Xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa mục tiêu
Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến của Việt Nam. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Trải qua một năm nhiều khó khăn và thách thức, đối mặt với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng thế giới, và sự thắt chặt chi tiêu ứng phó với biến động thu nhập, nhưng ngành rau quả Việt Nam vẫn mang về kết quả vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết dự kiến thời gian tới có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam ông Nguyễn Khắc Tiến, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.
Trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm tới.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm.
Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được và nhiều cơ hội đang mở ra cho ngành rau quả Việt Nam, ngành cũng phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đảm bảo uy tín của rau quả Việt Nam như lưu ý về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói… theo quy định của các Nghị định thư đã ký kết. Bởi, là loại rau quả nào, mục đích cuối cùng vẫn là tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị để có thể làm ăn lâu dài, gây dựng thương hiệu tốt, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật chơi, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả thị trường.
Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu rau quả.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Trước đó, theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng nhờ việc Việt Nam đã ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Song song đó là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu sầu riêng, đây là loại quả có giá trị cao, lại được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong lịch sử xuất khẩu rau quả, chưa năm nào có kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD.
Năm nay, vào thời điểm đầu năm 2023, Hiệp hội Rau quả cũng chỉ đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm khoảng 4 tỷ USD, nhưng hiện nay kết quả đạt được trên 5 tỷ USD. Điều này nằm ngoài mong đợi của các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý, vượt cả mục tiêu đề ra của xuất khẩu rau quả đến năm 2025.
Từ tháng 7/2022, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, từ đó giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng tốc.
Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chánh Thu, cho biết doanh thu của Tập đoàn Chánh Thu năm 2023 tăng gấp đôi so với năm 2022 nhờ sự lên ngôi của trái sầu riêng.
Năm 2023, doanh số xuất khẩu sầu riêng chiếm khoảng 80% tổng doanh thu; trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 75% mảng này.
Cũng theo bà Ngô Tường Vy, Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trái cây, nếu tạo dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 ước đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 66% so với năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nga.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2023 đạt 3,7 tỷ USD, tăng gần 250% về giá trị và 65% về thị phần so với năm 2022.
Về chủng loại, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất./.
Th914
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Tại chương trình giao lưu – kết nối kinh doanh doanh nghiệp (DN) Trung Quốc – DN ĐBSCL mới đây, các chuyên gia, DN đến từ Trung Quốc khẳng định với nền văn hóa, ẩm thực tương đồng, nông sản ĐBSCL có rất nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường tỉ dân này. Về phía DN ĐBSCL cũng bày tỏ mong muốn được phía Trung Quốc hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh như vốn, công nghệ, phát triển hạ tầng logistics…
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc trong 8 tháng năm 2023. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), thông tin: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 đạt 48 tỉ USD, năm 2022 đạt 57 tỉ USD và dự kiến năm 2023 sẽ chạm mốc 60 tỉ USD. Riêng đối với lĩnh vực nông sản, hằng năm ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3,3 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, đạt mức 118 tỉ USD (năm 2021). Điều đó cho thấy cán cân thương mại có sự chênh lệch và dư địa để 2 bên hợp tác là rất lớn. Về đầu tư, Trung Quốc thuộc tốp các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tại ĐBSCL, Trung Quốc hiện có hơn 400 dự án đầu tư, tập trung tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL còn có nhiều lĩnh vực mới nổi tiềm năng để hợp tác giữa 2 quốc gia: công nghệ thông tin, năng lượng, logistics…
Theo ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, Trung Quốc có thị trường rất rộng lớn với dân số 1,4 tỉ người và có nhu cầu khá lớn về nông sản chất lượng cao. Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 1,1 tỉ USD, thúc đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 7 năm 2023 đạt 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thực hiện xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang Trung Quốc. Chẳng hạn vào tháng 8 năm nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến thông qua video đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tại Việt Nam, điều này tạo cơ hội thuận lợi cho dừa tươi – một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở vùng ĐBSCL xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian sớm nhất. Theo dự đoán của các chuyên gia, sau khi hai nước chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi hằng năm của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt 1 tỉ USD.
Mặc dù có nhiều lợi thế và cơ hội mở ra, song ĐBSCL cũng còn rất nhiều khó khăn làm cản ngại hoạt động giao thương, kết nối đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là hạ tầng (giao thông, logistics…) của ĐBSCL còn chưa đồng bộ, khiến chi phí đầu tư cao. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương Vinatrans chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Chi phí logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP, cao hơn nhiều so với các nước phát triển và còn cao hơn một số nước đang phải triển như Thái Lan chẳng hạn. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là cơ sở hạ tầng vận tải của Việt Nam quá cũ kỹ và quá tải, hệ thống quản lý hành chính phức tạp và điều này thể hiện rất rõ tại khu vực ĐBSCL. Để khắc phục tình trạng này, ĐBSCL đã và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng… Bên cạnh đó, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, đa số DN nhỏ và vừa, vùng nuôi trồng chưa đủ lớn còn phân tán công nghệ máy móc chưa đáp ứng, việc ứng dụng thành tựu khoa học còn hạn chế. Vì vậy, các DN ĐBSCL mong muốn đón nhận nhiều hỗ trợ và đầu tư hơn nữa từ các nước, trong đó có Trung Quốc ở những lĩnh vực thế mạnh như vốn, công nghệ, máy móc, trang thiết bị…
Tại ĐBSCL, TP Cần Thơ ở vị trí trung tâm, đóng vai trò hạt nhân kết nối vùng. Vì vậy, các DN Trung Quốc rất quan tâm và mong muốn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại đây. Theo ông Trương Vĩ, Hội trưởng Hiệp hội DN Trung quốc tại TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây nền kinh tế TP Cần Thơ có sự phát triển vượt bậc và ngày càng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Các cấp chính quyền đã hỗ trợ tích cực cho các DN nước ngoài, từ đó gia tăng sự quan tâm và tin tưởng của nhà đầu tư đối với thành phố. Đặc biệt, quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2050 và quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo nhiều cơ hội và mở ra không gian rộng lớn cho DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Cần Thơ. “Việt Nam và Trung Quốc có mối tương đồng về văn hóa, ẩm thực, vì vậy cơ hội để nông sản ĐBSCL vào thị trường Trung Quốc là rất lớn. Cuộc gặp gỡ, trao đổi và kết nối hôm nay là nền tảng rất tốt, hy vọng DN hai nước sẽ có những trao đổi sâu sắc, cùng tạo cơ hội hợp tác. Chúng tôi sẽ tích cực tăng cường các mối liên hệ với ngành Nông nghiệp Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về công nghệ chăn nuôi và chế biến; hỗ trợ tìm kiếm kết nối, mở rộng thị trường, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng từ Cần Thơ cũng như ĐBSCL sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng phụ phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh” – ông Trương Vĩ nói.
Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Cánh cửa Trung Quốc từ trước đến nay luôn rộng mở, chào đón nhiều hơn nữa nông sản Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu sang Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Chúng tôi sẽ làm tốt vai trò kết nối DN 2 nước. Đồng thời, giúp các DN Trung Quốc thấy được tiềm năng và cơ hội trong việc đầu tư kinh doanh, kết nối giao thương tại vùng ĐBSCL, từ đó giúp cộng đồng DN 2 nước ngày càng tin tưởng và tiến tới gắn kết hợp tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, bền chặt”.
Bản quyền Trun Que 2015
Email: Email: phuochieptrunque@gmail.com
Website: www.trunque.vn
Đang Online : 0
Khách hôm nay : 764
Khách hôm qua : 424
Tổng lượt xem : 2123006
Website được phát triển bởi ATSoft
Th117