Th509
Cảnh báo gấp: rau ngót, thanh long xuất khẩu Nhật nhiễm hoá chất vượt mức
Trong vòng 4 tháng đầu năm nay, Nhật Bản phát hiện nhiều lô nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Nhật như: thanh long, rau ngót tươi, mùi tàu…
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản và các tổ chức cá nhân liên quan về việc Nhật Bản tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm một số mặt hàng.
Cục BVTV cho biết, phía Cục đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam và trên website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về việc trong vòng 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng nước này đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Nhật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam.
Với vi phạm trên, phía Nhật Bản dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Cụ thể, rau ngò tàu (mùi tàu) tươi sẽ bị kiểm tra 100% các chỉ tiêu Chlorpyrifos, Cypermethrin, Profenofos, Hexaconazole; các mặt hàng rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm Fukurotake, quả thanh long tươi sẽ bị kiểm tra 30% một số chỉ tiêu thuốc BVTV.
Theo đó, Cục BVTV yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của công ty; thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ sản xuất ban đầu tránh tái diễn tình trạng vi phạm
Cũng thời gian này, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 1/5, Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng ( RASFF) đã thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU.
Nguyên nhân được chỉ ra là bởi những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Theo Vietnamnet
Th507
Nông dân Tây Nguyên với giấc mơ sầu riêng ngoại
Gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện giống sầu riêng ngoại thu hút rất đông người dân mua trồng.
Điều đáng lưu ý, là loại cây giống này chưa được trồng thực nghiệm nên chưa biết rõ có phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, sản lượng, năng suất ra sao.
Cũng như mọi năm, bắt đầu mùa mưa bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ùn ùn tìm về các trung tâm cây giống tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (cạnh Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) để mua các loại cây giống như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… về trồng cho kịp thời vụ. Khác với mọi năm, năm nay cây giống có vẻ ế ẩm, trừ giống cây sầu riêng ngoại Musang King (nguồn gốc Malaysia).
Để tìm hiểu về giá cả giống sầu riêng này, trong vai người đi mua sầu riêng chúng tôi có mặt tại xã Hòa Thắng, khu vực bày bán cây giống nhiều nhất, thì được biết các giống sầu riêng thông thường chỉ từ 80-120 ngàn đồng/cây, riêng sầu riêng Musang King có giá cao gấp 2 -3 lần, cụ thể loại nhỏ giá 200 ngàn đồng/cây, loại lớn giá hơn 400 ngàn đồng/cây.
Thấy chúng tôi, cô bán cây giống đon đả: Giống sầu riêng Musang King đấy các anh ạ. Giống này đang hot lắm, thu hút rất nhiều người mua, các anh không mua nhanh là hết đấy. Hàng ngày chỗ chúng em bán đi hàng ngàn cây, các anh lấy số lượng lớn em giảm cho chút ít. Để có được giống sầu riêng này, nhà em phải sang tận Malaysia mua chồi về ghép đấy.
Hỏi thêm thông tin, cô nhân viên bán hàng cho biết quả sầu riêng Musang King có giá bán rất cao, từ 600.000 – 1.200.000đ/kg. Không chỉ vậy, trái có hương vị thơm nhẹ, vị béo như bơ, cơm rất vàng, hạt lép hoàn toàn. Do vậy thời gian gần đây, người dân ở các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng… thường xuyên tìm đến đây để mua sầu riêng về trồng với mong muốn bán được giá cao, mang lại hiệu quả kinh tế.
Thấy ông Hùng đến từ huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk đang lúi húi chọn giống sầu riêng Musang King, chúng tôi dò hỏi được ông Hùng chia sẻ: Nhà tôi có hơn 5 sào rẫy trồng cà phê xen hồ tiêu, thời gian gần đây cà phê mất giá, hồ tiêu vừa mất giá vừa chết bệnh. Nghe thông tin loại sầu riêng của Malaysia này đang rất được ưa chuộng, tôi tính mua vài trăm cây về trồng xem sao.
Cũng chung ý nghĩ như ông Hùng, bà Xuyến đến từ huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk cũng tìm đến đây chọn mua giống sầu riêng này về trồng thay thế diện tích hồ tiêu đang chết dần trong vườn. Nhiều hộ dân khác ở các địa phương khác cũng nghe tin đồn đổ xô đến đây tìm mua giống sầu riêng Malaysia với suy nghĩ là mua vài cây trồng về trồng thí điểm, nếu may mắn gặp giống tốt thì vui, không thì coi như trồng để biết.
Qua tìm hiểu được biết, giống sầu riêng Musang King được xếp vào hạng sầu riêng đệ nhất với hương vị thượng hạng khó quên, là giống sầu riêng đang được săn lùng trên các kênh mua bán trái cây của thế giới. Ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều hộ bằng nhiều cách khác nhau đã tự phát tìm kiếm chồi giống sầu riêng Musang King về ghép bán kiếm lời, là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích sầu riêng có chiều hướng tăng thời gian gần đây.
Các giống sầu riêng thông thường chỉ từ 80-120 ngàn đồng/cây, riêng sầu riêng Musang King có giá cao gấp 2 -3 lần
Theo Sở NN- PTNT Đăk Lăk, đến nay chưa có đơn vị đăng ký nhập khẩu chính thức giống sầu riêng này về làm khảo nghiệm, thử nghiệm tại địa phương, cũng chưa được cơ quan chuyên môn nghiên cứu đánh giá về khả năng sinh trưởng và phát triển, khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh,… Còn Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng chưa công bố chính thức về việc nhập giống sầu riêng Musang King về lai ghép và trồng thực nghiệm tại Tây Nguyên để đánh giá về thổ nhưỡng, khí hậu và năng suất…
Do vậy, bà con cần cân nhắc kỹ lưỡng việc đổ xô vào trồng loại cây này. Nếu trồng theo phong trào, thì việc chặt đi diện tích cây trồng hiện có sẽ mất đi sản lượng hàng năm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống trước mắt. Hơn nữa, trồng sầu riêng mất từ 5-7 năm mới biết kết quả là điều cần phải cân nhắc, không nên quyết định vội vàng
Các ngành chức năng cũng cần đưa ra khuyến cáo không trồng sầu riêng Musang King ồ ạt. Đồng thời kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh giống sầu riêng đúng theo quy định của Luật Trồng trọt. Đặc biệt, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nên trồng thử nghiệm một số mô hình trên địa bàn để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, tính thích nghi của giống Musang King, từ đó cung cấp thông tin rộng rãi để người nông dân biết, tránh tình trạng để họ “tự bơi” như hiện nay.
Sầu riêng Musang King, có tên gọi khác là Musang King Durian, nguồn gốc từ Malaysia, được mệnh danh là ông vua của các giống sầu riêng. Giống được công nhận vào năm 1993 và có mã là D197. Người đầu tiên phát hiện giống cây trồng này là Wee Chong Beng, sau khi nghiên cứu ông thấy cây có những đặc điểm nổi trội hơn so với những giống sầu riêng khác nên đã nhân giống rộng rãi.
Văn Thanh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Th415
Kỹ thuật xử lý nhãn Ido cho năng suất cao
Quả có vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm, đặc biệt, kháng rất tốt bệnh chổi rồng là những đặc tính vượt trội của giống Ido so với nhiều loại nhãn khác.
Giá bán cao, dao động từ 25.000 – 40.000 đồng/kg, cũng là lợi thế lớn giúp giống nhãn ido được nhiều bà con khu vực ĐBSCL ưu tiên lựa chọn để phát triển.
Theo Ông Trần Văn Quý – Huyện Châu Thành, Tỉnh Hậu Giang, nếu như nhãn tiêu da bò bán tại vườn thường chỉ được trên 10.000 đ/kg, thì giá nhãn Ido tại vườn không dưới 25.000 đ/kg. Có nhiều vụ có thể đạt trên dưới 30.000 đ/kg, lúc cao điểm nhất giá nhãn Ido tại vườn lên tới khoảng 40.000 đ/kg. Vì vậy, các hộ trồng nhãn Ido hầu hết đều có thu nhập cao. Bình quân, mỗi ha cho lợi nhuận khoảng trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, cùng với sự hướng dẫn của các nhà khoa học, cộng với kinh nghiệm canh tác, nhà vườn đã áp dụng thành công biện pháp dùng thuốc kali clorat (KClO3) xử lý ra hoa cho cây nhãn Ido. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu, nắng hạn gay gắt, việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm vào canh tác đã giúp nhà vườn rất nhiều trong việc tiết giảm chi phí sản xuất, mà vườn cây lại cho năng suất cao.
Theo các nhà khoa học, tại những vùng “Thâm canh tổng hợp nhãn Ido” thì những kiến thức về kỹ thuật canh tác, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa, quản lý dinh dưỡng và dịch hại hợp lý rất quan trọng. Vì sẽ quyết định năng suất, chất lượng nhãn Ido. Do đó, quá trình canh tác, bà con cần lưu ý nắm vững. Cụ thể,
Việc tỉa cành: nhà vườn cần cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, ốm yếu, bị che khuất bên trong tán cây nhằm tạo cho tán cây thông thoáng, kích thích cây ra nhiều chồi mới.
– Bón phân kích thích các cơi đọt ra tập trung phát triển tốt: bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái hoặc NPK có hàm lượng đạm cao như NPK Đầu Trâu 20-20-15+TE. Kết hợp bón phân hữu cơ, với liều lượng 2 tấn/ha sẽ giúp cây cho ra đọt non mập.
– Song song đó, cũng cần chú ý phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại khi ra đọt non.
Giai đoạn Xử lý ra hoa cần chú ý:
– Khi cơi đọt thứ ba chuyển sang màu xanh đọt chuối (tức từ 37 đến 39 ngày tuổi) tiếp tục phun MKP nồng độ 0,5% (40g/8 lít nước), việc này sẽ giúp cây cho lá già đồng loạt.
– Sau khi phun MKP được từ 5 đến 7 ngày, lúc này lá chuyển từ màu xanh đọt chuối sang màu xanh nhạt thì cần dọn sạch lá, cỏ xung quanh gốc, tưới nước trước khi xử lý 1 – 2 ngày để tạo độ ẩm cho gốc. Sau đó, hoà tan 300 – 400 gram kali clorat (KClO3) vào 35 – 40 lít nước, tưới đều xung quanh tán cây, tưới nước đảm bảo độ ẩm đất giúp thuốc ngấm đều vào vùng rễ cây.
– Khi cây ra hoa cần phun ngừa một số sâu, bệnh như: sâu ăn bông, bệnh khô cháy hoa. Chú ý chỉ phun thuốc trước khi ra hoa nở 5 – 7 ngày. Không nên phun thuốc trừ sâu, bệnh khi hoa đang nở sẽ làm rụng hoa.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý: do sau khi xử lý thuốc đầu rễ của cây đã bị chết, nên khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây, nuôi trái kém đi. Để trái được cây nuôi dưỡng tốt cần phải tạo thuận lợi cho ra rễ mới bằng cách tưới vào vùng tán cây đã tưới thuốc chất kích thích ra rễ các loại phân hữu cơ khoáng
Các nhà khoa học cũng lưu ý, cây nhãn với đặc tính ra hai cơi đọt mới ra hoa, vì vậy, nhà vườn có thể bón thêm một lần phân gốc khi cơi đọt 1 đã già, cơi đọt 2 chuẩn bị nhú.
Cụ thể, để dưỡng đọt, bà con nên bổ sung thêm các loại phân bón lá có tác dụng kích phát đọt như 30-30-30 +TE, phân amino acid…nhằm giúp đọt phát triển mạnh và cân đối, nhanh bước vào thời kỳ ra hoa.
Để kích thích cây phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt, bà con cần bón phân gốc với tỷ lệ lân và kali cao, đạm thấp vào thời điểm cơi đọt 2 chuyển già. Đồng thời cần xiết nước để hạn chế phát đọt mới và phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng lân cao như 6-30-30 +TE và phân có vi lượng Bo cao để kích thích phân hóa tạo mầm hoa và kích thích hạt phấn phát triển.
Sau đậu trái khoảng 1 tuần cần phun phân bón lá có hàm lượng Bo cao để chống rụng trái non. Sau đậu trái khoảng 1 tháng cần bón phân NPK Đầu Trâu 16-16-16 hoặc Đầu Trâu AT3 để dưỡng trái. Việc bón phân gốc cần định kỳ 1,5-2 tháng/lần cho đến trước thu hoạch 1 tháng. Trong thời kỳ cây mang trái cần phun bổ sung các loại phân bón có đạm và kali cao như 10-5-45 và các loại phân có hàm lượng canxi cao nhằm giúp trái lớn đều, chống nứt, nám, thối trái.
Ngoài ra, cây nhãn Ido thường đậu trái rất sai, nên cần tiến hành tỉa bớt trái ở thời điểm 1 tháng sau đậu trái. Các chùm trái được tỉa bỏ bao gồm các chùm trên các cành nhỏ khuất trong tán, chùm trỗ trước hoặc sau lứa rộ, chùm ở đỉnh ngọn. Số trái chừa lại ở nhãn 3 năm tuổi khoảng 25 kg trái/cây. Ngoài tỉa bỏ các chùm trái ở vị trí xấu, còn tỉa bỏ các trái đèo trên chùm hoặc tỉa bớt trái trên các chùm quá sai để đảm bảo độ lớn và đồng đều của trái đạt tiêu chuẩn thị trường yêu cầu. Đồng thời cũng cần chằng chóng, nhất là vào mùa mưa để tránh cây bị gãy cành, đảm bảo năng suất.
Nguồn phân bón bình điền
Th408
Phòng trừ bệnh xoăn lá vàng cà chua
Bệnh xoăn vàng lá cà chua do một số loài virus gây ra. Chẳng hạn, virus từ thuốc lá (TMV), virus từ họ bầu bí (CMV), virus từ khoai tây (PVX, PVY), virus từ cà chua (ToMV, TYLCV, TRSV)… Tùy loài virus mà con đường lan truyền khác nhau.
Cách lan truyền bệnh: Tác nhân gây bệnh là do virus gây ra nên phải có các động vật trung gian mang và truyền bệnh, thì bệnh mới được phát tán. Các động vật trung gian như rệp (Aphid), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), bọ trĩ (Thrips), một số sâu miệng nhai, bọ cánh cứng và cả con người… Các côn trùng, sâu bọ mang virus từ cây bệnh rồi gieo rắc sang cây khoẻ. Con người gây ra các vết thương cơ giới trên cây lúc trồng và chăm sóc, làm virus thâm nhập cây, hoặc virus có thể lây lan qua dụng cụ làm vườn, qua cành và gốc ghép.
Bên cạnh đó, một số loài virus có khả năng tồn tại rất lâu trong các mảnh vụn đã khô của cây bị bệnh (ví dụ: loài TMV có thể tồn tại đến 50 năm, có tác giả còn cho rằng nó tồn tại đến 100 năm). Virus còn luôn tồn tại trên các cây ký chủ khác như cỏ dại, cây hoang dại… Đây chính là nguồn bệnh để lưu tồn và lây lan.
Triệu chứng bệnh: Tuỳ loài virus, tuỳ giống cà chua, tuỳ cường độ ánh sáng và nhiệt độ, tuỳ giai đoạn cây bị nhiễm virus mà thời gian phát bệnh và triệu chứng sẽ khác nhau. Thông thường, khi bị nhiễm virus thì cây thường bị lùn, sinh trưởng và phát triển đều kém. Lá có thể bị nhỏ, bị nhăn nheo, biến dạng và thường bị khảm (trên cùng một lá có những vùng màu vàng – xanh lẫn lộn), hoặc lá thường xanh đậm hơn bình thường. Khi một cây bị nhiễm nhiều loài virus thì triệu chứng hỗn hợp và phức tạp. Nhiều khi triệu chứng trên lá giống như bị dính thuốc cỏ hoặc bị thiếu vi lượng.
Tác hại: Khi cây bị nhiễm virus càng sớm (từ khi cây mới mọc), thì thời gian ủ bệnh càng ngắn và cây phát bệnh càng sớm. Khi cây đã lớn bị nhiễm virus, do có sức đề kháng cao hơn, nên cây phát bệnh muộn hơn, hoặc không phát bệnh. Cây phát bệnh càng sớm thì tác hại càng lớn, thậm chí không cho thu hoạch. Cây bị bệnh thường lùn và lá bị xoăn, vàng, khảm nên khả năng quang hợp giảm, vì vậy làm giảm năng suất.
Trên trái có thể biểu hiện triệu chứng bệnh hay không tuỳ thuộc vào loài virus và giống cà chua, nhưng chắc chắn khi cây bị bệnh thì số lượng và kích thước trái sẽ bị giảm, trái bị sượng. Trên những giống kháng, nếu cây đã bị truyền virus, dù không thể hiện triệu chứng bệnh, nhưng cây vẫn âm thầm mang virus và vẫn có khả năng lây truyền sang cây khác khi có điều kiện.
Phòng trừ: Bệnh do virus gây ra nên hiện chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, chúng ta có thể quản lý bệnh một cách hữu hiệu bằng cách quản lý con đường lây lan. Để quản lý được bệnh, chúng ta phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp mới có được kết quả mong muốn. Các biện pháp đó là:
Vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là những cây trồng là ký chủ của virus như cà chua, thuốc lá, cây họ bầu bí, khoai tây và một số loại rau. Tránh trồng gần các ruộng đang trồng những cây trồng nêu trên. Vệ sinh các loài cỏ dại quanh bờ (kể cả trong vườn ươm).
Vệ sinh dụng cụ làm vườn sau khi cắt tỉa cây bị bệnh.
Sử dụng các giống kháng sâu chích hút, kháng bệnh.
Sử dụng nguồn nước sạch để tưới.
Nhổ và tiêu huỷ các cây bị bệnh, không vứt cây bệnh lên bờ ruộng hoặc vứt xuống sông, suối.
Hạn chế làm xây xát cây khi trồng và chăm sóc.
Tránh bón thừa phân đạm, tăng cường các loại vi lượng bằng cách sử dụng phân bón lá Poly Feed 19-19-19 để tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh.
Theo dõi thật chặt chẽ mật độ các loại sâu chích hút, đặc biệt là rệp và bọ phấn trắng, để phòng trừ từ khi cây vừa mọc cho đến 25-30 ngày sau mọc. Đây là giai đoạn quyết định tỷ lệ cây bị bệnh, quyết định mức độ bệnh nặng hay nhẹ.
Hiện nay loại thuốc phổ biến và có hiệu lực đối với các loại sâu chích hút là dầu khoáng SK Enspray 99EC. Đây là sản phẩm hoàn toàn không độc với người và gia súc. Dầu khoáng SK diệt sâu qua cơ chế làm sâu ngạt thở mà chết. Để tăng thêm hiệu lực và tiêu diệt được một số loại sâu miệng nhai và bọ cánh cứng khác, bà con nông dân thường phối hợp dầu khoáng SK với loại thuốc sinh học như Comda Gold 5WG để phòng trừ.
Nguồn: nongnghiep.vn
Th319
Nông dân Bình Định được mùa ớt…ngọt
Sau nhiều năm ớt liên tục rớt giá, năm nay lại tăng rất cao. Những nông dân trung thành với cây ớt ở Bình Định có được vụ bội thu.
Ông Trần Văn Dũng (SN 1961) có thâm niên trồng ớt ở thôn Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) cho biết, hiện giá ớt chỉ thiên từ 30.000 – 32.000đ/kg; ớt sừng (còn gọi là ớt chỉ địa) từ 22.000 – 25.000đ/kg, có lúc vọt lên 45.000 – 47.000đ/kg, cao gấp hàng chục lần so với thời điểm trước tết.
Thu hoạch ớt chỉ địa
Ông Ngô Văn Tứ ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) cho biết thêm: “Trước tết, giá ớt chỉ địa chỉ ở mức 2.000đ/kg bởi thị trường Trung Quốc dừng thu mua, nhiều hộ trồng trà sớm trên chân đất cao, đất gò đồi chả thèm hái bán, tiền thu về không đủ trả công hái. Sau tết, giá ớt chỉ địa bất ngờ tăng mạnh, có thời điểm đạt mức “kịch trần” 47.000đ/kg. Mức giá này kéo dài cả tuần, ai có ruộng thu hoạch tại thời điểm này thì trúng to. Đây là cái giá “đỉnh” nhất trong 5 – 6 năm trở lại đây. Nếu giá ớt chỉ địa tiếp tục duy trì ở mức từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, người trồng cũng vui như tết”.
Vụ ĐX 2019, ông Đinh Hoàng Anh ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang trồng được 7 sào ớt chỉ địa (500m2/sào). Từ khi xuống giống đến thu hoạch, mỗi sào ông Anh đầu tư khoảng 3 triệu đồng. Bình quân thu hoạch xấp xỉ 1 tấn ớt/sào, chỉ tính với giá 22.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, ông Anh còn cho vào “hầu bao” khoản lãi ròng gần 20 triệu, cao gấp mấy lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Còn ở xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), địa phương chuyên trồng ớt chỉ thiên bán nội địa để “né” sự bấp bênh của thị trường Trung Quốc, bà con cũng vui to. Theo ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, xã có khoảng 15ha đất bãi bồi ven sông tập trung ở thôn Vĩnh Lộc và thôn Dõng Hòa được người dân đưa vào trồng ớt. Bà con chỉ trồng ớt chỉ thiên, giá tuy có thấp hơn ớt chỉ địa, nhưng tiêu thụ nội địa luôn ổn định.
“Do giá ớt mấy năm qua bấp bênh, nên vụ ĐX năm nay Phù Mỹ chỉ còn chừng 890ha, giảm hơn 200ha. Hiện bà con rất phấn khởi khi ớt được giá, nhưng vẫn đắn đo nhiều khi tính toán đến việc phát triển diện tích”, ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết.
Theo An Nhân- báo nông nghiệp
Th318
Một sống bệnh quan trọng trên cây ớt
1. Héo rũ gốc mốc trắng
– Tác nhân gây bệnh: Do nấm Sclerotium rolfsii.
– Triệu chứng bệnh: Triệu chứng điển hình của bệnh được thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa – hình thành quả – thu hoạch. Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng có thể dài tới vài centimet bao quanh thân, gốc, lan rộng xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Mô vết bệnh dần dần bị phân hủy, các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô toàn thân. Khi cây mới nhiễm bệnh thì rễ cây vẫn bình thường, sau đó rễ dần dần hóa nâu, thâm nâu và thối mục.
Trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, ẩm độ cao thì trên bề mặt vết bệnh sát mặt đất sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng phát triển mạnh, sợi nấm mọc đâm tia lan dần ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một đốm tản nấm màu trắng xốp, một vài ngày sau trên tản nấm đó sẽ hình thành nhiều hạch nấm. Khi còn non hạch có màu trắng sau chuyển dần sang màu nâu giống hạt cải. Bệnh xuất hiện có thể rải rác hoặc từng vạt trên ruộng tùy theo điều kiện ngoại cảnh đất đai và quá trình chăm sóc.
– Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh
Đây là loại nấm đa thực gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao nhưng thích hợp nhất là nhiệt độ 25-30oc. Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô nhưng chỉ tồn tại 2 năm trên đất ẩm. Sợi nấm chỉ sống được vài tuần và chết khi nguồn dinh dưỡng được sử dụng hết. Nấm gây bệnh được bảo tồn trong đất và các tàn dư cây trồng bằng hạch nấm hoặc sợi nấm, có khả năng sinh sống và nảy mầm ở độ sâu khoảng 5-8cm, nếu bị vùi lấp sâu hơn sẽ không có khả năng nảy mầm. Nấm không thể tồn tại trên đất bỏ hoang khoảng 2 năm. Sự có mặt của tàn dư cây trồng chưa bị phân hủy trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và xâm nhiễm của nấm bệnh. Bệnh thường phát sinh nặng hơn khi lượng lá rụng trên ruộng tích tụ quá nhiều chung quanh gốc.
2. Héo rũ thối đen
Do nấm Phytophthora capsici. Bệnh gây hại trên cây ớt trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển. Tùy từng giai đoạn và điều kiện ngoại cảnh khác nhau mà mức độ gây hại của bệnh cũng khác nhau. Ở thời kỳ cây con, vết bệnh lúc đầu là là một chấm nhỏ màu nâu hoặc màu đen ở rễ gốc thân. Sau đó vết bệnh lan lên phía trên làm hại thân lá và lan xuống phía dưới gây hại rễ chính, gây thối rễ, cây chết gục. Khi gặp trời mưa độ ẩm cao toàn cây bị thối nhũn ra, bề mặt mô bệnh thường có một lớp nấm màu trắng.Trời hanh khô cây bệnh nâu đen héo và chết. Khi cây lớn, trên gốc thân có vết màu đen kéo dài về phía trên và dưới. Khi chẻ phần thân thấy lõi có màu nâu đến nâu đen, nhưng đặc điểm này không có ở những vị trí cao hơn.
– Đặc điểm phát sinh gây hại của nấm
Nấm phát sinh gây hại trong phổ nhiệt độ rộng 12-300c. Bệnh phát triển gây hại mạnh khi thời tiết nóng ẩm và đất ướt, lượng mưa lớn hay tưới nước quá mức, nhất là khi trên ruộng đã có cây bị bệnh thì đây là điều kiện để bệnh lây lan ra cả ruộng, vì du động bào tử của nấm gây bệnh có thể bơi được trong nước.
3. Bệnh héo xanh vi khuẩn
Bệnh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra. Bệnh héo xanh thường thể hiện triệu chứng ngay sau khi vi khuẩn xâm nhập vào rễ hoặc phần thân sát mặt đất. Ở cây bị bệnh ban ngày lá cây mất màu nhẵn bóng, tái xanh héo cụp xuống, về ban đêm có thể hồi phục lại. Sau 2-3 ngày lá cây bị bệnh không thể hồi phục được nữa, các lá gốc tiếp tục héo rũ và toàn cây bị héo rũ rồi chết, cắt ngang thân thấy bó mạch dẫn hóa nâu hoặc nâu đen, nhúng đoạn thân vào cốc nước sạch sẽ thấy dịch vi khuẩn chảy ra màu trắng sữa (đây là đặc điểm để phân biệt bệnh do vi khuẩn và các đối tượng gây hại khác). Trong điều kiện ẩm độ cao, thân cây bệnh dần thối mềm, gãy gục.
– Điều kiện phát sinh phát men của bệnh:
Bệnh gây hại mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhất là khi gặp nắng mưa xen kẽ.
Nguồn bệnh vi khuẩn có thể sống trong đất 5-6 năm, còn trên cây ký chủ và trong hạt giống là 7 tháng.
Vi khuẩn chủ yếu tồn tại trong đất, tàn dư cây bệnh để trở thành nguồn bệnh cho vụ sau, năm sau.
Bón đạm quá nhiều, tưới nước quá ẩm, nhất là khi trên ruộng có cây bị bệnh sẽ thuận lợi cho bệnh lây lan và gây hại.
† Biện pháp quản lý bệnh các loại bệnh trên
+ Dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng.
+ Luân canh với cây không cùng ký chủ, tốt nhất là lúa nước.
+ Chọn hạt giống khỏe sạch bệnh để trồng, giống trên ruộng không bị bệnh.
+ Tránh gây tổn thương rễ trong quá rinh trồng trọt, chăm sóc.
+ Khi trồng cần lên luống cao sâu rộng để dễ thoát nước khi gặp mưa lớn.
+ Bón phân cân đối hợp lý tránh bón đạm quá nhiều.
+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện cây bị héo rũ để nhổ bỏ kịp thời, phải hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng.
+ Sử dụng giống chống chịu bệnh, giống ít bị bệnh.
+ Đối với bệnh do nấm Sclerotium rolfsii có thể cày sâu 10-13 cm để vùi lấp hạch nấm và dùng một số loại nấm đối kháng như: Trichoderm, Gliocladium…
+ Biện pháp hóa học thường hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực sự cần thiết có thể dùng một số loại thuốc phun để tăng cường sức đề kháng cho cây và hạn chế bệnh lây lan như: Rovral, Viroval, Hạt vàng, Carbendazim, Benlat… (dùng đối với bệnh do nấm Sclerotium rolfsii); Aliette, Ridomil, Phosacide… (dùng đối với bệnh do nấm Phytophthora capsici); Streptomycine 50-200ppm, Kasamin, Starner… (dùng đối với bệnh do vi khuẩn).
4. Khi cây ớt bị chết nhanh
Bà con nông dân ở vùng rẫy Long Hồ và Bình Minh có nhiều kinh nghiệm trong phòng trị các bệnh cho cây ớt- cây có giá trị kinh tế cao trong mùa mưa lũ như hiện nay. Trong mùa này, thủy cấp trong nhiều vùng ở đồng bằng dâng cao do đang vào mùa lũ và ẩm độ trong không khí cũng cao (mưa nhiều xen kẽ với nắng), nên không thích hợp với sự phát triển của cây ớt, vì là loại cây thích đất xốp thông thoáng. Bệnh gây thiệt hại lớn thường gặp trong lúc này của cây ớt là bệnh héo rũ khiến cây chết rất nhanh.
Theo bà con, bệnh do nấm gây ra (nấm Pythium sp. Và Fusarium sp.).Mầm bệnh thường lưu tồn trong đất, bã thực vật, nhất là các loại cây có mang bệnh này ở vụ trước. Rẫy ớt bị bệnh này thường là các rẫy thoát nước không tốt và việc luân canh cây trồng không hợp lý, nhất là vụ trước cũng trồng ớt. Trong rẫy ớt bị bệnh, rải rác có những cây có hiện tượng sáng và chiều lá vẫn tươi, nhưng trưa lại héo. Sau đó vài ngày, các cây ớt này nhanh chóng héo hoàn toàn, lá rụng và trái ớt bị giảm kích thước đáng kể. Nhổ cây ớt lên sẽ thấy rễ bị thối và có màu nâu.
Khi phát hiện trong rẫy ớt có hiện thượng này, phải lập tức nhổ bỏ các cây bệnh và tiêu hủy ngay để diệt mầm bệnh, tránh lây lan qua cây khác và cả các loại cây của vụ rẫy sau. Phòng và trị bệnh cho cây ớt lúc này bằng cách phun cho cây các loại phân bón lá giàu Can-xi như Caltrac, BoroCa, Hợp trí CaSi,… và phun các loại thuốc có gốc Fosetyl Alumium, Metalaxyl theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì, kết hợp việc khai nước ra cho ruộng thông thoáng. Trong bón phân, chú ý dùng phân cân đối, nên tăng cường phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học như Super Humic… Sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với sử dụng các sản phẩm có chứa nấm đối kháng Trichoderma, nhằm tiêu diệt mầm bệnh trên rẫy. Tuy nhiên, biện pháp hóa học không mang lại hiệu quả hữu hiệu nhất, mà phải dùng biện pháp tổng hợp nói trên, chú ý tuyệt đối không dùng hạt giống có mầm bệnh (lấy ở rẫy có cây bị bệnh) và xử lý đất trước khi xuống giống bằng các loại thuốc gốc đồng có bán nhiều trên thị trường.
5. Bệnh thối xám hại ớt
Trong vụ đông, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những đợt mưa phùn kéo dài, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển, làm cho cây trồng dễ mắc một số bệnh. Gần đây, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây ớt ở một số vùng thuộc các địa phương như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đã bắt đầu bị nhiễm bệnh do một loại nấm mốc màu xám gây ra. Bệnh phát triển khá nhanh, ở vùng bãi ven sông có xu hướng nặng hơn ở nội đồng. Đó là bệnh thối xám (gray mold hay botrytis cinerea). Nếu không kịp thời phòng trừ, trong thời gian tới khi có những giai đoạn mưa phùn kéo dài, bệnh sẽ có nguy cơ phát triển trên diện rộng.
Triệu chứng: Có thể tìm thấy các triệu chứng bệnh xuất hiện trên hoa, quả (trái) non, thân và lá ớt, kể cả ở phần cuống quả và đoạn cuống còn sót lại sau thu hoạch. Ngay từ đầu, những cánh hoa nhiễm bệnh sẽ chuyển màu xám và thối. Sau đó những quả ớt non trong diện tiếp xúc với những cánh hoa này sẽ có màu nâu đậm và bắt đầu mềm rũ. Quả non mang bệnh có nhiều khả năng bị rụng sớm. Trong khi đó, những quả ớt lớn hơn cũng có thể bị bệnh thông qua phần cuống của vòi nhụỵ. Quả bị nấm bệnh một thời gian sẽ bị mềm nhũn ra, biến màu nâu và thối. Vết bệnh trên thân cây thường phát sinh từ phần cuống quả của già còn sót lại sau thu hoạch hay do những cánh hoa bị bệnh bay trong gió và rơi xuống. Nấm mốc màu xám xuất hiện trên hầu hết các vết bệnh, nhưng các vết trên thân và lá không có nhiều nấm này như ở cánh hoa và quả non.
Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh:
Nguồn gây bệnh ban đầu là các sợi nấm bay tới từ các ruộng bị bệnh ở kế bên, nhất là đầu hướng gió thổi tới, hay của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi như đã nhắc tới ở trên, chúng hình thành các bào tử đính (conidia) và bắt đầu phát tán, đồng thời tạo ra các vết bệnh mới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho bệnh bùng phát là vào khoảng 14-200C. Bệnh không chỉ gây hại cho cây trồng ngoài ruộng mà còn có thể tấn công cả cây trong nhà lưới hoặc nhà kính của các trung tâm rau sạch.
Phòng trừ:
Khi trồng cần làm đất sạch, tơi xốp, khô thoáng và chọn trồng những cây non khỏe mạnh, không mang bệnh. Trồng ớt với mật độ vừa phải, không nên quá dày. Khi cần tưới nước, chỉ tưới vào gốc, tránh tưới trên tán lá ớt để hạn chế độ ẩm cao. Nếu phun bổ sung phân bón lá thì nên phun vào buổi sáng của ngày nắng ấm để nước dễ bay hơi. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp và độ ẩm cao cần lưu ý phun thuốc phòng bệnh. Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện, điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 đến 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng. Khi cây đã bị bệnh, cần xử lý bằng thuốc trừ bệnh. (Báo NNVN đã có dịp giới thiệu về thuốc phòng và trừ bệnh hại cây trồng trên số 1607 ngày 1/4/2003). Nên sớm loại bỏ các lá, quả và thân cây bị nhiễm bệnh vì chúng chính là nguồn gây bệnh cho các cây khoẻ mạnh khác. Có thể kể ra một vài tên hoạt chất (active ingredient) của các thuốc hóa học thường dùng phòng trừ bệnh này như: Folpet, Metalaxyl, Daconil, Benomyl v.v.
6. Bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái – nổ trái)
Triệu chứng bệnh
Vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ hơi lõm, trên bề mặt vỏ quả. Vết bệnh, thường có hình bầu dục hoặc hình thoi, mầu nâu đen hoặc màu vàng trắng bẩn, kích thước vết bệnh có thể trên dưới 1cm tuỳ thuộc vào giống ớt. Phần ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ thường có một đường vạch màu đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên bề mặt mô bệnh có những chấm nhỏ màu đen đó là đĩa cành của nấm gây bệnh.
Bệnh thán thư làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, đặt biệt làm thối quả, cây bệnh ít quả, kém năng suất và giá trị kinh tế, xuất khẩu. Đặc biệt bệnh thán thư hại ớt cả trong thời kỳ bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt giống.
Tác nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh thán thư do nhiều loài nấm thuộc loại Colletotrichum gây ra, trong đó hại phổ biến là 2 loài Colletotrichum nigrum Ell et Hals và C. capsici (Syd) Butler and Bisby. Cả 2 loài nấm này thường cùng phá hại làm thối quả ớt rất nhanh. Về đặc điểm hình thái và sinh học của 2 loài nấm trên có những khác biệt, song về điều kiện sinh thái, chúng đều sinh trưởng phát triển thích hợp ở nhiệt độ 28 – 30oC và ẩm độ cao. Đặc biệt bào tử nấm thán thư có sức sống cao, có khả năng chịu đựng khô hạn, dễ dàng phát tán nhờ gió và côn trùng. Nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm và bào tử phân sinh trên tàn dư lá, thân cành, quả và hạt ớt bị nhiễm bệnh. Vì vậy tàn dư cây ớt bị nhiễm bệnh và hạt giống cũng là những con đường truyền lan bệnh chủ yếu trong tự nhiên.
Nếu vết bệnh có màu trắng trắng xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm nhô lên và có màu vàng nhạt, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng do nấm Colletotrichum spp. gây ra (Colletotrichum gloeosprioides; C. capsici; C. acutatum; C. coccodes).
Nếu vết bệnh có màu đen không có nhiều vòng đồng tâm, trong vết bệnh có nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, và chỉ gây hại trên trái chín mà thôi, do nấm Volutella sp. gây ra.
Biện pháp phòng trị
– Xử lý hạt giống bằng KMnO4 (0,1%) trong 1 giờ hoặc xử lý nước nóng 52oC trong 2 giờ.
– Gieo trồng ớt ở mật độ thích hợp.
– Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ.
– Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 – 3 năm.
– Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.
– Tránh trồng ớt trong mùa mưa. Nếu ớt gặp mùa mưa, xem cách chăm sóc và phòng trừ bệnh thán thư trên ớt trong mùa mưa.
– Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, … nồng độ 0,2 – 0,5% khi bệnh gây hại.
– Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt có thể sử dụng chế phẩm Bayfolan khoáng chất 11 – 8 – 6 của Công ty Bayer với liều lượng 50ml/bình 16l. Chế phẩm Bayfolan dễ hấp thụ qua lá, thân, rễ cây, giúp cây ớt tăng sức đề kháng, tăng khả năng đậu quả, không rụng hoa và quả.
Trên cây ớt thường bị phá hại bởi các loại côn trùng, sâu ăn lá, sâu đục quả ớt, tạo các vết thương cơ giới rất thuận lợi cho nấm gây bệnh thán thư xâm nhập phá hại. Vì vậy có thể dùng thuốc Bulldock 025EC liều lượng 0,5 – 1lít/ha diệt sâu hại.
Để phòng trừ nấm gây bệnh thán thư ớt, cần sử dụng kịp thời một số thuốc trừ bệnh chủ yếu sau: Thuốc Antracol 70WP (liều lượng 2kg/ha) phun trực tiếp lên lá, cây hoặc quả khi bệnh mới xuất hiện. Thuốc Antracol 70WP ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán thư còn có tác dụng bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp. Nhờ có vi lượng kẽm, thuốc Antracol 70WP còn phòng trừ rất tốt bệnh vàng lá.
Có thể phun luân phiên thuốc Antracol 70WP (1.5 – 2 kg/ha) với thuốc Nativo 750WG (liều lượng 0,12kg/ha), nhờ tác động kép giữa 2 hợp chất trừ bệnh của thuốc Nativo 750WG giúp cây ớt phòng trừ được tất cả các bệnh nấm hại cây và quả ớt kéo dài.
Ngoài 2 loại thuốc trên, người sản xuất cũng có thể dùng luân phiên với thuốc Melody DUO 66,75WP với liều lượng theo khuyến cáo (1kg/ha).
7. Bệnh chết cây con:
Nguyên nhân: Bệnh do nhiều loại nấm sinh sống và gây hại trong đất như Rhizoctonia solani, Pythium, Fusarium, Phytophthora spp. + Triệu chứng: Bệnh xảy ra trong giai đoạn cây con, triệu chứng dễ nhận diện do phần thân cây tiếp giáp với mặt đất bị thối khô có màu nâu đen, cây bị bệnh không đứng thẳng mà ngả sang một bên, lá rũ, còi cọc và chết. Bệnh chết cây con thường thấy khi ẩm độ và nhiệt độ cao. Bệnh thường xuất hiện khi gieo quá dày, tưới nước quá nhiều nhất là khi gieo hạt mùa mưa mà không có giàn che.Phòng trừ: – Không lập vườn nơi quá ẩm ướt không thoát nước tốt hay vườn tối, không đủ ánh sáng, nên làm giàn có mái che.
– Đất vườn ươm phải xử lý trước khi gieo như xử lý vôi, đốt rơm rạ, phơi nắng trước khi trồng…
– Nên bón phân hữu cơ đã hoai mục, hạn chế bón nhiều phân hóa học nhất là đạm.
– Luân canh với các cây trồng khác họ cà (cà, ớt, khoai tây…) để diệt nguồn bệnh.
– Xử lý hạt giống trước khi gieo: Trộn 10 gr thuốc Carbenzim 50WP trong 1 kg hạt giống hay ngâm hạt vào dung dịch nước thuốc với nồng độ 0,1% (pha 1 gr thuốc/1 lít nước) trong 1 – 2 giờ
– Phun thuốc hoá học: Khi thấy cây chớm bệnh phải phun thuốc trừ bệnh ngay, có thể sử dụng các loại thuốc sau: Carbendazim 500 FL, Mexyl MZ 72WP, Alpine 80WP. Nếu cây nhiễm bệnh nặng 5 – 7 ngày phun một lần
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.
Th314
Nông dân Ninh Thuận lãi cao nhờ trồng ớt Hàn Quốc
Sau ba tháng trồng giống ớt Hàn Quốc trên diện tích rộng 5.000 m2, một hộ dân ở Ninh Thuận thu hoạch 10 tấn, lãi 70 triệu đồng.Bà Nguyễn Thị Bé ở xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, gia đình có khoảng 5.000 m2 đất trồng giống ớt Hàn Quốc, đang bước vào đợt chín rộ và cho thu hoạch. “Mùa ớt bắt đầu rộ lên từ tháng này rồi sau đó thu hoạch dần cho đến 2-3 tháng sau, tuỳ vào sản lượng hái”, bà Bé nói và cho biết giống ớt Hàn Quốc khá hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất xã Lâm Sơn, nên mỗi cây cho trái nhiều, đỏ tươi. Quả ớt khá lớn, trung bình khoảng 30 trái một kg, bán với giá 11.000 đồng mỗi kg. Với khoảng 5.000 m2 trồng ớt, gia đình bà Bé thu hoạch khoảng 10 tấn. “Vụ này, trừ mọi chi phí, tôi lãi khoảng 70 triệu đồng”, bà cho hay. Từng trồng ngô, song thường xuyên mất mùa, giá lại thấp nên ông Soh Ao Ha Thuỷ ở xã Lâm Sơn đã rẽ sang giống ớt Hàn Quốc, sau khoảng ba tháng thì có thể thu hoạch. “Hơn 2 sào ớt, tôi thu được 35 triệu đồng mỗi vụ, giúp cải thiện đời sống của gia đình”, ông nói. Để ớt sai quả, chất lượng tốt, ngoài việc bón phân, người trồng còn sử dụng nguồn nước sạch để tưới cây. Khi ấy, quả ớt đủ nước chín đều, da căng và cho nhiều bột.Theo chính quyền địa phương, xã Lâm Sơn có gần 35 hộ dân với 12 hecta trồng giống ớt Hàn Quốc. Toàn bộ sản lượng ớt được Hợp tác xã ký hợp đồng canh tác thu mua theo giá thị trường thỏa thuận với các hộ dân, đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Ớt sau khi mua từ người dân được đưa đến xưởng sơ chế thành ớt bột tại địa phương. Mỗi năm, cơ sở gia công khoảng 500 tấn ớt bột để đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Ớt Hàn Quốc có đặc điểm trái to, chất lượng tốt, thơm ngon, có độ cay và cho hiệu quả kinh tế cao nên được người dân chọn phát triển. Ngoài ra, đây là dự án trồng ớt giữa UBND Ninh Thuận ký kết với một tập đoàn của Hàn Quốc, để phát triển nông nghiệp của địa phương hồi năm 2014 với kinh phí khoảng 1,8 triệu USD. Tập đoàn này hỗ trợ vốn, cung cấp giống cùng các chuyên gia của nước này đến hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, gieo trồng để đảm bảo đúng giống Hàn Quốc.
Theo Thanh Châu / Vnexpress
Th312
Chanh leo mộc châu chi chít quả, ăn ngay tại vườn vì quá sạch
Niên vụ năm nay, giá chanh leo ở Sơn La luôn giữ ở mức ổn định trên 20.000 đồng/kg. Mặc dù hiện đã vào thời điểm cuối vụ, song việc mua bán chanh leo ở các huyện Vân Hồ, Mộc Châu vẫn diễn ra vô cùng sôi động.
Chanh leo Mộc Châu chi chít quả, ăn ngay tại vườn vì quá sạch
Theo ông Tráng A Cao, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tráng A Cao, hiện chanh leo đang được bà con bán sô với giá 20.000 đồng/kg, thậm chí đầu vụ bà con còn bán được 28.000 đồng/kg. So với các năm trước, năm nay, chanh leo dễ bán hơn. Hiện ở huyện Vân Hồ đang có hàng chục điểm thu mua chanh cho bà con.
Cây chanh leo đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con người Mông ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
“Cây chanh leo đã và đang mang lại lợi nhuận ổn định cho người trồng. Hiện riêng HTX của chúng tôi đã trồng hơn 40ha chanh leo. Với giá ổn định như hiện tại, mỗi ha chanh leo, trừ chi phí, người trồng có thể thu lãi từ 200-300 triệu đồng”, ông Cao cho biết.
Giá chanh leo hiện ổn định từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, người trồng có lãi khoảng 200-300 triệu đồng/ha.
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 700ha chanh leo. Mỗi ha chanh leo cho ở thời kỳ ổn định kinh doanh năng suất đạt khoảng 10 đến 15 tấn, ước tính sản lượng chanh leo của tỉnh năm nay đạt trên 10.000 tấn
Mô hình trồng chanh leo của anh Tráng A Của ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đến nay anh Của đã thu được 2 vụ chanh. Theo anh Của, so với trồng ngô, trồng su su, cây chanh leo cho thu nhập cao gấp 10 lần.
Hiện cây chanh leo được trồng tập trung tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu và Yên Châu. Riêng huyện Mộc Châu có diện tích khoảng gần 300 ha.
Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép đầu tư, bao tiêu và chế biến sản phẩm chanh leo. Hiện diện tích vùng nguyên liệu của công ty là trên 500ha. Công ty cũng đã trồng thí điểm thành công 8ha chanh leo theo tiêu GlobalGAP để tiến tới xuất khẩu sang một số thị trường.
Chanh leo trồng ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ vừa ngon, vừa sạch và có thể ăn ngay tại vườn.
Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở Mộc Châu rất thích hợp để cây chanh leo phát triển tươi tốt, không cần chăm sóc nhiều cũng cho quả sai chi chít, chất lượng thơm ngon.
Theo Danviet.vn
Th306
Nghệ An thành công từ mô hình trồng đậu ve leo trên đất cao cưỡng
Hiện nay trên địa bàn xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có một số vùng đất cao cưỡng trồng lúa, năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đặc biệt trên diện tích này, sản xuất lúa vụ Hè Thu luôn gặp hạn, có khi mất trắng. Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng rau an toàn trên đất hai lúa cao cưỡng.
Năm 2018, nông dân xã Nam Anh đã mạnh dạn triển khai mô hình “Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu ve leo (đậu cô ve) vụ Thu Đông” với quy mô 2ha. Mục tiêu của mô hình là thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với sản xuất ngô, lúa.
Đến nay, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả, đầu ra rất thuận lợi khi các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Khi tiếp xúc, nông dân nơi đây phấn khởi chia sẻ: Đậu ve leo khá dễ trồng và thích hợp với vùng đất này, cả quá trình từ khi trồng cho đến khi được thu hoạch chỉ mất từ 50 – 55 ngày. Đậu ve cho thu hoạch liên tục 2 – 3 tháng, với năng suất trung bình từ 1 – 1,5 tấn/sào, sau khi trừ chi phí, người nông dân được lãi từ 4 – 5 triệu đồng/sào
Thành công của mô hình là cơ sở để bà con xã Nam Anh nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung xây dựng cơ cấu chuyển đổi cây trồng hàng năm hợp lý, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của vùng đặc biệt là giảm được thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết.
Trần Thị Hoài Phương
Trạm KN huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Th601