà phê đã có biểu hiện già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp, thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, không chủ động được nguồn nước tưới, người dân cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng ít nước hơn như cây điều, bơ, sầu riêng”, ông Có thông tin.
Theo kế hoạch, hàng năm Gia Lai thực hiện tái canh cà phê từ 2.000 – 2.500ha. Để thực hiện tốt kế hoạch, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê, sử dụng các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt đã được công nhận.
Th508

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt
Nguồn tin : Báo Nông nghiệp
Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.
Mưa to kèm gió lốc khiến nhiều cây sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Quả (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) bị gãy, đổ. Ảnh: Tuấn Anh.
Những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa giúp giải cơn khát khô hạn của phần lớn diện tích cây trồng. Tuy nhiên, thay vì vui mừng, nhiều người trồng sầu riêng đã phải khóc ròng khi nhiều cây bị gãy đổ, quả rụng la liệt, ước thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ghi nhân thực tế tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê), cơn mưa to kèm gió lốc vào chiều ngày 5/5 đã trở thành ác mộng với nhiều hộ dân trồng sầu riêng nơi đây.
Nhắc đến cơn mưa dông gây thiệt hại cho sầu riêng, ông Nguyễn Dũng (thôn 4, xã Ia Hlốp) hướng mắt về vườn sầu riêng với vẻ mặt đượm buồn. Ông Dũng cho biết, gia đình có 2ha sầu riêng với khoảng 400 cây, trong đó 200 cây đang ở giai đoạn cho thu hoạch. Cơn mưa kèm theo gió lớn vừa qua đã khiến gia đình không kịp trở tay, sầu riêng từ trái lớn đến nhỏ rụng la liệt.
Ông Nguyễn Dũng (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) xót xa khi vườn sầu riêng bị rụng quả la liệt. Ảnh: Tuấn Anh.
“Gia đình đã lường trước sự việc khi biết sẽ có cơn mưa lớn xuất hiện đầu mùa nên đã gia cố lại cành cây, buộc quả. Nhưng do không có người làm nên mới gia cố được ít cây nhỏ thì cơn mưa bất ngờ ập tới. Mặt khác, những ngày qua thời tiết khô hạn nên gia đình chủ yếu lo nguồn nước tưới cứu cây trồng nên cũng không trở tay kịp”, ông Dũng nói và cho biết, cơn mưa to kèm gió lốc không chỉ làm rụng quả mà nhiều cành sầu riêng của gia đình cũng bị rạn, gãy.
Ông Dũng cho biết thêm, gia đình làm nghề nông hơn chục năm nay chưa khi nào xảy ra tình trạng mưa lớn như ngày 5/5 vừa qua. Vì vậy dù người dân trên địa bàn có chuẩn bị trước cũng không tránh khỏi thiệt hại đối với cây sầu riêng.
Lo sợ mưa kèm dông lốc tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới, gia đình ông Dũng đã gấp rút tìm nhân công gia cố lại vườn cây với hi vọng giảm thiểu quả bị rụng, gây thiệt hại kinh tế.
Để giảm thiệt hại, ông Dũng thực hiện gia cố vườn cây. Ảnh: Tuấn Anh.
Mưa dông khiến vườn sầu riêng bị thiệt hại lớn nhất có lẽ thuộc về gia đình ông Nguyễn Văn Quả (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Gia đình ông Quả có 350 cây sầu riêng đang chuẩn bị bước sang năm thu hoạch chính thì bất ngờ gặp cơn mưa lớn kèm gió lốc vào chiều ngày 5/5. Hậu quả, 8 cây đã bị gãy, đổ hoàn toàn và các cây khác thì quả rụng la liệt. Theo thống kê, quả bị rụng ước khoảng hơn 5 tấn, thiệt hại cho gia đình khoảng 500 triệu đồng.
Ông Quả cho biết, theo kinh nghiệm làm nông nghiệp ở đây nhiều năm, khi thấy cơn mưa to kèm gió lốc lớn là biết vườn sầu riêng chắc chắn gặp rủi ro. Quả đúng như vậy, khi ra vườn nhìn nhiều cây sầu riêng gãy đổ, quả rụng la liệt ông không cầm được nước mắt.
Sầu riêng bị rụng la liệt gây thiệt hại cho gia đình ông Quả khoảng 500 triệu đồng. Ảnh: Tuấn Anh.
“Gia đình vay mượn hàng tỷ đồng đầu tư trồng sầu riêng, năm nay bước vào vụ thu hoạch chính thì lại bị như vậy, không biết phải làm sao. Dự kiến, năm nay gia đình thu khoảng hơn 1 tỷ đồng từ sầu riêng để trả nợ nhưng giờ đã bị thiệt hại 500 triệu đồng. Chưa kể những ngày tới nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn thì không biết vườn sầu riêng sẽ thiệt hại thêm bao nhiêu nữa”, ông Quả buồn bã.
Cũng theo ông Quả, lẽ ra vườn sầu riêng đã phải được gia đình gia cố trước mùa mưa, lập rào chắn gió để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên chưa kịp đầu tư thì xảy ra sự cố đáng tiếc.
Ông Cáp Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Ia HLốp cho biết, cơn mưa to kèm gió lốc chiều ngày 5/5 đã khiến một số diện tích sầu riêng của bà con rụng quả, thiệt hại cho người dân. Ngay khi nắm được thông tin, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ đi kiểm tra, thống kê, có khoảng gần 3ha sầu riêng bị thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế diện tích sầu riêng thiệt hại sẽ nhiều hơn do địa phương chưa tổng hợp hết được.
“Đối với cây sầu riêng, hiện tại chưa có chương trình hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Vì vậy, xã chỉ biết khuyến cáo người dân về việc sầu riêng dễ bị gãy cành, rụng trái nếu gặp mưa to, gió lớn. Vì vậy người dân cần gia cố chắc chắn, buộc trái cẩn thận để khi cơn mưa tiếp theo sẽ không bị ảnh hưởng đến vườn cây, gây thiệt hại về kinh tế”, ông Việt chia sẻ.
Sầu riêng bị rụng thời điểm này xem như bỏ đi. Ảnh: Tuấn Anh.
Tương tự, trước đó mưa to kèm gió lốc cũng đã khiến một số diện tích sầu riêng của huyện Đức Cơ (Gia Lai) rụng quả đầy dưới gốc khiến người dân không khỏi xót xa. Theo ước tính, khoảng hơn 10 hộ trồng sầu riêng nơi đây bị thiệt hại, rụng quả do gió lốc. Trong đó, gia đình Ông Lương Văn Ân (xã Ia Kriêng) bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ước tính diện tích bị thiệt hại khoảng 1ha, giá trị thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho biết, hiện cán bộ xã đang tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích sầu riêng bị thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở các thôn có sầu riêng bị thiệt hại cũng không báo cáo lên địa phương khiến cho công tác thống kê thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
“Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề này là mưa lớn kèm gió lốc dẫn đến quả sầu riêng rụng cục bộ tại một số vườn của hộ dân. Để giảm thiệt hại trong thời gian tới, người dân cần gia cố lại vườn cây, giằng cột, buộc quả cẩn thận để sầu riêng không bị ảnh hưởng khi có mưa lớn ập đến”, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng khuyến cáo.
Th408

Giá khoai lang chỉ còn 3.500 đồng/kg, Gia Lai kêu gọi hỗ trợ
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
Khoai lang rớt giá thê thảm cộng với sâu bệnh hoành hành khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Khoai lang đang bước vào vụ thu hoạch rộ ở Phú Thiện. Ảnh: Tuấn Anh.
Ngày 4/4, UBND huyện Phú Thiện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn vụ đông xuân 2023 – 2024.
Huyện Phú Thiện được xem là thủ phủ khoai lang của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Riêng trong năm nay, tổng diện tích khoai lang trên địa bàn huyện Phú Thiện đạt hơn 3.400ha, hầu hết người dân sử dụng giống khoai lang Nhật, tập trung chủ yếu ở các xã như Chư A Thai, Ia Sol, Ia Piar.
Vụ đông xuân năm nay, khoai lang có năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 68.800 tấn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích khoai lang trên địa bàn huyện Phú Thiện đã thu hoạch hơn 2.000ha (khoảng 60%), diện tích còn lại dự kiến đến 30/4 sẽ thu hoạch xong.
Cách đây khoảng hơn 2 tháng, giá khoai lang khoảng 10.000 đồng/kg. Còn hiện tại, giá khoai lang đang rớt thê thảm, chỉ còn 3.500 đồng/kg.
Theo đánh giá của UBND huyện Phú Thiện, hiện nay giá khoai lang giảm, thương lái thu mua cầm chừng và có chiều hướng giảm số lượng. Chính vì vậy, người dân trồng khoai lang đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra, trong khi diện tích còn lại đang đến kỳ thu hoạch rất lớn (khoảng hơn 1.600ha).
Mặt khác, năm nay thời tiết không thuận lợi dẫn đến sản lượng khoai lang thấp, tỷ lệ bị sùng, hà nhiều nên đã ảnh hưởng đến giá thu mua. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa có các doanh nghiệp chế biến đầu tư trên địa bàn huyện Phú Thiện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Do giá khoai lang thấp, dẫn đến người dân thua lỗ nặng.
Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết, trước việc khoai lang rớt giá thê thảm, HTX cũng đã báo cáo về huyện để nắm bắt tình hình tiêu thụ cũng như kiến nghị có giải pháp hỗ trợ người dân. “Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, mùa vụ năm nay người dân trồng khoai lang quá nhiều, diện tích tăng đột biến khiến giá giảm sâu, tiêu thụ cũng gặp khó khăn”, ông Năm nhìn nhận.
Giá khoai lang hiện đang giảm sâu xuống chỉ còn 3.500 đồng/kg. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Năm cho biết, ngay khi huyện báo cáo tình hình tiêu thụ khoai lang gặp khó khăn, đã có một số doanh nghiệp đến đặt vấn đề tiêu thụ cho người dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu thu mua khoai lang trồng trên đất đỏ bazan để thực hiện chế biến sâu. Trong khi lượng khoai lang sản xuất trên địa bàn quá lớn, lên đến vài chục ngàn tấn nên việc các doanh nghiệp đến thu mua để chế biến chỉ được vài chục tấn vẫn chưa giải quyết được đáng kể vấn đề tiêu thụ cho người dân.
“Để giảm thiệt hại cho người dân, vấn đề cần làm nhất lúc này là kéo dài thời gian thu hoạch khoai lang với hi vọng giá sẽ tăng trở lại. Muốn vậy, người dân cần tưới nước thường xuyên để tránh khoai lang bị sùng, hà làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Chứ hiện tại, người dân đang thu hoạch đồng loạt thì không thể tránh khỏi giá sẽ xuống thấp”, ông Năm chia sẻ.
Theo ghi nhận, năm nay diện tích sản xuất khoai lang tăng không chỉ trên địa bàn huyện Phú Thiện mà cả trong tỉnh cũng như các vùng, miền. Thời vụ xuống giống khoai lang ở các địa phương cũng trùng nhau nên sản lượng thu hoạch tăng đột biến, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Thiện chưa có các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu khoai lang, chủ yếu các thương lái thu mua là chính.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai, huyện Phú Thiện đã đề nghị tỉnh quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ khoai lang cho bà con. Về lâu dài, cần kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn tỉnh Gia Lai gắn với việc đưa các giống chất lượng, sạch bệnh, cho năng suất cao để người dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, ngay khi huyện có báo cáo gửi lên UBND tỉnh, đã có khoảng 3 – 4 doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua cho người dân. Số lượng thu mua bao nhiêu thì phải đợi trong vài ngày tới mới biết được.
“Trước khi mùa vụ khoai lang bắt đầu, chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng. Tuy nhiên, do 2 năm vừa qua người dân trồng khoai lang thắng lớn nên đã tập trung mở rộng diện tích ồ ạt. Việc cung vượt quá cầu dẫn đến giá khoai lang xuống thấp là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, giải pháp cấp bách nhất bây giờ là tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đến thu mua khoai lang càng sớm càng tốt nhằm giảm thiệt hại cho người dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện chia sẻ.
Th919