Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra yêu cầu về việc nông sản từ các nước khi muốn xuất khẩu vào nước họ phải có mã số vùng trồng (MSVT) và mã số cơ sở đóng gói (MSCSÐG). Ðể duy trì và mở rộng được thị trường xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, bên cạnh phát triển thêm các MSVT và MSCSÐG, đòi hỏi nước ta phải quản lý chặt các mã số đã cấp. Qua đó, đảm bảo đáp ứng về sản lượng, chất lượng, an toàn vệ sinh và các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV), truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sầu riêng được trồng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Đã có nhiều MSVT và MSCSĐG
Thời gian qua, nông dân và các doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất khẩu nông sản đã xây dựng vùng trồng, quản lý việc sản xuất, sơ chế đóng gói sản phẩm và duy trì các điều kiện sản xuất theo quy định để có MSVT và MSCSÐG đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề tích cực phối hợp, liên kết với nông dân và các bên có liên quan để xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Ðồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để hỗ trợ, tập huấn cho nông dân về vấn đề mã số.
Ðến nay, cả nước đã có 6.883 MSVT và 1.588 MSCSÐG phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc. Xoài, thanh long, nhãn, sầu riêng và lúa là những loại cây trồng có nhiều MSVT nhất. ÐBSCL là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện toàn vùng được cấp 3.975 MSVT, chiếm 57,7% và có 626 MSCSÐG, chiếm 39,4% trên tổng số MSCSÐG của cả nước…
Tuy nhiên, hiện công tác cấp, quản lý MSVT và MSCSÐG vẫn còn gặp các khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Ðáng chú ý, việc xây dựng mã số tại nhiều địa phương còn chậm và gặp khó về nguồn nhân lực và vật lực trong thực hiện hỗ trợ xây dựng và quản lý mã số. Nhiều người sản xuất còn thiếu thông tin và chưa có ý thức cao về việc quản lý, bảo vệ mã số mà mới chú trọng khâu xây dựng mới mã số… Theo Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), gần đây Cục liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về KDTV đối với các sản phẩm (chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Ðức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất sang Hàn Quốc). Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu.
Siết chặt quản lý
Nhằm đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp để quản lý tốt MSVT và MSCSÐG, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về MSVT và cơ sở đóng gói được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Lạng Sơn và kết nối với nhiều điểm cầu trực tuyến trong cả nước. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu đã nhìn nhận, công tác xây dựng và phát triển MSVT và MSCSÐG đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp phát triển xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang các nước. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát các mã số chưa được người dân, doanh nghiệp và ngành chức năng tại nhiều địa phương quan tâm chưa đúng mức, đặc biệt khâu kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, đã xảy ra tình trạng các vi phạm về KDTV và an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – một thị trường rất quan trọng.
Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong công tác cấp phát mã số và kiểm tra, giám sát sau cấp. Ðảm bảo duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu. Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ðồng Nai, để thực hiện tốt công tác quản lý trong điều kiện thiếu nhân lực, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin. Kịp thời có các chế tài và biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm và tổ chức tốt việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Qua đó, nâng cao nhận thức và hành vi của người dân, tránh tình trạng gian lận trong sử dụng mã số, cũng như việc tuân thủ đúng quy định về ghi chép nhật ký sản xuất, về đảm bảo các thông tin KDTV… tại những nơi đã được cấp mã số. Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, qua công tác tham gia phối hợp nông dân và ngành nông nghiệp các địa phương trong xây dựng MSVT, doanh nghiệp nhận thấy ngoài việc hạn chế về nguồn nhân lực, thì việc tuyên truyền vận động nông dân trong tuân thủ tốt các quy định vẫn còn gặp khó. Trong khi việc xây dựng MSVT là vấn đề căn cơ đầu tiên để doanh nghiệp làm tốt MSCSÐG và có sản phẩm chất lượng đảm bảo cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất mong ngành chức năng sớm đưa việc xây dựng, quản lý MSVT vào các quy định chung của quốc gia và có chế tài để nông dân, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm, chứ không phải chỉ khuyến khích. Quan tâm hướng tới ngành nông nghiệp minh bạch, kịp thời cập nhật các MSVT, MSCSÐG vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ ghi nhận các giải pháp, kiến nghị của đại biểu và sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Cục Bảo vệ thực vật tiếp thu các ý kiến nhằm có những định hướng, giải pháp để triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý MSVT và MSCSÐG, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và phát triển nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Thứ trưởng Hoàng Trung đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan chuyên môn tại địa phương cần tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng mã số và tăng cường giám sát, quản lý. Có kế hoạch giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp duy trì các điều kiện của mã số đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam. Cần chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận KDTV cho các lô hàng không tuân thủ…