
Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.
Ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp triển khai một số nội dung liên quan đến việc triển khai 5 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
5 mô hình được lựa chọn nằm ở 5 địa bàn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Các mô hình sẽ đi đầu về triển khai quy trình canh tác lúa bền vững; tổ chức cơ giới hóa đồng bộ; liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải; nâng cao năng lực HTX, khuyến nông cộng đồng, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh; các giải pháp tăng trưởng xanh, thu gom rơm rạ, bình đẳng giới trong sản xuất và sinh kế người dân…
Một trong năm mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang triển khai tại HTX nông nghiệp Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.
Bên cạnh đó, thiết kế mẫu toàn bộ hệ thống thủy lợi nội đồng một cách hoàn chỉnh. Phù hợp với thổ nhưỡng, triều cường, nguồn nước của các vùng sinh thái.
Các mô hình sẽ được triển khai trong 3 vụ: Hè thu 2024, đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Đặc biệt, ngay trong vụ hè thu 2024, các mô hình sẽ triển khai luôn việc đo đạc – báo cáo – thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV).
Cụ thể, mô hình của TP Cần Thơ dự kiến triển khai trên quy mô khoảng 50ha, do HTX nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) thực hiện. Trong đó, vụ hè thu 2024, HTX đã khởi động gieo sạ 47ha và sẽ tiếp tục mở rộng trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Tỉnh Kiên Giang đã đăng ký tham gia 340ha, ở vùng sản xuất tôm lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và HTX tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh). Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh nghiên cứu kỹ, giảm quy mô diện tích nói trên.
Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng thống nhất đăng ký tham gia 50ha tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú).
Tương tự, tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp cũng nhất trí quy mô đăng ký mô hình điểm của địa phương là 50ha/mô hình. Các mô hình sẽ được triển khai tại HTX nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương xác định lại một lần nữa diện tích cụ thể các mô hình điểm. Ảnh: Kim Anh.
Sau cuộc họp này, Thứ trưởng Nam đề nghị các địa phương xác định lại một lần nữa diện tích cụ thể các mô hình điểm, tránh xảy ra tình trạng “đăng ký hôm trước, hôm sau lại thay đổi”. Bởi thực tế nông dân vẫn còn băn khoăn, lo ngại về vấn đề năng suất lúa có đạt theo cách làm hiện tại hay không.
“Năng suất hiện đạt từ 6 – 7 tấn/ha, bây giờ kêu bà con làm mô hình gieo sạ từ 60 – 80kg lúa/ha. Nông dân băn khoăn, nên rút chưa muốn tham gia. Bà con muốn địa phương cứ làm, có hiệu quả lúc đó bà con đồng tình hưởng ứng. Do đó, các địa phương đã đăng ký thì phải thật sự làm”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Về nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm, Thứ trưởng Nam cho biết, các địa phương tham gia và Trung ương sẽ cùng bỏ ra. Trong đó, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, địa phương chi trả về vật tư và hạ tầng. Ngoài ra còn có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp.
Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ 100% vật tư và hạ tầng. Ảnh: Kim Anh.
Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cũng cam kết hỗ trợ về kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, chất lượng cao; cung cấp dịch vụ gieo sạ bằng máy (tối đa 50ha/mô hình); hỗ trợ 50% chi phí giống xác nhận (còn lại là nguồn hỗ trợ của địa phương); thiết bị đo mực nước tự động; đo đếm các chỉ tiêu nông học, đất, tính toán hiệu quả kinh tế…
Với các nguồn lực hỗ trợ trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nông dân khi tham gia vào các mô hình điểm sẽ “không bỏ ra cái gì” để bà con phấn khởi tham gia.
Th429

Tập huấn cho giảng viên triển khai Đề án 1 triệu ha lúa
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
TP.HCM Để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, 8.000 – 10.000 cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng tại các địa phương sẽ được nâng cao năng lực để đào tạo nông dân.
Ngày 24/4 tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (số 45 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM) đã diễn ra lễ khai giảng lớp tập huấn cho giảng viên ToT triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha lúa).
Sau tập huấn, các học viên sẽ tỏa về các địa phương để truyền đạt lại kiến thức cho bà con nông dân. Ảnh: HT.
Dự khai mạc lớp tập huấn có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT 5 tỉnh có mô hình thí điểm thực hiện Đề án.
Để phục vụ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, ngành nông nghiệp sẽ nâng cao năng lực cho khoảng 8.000 – 10.000 cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng tại các địa phương để đào tạo cho nông dân. Đây là lớp tập huấn đầu tiên nhằm đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng 05 tỉnh vùng ĐBSCL có mô hình thí điểm về canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trong năm 2024.
Học viên tham gia lớp tập huấn là cán bộ Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn; cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh; cán bộ thủy nông phụ trách vùng; cán bộ doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
Đợt tập huấn diễn ra trong 3 ngày, từ 24 – 26/4, tập trung vào 7 nội dung chính gồm: Vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; hướng dẫn phương pháp đo đạc, kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (khung đo đạc MRV), tín chỉ và thị trường carbon; vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; hợp tác xã tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; tổ chức liên kết, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao giảm phát thải; các giải pháp, công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Th110

Nhiều hợp tác xã xin tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Nguồn tin: báo nông nghiệp
AN GIANG Vụ đông xuân 2023 – 2024, An Giang có 19 hợp tác xã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 40 nghìn ha, có liên kết.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đến tham quan HTX Lộc Phát 1 ở huyện Tri Tôn (An Giang). Đây là một trong những HTX tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
129 HTX đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu và đại diện Ngân hàng Thế giới đã làm việc với các HTX tham gia “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại An Giang.
Đoàn công tác đã khảo sát tại huyện Tri Tôn (An Giang) – địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh An Giang nhằm nắm bắt thực trạng các HTX trong hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các HTX nông nghiệp để thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, An Giang đăng ký tham gia Đề án với lộ trình 100.000ha đến năm 2025 và 150.000ha đến năm 2030 tại 11 huyện/thị/thành.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các HTX tại An Giang tuyên truyền nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa và quy trình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
An Giang luôn chủ động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, nhất là các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có khoảng 90% diện tích canh tác lúa áp dụng “3 giảm 3 tăng”, 47% diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm”.
Diện tích tham gia đăng ký trả tín chỉ carbon năm 2024 là 50 nghìn ha (thực hiện vụ đông xuân 20.609ha, hè thu 30.615ha, thu đông 49.861ha) cho 10 huyện/thị/thành. Trong đó Tập đoàn Lộc Trời tham gia liên kết năm 2024 khoảng 140 nghìn ha.
Ngoài ra, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và đơn đặt hàng của doanh nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu cao cấp, từ năm 2016 đến nay, An Giang đã triển khai sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP cho hơn 1.200 hộ nông dân, thực hiện với tổng diện tích qua các mùa vụ là 22.000ha; 60ha sản xuất theo GlobalGAP; 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trước khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Chính phủ phê duyệt chính thức, ngành nông nghiệp An Giang đã tổ chức thực hiện thí điểm 10.000ha trong vụ thu đông 2023 tại các tiểu vùng đã tương đối hoàn chỉnh về hạ tầng sản xuất, nông dân đáp ứng cơ bản các tiêu chí của Đề án và liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Qua thực hiện thí điểm, đã mang lại kết quả tốt, được nhiều HTX và nông dân hưởng ứng triển khai ở các vụ lúa tiếp theo.
An Giang đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa với lộ trình 100.000ha đến năm 2025 và 150.000ha đến năm 2030 tại 11 huyện/thị/thành. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, toàn tỉnh có khoảng 300 HTX nông nghiệp, trong đó có 129 HTX hiện đã đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong đó số HTX dự kiến tham gia liên kết năm 2025 là 100 HTX, năm 2026 là 150 HTX, từ năm 2027 đến năm 2030 tiếp tục mở rộng và tăng lên 200 HTX tham gia liên kết.
Riêng vụ đông xuân 2024, An Giang có 19 HTX đăng ký tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, có gắn với doanh nghiệp tiêu thụ với tổng diện tích 40 nghìn ha.
Nhiều HTX xin tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Trong vụ đông xuân 2023 – 2024, HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 ở xã Núi Voi, huyện Tri Tôn (An Giang) là một trong hàng trăm HTX ở An Giang tiên phong tham gia vào Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.000ha.
Trong vụ đông xuân năm nay, HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 ở xã Núi Voi, huyện Tri Tôn (An Giang) tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.000ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Đặng Thái Hiện, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 phấn khởi cho biết: Đây là vụ lúa đầu tiên HTX tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, qua đó giúp các xã viên thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Nông dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Trong năm 2024, HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 còn phối hợp triển khai liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa tươi cho xã viên 100%. HTX phục vụ dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái cho thành viên trong HTX khoảng 600ha. HTX cũng phối hợp cùng Công ty Phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương bón phân trình diễn trên ruộng lúa với diện tích gần 100ha trong vụ đông xuân 2023 – 2024. Bên cạnh đó, HTX còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự tích cực của An Giang trong quá trình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, xem đây là “cuộc cách mạng” giúp nâng cao chất lượng hạt gạo, gia tăng thu nhập cho nông dân và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh An Giang, hệ thống các HTX trong tỉnh tuyên truyền nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa, áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tập huấn khuyến nông để nông dân thực hiện tốt các yêu cầu, tiêu chí của Đề án nhằm đảm bảo giảm phát thải carbon ở mức thấp nhất. Tiếp tục tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam thông qua việc giảm phát thải carbon.
Vụ đông xuân 2023 – 2024, An Giang có 19 HTX đăng ký tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và có gắn với doanh nghiệp tiêu thụ với tổng diện tích 40 nghìn ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh An Giang cần kịp thời đưa ra ý kiến, đề xuất, thông tin những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án để Bộ NN-PTNT có những định hướng và chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho địa phương…
An Giang có diện tích sản xuất lúa rất lớn, thuận lợi cho việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Nông dân An Giang hầu hết đã hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chất lượng giống và giảm lượng giống gieo sạ còn 80 – 100kg/ha. Bên cạnh đó có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết. Đây là lợi thế của tỉnh trong triển khai Đề án.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT quan tâm, chỉ đạo sâu sát; hằng năm, hằng vụ đều có kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái. Điều này giúp diện tích sản xuất lúa được đảm bảo, an ninh lương thực được giữ vững, đồng thời tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Th504