Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Đầu tháng 02/2023, nông dân tỉnh Tiền Giang vui mừng khi các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, mít, xoài,… đang được giá, hút hàng do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn. Sau thời gian tăng giá mạnh, hiện tại giá trái cây đã dần hạ nhiệt.
Giá trái cây đã dần hạ nhiệt, sau thời gian tăng giá mạnh.
*Trái cây đã bớt “nóng”
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn trái trên 82.000 ha, tập trung tại các huyện Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy với các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, khóm, thanh long, mít. Theo đánh giá của hợp tác xã cung ứng trái cây xuất khẩu, dịp Tết Nguyên đán năm 2023, các loại trái cây chủ lực đều có giá tốt, nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Ghi nhận tại một số vựa trái cây cho thấy sầu riêng, mít, xoài… có giá bán khá cao, nhà vườn rất phấn khởi.
Ông Ngô Tấn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) cho biết, sầu riêng khá hút hàng tại thị trường Trung Quốc, song mới vào đầu vụ nghịch nên sản lượng còn thấp, giá tăng cao. Trong Tết Nguyên đán năm 2023, sầu riêng đã có giá trên 100.000 đồng/kg và dao động đến 200.000 đồng đến nay. Do sầu riêng không ngay mùa nên cũng hiếm hàng, giá cao.
Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp hiện có 102 thành viên, tổng diện tích khoảng 52 ha; tổng sản lượng dao động khoảng 1.000 tấn/năm. Hợp tác xã có kết nối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiêu thụ sản phẩm của các thành viên. Hướng tới, Hợp tác xã sẽ hỗ trợ thêm cho thành viên về kỹ thuật trồng theo đúng quy trình, hướng dẫn thành viên sản xuất theo mã số vùng trồng, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Hợp tác xã bao tiêu hỗ trợ kỹ thuật, phân bón đầu vào cho bà con như phân hữu cơ, tư vấn kỹ thuật.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) chia sẻ, gần 01 tháng qua, giá mít cũng đang giá tăng mạnh. Mít loại 1 có giá 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg, mít loại 2 giá 20.000 đồng/kg. Cách đây 01 tháng, mít chỉ có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Xoài cũng là một trong những lại trái cây tăng giá mạnh, nhưng do không vào vụ thu hoạch nên hàng rất hiếm. Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè cho biết, khoảng 01 tháng nữa xoài bắt đầu vô mùa, sản lượng năm nay thất hơn năm trước, do khí hậu, dịch hại nên không được thuận lợi. Diện tích trồng xoài của Hợp tác xã là 80 ha, với 139 thành viên. Tại thời điểm này, xoài cát Hòa Lộc có giá khoảng 110.000 đồng/kg, khi vào mùa giá xoài chỉ dao động mức 40.000 – 80.000 đồng/kg.
Theo Sở Công Thương, giá cả trái cây từ trước, sau Tết và hiện nay thường xuyên thay đổi tăng giảm. Trước Tết do nhu cầu tiêu thụ cao, đặc biệt là do nhu cầu của thị trường Trung Quốc nên giá tăng, sau Tết sản lượng cũng như chất lượng giảm hơn, cộng với nhu cầu giảm nên hầu như giá trái cây các loại có xu hướng giảm.
Nếu xét về giá tăng, thì chỉ có sầu riêng tăng liên tục từ trước Tết với giá 110.000 – 120.000 đồng/kg, có đỉnh điểm do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, sau khi có Nghị định thư cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nên giá lên đến 180.000 – 200.000 đồng/kg (cao gấp 3 lần cùng kỳ và đạt kỷ lục từ trước tới nay), tuy nhiên hiện giảm chỉ còn 120.000 – 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức cao.
Giá thanh long và xoài cát Hòa Lộc, từ sau Tết đến nay giảm. Cụ thể, trước Tết thanh long ruột đỏ có giá 25.000 – 40.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 20.000 – 24.000 đồng/kg, hiện tại thanh long ruột đỏ chỉ còn 15.000 – 30.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 14.000 – 16.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc từ 80.000 – 110.000 đồng/kg trước Tết, nay giảm còn 45.000 – 80.000 đồng/kg.
Giá mít từ trước Tết là 10.000 – 25.000 đồng/kg tăng đến sau Tết được 16.000 – 33.000 đồng/kg, nhưng ghi nhận hiện tại giá giảm còn 13.000 – 28.000 đồng/kg. Giá bưởi da xanh tương đối ổn định khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg.
*Để trái cây phát triển bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, tránh tình trạng bị dư thừa cung vượt cầu và hạn chế dịch bệnh, chủ trương trong việc tổ chức, quản lý sản xuất của ngành Nông nghiệp là thực hiện rải vụ thu hoạch một số loại cây ăn trái. Rải vụ giúp kéo dài thời gian thu hoạch trong năm, không thu hoạch tập trung vào vụ thuận với sản lượng cao.
Hiện tại, đa phần các loại cây trồng có quy mô lớn, mang tính hàng hóa đều được nông dân sản xuất rải vụ. Tuy nhiên, việc sản xuất rải vụ cũng cần lưu ý quy trình kỹ thuật cho từng loại cây, phù hợp cho từng vùng. Để giảm bớt rủi ro, tránh tình trạng cung vượt cầu và câu chuyện “được mùa, mất giá” thì một trong những giải pháp hiệu quả được người nông dân thực hiện là sản xuất rải vụ, vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây sầu riêng, vừa giúp nhà vườn gia tăng thu nhập. Về lâu dài, nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của thị trường.
Theo Sở Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh các mặt hàng trái cây, trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu tại một số tỉnh, thành trong nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,…; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại ngoài nước tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,…
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của tỉnh, do đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây có sản lượng lớn sang thị trường Trung Quốc như: Thanh long, mít, sầu riêng,…
Bên cạnh đó, tích cực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng trái cây, cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch và dần chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, tránh các rủi ro về kinh tế. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội; xây dựng và phát hành ấn phẩm dưới dạng video, tin bài,…
Lý Oanh