Tin tức

Nâng tầm sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Nông dân ý thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, theo hướng hữu cơ. Ảnh: THẢO LY
Triển khai Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó ưu tiên các loại cây, vật nuôi chủ lực và tiềm năng như: lúa, cây có múi, khoai lang, bò, heo, gà thả vườn, cá tra, thủy sản nuôi lồng bè…, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 nâng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Vĩnh Long. Đặc biệt, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển với tốc độ khá theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đã tạo ra khối lượng nông, thủy sản hàng hóa lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016- 2020 tăng bình quân trên 2%/năm, trong đó có một phần đóng góp của nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, tại Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ như: Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình), mô hình sản xuất gạo hữu cơ thảo dược Tấn Đạt của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), mô hình chuỗi giá trị lúa gạo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm), mô hình trồng cam hữu cơ của HTX Nông nghiệp cam sành Organics huyện Trà Ôn…
Toàn tỉnh có 24 cơ sở sản xuất nông nghiệp- thủy sản và 31 trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tốt, tiên tiến.
Trong đó, có 13 cơ sở sản xuất cây trồng (hơn 300ha), 2 cơ sở chăn nuôi và 9 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm (gần 6ha cá tra, 60.732m3 nuôi thủy sản lồng bè và 5,5ha nuôi thủy sản khác) được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương.
Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên cây ăn trái đặc sản được chứng nhận đạt mới hoặc tái chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Điển hình trong các cơ sở nêu trên có thể kể đến HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ xã Hiếu Thuận ở ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm). Vào cuối tháng 7/2019, HTX ra đời với 24 thành viên, hoạt động chủ yếu là sản xuất lúa 3 vụ/năm trên diện tích 20ha, đến nay đã lên đến 35ha.
Bên cạnh hiệu quả từ sản xuất hữu cơ mang lại (nhất là cải thiện môi trường đồng ruộng ở khu HTX), nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nên hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả bước đầu nêu trên tạo điều kiện cho tỉnh mở rộng loại hình sản xuất này trong thời gian tới.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ dài hạn
Thực tiễn cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long đang từng bước chuyển dịch theo hướng an toàn, hữu cơ để khắc phục những nhược điểm vốn đã tồn tại lâu dài là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng hàng hóa nông sản chưa cao, lợi nhuận còn thấp, ô nhiễm môi trường, sử dụng quá nhiều hóa chất, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng…
Nguồn tin: báo Vĩnh Long
Th927

Indonesia cho phép phát triển và nhập khẩu giống đậu tương biến đổi gen
(Tieudung.vn) – Theo trang tin tức Kabarbisnis của Indonesia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo đã có chỉ đạo yêu cầu triển khai sớm các hoạt động nhập khẩu và phát triển các giống đậu tương biến đổi gen (BĐG).
Bước tiến trong chính sách ứng dụng cây trồng BĐG tại Indonesia
Trong buổi làm việc với Uỷ ban IV DPR hôm 31/08 vừa qua, ông Kasdi Subagyono, Tổng thư ký Bộ Nông nghiệp, chia sẻ: “Giờ đây chúng ta có thể và sẽ phát triển giống đậu tương BĐG, việc mà trước đây chúng ta không được phép.” Ông Kasdi cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo đã chỉ đạo nhập khẩu hạt giống đậu tương BĐG để phục vụ nhu cầu canh tác và sử dụng trong nước. Hoạt động này có thể được thực hiện cùng lúc với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp Indonesia và nông dân phát triển các giống đậu tương bản địa. Ông Kasdi cho rằng lệnh cấm phát triển cây trồng BĐG ở Indonesia là không công bằng bởi đậu tương nhập khẩu vào Indonesia thực chất đều là các sản phẩm BĐG và hoàn toàn an toàn để sử dụng. “Mặc dù hàng năm chúng tôi nhập khẩu và tiêu thụ đậu nành BĐG nhưng lại không được trồng và phát triển các giống cây này. Bước tiến pháp lý này sẽ là một cách tiếp cận mới của Indonesia,” ông bổ sung.
Áp lực về nguồn cung đậu tương cho tiêu dùng trong nước tại Indonesia
Đậu tương là cây lương thực quan trọng thứ ba ở Indonesia sau gạo và ngô và là nguồn cung cấp protein dồi dào. Nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại quốc gia này có xu hướng tăng hàng năm. Năm 2020, con số này là khoảng 3,28 triệu tấn, trong khi sản lượng sản xuất trong nước chỉ đạt 0,63 triệu tấn, do đó Indonesia phải nhập khẩu khoảng 81% lượng đậu tương hàng năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các nỗ lực nhằm tăng sản lượng đậu tương trong nước đã được tiến hành từ thập kỷ trước thông qua việc gia tăng diện tích và số lượng nông trại, tối ưu hóa công nghệ mới, sử dụng hạt giống có năng suất tốt hơn và yêu cầu sử dụng đất hoang để sản xuất. Tuy nhiên nỗ lực của Indonesia vẫn chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao đối với mặt hàng này.
Đậu tương trồng tại Indonesia (Nguồn: Worldgrain)
Nhu cầu đậu tương của các nhà máy thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao, năm 2021-2022, sản lượng tiêu thụ đậu tương cho thức ăn chăn nuôi ước tính khoảng 5,35 triệu tấn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), giá khô đậu tương hiện nay tại Indonesia đã tăng lên hơn 526 USD/tấn, cao hơn 9% so với mức giá trung bình năm 2021 là 481 USD/tấn. “Chi phí nguyên liệu thô tăng cao hơn đang gây áp lực lên lợi nhuận của ngành thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm 2021-22” – USDA cho biết.
Với việc mở cửa cho phát triển và nhập khẩu giống đậu tương BĐG, Bộ Nông nghiệp Indonesia đặt mục tiêu sản xuất cho năm nay là 500,000 tấn đậu tương từ nguồn ngân sách trực tiếp của Bộ. Năm tiếp theo, con số này sẽ tăng lên khoảng 590,000 tấn với nguồn ngân sách hỗ trợ khoảng 450 tỷ Rupi (khoảng 711 tỷ đồng).
Theo các dữ liệu của Hiệp hội Hợp tác xã Đậu phụ và Đậu nành của Indonesia (Gakoptindo), quốc gia này tiêu thụ mỗi năm khoảng 3 triệu tấn đậu tương để sản xuất khoảng 1 tấn đậu phụ và tempeh – món ăn ưa thích của đất nước được lên men từ đậu tương. Cho tới nay, sản lượng đậu tương trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu này. Năm 2021 cũng chứng kiến mức giá tăng đột biến của hai sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều này. Nguyên nhân của điều này không gì khác ngoài việc giá đậu nành nhập khẩu tăng vọt từ 7.000 Rp lên 9.000 Rp, tức là tăng gần 30%. Điều này khiến các nhà sản xuất tại Indonesia phải thực hiện rất nhiều cuộc đình công. Với tempeh và đậu phụ là mặt hàng tiêu thụ chính của hầu hết các hộ gia đình với thu nhập từ trung bình đến thấp tại Indonesia, việc phụ thuộc vào đậu tương nhập khẩu đã đặt ra yêu cầu rằng chính phủ Indonesia cần phải phát triển các chính sách để đáp ứng nhu cầu trong nước thông qua các nhà cung cấp địa phương.
Để có thể giải quyết vấn đề này, một biện pháp mà Indonesia cần phải thực hiện là nhanh chóng tăng cường khả năng tự lực sản xuất trong ngành đậu tương. Năng lực sản xuất quốc gia phải được ưu tiên để không còn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Việc ưu tiên năng lực sản xuất của ngành đậu tương ở Indonesia cũng có thể giúp quản lý giá cả đậu tương trong nước được tốt hơn, tránh các rủi ro về tăng giá đột biến.
Th927

Giá phân bón sẽ bật tăng mạnh vào trong cuối 2022 và đầu 2023
(Tieudung.vn) – Sau một thời gian có chiều hướng giảm, gần đây giá nhiều loại phân bón đã bật tăng trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo, giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng mạnh trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do thiếu hụt nguồn cung.
Thiếu hụt nguồn cung
Qua khảo sát thị trường, giá đạm ure Cà Mau, Phú Mỹ, Hà Bắc và nhiều loại ure nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia đang được bán ra ở mức 780.000 – 840.000 đồng/bao 50kg. Trong khi đó, giá nhiều loại DAP, Kali, NPK tiếp tục duy trì ở mức cao. Phân bón NPK 20-20-15 Con Cò và nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc có giá 1.350.000 – 1.450.000 đồng/bao; Kali nhập khẩu từ Nga và Canada có giá bán lẻ tại nhiều nơi ở mức 990.000 – 1.100.000 đồng/bao.
Theo thống kê, hiện cả nước cần khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Trong khi năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khoảng 4 triệu tấn.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, hiện giá phân bón trong nước và thế giới đang chịu nhiều áp lực tăng giá. Đầu tiên do Nga và Trung Quốc là những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu phân bón lớn nhất. Tuy vậy sản lượng xuất khẩu phân bón của Trung Quốc giảm mạnh từ tháng 9/2021 sau lệnh cấm xuất khẩu, và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đã làm hạn chế nguồn cung phân bón trên toàn cầu.
Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với ure ban đầu được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa. Hiện tại, tồn kho ure của Trung Quốc tại cảng đang thấp hơn 60% so với mức trung bình 10 năm. Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022.
Theo phân tích của hãng Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 – 500.000 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, thị trường phân bón Nitơ của châu Âu đang làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá ở Bắc Mỹ khi hàng loạt các nhà máy cắt giảm sản lượng vì thiếu hụt nguồn cung. |
Ở một diễn biến khác, sau khi căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra, các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga gồm hoãn đường ống dẫn khí Nord Stream 2; bắt buộc thanh toán khí bằng đồng Ruble; hạ dần sản lượng khí nhập khẩu từ Nga trong các năm tiếp theo đã khiến cho việc duy trì đủ lượng khí đốt của EU trở nên khó khăn hơn. Việc thiếu hụt nguồn cung khí trong khi nhu cầu vẫn cao đã khiến giá khí tại châu Âu tăng vọt. Giá khí tự nhiên đã tăng 4,37 USD/MMBtu hay 117,19% từ đầu năm 2022 đến ngày 12/9/2022.
Giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh khi giá khí duy trì ở mức cao. Với giá khí như hiện tại, nhiều nhà máy đã đóng các dây chuyền sản xuất Ammonia hoặc sản xuất phân ure vì giá bán không bù được chi phí. Ước tính khoảng gần 30% công suất sản xuất ure bị cắt giảm và gần 25% công suất sản xuất Ammonia bị cắt giảm.
“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, chúng tôi dự đoán giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao” – ông Phùng Hà đưa ra dự báo.
Duy trì tối đa công suất, ổn định nguồn cung trong nước
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022 cả nước xuất khẩu trên 1,11 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 721,81 triệu USD. Giá trung bình 649,7 USD/tấn, tăng mạnh 41,5% về khối lượng, tăng 174,3% về kim ngạch và tăng 93,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021. Giá phân bón tại thị trường Việt Nam dự báo tăng trở lại trong các tháng cuối năm. Mặc dù giá bán xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, giá ure trong nước giảm hơn 20% trong quý 2 do nhu cầu giảm.
Mặc dù quý 3 vẫn là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, nhưng do nguồn cung phân đạm từ châu Âu bị cắt giảm nên giá các loại phân bón đã bắt đầu tăng trở lại. Dự báo giá phân đạm trong nước tiếp tục tăng trong quý 4 khi vụ Đông Xuân bắt đầu, và sẽ duy trì ở mức cao trong quý 1/2023.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Vũ Xuân Hồng chia sẻ, thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như Lưu huỳnh tăng gấp đôi, ure tăng 89%… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Là đơn vị sản xuất trong nước, với sự tăng cao của nguyên liệu như vậy, DN đứng trước thực tế là không đủ nguyên liệu cho sản xuất, dẫn đến sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Đặc biệt, với nguyên liệu đầu vào cao kéo theo giá thành cao, nên giá bán cũng phải đưa lên cao, làm giảm sức tiêu dùng của thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, để ổn định thị trường, các DN sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước. Đến nay các DN đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước. Những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến. Cùng với đó, để giảm giá phân bón, DN cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hòa lợi ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất.
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, cần tăng cường nguồn cung trong nước. DN sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Các DN cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
Th926

Thanh long tăng giá trở lại
Sau thời gian giảm sâu vì thương lái ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng, hiện nay, thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã dần tăng giá trở lại. Các vựa thanh long đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá 30.000 đồng/kg, loại 2 với giá 25.000 đồng/kg và loại 3 là 20.000 đồng/kg. Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.
Một vườn trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo.
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.684 ha thanh long; trong đó diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha. Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo đang tích cực chăm sóc, xông đèn để xử lý thanh long ra hoa trái vụ chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2023.
Vào thời điểm tháng 8/2022, là cao điểm thanh long vào vụ thu hoạch rộ nên giá thanh long giảm mạnh, thương lái thu mua thanh long ruột đỏ giá chỉ từ 2.000 – 4.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Vì vậy, một số người dân đốn bỏ những vườn thanh long già cỗi, lâu năm để chuyển sang các loại cây trồng khác, chủ yếu là cây dừa.
Để giữ vững diện tích thanh long, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Chợ Gạo chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng chính quyền xã trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền vận động người dân duy trì diện tích thanh long hiện có trên địa bàn, cũng như hạn chế việc chuyển đổi ồ ạt sang một loại cây trồng khác khi đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Đồng thời, ngành chuyên môn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa…
Năm 2022, để phát huy hiệu quả vùng chuyên canh, huyện tiếp tục triển khai Đề án Phát triển cây thanh long đến năm 2025 cũng như định hướng nông dân sản xuất và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho cây thanh long Chợ Gạo trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Để làm được điều đó, huyện Chợ Gạo tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, kể cả người sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất trái thanh long; tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển mạnh để làm đầu mối trong liên kết sản xuất chuỗi; đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với rà soát điều chỉnh vùng chuyên canh cây thanh long để ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất.
Theo ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, để có giải pháp lâu dài và bền vững phát triển cây thanh long trong tương lai, UBND huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết tiêu thụ thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
H.An – Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Th926

Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 09 năm 2022
Cần Thơ có thêm 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 3 sao
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Ngày 20-9, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 cho 18 sản phẩm của 8 chủ thể ở quận Bình Thủy và huyện Thới Lai. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị
Kết quả, có 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm: đậu phộng tỏi ớt, đậu phộng gấc mật ong, đậu phộng sầu riêng đa sắc, đậu phộng sữa chua đa sắc, đậu phộng socola, hạt điều nướng mộc, hạt điều gấc mật ong, hạt điều vị tỏi ớt của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đinh Gia Food (quận Bình Thủy); gạo Đại Thành Phát của Hợp tác xã (HTX) Đại Thành Phát và nhãn Ido Định Môn của HTX nông nghiệp Đồng Tâm (huyện Thới Lai); có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: thanh nhãn Tín Huy của HTX Thuận Phát; nhãn Ido Xuân Thắng của HTX nông nghiệp Hòa Thành Thắng; sầu riêng Trường Thành của HTX Tân Trung Thành; na Trường Thắng của HTX Thịnh Thắng và 4 sản phẩm mắm cá linh, cá sặc, cá chốt, cá lóc của Cơ sở sản xuất mắm Bà Đầm thuộc huyện Thới Lai.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè chỉ đạo các sở, ngành và các quận, huyện tích cực quan tâm, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận những chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của thành phố và Trung ương; đồng thời, yêu cầu các chủ thể OCOP sớm hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm đầy đủ theo góp ý của các thành viên Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc tuân thủ các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, đến cải tiến bao bì, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm… phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và yêu cầu của thị trường, từ đó, nâng chất cũng như khai thác tốt tiềm năng và giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP của địa phương.
Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ có 74 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP 4 sao và 3 sao. Trong đó, 50 sản phẩm được đạt OCOP 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao.
Tin, ảnh: MỸ HOA
Th604
Siêu nông dân ruộng bê tông: Trồng chơi chơi lấy bóng mát ai ngờ thu nhập “khủng” từ vườn nho sân thượng
Ban đầu trồng nho trong vườn nhà phố chỉ để trong gia đình ăn và tạo bóng mát nhưng nay giàn nho của người đàn ông này có thể cho thêm thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm từ việc bán nho và cây giống. Giá nho ở mức 100.000 đồng/kg nhưng không dễ mua vì khách đã đặt hàng hết khi nho vừa ra quả.
Những ngày đầu tháng 6, thời tiết ở TP. HCM mưa nắng thất thường khiến người đàn ông về hưu Trương Văn Ở (64 tuổi, quận 9, TP. HCM) có chút bận tâm cho giàn nho trĩu quả trước sân nhà đang trong mùa thu hoạch bán cho khách.
Vừa bước vào cổng nhà ông Ở, đập vào mắt là hàng nghìn chùm nho lủng lẳng, quả rất nhiều trông rất bắt mắt. Cả khu vườn trước nhà được tô điểm bởi một màu xanh mát của giàn nho mà khiến ông Ở dù đã quá quen thuộc vẫn thấy thích thú mỗi khi ngước nhìn.
Chia sẻ về cơ duyên có được giàn nho đặc biệt do chính tay mình trồng, ông Ở cho biết, trong một lần du lịch ở Phan Rang (Ninh Thuận), ông được người bạn cho 2 nhánh nho về nhà trồng thử cho vui. Tuy nhiên khi trồng thì chết mất một nhánh, nhánh còn lại có ra quả nhưng cực kỳ chua.
Sau đó ông Ở tìm hiểu thêm về phương pháp trồng nho, làm sao để cây nho thích ứng được với khí hậu ở TP. HCM cũng như thổ nhưỡng tại sân vườn nhà mình. Thế rồi ông tiến hành ghép cây nho này với nho rừng để trồng thử nghiệm, trong quá trình thực hiện ông cũng rút được những kinh nghiệm nhờ đọc sách báo, xem trên mạng, tham khảo bạn bè,… để tìm hiểu rồi mới có thể làm ra giàn nho tại nhà, giữa thành phố như hiện tại.
Công phu lắm, chăm sóc kỹ và có đầu tư về khoa học kỹ thuật trong đó có sự hỗ trợ từ Viện nghiên cứu sinh học TP. HCM, từ đó mới ghép được những nhánh nho trồng được ở đây”, ông Ở chia sẻ.
Theo ông Ở, khí hậu ở đây rất khác so với ở Phan Rang nên ông cải tạo, ghép làm sao cho cây này phù hợp với thời tiết ở TP. HCM. Khi quen được thổ nhưỡng ở vùng đất hay có “những cơn mưa bất chợt” rồi thì việc chăm sóc khá dễ.
Sau hơn chục năm kinh nghiệm trồng nho tại nhà, ông Ở cho rằng cây nho phải ghép thì mới trồng được thổ nhưỡng ở đây và cho ra quả thường xuyên.
Thời gian đầu ghép và trồng chỉ ra quả nho như hạt tiêu, sau đó phải mất khoảng 3 năm mới ra quả như thế này”, ông Ở chia sẻ thêm.
Có nhiều người hỏi tuổi thọ của cây nho là bao nhiêu năm nhưng ông vẫn chưa xác định được là bao lâu vì cây lâu nhất của ông trồng đến nay đã 11 năm vẫn còn cho ra quả bình thường.
Ông Ở cho biết, tổng diện tích trồng nho tại nhà mình khoảng 500m2. Mặc dù ban đầu trồng nho tại nhà gặp nhiều khó khăn nhưng vì đam mê nên không bỏ cuộc, không nản lòng, thất bại thì mình làm lại. Nếu trồng không có quả thì để làm bóng mát nhưng ông vẫn muốn nghiên cứu trồng cho ra quả mới ưng ý.
Theo ông Ở, cây nho được chăm bón bằng phân hữu cơ chứ không can thiệp bất cứ loại thuốc hoá học nào, vì vậy mà cho quả ngọt hơn, không có vị chua. Đối với nho xanh, một năm vườn nho nhà ông cho được 2 mùa quả, còn nho đỏ thì 3 mùa quả. Tuy nhiên, số lượng nho xanh năng suất lại thấp hơn nho đỏ. Mỗi năm sản lượng nho thu hoạch khoảng từ 700kg – 1 tấn nho, tuỳ theo thời tiết.
Ngoài bán nho, ông Ở còn bán cây nho giống do chính tay mình ghép với giá từ 400.000 – 600.000 đồng một chậu. Khi bán cây giống, ông còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây nho cho khách, thậm chí hỗ trợ đầu ra cho khách khi nho ra quả. Khách của vườn nho ông Ở không chỉ ở TP. HCM mà các tỉnh thành khác cũng thường ghé đến để tham quan và mua về trồng tại nhà, chủ yếu trồng trên sân thượng nhưng quả vẫn phát triển bình thường.
Vườn nho bê tông ở nhà phố Sài Gòn: Trồng chơi lấy bóng mát nhưng cho thu nhập khủng – Ảnh 6.
Mỗi chùm nho có trọng lượng chừng 300g – 400g, thậm chí có chùm nặng đến 600g.
Ban đầu trồng nho trong vườn nhà phố chỉ để trong gia đình ăn và tạo bóng mát nhưng nay vườn nho của ông Ở có thể cho thêm thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm từ việc bán nho và cây giống. Đặc biệt, khách muốn mua nho của ông về ăn phải liên hệ đặt trước với giá 100.000 đồng/kg chứ ông không bán đại trà ngoài thị trường.
Ông Ở chia sẻ, hiện tại vườn nho của ông đang ra quả và khách đã đặt hàng gần hết.
Vườn nho bê tông ở nhà phố Sài Gòn: Trồng chơi lấy bóng mát nhưng cho thu nhập khủng – Ảnh 7.
Hiện tại vườn nhà ông đang trồng nhiều loại nho xanh đang trong mùa thu hoạch. Tất cả nho này đều đã có khách đặt hàng từ trước nên nếu ai cần gấp cũng khó mua.
Ngoài bán nho, ông Ở còn nhân giống ghép cây để bán cho khách về trồng và có hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Vườn nho bê tông ở nhà phố Sài Gòn: Trồng chơi lấy bóng mát nhưng cho thu nhập khủng – Ảnh 9.
Đây là loại nho ghép được chăm sóc rất kỹ, chỉ bón phân hữu cơ nên khi ăn có vị ngọt, không có vị chua nên nhiều người rất ưa chuộng vì vậy mà có giá hơi cao so với thị trường.
Tứ Quý (Báo Tổ Quốc)
Th507
Thủ phủ thanh long khát cháy
Để cứu những trụ thanh long đang cho trái, người dân Bình Thuận phải chấp nhận mua nước giếng với giá cao hoặc kéo nước sinh hoạt ra vườn
Trong cơn hạn hán quay quắt của miền Trung, nhiều tháng liền, người dân Bình Thuận không có nước tưới thanh long. Nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm.
Hơn một tháng nay, chiếc xe ben cải hoán của anh Nguyễn Quốc Việt luôn chạy hết công suất để kịp đáp ứng những cuộc điện thoại gọi tiếp nước cho các vườn thanh long tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nước được anh Việt mua từ giếng khoan của một hộ dân trong xã, bơm vào thùng phuy loại 5 m³ đem bán cho các vườn “giải cứu” thanh long đang khát. “Giá mỗi phuy nước mua vào khoảng 50.000 đồng, tôi bán lại cho các vườn thanh long 150.000 – 170.000 đồng, tùy khoảng cách gần hay xa. Mấy ngày này, xe chạy suốt từ sáng đến chiều tối mới nghỉ nhưng ngày nào cũng “rớt” lại vài địa chỉ không giao kịp” – anh Việt vừa nói vừa vội tắt vòi nước đang bơm lên xe rồi nổ máy, chở nước đi giao
Băng qua nhiều con đường đất đá lởm chởm dài hơn 3 km, chiếc xe của anh Việt dừng lại tiếp nước cho một vườn thanh long ven đồi thuộc thôn Tà Mon, xã Tân Lập. Anh Đinh Văn Thanh, chủ nhân vườn thanh long cho biết 5.000 trụ thanh long của gia đình anh đang khát khô nhiều ngày nay. “Ưu tiên hiện tại là cứu 2.000 trụ thanh long đang cho trái nên dù giá nước cao cũng phải bấm bụng mua để tưới, mà cũng phải xếp hàng chờ mới có nước” – anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, trước đây, gia đình anh đã đào 7 cái giếng nhưng chỉ một cái có nước và lượng nước chỉ đủ sinh hoạt chứ không thể tưới tiêu. “Mỗi phuy nước 5 m³ chỉ đủ tưới 50 trụ thanh long đang cho trái hoặc 100 trụ có dây (không cho trái)” – anh Thanh tính toán. Phuy nước 5 m³ được đổ ào xuống cái ao rộng gần 1 sào của anh Thanh dùng để trữ nước tưới nhanh chóng thấm hết vào đất, không đọng lại chút nào trên bề mặt ao đang nứt nẻ vì khô cạn lâu ngày.
Cách Tân Lập hơn 30 km, nhiều nông dân tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng đứng ngồi không yên vì thanh long đang chín mà nước thì đã lâu không về. Hơn 1 tháng nay, con mương cái dẫn nước từ đập Đồng Để (xã Hàm Kiệm) về Hàm Mỹ cạn trơ đáy. Nhiều hộ phải cắn răng “chạy” nước sinh hoạt với giá cao ra ao trữ nước tưới rồi bơm ngược từ ao lên tưới thanh long. “Trước mắt, tôi bơm 50 m³ với giá khoảng 500.000 đồng để tưới thanh long đang chín, 1 tuần bơm 1 lần. Còn thanh long dây cũng cố gắng hơn 10 ngày tưới sơ qua một lần, nếu không tưới mà đợi đến mùa mưa thì cây mất sức lắm” – anh Nguyễn Văn Phúc, hộ dân trồng thanh long tại xã Hàm Mỹ, nói.
Đến cuối tháng 4, mực nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi tại Bình Thuận là 27,45 triệu m³, chỉ hơn 10% dung tích thiết kế và bằng 1/3 trung bình nhiều năm. Trong đó, hồ Tà Mon, nơi cấp nước cho khoảng 1.475 ha thanh long ở Tân Lập, đang cạn.
Nhiều địa phương trong tỉnh không còn nước để sản xuất, chỉ ưu tiên nước sinh hoạt trong khi nước sinh hoạt cũng đang thiếu trầm trọng. “Với lượng nước còn lại, chúng tôi ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt. Thời điểm này, bà con trồng thanh long không nên kích thích cây ra trái vì sẽ thiệt hại lớn do hạn hán” – ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, khuyến cáo.
Bài và ảnh: Hợp Phố (Báo NLĐ)
Th312
Hạn, mặn khiến hàng trăm ha dứa ở Hậu Giang bị bệnh
Hạn, mặn gay gắt đang khiến hàng trăm hecta dứa tại tỉnh Hậu Giang bị bệnh do người dân tưới nước hạn chế.
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có gần 350 hecta khóm (dứa) ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ bị nhiễm bệnh. Trong đó, phần lớn diện tích bị bệnh héo đỏ lá do virus, một phần nhỏ còn lại là bệnh rệp sáp và thối nọn.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân gây ra bệnh héo đỏ lá là vì đang vào thời điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt, trong khi nhiều diện tích khóm chỉ được người dân tưới nước hạn chế làm cho bệnh ngày càng phát sinh nhiều. Nếu không được quản lý và phòng trị kịp thời thì bệnh có thể gây hại từ 25-30% diện tích và có khi cao hơn.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tranh thủ trữ nước ngọt trong mương để tưới đủ nước cho cây dứa
Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tranh thủ trữ nước ngọt nhiều trong các mương khóm để phục vụ tưới cho cây dứa trong mùa khô nhằm hạn chế dịch bệnh tấn công. Về lâu dài, nông dân cần chuẩn bị kỹ ngay ở khâu trồng ban đầu. Cụ thể, bà con cần xử lý đất, bón vôi cải tạo đất, vệ sinh khu vực trồng để hạn chế mầm bệnh.
Ngoài ra, phải chọn hom khóm đồng đều, khỏe, sạch bệnh. Trường hợp nông dân có thói quen sử dụng hom từ vụ trước để trồng lại thì xử lý bằng thuốc nhằm diệt hết mầm bệnh, tránh lây lan sang vụ sau. Nếu không quản lý và phòng trị kịp thời thì bệnh sẽ lây lan gây thiệt hại về năng suất, chất lượng./.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL
Th224
Long An: Hàng ngàn ha thanh long xông đèn lo thất thu vì hạn mặn
Hàng ngàn ha thanh long ở Long An đang vào vụ xông đèn, nhưng tình hình khô hạn đang diễn ra khốc liệt khiến nhà nông như ngồi trên lửa.
Ông Nguyễn Vạn Thành – Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành (xã Hiệp Thành, Châu Thành) vừa cho biết, tình hình thiếu nước tưới cho thanh long đang diễn ra khá gay gắt do sông Tầm Vu đã dần cạn nước. Thậm chí, mương rạch nội đồng đã trơ đáy.
Hiện, để hạn hạn chế nước tưới, nông dân trồng thanh long chỉ tưới 7 – 10 ngày/lần.
“Hơn 30ha thanh long của HTX đang thiếu nước tưới. Bà con thành viên HTX đang hạn chế nước tối đa. Để có nước tưới bà con phải canh lấy nước ngọt chảy về từ phía Tiền Giang”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Thành, thời điểm này nông dân đang đồng loạt xông đèn để thanh long ra trái chuẩn bị vụ tới. Nếu thiếu nước tưới, chất lượng trái thanh long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Bà con trồng thanh long đều biết thời điểm này hạn mặn đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nhưng không thể vì thế mà không xông đèn cho thanh long ra trái”, ông bộc bạch.
Theo ông Trương Quang An – Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu (thị trấn Tầm Vu) cũng thông tin, khu vực này cũng đang diễn ra tình trạng thiếu nước tưới cục bộ cho thanh long.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, do khu vực trồng thanh long nằm gần biển nên trước khi tình hình hạn mặn diễn ra địa phương đã cho đóng khoảng chục cống ngăn mặn để trữ nước ngọt cho bà con trồng thanh long.
Ông Nguyễn Minh Mẫn nhận định, sắp tới nếu không có mưa, tình hình nước tưới cho thanh long ở Châu Thành thật sự nghiêm trọng, lúc đó các cánh đồng thanh long đang xông đèn sẽ đồng loạt ra trái.
“Chính quyền đang khuyến cáo bà con trồng thanh long phải dùng rơm ủ gốc, bón phân để giữ nước cho cây. Tưới nước tiết kiệm khoảng tuần/lần, mỗi lần 5 – 7 lít nước/gốc”, ông Mẫn thông tin.
Toàn tỉnh Long An hiện có 12.000ha thanh long. Riêng huyện Châu Thành – “thủ phủ” trồng thanh long của tỉnh, có 9.700ha.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, toàn bộ diện tích trồng thanh long của huyện Châu Thành đều nằm trong diện bị ảnh hưởng của hạn mặn kỷ lục năm nay.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, trước tình hình hạn, mặn đang diễn biến phức tạp, Sở đã cùng với các địa phương kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Qua đó, thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm. Tiến hành đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.Kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt. Đóng cống nhiều tuyến kênh ngăn không cho nước nhiễm mặn ngoài sông xâm nhập sâu vào nội đồng.
Ngoài ra, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa để cung cấp, bổ sung, tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ sản xuất.
Nguồn: báo dân việt
Th210
Thủ phủ điều Bình Phước bồn chồn ‘ được mùa, mất giá’
Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông dân “thủ phủ” điều Bình Phước bắt đầu thu hoạch những hạt điều tươi đầu mùa. Tuy nhiên, giá hạt điều tươi bán ra thấp hơn đầu mùa năm trước từ 10.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg khiến người dân kém vui.
Người dân xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập dọn vườn để chuẩn bị nhặt trái điều rụng.
Năm nay, hầu hết vườn trồng cây điều đều ra hoa đồng loạt và đậu trái với tỷ lệ cao trên 50%. Tại các địa phương có diện tích trồng điều lớn, như huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp…, hiện đã có nhiều vườn bắt đầu vào vụ thu hoạch hạt điều tươi.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại thời điểm này, giá hạt điều tươi được các đại lý, thương lái thu mua với giá dao động trên dưới 28.000 đồng/kg tùy địa phương. Với giá thu mua đầu mùa như hiện nay, theo nông dân trồng điều là thấp hơn 10.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg so với đầu mùa năm ngoái.
Giá mua thấp đang khiến nông dân “thủ phủ” điều Bình Phước lo được mùa mất giá, khó khăn trong đời sống. Người dân trồng điều hy vọng thời gian tới vào vụ thu hoạch chín rộ giá thu mua sẽ cao hơn.
Năm ngoái, nhiều vườn điều tuy bị sâu bệnh nặng, năng suất thấp nhưng được sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cùng người dân nỗ lực chăm sóc, nên cây điều phục hồi, phát triển nhanh và tỷ lệ ra hoa đậu trái nhiều.
Anh Điểu Hùng có vườn hơn 4 ha ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập không khỏi buồn vì đầu vụ hai vợ chồng vào rẫy mới nhặt trái đầu mùa mà bán chỉ với giá 28.000 đồng/kg.
Anh Hùng chia sẻ: “Mùa điều năm nay đến muộn sau dịp Tết Nguyên đán mấy ngày, nên rất thuận lợi cho người dân dọn vườn và nhặt hạt tươi. Năm nay, cây điều đợt đầu đậu trái nhiều hơn năm trước, nhưng với mức giá thu mua từ vườn hiện nay thấp, người dân kém vui”.
Cũng tại huyện Bù Gia Mập, không khí tại gia đình ông Điểu Thanh ở thôn 3, xã Đắk Ơ cũng ảm đạm, không vui do giá thấp vào đầu mùa. Ông Thanh cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn nhiều so với năm ngoái. Năm trước, thời tiết thất thường nên đã sinh ra nhiều dịch bệnh khiến năng suất giảm nhiều. Gia đình tôi đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng tiền phân bón cũng như công chăm sóc để phục hồi cây điều. Vụ mùa này hầu hết cây cho ra hoa có tỷ lệ đậu trái cao và bắt đầu có thu. Điều được trái hơn nên người dân cũng vui, nhưng giá lại thấp nhiều so với đầu năm ngoái. Tôi sẽ dành một phần phơi khô chờ giá lên sẽ bán để có thêm tiền chi tiêu trong gia đình cũng như tái đầu tư vụ mùa năm tới”.
Còn tại huyện biên giới Bù Đốp, không khí thu hoạch hạt điều tươi cũng kém vui vì giá thu mua thấp hơn nhiều so với mùa trước. Gia đình hộ anh Trần Hiếu ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cho biết: “Vụ mùa năm trước mất mùa, năm nay nông dân dồn sức khôi phục vườn điều do sâu bệnh gây hại với hy vọng vụ điều năm nay có nhiều khả quan. Diệt được sâu bệnh, thời tiết thuận lợi rồi người trồng điều lại như “ngồi trên đống lửa” vì giá giảm mạnh so với đầu mùa năm trước. Nếu giá thấp đến cuối mùa thì người dân trồng điều sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống”.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đến thời điểm hiện tại, cây điều ít bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nên năng suất sẽ cao hơn năm trước. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cũng cho biết: “Với vai trò của trung tâm, chúng tôi đã khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi thăm vườn phát hiện bệnh hoặc sâu gây hại sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Hiện nay, hiện tượng gây hại trên cây điều chủ yếu là bệnh thán thư gây khô trái, khô hoa. Sâu hại chủ yếu là bọ xít muỗi gây thối trái non. Một số đối tượng khác như rệp xanh, rệp sáp cũng gây bệnh hại có thể làm mất mùa điều. Ngoài ra, cây điều phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, sự tác động của nhân dân chỉ là một phần hạn chế rủi ro do thời tiết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cây điều đang tương đối ổn và bắt đầu thu hoạch”.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước diện tích trồng điều có hơn 134.000 ha. Trong nhiều năm qua, cây điều được coi là cây xóa đói giảm nghèo của người dân ở tỉnh vùng đất đỏ Đồng Nam bộ này. Với giá thu mua hạt điều tươi đầu mùa giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái đang khiến người dân “thủ phủ” điều Bình Phước lo lắng về một mùa vụ kém hiệu quả.
Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Th929