Tin tức

Sầu riêng đông lạnh chính thức được cấp phép sang Trung Quốc
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Lễ ký nghị định thư được diễn ra tại Bắc Kinh, vào chiều 19/8, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký. Ảnh: TTXVN.
Ngày 19/8, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký.
Lễ ký nghị định thư nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang Trung Quốc từ hôm qua 18/8.
Sầu riêng đông lạnh [bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ)] là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá trị gia tăng cao hơn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 – 500 triệu USD ngay trong năm 2024.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, sầu riêng đông lạnh từ trước đến nay chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan và một số thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu… với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.
Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng đông lạnh ở Trung Quốc là rất lớn, theo ông Bình. Vì vậy, khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa vào năm 2025.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, đánh giá xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Trước đó, từ tháng 3/2024, Cục BVTV đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo đó, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh chính thức cấp phép cho mặt hàng này sang Trung Quốc. Ảnh: Minh Quý.
Ngoài sầu riêng, Việt Nam còn xuất khẩu hơn 10 mặt hàng rau quả nữa sang Trung Quốc gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, khoai lang. Cùng với đó, là tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.
Sáu tháng đầu năm 2024, sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD. Dự kiến hết năm 2024, mặt hàng tươi có thể thu về khoảng 3,5 tỷ USD.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.
Ngoài sầu riêng đông lạnh, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư cho việc xuất khẩu dừa tươi và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bảo Thắng – Thanh Sơn
Th819

Triển vọng phát triển xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia RCEP
Nguồn tin : Báo Cần Thơ
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, RCEP đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây cùng nhiều loại nông sản, hàng hóa sang nhiều thị trường tiêu thụ lớn tại châu Á.
Thị trường tiêu thụ lớn
Với tổng dân số của các nước tham gia RCEP chiếm gần 1/3 dân số toàn cầu, RCEP đang tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. RCEP hướng tới việc xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên. Hiện có 6 nước tham gia RCEP là những nước thuộc Top 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, cụ thể như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Bên cạnh đó, nhiều nước thuộc khối RCEP cũng là nơi cung cấp cho nước ta nhiều loại nguyên phụ liệu và thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Thu mua sầu riêng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại một vựa trái cây ở Phong Điền, TP Cần Thơ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, RCEP có thị trường 2,2 tỉ dân, GDP trên 26.000 tỉ USD, tương đương 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu. Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi RCEP), xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang nhiều quốc gia thuộc khối RCEP đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021. Cụ thể như, thị trường Australia tăng 49,2%, Nhật Bản tăng 27,5%, còn nhiều nước ASEAN đạt mức tăng 20%… Đến năm 2023 và trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhiều loại nông sản sang nhiều nước ASEAN và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… hiện chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Đông Bắc Á là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của nước ta. Cùng với thị trường Trung Quốc, những năm gần đây xuất khẩu rau quả của nước ta sang các nước Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tăng mạnh. Tới đây, nước ta cần đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thuộc khối RCEP, nhất là các nước ở Đông Bắc Á. Chú trọng đa dạng mặt hàng xuất khẩu, phát triển xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng mới.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản, hàng hóa của nước ta sang các nước trong khối RCEP đạt khoảng 146,5 tỉ USD, chiếm 41,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Còn qua 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 72,9 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Lương Ngọc Quang, công tác tại Phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong số các thị trường RCEP, Trung Quốc đang là thị trường có số lượng sản phẩm trái cây và rau quả tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào nhiều nhất, với các sản phẩm gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang và dưa. Thêm vào đó là chanh leo và ớt cũng đang được Trung Quốc cho nhập khẩu tạm thời, trong thời gian chờ ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch.
Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm gồm xoài, thanh long, chôm chôm, chanh và bưởi. Sau thanh long và xoài, vừa qua bưởi cũng đã trở thành mặt hàng trái cây tươi thứ 3 được xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc. Còn thị trường Nhật Bản và Úc có thanh long, xoài, vải và nhãn. Hiện Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp các cơ quan có liên quan để đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại rau quả của nước ta được xuất khẩu sang các nước.
Tạo thuận lợi cho xuất khẩu
Nhằm phổ biến các quy định của thị trường và kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn Phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) vừa phối hợp Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong hiệp định EVFTA và RCEP.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, các loại trái cây và nông sản của nước ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước và các đối tác tham gia 2 hiệp định trên, đặc biệt là các nước ở châu Á tham gia RCEP. Nguyên nhân do nhiều nước tham gia RCEP có vị trí địa lý gần ở nước ta, thuận lợi về các điều kiện giao thông và giúp tạo điều kiện để nước ta đưa nhiều loại nông sản đi xuất khẩu một cách nhanh chóng và giảm được nhiều chi phí vận chuyển và logistics.
Tuy nhiên, nhiều nước tham gia RCEP (như: Hàn Quốc, Nhật Bản…) vốn là các thị trường khó tính, trong khi đó Trung Quốc hiện không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Do vậy, ngành chức năng nước ta cần cập nhật kịp thời và thường xuyên các thông tin, quy định và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các thị trường. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và phát triển các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta trong năm qua đã đạt 5,6 tỉ USD và năm 2024 có thể đạt 7 tỉ USD, trong khi vào những năm trước thời điểm năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả hằng năm chỉ chừng 3,5 tỉ USD trở lại. Kết quả thành công trên đã nói lên việc chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, Văn phòng SPS Việt Nam cùng các ngành chức năng cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội và vượt qua được các “rào cản” kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu. Mong rằng, tới đây Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động cập nhật thông tin, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nước ta nắm bắt kịp thời các quy định và nhu cầu từ các nước để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả. Khi các nước và các đối tác ký các FTA với nước ta, họ giảm thuế nhập khẩu là điều kiện thuận lợi cho ta xuất khẩu, nhưng ngược lại họ cũng tăng cường các hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp nước ta muốn vượt qua các rào cản này thì rất cần sự chỉ dẫn và hỗ trợ từ ngành chức năng.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, tới đây tiếp tục tăng cường hỗ trợ các vấn đề SPS, giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có RCEP. Để phát triển xuất khẩu và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải quan tâm tìm hiểu, nắm bắt thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Th816

Hiểu đúng mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Để tín chỉ carbon được xác nhận, cần áp dụng quy trình cụ thể và được xác nhận dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo giảm phát thải trên toàn chuỗi sản xuất.
TS Trần Minh Hải chia sẻ về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Không nên ‘bằng mọi giá’ tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, hiện trạng cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia vào đề án nhưng chưa thực hiện đúng thực chất. Một số doanh nghiệp sử dụng sai thiết bị hoặc thậm chí “nói quá” về khả năng giảm phát thải của sản phẩm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh mà họ cung cấp. Ông Hải cho rằng, đây là những quan điểm không chính xác. Để tín chỉ carbon được xác nhận, cần phải áp dụng một quy trình cụ thể, bao gồm đầy đủ các bước trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Hơn nữa, ông Hải chỉ ra rằng việc tham gia Đề án 1 triệu ha chỉ với mục đích bán tín chỉ carbon là một cách hiểu sai lầm. Ông đưa ra ví dụ cụ thể: Để sản xuất 8 tấn lúa sẽ phát thải tương ứng 8 tấn carbon. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.
“Lợi ích kinh tế lớn nhất của đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon mà còn ở việc giảm các chi phí đầu vào thông qua các quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải và tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn cũng mang lại giá trị thặng dư đáng kể”, TS Hải nhấn mạnh. “Điều quan trọng cần lưu ý là không nên tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp”.
Quy trình MRV là chìa khóa để tham gia thị trường carbon lúa gạo
Bàn về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong chuỗi giá trị lúa gạo, TS Trần Minh Hải nhấn mạnh: “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL không chỉ gắn liền với tăng trưởng xanh mà còn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo”.
Cập nhật tiến độ tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Để tín chỉ carbon được xác nhận, nhà sản xuất lúa gạo cần đảm bảo giảm phát thải trên toàn chuỗi sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo TS Hải, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án.
Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Hiện tại, Viện Môi trường Nông nghiệp đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Gold Standard (GS), và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) để xây dựng thang đo MRV.
Trong đó, GS là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, được phát triển bởi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tập đoàn South Pole. Verified Carbon Standard (VCS), một tiêu chuẩn quốc tế khác, cũng được sử dụng rộng rãi cho các dự án nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, do tổ chức Verra phát triển.
TS Hải lưu ý: “Đối với tín chỉ carbon trong trồng lúa, Việt Nam cần một khung pháp lý rõ ràng và phù hợp. Hiện nay, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại hóa tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo, mà chỉ có các dự án thí điểm”.
Một trong những thách thức lớn là chi phí để xác định giá thành của một tín chỉ carbon vẫn chưa được thống nhất. Ngoài ra, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn rõ ràng cho các thiết bị và công nghệ kiểm tra, đo lường giảm phát thải trong trồng lúa.
Mặc dù có những thiết bị mới với giá cả phải chăng và tiện dụng, nhưng quy trình đăng ký lại phức tạp, khiến tín chỉ carbon khó được thương mại hóa và người dân khó tiếp cận thị trường. “Đây là rào cản mà chúng ta cần sớm khắc phục để thúc đẩy quá trình giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp”, TS Hải khẳng định.
Do đó, rất cần thiết để sớm có quy định về cơ chế chia sẻ lợi nhuận khi thương mại hóa được tín chỉ carbon từ lúa gạo. Khung pháp lý cũng cần đưa ra tỷ lệ ưu tiên cho những người tham gia vào quá trình giảm phát thải trong sản xuất lúa, nhằm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia bền vững của cộng đồng và doanh nghiệp vào công cuộc này.
Quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã được ban hành trong sổ tay hướng dẫn của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: TS. Trần Minh Hải.
Cần nguồn nhân lực chất lượng, hiểu đúng mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa
Giá của một tín chỉ carbon trồng lúa không chỉ đơn giản là một con số, mà còn bao hàm nhiều lợi ích kép khi áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải, bao gồm lợi ích về bền vững, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển phụ phẩm “xanh”, và tăng cường thương hiệu quốc gia.
Để đạt được những mục tiêu trên, ông Hải nhấn mạnh, việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực là rất cần thiết. Ông nói: “Nếu không thu được tín chỉ giảm phát thải thì chúng ta ‘lỗ’ chứ không ‘lời’. Cần nhân lực để họ có thể thực hiện và quản lý các quy trình sản xuất mới, hiểu rõ và ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon trong nông nghiệp”.
Do đó, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chia thành hai lộ trình chính. Đào tạo cán bộ quản lý nhà nước sẽ tập trung vào kiến thức về sản xuất giảm phát thải, thị trường tín chỉ carbon và các quy định liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thực địa được trang bị các kỹ năng cần thiết để ghi chép nhật ký sản xuất, thiết lập và quản lý hồ sơ sản xuất giảm phát thải, đảm bảo các quy trình được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả.
Quỳnh Chi – Bá Thắng – Diệu Linh – Phương Linh
Th812

12.500ha lúa ở Sóc Trăng nhiễm dịch hại
Nguồn tin : báo nông nghiệp
Để giữ vững năng suất, sản lượng lúa hè thu, tỉnh Sóc Trăng khuyến khích nông dân ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, cắt cử cán bộ bám sát địa bàn.
Nông dân thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Ảnh: Kim Anh.
Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 140.400ha. Đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch trên 36.200ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Kế Sách, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.
Năng suất bình quân vụ lúa hè thu 2024 ước đạt 55,3 tạ/ha, sản lượng 200.639 tấn. Các giống lúa chủ lực là OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8, nhóm ST.
Những ngày qua, thời tiết mưa liên tục, ẩm độ không khí cao khiến dịch hại trên lúa phát sinh và gây hại. Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích lúa nhiễm dịch hại trên 12.500ha. Chủ yếu là đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá, thối thân…
Tại huyện Long Phú, nông dân xuống giống vụ hè thu 2024 trễ khoảng 2 tuần so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, do mùa khô 2023 – 2024 địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, mùa mưa đến muộn và không nhiều. Vì thế, bà con nông dân chờ đợi đủ nước ngọt, đảm bảo rửa phèn mặn trước khi xuống giống, nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Ảnh hưởng của phèn, mặn, cũng khiến trên 500ha lúa hè thu trên địa bàn huyện phải dặm, sạ lại. Hiện nay, lúa chủ yếu trong giai đoạn đòng, trổ.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 8-10/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, dông, lốc làm ngập úng, lúa đổ ngã, nhất là trong giai đoạn lúa trổ.
Với thời tiết mưa bão thường xuyên trở thành bất lợi lớn cho nông dân Sóc Trăng trong việc ứng dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD), ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Từ nay đến tháng 10, khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, dông, lốc làm ngập úng, đổ ngã lúa. Ảnh: Kim Anh.
Để chủ động bảo vệ và chăm sóc lúa hè thu 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân áp dụng triệt để chương trình 1 phải 5 giảm; 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tăng cường rút nước giữa vụ, hạn chế lúa đổ ngã trong giai đoạn trổ chín.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, các chế phẩm, phân bón giúp tăng khả năng chống chịu cho cây lúa.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phân công cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông viên bám sát địa bàn. Mặt khác, thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo kịp thời tình hình thời tiết, dịch hại phát sinh để chủ động quản lý, phòng trừ, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Th809

Nông dân Đắk Lắk buồn bã vì trái sầu riêng bị sượng nước
Nguồn tin : Báo lao động
Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đang hết sức buồn bã vì trái sầu riêng chuẩn bị đem bán thì bị sượng nước, thiệt hại về kinh tế rất nhiều.
Sầu riêng đang được xem là vua của các loại cây trồng khi có giá bán và lợi nhuận vào loại cao nhất hiện nay. Mùa vụ năm nay, nông dân ở Đắk Lắk kỳ vọng vào việc sẽ thắng lợi lớn khi sầu riêng vừa được mùa, được giá.
Thêm một điều đáng trông chờ nữa là loại cây trồng này cũng đang hết sức rộng đường xuất khẩu chính ngạch vào đất nước Trung Quốc, thị trường có hơn 1 tỉ dân.
Niềm tin của người nông dân là có cơ sở khi đầu vụ thu hoạch, sầu riêng có giá trên 80.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nhà vườn được thương lái đến đặt cọc, chốt giá từ 86.000-87.000 đồng/kg.
Thế nhưng, khi vào chính vụ, thời tiết mưa nhiều. Tình trạng mua bán hàng hóa này cũng không được sôi động như các năm trước.
Thời điểm này, giá sầu riêng bắt đầu hạ xuống khoảng 70.000 đồng/kg. Ngoài việc giá thành giảm sút, nhiều người dân ở Đắk Lắk còn hết sức lo lắng, buồn bã vì chất lượng sầu riêng đang bị ảnh hưởng do thời tiết mưa nhiều.
Ông Đào Văn Ngà (trú tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) cho biết: “Gia đình tôi có 200 cây sầu riêng. Trong đó, có 150 cây đang cho thu hoạch. Năm nay, gia đình dự kiến thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Hiện nay, giá sầu riêng giảm xuống còn khoảng 70.000 đồng (năm 2023 gia đình bán 78.000 đồng/kg – PV).
Đã vậy, tỉ lệ sầu riêng bị hư hỏng khá nhiều (khoảng 20%). Lý do, thời gian qua, mưa lớn kéo dài tạo điều kiện cho các loại nấm gây hại phát triển. Tôi đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các loại nấm tác động đến vườn cây” – ông Ngà cho hay.
Theo ông Trần Công Minh – cơ sở thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắk, năm nay, tỉ lệ “hàng dạt” (sầu riêng bị sượng nước – PV) rất nhiều. Nguyên do mưa lớn kéo dài nên sầu riêng bị dư nước trong quả.
“Mỗi ngày, cơ sở của tôi thu mua từ 10 – 50 tấn sầu riêng “hàng dạt”, với mức giá dao động từ 35.000 – 41.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn 1 nửa so với sầu riêng đạt chất lượng, mẫu mã đẹp” – ông Minh cho biết thêm.
Th628

Giá tiêu tăng cao do nguồn cung giảm
Nguồn tin : Báo Đồng Nai
Theo nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, hiện giá tiêu thương lái đang mua trên địa bàn tỉnh có mức từ 160-170 ngàn đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với giá bán ra trong vụ thu hoạch vừa qua. Nguyên nhân khiến giá tiêu không ngừng tăng những tháng vừa qua là do nguồn cung giảm mạnh vì diện tích cây trồng này giảm. Đồng thời, vụ thu hoạch năm 2024, sản lượng tiêu bị giảm sút do mất mùa vì yếu tố thời tiết bất lợi.
Tiêu có giá cao, nông dân trồng tiêu xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) phấn khởi chăm sóc cây trồng này. Ảnh: B.Nguyên
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục giảm xuống còn khoảng 170 ngàn tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây. Sản lượng tiêu toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 465 ngàn tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529 ngàn tấn. Nguồn cung không đủ cầu là nguyên nhân khiến giá tiêu trên thị trường xuất khẩu không ngừng tăng. Dự kiến giá tiêu có thể tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.
Với mức tăng hiện nay, nhiều nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc vườn tiêu với kỳ vọng đạt năng suất tốt trong vụ thu hoạch tới.
Bình Nguyên
Th628

Phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất mô hình tôm lúa bền vững
Nguồn tin : báo Nông Nghiệp
KIÊN GIANG Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong mô hình tôm – lúa giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, giảm chi phí.
Ngày 26/6 tại TP Rạch Giá, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế tập thể sản xuất mô hình tôm – lúa bền vững”, với sự tham dự của đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan.
Mô hình tôm – lúa đem lại đa dạng nguồn thu từ con tôm và cây lúa, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.
Mô hình sản xuất tôm – lúa (luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa) được nông dân vùng ven biển tỉnh Kiên Giang bắt đầu thực hiện cách đây gần 30 năm. Hiện mô hình này đã trở thành loại hình nuôi trồng kết hợp có thế mạnh của tỉnh, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.
Những năm gần đây, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này đạt hơn 61.000 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh và hàng trăm ngàn tấn lúa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Ông Phạm Thành Trăm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, cho biết, kinh tế tập thể của tỉnh phát triển mạnh và có hình thức đa dạng, gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà nòng cốt là hợp tác xã. Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3 liên hiệp hợp tác xã với 35 hợp tác xã thành thành viên, 447 hợp tác xã. Kinh tế tập thể giúp liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi tương trợ, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, liên kết cộng đồng và từng bước mở rộng hợp tác với các thành phần kinh tế khác.
Theo đánh giá của các hợp tác xã, mô hình sản xuất tôm – lúa hiệu quả hơn rất nhiều so với sản xuất độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Mô hình này đem lại hai nguồn lợi kinh tế từ tôm và lúa, góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Sản phẩm tôm và lúa thu hoạch từ mô hình kết hợp này là sản phẩm sạch, chất lượng cao, do đó được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu. Có nhiều hộ thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã trung bình một ha thu hoạch từ 400 – 500kg tôm thuơng phẩm và 5 – 6 tấn lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Kiên Giang đã chia sẻ về chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất mô hình tôm – lúa bền vững theo hướng liên kết, hợp tác công – tư; đầu tư các công trình thủy lợi phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, đầu tư đối ứng.
Sở Khoa học – Công nghệ Kiên Giang hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chế biến từ chuỗi giá trị tôm – lúa, phát triển sản phẩm OCOP như tôm khô, gạo hữu cơ.
Th624

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Nguồn tin : báo Long An
Những năm qua, với nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân (ND) trong tỉnh Long An áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, mang lại thu nhập cao cho gia đình, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.
Th624

Vietseed nghiên cứu giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn
Nguồn tin : Báo Nông nghiệp
Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) đã chuẩn bị tập đoàn giống để có thể sớm bắt đầu dự án nghiên cứu chọn giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn.
Chính thức hoạt động năm 2011 với vỏn vẹn 5 nhân sự nhưng đến nay, Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) đã sở hữu 9 bằng bảo hộ giống cây trồng. Chỉ riêng năm 2023, Vietseed đã được công nhận lưu hành 02 giống lúa lai (KU57 và Nghi Hương 555), 02 giống lúa thuần (Smart 56 và An Phú) và 01 giống ngô lai (LT888), đưa tổng số giống lúa và ngô được phép lưu hành lên 8 giống cùng 9 giống cỏ và cao lương chăn nuôi. Dự kiến trong năm 2024, Vietseed tiếp tục được công nhận lưu hành thêm 01 giống lúa (giống lúa lai VH107) và 02 giống lúa thuần là NTS01 và Smart 888.
Vùng sản xuất hạt lai F1 hơn 30ha của Vietseed trong vụ xuân 2024 tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Bách Phong.
Hàng năm, Vietseed đưa thêm ít nhất từ 2 – 3 giống lúa, ngô tham gia vào hệ thống khảo nghiệm quốc gia. Vừa qua, chúng tôi đã tham quan khu vực sản xuất hạt giống lúa lai F1 rộng hơn 30ha và ruộng duy trì vật liệu, nhân dòng và khảo nghiệm tác giả giống lúa rộng 1ha của Vietseed tại Nam Định cũng như khu lai tạo, chọn lọc và khảo nghiệm tác giả giống ngô, cỏ của Công ty tại Hà Nội.
Tại khu vực sản xuất hạt giống lúa lai F1 của Vietseed ở Nam Định, đơn vị phụ trách thực hiện cho biết giống lúa lai LY2099 của Vietseed đang sản xuất tại đây là tổ hợp lúa lai khó sản xuất hạt lai F1 nhất hiện nay do chênh lệch thời gian trỗ giữa dòng bố và dòng mẹ rất xa; dòng mẹ là lúa thơm, ngắn ngày, hạt dài, nhỏ, khó nhận phấn và tiềm năng năng suất thấp.
Cách tiếp cận của Vietseed là tương đối sâu về kỹ thuật, kiên trì đồng hành cùng đơn vị thực hiện sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ năm 2018, sau nhiều thất bại đến nay đã cơ bản có sự ổn định về năng suất và chất lượng hạt F1. Ruộng sản xuất cũng được các chuyên gia đánh giá cao.
Chuyên gia nước ngoài đánh giá gần 100 tổ hợp lúa lai mới của Vietseed trong vụ xuân 2024 tại Nam Định. Ảnh: Bách Phong.
Từ năm 2016, Vietseed đã hợp tác với đối tác nước ngoài bền bỉ, đều đặn mỗi năm 2 vụ đều tiến hành khảo nghiệm tác giả tập đoàn giống lúa lai, lúa thuần. Vụ xuân 2024, Vietseed khảo nghiệm gần 100 tổ hợp, đều là các giống lúa lai sử dụng vật liệu bố mẹ thuộc thế hệ mới nhất. Việc duy trì liên tục hoạt động này đã giúp Vietseed đảm bảo nguồn cung các tổ hợp triển vọng phục vụ khảo nghiệm và công nhận giống. Phát hiện mới nhất là một giống lúa lai triển vọng cho mục đích sản xuất gạo nở xốp chuyên dùng cho chế biến đảm bảo tỷ lệ trắng trong và ít bạc bụng. Ngoài ra, tận dụng ưu thế lai về sinh trưởng phát triển, Vietseed đã chuẩn bị tập đoàn giống để có thể sớm bắt đầu dự án nghiên cứu chọn giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn…
Sau khi cơ bản hoàn thành nghiên cứu về các giống cỏ chăn nuôi và vật liệu sinh khối giàu carbon, ở quy mô nhỏ hơn, từ năm 2018 Vietseed đã bắt đầu các chương trình nghiên cứu tự lai tạo các tổ hợp lúa lai, ngô lai mới và chọn tạo một số giống lúa thuần từ các nguồn vật liệu mới.
Nhân viên của Vietseed lai tạo và chọn lọc giống lúa lai, lúa thuần. Ảnh: Bách Phong.
Trước câu hỏi làm thế nào để một doanh nghiệp cỡ nhỏ với nguồn lực hạn chế có thể tổ chức được hoạt động nghiên cứu và phát triển, ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Vietseed chia sẻ: “Chúng tôi khởi đầu từ năm 2016, kiên định với các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghiên cứu, thương mại giống cây trồng gồm: Hợp tác tốt nhất với các tác giả gốc, xây dựng tiêu chí chọn giống rõ ràng, cắt giảm cơ bản các chỉ tiêu có thể được trong quá trình khảo nghiệm VCU sau này và loại bỏ gần như hoàn toàn hệ thống báo cáo, hội họp nội bộ…, mục tiêu làm giảm thiểu chi phí khảo nghiệm và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Về mặt chi phí, Công ty chỉ tập trung vào sản xuất các giống có hàm lượng công nghệ và lợi thế canh tranh cao, thuê ngoài gần như toàn bộ hoạt động thị trường, các công việc mang tính thời vụ hoặc không yêu cầu trình độ cao và tập trung toàn bộ lợi nhuận thu được để đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
Về nhân sự, Công ty chú trọng xây dựng hệ thống lao động trẻ theo chuẩn riêng từ đầu và tăng cường đào tạo, 4/5 nhân viên hiện tại của Công ty có trình độ thạc sỹ hoạt động chọn tạo, khảo nghiệm dưới sự phối hợp của một nhóm chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.
Nghiên cứu tạo giống ngô, giống cỏ chăn nuôi của Vietseed. Ảnh: Bách Phong.
Ngoài ra, Vietseed chỉ ưu tiên sử dụng các vật liệu chọn tạo khác biệt so với các giống thương mại trên thị trường, chấp nhận rủi do tiếp cận cực sớm các dòng, giống mới. Giống cây trồng mới công nhận lưu hành được ưu tiên cho thuê, mượn thay vì tự tổ chức sản xuất kinh doanh. Vietseed đã thành công chuyển giao toàn bộ quyền khai thác 01 giống lúa thuần, một phần quyền khai thác của 03 giống lúa lai.
Vietseed là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đã phối hợp với các tác giả trong và ngoài nước chuẩn bị một tập đoàn giống lúa lai chuyên dụng, bắt đầu tiến hành thử nghiệm khả năng chịu hạn, chịu mặn và xác định cơ sở di truyền trong phòng tại Phòng thí nghiệm Đại học Hirosima (Nhật Bản) và thí nghiệm khảo sát ngoài đồng ruộng tại Yên Bái, Nam Định và Bạc Liêu nhằm chọn ra các giống ứng viên phù hợp để cùng để xuất dự án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu cực đoan.
Th618
Gia Lai phát triển vùng chuyên canh cây trồng chủ lực
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Tỉnh Gia Lai đang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực quy mô lớn gắn với chế biến sâu, hướng đến phát triển bền vững.
Xây dựng vùng chuyên canh phù hợp từng địa phương
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng hơn 100.000ha cà phê, gần 87.000ha cao su, 79.000ha khoai mì (sắn), 76.000ha lúa, 35.000ha cây ăn quả, hơn 40.000ha mía… Để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững, năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Theo đó, các địa phương khu vực phía tây và khu vực trung tâm tỉnh Gia Lai tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… Trong khi đó, khu vực phía đông và đông nam chú trọng phát triển cây trồng ngắn ngày như lúa nước, mía, mì, bắp và cây ăn quả.
Để hiện thực hóa điều này, tỉnh Gia Lai đang dần tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu đến năm 2030, trên 50% diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại.
Ghi nhận tại huyện Chư Păh, địa phương này hiện đang hình thành vùng chuyên canh với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, cao su và sầu riêng. Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, sau khi đánh giá hiệu quả các loại cây trồng cho thấy cà phê, cao su và sầu riêng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện.
“Nhờ hình thành vùng chuyên canh, những cây trồng chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đơn cử, cà phê đang có giá tăng cao kỷ lục, mang lại mùa vụ bội thu cho người dân. Trong khi đó, cây sầu riêng dù mới chỉ phát triển khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Sơn chia sẻ.
Những năm qua, cây sầu riêng cũng đang phát triển mạnh mẽ tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Cũng theo ông Sơn, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng chuyên canh cây sầu riêng. Mặt khác, cây cà phê sẽ đẩy mạnh thực hiện tái canh, đưa giống mới vào sản xuất cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tại huyện Chư Pưh, nhận thức được hiệu quả của việc hình thành vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, từ năm 2019, địa phương đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng trên địa bàn huyện.
Ngay sau khi có dữ liệu điều tra, đánh giá, huyện đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng vùng để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, nhờ xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng vùng, đến nay, nhiều hộ dân đã liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh hình thành các vùng chuyên canh tập trung, chất lượng cao như sầu riêng, mít Thái, bơ, nhãn Hương Chi, cà phê, hồ tiêu… Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã từng bước mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Hướng đến vùng nguyên liệu lớn, chế biến sâu
Nếu như các tỉnh phía tây và khu vực trung tâm tỉnh Gia Lai có lợi thế phát triển cây công nghiệp dài ngày thì các huyện phía đông lại phù hợp với các loại cây ngắn ngày, đặc biệt là cây lúa và khoai mì. Huyện Phú Thiện được xem là “thủ phủ” của ngành lúa gạo tỉnh Gia Lai. Nơi đây có những cánh đồng lúa rộng lớn với tổng diện tích gieo cấy trên 12.000ha (2 vụ) và tập trung rất nhiều giống lúa chất lượng như ST25, Đài thơm 8, nếp 97…
Cây lúa rất phù hợp trồng trên cánh đồng huyện Phú Thiện. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, những năm qua, lúa nước trở thành cây trồng chủ lực của huyện nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ. Để trở thành vùng chuyên canh lúa lớn, huyện đã đầu tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu như huyện Phú Thiện được xem là “thủ phủ” của cây lúa thì huyện Krông Pa có diện tích khoai mì lớn nhất tỉnh Gia Lai với trên 22.000ha. Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, dựa trên đề án của tỉnh, huyện sẽ xây dựng kế hoạch vùng chuyên canh cây khoai mì cho từng địa phương trên địa bàn huyện.
“Việc xây dựng vùng chuyên canh sẽ là tiền đề phát triển ổn định vùng sản xuất phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, phục vụ chăn nuôi và các nhu cầu khác. Chúng tôi khuyến khích phát triển cây khoai mì tập trung ở những nơi có thể áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Châu chia sẻ.
Nhiều giống khoai mì cho năng suất, chất lượng được trồng tại huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, những năm gần đây, tỉnh tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực phù hợp với thực tế từng vùng, địa phương. Bên cạnh đó, người dân, HTX và doanh nghiệp đã tích cực, chủ động đầu tư phát triển cây trồng theo hướng thâm canh tập trung, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Organic…
Ông Đoàn Ngọc Có cho biết: “Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Gia Lai sẽ ttiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, vận động người dân đầu tư cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường các nước nhập khẩu. Đặc biệt, ưu tiên sơ chế, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh phục vụ xuất khẩu”.
Th820