Nâng cao chất lượng HTX sẽ giúp nông sản tiêu thụ tốt
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
TP.HCM Để nông sản được biết đến nhiều hơn và tiêu thụ tốt, các HTX cần minh bạch trong sản xuất và có các sản phẩm khác biệt để tăng sức cạnh tranh.
Đây là nội dung chính được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và HTX trao đổi tại Diễn đàn kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua HTX được tổ chức sáng 29/12 tại Văn phòng Bộ NN-PTNT.
Chương trình được Báo Nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng Bộ NN-PTNT, Trường Chính sách công và PTNT đồng thực hiện, hơn 150 điểm cầu trực tuyến.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu, Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX cùng ngồi lại với nhau, đóng góp ý kiến phát triển nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp và đa sinh thái.
Trong những năm qua, bức tranh sản xuất nông sản, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo Việt Nam có sự khởi sắc và đạt nhiều thành tựu. Sản lượng lúa gạo mà Việt Nam sản xuất đạt 40 triệu tấn, trong đó ĐBSCL là 25 triệu tấn, có nhiều dư địa để xuất khẩu.
“Tuy nhiên, ngành trồng trọt nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn nước sông Mekong đang bị hạn chế, điều này gây nhiều khó khăn hơn. Chúng ta phải thay đổi mùa vụ, giống và biện pháp canh tác.
Việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, trong khi đó các nước khác cũng đang chủ trương tự lực nguồn lương thực và tiến tới xuất khẩu. Do đó, việc chúng ta cần phải thay đổi lối canh tác truyền thống, giảm lượng phân bón giúp giảm thuốc BVTV, giảm giá thành và giảm lượng phát thải”, ông Tùng cho hay.
Để làm được điều này, sự chung tay của các HTX có vai trò rất lớn trong liên kết sản xuất và thay đổi tập quán, tư duy kinh tế nông nghiệp cho bà con nông dân.
TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT đánh giá cao công tác hoạt động của các HTX trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Hiện, Việt Nam có khoảng 20.500 HTX nông nghiệp, gồm 3,8 triệu thành viên, trong đó có trên 51% HTX tốt và khá.
“Tiềm năng sản xuất nông lâm thủy sản của chúng ta rất lớn. Do đó, để các sản phẩm được biết đến nhiều hơn và tiêu thụ tốt hơn thì cần có sự đầu tư bài bản, quản lý số và đầu tư sâu vào cơ giới hóa”, TS Trần Minh Hải bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Phó trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho rằng, phần lớn HTX vẫn còn những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và người nông dân. Đồng thời, công cụ hỗ trợ cho HTX cũng còn hạn chế.
“Đã đến lúc chú trọng chất lượng HTX chứ không chỉ là về số lượng. Do đó, cần sự phối hợp, thay đổi phương thức để phát triển HTX gắn với các chương trình xúc tiến. Đây là con đường mà trên thế giới nước nào cũng phải đi để tiêu thụ sản phẩm, nông sản”, bà Hồng Vân mong mỏi.
Cũng tại đây, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cũng giới thiệu 66 mô hình HTX nông nghiệp điển hình trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây là các gương HTX nông nghiệp trong cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy, cách làm, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp nông thôn.
Diễn đàn còn là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Lê Bình
Th1215
Ngồi ghế, đi giày, mặc comple làm cỏ ruộng rau
Nguồn tin: báo nông nghiệp
Bí quyết của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ là sạch, từ lâu người dân ở vùng trồng rau này không sử dụng thuốc trừ cỏ, lượng phân bón và thuốc hóa học giảm đáng kể.
Dẫn chúng tôi thăm vùng trồng rau sạch lớn nhất Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, huyện Hoài Đức cho biết, HTX có 500 hộ sản xuất rau trên tổng diện tích trên 40ha, trong đó 33ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Hào cho hay, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc rau an toàn cho bà con trong HTX. Đồng thời, các cơ quan chức năng huyện và thành phố cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau của xã viên HTX tại thực địa.
“Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ, bà con nông dân có thói quen sử dụng phân chuồng chưa qua ủ, nhưng từ sau khi tập huấn đã tuân thủ đúng quy trình, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép và thực hiện đúng thời gian cách ly. Đồng thời, cũng chuyển sang dùng các loại phân bón hữu cơ. Chính người sản xuất đã ý thức được việc phải đảm bảo sức khỏe cho bản thân”, ông Hào nói.
Ông Nguyễn Khắc Đạo, chủ hộ sản xuất trên vùng rau 2,5ha cho hay, 100% nông dân sản xuất trong HTX đã được đào tạo, tập huấn, được cấp chứng chỉ và có kiến thức hiểu biết về an toàn thực phẩm. Riêng khu canh tác rau 2,5ha thực sự là một mô hình điển hình đáng nhân rộng. 100% diện tích canh tác đều có sổ nhật ký, ghi lại từ ngày gieo hạt cho đến ngày thu hoạch. Trong quá trình này phải ghi rõ lượng hạt, lượng phân bón, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
Cũng theo ông Đạo, trước đây, bà con chủ yếu dùng phân hóa học, hơn 20 kg/sào nhưng hiện đã chuyển sang bón phân vi sinh, không quá 7 kg/sào, giảm hơn 70% lượng phân bón hóa học so với trước. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng tương tự. Trước chủ yếu dùng thuốc hóa học, nhưng nay đã chuyển sang dùng thuốc sinh học. Thuốc sinh học có nhiều ưu điểm như thời gian cách ly ngắn, độ độc thấp, đảm bảo an toàn thực phẩm, tuy nhiên, giá thành còn hơi cao.
“Giá rau ở vùng sản xuất này luôn đắt nhất thành phố Hà Nội. Bà con lại không phải lo đầu ra vì hiện có 5 – 6 đơn vị liên kết thu mua. Đến HTX Tiền Lệ, bà con ngồi ghế, đi giày, mặc comple… làm rau bởi không gian canh tác sạch, đảm bảo sức khỏe, làm ra những luống rau an toàn cho mọi người. Đã từ lâu rồi người dân ở vùng sản xuất rau này không sử dụng thuốc trừ cỏ, toàn bộ việc làm cỏ tại các ruộng rau đều được nhổ thủ công bằng tay”, ông Đạo tự hào khoe.
Bà An Hà Liên, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất – Dịch vụ Liên Anh, một trong những doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ rau của HTX Tiền Lệ cho hay, bà rất yên tâm, tin tưởng về chất lượng và dư lượng đối với những sản phẩm rau an toàn do HTX Tiền Lệ cung cấp.
Theo bà Đặng Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức, hiện HTX Tiền Lệ chủ yếu dùng các loại phân hữu cơ đã ủ hoai mục, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm đã được kiểm định, tuyệt đối không sử dụng các nguồn nước ô nhiễm. Đồng thời, lượng phân bón và thuốc hóa học sử dụng giảm đi đáng kể.
Trạm thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, giám sát định kỳ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân, làm việc với chính quyền địa phương, lập biên bản vi phạm hành chính khi xảy ra trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Trạm cũng đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, thuốc nằm trong danh mục.
“Tổng sản lượng rau cung cấp ra thị trường của HTX Tiền Lệ đạt trên 3.000 tấn/năm, doanh thu bình quân 600 – 700 triệu/ha/năm, riêng với khu nhà lưới đạt gần 1 tỷ đồng ha/năm. Hiện HTX có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là rau dền, mùng tơi, cải ngồng, cải mơ”, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết.
Th314
Tổ hợp tác nâng thương hiệu hoa hồng Sa Đéc
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Tổ hợp tác hoa hồng ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) là một trong những tổ đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều nông dân tham gia.
Thời gian gần đây, nhiều tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng đã được thành lập ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Trong đó, Tổ hợp tác hoa hồng ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) là một trong những tổ đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều nông dân tham gia.
Ngoài các cuộc họp định kỳ, các thành viên trong Tổ hợp tác thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật trồng, chia sẻ giống mới với nhau. Ảnh: Thanh Nghĩa.
Đã nhiều năm gắn bó với cây hoa hồng, mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm trong sản xuất giống hoa này nhưng khi địa phương thành lập Tổ hợp tác, ông Trần Hữu Thiện (ngụ phường Tân Quy Đông) đã chủ động tham gia, bởi theo ông Thiện, với sự đa dạng về chủng loại và thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, đòi hỏi nông dân phải tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm, nên việc cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân với nhau sẽ là giải pháp để nâng cao chất lượng cho cây hoa hồng Sa Đéc.
Ông Thiện chia sẻ: “Hoa hồng muốn trồng được phải có kinh nghiệm. Bây giờ anh em trong Tổ hợp tác nghiên cứu trồng tùy theo thị trường, nghĩa là mình trồng những gì nhu cầu thị trường cần chứ không trồng những gì mình có như trước kia mạnh ai nấy trồng. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận”.
Hiện Tổ hợp tác hoa hồng phường Tân Quy Đông đã có trên 30 thành viên, chủ lực của Tổ là trồng và cung ứng hoa hồng và một số loại hoa khác. Mỗi năm, Tổ hợp tác cung ứng hàng trăm ngàn giỏ hoa cho thị trường. Trong vụ hoa Tết vừa rồi, thời tiết không mấy thuận lợi đối với cây hoa hồng. Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ đã cùng họp bàn, trao đổi kỹ thuật để đối phó với thời tiết. Nhờ đó, hoa vẫn phát triển tốt, đủ cung ứng cho thị trường, tổ viên cũng có thu nhập ổn định.
Nhiều giống hoa hồng mới được các thành viên trong Tổ hợp tác giới thiệu nhân giống làm cho bức tranh làng hoa Sa Đéc thêm phú phú hơn. Ảnh: Thanh Nghĩa.
Anh Huỳnh Thanh Tuấn, Tổ trường Tổ hợp tác hoa hồng phường Tân Quy Đông cho biết thêm: “Năm vừa qua thời tiết khắc nghiệt, thay đổi đột ngột, không thuận lợi trồng hoa. Sớm nắm bắt tình hình, anh em trong Tổ hợp tác đã trao đổi kinh nghiệm trong cách trồng như: Làm nhà lưới, nhà màng, nhà mủ, phun thuốc theo định kỳ để đối phó thời tiết khắc nghiệt. Nhờ đó, chất lượng cây hoa ổn định hơn so với những người ở ngoài Tổ hoa hồng, giá bán cũng tốt, ai cũng có lợi nhuận. Hàng tháng, Tổ sẽ họp để trao đổi khoa học kỹ thuật, giá cả các loại hoa để thống nhất trong mua bán nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn”.
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất hoa hồng, các tổ viên còn chia sẻ với nhau về những giống mới để cung ứng cho thị trường. Song song đó, Tổ còn có vai trò là đầu mối tiếp nhận các đơn hàng để phân phối cho tổ viên sản xuất cũng như làm đầu mối tìm đầu ra cho bà con với giá cả ổn định. Vì thế, tổ viên an tâm hơn trong quá trình sản xuất.
Thấy được hiệu quả của Tổ hợp tác, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đã có định hướng trong việc nâng chất lượng cho Tổ trong thời gian tới. Ông Trần Văn Lành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) thông tin: “Quá trình hoạt động của Tổ hợp tác hoa hồng thời gian qua đạt hiệu quả nên số lượng thành viên ngày càng tăng. Định hướng tới có thể sẽ nâng dần từ Tổ hợp tác thành hội quán để duy trì hoạt động và tạo điều kiện để bà con nông dân, tổ viên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng hoa, từng bước nâng dần thành HTX…”.
Với hơn 2.300 hộ trồng và kinh doanh hoa kiểng, việc có thêm những tổ hợp tác sẽ rất cần thiết để hoa kiểng Sa Đéc phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Th1230