Thông qua sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Hagihara Farm (Nhật Bản), nông dân ĐBSCL đã sản xuất thành công hạt giống dưa hấu đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Nhật Bản. Vừa qua 8,1 kg hạt giống đầu tiên đã được xuất sang thị trường khó tính này.
Trao đổi tại buổi họp báo “Xuất khẩu giống dưa hấu sang Nhật” được tổ chức ngày 23-7, tại TPHCM, ông Mai Tấn Hoàng, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu và Phát triển thuộc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sau hai năm (từ năm 2017) tiến hành nghiên cứu, thực hiện canh tác thử nghiệm và chuyển giao kỹ thuật đối với giống dưa hấu Nhật Bản, nông dân Việt Nam đã sản xuất thành công hạt giống dưa hấu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính bật nhất thế giới hiện nay là Nhật Bản.
Theo đó, mô hình canh tác sản xuất hạt giống nói trên được triển khai tại hai địa phương là Tiền Giang và Hậu Giang, đây là hai khu vực có điều kiện phù hợp, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu trong quá trình kiểm nghiệm được phía doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra.
“Trước đó, chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm tại tỉnh Gia Lai, nhưng không thành công”, ông Hoàng cho biết và nói rằng việc chênh lệch nhiệt độ quá lớn ở tỉnh Gia Lai là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại.
Theo ông Hoàng, để được phía Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu, thì hạt giống dưa hấu được sản xuất ra phải đạt độ thuần trên 99% (kết quả sản phẩm được nông dân sản xuất có độ thuần là 99,97%) và không có lẫn vi sinh vật gây hại…
Loại hạt giống dưa hấu được xuất khẩu sang Nhật Bản có thời gian sinh trưởng khoảng 60 ngày. Sản phẩm là loại dưa không hạt, có độ ngọt 14-15%, tương đương so với các loại dưa khác trên thị trường, thịt chắc.
Là một trong hai người trực tiếp tham gia sản xuất thành công hạt giống dưa hấu xuất khẩu sang Nhật, ông Trần Việt Trương, ngụ xã Đồng Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho rằng, công việc khó nhất trong sản xuất hạt giống dưa hấu xuất sang Nhật đó là quá trình thụ phấn.
“Ngoài việc chọn thời điểm sản xuất “lệch pha” so với các ruộng dưa khác ở bên cạnh (tức khi ruộng dưa hấu của ông thụ phấn không trùng thời điểm thụ phấn của các ruộng dưa khác) để đảm bảo độ thuần sản phẩm được tạo ra, thì phải đặc biệt chú trọng khâu thụ phấn, lai tạo nhằm hình thành nên trái dưa giống”, ông cho biết.
Trước đó, vào đầu năm, thông qua quy trình sản xuất của Hagihara Farm với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của lực lượng 3 cùng (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), ông đã trồng thử nghiệm một vụ dưa lấy hạt và cho kết quả thành công như nêu trên.
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành của Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc xuất khẩu được hạt giống dưa hấu vào thị trường khó tính bật nhất hiện nay là Nhật Bản đánh dấu sự thành công lớn trong ngành sản xuất giống của Việt Nam.
“Khi chúng ta đã xuất khẩu được sang Nhật, thì bất cứ thị trường nào chúng ta cũng đều có thể vào được”, ông cho biết và nói rằng đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải số lượng 8 hay 10 kí lô gam.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, thành công như trên là một bước tiến rất lớn trong năng lực canh tác và sản xuất giống dưa hấu nói riêng và cây trồng nói chung của nông dân Việt Nam. “Trên nền tảng đó, chúng tôi sẽ cùng bà con nông dân tiếp tục nổ lực để tiến sâu hơn trong quan hệ hợp tác với Hagihara Farm”, ông nhấn mạnh.
Trung Chánh (thesaigontimes)