Tin tức
Nổi khổ của người làm nông sản sạch khi rủi ro vô cùng nhiều
Tỉ suất lợi nhuận đầu tư vào nông nghiệp thấp so với các ngành khác nhưng hiện rủi ro lại vô cùng nhiều.
Rủi ro đến từ dịch bệnh, thiên tai và được mùa thì mất giá. Cái lạ là làm nông nghiệp hiện khó đủ đường, như ngay cả tiếp cận vốn ngân hàng cũng không thể nếu không có tài sản đảm bảo.
Điều tréo ngoe là có những tài sản có giá trị rất lớn như hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống hạ tầng điện trong trang trại… được doanh nghiệp đầu tư cả chục tỉ đồng nhưng cũng không được xem là tài sản đảm bảo khi đi vay. Lý do đơn giản là: các tài sản này hiện rất khó định giá.
Thêm nữa, những dây chuyền có sẵn nếu nhập về thì được coi là tài sản đảm bảo, còn dây chuyền được lắp ráp ở trong nước hoặc nghiên cứu lắp ghép, các ứng dụng công nghệ trong nước rất khó khăn để định giá tài sản.
Đây có lẽ là câu chuyện rất đáng phải suy nghĩ. Bởi thực tế này khiến các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao rất nghi ngại ứng dụng các sản phẩm trong nước, đành phải dùng hàng ngoại dù chi phí cao hơn nhiều.
Nói về tiếp cận vốn vay, sau khi đã gõ cửa 3 ngân hàng, rất may là chúng tôi được một chi nhánh ngân hàng duyệt cho vay. Họ thấy chúng tôi trồng rau, dưa lưới, nuôi gà đều sử dụng công nghệ cao là hệ thống cảm biến để kiểm soát chất lượng trên từng sản phẩm. Song, khoản vay chỉ ngắn hạn, dưới 12 tháng thôi.
Điều đó cho thấy đầu tư vào nông nghiệp khó khăn đủ đường. Chưa hết, so với rau bán ở chợ dân sinh, rau thủy canh hoặc các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thường có giá bán cao hơn vì đây là sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, người mua có tin không? Chưa chắc.
Nên mới có ý kiến cho rằng tội gì phải đầu tư sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Rõ ràng niềm tin của người làm nông nghiệp, khối thương mại là chuỗi bán hàng và người tiêu dùng cần phải cải thiện.
Trong đó, muốn tăng niềm tin, vai trò kiểm soát, đảm bảo không có sự mập mờ giữa nông sản an toàn và nông sản không rõ nguồn gốc phải tốt.
Tôi nghĩ cái quan trọng nhất để tăng niềm tin cho người tiêu dùng là đường đi của sản phẩm từ nơi sản xuất đến thương mại và tận tay người tiêu dùng phải được minh bạch. Phải ăn thực phẩm có kiểm soát.
Người ta nói rất nhiều đến tầng nấc trung gian phân phối và đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá cả sản phẩm lên gấp nhiều lần. Con tôm, quả trứng, mớ rau, con cá… được bán ở Hà Nội, TP.HCM được đi từ đâu và qua bao khâu trung gian thì không ai biết cả.
Công nghệ sẽ thể hiện con đường đi và tính được các chi phí ở từng khâu. Đây là điều mà thị trường Việt Nam đang thiếu và rất cần hơn bao giờ hết.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn giúp doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ toàn bộ quá trình canh tác để đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng đạt hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất.
Nhìn sang các lĩnh vực khác, như vận tải chẳng hạn, Grab áp dụng công nghệ giúp khách hàng biết trước được giá cước, biển số xe là bao nhiêu, tài xế xe là ai… Với nông nghiệp cũng vậy, khi có đầy đủ thông tin của sản phẩm thì việc lựa chọn mua là quyền của khách hàng.
Công nghệ cao cho phép mọi thứ rất minh bạch nên trong sản xuất nông nghiệp không thể chậm trễ hơn được nữa.
Ông Lê Khánh Mạnh (tổng giám đốc Delco Agriculture) – Lê Thanh (Báo Tuổi Trẻ) ghi
Th725
Nông dân Việt sản xuất thành công giống dưa hấu xuất sang Nhật
Thông qua sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Hagihara Farm (Nhật Bản), nông dân ĐBSCL đã sản xuất thành công hạt giống dưa hấu đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Nhật Bản. Vừa qua 8,1 kg hạt giống đầu tiên đã được xuất sang thị trường khó tính này.
Trao đổi tại buổi họp báo “Xuất khẩu giống dưa hấu sang Nhật” được tổ chức ngày 23-7, tại TPHCM, ông Mai Tấn Hoàng, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu và Phát triển thuộc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sau hai năm (từ năm 2017) tiến hành nghiên cứu, thực hiện canh tác thử nghiệm và chuyển giao kỹ thuật đối với giống dưa hấu Nhật Bản, nông dân Việt Nam đã sản xuất thành công hạt giống dưa hấu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính bật nhất thế giới hiện nay là Nhật Bản.
Theo đó, mô hình canh tác sản xuất hạt giống nói trên được triển khai tại hai địa phương là Tiền Giang và Hậu Giang, đây là hai khu vực có điều kiện phù hợp, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu trong quá trình kiểm nghiệm được phía doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra.
“Trước đó, chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm tại tỉnh Gia Lai, nhưng không thành công”, ông Hoàng cho biết và nói rằng việc chênh lệch nhiệt độ quá lớn ở tỉnh Gia Lai là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại.
Theo ông Hoàng, để được phía Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu, thì hạt giống dưa hấu được sản xuất ra phải đạt độ thuần trên 99% (kết quả sản phẩm được nông dân sản xuất có độ thuần là 99,97%) và không có lẫn vi sinh vật gây hại…
Loại hạt giống dưa hấu được xuất khẩu sang Nhật Bản có thời gian sinh trưởng khoảng 60 ngày. Sản phẩm là loại dưa không hạt, có độ ngọt 14-15%, tương đương so với các loại dưa khác trên thị trường, thịt chắc.
Là một trong hai người trực tiếp tham gia sản xuất thành công hạt giống dưa hấu xuất khẩu sang Nhật, ông Trần Việt Trương, ngụ xã Đồng Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho rằng, công việc khó nhất trong sản xuất hạt giống dưa hấu xuất sang Nhật đó là quá trình thụ phấn.
“Ngoài việc chọn thời điểm sản xuất “lệch pha” so với các ruộng dưa khác ở bên cạnh (tức khi ruộng dưa hấu của ông thụ phấn không trùng thời điểm thụ phấn của các ruộng dưa khác) để đảm bảo độ thuần sản phẩm được tạo ra, thì phải đặc biệt chú trọng khâu thụ phấn, lai tạo nhằm hình thành nên trái dưa giống”, ông cho biết.
Trước đó, vào đầu năm, thông qua quy trình sản xuất của Hagihara Farm với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của lực lượng 3 cùng (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), ông đã trồng thử nghiệm một vụ dưa lấy hạt và cho kết quả thành công như nêu trên.
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành của Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc xuất khẩu được hạt giống dưa hấu vào thị trường khó tính bật nhất hiện nay là Nhật Bản đánh dấu sự thành công lớn trong ngành sản xuất giống của Việt Nam.
“Khi chúng ta đã xuất khẩu được sang Nhật, thì bất cứ thị trường nào chúng ta cũng đều có thể vào được”, ông cho biết và nói rằng đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải số lượng 8 hay 10 kí lô gam.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, thành công như trên là một bước tiến rất lớn trong năng lực canh tác và sản xuất giống dưa hấu nói riêng và cây trồng nói chung của nông dân Việt Nam. “Trên nền tảng đó, chúng tôi sẽ cùng bà con nông dân tiếp tục nổ lực để tiến sâu hơn trong quan hệ hợp tác với Hagihara Farm”, ông nhấn mạnh.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Th722
Cảnh báo nông dân ồ ạt trồng Mít Thái
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL vừa cho biết, thời gian gần đây nhiều nông dân ào ạt chuyển đổi đất lúa, đất rau màu, đất mía… sang trồng mít Thái để xuất qua thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê, những tháng đầu năm 2019, nhiều thương lái tăng cường thu mua mít Thái, đẩy giá mít tăng lên đến 35.000 – 45.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm là 50.000 – 60.000 đồng/kg, nông dân thu về 400 – 600 triệu đồng/ha/năm. Do đó, nông dân tại các tỉnh liên tục mở rộng trồng mít Thái. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, diện tích trồng mới là 1.141ha.
Qua khảo sát của Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi sang trồng mít rải rác trên nhiều địa phương, diện tích lớn, không theo vùng trồng tập trung, sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, ngập úng, thiệt hại do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện; tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại diễn biến phức tạp; nhu cầu trồng lớn trong khi nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lý chất lượng nguồn gốc cây giống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tiêu thụ mít Thái chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc nên dễ rủi ro khi thị trường biến động…
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cẩn trọng việc phá bỏ đất lúa, đất mía và một số cây khác… ào ạt chuyển sang trồng mít Thái.
Nguồn sggp.org.vn
Th717
Bình Thuận tăng cường kiểm dịch thanh long xuất sang Trung Quốc
Trước thông tin phát hiện lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm loài rệp – đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đã chủ động tăng cường kiểm soát, xử lý trước khi xuất sang thị trường này.
Ngày 15/7, trao đổi Báo NNVN, ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – bảo vệ thực vật Bình Thuận, cho biết: Dù lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm loài rệp Dysmicoccus neobrevipes và Pseudococcus jackbeardsleyi – là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc không xác định của địa phương nào.
Tuy nhiên, để chủ động phòng trừ, ngăn ngừa, tránh ảnh hướng đến xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT Bình Thuận ban hành văn bản đề nghị UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, thu mua xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc tại địa phương, trong đó chú ý đến các loài rệp sáp gây hại.
Sở NN-PTNT Bình Thuận đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chú ý đến các loài rệp sáp gây hại. Theo đó, 2 loài rệp này thường gây hại trên cây trồng như quýt, mãng cầu, dứa và thanh long… Trong đó, loài Dysmicoccus neobrevipes gây hại bằng cách dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, thân, cành, quả… để hút các chất dinh dưỡng.
Các vết châm của rệp làm cho mô bị thâm nâu, triệu chứng bên ngoài vỏ quả có màu vàng. Rệp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô. Còn loài Pseudococcus jackbeardsleyi, cơ thể hình oval, hơi tròn về phía sau, có màu cam nhạt đến màu hồng; cơ thể phủ đầy sáp không dày, không có những đường dọc trên lưng, bên hông có mang túi trứng.
Do đó, theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, khi phát hiện các loài rệp này, các cơ sở thu mua cần loại bỏ bằng cách rửa sạch hoặc thổi hơi. Trong sản xuất, nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý, phòng trừ rệp sáp trên các vườn thanh long.
Theo Chi cục Trồng trọt – bảo vệ thực vật Bình Thuận, để phòng chống 2 loài rệp sáp này, bà con cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc thanh long. Bên cạnh đó, tưới nước, bón phân đầy đủ nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Trong quá trình tưới thanh long, nên sử dụng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo độ ẩm trên cây và giảm mật độ rệp sáp. Đồng thời thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm rệp gây hại, nhất là trong mùa khô. Chú ý vào những bộ phận (chồi non, hoa, quả) mà rệp hay xuất hiện và gây hại. Tỉa bỏ và tiêu hủy những bộ phận của cây nhiễm rệp sáp nặng. Chú ý vào những bộ phận (chồi non, hoa, quả) mà rệp hay xuất hiện và gây hại. Tỉa bỏ và tiêu hủy những bộ phận của cây nhiễm rệp sáp nặng.
Ngoài ra, cần bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên trong vườn của rệp như bọ rùa, bọ mắt vàng, bọ cánh gân, kiến vàng, ong ký sinh. Trong đó, kiến vàng là loài thiên địch hữu hiệu nhất, có thể xua đuổi, ngăn cản rệp trưởng thành gây hại và đẻ trứng.
Về biện pháp hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục của Bộ NN-PTNT ban hành hàng năm để phòng trừ rệp khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng.
Tuy nhiên bà con sử dụng phải theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt lưu ý việc phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời, nhất là ở giai đoạn cây đang có bông, trái non, trái đang phát triển.
Được biết, Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước, với diện tích hiện lên đến gần 30.000 ha, được trồng 10 huyện, thị xã, thành phố nhưng tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 600.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 13 cơ sở chế biến, 27 hợp tác xã, 1 liên hiệp sản xuất và chế biến thanh long; gần 200 cơ sở thu mua, sơ chế.
Nguồn: Kim Sơ – Ngọc Khanh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Th709
Sơn La: dân trồng chanh leo khổ sở vì bệnh lạ chưa từng thấy
(Dân Việt) Hơn 1 tháng nay, trên những nương, vườn chanh leo của bà con bản Mông Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) bỗng xuất hiện bệnh lạ, ngọn săn lá, rụng hoa, quả sần sùi nhăn nheo như da cóc, bán không được giá. Tuy người dân đã làm mọi cách, dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật song tình trạng vẫn không được cải thiện.
Hiện đang vào chính vụ thu hoạch chanh leo nhưng nhiều diện tích chanh leo của nông dân ở Hua Tạt xuất hiện bệnh lạ hại quả, khiến chất lượng quả bị giảm, bán giá rẻ như cho. Biểu hiện ban đầu của bệnh là lá hơi vàng, ngọn săn lá kém phát triển, ra quả màu trắng đến khi sắp chín quả xuất hiện chấm đỏ sau đó săn lại vỏ sần sùi nhăn nheo như da cóc. Bệnh lạ xuất hiện không rõ nguyên nhân khiến người nông dân trồng chanh leo bị thiệt thòi vô cùng.
Hiện chanh leo đang bán được giá từ 20.000 – 21.000 đồng/kg đối với chanh đẹp, nhưng chanh bị nhiễm bệnh chỉ bán với giá 6.000 – 7.000 đồng/kg. Chanh leo năm nay dễ bán không chật vật như mấy năm trước nhưng tình trạng bệnh hại làm chênh lệnh giá bán từ 13.000 – 14.000 đồng/kg.
Vườn chanh leo của anh Giàng A Sự, nằm bên sườn dốc gần Quốc lộ 6, hơn một tháng nay tậm trạng anh Sự không được vui vì thấy cả vườn chanh leo 2 năm tuổi, rộng gần 1 ha với 700 gốc đang bị nhiễm bệnh, bán không được giá.
Anh Sự trải lòng: Vườn chanh leo của gia đình trồng từ năm 2018, từ đó đến nay tôi luôn chăm bón đúng kỹ thuật, phân, thuốc đầy đủ. Đầu vụ chanh phát triển tốt không có dấu hiệu bệnh gì, cách đây khoảng một tháng thì bệnh bắt đầu xuất hiện, đến nay chưa rõ là bệnh gì.
Mặc dù tôi đã dùng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây nhưng bệnh vẫn không giảm, trái lại ngày càng lan rộng hơn, giờ gia đình cũng đành bó tay. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã hoạch bán hơn 1 tấn quả, trong số đó chỉ 50% là chanh bán được giá, còn lại bán giá rẻ như cho. Cứ tình trạng này thì chỉ huề vồn chứ không có lời lãi gì”, anh Sự cho hay.
Cách đó không xa là vườn chanh leo của ông Tráng A Nhà, cũng chung cảnh ngộ với anh Sự. Nhà trồng 200 gốc chanh leo cũng đang trong thời gian thu hoạch. Đang phấn khởi chanh bán được giá thì vườn chanh bỗng xuất hiện bệnh lan khắp vườn, tỷ lệ chanh bán được giá rất ít còn lại đành bán giá rẻ.
Biểu hiện của chanh leo bị bệnh là quả xuất hiện nốt chấm đỏ sau đó lan rộng, một thời gian sau săn lại quả nhăn nheo như da cóc.
Trao đổi với phóng viên, anh Tráng A Cao, Trưởng bản Hua Tạt, cho biết: Hầu hết vườn chanh leo của bà con bản Hua Tạt đều bị nhiễm bệnh, bệnh này chỉ mới xuất hiện cách đây hơn 1 tháng nhưng chúng lan rất nhanh. Đến nay, chưa biết rõ là bệnh gì (nhiều người gọi đây là virut hại quả). Mặc dù các hộ đã dùng nhiều loại thuốc phun nhưng tình trạng không được cải thiện. Hiện bệnh đang tiếp tục lan rộng, những quả chanh bị nhiễm bệnh bán giá rẻ.
Bệnh lạ cũng làm hoa chanh leo bị rụng.
Theo anh Cao, gia đình anh có 2 ha chanh leo hầu hết đã mắc loại bệnh này. Bệnh làm chất lượng quả giảm, bán giá rẻ, thậm chí quả nhỏ còn vứt đi không ai mua. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, vụ tới nhiều người nông dân có nguy cơ bị mất trắng.
Ngọn chanh leo săn lại không thể phát triển được.
Nhiều quả chanh leo non bị bệnh héo quắt chuẩn bị rụng.
Nguồn: báo dân Việt
Th626
Sau khi tăng cao ngất ngưỡng, giá thanh long bất ngờ giảm sâu
Sau khi tăng cao ngất ngưởng, giá thanh long bất ngờ giảm sâu
Sau khi đạt mốc kỷ lục hơn 30 ngàn đồng/kg, giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận bất ngờ giảm sâu, khiến người dân lo lắng.
Trong khoảng 3 ngày qua, người dân ở tỉnh Bình Thuận, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long của cả nước đang rất lo lắng trước việc giá loại trái cây này đột ngột giảm giá sâu.
Theo người dân địa phương, cách đây khoảng một tuần, giá thanh long đạt mức cao kỷ lục hơn 30 ngàn đồng/kg, cao nhất trong vòng nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến ngày 19-6, giá loại trái cây này đột ngột giảm xuống chỉ còn hơn 20 ngàn đồng/kg.
Đến sáng 22-6, giá thanh long chỉ còn khoảng 10 – 12 ngàn đồng/kg, giảm hơn 70% so với cách đây khoảng một tuần.
Anh Trần Vĩnh Kha, người dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: “Có ngày, giá thanh long giảm tới 3 giá, sáng giá khác, chiều lại giá khác. Hiện loại trái cây này đang vào hàng mùa nên với việc giá giảm sâu như vậy khiến người dân rất lo lắng”.
Ông Nguyễn Vĩnh Khải (ngụ huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ: “Đối với thanh long hàng mùa thì giá trên 10 ngàn đồng/kg, người dân vẫn có lời, nhưng không được nhiều. Với tình hình này, có thể trong những ngày tới, giá sẽ còn giảm sâu nên tôi đang rất lo khi hơn 1ha thanh long của gia đình đang bắt đầu chín”.
Thanh long Bình Thuận sau thời gian tăng giá cao kỷ lục nay bất ngờ giảm giá sâu
Theo một số thương lái, điều nghịch lý là dù hiện tại thanh long hàng mùa còn ít nhưng giá lại giảm sâu. Nguyên nhân giá giảm là do thời điểm này, thanh long của Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch chính nên phía nước bạn hạn chế nhập thanh long của Việt Nam.
Anh Trương Quang Hoài, thương lái thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Hiện nay bên Trung Quốc, thanh long đang vào chính vụ, chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Vừa qua, vựa của tôi thu mua hàng ruột đỏ nhưng chưa kịp xuất khẩu đi thì giá giảm nên bị lỗ nặng”.
Nguyên nhân thanh long giảm giá do phía Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch chính vụ
Theo khảo sát, ngoài giá thanh long ruột trắng đang giảm sâu thì thanh long ruột đỏ hiện cũng chỉ còn 12 ngàn đồng/kg.
Bình Thuận hiện là “thủ phủ” thanh long của cả nước
Bình Thuận hiện đang là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với gần 30.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 500 ngàn tấn. Hiện hơn 80% sản lượng thanh long chủ yếu được xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo: báo mới
Th617
Những công dụng tuyệt vời của cây đinh lăng
Đinh lăng là một vị thuốc quý và dễ tìm, đã được nhân dân ta sử dụng từ lâu đời. Danh y Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) đã từng nói đây là cây nhân sâm của người nghèo. Đinh lăng có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.
1.Công dụng của lá đinh lăng
Lá đinh lăng tươi.
Lá đinh lăng thường được sử dụng làm rau sống ăn kèm với gỏi cá và làm trà để uống. Theo y học cổ truyền, lá đinh lăng có vị đắng, tính mát và có thể giải độc thức ăn. Người ta dùng lá đinh lăng để nấu nước uống, làm gối cho trẻ em hoặc dùng dưới dạng bột khô.
Lá đinh lăng có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như cao huyết áp, co giật ở trẻ em, dị ứng và có nhiều tác dụng như hoạt huyết dưỡng não, lợi tiểu…
Lá đinh lăng đã phơi khô.
Cách dùng:
Co giật ở trẻ em: Dùng lá già và lá non phơi khô, đem lót dưới nệm hoặc nhồi vào gối cho trẻ em nằm.
Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lấy từ 150-200 g lá đinh lăng tươi. Đun sôi 200 ml nước, rồi cho tất cả lá vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200 ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai.
Dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Dùng 10 g lá đinh lăng khô, sắc chung với 200ml nước, uống trong ngày để chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ.
2. Công dụng của rễ đinh lăng
Theo nghiên cứu của GS. Ngô Ứng Long (học viện Quân y), rễ đinh lăng chứa rất nhiều chất saponin giống như ở nhân sâm, các vitamin B1, B2, B6, C và 20 acid amin cần thiết cho cơ thể.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Kim Hương (trung tâm sâm và dược liệu TP HCM), rễ đinh lăng có thể tăng cường thể lực, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.
Các nhà khoa học thấy rằng, đinh lăng Việt Nam có ít độc tính hơn sâm Triều Tiên và sâm Liên Xô. Chiết xuất từ đinh lăng đã được sử dụng để tăng cường sức khỏe cho các vận động viên và các nhà du hành vũ trụ.
Từ lâu, Đông y đã sử dụng rễ đinh lăng để chữa nhiều bệnh như sưng vú, tắc tia sữa, mệt mỏi kém hoạt động, chân tay đau nhức, run tay chân…
Củ đinh lăng được dùng để ngâm rượu.
Cách dùng:
Chữa sưng vú và làm thông tia sữa: Lấy 30-40g rễ đinh lăng sắc với 500 ml nước, cô còn 250 ml, uống nóng.
Mệt mỏi, biếng hoạt động: Dùng rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 50 g sắc uống trong ngày.
Người già chân tay đau nhức do thấp khớp: Dùng củ đinh lăng ngâm với rượu trắng, uống hằng ngày.
Liệt dương, di tinh: Củ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12 g; trâu cổ, cao ban long mỗi vị 8 g, sa nhân 6 g. Sắc uống trong ngày. Các vị thuốc này có thể mua dễ dàng ở những hiệu thuốc đông y.
Theo suckhoedoisong.vn
Th612
Gấp rút làm bản quyền cho thanh long nếu không muốn mất trắng
Đó là khuyến cáo của bà Wendy Matthews – Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu thanh long. Theo bà, các khâu thuộc chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài trong kinh doanh trái cây.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng
Đã hơn 10 năm Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), nhưng đến nay, vấn đề bảo hộ bản quyền giống cây trồng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều giống quý của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “đánh cắp”.
Phải bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn. N.V
“Để xuất khẩu tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Khi đảm bảo tốt được các khâu trong chuỗi, nông dân sẽ có nhiều lựa chọn cho việc “nhắm” thị trường nào muốn xuất khẩu, cũng như đạt mức lợi nhuận tốt nhất từ thị trường đó. Điều này cần sự hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ và các thành phần tham gia trong chuỗi”. Bà Wendy Matthews
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sau hơn 10 năm là thành viên của UPOV, Việt Nam mới chỉ có vài trăm giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ, so với chủng loại vô cùng phong phú, phân bố ở các địa phương thì chỉ như… “muối bỏ biển”. Mặc dù công tác bảo hộ giống cây trồng đã có chuyển biến, một số giống đã được đăng ký bản quyền sau khi Việt Nam tham gia UPOV, nhưng so với yêu cầu đề ra thì còn kém xa.
Đáng chú ý, nếu vấn đề bảo hộ ở nước ngoài được thực hiện tương đối đơn giản thì tại Việt Nam lại vô cùng phức tạp, nông dân thích gì trồng nấy, việc xâm phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến và dễ dàng. Chính điều này đã khiến nhiều giống cây trồng quý của Việt Nam bị đánh cắp không thương tiếc. Đơn cử như giống thanh long, từ chỗ chỉ có thanh long ruột trắng, chúng ta nghiên cứu, lai tạo, nhập khẩu để phát triển thêm thanh long ruột đỏ. Nhưng chỉ vì không chú trọng đúng mức đến việc đăng ký bản quyền, Đài Loan đã lấy một số gen trong giống thanh long của Việt Nam, lai tạo để cho ra một giống thanh long mới ưu việt hơn.
Đánh giá thanh long là một sản phẩm cao cấp, bà Wendy Matthews cho rằng, ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp từ 6 năm trước. Dự án nhằm phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc tạo ra, sản xuất và thương mại hóa giống thanh long cao cấp, với khoản viện trợ không hoàn lại 8,1 triệu đô la New Zealand.
Bà Wendy Matthews khẳng định, chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn. Phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công. “Tuy nhiên, để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả” – bà Wendy Matthews nói.
Kinh nghiệm từ New Zealand
New Zealand vốn là đất nước nổi tiếng về khâu bản quyền giống. Trước đây, giống kiwi Hayward vốn được phát triển ở New Zealand nhưng nông dân đã trồng thương phẩm giống này trước khi thực hiện các biện pháp bảo vệ giống. Khi giống này được nhân lên và tham gia thương mại tự do trên toàn cầu thì quay trở lại cạnh tranh với chính kiwi của New Zealand. Bên tạo giống ban đầu đã không nhận lại được bất kỳ lợi nhuận nào từ sự phát triển và cạnh tranh này.
Bà Wendy Matthews dẫn chứng, năm 2018, lợi nhuận cho nông dân trên mỗi khay kiwi ZESPRI™Gold – giống của Viện nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand đã cao hơn kiwi Hayward khoảng 27%. Còn lợi nhuận theo diện tích cho nông dân trồng kiwi ZESPRI™ Gold cao hơn kiwi Hayward đến 90%. Tương tự, tại những thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Á, giá bán táo Envy™ có thể cao hơn các giống táo thông thường đến 80 – 90%.
Trở lại với dự án đang triển khai tại Việt Nam, hiện đã có một số giống được lựa chọn cho giai đoạn cuối, đang thử nghiệm trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch. Các giống cao cấp này sẽ được bảo hộ bằng Quyền giống cây (Plant Variety Rights – PVR) và thương mại hóa tại Việt Nam và thế giới theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát.
“Chúng tôi đã phát triển ra 20 loại giống thanh long khác nhau. Hy vọng đến 2021 sẽ giới thiệu được các loại thanh long mới này ra thị trường ở Việt Nam cũng như thế giới” – bà Wendy chia sẻ.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)
Th603
Xuất xoài ngon đi Mỹ
Sau hơn một tháng (kể từ 18/4) tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu lô hàng đầu tiên 8 tấn xoài tươi sang Mỹ, đến nay lượng xoài tiếp tục tăng hơn 100 container vào thị trường này.
Khởi đầu suôn sẻ
Theo TS Lương Trung Lập, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), đến ngày 15/5 đã có 103 container (20 tấn/container) xoài xuất sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không.
Ở ĐBSCL hầu như tỉnh nào cũng có thể trồng xoài. Nhưng hiện thời các vườn xoài được cấp mã code tham gia cung hàng xuất khẩu chủ yếu xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu từ 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu ở Chợ Lách (Bến Tre), doanh nghiệp đã bắt tay liên kết với 2 hợp tác xã xoài Mỹ Xương (81ha) và hợp tác xã xoài 3 màu Bình Phước Xuân (70ha) để xuất bán 8 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ.
Xoài qua Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), được kiểm tra, cấp mã code, chiếu xạ, có thể truy xuất nguồn gốc. Phía doanh nghiệp xuất bán cam kết đáp ứng đúng yêu cầu chất lượng, số lượng, có vùng nguyên liệu khép kín, sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Xoài phải đạt chuẩn về kích cỡ, như xoài Cát Chu trái từ 300 gram, xoài cát Hòa Lộc chọn trái trên 400 gram, xoài tượng da xanh trên 700 gram/trái.
Lô hàng đầu tiên 8 tấn xoài từ Việt Nam bán vào một số tiểu bang nước Mỹ đã gây hiệu ứng tích cực. Một số người tiêu dùng Việt kiều định cư tại Mỹ, báo tin: Khi xoài Việt qua, xoài Mexico bán tại chợ ALDI bắt đầu giảm giá 35 – 75 cent/trái.
Xoài đựng trong thùng có gắn logo “Daitan” lần đầu xuất hiện trên TV ở California được giới thiệu là xoài ngon nhất Việt Nam. Trước xoài có một số trái cây đã vào Mỹ, nhưng lần này xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu thật sự tạo nên cơn sóng với giá 70 USD/thùng 11 Lbs (12 trái – Lbs viết tắt pound, cân Anh). Một Việt kiều tại Portland, bang Oregon cho biết thêm, chỉ riêng khoản phí giao hàng là 4 – 5 USD/1Lbs (0,4kg).
Xoài bán vào thị trường cao cấp mới là bước khởi đầu, số lượng còn ít, có giá bán cao dù chi phí xuất khẩu, vận chuyển đường hàng không không hề nhỏ.
Tuy nhiên, xoài bán được vào Mỹ chứng tỏ nông dân trồng xoài và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu theo các điều kiện khắt khe nhất để bán hàng vào thị trường cao cấp.
Trong khi đó, từ tháng 5 mùa trái cây ở Nam bộ đang vào mùa chín rộ. Dù xoài xuất sang Mỹ, bán qua các nước trong khu vực hay một số nước khác vẫn chưa đủ sức kéo giá xoài nội địa tăng lên.
Nhận diện điểm khó
Xoài được xem là một trong hơn 10 loại cây ăn quả có giá trị ở nước ta, được trồng trên nhiều vùng miền nhưng tập trung nhiều và có sản lượng lớn ở các tỉnh phía Nam.
Dù không chiếm diện tích trồng xoài lớn hơn Thái Lan, Philippines, Indonesia, nhưng nước ta có nhiều giống xoài ngon. Đặc biệt hai giống xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu ở ĐBSCL được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đẹp mắt khi trái chín vàng, thịt ngọt, mùi thơm hấp dẫn.
Hiện nay xoài Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường của 40 nước. Những năm 2013 – 2015 xoài Việt đã bán qua Nhật Bản, Hàn Quốc và thâm nhập thị trường cao cấp một số nước.
Tuy nhiên xoài Việt mở đường vào Mỹ phải mất thời gian đàm phán gửi hồ sơ kỹ thuật từ năm 2004, đến 18/2/2019 mới chính thức được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Xoài là loại quả thứ 6 xuất qua Mỹ sau thanh long, chôm chôm, vải thiều, nhãn, vú sữa. Hiện nay Cục bảo vệ thực vật đã cấp 99 mã code cho vùng trồng xoài ở các tỉnh phía Nam đủ điều kiện xuất khẩu qua Mỹ cũng như các thị trường khó tính khác.
Trong mấy năm qua, ở ĐBSCL có công ty Chánh Thu và công ty Vina T&T hợp tác liên kết với nhiều hợp tác xã trồng xoài, vú sữa, nhãn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng để hình thành vùng nguyên liệu, tạo nguồn cung.
Các công ty này cho biết cán bộ ngành bảo vệ thực vật và đối tác phía Mỹ tới khảo sát, tận mắt nhìn thấy cách nông dân chăm sóc, ghi chép, bao trái… rồi cấp mã code (mã số vùng trồng).
Một chủ doanh nghiệp cho biết: Khi bắt tay liên kết với các hợp tác xã nông dân phải theo sát hướng dẫn thực hiện đúng theo qui trình sản xuất của cán bộ bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh ngoài danh mục, khuyến cáo bao trái ngăn ngừa ruồi đục quả. Phải chịu tốn chi phí chiếu xạ, kiểm tra chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến khi xuất sang Mỹ nếu họ phát hiện hàng vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh cáo, còn phát hiện lần sau nữa họ sẽ huỷ code. Bên cạnh đó, hàng trái cây tươi nhất là xoài, vú sữa vỏ mỏng khó bảo quản nên thường xuất qua đường hàng không.
Đường bay tới Mỹ nhanh cũng mất hơn một ngày, cước phí vận tải rất cao, khoảng 3,5 USD/kg. Dù vậy, lo lắng nhất là bị hoãn chuyến bay hoặc hàng nằm chờ phơi mưa phơi nắng ở sân bay… Chỉ đến khi bên kia khách nhận hàng xong mới hết lo.
Thách thức hàng cao cấp
Tin xoài đã xuất khẩu qua Mỹ chưa tới tai nhà vườn, thậm chí một số nhà vườn trồng xoài các tỉnh khác xa Đồng Tháp, An Giang vẫn còn ngơ ngác. Vì vậy mùa xoài năm nay tới lứa chín rộ bán ra chợ nhiều nhưng giá giảm từng ngày.
Xoài phân loại tại vườn hàng lựa vào siêu thị, cửa hàng trái cây máy lạnh giá bán cao một trời một vực so với hàng dạt ra chợ quê, bên lề đường, rẻ rề. Tại Kế Sách, Sóc Trăng, thương lái đến tận vườn mua xoài (không phân loại) 4.000 – 5.000 đồng/kg, còn hàng lựa 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trái cây ở nước ta phần nhiều nông dân sản xuất còn tự phát, nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng nhiều chỗ chưa đạt, khó khăn trong áp dụng khoa học kỹ thuật mới, khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Diện tích trồng trái cây được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP…) hoặc theo hướng an toàn còn thấp chỉ khoảng 10 – 15% diện tích trồng trọt.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, thừa nhận: “Hiện thời mối liến kết giữa nông dân – hợp tác xã và doanh nghiệp chưa mạnh, cần tiếp tục củng cố. Bởi tiếp sau các hợp tác xã trồng vú sữa xuất khẩu được sang Mỹ với hai công ty Chánh Thu và T&T, tỉnh Sóc Trăng đang xúc tiến tập trung hỗ trợ trên 10 hợp tác xã trồng xoài, nhãn, bưởi… áp dụng theo qui trình sản xuất mới, kiểm soát sử dụng phân thuốc chặt chẽ và hiện có DN khảo sát, tiến tới hợp tác, ký hợp đồng thu mua”.
“Không còn cách nào khác muốn bán hàng vào thị trường cao cấp với giá cao phải bỏ cách làm theo tập quán cũ lạm dụng phân, thuốc trừ sâu. Chuyển dần từ hàng bán chợ nội địa theo hướng sản xuất trái ngon đạt chất lượng xuất khẩu là một bước nâng cấp đáng kể để giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Phước nói.
Theo Sofri, đến năm 2017 cả nước có hơn 92.700ha xoài, sản lượng hơn 788.200 tấn, trong đó ĐBSCL là vùng sản xuất xoài lớn nhất với trên 42.700ha chiếm đến 46,1% diện tích và 64.4% sản lượng xoài của cả nước; vùng Đông Nam bộ (chiếm 19,2% diện tích và 64,4% sản lượng xoài cả nước). Vùng trồng xoài nhiều nhất ở các tỉnh Đồng Tháp trên 9.100ha, An Giang trên 8.800ha, Vĩnh Long trên 5.100ha, Tiền Giang trên 4.700ha…
Hữu Đức – Ngọc Thắng (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Th601
Nuôi gà quế an toàn
Nuôi gà quế an toàn sinh học được giá, lãi cao
Nuôi giun quế làm thức ăn cho gà làm chất lượng thịt gà săn chắc, thơm và ngọt hơn hẳn nuôi bằng thức ăn thông thường. Nuôi gà bằng giun quế còn được gọi là “gà quế” hiện là phong trào đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân nơi đây.
Nhằm khuyến khích người nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, ổn định và bền vững; năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương, UBND xã Yên Lạc xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học cho các hộ nuôi giun quế làm thức ăn cho gà.
Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học được thực hiện từ tháng 7/2016 tại 9 hộ dân xóm Ó, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương). Quy mô thực hiện 2.500 con gà J – DABACO. Các hộ tham gia mô hình được hỗ chợ 60% giá giống và 40% vật tư (thức ăn, thuốc thú y…); được chuyển giao kiến thức khoa học – kỹ thuật về chăn nuôi gà an toàn sinh học từ khâu chọn mua con giống có chất lượng đến việc áp dụng quy trình vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng… Đặc biệt, gà trong mô hình được phòng các bệnh như Marek, Newcastle, Gumboro, đậu và cúm bằng tiêm vắc-xin.
Trong thời gian úm, gà được chăn bằng cám công nghiệp, cám viên dùng cho gà con. Sau 01 tháng tuổi thả gà ra vườn có hàng rào, lưới, tường bao quanh, tách biệt với nơi ở của con người. Gà nuôi thịt được sử dụng thức ăn bằng giun quế kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bột ngô, bột đỗ tương… để nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn và hạ giá thành sản xuất.
Qua 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã đạt được kết quả cao, tỷ lệ gà hao hụt ít, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 2 kg/con, tiêu tốn và chi phí thức ăn thấp… Hiện nay giá gà thịt ổn định ở mức tương đối cao; gà quế được người dân địa phương bán với giá 90 nghìn đồng/kg hơi. Sau khi trừ các khoản chi phí về con giống, thức ăn và thuốc thú y, trung bình 100 con gà J – DABACO nuôi theo phương thức an toàn sinh học, nuôi bằng giun quế, người dân thu về 10 triệu đồng; hiệu quả cao hơn nhiều so với gà nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp và nuôi thả theo truyền thống.
Ngày 16/11/2016, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên tổ chức hội nghị tổng kết mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học năm 2016. Tại hội nghị, các đại biểu và bà con nông dân đánh giá, sử dụng giun quế làm thức ăn cho vật nuôi là cách tốt nhất cung cấp protein chất lượng cao, giá rẻ cho vật nuôi, đặc biệt hiệu quả trong chăn nuôi gà.
Việc nuôi giun quế đã giải quyết được vấn đề thức ăn chất lượng cho chăn nuôi gà; trong khi nguồn thức ăn chính cho giun quế lại là các chất thải trong chăn nuôi như phân trâu, bò… và rác thải nông nghiệp. Ngoài ra phân giun quế còn là nguồn phân hữu cơ rất tốt để bón cho rau, màu… qua đó đã góp phần quan trọng làm sạch môi trường sống.
Chăn nuôi gà an toàn sinh học hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn gà cũng như đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân; tạo ra thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Từ hiệu quả mô hình mang lại, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên khuyến khích người dân địa phương phát triển chăn nuôi gà an toàn theo quy mô gia trại, trang trại thành vùng chăn nuôi tập trung; tiến tới xây dựng thương hiệu cho gà quế Phú Lương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng mô hình nuôi giun quế chăn gà an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh; nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân./.
Dương Trung Kiên
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên
Th731