
Cà phê là mặt hàng nông sản tăng giá mạnh nhất niên vụ 2023 – 2024
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3%, kim ngạch niên vụ 2023-2024 vẫn đạt kỷ lục 5,42 tỷ USD (tăng 33%), trong đó EU nhập khẩu 2 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong quý III/2024 đạt 1,12 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu giảm 12,9%, ở mức 212.926 tấn.
Giá cà phê xuất khẩu tăng đột biến, cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt mức trung bình 3.673 USD/tấn.
Tuy sản lượng giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4,24 tỷ USD trong cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.
Kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử.
Giá cà phê xuất khẩu tăng đột biến, cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt mức trung bình 3.673 USD/tấn. Riêng trong quý III, với giá trung bình đạt 5.266 USD/tấn (tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái), và đạt đỉnh điểm 5.469 USD/tấn trong tháng 9 – mức cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới được cho là có lợi nhất từ trước đến nay do nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta toàn cầu tăng mạnh, yếu tố khiến cho giá cà phê liên tục tăng cao và lập đỉnh mới trong niên vụ 2023-2024.
Cà phê Arabica dao động quanh mức cao nhất kể từ giữa năm 2011, cao nhất trong 13 năm trong bối cảnh lo ngại về tương lai nguồn cung. Các nhà giao dịch đã đánh giá hậu quả của việc trì hoãn trong một năm đối với quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu.
Điều này có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ các quốc gia như Brazil và Indonesia, nơi xảy ra tình trạng phá rừng.
Bên cạnh đó, trọng tâm vẫn là vấn đề thời tiết gây bất lợi cho vụ mùa năm sau tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil. Các nhà kinh doanh lưu ý rằng mặc dù có mưa gần đây, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp, dẫn đến sự phát triển hạn chế của quả và sự phát triển quá mức của lá.
Chính điều này đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới. Theo ghi nhận, tại các khu vực như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đang giao động ở mức 113.000 đồng/kg.
Cụ thể, trong niên vụ 2023-2024, với khối lượng đạt 562.601 tấn, trị giá 2 tỷ USD, so với niên vụ trước giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41,1% về kim ngạch, chiếm 38,1% khối lượng và 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt lần lượt là 607,1 triệu USD, 416,6 triệu USD và 412,6 triệu USD, tăng 37,1%, 29,6% và 74,6% so với niên vụ trước. Xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản cũng tăng 38,4% về kim ngạch dù lượng giảm 0,3%; Nga tăng 20% về kim ngạch dù lượng giảm 20,3%. Đối với khu vực châu Á như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… tăng rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với niên vụ trước.
Th604

Giá cà phê hôm nay 4/6/2024, bị giam ở 120,000 đồng/kg. Dự báo giá cà phê nửa đầu tuần có xu hướng giảm.
Nguồn tin : báo Đăk Nông
Bảng giá cà phê hôm nay, ngày 4/6, giá cà phê hôm nay bị giam ở 120,000 đồng/kg, quanh quẩn ở khoảng 118,000 – 120,000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. Giá mua cao nhất tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai là 120,000 đồng/kg. Dự báo giá cà phê nửa đầu tuần có xu hướng giảm.
Giá cà phê trong nước
Thị trường cà phê trong nước hôm nay quanh quẩn ở khoảng 118,000 – 120,000 đồng/kg. Giá cà phê trong nước được cập nhật mới lúc 4h30 ngày 4/6/2024 như sau, mức giá trung bình hiện nay ở quanh mốc 120,000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai là 120,000 đồng/kg.
Bảng giá cà phê hôm nay 4/6/2024
Thị trường | Trung bình | Thay đổi |
Đắk Lắk | 120,000 | 0 |
Lâm Đồng | 118,000 | -1,000 |
Gia Lai | 120,000 | 0 |
Kon Tum | 120,000 | 0 |
Đắk Nông | 120,000 | 0 |
Chi tiết, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 118,000 – 120,000 đồng/kg.
Giá cà phê Đắk Lắk
Giá cà phê hôm nay (ngày 4/6) tại tỉnh Đắk Lắk hôm nay tăng 4,500 đồng/kg so với tuần trước (25/5); huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 120,000 đồng/kg. Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 119,900 đồng/kg.
Giá cà phê ở Đắk Lắk được khảo sát từ các vùng: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Búk và Krông Ana.
Giá cà phê Đắk Nông
Giá cà phê Đắk Nông hôm nay 4/6/2024, thu mua ở mức 120,000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 119,900 đồng/kg ở Đắk R’lấp.
Giá cà phê mới nhất ở Đắk Nông được khảo sát từ các vùng: Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô
Giá cà phê Lâm Đồng
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc, cà phê được thu mua với giá 118,000 đồng/kg.
Giá cà phê mới nhất ở Lâm Đồng được khảo sát hôm nay từ các vùng, thành phố: Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đà Lạt và Đức Trọng.
Giá cà phê Gia Lai
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 120,000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 119,900 đồng/kg.
Giá cà phê Kon Tum
Còn giá cà phê hôm nay 4/6 tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 120,000 đồng/kg.
Một trong những động lực tăng chính của giá cà phê lại nằm ngoài yếu tố cung cầu của thị trường. Đó là những tín hiệu kinh tế vĩ mô của các quốc gia trên thế giới như hướng đi của đồng USD, hoạt động đầu cơ của các tay to.
Cập nhật giá cà phê trực tuyến
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London lúc 5h30 phút ngày 4/6/2024 tăng mạnh, dao động từ 3.720 – 4.120 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 4.280 USD/tấn (tăng 160 USD/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 4.110 USD/tấn (tăng 123 USD/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 là 3.953 USD/tấn (tăng 99 USD/tấn) và kỳ hạn giao hàng tháng 01/2025 là 3.803 USD/tấn (tăng 83 USD/tấn).
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York sáng ngày 4/6 tăng mạnh. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 226.05 cent/lb (tăng 1,66%); kỳ giao hàng tháng 9/2024 là 225,05 cent/lb (tăng 1,72%); kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 223,45 cent/lb (tăng 1,66%) và kỳ giao hàng tháng 03/2025 là 221,90 cent/lb (tăng 1,53%).
Giá cà phê Arabica Brazil sáng ngày 4/6/2024 tăng giảm mạnh. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 278,65 USD/tấn (giảm 3,26%); kỳ giao hàng tháng 9/2024 là 276,05 USD/tấn (tăng 1,86%); kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 270,00 USD/tấn (tăng 1,72%) và kỳ giao hàng tháng 3/2025 là 264,95 USD/tấn (giảm 3,53%).
Ngày cuối tuần các quỹ và đầu cơ thanh lý mạnh các hợp đồng mua khống trước đó đẩy thị trường giảm mạnh.
Dự báo giá cà phê nửa đầu tuần có xu hướng giảm.
Dù giá cà phê ngày cuối tuần giảm, nhưng tựu chung thị trường vẫn có tuần tăng rực rỡ. Nguyên nhân đà tăng đến từ nội tại như nguồn cung khó khăn, lo ngại sản lượng giảm, vận tải biển tăng giá cước, nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng..
Tuy nhiên, một trong những động lực tăng chính của cà phê lại nằm ngoài yếu tố cung cầu của thị trường. Đó là những tín hiệu kinh tế vĩ mô của các quốc gia trên thế giới.
Chuyên gia nhận định đang có hoạt động đầu cơ chi phối thị trường. Sau đợt nâng giá mạnh sau đó đến lượt xả hàng của các “tay to”. Do đó người dân nên cẩn trọng trong các giao dịch, tránh mua bán theo tin đồn.
Sau dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố, các nhà giao dịch dự đoán khả năng cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9/2024 là 53%, cao hơn 4% so với báo cáo trước.
Nhận định về giá cà phê tuần này, đợt bán ròng trên 2 sàn cuối tuần trước sẽ còn dư chấn đến đầu tuần này. Do vậy thị trường dự báo tiếp tục giảm trong nửa đầu tuần, và phụ thuộc vào hướng đi của đồng USD.
Th515

Giá cà phê tăng cao, người dân ồ ạt xuống giống
Nguồn tin : báo Nông nghiệp
Thấy giá cà phê tăng cao, người dân lại ồ ạt xuống giống, trong khi chính quyền địa phương khuyến cáo nên ổn định diện tích, tập trung sản xuất theo hướng bền vững.
Rất nhiều mảnh vườn đã được đào hố, bỏ phân để chuẩn bị xuống giống cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.
Đua nhau trồng cà phê
Gia Lai hiện có khoảng hơn 100.600ha cà phê, trong đó có 90.000ha giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân đạt khoảng trên 31 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng hơn 281.000 tấn. Hiện giá cà phê dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng trên 100.000 đồng/kg nhân. Do giá cà phê cao kỷ lục, gấp 3 – 4 lần so với nhiều năm trước nên nông dân khắp nơi đang đua nhau trồng.
Những ngày này, đi một vòng quanh huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), dễ dàng bắt gặp người dân tất bật làm đất, đào hố chuẩn bị trồng cà phê. Bên cạnh việc trồng tái canh thay thế những vườn cà phê già cỗi, có rất nhiều diện tích được trồng mới hoàn toàn. Thậm chí, rất nhiều cây trồng khác đã được phá bỏ để chuyển sang trồng cà phê.
Khoảng hơn 1 tháng trước, khu vườn hơn 1ha của gia đình ông Trần Văn Linh (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) phủ kín bởi giàn chanh dây thì nay đã được dọn sạch sẽ để chuẩn bị trồng cà phê. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Linh đã đào hố, bỏ phân, chỉ còn chờ mưa xuống là thực hiện trồng.
Ông Linh cho biết, những năm trước, giá chanh dây tăng cao, gia đình cũng chạy theo để trồng. Nhưng rồi chỉ được thời gian ngắn, chanh dây lại rớt giá thê thảm, tiền bán không đủ bù nhân công thu hái khiến gia đình thua lỗ nặng.
Thấy giá cà phê tăng vọt trong thời gian qua, gia đình ông Linh đã mạnh dạn xuống giống hơn 1.000 cây cà phê với hi vọng trong vài năm tới giá cà phê vẫn ổn định như bây giờ.
“Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, bền vững của tỉnh Gia Lai nên dù giá cả có lên xuống thì gia đình vẫn quyết tâm trồng. So với các cây trồng khác, cà phê tương đối dễ trồng và chăm sóc, ít bị sâu bệnh tấn công. Hi vọng vài năm sau khi cà phê cho thu hoạch, giá vẫn cao”, ông Linh chia sẻ.
Gia đình anh Pyul (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) tranh thủ cải tạo đất, đào hố, đợi mưa xuống sẽ trồng cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.
Xuôi về huyện Chư Păh, rất nhiều hộ dân đã lên phương án tái canh cũng như trồng mới sau khi chứng kiến giá cà phê tăng vọt thời gian qua. Mọi khâu chuẩn bị từ cải tạo đất, đào hố, bỏ phân đã được người dân thực hiện, chờ khoảng hơn 1 tháng nữa khi mưa xuống sẽ tiến hành trồng.
Đang cặm cụi bỏ phân xuống từng hố để chuẩn bị xuống giống cà phê, anh Pyul (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, trước đây gia đình có gần 1ha trồng cao su. Tuy nhiên, việc khai thác mủ cao su không còn được thuận lợi như trước, cộng với giá cả bấp bênh nên gia đình quyết định phá bỏ để trồng cà phê.
“Gia đình nhận thấy cà phê vẫn là cây trồng bền vững hơn so với nhiều loại cây khác. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng cà phê không cao và chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Hiện giá cà phê đang tăng cao, hi vọng vài năm tới mức giá này vẫn giữ ổn định”, anh Pyul nói.
Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai sản xuất thường chạy theo thời giá. Một thời, phong trào trồng chanh dây nổ ra rầm rộ đã phần nào phá vỡ quy hoạch cây trồng. Hậu quả kéo theo là mất giá, nông dân phải chặt bỏ vườn cây.
Cần ổn định diện tích, sản xuất bền vững
Với tiềm năng về đất đai và khí hậu, tỉnh Gia Lai rất phù hợp trồng cây cà phê. Tuy nhiên, để cà phê phát triển bền vững, không bị động chạy theo thời giá thì cần phải trồng có lộ trình, trên diện tích phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới.
Tái canh cà phê là chủ trương được tỉnh Gia Lai chú trọng triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, diện tích cà phê trên địa bàn huyện vẫn ổn định khoảng 18.000ha. Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Ia Grai sẽ tái canh khoảng 450 – 500ha cà phê. Tuy nhiên, với tình hình giá cà phê tăng cao như hiện nay, diện tích tái canh dự kiến sẽ nhiều hơn so với kế hoạch.
“Huyện sẽ cố gắng duy trì diện tích cà phê trong khoảng 18.000ha. Đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp thì khuyến khích thực hiện tái canh. Tuy nhiên không nên tái canh cà phê cùng một lúc mà thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo nguồn thu. Mặt khác, huyện cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện tái canh hoặc trồng mới cà phê cần chủ động về nguồn nước tưới, tránh tình trạng bị khô hạn như hiện nay”, ông Thắm khuyến cáo.
Huyện Đăk Đoa là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với khoảng 28.000ha. Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, theo kế hoạch hàng năm, huyện sẽ thực hiện tái canh khoảng trên 300ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Để thực hiện tái canh hiệu quả, huyện không khuyến khích trồng trên những vùng đất mà nguồn nước tưới chưa đảm bảo.
“Trên thực tế hiện nay, người dân đang ồ ạt xuống giống cà phê nhưng huyện không khuyến khích trồng mới mà chỉ nên tái canh, ổn định diện tích, tăng năng suất, năng cao chất lượng sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch” ông Anh chia sẻ.
Gia Lai khuyến cáo người dân ổn định diện tích, tập trung sản xuất bền vững ngành hàng cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh Gia Lai với 490 triệu USD trong năm 2023.
“Hiện nay giá cà phê tăng cao do nhu cầu thu mua của thế giới ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cà phê của Gia Lai có chất lượng, độ đồng đều cao nên được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, thời gian tới, việc thực hiện tái canh là chủ trương của tỉnh để hướng đến phát triển ngành hàng cà phê bền vững”, ông Có chia sẻ.
Cũng theo ông Có, đối với diện tích tái canh năm 2024, các địa phương cần hướng dẫn người dân khẩn trương nhổ bỏ, thu gom, đưa toàn bộ thân, cành, rễ, tàn dư thực vật ra khỏi vườn và đốt. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý đất trồng tái canh theo đúng quy trình tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT.
“Đối với vườn cà phê đã có biểu hiện già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp, thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, không chủ động được nguồn nước tưới, người dân cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng ít nước hơn như cây điều, bơ, sầu riêng”, ông Có thông tin.
Theo kế hoạch, hàng năm Gia Lai thực hiện tái canh cà phê từ 2.000 – 2.500ha. Để thực hiện tốt kế hoạch, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê, sử dụng các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt đã được công nhận.
Th226

Cà phê Sơn La được mùa, giá cao chưa từng thấy
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
Tới cuối mùa thu hoạch, giá cà phê chè ở Mai Sơn (Sơn La) đạt đỉnh 15.000 đồng/kg tươi, tăng gần gấp 2 lần so với niên vụ năm 2022 – 2023.
Ông Lò Văn Khánh ở bản Lam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) kể, trồng cà phê từ năm 2008 nhưng chưa thấy khi nào thấy cà phê được mùa, được giá như niên vụ 2023 – 2024 mới đây. Đầu vụ bán được 10.000 – 11.000 đồng/kg cà phê tại vườn, ông Khánh đã rất vui vì giá cao hơn mùa vụ trước 2.000 – 3.000 đồng/kg. Không ngờ, giá cà phê tiếp tục tăng đều đặn, tới cuối mùa thu hoạch (30/1/2024) đạt đỉnh 15.000 đồng/kg tươi, tăng gần gấp 2 lần so với niên vụ năm 2022 – 2023.
Người dân Sơn La phấn khởi nhờ cà phê được mùa, được giá. Ảnh: Hải Tiến.
Vụ vừa rồi, ông Khánh cũng có 1ha cà phê cho thu hoạch gần 20 tấn quả, bán được 230 triệu đồng, cao hơn vụ cà phê năm trước 7 tấn quả về năng suất và 70.000 triệu đồng về trị giá sản lượng. Nhờ đó, ông có dư tiền sang tận xã Chiềng Nơi cách nhà 50km để thuê đồi trồng thêm 2ha cà phê. Theo ông Khánh, so với cây sắn và cây lúa, trồng cà phê luôn cho thu nhập cao gấp nhiều lần.
Ông Khánh cho biết, để trồng cà phê cho năng suất quả cao, ông phải chọn những khu đồi không quá dốc, tầng canh tác dày, đất có màu vàng đỏ, thuận tiện cho thiết kế đường đồng mức để đi lại trồng, chăm sóc và thu hái cà phê. Đặc biệt, vùng trồng cà phê phải có điều kiện thời tiết tương tự như xã Chiềng Chung và chọn trồng giống cà phê chè TN2 đầu dòng, chăm bón bằng các loại phân tổng hợp giàu canxi (vôi) và magie (MgO) như NPK Văn Điển, vì đất đồi ở đây thường có độ chua khá cao.
Cùng xã Chiềng Chung, ông Lò Văn Khải trồng 1,5ha cà phê, thu hoạch được 36 tấn quả, doanh thu 450 triệu đồng, lãi 230 triệu đồng. Ông Khải cho biết, trồng cà phê cơ bản chỉ tốn công chăm sóc và thu hái, bao tiêu đã có thương lái đến mua tận vườn. Ông Khải cũng rất muốn mở rộng diện tích trồng cà phê, nhưng quỹ đất của gia đình và tại địa phương không còn, đi thuê nơi khác thì chưa sắm được xe ô tô nên phải đẩy mạnh thâm canh vườn cà phê đang có và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.
Ông Hà Văn Phấn, Trưởng bản Lam (xã Chiềng Chung) cho biết, cây cà phê được trồng ở đây từ hơn nửa thế kỷ trước nên hầu như hộ nào tại địa phương nào cũng có đồi cà phê, tổng diện tích cà phê toàn xã ước đạt trên 700ha. Ngoài ra, các hộ vẫn có ruộng gieo cấy lúa và trồng kinh doanh rau xanh các loại. Nhờ vậy, không ít gia đình trong xã đã mua được ô tô làm dịch vụ vận tải hoặc chở khách du lịch, kết hợp thuê, nhượng thêm đất cho trồng cà phê ở những xã vùng sâu, xa hơn.
Vườn cà phê của ông Lò Văn Khánh (bản Lam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn) cây nào quả cũng sai trĩu cành. Ảnh: Hải Tiến.
Sở dĩ cây cà phê chè (Arabica) trồng ở huyện Mai Sơn có thể cho thu hoạch muộn đến hết tháng 1/2024 ở xã Chiềng Chung và một số địa phương khác có độ cao trung bình khoảng 1.200m so mặt nước biển, địa hình có nhiều núi và khe suối, tạo cho nhiệt độ không khí trung bình ở đây thấp hơn chừng 5 độ C so với những xã nằm trên cao nguyên Nà Sản (ven Quốc lộ 6), do vậy cà phê trồng trong khu vực này thường ra hoa, đậu quả và kết thúc mùa vụ thu hoạch muộn hơn cà phê trồng ở các địa phương khác. Qua đó đã giúp rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch cà phê trên địa bàn, giảm áp lực thị trường, tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Mặt khác, mặc dù có đặc điểm khí hậu nhiệt đới và thời tiết 4 mùa, nhưng lượng mưa ở Chiềng Chung và một số xã trong khu vực lại chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến 9, mùa khô tháng 10 đến tháng 3 năm sau, chênh lệch nhiệt độ không khí ngày đêm cũng khá cao (khoảng 12 – 15 độ C) nên cây cà phê thường tăng trọng quả vào mùa mưa, không cần tưới nước trái vẫn to, hạt mẩy đều, tỷ lệ hạt khô/quả tươi đạt 30%, tỷ lệ này ở các xã trồng cà phê ở khu vực cao nguyên Nà Sản chỉ đạt 23%.
Cùng với đó, việc thu hoạch cà phê vào mùa khô rất thuận lợi cho thu hái và phơi sấy. Đây là những lợi thế riêng cho cây cà phê chè trồng ở những khu vùng đồi cao như xã Chiềng Chung nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung. Đó cũng là lý do ông Khánh phải kén chọn những khu vực có đặc điểm thời tiết như Chiềng Chung để thuê đất mở rộng diện tích trồng thâm canh cây cà phê.
Cà phê cho thu hoạch vào mùa khô rất thuận tiện cho phơi khô ngoài nắng gió. Ảnh: Hải Tiến.
Theo Sở NN-PTNT Sơn La, toàn tỉnh hiện có gần 21.000ha cà phê chè trồng tại huyện Mai Sơn (hơn 8.500ha), Thuận Châu (gần 6.000ha), còn lại ở các huyện Yên Châu, Sốp Cộp và TP Sơn La. Trong đó có khoảng 19.000ha cà phê đang thời kỳ khai thác kinh doanh, sản lượng cà phê nhân đạt 34.345 tấn.
Từ nhiều năm nay, Sơn La đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất và chế biến cà phê tinh chất. Có 4 sản phẩm cà phê đã được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận OCOP (1 sản phẩm cà phê bột nguyên chất 5 sao, 3 sản phẩm 4 sao là Aratay Coffee, Coffee Arabica Minh Trí và Trà quả cà phê.
Tỉnh Sơn La đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê từ năm 2017. Cà phê chè Sơn La có vị chua nhẹ, không hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nhưng có giá trị xuất khẩu rất cao sang các quốc gia châu Âu vì phù hợp khẩu vị.
Tới đây, cà phê Sơn La sẽ cho năng suất, chất lượng cao hơn nữa nhờ các ngành chuyên môn tỉnh này đang cùng các nhà nông trên địa bàn đẩy nhanh tốc độ cải tạo, tái canh bằng các giống mới thay thế giống cà phê chè Catimor đã già cỗi, chất lượng thành phẩm không cao sang trồng cây cà phê chè đầu dòng Arabica L, kết hợp với tăng cường thâm canh theo hướng bền vững,
Th115

Triển vọng từ sản xuất cà phê chất lượng cao
Nguồn tin: báo Đăk Lăk
Là đơn vị liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao đầu tiên tại huyện Lắk, Hợp tác xã Thành Công (xã Đắk Phơi) đang mở ra hướng đi đầy triển vọng tại vùng chuyên canh cà phê của địa phương.
Mở “lối đi” riêng
Được thành lập năm 2020, gồm 28 thành viên, với diện tích đất canh tác trên 30 ha, vượt qua những khó khăn ban đầu, Hợp tác xã Thành Công (gọi tắt là HTX) đã không ngừng nỗ lực với “lối đi” của riêng mình, góp phần mang lại lợi ích cho xã viên và người dân địa phương.
HTX thành lập với mục đích tạo vùng nguyên liệu sạch, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng an toàn. Do đó, các thành viên tham gia liên kết sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong khâu trồng trọt. Đồng thời, HTX còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để vừa hỗ trợ giá, vừa kiểm soát được lượng vật tư nông nghiệp mà người dân sử dụng trong quá trình canh tác.
Cùng với việc tạo ra vùng nguyên liệu sạch, năm 2021, HTX đã xây dựng cơ sở vật chất để nghiên cứu sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó thu mua và lựa cà phê chín 100% của các hộ liên kết để sản xuất theo quy trình chất lượng cao, gồm hai loại natural và honey.
cà phê chất lượng cao được phơi trong nhà kính của Hợp tác xã Thành Công.
Ông Phạm Thế Thành, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy thị trường hiện đang rất “khát” cà phê chất lượng cao. Trong khi đó, nếu hái cà phê xanh sẽ hao hụt từ 15 – 20% sản lượng, giá cũng thấp hơn 20.000 – 25.000 đồng/kg so với cà phê chín. Do đó, tôi muốn tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất loại cà phê này để dần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con”.
Mới đây, ông Thành đã thí điểm thêm sản phẩm cà phê ủ mốc theo quy trình từ một cán bộ nông nghiệp tại Hà Nội chuyển giao lại. Theo đó, loại mốc này được nhập từ Nhật Bản về, ông sẽ dùng nguồn cà phê sạch, chín, xay để lại vỏ lụa, ủ mốc trong thời gian nhất định. Sau đó, đem phơi ở nhiệt độ thường trên giàn phơi để tạo ra thành phẩm. Sản phẩm cà phê ủ mốc này thành công, dự kiến sẽ bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cà phê thường.
Những hiệu quả bước đầu
Dự kiến niên vụ 2023 – 2024, HTX sẽ xuất bán được 7 tấn cà phê nhân chất lượng cao, với giá trên 90.000 đồng/kg. Hiện tại, rất nhiều cơ sở thu mua cà phê chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng và TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng với số lượng lớn nhưng HTX không đáp ứng đủ. Sau 4 năm, người dân liên kết sản xuất cà phê sạch chất lượng cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Điển hình như gia đình ông Y Nghinh Cil (buôn Liêng Keh) có diện tích hơn 1 ha trồng cà phê xen sầu riêng. Trước đây, do chăm sóc chưa đúng cách nên vườn cà phê bị còi cọc, thường xuyên bị bệnh khiến mỗi năm ông chỉ thu được 2 tấn nhân. Sau khi tham gia HTX, ông được kỹ sư nông nghiệp đến “cầm tay chỉ việc” từ cắt tỉa cành, tưới nước… và tham quan các mô hình khác để cập nhật thêm kiến thức chăm sóc cây cà phê. Nhờ vậy, sản lượng cà phê nhân chất lượng cao của gia đình ông đạt gần 3 tấn/năm, bán với giá gần 90.000 đồng/kg, thu được trên 250 triệu đồng.
Hay hộ ông Y Ngoan Buôn Đáp (buôn Pai Ar) cũng có hơn 1 ha cà phê, nhưng lâu nay thường hái xanh để bán nên năng suất, chất lượng không đảm bảo. Sau khi tham gia HTX, được tuyên truyền về lợi ích từ sản xuất cà phê chất lượng cao, ông đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, hái cà phê chín đạt từ 80% trở lên để cung cấp cho HTX. Nhờ vậy, mùa vụ này, gia đình ông bán được hơn 3,5 tấn cà phê nhân, với giá 90.000 đồng/kg, thu được lợi nhuận cao hơn các mùa vụ trước gần 30%.
Từ hiệu quả của việc liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao, người dân tại địa phương đã bắt đầu quan tâm đến học hỏi và làm theo mô hình của HTX. Thông qua các cuộc họp HTX và những buổi vận động, tuyên truyền, bà con trong và ngoài vùng liên kết đã có sự đồng thuận cao.
Phó Giám đốc HTX Phạm Thế Thành chia sẻ thêm, khi người dân đồng tình sản xuất, HTX sẽ sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang triển khai Dự án xây dựng thí điểm mô hình quản lý rừng cộng đồng và phát triển sinh kế dân tộc thiểu số Tây Nguyên tại địa phương. Dự án đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất các hoạt động nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập từ hệ sinh thái rừng như: sản xuất nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái…
Tuy nhiên, HTX đang đối diện với khó khăn bởi không có máy bắn màu nên tốn kém thời gian và chi phí thuê nhân công lựa quả, quy mô cơ sở sản xuất còn nhỏ. Bởi vậy, HTX rất mong được hỗ trợ vay vốn để trang bị máy móc, xây dựng sân phơi, mở rộng cơ sở sản xuất. Từ đó sẽ hỗ trợ cho xã viên và người dân địa phương hiệu quả hơn với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao này.
Khánh Huyền
Th1215

‘Đắng – ngọt’… với cà phê
Nguồn tin: Kinh tế sài gòn online
(KTSG Online) – Người trồng cà phê ở nhiều địa phương năm nay rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao và có lúc lên tới 70.000 đồng/kg. Giá hạt cà phê lên cao nhất suốt hàng chục năm qua cũng khiến doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này vui lây vì phần nào sẽ giúp người trồng có hy vọng để gắn bó sau nhiều năm giá tuột dốc mạnh.
Dù vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này buồn bã với kết quả sau thuế bị sụt giảm, thậm chí là thua lỗ, đặc biệt là một số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Niên vụ 2022-2023, người trồng cà phê ở nhiều địa phương năm nay rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao và có lúc lên tới 70.000 đồng/kg.
“Vị ngọt” đến với người trồng cà phê
Sau rất nhiều năm cầm cự với giá từ trung bình đến thấp, hiện nông dân trồng cà phê lại nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đắc Nông, Bình Phước… phần nào đã thấy được hy vọng từ loại cây trồng này.
Bởi lẽ, niên vụ thu hoạch cà phê 2022-2023 vừa qua, nhiều người trồng cà phê rất phấn khởi khi cà phê được giá rất cao. Giá cà phê có lúc lên tới 70.000 đồng/kg, mức giá cao nhất suốt hàng chục năm qua.
Gia đình chị Ánh Mai, hộ nông dân trồng cà phê ở Buôn Hồ (Đắk Lắk) mùa vụ vừa qua thu hoạch được 3 tấn cà phê nhân đầy phấn khởi khi lần đầu tiên bán được giá trên dưới 55.000 đồng/kg.
“Mười mấy năm rồi, năm nay cà phê có giá cao nhất”, chị Ánh Mai nói, và cho biết: “Cũng thật là may mắn khi gia đình tôi vẫn duy trì trồng cây cà phê đến hiện nay. Bởi có thời điểm giá cà phê chỉ trên dưới 25.000 đồng/kg. Không đủ vốn và công sức bỏ ra nên gia đình tôi từng có ý định chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng loại cây khác”.
Còn gia đình anh Lê Văn Dũng ở Bình Phước có hơn 2 héc ta cà phê cho thu hoạch gần 38 tấn quả tươi. Sau nhiều năm chán nản vì giá cà phê hạt xuống thấp, năm nay, giá thu mua đã tăng bật trở lại, khiến người trồng cà phê rất vui. Hơn 10 năm trồng cà phê, chưa khi nào ông Dũng chứng kiến giá cà phê “đạt đỉnh” như năm nay. Giá thu mua cà phê tươi hiện nay khoảng 12.000 đồng/kg cao so với 9.000 đồng/kg năm ngoái.
Niềm vui không chỉ riêng với hộ chị Ánh Mai hay gia đình anh Văn Dũng mà nhiều người nông dân trồng cà phê trong niên vụ thu hoạch vừa qua đã gặt hái được “trái ngọt” sau nhiều năm phải “ngậm vị đắng” vì giá cà phê thấp kéo dài, không đủ tiền vốn và công sức bỏ ra… Nhiều người vì thấy trồng cây cà phê không hiệu quả nên cũng đã chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác như tiêu, sầu riêng, chuối, bơ…
Người trồng cà phê ở nhiều địa phương năm nay rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao và có lúc lên tới hơn 70.000 đồng/kg. Ảnh minh họa: N.K
Nhiều năm qua, nông dân trồng cà phê vẫn luôn cầm cự trong mức giá từ rất thấp đến trung bình và không thể đảm bảo cuộc sống nếu chỉ trông chờ vào cà phê.
Dù vậy, đa số các hộ trồng cà phê lâu năm vẫn duy trì diện tích cây trồng này. Cà phê mất mùa – mất giá hoặc được mùa – mất giá, được giá – mất mùa là câu chuyện thường xuyên lặp lại nhiều năm qua khiến không nhiều nông dân còn giữ được niềm tin để tiếp tục tái canh loại cây này. Còn với những nông hộ đã gắn bó, kiên trì với cây cà phê suốt nhiều năm qua, giờ đây được xem là lúc họ tận hưởng thành quả “ngọt ngào” khi thu hoạch.
Có thể thấy giá cà phê năm nay đã giúp người trồng giải quyết được nhiều vấn đề cũng như tái đầu tư cho mùa vụ sau. Chị Ánh và anh Dũng cũng thể hiện niềm vui hạnh phúc và cho rằng với giá cà phê như hiện nay giúp người trồng như anh chị được niềm tin và hy vọng để tiếp tục theo đuổi canh tác trồng cây cà phê. Cả hai người cũng tin rằng cái Tết sắp đến, gia đình sẽ sung túc và nhà cửa sẽ đủ đầy hơn mọi năm.
… và “vị đắng” với các nhà chế biến xuất khẩu
Nhờ giá cà phê tăng rất cao mà dù niên vụ cà phê 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023) có sản lượng thấp hơn niên vụ trước đó, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng cao.
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ cà phê 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỉ đô la Mỹ nhờ giá tăng cao.
Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 đô la/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho biết trong gần 30 năm của ngành cà phê xuất khẩu, chưa bao giờ giá cao như năm nay khi giá nội địa từng ghi nhận mốc 71.000 đồng/kg (năm 2011 – thời hoàng kim của cà phê, giá chỉ 50.000 đồng/kg).
Dù giá cà phê năm 2023 tăng cao, nhưng trước đó, nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi để trồng sầu riêng, cây ăn trái… do những năm trước giá cà phê xuống quá thấp, nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê (trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã).
Mặt khác, yếu tố biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino gây khô hạn, ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê robusta cả nước. Điều này dẫn đến lượng cà phê đến tay các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này có thời điểm trở nên khan hiếm. Trong những năm qua, cũng chưa bao giờ tháng 8 mà lượng cà phê của Việt Nam đã cạn, nhưng trong năm đã xảy ra.
“Doanh nghiệp kinh doanh cà phê lâu năm cũng bất ngờ vì sản lượng cà phê thực tế của Việt Nam năm nay ít hơn hẳn so với dự báo. Điều này khiến cho lượng cà phê xuất khẩu cuối vụ thiếu hụt so với mọi năm”, một vị đại diện của Vicofa chia sẻ.
Điều này dẫn đến có thời điểm khi nhiều doanh nghiệp đã bán trước vào đầu vụ lúc giá còn thấp, hoặc có doanh nghiệp ký hợp đồng bán trước với giá thấp, khi thu mua hàng thì thị trường tăng giá dẫn đến thua lỗ. Đáng chú ý, cà phê tăng giá cũng khiến các doanh nghiệp phải bỏ vốn nhiều hơn trong khi vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt, nhất là khi so sánh với các tập đoàn nước ngoài.
Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á diễn ra ở TPHCM gần đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group và là Phó Chủ tịch Vicofa, cũng cho biết giá tăng cao và nhu cầu nhập hàng lớn khiến cho cà phê Việt Nam bị khan hiếm kéo dài, điều mà chưa từng thấy trong lịch sử ngành cà phê trong 30 năm nay.
“Bản thân nhà cung ứng nội địa không mua được hàng theo hợp đồng đã ký, hoặc họ cũng bị hủy hợp đồng. Do đó, các nhà cung ứng nội địa không giao cà phê đúng theo hợp đồng, dẫn đến rất nhiều khó khăn với nhà xuất khẩu”, ông Nam nói, và cho biết: “Thời điểm từ cuối tháng 5 đến tháng 10 vừa qua, các doanh nghiệp như bị bị vỡ trận… Lâu lắm rồi, kinh doanh cà phê chưa gặp phải tình trạng như thế này”.
Theo ông Nam, từ 30 năm trở lại đây, chưa bao giờ ngành cà phê Việt Nam thiếu hàng như năm nay, bởi lẽ thông thường các doanh nghiệp chỉ bán 50%, lượng tồn kho còn lại 50%. Nhưng năm nay, kho trữ hàng hết sạch, dẫn đến niên vụ 2022-2023, ngành cà phê Việt Nam phải nhập khẩu hơn 100.000 tấn cà phê từ Brazil và Indonesia về chế biến.
Bên cạnh giá tăng cao/mỗi phiên giao dịch ở sàn London (Anh); lãi suất trong nước vay cao, trong khi tỉ giả VND thấp so với đồng USD nên doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp thua lỗ. “Niên vụ cà phê năm nay người trồng rất vui, nhưng lại là một năm không vui với nhiều nhà kinh doanh xuất khẩu cà phê”, vị Phó Chủ tịch Vicofa, nhận định.
Trên thực tế các doanh nghiệp cà phê, nhất là các đơn vị đang giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán kinh doanh quí 3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ so với với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) thua lỗ 1,8 tỉ đồng quí 3, đúng với thời điểm khan hiếm cà phê ở thi trường trong nước. Theo giải trình của công ty, do tình hình kinh doanh gặp khó khăn, giá cà phê trong nước tăng đột biến, việc thu mua cà phê khó khăn dẫn đến khối lượng hàng bán giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lãi ròng 724 triệu đồng, giảm 61%.
Còn Công ty Cà phê Phước An (CPA) lỗ hơn 1,4 tỉ đồng trong quí 3, đánh dấu 9 quí liên tiếp lỗ ròng, kể từ quí 3-2021. Sau 9 tháng, Công ty lỗ gần 9 tỉ đồng.
Hay Cà phê Gia Lai (FGL) lỗ quí 3 hơn 3 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, FGL lỗ 9,5 tỉ đồng. FGL cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Công ty vẫn chưa thu được doanh thu bán cà phê nhân xô, do thời gian thu hoạch cà phê nhân xô của FGL từ tháng 10 đến tháng 12. Trong khi, toàn bộ chi phí quản lý doanh nghiệp gần 3,8 tỉ đồng và chi phí tài chính (lãi vay các hợp đồng vay vốn cá nhân và doanh nghiệp) 5,7 tỉ đồng kết chuyển vào lỗ. Mặt khác, Công ty cũng không có doanh thu bán chuối do dự án kém hiệu quả và đã thanh lý từ cuối năm 2022.
Minh Khanh Capital Trading Public (CTP) có quí lỗ đầu tiên trong năm nay với 134 triệu đồng, cùng kỳ lãi 129 triệu đồng. Nhờ 2 quí trước có lãi (quí 1 lãi 232 triệu đồng, quí 2 lãi 87 triệu đồng) mà sau 9 tháng, Công ty lãi gần 185 triệu đồng, giảm 44%.
Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp dự báo được thị trường và có sự chuẩn bị trước nên cũng mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao.
Giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao
Lãnh đạo Vicofa dự báo, niên vụ cà phê 2023-2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước, cùng nguồn cung vụ mới sẽ giảm khoảng 10%, trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng cà phê Brazil sụt giảm nhiều chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thế giới. Đây là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê sẽ được lợi về giá.
Ngoài ra, ngành cà phê cũng kỳ vọng sẽ biến thách thức thành cơ hội bằng việc đáp ứng các quy định mới của thị trường EU như quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR); luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) và chứng chỉ các bon…
Với dự báo này, Vicofa cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó, tại Trung Quốc, giới trẻ cũng ngày càng ưa thích cà phê hơn trà.
Theo ông Đỗ Hà Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ, khoảng 1,6-1,7 triệu tấn. Năng suất cà phê tăng ở Lâm Đồng nhưng giảm ở nhiều tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Diện tích vùng trồng cà phê đang tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt ở Đắk Lắk, Đắc Nông. Thu hoạch muộn hơn mọi năm do mưa tại các vùng trồng chính.
Về xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam, phân tích sản lượng xuất khẩu cà phê dự kiến giảm, đặc biệt sau tết Nguyên Đán vào tháng 2-2024. Cà phê vụ mới đang chào bán mức 60.000 đồng/kg, giao hàng tháng 12-2023 và tháng 1-2024. Mức giá này cao hơn nhiều so với vụ trước do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI.
Dự kiến mức giá chào bán này sẽ còn tiếp tục tăng đến tháng 4-2024 do người dân sẽ hạn chế bán ra. Giá nội địa sẽ tiếp tục đứng ở quanh mức 60.000 đồng/kg, có thể còn tăng sau Tết nhưng sẽ khó tăng cao.
Ông Nam dự báo, khả năng sẽ không xảy ra tình trạng trễ hạn giao hàng trong vụ mới do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và FDI đều rút kinh nghiệm từ vụ trước.
Niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỉ đô la Mỹ nhờ giá tăng cao. Các nhà kinh doanh cà phê kỳ vọng niên vụ 2023-2024, iá trị xuất khẩu sẽ lên 4,5 tỉ đô la.
Th222
Kĩ thuật xen canh cà phê và mắc ca
Dưới đây là kỹ thuật trồng cây cà phê xen lẫn cây mắc ca mà những người trồng thành công đã chia sẻ giúp bà con có thêm thu nhập không phụ thuộc quá nhiều vào cây cà phê.
Mật độ trồng:
Đối với kỹ thuật trồng cây cà phê vối thì trồng 6x6m trồng xen giữa ngã tư cây cà phê.
Cà phê chè mật độ trồng 7.5×4.5m trồng xen giữa ngã tư cây cà phê.
Cách chọn giống : Chiều cao của cây tính từ mặt bầu lên đến mắt ghép là 40- 60cm trở về, thân vanh tròn từ 6 – 10mm, vì như thế tuổi của cây gốc ghép chỉ khoảng 20 – 24 tháng tuổi rễ cọc còn nhỏ khi ta trồng xuống rễ cọc tiếp tục mọc dài cắm sâu xuống đất tạo cho cây có thể đứng vững chắc chống lại được với hạn hán, lũ lụt . Đặc biệt cây không bị nghiêng, đổ do gió bão. Mắt ghép thấp thì sau này chiều cao của cây hạn chế, cành lá xum xuê thuận tiện sau này thu hoạch, cắt tỉa .
Cách trồng : Kích thước hố 60 x 60 x 50cm. Đảo phân chuồng hoặc phân hữu cơ, phân lân, vôi và một phần đất mặt. Cắt bỏ túi nilông, cắt phần rễ cọc ở đáy bầu bằng kéo hoặc dao sắc, cắt vát để rễ không bị dập, nhanh đâm rễ mới, tiếp theo đưa cây xuống hố lấp đất đã trộn xuống xung quanh gốc, mặt bầu bên dưới mặt đất 30cm, rắc thuốc hạt Basudin hoặc Phuradang 1kg / 20 gốc, cắt bỏ những lá bên dưới mắt ghép.
Làm Cỏ : Giống các loại cây trồng bình thường khác và cùng đợt với cây cà phê. Tháng 8 đào hố giữa 4 gốc Macca, cào lá xuống, mỗi hố cho 2kg phân lân, 500g vôi và lấp đất lại (để lá phân hủy tạo thành phân mùn hữu cơ ), sạch lá thu hoạch quả nhanh và không thất thoát.
Bón phân : Khi đang còn nhỏ ta nên bón nhiều lần 20 – 25 ngày /lần dùng URÊ 70% + KLY 30% khoảng 300g/cây/lần cây càng phát triển thì tăng lượng phân, khi cây vào tuổi thu trái bón phân URÊ 30 % ,KLY 70 % . Phân Lân và vôi ta bón thành 1 lần vào đầu mùa mưa, lượng phân lân 400kg/ha/năm, vôi 250kg/ha/năm ,bón đều cho các năm.
Tưới nước : Nếu ta trồng từ tháng 4 đến tháng 5, khi này đang thời điểm mùa mưa vùng Tây Nguyên, đến đầu mùa khô rễ cây đã phát triển tốt ta chỉ cần tưới cùng với cà phê là đủ ẩm để phát triển tốt, lượng nước tưới giống cây cà phê .
Tỉa cành tạo tán : Sau trồng 1 tháng cắt bỏ hết lá dưới mặt ghép ít nhất ta để 4 – 6 cành, chồi cao 40cm mà chưa phân cành thì ta cắt bỏ cho đâm chồi ra từ kẽ lá tiếp tục cứ làm như thế thì cây đâm càng nhiều chồi. Các cành trục chính phải để 10 – 15 cành, chiều cao duy trì từ 6->8m là phù hợp.
Trong quá trình trồng cà phê và mắc ca cần theo dõi thường xuyên để phát hiện Bệnh tránh lây sang cà phê hoặc mắc ca và có phương pháp chữa trị sớm nhất.
nguồn:kĩ thuật nuôi trồng
Th1125