Tin tức

Nông dân huyện Cao Phong tất bật vệ sinh vườn, phục hồi cây cam sau bão
Nguồn tin : Báo Hoà Bình
Mưa lớn kéo dài khiến người trồng cam Cao Phong vô cùng lo lắng khi cây cam bắt đầu có hiện tượng thối rụng, nứt quả và vàng lá.
Th918

Hoa màu mất trắng, nông dân ngậm ngùi ‘làm lại từ đầu’
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
QUẢNG NINH Sau cơn bão dữ, hàng ngàn ha hoa màu tại Quảng Ninh mất trắng, nhiều nơi chưa thể khôi phục sản xuất do ngập úng lâu ngày.
Sau bão, nhiều diện tích hoa màu tại Quảng Ninh bị mất trắng. Ảnh: Thanh Phương.
Tại phường Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên), hoa màu vốn là cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại thu nhập chính cho bà con nông dân. Tuy nhiên bão gây mưa lớn đã khiến hàng nghìn ha hoa màu ngập trong biển nước, đồng ruộng trở nên tan hoang, tiêu điều.
Nhìn ruộng rau của mình, ông Đoàn Văn Đạm (khu Đống Vông, phường Cộng Hòa) không khỏi xót xa: “Hơn 20 năm trồng rau, chưa bao giờ tôi bị thiệt hại nặng nề như vậy. 5 sào rau của tôi hỏng hoàn toàn, mất trắng rồi”. Nhờ những ruộng rau mà ông Đạm nuôi sống cả gia đình, chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ. Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ, ông Đạm đành ngậm ngùi, tự dặn lòng “thôi làm lại từ đầu”.
Không chỉ riêng gia đình ông Đạm, hầu hết hộ dân trồng hoa màu trên địa bàn thị xã Quảng Yên đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Những luống rau bị gió bão vò nát, lại gặp thêm ngập úng nên nhanh chóng thối rễ.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm đang nhổ những luống rau bị dập nát do bão và cày xới đất, chuẩn bị tái sản xuất. Ảnh: Thanh Phương.
Vừa cặm cụi thu dọn luống rau dền bị dập nát, bà Nguyễn Thị Nhiệm (khu Đống Vông, phường Cộng Hòa) vừa nghẹn ngào chia sẻ: “Trước bão rau còn non, tôi chỉ có thể nhặt nhạnh một chút để bán, coi như được đồng nào hay đồng đó. Đến nay thì chả còn gì nữa, tôi đang cố thu dọn lại vườn, làm cỏ cho sạch để chờ ngày gieo trồng lại”.
Theo dự tính, sau khi làm sạch cỏ dại và cày xới đất, bà Nhiệm sẽ tiếp tục trồng thêm một số loại rau ngắn ngày như rau dền, rau cải, hành lá… để nhanh chóng cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên thông tin: Ngay sau bão, địa phương tập trung tiêu úng cứu diện tích lúa, hoa màu bị đổ, ngập. Riêng rau màu, với diện tích có khả năng khắc phục được, địa phương đã hướng dẫn bà con chăm sóc tích cực để phục hồi, thu hoạch. Đồng thời, hướng dẫn bà con khẩn trương thu dọn, vệ sinh ruộng vườn để sớm bắt tay vào khôi phục sản xuất.
Nhà màng trồng rau thủy canh bị hư hỏng nặng nề. Ảnh: Thanh Phương.
Theo thống kê, bão số 3 đã khiến 7.633ha lúa, hoa màu của Quảng Ninh bị đổ, ngập úng, trong đó tập trung tại thị xã Đông Triều (2.067ha) và thị xã Quảng Yên (1.737ha).
Ông Phan Minh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) – đơn vị đang đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng rau thủy canh trong nhà màng cho biết, bão số 3 đã khiến 12 nhà màng trên tổng diện tích gần 1,5ha của Công ty bị hư hỏng nặng. Ước hơn 15 tấn rau bị hư hại, hơn 1.000 cây nho bị dập nát, gãy đổ, trong đó nhiều cây đang chuẩn bị cho thu hoạch. Cùng với đó, mưa bão đã khiến hệ thống làm mát, tưới cây tự động, kho dinh dưỡng, nhà bơm… của đơn vị bị hư hại. Đến nay, đơn vị vẫn đang nỗ lực khắc phục.
Th917
Trữ nước phân tán giúp vườn trái cây đặc sản ĐBSCL vượt hạn mặn
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Tiền Giang Giải pháp trữ nước phân tán do Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam khuyến cáo đã giúp vườn cây ăn trái đặc sản ĐBSCL vượt qua hạn mặn.
Trải bạt trữ nước tưới vườn bưởi tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước. Đáng quan tâm, vùng đất có vườn trái cây chiếm khoảng 40% của cả nước với diện tích khoảng 390.000ha, đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn nặng nề.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam, nhằm kế thừa những thành công, khắc phục tồn tại về các giải pháp tích trữ nước tưới cho các vùng cây ăn trái, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam được Bộ NN-PTNT giao chủ trì thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL”. Thời gian thực hiện từ tháng 01/2021 đến 12/2024.
Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp tích trữ nước tưới và hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời chuyển giao cho bà con nông dân thông qua quyển sổ tay “Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL” (xuất bản năm 2021). Theo đó, có các giải pháp tích nước phân tán như: trữ trong ao hồ, kênh rạch cụt, vườn cây, túi nhựa… Riêng các mô hình thiết kế ao trữ nước với diện tích từ 10-15% diện tích vườn. Bên cạnh đó, các giải pháp tưới tiết kiệm được khuyến cáo là tưới phun mưa cục bộ và tưới nhỏ giọt.
Tiến sĩ Trần Thái Hùng báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo Khoa học “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL” được tổ chức tại Tiền Giang sáng 16/8. Ảnh: Minh Đảm.
Tiến sĩ Trần Thái Hùng, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, đề tài nghiên cứu cũng kế thừa các dự báo nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL để khuyến cáo cho bà con thời điểm lấy nước phù hợp cho các vùng cây ăn quả. Đề tài đã xây dựng được 2 mô hình trữ nước thí điểm trên bưởi da xanh (tại Tiền Giang) và sầu riêng (tại Bến Tre). Qua mùa khô hạn, các nhà vườn đã sử dụng nước hiệu quả giúp cây vượt hạn mặn, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao.
Ông Huỳnh Tấn Thảo, nông dân thực hiện mô hình tại xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, được hỗ trợ hơn 70% kinh phí để đào ao, sử dụng bạt HDPE để trải và tích trữ nước, đồng thời được hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm cho vườn bưởi 2.000m2. Ông Thảo nạo vét 4 mương vườn, mỗi mương có chiều ngang 1,8m, dài 100m và độ sâu 1,2m, trữ được khoảng 4.000m3. Cây bưởi có đủ lượng nước trong mùa khô, quả bớt rụng và năng suất cao.
“Nếu hạn mặn kéo dài, lượng nước này sử dụng từ 1-2 tháng. Do bưởi da xanh mẫn cảm với nước mặn nên chỉ sử dụng nếu độ mặn từ 0,5‰ trở xuống, nếu từ 0,75‰ trở lên thì ngưng không tưới. Mùa khô kéo dài nắng gắt không nên để trái nhiều, nếu cây ra hoa cần hái bỏ, cắt tỉa cành tránh thoát hơi nước. Khi mùa mưa trở lại, cây sẽ nhanh chóng phục hồi, trái đẹp”, ông Huỳnh Tấn Thảo nói.
Đo mực nước trong mương vườn bưởi của mô hình thí điểm tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.
Đối với vườn sầu riêng tại ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre. Hộ gia đình đã sử dụng nguồn nước trong ao hồ rất hiệu quả để phục vụ tưới trong mùa khô. Ngoài ra, còn chia sẻ với bà con xung quanh một phần nước tưới trong thời gian hạn mặn kéo dài.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, thế mạnh của tỉnh là trái cây và rau màu, nhất là trái cây xuất khẩu mang lại giá trị cao. Trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 1,7 triệu tấn trái cây, 1,2 triệu tấn rau, 800 ngàn tấn lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển cây ăn quả, khi các loại cây trồng này mẫn cảm với chất lượng nguồn nước.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Tiền Giang cho rằng, việc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện đề tài khoa học này là rất thiết thực. Qua đây, góp phần giải quyết kịp thời các bức xúc của nhà vườn, nhà khoa học và nhà quản lý trong thời gian qua. Đó là tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước đó vào giữa tháng 3/2024, tâm điểm hạn mặn ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra tình hình ứng phó hạn mặn. Giải pháp trữ nước không tập trung (phân tán) được Thứ trưởng đánh giá rất cao. Ông khẳng định, ứng phó hạn mặn thành công được là nhờ giải pháp trữ nước không tập trung đối với nước sinh hoạt lẫn sản xuất.
Th909

Thủ phủ ‘đệ nhất danh quả’ vào vụ thu hoạch, giá cao hơn mọi năm
Nguồn tin : báo nông nghiệp
HÀ TĨNH Vùng vưởi Phúc Trạch ở huyện Hương Khê đang vào chính vụ thu hoạch. Năm nay sản lượng bưởi ước tương đương năm ngoái nhưng giá bán cao hơn mọi năm 5.000 – 10.000đ/quả.
Bưởi Phúc Trạch ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là loại quả đặc sản, cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương với diện tích 2.778ha, trong đó diện tích cho quả gần 2.000ha, là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh và thuộc tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Những ngày này, huyện miền núi Hương Khê đang vào mùa thu hoạch bưởi, xe cộ, thương lái tấp nập tới thu mua. Dự kiến năm nay sản lượng bưởi Phúc Trạch bằng năm ngoái nhưng chất lượng sẽ ngon hơn do thời tiết ít mưa và chăm sóc đúng quy trình.
Tổng sản lượng bưởi Phúc Trạch năm 2024 ước đạt trên 23 nghìn tấn. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Giá cao hơn từ 5.000 – 10.000đ/quả so với mọi năm
Năm 2024, hơn 200 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình ông Trần Mạnh Lâm ở xã Hương Thuỷ (huyện Hương Khê) ước thu hoạch được hơn 1 vạn quả, doanh thu ước đạt hơn 200 triệu đồng. Ông Lâm phấn khởi nói: “Những năm gần đây, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên quả bưởi ngày càng có giá trị kinh tế cao hơn, được thương lái và khách hàng ưa chuộng. Hiện bưởi được thương lái thu mua tại vườn với giá cao, dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/quả. Những ngày qua, gia đình tôi đã bán được hơn 2.000 quả bưởi, chúng tôi rất vui vì giá bưởi năm nay cao hơn so với mọi năm”.
Sở hữu vườn bưởi 10 năm tuổi với hơn 250 gốc, gia đình ông Phan Xuân Hiến tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch (huyện Hương Khê) năm nay dự kiến thu khoảng 7.000 đến 8.000 quả bưởi. Theo ông Hiến, năm nay thời tiết đầu vụ không thuận lợi do mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả không cao bằng năm ngoái nhưng đến giai đoạn nuôi quả thời tiết nắng nóng nên chất lượng bưởi ngon, ngọt hơn so với mọi năm.
Hiện bưởi được thương lái thu mua tại vườn với giá cao, dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.
“Nhờ chuyển đổi trồng theo hướng hữu cơ, chất lượng bưởi của gia đình tôi luôn được thị trường đánh giá cao. So với mọi năm, giá bưởi năm nay cao hơn từ 5.000 – 7.000đ/quả. Hiện gia đình chúng tôi đã thu hoạch được hơn 40% sản lượng bưởi và đang tập trung thu hoạch số còn lại để giao cho các thương lái tại Hà Nội, Vinh, thành phố Hà Tĩnh…”, ông Hiến cho biết thêm.
Thời điểm này, gia đình anh Phan Văn Kính tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch cũng đang huy động nhân lực để thu hoạch bưởi Phúc Trạch kịp giao cho các thương lái. Anh Kính cho biết, trước đây vườn bưởi hơn 300 gốc của gia đình anh canh tác theo lối truyền thống, chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ nên chất lượng bưởi càng ngày càng giảm sút. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, anh đã chuyển đổi toàn bộ vườn bưởi sang hướng hữu cơ. Nhờ đó vườn bưởi của gia đình anh xanh tốt trở lại và cho chất lượng quả cao hơn. Năm nay, anh ước thu hơn 1 vạn quả, hiện đã thu hoạch được hơn 50% sản lượng.
Hiện nay, các nhà vườn đã chú trọng bọc quả bưởi để phòng ngừa sâu bệnh gây hại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Ông Phan Anh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch (huyện Hương Khê) cho biết, toàn xã hiện có hơn 450ha bưởi Phúc Trạch, trong đó 420ha đã cho quả. Năm nay, sản lượng bưởi toàn xã ước đạt hơn 6.000 tấn. Chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo người dân thu hoạch bưởi kịp thời vụ, né tránh thiên tai, nhất là mùa mưa bão đang tới.
Những năm gần đây, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả bưởi, xã Hương Trạch đã tập trung vận động người dân trồng bưởi chuyển đổi theo hướng hữu cơ. Theo đó, hiện nay xã có 1 tổ hợp tác đã chuyển đổi hữu cơ năm thứ 2 với diện tích 4ha, 4 tổ hợp tác đã chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất với diện tích hơn 20ha.

Năm nay, người trồng bưởi Phúc Trạch rất phấn khởi vì giá bán cao hơn từ 5.000 – 10.000đ/quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Đẩy mạnh tiêu thụ qua các nền tảng số
Để đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã quán triệt nghiêm túc và khuyến khích việc đăng ký sử dụng tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa quả bưởi đảm bảo chất lượng đến người tiêu dùng.
Hợp tác xã nông nghiệp Choa (xã Hương Trạch) mỗi năm tiêu thụ trên thị trường khoảng 200 tấn bưởi Phúc Trạch. Anh Trần Xuân Loát – Giám đốc HTX nông nghiệp Choa cho biết: “Phát huy hiệu quả các mùa sản xuất trước, năm nay HTX tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tiêu thụ trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như Facebook, Zalo, Shopee, Tiktok… Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản trên cả nước để quảng bá bưởi Phúc Trạch”.
Những năm gần đây, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Hà Tĩnh) đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Hương Khê xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, tránh tình trạng tư thương ép giá, góp phần tạo niềm tin, động lực cho các hộ sản xuất yên tâm mỗi khi đến mùa thu hoạch bưởi.
Mỗi năm HTX nông nghiệp Choa tiêu thụ khoảng 200 tấn bưởi Phúc Trạch. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân cho biết: “Từ đầu vụ, chúng tôi đã khảo sát, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm có phương án hỗ trợ bà con huyện Hương Khê tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Trung tâm cũng cử phòng chuyên môn tổ chức phát trực tiếp thực tế các vườn bưởi trên các trang mạng xã hội; xây dựng video, hình ảnh, phóng sự các vườn bưởi đạt chất lượng, sản xuất đúng quy trình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi Phúc Trạch tới khách hàng trên mọi miền Tổ quốc. Năm 2024, Trung tâm dự kiến tiêu thụ giúp bà con khoảng 20 tấn bưởi Phúc Trạch”.
Để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ, UBND huyện Hương Khê đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch tại địa chỉ https://buoiphuctrach.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, kết nối với hàng nghìn thành viên.
Năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Hà Tĩnh) dự kiến tiêu thụ cho bà con khoảng 20 tấn bưởi Phúc Trạch. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Đồng thời, đưa bưởi Phúc Trạch lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, hatiplaza.com, shopee, lazada, sendo… và các hệ thống siêu thị như Winmart (Hà Nội, TP.HCM), siêu thị BigC Thăng Long với tổng khối lượng hàng trăm tấn. Cùng đó, UBND huyện tập trung hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường, vận chuyển và bảo quản hàng hóa; duy trì các đầu mối tiêu thụ thông qua các kênh truyền thống.
Việc phát triển thương hiệu bưởi Phúc Trạch là hoàn toàn tiềm năng bởi hiện nay, nhiều sản phẩm hoa quả tươi nói chung và một số loại bưởi nói riêng của Việt Nam đã có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường trong nước và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng.
Th905

Doanh nghiệp và nông dân Gia Lai hợp tác sản xuất cà phê bền vững
Nguồn tin : báo Gia Lai
Hợp tác sản xuất là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích. Thành công của mô hình hợp tác giữa Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex tại Gia Lai (Mascopex Gia Lai) và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trong sản xuất cà phê với bà con nông dân thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Từ năm 2020 đến nay, bà con nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) ký kết hợp tác với Mascopex Gia Lai (phường Yên Thế, TP. Pleiku) để thực hiện Dự án nâng cao tính bền vững của sản xuất cà phê cho nông dân tại tỉnh Gia Lai.
Tham gia dự án, bà con được Mascopex Gia Lai hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hái, phơi khô, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý an toàn rác thải theo Bộ quy tắc Chương trình phát triển cà phê bền vững (UTZ), bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường… Từ lợi ích thiết thực đó, dự án thu hút hơn 200 hộ nông dân trong xã đăng ký canh tác hơn 700 ha cà phê.
Ông Nguyễn Văn Đảo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hưng Tiến (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) thăm vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.C
Đưa chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh tốt, ông Rơ Châm Chưk (làng Klung, xã Nghĩa Hưng) kể: “Năm 2020, gia đình đăng ký canh tác 1,5 ha cà phê với Mascopex Gia Lai. Trước đó, vườn cà phê kém phát triển, năng suất chỉ đạt khoảng 7 tấn quả tươi/ha. Sau khi ký kết, mình đầu tư theo hướng dẫn của Chi nhánh. Kết quả, vườn cà phê phát triển tốt. Năm 2021, năng suất đạt 13 tấn/ha, năm 2023 đạt 16 tấn/ha. Rõ ràng hợp tác sản xuất đem lại cái lợi nhiều lắm”.
Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đến địa phương triển khai kế hoạch hợp tác sản xuất cà phê với bà con nông dân. Tuy vậy, Mascopex Gia Lai và Công ty cổ phần Tín Thành Đạt (phường Đống Đa, TP. Pleiku) được người dân ủng hộ nhiều nhất. Lý do là sự hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân hợp tác với các doanh nghiệp thúc đẩy mô hình sản xuất cà phê bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Tương tự, nhiều hộ dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) cũng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thúc đẩy mô hình sản xuất cà phê bền vững. Ông Nguyễn Văn Đảo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hưng Tiến (xã Ia Phìn) cho hay: “Thôn Hưng Tiến hiện có 197 hộ với gần 900 khẩu. Đa số hộ dân canh tác cà phê và hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) ký kết hợp tác sản xuất cà phê bền vững với hơn 40 hộ dân trong thôn.
Công ty thực hiện đúng cam kết, tận tình hướng dẫn, mở các lớp tập huấn giúp người dân nắm vững kỹ thuật canh tác cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu, bao tiêu sản phẩm. Thấy hiệu quả thiết thực nên bà con đồng thuận hợp tác, thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết. Riêng gia đình tôi cũng hợp tác sản xuất 1,2 ha cà phê bền vững với Công ty”.
Theo bà Siu H’Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông: “Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chủ động làm việc với huyện và các xã, hộ gia đình trong việc hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật và vận động bà con đăng ký thực hiện dự án nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê, thúc đẩy sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính. Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã mang lại lợi ích hài hòa cho các bên, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 ha cà phê, trong đó hơn 90.000 ha cà phê kinh doanh. Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, đồng thời là mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp.
Theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả thiết thực, vì mục tiêu ngành nông nghiệp xanh.
Ông Hiệp mong muốn nâng cao chất lượng hợp tác sản xuất cà phê bền vững từ 9 ngàn hộ (năm 2024) lên 15 ngàn hộ vào năm 2028, tăng diện tích cà phê đạt chuẩn bền vững từ 10 ngàn ha (năm 2024) lên 20 ngàn ha vào năm 2028, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đưa sản phẩm cà phê Gia Lai ra thị trường thế giới.
Th904

Mô hình lúa chất lượng cao, lợi nhuận tăng 7,6 triệu đồng/ha
Nguồn tin : báo nông nghiệp
Mô hình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Trà Vinh đạt năng suất 6,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 5,6 – 7,6 triệu đồng/ha.
Xã viên HTX Phát Tài trao đổi với cán bộ khuyến nông và doanh nghiệp hỗ trợ mô hình về kỹ thuật canh tác tưới ngập khô xen kẽ. Ảnh: Hồ Thảo.
Kết quả vượt ngoài mong đợi
Vụ hè thu năm nay, hầu hết người trồng lúa tại Trà Vinh phấn khởi do lúa được giá. Niềm vui còn nhân lên vì bà con đã có dịp kiểm chứng khi cánh đồng lúa chất lượng cao đầu tiên bước vào vụ thu hoạch.
Từ tờ mờ sáng, các thành viên HTX Nông nghiệp Phát Tài ở ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành đã tập trung ngoài đồng dõi theo từng làn máy gặt, ai cũng nóng lòng xem thành quả đạt được đến đâu. Đây là một trong hai mô hình thí điểm được tỉnh Trà Vinh chọn tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với diện tích 48ha của 48 thành viên trong HTX.
Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn và áp dụng kỹ thuật canh tác gồm: sạ hàng, sạ thưa kết hợp bón vùi phân, giảm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; quản lý nước ngập khô xen kẽ, đưa 100% rơm ra khỏi ruộng, sử dụng giống xác nhận. Thực tế cho thấy, trà lúa rất đẹp, không nhiễm bệnh, hạt mẩy, ít ngã đổ.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài vui mừng cho biết, kết quả đạt được vượt ngoài mong đợi khi năng suất đạt 6,3 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với các cánh đồng bên ngoài. Tổng chi phí đầu tư là 22,3 triệu đồng/ha, giảm gần 3,2 triệu đồng so với canh tác truyền thống và lợi nhuận bình quân đạt 30,3 triệu đồng/ha, tăng thêm 5,6 triệu đồng. Năm sau đã có nhiều thành viên mới xin gia nhập vào HTX.
Theo các xã viên, ban đầu, khi mới tham gia còn nhiều bỡ ngỡ vì chưa quen với cách làm đồng bộ, từ khâu đưa nước vào ruộng và rút nước ra cùng lúc trên một cánh đồng. Họ cũng lo ngại không đạt năng suất khi giảm lượng giống nhưng sau một vụ, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ đem lại lợi nhuận cao hơn, mô hình này còn giúp bà con thay đổi tư duy canh tác truyền thống.
Ông Quách Văn Út ở ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ chia sẻ: Trước đây, tôi thường sạ 17kg giống cho mỗi công, nhưng khi tham gia mô hình, giảm còn 8kg. Ban đầu tôi lo không đạt năng suất, nhưng thực tế mạ lên đều, thẳng hàng nên dễ phun thuốc và chuột ít cắn hơn. Chi phí phân bón cũng giảm nhiều, từ bón gần một bao phân mỗi công giờ giảm xuống chỉ còn 3-4kg, nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng tốt, trổ bông đều, ít hạt lép và năng suất vượt trội hơn. Chưa kể nhờ quản lý nước ngập khô xen kẽ 3 lần/vụ, cây lúa cứng cáp, dù gặp mưa dầm gió lớn.
Theo ông Út, tham gia Đề án có nhiều cái lợi cho nông dân, như được tập huấn các phương pháp canh tác mới và được hỗ trợ giống, phân bón… Quan trọng là lúa có thương hiệu chất lượng cao.
Nông dân tỉnh Trà Vinh phấn khởi thu hoạch lúa trong mô hình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồ Thảo.
Mở rộng ra toàn tỉnh
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, kết quả sơ kết 2 mô hình điểm tham gia Đề án trên địa bàn vượt ngoài mong đợi, bởi lượng giống đã giảm 60%, từ 20kg xuống còn 8kg/ha, phân bón cũng giảm 20-30%, chỉ cần bón 2 lần mỗi vụ. Lợi nhuận của nông dân tăng thêm 5,6 triệu đồng/ha tại HTX Nông nghiệp Phát Tài và 7,6 triệu đồng/ha tại HTX Phước Hảo. Bên cạnh đó, chất lượng gạo được cải thiện nhờ lượng phát thải ra môi trường giảm 20-30%.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, để đạt được những kết quả trên, Bộ NN-PTNT và các đơn vị thuộc Bộ, lực lượng khuyến nông và doanh nghiệp đã sát cánh cùng bà con ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án.
Cụ thể, Sở đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng tổ chức tập huấn biện pháp sạ cụm và sạ cụm kết hợp vùi phân cho hai HTX. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tập huấn quy trình sản xuất với sự tham gia của 100 đại biểu.
Sở cũng làm việc cùng Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để hoàn chỉnh sơ đồ chi tiết diện tích sản xuất của từng hộ tham gia mô hình và chọn 10 điểm để giám sát và đánh giá theo phương pháp MRV.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn phối hợp với Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương cung cấp và hỗ trợ 49 tấn phân bón hữu cơ cho hai HTX, cùng nhiều doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị hỗ trợ để mở rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Ông Lê Văn Đông đề nghị các doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ nông dân tham gia Đề án sẽ tuân thủ đúng quy trình của Cục Trồng trọt để đạt các mục tiêu đề ra. Chi cục Bảo vệ Thực vật sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón và giám sát tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Trà Vinh cũng phát triển cơ giới hóa, đặc biệt trong khâu làm đất, nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trà Vinh sẽ mở rộng ra toàn tỉnh, mỗi huyện một mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồ Thảo.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho hay, Trà Vinh sẽ mở rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ra các huyện còn lại. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 8 mô hình, trong đó 2 mô hình do Bộ NN-PTNT hỗ trợ và 6 mô hình do các huyện thực hiện. Diện tích bình quân mỗi mô hình là 50ha, dự kiến vụ thu đông năm nay sẽ có 400ha với năng suất 6 tấn/ha, sản lượng đạt 2.400 tấn.
“Nếu tiếp tục gieo sạ theo kế hoạch mở rộng mô hình của tỉnh, việc giảm lượng giống giúp tiết kiệm khoảng 13 tỷ đồng trong năm 2024 và 15 tỷ đồng năm 2025”, ông Lê Văn Đông nói.
Th903

Gần 3 tỷ đồng thu được từ bán 3 quả sầu riêng ở lễ hội sầu riêng tại Đắk Lắk dùng vào những việc này
Nguồn tin : báo Dân việt
Trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng Krông Pắc, UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) tổ chức chương trình đấu giá 3 quả nữ hoàng sầu riêng và thu về gần 3 tỷ đồng. Nhằm thực hiện các chương trình an sinh xã hội và hỗ trợ người nông dân trực tiếp trồng sầu riêng để ”Xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững”.
Theo đó, để chọn ra 3 quả “nữ hoàng sầu riêng” đấu giá, Ban tổ chức Lễ sầu riêng Krông Pắc đã tổ chức Hội thi: Nông dân sản xuất sầu riêng giỏi và đã chọn ra các vườn trồng mẫu, tiếp tục thi ”Bàn tay vàng gõ sầu riêng”, chọn ra 3 quả sầu riêng đẹp nhất, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu gồm sầu riêng cổ, Ri6, Dona và mỗi loại có ý nghĩa đặc biệt với vùng trồng sầu riêng của huyện Krông Pắc.
Hội thi nông dân trồng sầu riêng giỏi (gồm 4 phần thi: Vườn sầu riêng có năng suất, chất lượng; Quả sầu riêng đẹp, ngon nhất và biểu diễn bổ/khui quả sầu riêng; Gõ bắt/hứng và phân loại quả sầu riêng và Phần thi dành cho khán giả: hiểu biết trong ngành hàng sầu riêng) là một trong 12 hoạt động chính của Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, năm 2024.
Cùng với đó, Ban tổ chức muốn tôn vinh người nông dân đã trồng ra sản phẩm sầu riêng ”đảm bảo các tiêu chuẩn” và muốn gửi thông điệp đến những người nông dân làm riêng ”Hãy làm ra những trái sầu riêng ngon nhất, đẹp nhất, đảm bảo các tiêu chuẩn nhất”, sẽ có giá cao nhất.
Quả sầu riêng đầu tiên (nữ hoàng sầu riêng cổ) được đưa ra đấu giá được lấy từ cây sầu riêng cổ thụ hơn 100 năm trồng ở thôn Tân Lập, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc (đồn điền CADA) với mức giá khởi điểm 60 triệu đồng.
Cuối cùng, đại diện Công ty TNHH EKCORP (Quận 1, TP. HCM) đã trúng đấu giá trái sầu riêng nêu trên với mức giá 350 triệu đồng.
Quả sầu riêng thứ 2 (nữ hoàng sầu riêng Dona) được đưa ra đấu giá thuộc giống sầu riêng Dona với mức giá khởi điểm là 70 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức giá đấu giá cho trái sầu riêng Dona này với các bước nhảy 200, 400 rồi 700, 800 triệu đồng.
Cuối cùng, với “quyết tâm sở hữu quả nữ hoàng sầu riêng Dona”, nữ doanh nhân của Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã trúng đấu với mức giá 800 triệu đồng. Khi nhận quả sầu riêng Dona mạ vàng, nữ doanh nhân này còn tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm 100 triệu đồng nữa cho địa phương làm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trao cho một trong những doanh nghiệp trúng đấu giá 3 quả “nữ hoàng sầu riêng”.
Phiên đấu giá kịch tính nhất là đấu giá quả sầu riêng thuộc giống Ri6, có mức giá khởi điểm là 60 triệu đồng và rất nhiều doanh nghiệp muốn sở hữu. Người bỏ giá cao nhất cho “nữ hoàng sầu riêng Ri6” là một nữ doanh nhân sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk với số tiền 500 triệu đồng.
Bà kêu gọi một số người tham gia góp thêm tiền để cùng bà đấu giá quả sầu riêng đặc sản quý giá nêu trên, nhằm giúp địa phương có thêm nguồn lực lo an sinh xã hội. Đến cuối, mức giá chốt tại phiên đấu giá quả sầu riêng Ri6 là hơn 1,4 tỷ đồng.
Sau đó, một doanh nghiệp đã góp thêm 200 triệu đồng, nâng giá của “nữ hoàng sầu riêng Ri6” lên 1,6 tỷ đồng.
Cụ thể: bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu góp đấu giá 500 triệu đồng; Công ty Phân Bón 3 Tốt góp đấu giá 300 triệu đồng; Công ty Việt Nông Phát góp đấu giá 200 triệu đồng; Công ty TNHH truyền thông VIC góp đấu giá 200 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Thành Thực: Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư BAGICO góp đấu giá 200 triệu đồng; Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông VINCO góp đấu giá 100 triệu đồng; Công ty TNHH Công nghệ nông nghiệp Enfarm góp đấu giá 100 triệu đồng.
Như vậy, tổng của ba trái “nữ hoàng sầu riêng” là 2,85 tỷ đồng và toàn bộ số tiền sẽ được chuyển cho UBND huyện Krông Pắc thực hiện vào chương trình an sinh xã hội và hỗ trợ người nông dân trực tiếp trồng sầu riêng để ”Xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững”.
3 quả sầu riêng cực phẩm thuộc dạng “nữ hoàng sầu riêng” được bán với mức gần 3 tỷ đồng tại phiên đấu giá gay cấn trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng Krông Pắc, UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk).
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) cho biết người trúng đấu giá ngoài việc được nhận “nữ hoàng sầu riêng” tươi về thưởng thức người trúng đấu giá còn được tặng sầu riêng mạ vàng để lưu niệm. Trong đó, sầu riêng cổ 60 triệu đồng, sầu riêng mạ vàng Ri6 trị giá 60 triệu đồng, sầu riêng Dona l trị giá 70 triệu đồng.
Công Nam
Th829

Khai mạc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương
Nguồn tin : Báo Đăk lăk
Tối 28/8, tại Quảng trường hồ Tân An, UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức khai mạc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024.
Hội chợ diễn ra từ ngày 28/8 – 3/9, quy tụ hơn 350 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh các mặt hàng sầu riêng, sản phẩm OCOP và nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm phụ trợ nông nghiệp… ở trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng lần thứ II, năm 2024.
Các gian hàng được bố trí tại 5 phân khu trưng bày, giới thiệu gồm: sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiềm năng; sản phẩm sầu riêng; doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp thương mại phụ trợ và khu vực trưng bày dành cho các nhà tài trợ lễ hội.
Lãnh đạo huyện Krông Pắc tặng hoa cho các nhà tài trợ chương trình hội chợ.
Đây là dịp để huyện Krông Pắc quảng bá, giới thiệu sản vật phong phú, các loại trái cây chất lượng cao của địa phương; tôn vinh thành quả lao động của nông dân. Đồng thời tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của huyện theo hướng bền vững.

Được biết, Krông Pắc là địa phương có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của huyện năm 2023.
Đối với mặt hàng sầu riêng, toàn huyện hiện có 8.000 ha sầu riêng trồng thuần và trồng xen với hơn 4.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 85 nghìn tấn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị cao khác như: yến sào, lúa gạo, chuối, vải, nhãn…
Đinh Nga
Th827

Nỗi ám ảnh… “trồng – chặt”
Nguồn tin : Báo Đăk Lăk
Mới đây, đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu hạt mắc ca tại Đắk Lắk đã bày tỏ lo lắng về việc phát triển vùng nguyên liệu của mình, bởi hiện tượng chặt cây mắc ca để trồng sầu riêng của người dân đang có dấu hiệu bắt đầu “nóng” lên.
Thông tin trên khiến người viết bài này không khỏi giật mình bởi nỗi ám ảnh trồng – chặt có thể trở lại.
Trong nhiều năm qua, điệp khúc trồng rồi chặt vẫn diễn ra ở khắp nơi chứ không riêng gì Đắk Lắk. Việc canh tác “chạy theo đuôi thị trường” khiến tình trạng đua nhau trồng cây, đua nhau chặt cây mỗi khi một loại nông sản nào đó tăng giá vẫn tiếp diễn mãi chưa có hồi kết. Giật mình là bởi đối với những loại cây trồng ngắn ngày thì tạm chấp nhận được, nhưng đối với các loại cây công nghiệp dài ngày thì hậu quả của điệp khúc này là rất lớn do chu kỳ phát triển dài, kéo theo mức đầu tư là khá lớn.
Tiêu là loại cây công nghiệp cũng từng lâm vào tình trạng trồng – chặt. Ảnh: Minh Thuận
Đơn cử như cây mắc ca, nếu trồng từ cây thực sinh (tức là cây trồng từ hạt) thì phải 6 – 7 năm hoặc lâu hơn nữa cây mới ra hoa. Nếu trồng từ cây ghép thì mất 3 – 4 năm mới ra bói. Đến năm thứ 6, cây bắt đầu cho nhiều quả. Còn từ năm thứ 10 trở đi, cây mới cho năng suất ổn định 20 – 30 kg/cây/năm, nếu chăm sóc tốt, cây còn cho năng suất cao hơn. Như vậy, để có được cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế, người nông dân sẽ phải bỏ thời gian, công sức, chi phí rất lớn. Thế nhưng, khi giá sầu riêng “lên ngôi”, họ cũng sẵn sàng chặt bỏ.
Không chỉ với cây mắc ca, nhiều loại cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng như cà phê, tiêu… cũng từng lâm vào tình trạng trên. Khi giá nông sản khác tăng, một số chủ vườn đã chặt bỏ cà phê, tiêu hoặc bỏ bê không chăm sóc khiến nhiều vườn cây xơ xác hoặc vườn chỉ mãi có cây con. Không ít nông dân đã điêu đứng khi chặt xong, giá lại tăng hoặc khi cho thu hoạch thì sản phẩm lại rớt giá.
Càng giật mình hơn nữa khi theo các nhà quản lý, diện tích trồng cây sầu riêng của Đắk Lắk đang tăng trưởng rất “nóng”, nhiều vùng có diện tích đã vượt xa quy hoạch. Cùng với đó là liên tiếp xuất hiện những thông tin không tốt về việc tiêu thụ sầu riêng những ngày gần đây càng khiến nhiều người lo lắng.
Về lý thuyết, để tạo dựng, phát triển nông nghiệp bền vững thì phải có vùng trồng bền vững. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản. Nhưng cứ với cái kiểu “chạy theo đuôi thị trường” như hiện nay, giải quyết được câu chuyện bền vững là rất khó cho tất cả các bên. Cơ quan quản lý thì “đau đầu” với công tác quy hoạch, phá vỡ quy hoạch; doanh nghiệp thì không có vùng nguyên liệu ổn định; người nông dân lại luôn đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng do biến động giá của thị trường…
Để giải quyết tình trạng trồng – chặt thì yếu tố tiên quyết vẫn là làm sao cho người nông dân có được thu nhập tốt nhất trên mảnh đất của họ, bất chấp biến động của thị trường. Để giải bài toán này cần có quyết tâm rất lớn, sự chung tay của tất cả các thành tố trong chuỗi từ sản xuất đến thương mại sản phẩm. Qua đó, xây dựng được chuỗi liên kết đủ mạnh để có thể “cầm trịch” thị trường hoặc tối thiểu cũng phải đứng vững mỗi khi thị trường có bất trắc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đối với nông nghiệp sát sườn hơn nữa thông qua việc hỗ trợ giám sát quá trình sản xuất, phân phối, chế biến, tìm thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng các quỹ bảo hiểm, trợ giá cho một số nông sản chủ lực để kịp thời hỗ trợ nông dân khi họ đối mặt với rủi ro do thiên tai, biến động thị trường… Có như vậy, người nông dân mới có thể yên tâm gắn bó với cây trồng mình đã chọn, mới hy vọng hạn chế được tình trạng trồng – chặt như hiện nay.
Giang Nam
Th826

Cơ hội lớn cho ngành sầu riêng và dừa gia tăng giá trị
Nguồn tin : The saigon time
(KTSG) – Việc sầu riêng đông lạnh và dừa tươi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc là tin mừng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Xuất khẩu chính ngạch không chỉ mở ra cơ hội để ngành sầu riêng và dừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn mà còn là lời giải căn cơ nhất cho bài toán tiêu thụ nông sản.
Việc ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh đã mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nối dài danh sách những mặt hàng nông sản đã và đang vào thị trường tỉ dân này bằng con đường chính ngạch. Ảnh: TRUNG CHÁNH
Có thể mang về vài trăm triệu đô la ngay trong năm nay
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vào ngày 19-8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Động thái này mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, nối dài danh sách những mặt hàng nông sản đã và đang vào thị trường tỉ dân này bằng con đường chính ngạch.
“Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho hai sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng và ngành dừa Việt Nam”, Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị tham mưu kỹ thuật cho hai nghị định thư nói trên, nhận định. Tới đây, cục này sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu; và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai các nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, theo nghị định thư, sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam. Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.
Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm (HACCP); kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Tương tự, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi muốn xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải được đăng ký và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tất cả các vùng trồng đăng ký xuất khẩu phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và giữ điều kiện vệ sinh tốt. Các chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng sẽ được thực hiện, bao gồm giám sát dịch hại thường xuyên; kiểm soát vật lý, hóa học hoặc sinh học của sâu bệnh… để tránh hoặc giảm thiểu sự xuất hiện của các loài đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm trên dừa.
Theo dự kiến của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400-500 triệu đô la Mỹ ngay trong năm nay và sẽ sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị “tỉ đô” vào năm tới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu đô la Mỹ trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo – điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
“Chính ngạch hóa” xuất khẩu
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt gần 3,5 tỉ đô la, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch sang Trung Quốc là khoảng 2,2 tỉ đô la, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu trong các thị trường xuất khẩu của mặt hàng này. Trước đó, năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỉ đô la, tăng gần 70% so với năm 2022, riêng kim ngạch sang Trung Quốc đạt 3,64 tỉ đô la.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả tăng trưởng tốt trong thời gian qua là nhờ chúng ta đã đàm phán thành công và ký các nghị định thư về kiểm dịch thực vật với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 15 mặt hàng rau quả, gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây, sầu riêng, sầu riêng đông lạnh và dừa.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, Việt Nam đã vượt Chile, giành vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) về xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến sang nước này với kim ngạch 3,4 tỉ đô la. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.
Rõ ràng, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Đưa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản. Vì thế, làm sao đàm phán sớm và nhanh, đẩy nhanh tiến độ “chính ngạch hóa” là yêu cầu lớn nhất cho ngành nông nghiệp và công thương. 16 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kim ngạch ngày càng tăng là thành quả đạt được đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng của người nông dân, doanh nghiệp, để “chính ngạch hóa” được toàn bộ chủng loại và khối lượng nông nghiệp xuất khẩu thì khối lượng công việc của ngành nông nghiệp rất khổng lồ. Nhất là khi yêu cầu của phía Trung Quốc ngày càng cao, mức độ kiểm soát ngày càng chặt chẽ; trong khi việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở nước ta không thể trong một sớm một chiều.
Nước ta hiện có 154.000 héc ta sầu riêng, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 500.000 tấn, đạt kim ngạch 2,3 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ đô la. Dự kiến hết năm 2024, mặt hàng tươi có thể thu về khoảng 3,5 tỉ đô la.
Nước ta cũng thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới với diện tích dừa cả nước đạt gần 200.000 héc ta, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân.
Dừa là một trong số ít loại cây trồng mà tất cả các bộ phận của cây đều có thể sản xuất ra các sản phẩm có giá trị. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa như: bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ… năm 2022 đạt khoảng 940 triệu đô la. Năm 2024, ngành phấn đấu xuất khẩu đạt hoặc vượt 1 tỉ đô la.
Cẩm Hà
Th918