Tin tức
Cảnh báo gấp: rau ngót, thanh long xuất khẩu Nhật nhiễm hoá chất vượt mức
Trong vòng 4 tháng đầu năm nay, Nhật Bản phát hiện nhiều lô nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Nhật như: thanh long, rau ngót tươi, mùi tàu…
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản và các tổ chức cá nhân liên quan về việc Nhật Bản tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm một số mặt hàng.
Cục BVTV cho biết, phía Cục đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam và trên website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về việc trong vòng 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng nước này đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Nhật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam.
Với vi phạm trên, phía Nhật Bản dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Cụ thể, rau ngò tàu (mùi tàu) tươi sẽ bị kiểm tra 100% các chỉ tiêu Chlorpyrifos, Cypermethrin, Profenofos, Hexaconazole; các mặt hàng rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm Fukurotake, quả thanh long tươi sẽ bị kiểm tra 30% một số chỉ tiêu thuốc BVTV.
Theo đó, Cục BVTV yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của công ty; thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ sản xuất ban đầu tránh tái diễn tình trạng vi phạm
Cũng thời gian này, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 1/5, Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng ( RASFF) đã thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU.
Nguyên nhân được chỉ ra là bởi những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Theo Vietnamnet
Th507
Nông dân Tây Nguyên với giấc mơ sầu riêng ngoại
Gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện giống sầu riêng ngoại thu hút rất đông người dân mua trồng.
Điều đáng lưu ý, là loại cây giống này chưa được trồng thực nghiệm nên chưa biết rõ có phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, sản lượng, năng suất ra sao.
Cũng như mọi năm, bắt đầu mùa mưa bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ùn ùn tìm về các trung tâm cây giống tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (cạnh Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) để mua các loại cây giống như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… về trồng cho kịp thời vụ. Khác với mọi năm, năm nay cây giống có vẻ ế ẩm, trừ giống cây sầu riêng ngoại Musang King (nguồn gốc Malaysia).
Để tìm hiểu về giá cả giống sầu riêng này, trong vai người đi mua sầu riêng chúng tôi có mặt tại xã Hòa Thắng, khu vực bày bán cây giống nhiều nhất, thì được biết các giống sầu riêng thông thường chỉ từ 80-120 ngàn đồng/cây, riêng sầu riêng Musang King có giá cao gấp 2 -3 lần, cụ thể loại nhỏ giá 200 ngàn đồng/cây, loại lớn giá hơn 400 ngàn đồng/cây.
Thấy chúng tôi, cô bán cây giống đon đả: Giống sầu riêng Musang King đấy các anh ạ. Giống này đang hot lắm, thu hút rất nhiều người mua, các anh không mua nhanh là hết đấy. Hàng ngày chỗ chúng em bán đi hàng ngàn cây, các anh lấy số lượng lớn em giảm cho chút ít. Để có được giống sầu riêng này, nhà em phải sang tận Malaysia mua chồi về ghép đấy.
Hỏi thêm thông tin, cô nhân viên bán hàng cho biết quả sầu riêng Musang King có giá bán rất cao, từ 600.000 – 1.200.000đ/kg. Không chỉ vậy, trái có hương vị thơm nhẹ, vị béo như bơ, cơm rất vàng, hạt lép hoàn toàn. Do vậy thời gian gần đây, người dân ở các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng… thường xuyên tìm đến đây để mua sầu riêng về trồng với mong muốn bán được giá cao, mang lại hiệu quả kinh tế.
Thấy ông Hùng đến từ huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk đang lúi húi chọn giống sầu riêng Musang King, chúng tôi dò hỏi được ông Hùng chia sẻ: Nhà tôi có hơn 5 sào rẫy trồng cà phê xen hồ tiêu, thời gian gần đây cà phê mất giá, hồ tiêu vừa mất giá vừa chết bệnh. Nghe thông tin loại sầu riêng của Malaysia này đang rất được ưa chuộng, tôi tính mua vài trăm cây về trồng xem sao.
Cũng chung ý nghĩ như ông Hùng, bà Xuyến đến từ huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk cũng tìm đến đây chọn mua giống sầu riêng này về trồng thay thế diện tích hồ tiêu đang chết dần trong vườn. Nhiều hộ dân khác ở các địa phương khác cũng nghe tin đồn đổ xô đến đây tìm mua giống sầu riêng Malaysia với suy nghĩ là mua vài cây trồng về trồng thí điểm, nếu may mắn gặp giống tốt thì vui, không thì coi như trồng để biết.
Qua tìm hiểu được biết, giống sầu riêng Musang King được xếp vào hạng sầu riêng đệ nhất với hương vị thượng hạng khó quên, là giống sầu riêng đang được săn lùng trên các kênh mua bán trái cây của thế giới. Ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều hộ bằng nhiều cách khác nhau đã tự phát tìm kiếm chồi giống sầu riêng Musang King về ghép bán kiếm lời, là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích sầu riêng có chiều hướng tăng thời gian gần đây.
Các giống sầu riêng thông thường chỉ từ 80-120 ngàn đồng/cây, riêng sầu riêng Musang King có giá cao gấp 2 -3 lần
Theo Sở NN- PTNT Đăk Lăk, đến nay chưa có đơn vị đăng ký nhập khẩu chính thức giống sầu riêng này về làm khảo nghiệm, thử nghiệm tại địa phương, cũng chưa được cơ quan chuyên môn nghiên cứu đánh giá về khả năng sinh trưởng và phát triển, khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh,… Còn Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng chưa công bố chính thức về việc nhập giống sầu riêng Musang King về lai ghép và trồng thực nghiệm tại Tây Nguyên để đánh giá về thổ nhưỡng, khí hậu và năng suất…
Do vậy, bà con cần cân nhắc kỹ lưỡng việc đổ xô vào trồng loại cây này. Nếu trồng theo phong trào, thì việc chặt đi diện tích cây trồng hiện có sẽ mất đi sản lượng hàng năm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống trước mắt. Hơn nữa, trồng sầu riêng mất từ 5-7 năm mới biết kết quả là điều cần phải cân nhắc, không nên quyết định vội vàng
Các ngành chức năng cũng cần đưa ra khuyến cáo không trồng sầu riêng Musang King ồ ạt. Đồng thời kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh giống sầu riêng đúng theo quy định của Luật Trồng trọt. Đặc biệt, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nên trồng thử nghiệm một số mô hình trên địa bàn để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, tính thích nghi của giống Musang King, từ đó cung cấp thông tin rộng rãi để người nông dân biết, tránh tình trạng để họ “tự bơi” như hiện nay.
Sầu riêng Musang King, có tên gọi khác là Musang King Durian, nguồn gốc từ Malaysia, được mệnh danh là ông vua của các giống sầu riêng. Giống được công nhận vào năm 1993 và có mã là D197. Người đầu tiên phát hiện giống cây trồng này là Wee Chong Beng, sau khi nghiên cứu ông thấy cây có những đặc điểm nổi trội hơn so với những giống sầu riêng khác nên đã nhân giống rộng rãi.
Văn Thanh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Th319
Nông dân Bình Định được mùa ớt…ngọt
Sau nhiều năm ớt liên tục rớt giá, năm nay lại tăng rất cao. Những nông dân trung thành với cây ớt ở Bình Định có được vụ bội thu.
Ông Trần Văn Dũng (SN 1961) có thâm niên trồng ớt ở thôn Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) cho biết, hiện giá ớt chỉ thiên từ 30.000 – 32.000đ/kg; ớt sừng (còn gọi là ớt chỉ địa) từ 22.000 – 25.000đ/kg, có lúc vọt lên 45.000 – 47.000đ/kg, cao gấp hàng chục lần so với thời điểm trước tết.
Thu hoạch ớt chỉ địa
Ông Ngô Văn Tứ ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) cho biết thêm: “Trước tết, giá ớt chỉ địa chỉ ở mức 2.000đ/kg bởi thị trường Trung Quốc dừng thu mua, nhiều hộ trồng trà sớm trên chân đất cao, đất gò đồi chả thèm hái bán, tiền thu về không đủ trả công hái. Sau tết, giá ớt chỉ địa bất ngờ tăng mạnh, có thời điểm đạt mức “kịch trần” 47.000đ/kg. Mức giá này kéo dài cả tuần, ai có ruộng thu hoạch tại thời điểm này thì trúng to. Đây là cái giá “đỉnh” nhất trong 5 – 6 năm trở lại đây. Nếu giá ớt chỉ địa tiếp tục duy trì ở mức từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, người trồng cũng vui như tết”.
Vụ ĐX 2019, ông Đinh Hoàng Anh ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang trồng được 7 sào ớt chỉ địa (500m2/sào). Từ khi xuống giống đến thu hoạch, mỗi sào ông Anh đầu tư khoảng 3 triệu đồng. Bình quân thu hoạch xấp xỉ 1 tấn ớt/sào, chỉ tính với giá 22.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, ông Anh còn cho vào “hầu bao” khoản lãi ròng gần 20 triệu, cao gấp mấy lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Còn ở xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), địa phương chuyên trồng ớt chỉ thiên bán nội địa để “né” sự bấp bênh của thị trường Trung Quốc, bà con cũng vui to. Theo ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, xã có khoảng 15ha đất bãi bồi ven sông tập trung ở thôn Vĩnh Lộc và thôn Dõng Hòa được người dân đưa vào trồng ớt. Bà con chỉ trồng ớt chỉ thiên, giá tuy có thấp hơn ớt chỉ địa, nhưng tiêu thụ nội địa luôn ổn định.
“Do giá ớt mấy năm qua bấp bênh, nên vụ ĐX năm nay Phù Mỹ chỉ còn chừng 890ha, giảm hơn 200ha. Hiện bà con rất phấn khởi khi ớt được giá, nhưng vẫn đắn đo nhiều khi tính toán đến việc phát triển diện tích”, ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết.
Theo An Nhân- báo nông nghiệp
Th314
Nông dân Ninh Thuận lãi cao nhờ trồng ớt Hàn Quốc
Sau ba tháng trồng giống ớt Hàn Quốc trên diện tích rộng 5.000 m2, một hộ dân ở Ninh Thuận thu hoạch 10 tấn, lãi 70 triệu đồng.Bà Nguyễn Thị Bé ở xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, gia đình có khoảng 5.000 m2 đất trồng giống ớt Hàn Quốc, đang bước vào đợt chín rộ và cho thu hoạch. “Mùa ớt bắt đầu rộ lên từ tháng này rồi sau đó thu hoạch dần cho đến 2-3 tháng sau, tuỳ vào sản lượng hái”, bà Bé nói và cho biết giống ớt Hàn Quốc khá hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất xã Lâm Sơn, nên mỗi cây cho trái nhiều, đỏ tươi. Quả ớt khá lớn, trung bình khoảng 30 trái một kg, bán với giá 11.000 đồng mỗi kg. Với khoảng 5.000 m2 trồng ớt, gia đình bà Bé thu hoạch khoảng 10 tấn. “Vụ này, trừ mọi chi phí, tôi lãi khoảng 70 triệu đồng”, bà cho hay. Từng trồng ngô, song thường xuyên mất mùa, giá lại thấp nên ông Soh Ao Ha Thuỷ ở xã Lâm Sơn đã rẽ sang giống ớt Hàn Quốc, sau khoảng ba tháng thì có thể thu hoạch. “Hơn 2 sào ớt, tôi thu được 35 triệu đồng mỗi vụ, giúp cải thiện đời sống của gia đình”, ông nói. Để ớt sai quả, chất lượng tốt, ngoài việc bón phân, người trồng còn sử dụng nguồn nước sạch để tưới cây. Khi ấy, quả ớt đủ nước chín đều, da căng và cho nhiều bột.Theo chính quyền địa phương, xã Lâm Sơn có gần 35 hộ dân với 12 hecta trồng giống ớt Hàn Quốc. Toàn bộ sản lượng ớt được Hợp tác xã ký hợp đồng canh tác thu mua theo giá thị trường thỏa thuận với các hộ dân, đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Ớt sau khi mua từ người dân được đưa đến xưởng sơ chế thành ớt bột tại địa phương. Mỗi năm, cơ sở gia công khoảng 500 tấn ớt bột để đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Ớt Hàn Quốc có đặc điểm trái to, chất lượng tốt, thơm ngon, có độ cay và cho hiệu quả kinh tế cao nên được người dân chọn phát triển. Ngoài ra, đây là dự án trồng ớt giữa UBND Ninh Thuận ký kết với một tập đoàn của Hàn Quốc, để phát triển nông nghiệp của địa phương hồi năm 2014 với kinh phí khoảng 1,8 triệu USD. Tập đoàn này hỗ trợ vốn, cung cấp giống cùng các chuyên gia của nước này đến hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, gieo trồng để đảm bảo đúng giống Hàn Quốc.
Theo Thanh Châu / Vnexpress
Th312
Chanh leo mộc châu chi chít quả, ăn ngay tại vườn vì quá sạch
Niên vụ năm nay, giá chanh leo ở Sơn La luôn giữ ở mức ổn định trên 20.000 đồng/kg. Mặc dù hiện đã vào thời điểm cuối vụ, song việc mua bán chanh leo ở các huyện Vân Hồ, Mộc Châu vẫn diễn ra vô cùng sôi động.
Chanh leo Mộc Châu chi chít quả, ăn ngay tại vườn vì quá sạch
Theo ông Tráng A Cao, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tráng A Cao, hiện chanh leo đang được bà con bán sô với giá 20.000 đồng/kg, thậm chí đầu vụ bà con còn bán được 28.000 đồng/kg. So với các năm trước, năm nay, chanh leo dễ bán hơn. Hiện ở huyện Vân Hồ đang có hàng chục điểm thu mua chanh cho bà con.
Cây chanh leo đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con người Mông ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
“Cây chanh leo đã và đang mang lại lợi nhuận ổn định cho người trồng. Hiện riêng HTX của chúng tôi đã trồng hơn 40ha chanh leo. Với giá ổn định như hiện tại, mỗi ha chanh leo, trừ chi phí, người trồng có thể thu lãi từ 200-300 triệu đồng”, ông Cao cho biết.
Giá chanh leo hiện ổn định từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, người trồng có lãi khoảng 200-300 triệu đồng/ha.
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 700ha chanh leo. Mỗi ha chanh leo cho ở thời kỳ ổn định kinh doanh năng suất đạt khoảng 10 đến 15 tấn, ước tính sản lượng chanh leo của tỉnh năm nay đạt trên 10.000 tấn
Mô hình trồng chanh leo của anh Tráng A Của ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đến nay anh Của đã thu được 2 vụ chanh. Theo anh Của, so với trồng ngô, trồng su su, cây chanh leo cho thu nhập cao gấp 10 lần.
Hiện cây chanh leo được trồng tập trung tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu và Yên Châu. Riêng huyện Mộc Châu có diện tích khoảng gần 300 ha.
Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép đầu tư, bao tiêu và chế biến sản phẩm chanh leo. Hiện diện tích vùng nguyên liệu của công ty là trên 500ha. Công ty cũng đã trồng thí điểm thành công 8ha chanh leo theo tiêu GlobalGAP để tiến tới xuất khẩu sang một số thị trường.
Chanh leo trồng ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ vừa ngon, vừa sạch và có thể ăn ngay tại vườn.
Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở Mộc Châu rất thích hợp để cây chanh leo phát triển tươi tốt, không cần chăm sóc nhiều cũng cho quả sai chi chít, chất lượng thơm ngon.
Theo Danviet.vn
Th306
Nghệ An thành công từ mô hình trồng đậu ve leo trên đất cao cưỡng
Hiện nay trên địa bàn xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có một số vùng đất cao cưỡng trồng lúa, năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đặc biệt trên diện tích này, sản xuất lúa vụ Hè Thu luôn gặp hạn, có khi mất trắng. Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng rau an toàn trên đất hai lúa cao cưỡng.
Năm 2018, nông dân xã Nam Anh đã mạnh dạn triển khai mô hình “Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu ve leo (đậu cô ve) vụ Thu Đông” với quy mô 2ha. Mục tiêu của mô hình là thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với sản xuất ngô, lúa.
Đến nay, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả, đầu ra rất thuận lợi khi các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Khi tiếp xúc, nông dân nơi đây phấn khởi chia sẻ: Đậu ve leo khá dễ trồng và thích hợp với vùng đất này, cả quá trình từ khi trồng cho đến khi được thu hoạch chỉ mất từ 50 – 55 ngày. Đậu ve cho thu hoạch liên tục 2 – 3 tháng, với năng suất trung bình từ 1 – 1,5 tấn/sào, sau khi trừ chi phí, người nông dân được lãi từ 4 – 5 triệu đồng/sào
Thành công của mô hình là cơ sở để bà con xã Nam Anh nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung xây dựng cơ cấu chuyển đổi cây trồng hàng năm hợp lý, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của vùng đặc biệt là giảm được thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết.
Trần Thị Hoài Phương
Trạm KN huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Th213
Bà đỡ cho nông dân trồng chanh dây Tây Nguyên
Những năm gần đây, diện tích trồng cây chanh dây tại Tây Nguyên tăng khá nhanh, chủ yếu là giống chanh dây tím Đài Loan.
Ðây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, một khi diện tích cây trồng này tự phát tăng nhanh sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định đầu ra.
Cây trồng siêu lợi nhuận.
Là một “tân binh” trong ngành sản xuất xuất khẩu rau quả, cây chanh dây tím Đài Loan được bà con các tỉnh Tây Nguyên tập trung phát triển mạnh diện tích gieo trồng khoảng 10 năm trở lại đây do đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với việc trồng chanh dây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại, cây chanh dây cho năng suất bình quân 70 – 100 tấn/ha/năm, với giá cả thị trường như hiện nay, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây được lời từ 500 – 700 triệu đ/ha/năm.
Chanh dây đem lại thu nhập cao cho người dân Tây Nguyên
Việc trồng cây chanh dây cũng không quá phức tạp, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao. Chanh dây từ khi trồng đến khi cho thu hoạch từ 5-7 tháng và chu kỳ sản xuất trong vòng 03 năm. Chi chi phí đầu tư cho một ha chanh dây khoảng 70 – 100 triệu đồng gồm tiền mua giống, phân bón, dây kẽm, trụ… để làm giàn và công chăm sóc cũng khá đơn giản chỉ cần chăm chỉ thăm nom, nếu thấy xuất hiện sâu bệnh thì xử lý kịp thời để phòng trừ.
Hiện nay, trồng chanh dây đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân ở Đắk Nông, Gia lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk… với diện tích khoảng trên 3.000ha do hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, người dân muốn đầu tư trồng chanh dây hoặc đang trồng cần phải lưu ý những vấn đề như “chọn đúng giống, phát hiện sâu bệnh kịp thời”. Bởi trước đây đã có nhiều bài học từ trồng chanh dây, điển hình là vào năm 2010 nhiều người trồng chanh dây Tây Nguyên đã chạy đôn, chạy đáo mua các loại thuốc về phun trên cây, lá, xịt xuống gốc nhưng dịch bệnh vẫn không hết. Vì vậy, nhiều vườn chanh dây đang xanh tốt thì bị nhiễm bệnh lá chuyển sang màu vàng rồi rụng dần cả lá lẫn trái và chết toàn bộ, nhất là những vùng trước đây đã trồng chanh dây nhưng xử lý đất chưa kỹ, gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Nguyên nhân chủ yếu do việc trồng ồ ạt. Nhiều đơn vị, hộ dân tự ý cấy ghép, nhân giống không thông qua đơn vị kiếm soát, bán giống để kiếm lời trước mắt. Bà con nông dân ham rẻ mua phải những cây bị bệnh mà không biết. Diện tích trồng chanh dây tự phát và vượt quá mức kiểm soát, giống cây trồng không bảo đảm chất lượng … Hơn nữa đa số các hộ dân tự phát trồng đều không qua lớp tập huấn kĩ thuật nào, chỉ là dân “tay ngang” thấy người khác trồng có hiệu quả thì làm theo, vườn chanh dây không mắc bệnh cũng sẽ chậm phát triển, năng suất khó đạt như mong muốn.
Nhiều chính sách để chanh dây phát triển bền vững
Ngày 21/1, Cty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã khởi công dự án Nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Dự án Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu. Đồng thời, chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay Trên mỗi dây chuyền của dự án có thể đồng thời chế biến được đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Tây Nguyên.
Mô hình nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai
Các dây chuyền dự án sẽ đầu tư bao gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Tropical Food – Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả rau đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia và Đức
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 7/2018, Nhà máy sẽ là một trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất của cả nước và là điển hình tiên tiến cho chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm nghìn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt, bí Nhật và nhiều loại rau quả của các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Thanh Tùng Phó Tổng Giám đốc DOVECO cho biết: Sau khi Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đi vào hoạt động, riêng chanh dây mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ 200 – 300 tấn đảm bảo vùng nguyên liệu đầu ra ổn định cho hàng chục ngàn ha tại Tây Nguyên. Nếu như trước đây người nông dân còn e ngại chanh dây vì chưa có đầu ra ổn định, giá cả thất thường thì nay Cty đưa ra mức giá sàn là 6.000 đồng/kg còn thực hiện thì theo giá cả thị trường. Đặc biệt thời điểm hiện tại đối với chanh dây loại một (thường đạt 30% năng suất vườn cây) Cty mua với giá 36.000 đồng/kg để xuất khẩu quả tươi, còn lại Cty thu mua để chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh cam kết về chính sách giá thu mua, DOVECO còn cung ứng giống nhập khẩu trực tiếp từ Đài Loan cho người nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn cung vật tư, thuốc BVTV, quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc chanh dây cho người nông dân, doanh nghiệp với mục tiêu phát triển chanh dây bền vững nâng cao thu nhập cho người nông dân Tây Nguyên.
Nguồn: MAI PHƯƠNG báo nông nghiệp
Th115
Nông dân Bình Thuận thất thu vụ xoài tết
Nếu như thời điểm này năm trước, nhiều nông dân tỉnh Bình Thuận đang tất bật chuẩn bị vụ thu hoạch xoài Tết, thì năm nay, họ đang lo lắng nhìn vườn xoài rụng hoa, không đậu trái. Một vụ mùa thất thu hiện rõ trước mắt nhà vườn.
Thương hiệu xoài Mũi Né từ lâu được nhiều người biết đến, khách du lịch rất ưa chuộng, bởi được trồng ở vùng đất cát cùng với nguồn nước ngầm tốt nên sản phẩm có hương vị đặc trưng. Vụ xoài Tết được xem là vụ chính trong năm ở đây, cung cấp hàng ngàn tấn hàng ra thị trường, giúp nhà vườn rủng rỉnh tiền tiêu Tết. Thế nhưng, dù Tết nguyên đán 2019 đã cận kề nhưng tại các vườn xoài ở Mũi Né (phường Mũi Né, TP Phan Thiết) chỉ là cảnh đìu hiu. Nguyên nhân là do nhiều diện tích xoài ở đây không thể đậu trái, cây ra hoa rồi bị héo, rụng.
Nhìn hơn 100 gốc xoài trong vườn không đậu trái, anh Nguyễn Minh Tâm (khu phố Suối Nước, phường Mũi Né) bộc bạch: “Vụ xoài Tết là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Thế nhưng, hoa xoài rụng hết thế này thì xem như không có Tết rồi. Qua Tết cũng chẳng biết chạy đâu có tiền lo cho các con đi học”.
Nông dân Mũi Né buồn bã vì xoài không đậu trái
Bà Nguyễn Thị Bảy (khu phố Suối Nước) cho hay để chuẩn bị cho vụ xoài Tết, gia đình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua phân bón, thuê nhân công kích thích cây ra hoa trái vụ. Khoảng đầu tháng 10 âm lịch, cây bắt đầu phân chi và ra những nhánh hoa đầu tiên. Chưa kịp mừng thì liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn kéo dài làm cây rụng hết hoa và trái mới ra.
Phường Mũi Né có gần 100 hộ trồng xoài với khoảng 60 ha. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất của TP Phan Thiết. Theo ông Nguyễn Chí Tạo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mũi Né, nguyên nhân mất mùa xoài là do năm nay thời tiết không thuận lợi, liên tiếp xuất hiện nhiều cơn mưa bất chợt làm cho cây đang thời kỳ ra hoa bị héo, không thể đậu trái.
Tình trạng thất thu vụ xoài Tết cũng diễn ra tại những vùng có diện tích trồng xoài lớn khác của tỉnh, như xã Sông Bình (huyện Bắc Bình), xã Tân Phúc, Thắng Hải (huyện Hàm Tân)… Các địa phương đều xác nhận, năm nay nông dân bị thiệt hại nặng do mất mùa vụ xoài Tết và cùng nguyên nhân cây không đậu trái. Số ít vườn xoài may mắn còn giữ được trái là do nông dân kích thích xoài ra hoa sớm vào cuối tháng 9 và đầu 10, tránh được đợt mưa lớn vào tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua. Bà Lê Thị Kim Nhung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân, nhận định các giống xoài trên địa bàn chủ yếu là Úc, Đài Loan, Tứ Quý, cung ứng chủ yếu cho thị trường TP HCM. Thời tiết thất thường nên xoài bị thất thu nặng.
Không chỉ ảnh hưởng đến người trồng, xoài không ra trái còn làm nhà vựa lao đao. Ông Nguyễn Văn Long, chủ vựa xoài lớn ở huyện Hàm Tân, cho biết các năm trước thời điểm này, hoạt động nhộn nhịp, mỗi ngày mua của nông dân từ 4-5 tấn xoài để chuyển đi TP HCM, còn hiện nay, cả tuần chỉ thu được 1 tấn.
Nguồn: tin tức nông nghiệp
Th1228
Trung Quốc sẽ mở cửa thêm 7 loại củ quả: đàng hoàng đi chính ngạch
Thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TQ) đã đồng ý xem xét mở cửa thêm với 7 loại trái cây và nông sản Việt Nam đang được nhiều bà con nông dân quan tâm. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để trái cây và nông sản của Việt Nam có thể đàng hoàng đi chính ngạch sang thị trường tỷ dân này.
Thị trường chính của nông sản Việt
Tại tọa đàm Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam – TQ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thông báo một tin mừng, đó là Tổng cục Hải quan TQ đã đồng ý xem xét mở cửa nhập khẩu thêm một số loại trái cây Việt Nam sau 8 loại quả đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch (gồm thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, vải, mít, chuối, chôm chôm).
Cụ thể, thứ tự ưu tiên các loại củ quả sắp được phía TQ mở cửa nhập khẩu chính ngạch là sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Trong đó, sầu riêng là loại quả được người tiêu dùng TQ ưa chuộng nên sẽ ưu tiên mở cửa trước.
Nhiều người mừng rỡ trước thông tin Trung Quốc sắp mở cửa với sầu riêng bởi trước đó có nhiều lo ngại về tình trạng “vỡ” quy hoạch khi diện tích trồng loại cây này tăng lên chóng mặt. Ảnh: I.T
Ông Cao Văn Hoá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho rằng để quả sầu riêng sớm vào thị trường TQ theo đường chính ngạch, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ bằng cách hướng dẫn người dân trồng sầu riêng theo mô hình VietGAP.
Đây là con đường phải lựa chọn và là yếu tố sống còn của ngành nông nghiệp Việt nam nói chung và của người trồng sầu riêng nói riêng.
Đặc biệt là phía TQ cũng chấp thuận cho 13 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang nước này và bổ sung cá ngừ, cá rô phi vào danh mục nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, tránh ùn tắc, TQ đã đồng ý mở thêm chức năng xuất khẩu thủy sản ở các cửa khẩu do 2 nước chỉ định.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, TQ đang là thị trường xuất khẩu chính của nhiều loại nông sản Việt Nam. Thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo Chính phủ hai bên, TQ và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam mà TQ có nhu cầu cao như trái cây, thủy sản, gạo, bột mì, cao su…
Nếu trước đây TQ được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay, nước này đang yêu cầu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.
Đến tháng 6.2019 toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào TQ phải đảm bảo các điều kiện trên, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào TQ cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Mạnh – Trưởng phòng Cây công nghiệp – Cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cây sầu riêng trên cả nước là 36.145ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 27.390ha, năng suất bình quân 14,6 tấn/ha, sản lượng 402.000 tấn. Trong khi năm 2016, tổng diện tích cây sầu riêng là 33.400ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng 399.000 tấn.
Mấy năm gần đây, đặc biệt là trong 2 năm qua, giá sầu riêng cao hơn nhiều so với trung bình các năm trước, dẫn tới việc tăng diện tích trồng sầu riêng trong dân đang khá lớn, trong khi đây là cây trồng lâu năm.
“Nếu so với nhu cầu hiện nay, cơ bản tổng diện tích sầu riêng chưa phải là quá lớn, tuy nhiên việc tiêu thụ loại quả này đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường TQ; thị trường nội địa thì tăng trưởng không nhiều (chỉ khoảng 30%). Trong khi đó, chúng ta chưa nắm bắt được nhu cầu từ thị trường TQ, không biết họ sẽ thu mua bao nhiêu, giá cả thế nào… Không riêng gì sầu riêng mà đối với bất kỳ một loại trái cây nào, nếu phát triển quá nóng, khi thị trường có vấn đề thì việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức gặp khó” – ông Mạnh nói.
Đơn cử như tại Tiền Giang, năm vừa qua nông dân tỉnh này sản xuất được hơn 200.000 tấn sầu riêng nhưng có tới 70% được xuất tươi theo đường tiểu ngạch qua TQ. Đây chính là lý do dẫn đến việc giá cả loại trái cây này luôn trồi sụt thất thường, giá trị sản phẩm chưa cao, nông dân chưa chủ động được sản xuất, chưa an tâm với loại cây mình trồng.
Chớp lấy cơ hội “vàng”
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Lý Kiến Lương, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, do sự tương đồng về văn hóa, nhu cầu tiêu dùng mà hầu hết sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đều có thể xuất khẩu sang TQ. Tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam – TQ đối với các sản phẩm nông sản vẫn còn rất lớn. Mặc dù là thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng xu hướng tiêu dùng của người dân TQ đang có sự thay đổi nhanh chóng.
Điển hình với mặt hàng gạo, năm 2017, TQ nhập từ Việt Nam tới 2,2 triệu tấn nhưng năm 2018 con số này mới dừng lại ở 1,3 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo của người dân TQ thay đổi theo hướng tăng sử dụng các sản phẩm gạo chất lượng cao.
Vì vậy, thay vì chỉ nhắm tới số lượng, các doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường một cách lâu dài.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quân – Tổng Giám đốc Tập đoàn phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh Liêu Ninh (TQ) thông tin, TQ là thị trường có quy mô lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Trung bình mỗi năm TQ nhập khẩu 6 triệu tấn gạo, 13 triệu tấn tinh bột mì cùng rất nhiều loại nông sản, trái cây khác.
Khí hậu Việt Nam và TQ khác nhau, trong khi phần lớn lãnh thổ Việt Nam có khí hậu nóng ẩm thì nhiều vùng của TQ có mùa đông lạnh giá vì vậy sản phẩm nông sản Việt Nam và TQ có thể sung cho nhau rất tốt.
Đặc biệt là người tiêu dùng TQ đánh giá nông sản, trái cây Việt Nam phong phú, thơm ngon và giá cả khá cạnh tranh. Đây chính là lợi thế và cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Về phía Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các các sản phẩm nông sản vì hiện nay ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp nhập khẩu TQ không phải là giá cả mà là chất lượng sản phẩm và bao bì đầy đủ thông tin.
Thiên Hương (Dân Việt)
Th1220
Kỳ lạ chanh leo có vị ngọt, giá hơn 100.000 đồng/ quả
Chanh leo nước ta giá rẻ từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, thậm chí có những thời điểm cần phải giải cứu. Trong khi đó, hàng nhập khẩu có giá hơn 100.000 đồng/quả luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Chanh leo là loại quả quen thuộc ở nước ta, chúng được trồng và bày bán ở khắp mọi nơi. Chỉ cần bỏ ra dưới 30.000 đồng, người dùng có thể mua được cả kg (khoảng 15-20 quả chanh leo).
Gần đây, chanh leo nhập khẩu từ Ecuador có màu vàng ươm bắt mắt xuất hiện trên thị trường nước ta lại tạo nên cơn sốt. Người dùng Việt phải bỏ ra số tiền từ 100.000 – 120.000 đồng để mua 1 quả và phải đợi vài ngày mới có thể mua được.
Chanh leo nhập khẩu từ Ecuador giá từ 100.000 – 120.000 đồng hút khách trong thời gian qua.
Theo chị Hoàng Thu Hiền, chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu ở Hoài Đức (Hà Nội), chanh leo nhập khẩu rất hút khách trong thời gian qua. Khác với chanh Việt, loại quả này không chua, ăn có vị ngọt mát.
Chị cho biết chanh leo nhập khẩu có kích thước và màu vỏ không khác gì chanh leo được trồng ở nước ta. Tuy nhiên, cách ăn lại hoàn toàn khác. “Chanh leo Việt muốn ăn phải lấy ruột pha với nước và bỏ thêm ít đường để bớt chua thì chanh leo nhập khẩu từ Ecuador chỉ cần lắc mạnh rồi lấy ống hút cắm trực tiếp và ăn. Tuy là chanh nhưng lại ngọt nên người dùng không cần cho thêm bất kỳ gia vị nào”, chị Thu Hiền cho hay.
Khác với chanh leo Việt, loại quả nhập khẩu có vị ngọt và thường dùng ống hút để ăn.
Một chủ cửa hàng khác ở Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết loại chanh này về đến đâu hết đến đó dù giá cao hơn nhiều lần chanh Việt.
“Hồi thàng 6, cửa hàng nhập vài thùng chanh leo Ecuador và nhận được sự quan tâm của khách hàng. Khi vào mùa hè, nhu cầu ăn trái cây giải khát tăng mạnh nên sản phẩm này cháy hàng không có gì ngạc nhiên. Điều kỳ lạ nhất là thời tiết lạnh dần mà loại quả này vẫn được ưa chuộng”, chủ cửa hàng này cho hay.
Theo đó, loại quả này chỉ bán theo quả, mỗi quả giá từ 100.000 – 120.000 đồng tùy thời điểm. Khách thường đặt mua 5-10 quả một lần, cũng có một số khách đặt vài chục quả về đem biếu, tặng.
Lý giải về giá chanh cao như vậy, chủ cửa hàng này cho hay đây là hàng xách tay được vận chuyển qua đường hàng không nên phải chịu chi phí vận chuyển cao. Hơn nữa, loại chanh này được trồng theo phương pháp hữu cơ nên giá sẽ cao hơn các loại chanh khác.
Theo người bán, khách phải đợi vài ngày mới mua được trong những thời điểm khan hàng.
Chị Đặng Bích Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bản thân là người ưa chuộng trái cây nhập khẩu nên thường xuyên ghé qua cửa hàng bán hoa quả cao cấp. Khi chị thấy loại chanh màu vàng óng được bày bán tại cửa hàng chị hay mua, chị cũng tò mò hỏi.
“Người bán nói với tôi là chanh leo này nhập khẩu từ Ecuador ăn rất ngon, khác hẳn với chanh Việt. Đặc biệt, chúng rất tốt cho sức khỏe vì có nguồn vitamin và chất xơ tốt cho tiêu hóa, tránh béo phì và có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, bệnh tim mạch. Không chỉ thế, chanh leo nhập khẩu tốt cho người bị bệnh tiểu đường, giúp hạ nhiệt, tạo cảm giác ngon miệng…”, chị chia sẻ.
Tin lời quảng cáo, chị đặt mua thử 3 quả về ăn. Chị không ngờ cả nhà thích ăn loại quả này. Dù giá cao, chị vẫn đặt mua 1-2 lần/tuần cho cả gia đình. Có nhiều lúc, chị phải chờ cả nửa tháng mới nhận được hàng.
Theo danviet.vn
Th509