Tin tức
Thời virus corona, dừng đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus corona đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, việc đàm phán ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, thạch đen, yến cũng phải tạm dừng.
Tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh corona do Bộ NNPTNT tổ chức chiều ngày 3/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus corona là loại dịch bệnh mới cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân và nền kinh tế toàn cầu.
Nguy hiểm hơn là yếu tố thời tiết khiến dịch này càng nguy hiểm. Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này, điều đó dự báo một tương lai ảm đạm cho phát triển kinh tế toàn cầu.
Việt Nam hiện có 8 người bị, 3 tỉnh, thành phố đã công bố dịch. Trước tình hình này Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, yêu cầu các cấp ngành vào cuộc một cách quyết liệt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc là thị trường lớn, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất, ví dụ như nhiều mặt hàng thanh long, dưa hấu; tổn thương đến đầu tư.
“Hiện, tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên tạm dừng lại, ví dụ, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào” – Bộ trưởng nêu một thực tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng (Hiệp hội Rau quả Việt Nam) cũng cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán, các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc thì cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp.
“Đơn cử như sầu riêng, trước Tết, giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg. Những nông dân không có liên kết với doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng nề, các nông dân có liên kết vẫn được thu mua” – ông Tùng thông tin.
Trước thực tế này và dịch cúm do virus corona không biết bao giờ mới chấm dứt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản, riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cho biết, hiện nay, diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn. Từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, còn khoảng 30.000 tấn, trong đó 2.0000 đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 thu hoạch 28.000 tấn.
Về cơ sở chế biến, thu mua, tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7.000-8.000 tấn. Toàn tỉnh có 15 cơ sở có bán trực tiếp thanh long sang Trung Quốc; còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc.
Việc tiêu thụ thanh long của Long An chủ yếu phụ thuộc vào khách Trung Quốc. Giá chủ yếu do các thương lái của Trung Quốc quyết định. Tuy nhiên, hợp đồng với nông dân không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro, do bán qua thương lái.
Diễn biến từ tháng 1 đến nay, có 2 công ty có sức mua lớn là: công ty Hồng Thái Dương mua 30-40% sản lượng, đặt cọc 300 container với giá mua 40.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay công ty này ngưng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg. Công ty thứ hai là Công ty Phú Quý hủy 200 container, nhưng phát giá mua 5.000 đồng/kg. Một số công ty cũng đặt cọc giống như hai công ty trả nông dân 5.000 đồng/kg.
Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân khi thanh long ra trái, gần chín thì bà con chặt bỏ, thiệt hại rất lớn. Tỉnh Long An đã đi qua Trung Quốc tìm hiểu, xúc tiến thanh long, tuy nhiên thấy tình hình khó khăn.
Ông Cảnh đề xuất Cục Chế biến và PTTTNS (Bộ NN-PTNT), Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long. Đồng thời, hỗ trợ xuất khẩu trái thanh long xuất khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối lớn trong nội địa.
Long An cũng đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.
Nguồn: báo dân việt
Th203
NÓNG: Họp khẩn về XK nông sản sang Trung Quốc thời virus corona
Chiều nay 3/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì họp bàn khẩn về tình hình thương mại nông sản Việt – Trung với đại diện các Bộ, ngành trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị thuộc Bộ; Văn phòng Chính phủ (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Vụ Nông nghiệp); Đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc (Vụ Đông Bắc Á, Vụ Tổng hợp kinh tế); Lãnh đạo Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc (Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Vụ Thị trường trong nước); Lãnh đạo Bộ Y tế.
Về phía địa phương, sẽ có đại diện lãnh đạo UBND 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu tham dự cùng lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.
Theo thông tin cập nhật đến sáng ngày 3/2, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 362 người chết, trong đó đã có người đầu tiên chết ngoài Trung Quốc (tại Philipinese), hơn 17.000 người nhiễm. Tại Việt Nam đã có 8 người mắc, trong đó có 5 người Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, hàng trăm contener chở các mặt hàng nông sản của Việt Nam như: thanh long, dưa hấu… đang chịu cảnh ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu. Tại các vùng trồng, giá mua các loại nông sản đang sụt giảm thê thảm mà vẫn vắng khách đến thu mua.
Trước đó, chiều 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới gây ra, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương (Trung Quốc) hủy 300 container thanh long ruột đỏ, tương đương 6.000 tấn.
“Phía công ty đã có thiện chí hỗ trợ 50 triệu/container, nhưng so với giá trị chưa tương xứng”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: “Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo vào cuộc chủ động, không chủ quan vì dịch bệnh là bất khả kháng. Bộ trưởng mong muốn bà con bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình”.
Theo ông Toản, mặc dù cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa trở lại ngày 3/2, nhưng Trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) – địa bàn trung chuyển- lại thông báo nghỉ giao dịch đến hết 8/2. Cùng với đó, các chợ dọc biên giới các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng hạn chế giao dịch đến 8/2.
“Các cửa khẩu quốc tế sẽ quay trở lại làm việc từ 3/2. Hàng hóa vẫn chạy sang, nhưng chợ đầu mối vẫn chưa mở, người chưa đến; đến rằm tháng Giêng (8/2) mới mở thì sẽ gặp chênh lệch thời gian. Dự báo, tình hình cung cục bộ của thanh long sẽ gặp khó khăn” – Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất trên thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Theo Tổ chức Thương mại thế giới, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (rau quả 9-10 tỷ; thủy sản 8-10 tỷ; thịt và sữa 9-10 tỷ; gạo 2-2,5 tỷ…).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
Trong giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng bình quân khoảng 12,5%. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm sâu sau nhiều năm tăng trưởng khá (năm 2018 giảm 5,5%, 11 tháng năm 2019 tiếp tục giảm 5,85% so với cùng kỳ, chỉ đạt 6,31 tỷ USD).
Nguyên nhân do phía Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định mà Trung Quốc đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm – kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác…, đồng thời tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới. Trong khi đó, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác.
Trong các cuộc họp bàn để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, các nhà quản lý luôn khuyến cáo các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cần sớm thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng và kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức “trao đổi cư dân” sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.
9 loại quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc
Tính đến nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.
Yêu cầu chung về quả tươi nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc là: Hàng hóa phải từ các vườn trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; Không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; Phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Chính vì thế, trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã dành sự quan tâm đặc biệt để khai mở thị trường đầy tiềm năng này với việc xuất khẩu lô sữa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, rồi tiếp tục đàm phán mở cửa nhiều mặt hàng khác như sầu riêng, khoai lang tím, thạch đen (sương sáo)… để tăng cường giao thương chính ngạch giữa hai nước.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Cục BVTV cho thấy, đối với thị trường Trung Quốc, đến nay Bộ NN&PTNT đã cấp 1.567 mã số vùng trồng mới đối với 8 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít) và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói mới.
Riêng măng cụt, đã cấp 1 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói măng cụt xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục BVTV hiện vẫn đang tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương/doanh nghiệp.
Nguồn: báo dân việt
Th1211
Hoa Đà Lạt tìm đường xuất khẩu
Là thủ phủ hoa của cả nước nhưng Đà Lạt chỉ xuất khẩu được khoảng 10% sản lượng. Tham gia lĩnh vực này chủ yếu là các công ty lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nông dân Đà Lạt hầu như chưa thể trực tiếp xuất khẩu hoa.
Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng ước tính, năm 2019 diện tích đất trồng hoa đạt khoảng 8.890 ha với sản lượng hơn 3.350 triệu cành, trong đó xuất khẩu gần 325 triệu cành, chỉ chiếm không quá 10% sản lượng, kim ngạch hơn 48 triệu USD. 90% sản lượng hoa còn lại phải tiêu thụ trong nước. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường trong nước dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu, khiến giá cả thất thường; tư thương chi phối, ép giá hoa của nông dân. Hoa Đà Lạt nhiều lúc bị thừa ế, phải đổ bỏ cho bò ăn hoặc để thối rữa tại vườn.
Hoa Đà Lạt chủ yếu xuất sang Nhật Bản (hơn 60%), còn lại là Australia, Đan Mạch, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Về chủng loại hoa xuất khẩu, đứng đầu bảng là hoa cúc (52%), cây giống invitro (30%), hoa cẩm chướng (10%), còn lại là lily, hồng môn, hướng dương, lan hồ điệp, lan vũ nữ…
Thị phần xuất khẩu hoa tập trung vào các công ty lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó công ty Dalat Hasfarm chiếm trên 60% tổng sản lượng hoa. Dalat Hasfarm hiện là công ty hoa tươi lớn của Đông Nam Á chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu; mỗi năm trồng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống cung ứng cho thị trường. Công ty này xuất khẩu hoa tới hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt là thị trường khó tính Nhật Bản.
Diện tích manh mún
Theo ông Aad Gordijn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm, nông dân Đà Lạt cần cù, sáng tạo, làm hoa lâu năm nhưng nghề trồng hoa vẫn chưa trở nên chuyên nghiệp vì quy mô trang trại còn quá nhỏ, diện tích trung bình chỉ khoảng 2.000 – 5.000 m²/hộ. Vì quy mô trang trại nhỏ nên người trồng hoa thiếu thốn về tài chính và không có đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ cao, nhà kính hiện đại, không có nhiều sự đổi mới và rất khó khăn để đáp ứng đủ sản lượng.
Ông Aad Gordijn nhấn mạnh để xuất khẩu hoa, điều quan trọng nhất là có diện tích đất sản xuất đủ lớn; mặt khác phải có quy trình sản xuất hiện đại, quản lý chất lượng sản phẩm trước và sau thu hoạch bài bản. “Mặc dù có tới 190ha nhà kính, Dalat Hasfarm vẫn liên kết với hàng trăm hộ dân ở Đà Lạt để mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng. Doanh nghiệp phải đáp ứng được sản lượng lớn để vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường thủy thì mới thực sự có ý nghĩa cạnh tranh trên thị trường”, ông Aad Gordijn nói.
Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, ngành trồng hoa của mỗi địa phương nói riêng và quốc gia nói chung, muốn phát triển chuyên nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, trước hết phải xây dựng được những doanh nghiệp đủ tầm cỡ hoặc nông dân phải liên kết với nhau để tạo nên vùng sản xuất, hệ sinh thái trồng hoa quy mô lớn.
Tắc ở khâu giống
Các chuyên gia ở Đà Lạt nhận định trồng hoa phục vụ xuất khẩu cho thu nhập cao hơn rất nhiều nhưng việc xuất khẩu hoa của nông dân Đà Lạt bị “tắc” ở khâu giống. Nông dân muốn mua giống có bản quyền nhưng thiếu thông tin, còn những công ty sản xuất giống uy tín hàng đầu thế giới lo ngại bị sao chép giống nên không quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng cho rằng thị trường nước ngoài luôn yêu cầu về bản quyền giống hoa và đòi hỏi cao về chất lượng nên đa số nông dân vẫn còn e dè trong việc đầu tư, liên kết để trồng hoa xuất khẩu
Bản thân Dalat Hasfarm đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng phản ánh về việc giống hoa nhập có bản quyền bị sao chép. Tại hội thảo “Bảo hộ giống cây trồng khu vực Tây Nguyên” vừa qua, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Những năm qua, Cục Trồng trọt, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng và Hiệp hội Thương mại giống cây trồng đã nhận rất nhiều đơn phản ánh từ tác giả, các cơ quan tác giả về việc xâm phạm tác quyền và việc không đảm bảo hiệu lực của tác quyền về giống cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định vấn đề vi phạm bản quyền giống đang là một thực tại, đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp tìm hướng giải quyết, đặc biệt trên cây hoa, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu.
Để rộng đường xuất khẩu hoa Đà Lạt, các chuyên gia cho rằng phải có biện pháp làm chủ về công nghệ sản xuất giống, khép kín khâu trồng trọt từ giống đến thành phẩm. Người trồng hoa phải tuân thủ “cuộc chơi”, đặc biệt là bản quyền về giống hoa. Không thể lấy giống sao chép hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm, từ năm 2010 công ty đã bắt đầu nhập giống cúc Calimero về trồng thử nghiệm để sản xuất hoa thương phẩm. Đơn vị đã được cơ quan chức năng công nhận độc quyền kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giống hoa này. Thế nhưng chỉ vài năm sau, giống cúc Calimero đã bị sao chép và bán tràn lan tại Việt Nam.
Kim Anh (Báo Tiền Phong)
Th1204
3 năm liên tiếp khủng hoảng giá, người trồng cà phê đuối sức
Trong lúc cà phê rớt giá thê thảm, viễn cảnh đối nghịch đặt ra khi người tiêu dùng được dùng cà phê nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe nhưng người trồng cà phê thì đuối sức.
Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết như thế tại Diễn đàn Phát triển cà phê Việt Nam bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng giá diễn ra ngày 3/12 tại TP.HCM.
Ông Tự kể, tại một cuộc họp ở London mới đây, các chuyên gia thế giới đã bàn rất nhiều đến giải pháp làm sao trợ giá cho nông dân. Một quan điểm được nêu ra là khuyến khích tiêu dùng cà phê nhiều hơn.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cà phê có tác dụng trong việc chống ung thư. “Tuy nhiên, trong lúc cà phê rớt giá thê thảm, viễn cảnh đối nghịch đặt ra khi người tiêu dùng được dùng cà phê nhiều hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe nhưng người trồng cà phê thì ngắc ngoải. Mức sống của người trồng cà phê hiện nay rất đáng quan tâm” – ông Tự nói.
Theo ông Tự, cần phải mất nhiều thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Hiện Việt Nam đã trải qua năm thứ 3 của khủng hoảng giá, và vẫn chưa biết chắc năm sau tình hình có cải thiện hơn hay không.
Hiện, giá cà phê thế giới đã có dấu hiệu nhích lên nhưng mặt bằng chung vẫn còn rất thấp. Các biện pháp sắp tới phải giúp người trồng tiếp tục gắn bó với cây cà phê thay vì bỏ cây trồng đã gắn bó lâu năm hoặc chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Khuyến khích tiêu dùng cà phê nội địa là một trong những giải pháp nhằm tăng sức tiêu thụ.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tài chính vì nông dân đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán lãi suất ngân hàng. Hoặc các biện pháp giãn nợ từ phía ngân hàng cũng cần đặt ra. Nếu không, mùa trồng sau, nông dân lại tiếp tục đối diện những khó khăn cũ.
Trao đổi với các diễn giả quốc tế, ông Tự cho biết Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội tốt mở cửa thị trường; nhất là sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan, rang xay.
Giá cà phê thế giới gần đây đã nhích lên nhưng việc phục hồi sản xuất còn hạn chế.
Hiện Việt Nam và các nhà xuất nhập khẩu đang cải thiện chuỗi giá trị, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực nâng cao năng lực chế biến. “Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy tiêu thụ cà phê trong nước. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nông dân tiêu thụ tốt hơn và giúp họ sớm vượt qua khủng hoảng” – ông Tự chia sẻ.
Ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), cho rằng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, nước và giống đang là những vấn đề nan giải đặt ra với nông dân trồng cà phê.
Thực tế hiện nay, người trồng loay hoay đối diện với nhiều khó khăn. Các yếu tố này khiến giá thành sản xuất trong tăng cao so với thế giới. Chỉ khi giải quyết tốt nguồn giống thích ứng và vấn đề nước tưới mới giúp việc kháng cự biến đổi khí hậu có hiệu quả.
Các diễn giả quốc tế bàn giải pháp giúp phát triển cà phê bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động giá
Ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt lại nhìn nhận cuộc khủng hoảng giá hiện nay là cơ hội để thay thế nguồn giống cà phê mới, cho năng suất cao hơn.
Chương trình tái canh cà phê và hàng loạt biện pháp như xen canh, tưới nước tiết kiệm… mà ngành nông nghiệp thực hiện nhiều năm qua đang cho những kết quả tích cực.
“Việt Nam xác định khi đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do thì chuyện giá lên xuống là tất yếu theo quy luật thị trường. Việc cần thiết là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ từ kỹ thuật, tài chính đến thống tin để người trồng điều chỉnh việc sản xuất”, ông Đức chia sẻ.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)
Th1126
Chuyển giao kỹ thuật, trợ giúp nông dân làm thương hiệu nông sản
Hiện, Hội ND huyện Đan Phượng (Hà Nội) có 16 cơ sở hội, với gần 22.000 hội viên hiện đang sinh hoạt tại 127 chi hội hoạt động theo địa bàn thôn, phố, cụm dân cư.
Bên cạnh việc vận động các hộ nông dân đăng ký thực hiện các tiêu chí hộ sản xuất giỏi nhằm đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, Hội ND Đan Phượng cũng đã có nhiều biện pháp thiết thực khác nhằm giúp đỡ bà con sản xuất như: Giúp bà con vay vốn ngân hàng, tổ chức tập huấn học tập ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…
Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Xác định ứng dụng khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, Hội đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan, vụ, viện, doanh nghiệp tổ chức hơn 400 buổi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 41.229 lượt hội viên hội nông dân.
Cùng với đó, huyện Đan Phượng cũng hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu tiếp cận và làm chủ quy trình kỹ thuật canh tác hoa cao cấp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. “Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong việc nuôi trồng các giống lan, mỗi năm hợp tác xã cho ra thị trường 250.000 cây hoa các loại, đạt doanh thu 5 tỷ đồng/năm” – bà Bùi Hường Bích – Giám đốc HTX hoa lan Đan Hoài chia sẻ.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, Hội ND huyện Đan Phượng đã thúc đẩy xây dựng được 24 mô hình kinh tế tập thể và xây dựng được thương hiệu “Bưởi tôm vàng Đan Phượng xã Thượng Mỗ”; nhãn hiệu “Rượu Long Trường Tửu xã Hồng Hà” và xây dựng thương hiệu “Rau hữu cơ quê hương người gái đảm”…
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ Đỗ Văn Mạnh cho biết: Trên cơ sở đã xây dựng thương hiệu bưởi tôm vàng, với mục đích thống nhất quản lý chất lượng cho vùng bưởi, Hội ND huyện đã hỗ trợ địa phương thành lập câu lạc bộ bưởi tôm vàng với sự tham gia của 35 hộ sản xuất. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu bưởi tôm vàng đã giúp sản phẩm vào được các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.
Chủ tịch Hội ND Đan Phượng – ông Thiều Văn Son cho biết: “Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình, xuất sắc, phù hợp với từng vùng”.
Nguồn: Theo Hà Thu (Dân Việt)
Th1118
Câu chuyện đằng sau những trái dưa tiền tỷ của Nhật Bản: căn nguyên từ tình yêu bất diệt của người trồng cây
Chuyện thực khách sẵn sàng trả hàng ngàn đô cho một bữa ăn trong một khách sạn hạng sang là bình thường. Riêng trả giá cao ngất cho người nông dân trồng ra sản phẩm thì hơi hiếm, chỉ phổ biến ở Nhật.
Ở Nhật Bản, loại quả được vinh danh “vua trái cây” chính là dưa lưới (Cucumis melo). Chúng không quá lạ đối với người Việt Nam cũng như các cư dân Châu Á khác. Có điều, giá cả thì khác đấy.
Câu chuyện đằng sau những trái dưa tiền tỉ của Nhật Bản
Cặp dưa lưới gây chấn động thế giới: Đáng giá những 5 triệu yên (tương đương 1,07 tỷ VNĐ)
Tháng 5/2019, chợ Sapporo (Nhật Bản) từng khiến cả thế giới sốc đến ngơ cả người. Chỉ với 2 quả dưa lưới Yubari, mà họ chốt giá đấu giá ở mức cao kỷ lục, 5 triệu yên (tương đương 1,07 tỷ VNĐ).
Cũng vào dịp này năm ngoái, tại phiên đấu giá trái cây đầu tiên của năm, một cặp dưa lưới “tiền bối” đã được bán với giá 3,2 triệu yên (tương đương 683 triệu VNĐ).
Đừng vội lắc đầu, lè lưỡi, nghĩ mình chẳng đời nào nếm nổi hương vị dưa lưới Nhật Bản. Mức giá “ngất ngưởng” trên chỉ là một cách để các tập đoàn thực phẩm tại Nhật kiếm quảng cáo không mất tiền mà thôi. Với một cặp dưa lưới đáng giá hàng triệu yên, họ được giới báo chí chuyên nghiệp và các blogger thi nhau đưa tin. Chẳng có phương pháp giới thiệu nào lại tiện lợi và rộng khắp hơn cách này.
Ở Nhật, chuyện lợi dụng đấu giá nông-ngư phẩm quảng cáo khá phổ biến. Đầu năm nay, tháng 1.2019, Tokyo cũng từng tổ chức một buổi đấu giá cá ngừ. Con cá ngừ to kỷ lục, 278 kg đã “giật giá” 333,6 triệu yên (tương đương 71,2 tỷ VNĐ).
Giá thường thì “mềm” thôi, dù vẫn cỡ 3,2 triệu VNĐ/quả
Dưa lưới (hay còn gọi dưa nứt, dưa bở) là một loại trái cây quen thuộc ở Châu Á. Trong đất nước Việt Nam của chúng ta, cây dứa lưới cũng được trồng tương đối nhiều. Giá dưa lưới cũng bình thường, chỉ dưới 100.000đ/kg, thường rơi vào tầm bảy, tám chục ngàn một cân.
Chỉ riêng ở Nhật, loại quả “bình dân” này mới trở thành “vua” và “phá giá”. Cứ việc vào bất cứ chợ trái cây nào của xứ sở Mặt trời mọc, bạn đều thấy dưa lưới được đóng hộp đẹp đẽ. Giá bán rơi vào khoảng 15.000 yên/quả (tương đương 3,2 triệu VNĐ). Tùy vào cân nặng, chúng có thể đắt hoặc rẻ hơn vài ngàn yên.
Kỳ thực, dưa lưới không phải loại trái cây duy nhất đắt đỏ ở Nhật Bản. Người dân của đất nước Hoa anh đào vốn đã quen với việc 1 chùm nho cỡ 15 quả có giá 8000 yên (tương đương 1,7 triệu VNĐ), hay mỗi một quả dâu tây trắng đã tận 3000 yên (640.000 VNĐ).
Quy trình trồng trọt nâng niu hơn nâng trứng
Cũng như ở Việt Nam, một quả dưa lưới tại Nhật Bản cần khoảng 3 tháng để phát triển và chín. Tuy nhiên, nông dân Nhật Bản không để dây dưa lưới thoải mái ra sai quả như cô bác nhà nông của chúng ta. Họ chỉ để mỗi cây đúng 1 quả.
Quả dưa lưới độc nhất trên mỗi một dây được chăm chút cẩn thận trong đúng 100 ngày. Người trồng liên tục dùng đôi tay (có đeo găng tay) xoa nắn chúng. Hành động “cưng nựng” này giúp kích thích sự tăng trưởng và “lên đường” (ngọt hơn).
Ngày nắng, họ cẩn thận cho dưa lưới đội mũ, ngăn tia UV phiền hà. Sau khi thu hoạch, dưa lưới được phân loại theo hình dáng và độ đẹp của vỏ. Trái dưa lưới càng to, tròn, không xây xát, thì càng được giá.
Bạn có thể giật mình vì giá bán 3,2 triệu VNĐ/quả dưa lưới. Nhưng nếu tính toán công trồng, công chăm, nó cũng chỉ “của nào tiền nấy” thôi.
Đỉnh cao của thái độ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Người Nhật Bản thường nhắc nhở con cái rằng, mỗi hạt cơm đều có 7 vị thần. “Cơm gạo là phúc căn”, tuyệt đối không được phép để thừa hay rơi vãi.
Với thế giới phương Tây quan trọng năng suất, sản lượng hơn chất lượng, sự trân trọng này có phần… thái quá. Song với thế giới phương Đông, thái độ tôn kính với thức ăn của Nhật Bản là bài học vỡ lòng. Tại Việt Nam, trẻ em được dạy, mỗi hạt gạo đều là hạt mồ hôi, công sức của cha mẹ. Từ thuở xa xưa, ông bà ta đã không quên nhắc nhở, ăn quả phải nhớ công người trồng.Tiếc rằng, lòng tham đã phá vỡ không ít nguyên tắc đạo đức. Từ phương Tây xa xôi, xu thế sản xuất nông nghiệp “nhiều và rẻ” tràn sang phương Đông. Nền nông nghiệp thâm canh, tự cung tự cấp buộc phải nhường chỗ cho độc canh thương mại. Các đồn điền, khu vực chuyên trồng chỉ một loại cây mở rộng, cung cấp sản lượng nông phẩm khổng lồ.
Tham năng suất, người trồng ồ ạt bón phân, dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích… Trong khi sản lượng nông phẩm gia tăng không ngừng, chất lượng lại tụt dốc không phanh. Riêng Nhật Bản lại vẫn ngoài xu thế “số lượng hơn chất lượng” ấy.
Ngoại trừ các phiên đấu giá giúp người nông dân quảng bá sản phẩm địa phương, chính phủ Nhật Bản còn nhiều sự hỗ trợ khác. Họ ưu tiên các khoản vay lãi thấp, cho phép nhà nông có nguồn vốn đầu tư phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
Nếu đến các vùng nông thôn ở Nhật Bản, bạn sẽ phải xuýt xoa bởi hệ thống tưới tiêu tự động, nhà kính, điều hòa không khí, điều tiết độ ẩm, nhiệt độ… tương ứng với từng mùa và mỗi loại cây trồng. Đặc biệt, nông dân Nhật Bản tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản của họ luôn cực kỳ sạch, có thể ăn sống ngay tại vườn.
Tất nhiên là với “công trồng” tốn kém cả tiền lẫn sức ấy, giá nông sản phải cao. Chỉ một bó rau bình thường, có sẵn quanh năm như rau muống hay rau cải cũng 100-250 yên/bó (tương đương 21.000-53.000 VNĐ). Người Nhật chẳng phàn nàn gì cả. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền, miễn có nguyên liệu chất lượng, chế biến những món ăn ngon, bổ mỗi ngày
Nguồn: cafebiz
Th1107
Giải pháp căn cơ cho cây mít
Mít Thái đang phát triển rất mạnh ở ĐBSCL, vì giá ở mức giá khá cao, từ 25.000 – 70.000 đồng/kg (tùy theo từng thời điểm) nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngày 6/11, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) kết hợp với Khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo về phòng trừ bệnh hại và tiêu thụ mít Thái siêu sớm tại địa phương. Hội thảo thu hút gần 100 nhà vườn trồng mít Thái siêu sớm tại các xã như: Phú An, Đông Thạnh, Đông Phú và Đông Phước A…
TS Nguyễn Bá Phú, Bộ môn Khoa học Cây trồng (Khoa Nông nghiệp, ĐH Cần Thơ) cho biết: Hiện nay mít Thái là một trong 9 mặt hàng đã chính thức xuất khẩu bằng đường chính ngạch sang trị trường trường Trung Quốc chiếm 95% và đòi hỏi về an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc xuất đi. Hiện tại ĐBSCL có diện tích trồng mít Thái xuất khẩu cao nhất nước, gần 50.000ha.
Tuy nhiên cây mít Thái đang phát triển rất mạnh, vì giá ở mức giá khá cao, từ 25.000 – 70.000 đồng/kg (tùy theo từng thời điểm). Bình quân một trái mít nặng tứ 10 – 15kg, với giá bán này nông dân thu lợi nhuận vài trăm ngàn đồng/trái, có lúc giá cao lên đỉnh trên 70.000 đồng/kg mỗi trái mít giá bán cho thương lái lên tới 1 triệu đồng.
Cây mít Thái ở ĐBSCL được tiêu thụ mạnh nhờ vào thị trường xuất khẩu.
Theo TS Phú, để cây mít Thái phát triển ổn định và giảm chi phí đầu tư thấp nhất nhưng mang lại lợi nhuận cao đòi hỏi nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đạt năng suất tối đa. Đặc biệt thời gian gần đây mít đang mắc phải bệnh xơ đen trong trái rất phổ biến, làm ảnh hưởng năng suất, đầu ra khó khăn và đặc biệt không đảm bảo chất lượng trái xuất khẩu.
Theo khuyến cáo của nhà khoa học, bệnh xơ đen thường phát tán qua không khí, nước và đất…, chính vì vậy nhà vườn nên cho ra trái tránh những lúc thời tiết bất lợi, bao trái, sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết: Theo đề án chuyển đổi cây trồng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, toàn huyện sẽ hình thành vùng chuyên canh các nông sản chủ lực, hướng mạnh vào nhu cầu của các đô thị và xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Huyện tập trung xác định 4 – 5 sản phẩm chủ lực gồm cây có múi (cam sành, bưởi, chanh không hạt), mít, xoài cát, rau màu, gắn với hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người dân. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn huyện có gần 5.000ha trồng mít Thái siêu sớm, đang mang lại kinh tế cao cho nhà vườn, trong đó đã đăng ký mã số vùng trồng mít lên 2.000ha. Sang năm 2020 huyện sẽ đăng ký hết diện tích trồng huyện đều có mã số vùng trồng mít Thái.
Ngành nông nghiệp huyện đang khuyến cáo nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và quy hoạch vùng trồng mít chất lượng cao để đảm bảo thị trường trong nước và xuất khẩu không những thị trường Trung Quốc mà nhiều nước khác trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Hộ, ở xã Phú An, mấy năm trước trồng nhãn, khi đến thu hoạch trái tìm nhân công rất khó. Chính vì vậy 2 năm nay ông chuyển sang trồng 400 gốc mít Thái, đang cho trái năm thứ 2 đã thu lãi lên cả trăm triệu đồng.
Ông Hộ cho biết, mít trồng 18 tháng cho trái bói, bình quân 1 cây cho 2 trái, mỗi trái bình quân nặng từ 10-15 kg, hiện giá mít Thái bán trên thị trường từ 24.000 – 25.000 đồng/kg nông dân thu về từ 250.000 – 350.000 đồng/trái. Thông thường 1 trái mít bán ra thị trường có thể thu gấp 2-3 lần so với tiền đầu tư cho 1 cây mít ban đầu.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo: Mít Thái hiện đang phát triển mạnh tại ĐBSCL vì đây là loại trái cây thuận lợi xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nhắc nhở các tổ chức doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương phổ biến cho nông dân những yếu tố bất lợi. Trước hết cây mít sống ở vùng có độ cao từ 400m đến 1.200m thì ĐBSCL của chúng ta không có lợi thế về điều này. Vì thế chúng ta cần thiết kế lại vườn cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Nông dân trồng mít rất phấn khởi vì giá mít đang ở mức cao.
Thứ hai, đây là một loại cây trồng có rất nhiều các loại dịch hại. Vì là một loại cây trồng mới nên các cơ quan nghiên cứu chưa nghiên cứu một cách đầy đủ, hoàn thiện quy trình phòng trừ dịch hại. Do đó bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi nắm bắt những thông tin về dịch hại để phòng trừ.
Vấn đề thứ ba là đối với các loại cây cần quan tâm đến vấn đề thị trường. Hiện nay thị trường xuất khẩu cây mít chủ yếu là sang Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã có 180.000ha mít rồi, chúng ta hiện nay cũng đã có khoảng 30.000ha.
Nếu phát triển thêm nữa thì phải xem xét quốc gia nhập khẩu có thể tiếp nhận thêm không. Điều này, các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu và cung cấp thêm thông tin cho bà con nông dân càng nhiều càng tốt để họ có thêm tư liệu để tính toán đầu tư phù hợp. Đồng thời, các nhà máy chế biến rau quả, trái cây cũng nên quan tâm đến loại sản phẩm này.
Lê Hoàng Vũ – Trọng Linh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Th1021
Bản quyền giống- điểm yếu của ngành xuất khẩu hoa tươi Việt Nam
Phần lớn các giống hoa đang sản xuất trong nước không có bản quyền là một trong những điểm yếu nhất trong sản xuất hoa Việt Nam, hầu hết đó là giống cũ được nhân bản trái phép.
Cuộc sống phát triển, nhu cầu sử dụng hoa ngày càng tăng và dự tính quy mô thị trường thế giới mỗi năm có thể đạt 15 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu hoa được vài chục triệu USD/năm và tiềm năng cũng như dư địa để khai thác thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn lớn đầu tư sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải có bản quyền giống.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết hiện mới chỉ một vài doanh nghiệp trồng hoa lớn, có sự liên kết với nước ngoài mới có thể sản xuất được hoa đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có các sản phẩm hoa trồng trong nhà kính của Công ty PAN-HULIC (Tập đoàn PAN) được đánh giá rất cao và xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.
Có được kết quả này, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch PAN-HULIC cho biết, hiện tại các giống hoa của PAN-HULIC được nhập khẩu toàn bộ từ Hà Lan, Nhật Bản, Israel, Đức… và tất cả đều có bản quyền cho phép Công ty nhân giống tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Trà My, phần lớn các giống hoa đang sản xuất trong nước không có bản quyền là một trong những điểm yếu nhất trong sản xuất hoa Việt Nam. Giống hoa không có bản quyền hầu hết là giống cũ được nhân bản trái phép với chất lượng thấp.
Tại Lâm Đồng, khoảng 70% các giống cúc, hồng, cẩm chướng đã rất cũ và số còn lại là nhân giống trái phép nên hoa của nông dân và các công ty trong nước không thể xuất khẩu được.
Nhìn rộng ra việc sử dụng và nhân giống không có bản quyền về lâu dài sẽ làm mất niềm tin của các công ty, đối tác nước ngoài đối với nền sản xuất hoa tại Việt Nam về quản lý nguồn giống và hạn chế kết nối, chuyển giao bản quyền.
Để có bản quyền giống, vấn đề lớn nhất không phải là chi phí nhập khẩu giống mà là việc thuyết phục được các công ty giống cung cấp bản quyền.
Các công ty được cung cấp bản quyền đều phải trải qua quá trình chọn lựa và soát xét rất kỹ về cơ sở vật chất cũng như năng lực và cam kết bản quyền, bà My cho hay.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu về giống, PAN-HULIC đầu tư trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Trung tâm này sẽ kết hợp với các công ty giống lớn trên thế giới qua các hợp đồng chuyển giao bản quyền để sản xuất giống cung cấp cho thị trường Việt Nam và châu Á.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng đã công nhận chính thức được 248 giống cây trồng; trong đó trên 80% là giống lúa, ngô.
Trong khi có nhiều giống lúa, ngô được công nhận thì lại có rất ít giống rau, hoa mới ra đời. Việc nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh.
Hiện nay, Việt Nam mới chọn tạo và bảo hộ được gần 20 giống hoa như: cẩm chướng, cúc, hồng, lily, lay ơn, lan hồ điệp, hồng môn…; đồng thời nhập nội được 5 chủng loại giống hoa là cúc, đồng tiền, lan hồ điệp, layơn, loa kèn, mỗi chủng loại 5 giống.
Các giống này đã được đánh giá và xác định có khả năng phát triển tốt và mở rộng trong sản xuất. Ngoài ra, còn có 150 giống ngoại được bảo hộ tại Việt Nam.
Ngay tại “thủ phủ” là tỉnh Lâm Đồng, sản xuất hoa xuất khẩu, giống hoa cũng chủ yếu tự nhân giống bằng cách tách cây con từ cây mẹ hoặc để củ giống như: cúc, hồng, lay ơn….
Các giống hoa trong nước chưa sản xuất được, mỗi năm tỉnh phải nhập khẩu từ 50-90 triệu củ, cây, ngọn, cành, hạt giống mới với các loại như cúc, hồng, cẩm chướng, lan hồ điệp… để khảo nghiệm và đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, hầu hết hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở sản xuất giống rau, hoa chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô sản xuất còn nhỏ, yếu về năng lực và chưa chú trọng về bản quyền nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ vấn đề bản quyền, các quy định nhập khẩu ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật Bản đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ khâu ươm giống, trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản, quản lý dịch hại…
Theo ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, sản xuất hoa chất lượng cao cho xuất khẩu bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, quy trình chuẩn khép kín.
Không giống như các nông sản khác có thể sản xuất tự nhiên, sản xuất hoa phải có nhà kính, nhà lưới.
Hiện, ở miền Bắc chưa có nhiều nhà đầu tư vì hạn chế về vốn, thông tin thị trường.
Những doanh nghiệp đầu tư vào trồng hoa xuất khẩu chủ yếu ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Đặng Văn Đông cho rằng cần có quy hoạch vùng cho trồng hoa xuất khẩu. Ở đó, doanh nghiệp được hỗ trợ về giao thông, điện, nước…, nhưng hiện nay sự hỗ trợ của địa phương trong lĩnh vực này còn ít.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết có nhiều việc phải làm để giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn trên thị trường xuất khẩu hoa.
Một trong những giải pháp hiệu quả là đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hộ dân, hợp tác xã nhỏ và vừa.
Việc này đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề hiện tại trong sản xuất hoa, đó là phát triển nhanh được diện tích trồng hoa cao cấp với giống có bản quyền; dần đào tạo được kỹ thuật cho các hộ trồng hoa nhỏ lẻ, chiếm đại đa số diện tích canh tác và tạo được giá trị cộng đồng qua việc nâng cao thu nhập cho các hộ trồng hoa.
Đặc biệt, phát triển hoạt động liên kết sản xuất sẽ thuận lợi hơn nhiều khi có thêm các chính sách khuyến khích và thúc đẩy từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành liên quan, bà My nhấn mạnh.
Đứng trước cơ hội từ thị trường, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030, ít nhất có 30% các giống rau, hoa sản xuất đáp ứng yêu cầu về bản quyền để xuất khẩu; 90% cơ sở sản xuất giống rau, hoa, cây đặc sản đạt tiêu chí sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, Lâm Đồng sẽ nâng cao chất lượng sản xuất giống cây trồng vật nuôi thông qua việc hỗ trợ nâng cao năng lực các đơn vị nghiên cứu sản xuất giống; hỗ trợ nhập khẩu sử dụng các giống bản quyền phù hợp với quy định quốc tế.
Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng trang thiết bị cho Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp tỉnh với mục tiêu trở thành đơn vị nghiên cứu, cung cấp giống rau, hoa cho toàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Trồng trọt, do nguồn lực nhà nước đầu tư cho nghiên cứu giống thấp nên các chương trình, dự án phải tập trung nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, đời sống, nhu cầu hàng ngày của người dân.
Do vậy, các giống hoa chưa được tập trung nghiên cứu nhiều. Trong thời gian tới, đây là lĩnh vực cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có trồng hoa công nghệ cao./.
Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)
Th823
Bắt tay nhau đưa ổi VietGap vào siêu thị, nông dân ở đây giàu
Đáp ứng nhu cầu sử dụng các mặt hàng nông sản sạch của người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã vận động thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sạch Nam Vũ thành lập vào tháng 7/2017, có 20 thành viên tham gia với diện tích 5,8ha tại 2 thôn Mạc Thủ 1 và Mạc Thủ 2. Tuy hoạt động chưa lâu nhưng sản phẩm của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Anh Dương Văn Nam – Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ cho biết: “HTX có tiền thân là nhóm liên kết trồng ổi của Hội Nông dân. Tuy nhiên trong quá trình đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh lân cận, tôi thấy mô hình HTX kiểu mới có nhiều ưu điểm vượt trội nên quyết định thành lập HTX
Để chủ động trong khâu sản xuất cũng như tìm đầu ra, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco để cung ứng ổi sạch cho các siêu thị, cửa hàng của Tập đoàn Vingroup. Để đưa được quả ổi vào siêu thị, HTX chịu sự giám sát chặt chẽ của công ty, từ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dọn vườn, sơ chế đến thu hoạch. Tất cả đều được ghi chép tỉ mỉ, đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất ra thị trường. Các hộ tham gia HTX đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình của đơn vị thu mua đưa ra. Gia đình nào đủ tiêu chuẩn mới được thu hoạch, nếu làm sai sẽ bị lập biên bản và công ty sẽ không thu mua lô ổi đó.
Anh Nam cho biết thêm: Khi mới thành lập, HTX đã có nhiều hình thức để hỗ trợ các hộ tham gia. Do tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ nên HTX đã tài trợ cho các hộ toàn bộ xốp để trải vườn tránh cỏ dại. Đồng thời trực tiếp đi chọn mua thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để cung ứng cho xã viên với giá gốc.
Là một xã viên của HTX, gia đình chị Lương Thị Ánh ở xóm 14 thôn Mạc Thủ 1 có 20 sào đất trồng ổi, trong đó có 8 sào trồng theo hướng VietGAP. Chị Ánh cho biết: “Tham gia HTX chúng tôi được hưởng rất nhiều quyền lợi, ngoài nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp từ vợ chồng chị Cúc, giá bán ổi cũng cao hơn so với thị trường từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, nên mọi người đều rất phấn khởi. Tham gia sản xuất theo quy trình của HTX vừa không độc hại mà năng suất, chất lượng ổi lại tăng lên khoảng 1,5 tạ/sào”.
Hiện nay ổi Thanh Hà đang được người tiêu dùng ở Hà Nội đón nhận và đánh giá cao. Chúng tôi cũng yêu cầu nông dân ký cam kết sản xuất đúng quy trình, không được lơ là vì siêu thị có máy kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đạt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của HTX và bà con nông dân”.
Có được thành quả như hôm nay, HTX đã nhiều đứng trên bờ vực giải thể do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý cũng như giám sát các thành viên, hàng bị siêu thị trả về, không xuất bán được vì một số hộ sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép và không đảm bảo thời gian cách ly, dân tới việc HTX bị phạt rất nặng do sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn. Để động viên bà con và đặt chất lượng lên hàng đầu, nhiều khi HTX phải chấp nhận bù lỗ, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 500 – 2.500 đồng/kg. Đổi lại xã viên phấn khởi, nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu của đơn vị thu mua cũng như HTX đưa ra.
Với sự quyết tâm đó, những khó khăn ban đầu đã đi qua. Từ năm 2017 đến nay, sản phẩm ổi VietGAP của HTX đã có chỗ đứng trong hệ thống siêu thị của Tập đoàn Vingroup. Hiện nay, HTX cung cấp vào siêu thị khoảng 50 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm ổi VietGAP của HTX là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Thanh Hà được chọn triển lãm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh và cả ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn-Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết: “Chúng tôi thấy rằng mô hình của HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ là rất tốt. Địa phương đang khuyến khích thêm các tổ hợp tác và HTX khác nữa cùng đi vào hoạt động có chiều sâu và bền vững. Mô hình này bắt buộc bà con phải làm ra sản phẩm sạch, kiểm soát chặt chẽ trong các khâu và mọi người phải tuân thủ nguyên tắc, nếu không làm theo sẽ bị đào thải ngay”.
Anh Dương Văn Nam cho biết, trong quá trình phát triển HTX luôn nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương và tổ chức Hội Nông dân các cấp. Hội là cầu nối giữa người nông dân với Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí thành lập HTX, cấp giấy chứng nhận VietGAP, các lớp tập huấn chuyển giao KHKT mới cho thành viên HTX, hỗ trợ ban đầu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp…
Nguồn: báo dân Việt
Th805
Để nông dân không bị tụt hậu
Gần đây, liên tiếp các hội thảo, hội nghị về tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trong đó có nhắc đến lợi thế của ngành nông sản thực phẩm.
Tuy vậy, cần phải thẳng thắn nhìn nhận nông sản Việt Nam ngay từ khâu đầu đã yếu thế khi phần lớn vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định và thiếu sự đồng đều. Trong khi đó, các nước nhập khẩu ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với lý do bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nước họ.
Vậy nên, để khai thác được những lợi thế nhờ các hiệp định thương mại tự do mang lại, nông sản Việt Nam cần phải nâng chất lượng thì mới tạo được lợi thế cạnh tranh; nếu không thì không chỉ bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu mà còn gặp khó ngay trên sân nhà khi nông sản từ các nước đổ bộ sang.
Việc nâng chất lượng nông sản phải bắt đầu từ khâu sản xuất ban đầu, tức chủ yếu do nông dân thực hiện. Thế nhưng, hiện nay có không ít nông dân vẫn suy nghĩ và thường phát biểu công khai trong các cuộc họp rằng “muốn tôi làm sạch thì giá bán phải cao hơn” mà vẫn chưa ý thức được đã sản xuất là phải sạch. Lối mòn suy nghĩ của người nông dân – theo các chuyên gia, doanh nghiệp – xuất phát từ thị trường tiêu thụ trước giờ khá dễ tính, người tiêu dùng đánh giá sản phẩm bằng cảm quan mà chưa đặt nặng vấn đề nguồn gốc, tính an toàn lâu dài của sản phẩm.
Thị trường ngày nay đã thay đổi, người mua không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn muốn biết cả quy trình sản xuất. Họ cần biết sản phẩm mình sắp mua được nuôi trồng như thế nào, dùng những vật tư đầu vào ra sao và cách người nông dân kiểm soát những mối nguy cơ để sản phẩm cuối cùng an toàn. Tất cả quá trình sản xuất phải được chứng minh cụ thể bằng nhật ký nuôi trồng và các hồ sơ, chứng từ liên quan chứ không phải làm để đối phó.
Trong nhiều lần nói kinh nghiệm làm giàu từ nông nghiệp, lão nông Võ Quan Huy (Long An) – người trồng chuối xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với doanh số hàng triệu USD mỗi năm – đều nhấn mạnh đến sự thay đổi trong tư duy và người nông dân phải có ý thức trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Hàng đã bán ra, nếu có lỗi mà lỗi thuộc về người sản xuất thì họ phải dũng cảm chịu trách nhiệm, không được phủi tay sau khi đã bán xong. Bởi nếu chỉ sau “mua đứt bán đoạn” là hết trách nhiệm, nếu bị người tiêu dùng đánh giá thấp chất lượng, giá trị sản phẩm thì khi đó người nông dân cũng chẳng được lợi.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mới đây đã chia sẻ câu chuyện về việc giúp nông dân “con cá hay cần câu” theo một cách rất thực tế. Theo đó, việc hỗ trợ “con cá” cho nông dân là hoàn toàn không nên nhưng việc cho họ cái “cần câu” cũng chưa đủ. Vì nếu cho “cần câu” mà không dạy cách câu cá thì người nông dân không thể chuyển đổi bền vững. Thị trường thay đổi, nông dân phải thay đổi nhưng đây là quá trình dài, cần sự kiên trì mới có sự chuyển biến thực sự. Nếu không, người nông dân vẫn quay lại phương thức sản xuất cũ và việc “giải cứu nông sản” vẫn phải diễn ra khi việc sản xuất không theo thị trường mà theo thói quen.
Nguồn: nld.com.vn
Th204