
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Tìm hướng đi đúng để tạo đà
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nông nghiệp tỉnh nhà đã và đang được thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, từng bước khắc phục tình trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh.
Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại Quang Mỹ Farm ở Hương Hồ (TP. Huế). Ảnh: Đăng Tuyên
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Thừa Thiên Huế đã định hình và từng bước đi vào ổn định đối với một số loại cây trồng chủ lực như lúa, rau màu các loại, cây ăn quả… Các chính sách tích cực như Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 30/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã dành ngân sách hỗ trợ sau đầu tư từ 15-20 tỷ đồng/năm giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Gian nan tìm cách chứng nhận sản phẩm hữu cơ
Thực tế có 2 phương thức để có chứng nhận sản phẩm hữu cơ: Một là thuê các tổ chức chứng nhận bên thứ 3 trong và ngoài nước đánh giá, chứng nhận với chi phí rất cao. Qua khảo sát, cần 10 triệu đồng/ha chi phí chứng nhận đối với các tổ chức chứng nhận trong nước theo TCVN:11041- 2017. Vấn đề này là bất khả thi đối các mô hình hữu cơ quy mô nông hộ, tổ, nhóm vốn yếu thế; chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn cũng như doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Hai là, chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System -PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản và có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. Theo Liên đoàn các phong trào Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) năm 2008, PGS là một hệ thống ở đó có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được xác nhận sự tuân thủ dựa vào sự tham gia tích cực của các bên liên quan, bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng trong hệ thống. Chi phí chứng nhận thấp, thậm chí không tốn chi phí phù hợp với quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ, tổ, nhóm.
Theo Điều 17, Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân tham gia Hệ thống bảo đảm cùng tham gia PGS. Tuy nhiên, vướng mắc theo Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không có hướng dẫn cách thức tổ chức, xây dựng hệ thống PGS cũng như phương thức chứng nhận PGS, gây lúng túng cho việc hình thành PGS tại các địa phương.
Trên địa bàn tỉnh đã thành lập ra liên nhóm PGS tại 3 huyện Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang từ Dự án VIE433. Thế nhưng, những sản phẩm hữu cơ trên được bán theo giá nông sản thông thường do sản phẩm chưa được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Một số doanh nghiệp kinh doanh lại yêu cầu phải có chứng nhận sản phẩm hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường có hiệu quả hơn. Vấn đề đặt ra là, phải thành lập Ban điều phối PGS cấp tỉnh tại Thừa Thiên Huế để tập hợp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ hợp tác và nông hộ ở địa phương có tâm huyết tham gia vào phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Tạo sức lan tỏa nông nghiệp hữu cơ
Với sự hỗ trợ từ Dự án Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu VIE/433 của Chính phủ Luxembourg (2019) đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ liên kết nông hộ với diện tích 16,3ha (20 nhóm/181 hộ tham gia) tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền. Cụ thể: sản phẩm rau má hữu cơ Quảng Thọ, rau hữu cơ Quảng Thành, Mỹ Lợi; gà Quảng Phước; lúa hữu cơ Phú Mỹ, Lộc An; dầu lạc Mỹ Á; góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 42 hộ dân và 2 HTX đang hợp tác về phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học (ATSH), liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 lợn nái và 6.000 con lợn thịt tại các địa phương. Ngoài ra, khoảng 500ha diện tích lúa, ngô, đậu tương sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị.
Cơ hội mở ra đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thừa Thiên Huế là khi Tập đoàn Quế Lâm, một công ty hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ trên phạm vi cả nước mạnh dạn đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực hữu cơ tại tỉnh từ năm 2016: Hệ thống cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản hữu cơ (200 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Dự án Tổ hợp chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer) tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; vùng sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với diện tích 70ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Phù Bài, thị xã Hương Thủy; mô hình hộ chăn nuôi an toàn sinh học 10-30 lợn thịt…
Cần nhiều giải pháp, vai trò
Cần có Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến năm 2030. Đây là một lợi thế để giúp tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Tiếp đến là phát huy vai trò của Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh; tiến hành thành lập Ban điều phối PGS Huế cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, chứng nhận PGS các sản phẩm nông sản hữu cơ theo TCVN:11041-2017, góp phần giải quyết vấn đề Chứng nhận hữu cơ ở quy mô nông hộ, tổ, nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ lâu dài. Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để tranh thủ nguồn lực; giúp đào tạo, tập huấn về kiến thức nông nghiệp hữu cơ; chia sẻ kinh nghiệm, chứng nhận PGS và kết nối doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng tiêu thụ; xây dựng mô hình liên kết… Bên cạnh đó, cần tích cực tìm kiếm hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước (ADDA,VIE433), từ doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển và lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn rộng khắp. Công tác truyền thông giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mô hình hữu cơ để người tiêu dùng thấy được giá trị và hiệu quả của sản phẩm mang lại sức khỏe cho cộng đồng cũng cần được tăng cường…
Quang Hòa
Th1021

Người đưa cách làm nông nghiệp hữu cơ ở ‘trời Âu’ về xứ Thanh
Được chứng kiến cách làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, tiết kiệm chi phí khi còn ở Cộng hòa Séc, chị Hoan đã quyết về quê lập nghiệp bằng chính mô hình này.
Ấp ủ cách làm ở xứ người
Sau hơn 20 năm bôn ba xứ người, chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hóa) mang theo dự định xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn cho riêng mình và về nước lập nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hoan, thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hóa), người tiên phong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn ở địa phương. Ảnh: Trung Quân.
Chị Hoan chia sẻ: Trong thời gian sinh sống tại Cộng hòa Séc, được tận mắt chứng kiến cách làm, thụ hưởng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, đã dấy lên trong chị suy nghĩ “tại sao mình không học hỏi, đưa cách làm nông nghiệp của họ về quê hương, vừa tạo được sản phẩm khác biệt trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm lúc bấy giờ đang rất nhức nhối, vừa tạo điều kiện cho những người thân của mình được sử dụng những sản phẩm chất lượng, an toàn”.
Năm 2015, vợ chồng chị về nước, kết hợp cùng một số người bạn đầu tư xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp tổng hợp trên cánh đồng trũng, người dân để hoang hóa tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương). Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, sự khác nhau về tư duy, định hướng không làm cho chị thỏa được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay.
Đến năm 2019, chị quyết định tách ra làm riêng, tự xây dựng cho mình một trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Với kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được, chị đấu thầu diện tích gần 2ha, đầu tư gần 3 tỷ đồng cải tạo đường giao thông; xây mới chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, ốc, cá, giun quế; lắp đặt 8.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất dưa lưới và các loại rau ăn lá, rau gia vị.
Chị Hoan đầu tư xây dựng 500m2 chuồng nuôi giun quế để làm phân bón cho cây trồng, thức ăn cho chăn nuôi. Ảnh: Trung Quân.
Chị Hoan bộc bạch: Quyết định phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ thực sự là một quyết định khó khăn đối với vợ chồng chị. Bởi lẽ, qua tìm hiểu thị trường, chị nhận thấy người tiêu dùng trong nước đã nghe, biết đến nông nghiệp hữu cơ, nhưng để hiểu rõ, phân biệt được đâu là sản phẩm hữu cơ, không là hữu cơ và “chịu chi” để sử dụng sản phẩm đó còn rất hạn chế.
Trong khi đó, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ không hề nhỏ, quá trình canh tác phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về kỹ thuật… Tuy nhiên, được sự ủng hộ của gia đình, gạt đi những do dự, trang trại của chị vẫn kiên định đi theo con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn.
Tiết kiệm 60% chi phí phân bón
Theo chị Hoan, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học về lâu dài không những làm tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gây nên hiện tượng chai đất, ô nhiễm môi trường… Do đó, để tạo ra sản phẩm chất lượng, tất cả các yếu tố trong quá trình canh tác đều phải được kiểm soát chặt chẽ.
Về đất trồng, đối với dưa lưới, trước khi đóng giá thể, đất được bổ sung phân giun quế, mùn cưa, men vi sinh, phơi kỹ lưỡng… Đối với vườn rau, đất được cày, phơi ải, diệt khuẩn, bón bổ sung phân đã ủ hoai mục, phân giun quế cho tơi xốp rồi mới tiến hành xuống giống.
Về nước tưới, chị khoan giếng với độ sâu hơn 100m, bơm qua hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất rồi mới đưa vào hệ thống tưới tự động cho cây.
Để tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, trang trại của chị Hoan sử dụng thuốc BVTV sinh học, nhổ cỏ bằng tay. Ảnh: Trung Quân.
Về phân bón, trang trại sử dụng toàn bộ bằng phân giun quế và phân bón hữu cơ. Ngoài ra, chị tận dụng, thu mua chuối, đu đủ chín ngâm ủ với men vi sinh thành dịch để tạo kali tự nhiên bón cho cây trồng.
“Phương pháp nuôi giun quế làm phân bón chị phải lên tận Phú Thọ để học. Cái hay của giun quế là sức ăn càng nhiều thì lượng phân tạo ra càng lớn. Chỉ với 500m2 nhà nuôi giun quế, trung bình mỗi năm trang trại của chị thu được tới khoảng 30 tấn phân, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 60% chi phí so với việc sử dụng toàn bộ bằng phân bón hóa học”, chị Hoan chia sẻ.
Để phòng chống sâu bệnh gây hại, chị sử dụng các loại bẫy, thuốc BVTV sinh học để phun cho cây.
Vòng tuần hoàn khép kín
Chị Hoan cho biết: Để tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo vệ môi trường xung quanh và tiết kiệm chi phí sản xuất, chị đã xây dựng trang trại theo hướng tuần hoàn khép kín. Các chất thải, phế phụ phẩm của trồng trọt sẽ được tận dụng triệt để để làm nguyên liệu cho chăn nuôi và ngược lại.
“Phân thải từ chăn nuôi lợn, gà, được đẩy xuống bể, ủ hoai mục cùng với men vi sinh dùng làm thức ăn cho giun quế và bón cho cây ăn quả, ngô… Phân của giun quế; thân giun (ngâm làm dịch giun) sử dụng bón cho dưa lưới, rau, làm thức ăn cho gà; rau, củ, quả loại, ngô, lúa được tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi…, cứ như vậy tạo thành một vòng tròn khép kín, không có chất thải ra ngoài môi trường”, chị Hoan cho hay.
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, các sản phẩm của trang trại luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Ảnh: Trung Quân.
Cũng theo chị Hoan, nhờ cách làm này mà các sản phẩm của trang trại từ chỗ ít người biết đến, hiện tại luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì lượng đặt mua không ngừng tăng lên. Theo thống kê, trung bình 1 năm trang trại của chị xuất bán ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ các loại; hơn 20 tấn dưa vàng; 20 tấn lợn thịt; 6 tấn gia cầm, ốc giống hàng vạn con… Doanh thu trung bình của trang trại đạt gần 3 tỷ đồng/năm (chưa trừ chi phí); tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 6 lao động thời vụ.
Đặc biệt, năm 2020, trang trại của chị được cấp chứng nhận VietGAP. Năm 2021, sản phẩm dưa kim hoàng hậu của trang trại được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Hoan bộc bạch: Trang trại sẽ tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn để tiến tới được cấp chứng nhận hữu cơ. Bên cạnh đó, mở rộng liên kết với các hộ dân có nhu cầu để tăng quy mô sản xuất, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Nguồn tin: nongsanviet.nongnghiep.vn của Báo nông nghiệp
Th1107