Tin tức

Sức mua tăng,nhiều loại cây giống tăng giá
Nguồn tin : báo Cần Thơ
Thời điểm này, dù chưa bước vào mùa mưa nhưng sức mua nhiều loại cây giống ăn trái đã tăng đáng kể so với những tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu tiêu thụ tăng và ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất và vận chuyển tăng, giá một số loại cây giống như mít, sầu riêng… cũng đã tăng so với trước.
Nông dân chọn mua giống sầu riêng tại một cơ sở bán cây giống ở huyện Thới Lai.
Giá cây giống tăng
So với hồi đầu năm nay và so với cùng kỳ năm 2023, hiện giá cây giống sầu riêng tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL đã tăng từ 10.000-20.000 đồng/cây. Tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận Hậu Giang, Vĩnh Long, Ðồng Tháp… cây giống sầu riêng hạt lép Ri6, sầu riêng Mỏn Thon (gốc ghép cỡ 2,5-4cm, từ 2-3 cơi lá) có giá 90.000-130.000 đồng/kg, còn loại cây có gốc ghép nhỏ hơn có giá 70.000-80.000 đồng/cây. Thời gian qua, trái sầu riêng bán được giá cao nhờ được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đó đã kích thích người dân phát triển trồng sầu riêng nên nhu cầu mua cây giống tăng đã tạo điều kiện cho giá cây giống sầu riêng tăng. Bên cạnh đó, gần đây các chi phí vận chuyển và sản xuất cây giống cũng tăng do ảnh hưởng bởi nắng hạn, cùng giá xăng dầu, giá nhân công và nhiều loại vật tư đầu vào tăng.
Nhu cầu tiêu thụ tăng, gần đây giá cây giống mít cũng bán khá chạy và giá đã tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg so với những tháng trước. Trong đó, giá tăng mạnh nhất là cây giống mít ruột đỏ Indonesia do nhu cầu mua loại cây giống này tăng cao. Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trái mít ruột đỏ Indonesia bán được giá rất cao, có nhiều thời điểm giá bán lên đến 50.000-90.000 đồng/kg. Từ đó, nhiều nông dân đã đẩy mạnh trồng loại mít ruột đỏ Indonesia, dẫn đến giá tăng, nhất là khi nguồn cung cây giống mít này đang có phần hạn chế. Còn cây giống mít Thái do nguồn cung dồi dào nên giá bán tại nhiều nơi chỉ tăng nhẹ khoảng 5.000 đồng/cây và hiện cũng có cơ sở cây giống giữ giá bán ổn định so với trước để thu hút khách hàng. Tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn TP Cần Thơ, cây giống mít giống Thái (cây ghép lên được 1-2 cơi lá, gốc cỡ 1,2-2cm) có giá khoảng 30.000-35.000 đồng/cây. Giống mít ruột đỏ Indonesia có giá bán tại nhiều nơi ở mức 40.000-45.000 đồng/cây. Trong khi đó, cây giống mít tố nữ vị sầu riêng cũng đang có giá bán rất cao do là giống mới, nguồn cung hạn chế nên giá lên đến 70.000-80.000 đồng/cây.
Sức mua còn tăng
Theo cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ, hằng năm sức mua cây giống ăn trái thường tăng mạnh khi bắt đầu bước vào các tháng mùa mưa do nhiều nông dân chọn trồng thời điểm này để đỡ tốn công tưới nước cho cây, đồng thời cây trồng trong mùa mưa cũng ít bị hao hụt. Do vậy, dự báo tới đây sức mua nhiều loại cây giống còn tăng. Tuy nhiên, do nhiều nông dân còn lựa chọn trồng cây ăn trái chạy theo “giá cả” và theo “trào lưu” nên sức mua cây giống ăn trái chắc chắn sẽ không đều giữa các loại cây.
Chị Lý Thị Mỹ Hằng, chủ Cơ sở cây giống Sáu Quang ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện cơ sở của tôi bán hơn 40 loại cây giống ăn trái các loại. Năm nay, sức mua một số loại cây giống đã tăng khá mạnh ngay từ những tháng đầu năm, nhất là cây giống sầu riêng, mít và một số loại mãng cầu. Thời điểm này, một số loại cây giống đã có dấu hiệu khan hàng, đặc biệt là cây giống mít ruột đỏ Indonesia. Tuy nhiên, vẫn có những loại cây giống bán còn khá chậm. Tôi hy vọng tới đây sức mua tất cả các loại cây giống đều tăng mạnh và giá ít biến động để dễ bán hàng”. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ Trại cây giống Tùng Thủy ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cũng cho biết: “Năm nay, nhiều nông dân đã không chờ đến mùa mưa mà chủ động đi tìm mua cây giống sầu riêng và mít từ khá sớm có lẽ do muốn chọn mua được cây giống tốt, với mức giá phù hợp vì vào mùa mưa giá có thể cao hơn hiện nay”. Cũng theo chị Thủy, trại cây giống của chị có liên kết với các cơ sở sản xuất cây giống ở tỉnh Bến Tre nên có thể cung cấp nhiều loại cây giống phục vụ nhu cầu thị trường. Gần đây, dù giá một số loại cây giống có tăng nhưng mức tăng không quá nhiều, trong đó giá tăng chủ yếu tập trung vào một số loại cây đang được nhiều người tập trung chọn mua như sầu riêng Mỏn Thon, mít ruột đỏ Indonesia… Còn lại đa phần giá các loại cây giống vẫn bình ổn và có nguồn cung khá dồi dào.
Những năm qua, nhu cầu tiêu thụ cây giống ăn trái không ngừng tăng cao do nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phát triển diện tích vườn cây ăn trái nhằm có điều kiện nâng cao thu nhập. Thời gian qua, lúa bán được giá cao nên nông dân tại nhiều địa phương đã tăng cường sản xuất lúa và có phần hạn chế việc chuyển từ lúa sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, sức mua cây giống tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục tăng khi nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển trồng mới các diện tích vườn cây ăn trái, cũng như chuyển đổi từ những diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng chuyên canh cây ăn trái ngon, đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, cũng có nông dân chặt bỏ những diện tích trồng cây ăn trái có giá bán thấp sang trồng những loại cây khác nhằm mong muốn có đầu ra sản phẩm tốt hơn.
Theo ông Trần Ngọc Hải ở ấp Thới Hữu, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, trồng cây vào mùa nắng có bất lợi là phải tốn nhiều công chăm sóc và tưới nước, nhưng do muốn trồng sớm để cây sớm cho trái bán nên vừa qua ông đã mua 350 cây mít Thái để trồng trên diện tích hơn 1ha. Diện tích đất này vốn trước được ông trồng xoài Ðài Loan nhưng vì bán không được giá, ông quyết định chặt bỏ để trồng mít. Cũng theo ông Hải, trồng cây ăn trái vào mùa nắng cũng có thuận lợi trong việc ứng dụng máy móc cơ giới để làm đất, còn việc tưới nước cho cây cũng có nhiều loại máy móc làm thay sức người, giúp nông dân không còn vất vả như xưa.
Hiện nay, người dân ở TP Cần Thơ cũng có nhiều điều kiện thuận lợi khi muốn chọn mua các loại cây giống ăn trái do trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ngày thêm nhiều điểm sản xuất kinh doanh cây giống ăn trái. Cùng với đó, điều kiện giao thông và các phương tiện công nghệ thông tin phát triển, nông dân cũng có thể dễ dàng tìm đến các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các tỉnh lân cận để mua hàng hoặc đặt hàng mua cây giống từ xa và được chở giao hàng tận nơi.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Th504

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.
Ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp triển khai một số nội dung liên quan đến việc triển khai 5 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
5 mô hình được lựa chọn nằm ở 5 địa bàn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Các mô hình sẽ đi đầu về triển khai quy trình canh tác lúa bền vững; tổ chức cơ giới hóa đồng bộ; liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải; nâng cao năng lực HTX, khuyến nông cộng đồng, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh; các giải pháp tăng trưởng xanh, thu gom rơm rạ, bình đẳng giới trong sản xuất và sinh kế người dân…
Một trong năm mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang triển khai tại HTX nông nghiệp Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.
Bên cạnh đó, thiết kế mẫu toàn bộ hệ thống thủy lợi nội đồng một cách hoàn chỉnh. Phù hợp với thổ nhưỡng, triều cường, nguồn nước của các vùng sinh thái.
Các mô hình sẽ được triển khai trong 3 vụ: Hè thu 2024, đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Đặc biệt, ngay trong vụ hè thu 2024, các mô hình sẽ triển khai luôn việc đo đạc – báo cáo – thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV).
Cụ thể, mô hình của TP Cần Thơ dự kiến triển khai trên quy mô khoảng 50ha, do HTX nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) thực hiện. Trong đó, vụ hè thu 2024, HTX đã khởi động gieo sạ 47ha và sẽ tiếp tục mở rộng trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Tỉnh Kiên Giang đã đăng ký tham gia 340ha, ở vùng sản xuất tôm lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và HTX tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh). Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh nghiên cứu kỹ, giảm quy mô diện tích nói trên.
Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng thống nhất đăng ký tham gia 50ha tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú).
Tương tự, tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp cũng nhất trí quy mô đăng ký mô hình điểm của địa phương là 50ha/mô hình. Các mô hình sẽ được triển khai tại HTX nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương xác định lại một lần nữa diện tích cụ thể các mô hình điểm. Ảnh: Kim Anh.
Sau cuộc họp này, Thứ trưởng Nam đề nghị các địa phương xác định lại một lần nữa diện tích cụ thể các mô hình điểm, tránh xảy ra tình trạng “đăng ký hôm trước, hôm sau lại thay đổi”. Bởi thực tế nông dân vẫn còn băn khoăn, lo ngại về vấn đề năng suất lúa có đạt theo cách làm hiện tại hay không.
“Năng suất hiện đạt từ 6 – 7 tấn/ha, bây giờ kêu bà con làm mô hình gieo sạ từ 60 – 80kg lúa/ha. Nông dân băn khoăn, nên rút chưa muốn tham gia. Bà con muốn địa phương cứ làm, có hiệu quả lúc đó bà con đồng tình hưởng ứng. Do đó, các địa phương đã đăng ký thì phải thật sự làm”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Về nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm, Thứ trưởng Nam cho biết, các địa phương tham gia và Trung ương sẽ cùng bỏ ra. Trong đó, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, địa phương chi trả về vật tư và hạ tầng. Ngoài ra còn có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp.
Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ 100% vật tư và hạ tầng. Ảnh: Kim Anh.
Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cũng cam kết hỗ trợ về kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, chất lượng cao; cung cấp dịch vụ gieo sạ bằng máy (tối đa 50ha/mô hình); hỗ trợ 50% chi phí giống xác nhận (còn lại là nguồn hỗ trợ của địa phương); thiết bị đo mực nước tự động; đo đếm các chỉ tiêu nông học, đất, tính toán hiệu quả kinh tế…
Với các nguồn lực hỗ trợ trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nông dân khi tham gia vào các mô hình điểm sẽ “không bỏ ra cái gì” để bà con phấn khởi tham gia.
Th502

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN-PTNT, yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án có sự phối hợp xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng giữa, vùng ven biển ĐBSCL. Ảnh: HT.
Ngày 25/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Tham vấn kỹ thuật, triển khai dự án chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển khu vực ĐBSCL” (dự án STAR-FARM).
Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Theo đó, các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh hưởng lợi từ dự án, thời gian triển khai từ năm 2023 – 2027, với tổng vốn tài trợ 4,2 triệu Euro.
Tại hội thảo, Ban Quản lý dự án STAR-FARM nghe đại diện các viện, trường, tổ chức trong và ngoài nước, đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang…, trình bày nhiều ý kiến tham luận về những khó khăn, thách thức đối với sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đại diện Tổ chức FAO cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con vùng ĐBSCL. Để vượt qua, nông dân cần thay đổi tập quán và phương thức sản xuất. Dự án được triển khai là cơ hội để thực hiện điều đó. Hy vọng thông qua hoạt động khởi động này, ban quản lý dự án chọn ra những điểm phù hợp nhất để thực hiện dự án thông qua các tiêu chí.
Theo ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, hiện quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ, manh mún, chất lượng sản xuất chưa đồng đều, chưa tập hợp được sản lượng lớn khi có yêu cầu.
Đồng thời việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân còn chậm, chưa có bước đột phá để tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị còn ít và chưa phổ biến. Tập quán, thói quen canh tác không bền vững, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong đó việc nông dân sử dụng lượng lớn hóa chất đầu vào như phân bón hóa học, thuốc BVTV và xâm nhập mặn đã và đang gây ra những thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ông Sơn đề xuất dự án hỗ trợ tỉnh xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp về lúa – gạo và đậu phộng, nuôi bò thịt và tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển.
Tương tự, ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đề xuất hỗ trợ địa phương xây dựng giải pháp đổi mới nông nghiệp sinh thái và mô hình thực hành nông nghiệp sinh thái.
Đồng thời hỗ trợ thanh niên và phụ nữ tham gia dự án. Phổ biến các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái, xây dựng mô hình thực hiện các kế hoạch kinh doanh bền vững cho thành viên tham gia.
Hội thảo có các viện, trường và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia. Ảnh: HT.
Đại diện của Ban Quản lý dự án STAR-FARM cho biết, việc lựa chọn địa điểm triển khai dựa trên một số tiêu chí như tính đặc trưng của vùng giữa và ven biển ĐBSCL, đa dạng của hệ thống nông nghiệp, cũng như sự dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn xem xét các yếu tố như dân tộc thiểu số trong cộng đồng, sự phát triển của chuỗi giá trị, các dự án liên quan đang được triển khai, sự tham gia của các tổ chức tư nhân, cũng như khu bảo tồn thiên nhiên và rừng ngập mặn.
Dự kiến, các chuyên gia, đại diện các tổ chức phối hợp cùng với chính quyền địa phương có các đợt khảo sát thực tế, chọn 10 địa điểm tại các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang để triển khai các hoạt động của dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái khu vực ĐBSCL.
Trong đó, ít nhất 24 nhóm nông dân và HTX được hỗ trợ nâng cao năng lực về quản trị, sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường. Hỗ trợ thành lập HTX của thanh niên, phụ nữ và người DTTS. Hỗ trợ 15 doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Xây dựng 3 gói hỗ trợ nhằm phát triển các dự án nông nghiệp sáng tạo và mô hình nông nghiệp sinh thái. Xây dựng 3 mô hình cho các sản phẩm nông nghiệp sinh thái chủ lực, hỗ trợ 8 mô hình khởi nghiệp liên kết với các chuỗi giá trị bền vững.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ NN-PTNT, yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án có sự phối hợp xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng giữa, vùng ven biển ĐBSCL. Đồng thới có kế hoạch phổ biến, nhân rộng các mô hình thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết, phù hợp với tập quán sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân khu vực ĐBSCL.
Đại diện của Ban Quản lý dự án STAR-FARM cho biết, việc lựa chọn địa điểm triển khai dựa trên một số tiêu chí cụ thể. Ảnh: Hồ Thảo.
Dự án tập trung ưu tiên nghiên cứu chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; chuyển đổi sinh thái trong hệ thống sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sức khỏe động vật, cây trồng, giảm thiểu suy thoái môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tiếp theo ngày 26/4, Ban Quản lý dự án STAR-FARM thăm quan mô hình điển hình về nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Trà Vinh.
Th429

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm
Nguồn tin : báo nông nghiệp
QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 – 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…
Vào vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa (HTX Hàm Hòa, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) triển khai mô hình gieo sạ lúa bằng máy trên diện tích hơn 10ha. Ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc tại HTX Hàm Hòa hồ hởi cho hay: “Ban đầu lo mất ăn, mất ngủ bởi mô hình. Nhưng bây giờ thì lúa đã bán xong, tiền cất vào tủ, bà con nông dân đã thấy cái lợi nhiều đường. Hi vọng vụ tới diện tích áp dụng khoa học công nghệ trên cánh đồng được mở rộng để bà con tăng thu nhập”.
Máy gieo sạ cụm trên cánh đồng xã Hàm Ninh đầu vụ đông xuân 2023 – 2024. Ảnh: T. Phùng.
Khóc vì… lúa thưa trên ruộng
Đó là câu chuyện liên kết “3 nhà” giữa Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cùng Tổng Công ty Sông Gianh liên kết triển khai mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại HTX Hàm Hòa. Đây là mô hình đưa công nghệ xuống đồng ruộng đầu tiên tại huyện Quảng Ninh và của cả tỉnh Quảng Trị nên sự lo lắng là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Văn Giới, một nông dân luôn “đứng mũi chịu sào” trong việc áp dụng giống mới, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất ở địa phương cho hay: “Nói gì thì cũng lâu, nhưng bà con nghĩ suy thì nhanh lắm. Xưa nay gieo tay quen rồi, nay gieo sạ bằng máy liệu có chắc chắn không. Lại nữa, lỡ lúa thưa phải tăng thêm nhân lực đi dặm, ai chịu cho bà con”.
Khi thóc giống được đổ vào máng của máy gieo sạ với mức chỉ 3,5kg/sào (500m2) thì bà con cũng hoảng. “Nhiều bà con cứ đến hỏi nhỏ tôi, xưa nay gieo bằng tay phải 6 – 7kg giống/sào, Bây giờ, ông đưa máy về chỉ còn phân nửa lượng giống liệu ruộng có chừa lại cho cỏ nó mọc không đó”, ông Giới kể.
Một tháng sau gieo sạ, ra thăm ruộng, nhiều người nghi ngờ lắm. Bên ruộng gieo thủ công thì mặt ruộng phơn phớt xanh, riêng những trà gieo sạ cụm bằng máy thì loang lổ màu đất chứ chưa thấy tý màu xanh nào cả. Bà Nguyễn Thị Thảo (thôn Hàm Hòa) có 7 sào ruộng đều gieo sạ cụm bằng máy kể lại cảm xúc khi đó: “Buổi sáng ra thăm ruộng, không thấy mầm xanh đâu cả. Nhìn sang ruộng nhà người ta thấy mọc đều, xanh đè lên màu đất mà tôi khóc thiệt luôn. Khóc vì lo ruộng thưa rồi mất công tỉa dặm, rồi thất bát mùa màng… chớ có phải chuyện chơi đâu”.
Năng suất lúa gieo sạ cụm, canh tác hữu cơ tại mô hình cao hơn hẳn so với sản xuất truyền thống. Ảnh: T. Phùng.
Cho đến khi cây lúa trên đồng được hai tháng thì nỗi lo của bà con cũng vơi bớt dần đi. Lúa được bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh nên phát triển tốt trên đồng. Cứ khoảng hai hôm ông Giới lại ra thăm đồng. Thấy cây lúa phát triển tốt và đang vào thời kỳ đẻ nhánh, ông mừng lắm. “Trung bình mỗi cụm lúa có từ 12 – 15 nhánh, phát tiển tốt và không có dấu hiệu bị sâu bệnh”, ông Giới cho biết.
Ông Giới tính toán, lúa gieo sạ cụm bắng máy chỉ sử dụng từ 3 – 3,5kg giống mỗi sào. Trong khi gieo truyền thống phải sử dụng ít nhất 6kg mỗi sào. Gieo sạ cụm bằng máy bà con nông dân không phải tỉa dặm lúa như gieo truyền thống. Trung bình mỗi sào nông dân tiết kiệm được 2 công lao động gieo và tỉa dặm lúa.
Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết, quá trình thực hiện liên kết đã cử cán bộ bám sát để hỗ trợ cho bà con. “Quá trình sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ cho thấy cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ghi nhận trong vụ đông xuân năm nay chưa phát hiện sâu bệnh hại lúa trên đồng”, ông Thái nói thêm.
Cho nông dân tư duy mới
Ngày được Tổng Công ty Sông Gianh thông báo thu hoạch và triển khai thu mua lúa cho bà con, gia đình bà Thảo ra vùng đồng sớm nhất. Vùng lúa nhà bà cũng được ưu tiên đưa máy gặt xuống trước. Ông Nguyễn Viết Hữu (người nhà bà Thảo) năm nay đã trên tuổi 80 nhưng còn khỏe mạnh lắm, cũng ra đồng để phụ giúp con cháu.
Ông Hữu bảo: “Tôi phải ra xem lúa được mùa ra sao và cái chuyện máy thay người gieo hạt giống trên đồng đỡ bao công sức. Tôi cũng còn đọc được báo, xem tivi, thấy nhiều nơi bà con làm ruộng từ cày bừa, gieo, phun rải phân bón, gặt… đều đã dùng máy móc hết cả. Vậy là nông dân cũng đỡ oằn lưng rồi đó”.
Bà Nguyễn Thị Thảo: “Gieo sạ cụm bằng máy được mùa nên bà con mừng lắm”. Ảnh: T. Phùng.
Bà Thảo còn vui hơn. Bà đứng bên mấy bao lúa căng tròn chưa kịp chuyển lên xe công nông để vận chuyển ra điểm tập kết mua lúa của Tổng Công ty Sông Gianh. Bà bụm lên vun hạt lúa mới gặt trên hai tay rồi nói vui: “Trước thì khóc, bây giờ là cười. Vụ này lúa đạt năng suất trên 65 tạ/ha. Bên Công ty mua tại ruộng với giá cao, kịp thời nên bà con ra xem máy gặt rồi lại về nhưng túi đã có tiền. Nhà tôi chỉ để dành đủ lúa ăn đến vụ hè thu thôi. Còn bao nhiêu thì bán cho bên Công ty hết.Thóc thật, tiền tươi thì có gì vui hơn nữa”.
Sát ruộng nhà bà Thảo là ruộng của ông Nguyễn Thanh. Ông cho hay, nhà có 10 sào ruộng, nhưng ông cũng chỉ mạnh dạn áp dụng gieo sạ cụm 5 sào, còn 5 sào vẫn canh tác theo lối truyền thống.
“Do người điều khiển máy gieo sạ lần đầu tiên nên cũng có trục trặc khiến ruộng nhà tôi gieo bị thưa. Sau đó, bên phía Công ty cũng có hỗ trợ thêm về công để phụ gia đình tỉa dặm lúa trên ruộng”, ông Thanh nói.
Đi kiểm tra những vạt ruộng đã chín vàng ươm, chờ máy gặt, ông Thanh cho hay, mấy sào ruộng gieo truyền thống năng suất không bằng lúa bên vùng ruộng bón phân hữu cơ và gieo bằng máy sạ cụm. “Vụ sau tôi đưa hết diện tích ruộng vào trồng hữu cơ và gieo sạ cụm bằng máy. Có làm như vậy thì hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng mới tăng cao và cái quan trọng nữa là tiết kiệm được sức lao động, giảm chi phí trên đồng ruộng”, ông Thanh hồ hởi.
Tại điểm tập kết thu mua lúa cho bà con, cán bộ bên Tổng Công ty Sông Gianh đang hỗ trợ bà con cân lúa và dùng xe cẩu nhỏ bốc lúa đóng bao lên ô tô tải lớn.
Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết, phía Công ty đã hỗ trợ thêm cho bà con bao bì đựng lúa, hỗ trợ vận chuyển và bốc xếp lên ô tô tải để vận chuyển đi.
“Hiện phía Công ty đang thu mua với giá 6,9 triệu đồng/tấn lúa tươi. Giá này cũng đã cao hơn giá thu mua của thương lái trên thị trường”, ông Thái nói thêm. Theo nhiều nông dân, với giá thu mua tại ruộng này, bà con có lãi từ 20 – 25 triệu đồng/ha.
Tổng Công ty Sông Gianh mua lúa tươi tại ruộng với giá cao, nông dân có lãi 20 – 25 triệu đồng/ha. Ảnh: T. Phùng.
Hiện, HTX Hàm Hòa có diện tích trồng lúa 2 vụ gần 100ha. Ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc HTX thông tin: Vụ hè thu tới, HTX sẽ ký liên kết sản xuất với Tổng Công ty Sông Gianh với diện tích hơn 10ha.
Về phía doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ bà con gieo sạ và bón phân bằng thiết bị bay trên mô hình khoảng 3ha. Diện tích còn lại áp dụng công nghệ gieo sạ cụm bằng máy. “Chúng tôi cũng xây dựng lộ trình liên kết sản xuất cả hai vụ trong năm. Diện tích năm sau sẽ tăng dần lên dựa trên sự đồng tình, ủng hộ của bà con nông dân. Giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con bằng giải pháp áp dụng công nghệ sẽ được chúng tôi đưa lên hàng đầu”, ông Bằng nói thêm.
“Công ty sẽ dần đưa khoa học công nghệ về trên đồng ruộng để hỗ trợ bà con nông dân. Công ty cũng định hướng liên kết sản xuất lúa hướng hữu cơ với nông dân trên cả hai vụ lúa, đồng thời đưa máy gieo sạ, thiết bị bay vào gieo, phun rải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài những mô hình ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, trong vụ hè thu này, chúng tôi cũng liên kết với nông dân thị xã Ba Đồn làm mô hình khoảng 50ha áp dụng thiết bị bay trong giai đoạn gieo sạ, rải phân… Đó cũng là cơ sở để doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân sản xuất hữu cơ trên nền tảng công nghệ”, ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết.
Th429

Tập huấn cho giảng viên triển khai Đề án 1 triệu ha lúa
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
TP.HCM Để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, 8.000 – 10.000 cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng tại các địa phương sẽ được nâng cao năng lực để đào tạo nông dân.
Ngày 24/4 tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (số 45 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM) đã diễn ra lễ khai giảng lớp tập huấn cho giảng viên ToT triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha lúa).
Sau tập huấn, các học viên sẽ tỏa về các địa phương để truyền đạt lại kiến thức cho bà con nông dân. Ảnh: HT.
Dự khai mạc lớp tập huấn có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT 5 tỉnh có mô hình thí điểm thực hiện Đề án.
Để phục vụ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, ngành nông nghiệp sẽ nâng cao năng lực cho khoảng 8.000 – 10.000 cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng tại các địa phương để đào tạo cho nông dân. Đây là lớp tập huấn đầu tiên nhằm đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng 05 tỉnh vùng ĐBSCL có mô hình thí điểm về canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trong năm 2024.
Học viên tham gia lớp tập huấn là cán bộ Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn; cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh; cán bộ thủy nông phụ trách vùng; cán bộ doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
Đợt tập huấn diễn ra trong 3 ngày, từ 24 – 26/4, tập trung vào 7 nội dung chính gồm: Vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; hướng dẫn phương pháp đo đạc, kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (khung đo đạc MRV), tín chỉ và thị trường carbon; vai trò khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa; hợp tác xã tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải; tổ chức liên kết, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao giảm phát thải; các giải pháp, công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Th424

Hạn, mặn tấn công nhiều diện tích trồng chanh
Nguồn tin : báo Long An
Tình hình hạn, mặn đã và đang xảy ra gay gắt, hiện nay đã có nhiều diện tích cây ăn trái, nhất là cây chanh ở tỉnh Long An bị ảnh hưởng. Tại huyện Bến Lức, dù chưa có những thiệt hại đáng kể nhưng nguy cơ gây thiệt hại lớn cho cây chanh đang rất cao, nhất là thời gian gần đây, lượng nước ngọt tích trữ sẵn để phục vụ tưới cho vườn chanh của nhiều nông dân cũng đã cạn kiệt.
Các mương trữ nước trong vườn chanh của người dân đã khô cạn
Nước tích trữ đã cạn kiệt
Qua ghi nhận của phóng viên vào chiều ngày 21/4, ở “thủ phủ” trồng chanh xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, có gần 2.100ha. Vụ này hầu hết diện tích chanh đều đã thu hoạch trái. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều diện tích thiếu nước tưới.
“Sau khi thu hoạch, cây chanh cũng bị suy nhược nên đang rất cần được chăm sóc, dưỡng sức trở lại. Thế nhưng, với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước tưới như hiện nay thì nhiều nông dân đang khá lo lắng cây chanh bị chết” – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa – Nguyễn Hoài Vũ cho biết.
Nguồn nước tưới cho cây chanh ở xã lấy từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông vào. Sau những năm xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, người trồng chanh ở xã cũng có nhiều kinh nghiệm khi đào ao trong các vườn chanh để sẵn sàng trữ nước trước ngọt. Khi có dự báo ngoài sông Vàm Cỏ Đông sắp bị nhiễm mặn thì tiến hành đóng chặn nguồn nước từ ngoài sông chảy vào để ngăn nước mặn xâm nhập vườn cây trồng. Theo đó, nguồn nước tích trữ ở các kênh, rạch, ao sẽ được sử dụng tưới dần cho cây chanh.
Tuy nhiên, thời gian qua, trời nắng nóng gay gắt, cộng với việc bơm để tưới cho cây chanh nên nguồn nước các kênh, rạch, ao chứa nước này cũng đã cạn. Gia đình ông Trần Thanh Sơn (ấp 2, xã Thạnh Hòa) hiện có khoảng 1ha (500 gốc chanh) 3 đến 4 năm tuổi. Vụ này, ông Sơn đã thu hoạch cơ bản xong, với giá bán ở mức khá cao. Hiện tại còn khoảng 1 tấn trái chưa thu hoạch. Dù vậy, gia đình đang đứng trước nỗi lo vườn chanh bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn.
“Trước khi nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông qua địa bàn bị nhiễm mặn, tôi đã tích trữ được hơn 10 mương nước ở trong vườn (mỗi mương chứa được 60 – 70 khối nước). Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay đã cạn kiệt. Vì thiếu nước tưới nên một số cây chanh cũng bắt đầu có dấu hiệu bị xào lá”, ông Trần Thanh Sơn thông tin.
Huyện Bến Lức có diện tích cây chanh khoảng 7.000ha. Đây là cây trồng chủ lực của huyện thời gian qua, làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Ở địa phương đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do điều kiện bất lợi của thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao nắng nóng, hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây chanh.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức – Lê Văn Nam, đến hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn chủ yếu mới gây tác động, ảnh hưởng chứ chưa gây ra thiệt hại, nhưng nếu hạn hán kéo dài thì rất đáng lo ngại. Địa phương thường xuyên đi khảo sát, kiểm tra và theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
Khuyến cáo của ngành chuyên môn
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, thời gian tới, hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ cao, xâm nhập mặn còn diễn ra rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một số cây trồng như lúa, ổi, mít, đu đủ, chanh.
Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện nay, độ mặn trên các tuyến sông chính và kênh, rạch trên địa bàn huyện nếu tưới cho cây chanh sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và làm giảm năng suất cho nhiều vụ tiếp sau.
Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo không sử dụng hóa chất hoặc chất khích thích tăng trưởng tưới rễ, phun lên lá, không xử lý ra hoa trái vụ, không để nhiều trái và neo trái thời gian dài, không bón nhiều phân vô cơ; không nhổ cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ.
Nhiều diện tích chanh có khả năng giảm năng suất, chất lượng do hạn, mặn
Để bảo vệ cây chanh trong mùa hạn, mặn, người dân nên tưới tiết kiệm nước ngọt hoặc phun nước có pha phân bón lá dạng hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng vào chiều mát hoặc buổi tối. Người dân có thể dùng cỏ khô, rơm rạ, xơ dừa phủ xung quanh gốc cây chanh để làm giảm bốc thoát nước và mát rễ; cắt tỉa cành, giảm sự bốc thoát nước qua lá và giảm mất cân đối giữa tán lá và rễ; bón phân hữu cơ hoặc tưới phân hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng.
Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền cho biết, hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên trong mùa khô này đã có khoảng 5.000ha chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng. Trong đó, huyện Bến Lức có gần 1.500ha; huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha; huyện Thạnh Hóa có hơn 1.000ha; huyện Tân Trụ có hơn 600ha; TP.Tân An và huyện Đức Hòa có hơn 80ha;…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh – Võ Kim Thuần, để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, tỉnh tổ chức thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình với mục đích tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh.
Cụ thể, kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Cho hoạt động các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối: Cống Rạch Đào, Cây Gáo trên kênh Thủ Thừa; Cống Rạch Chanh, huyện Bến Lức;… để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiến hành rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách để triển khai thi công ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh hoặc huy động trong Nhân dân nhằm bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng. Các cấp, các ngành kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay, không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt.
Nguồn nước tưới cho cây chanh đang bị thiếu hụt trầm trọng
Đồng thời, các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng thiếu nước; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích trong sinh hoạt hàng ngày; tham gia hưởng ứng việc lấy nước sinh hoạt từ các điểm tập kết nước do chính quyền địa phương tổ chức cấp nước hỗ trợ.
“Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức kiểm tra, đo đạc chất lượng nước trên các tuyến sông trong tỉnh; thông báo kết quả 2 lần/tuần đến các cấp, các ngành có liên quan để thông tin đến người dân chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; kịp thời đăng tải các nội dung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên webtise Phòng, chống thiên tai của tỉnh (htps:www//pctt.longan.gov.vn)” – ông Võ Kim Thuần thông tin.
Đến đầu tháng 4/2024, ranh mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt qua lần lượt là 88km và 72km; trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt qua lần lượt là 110km và 86km.
Do tác động nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn nên hiện nay, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, từ ngày 10 – 20/4, ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập sâu 90 – 100km.
Trước tình hình hạn, mặn xảy ra phức tạp trong mùa khô 2024, ngày 17/4, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 4.
UBND tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí 157 tỉ đồng để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và phục vụ dân sinh./.
Lê Đức
Th422

Long An phát triển 125.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Long An đặt mục tiêu đến 2030 hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất.
Long An xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 125.000ha đến 2030. Ảnh: Sơn Trang.
UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, mục tiêu của Long An là hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể, về quy mô diện tích canh tác, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Long An đến năm 2025 đạt 60.000ha và đến năm 2030 đạt 125.000ha.
Đề án triển khai trên địa bàn tỉnh tại 8 huyện, thị xã gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Đề án triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024 – 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với diện tích 60.000ha. Triển khai các hoạt động tổ chức thực hiện công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống đo đạc – báo cáo – thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn; củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 – 2030.
Giai đoạn 2 (2026 – 2030), Long An xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 – 2025.
Long An là một trong những tỉnh sản xuất lúa hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa ở Long An đạt trên 516.000ha, sản lượng 3,067 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên sản lượng lúa của Long An vượt mốc 3 triệu tấn.
Th422

Đồng Tháp trang bị gần 1.580 trạm bơm phục vụ lúa hè thu
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện nay vụ lúa hè thu 2024 toàn tỉnh đã xuống giống hơn 130.000/186.500ha theo kế hoạch, các trà lúa đang trong giai đoạn mạ xanh và làm đòng
Vụ lúa hè thu 2024, Đồng Tháp đảm bảo 100% diện tích lúa trong tỉnh đủ nước tưới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan và nắng nóng, khô hạn như hiện nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bón vùi phân bón. Theo đó, tỷ lệ bón 50 – 100% DAP + 50% kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cũng đưa ra dự báo về sâu bệnh hại hàng tuần đến các địa phương sản xuất lúa hè thu để nắm rõ và có biện pháp phòng trừ hiệu quả, giảm chi phí cho người sản xuất.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Để đạt năng suất cao trong vụ lúa hè thu năm 2024, tỉnh Đồng Tháp thực hiện cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống lúa có chất lượng thấp sang các giống có chất lượng cao như Đài thơm 8, OM 18, OM 5451, Jasmine 85, VD 20, lúa Nhật, Nàng hoa 9… Đồng thời hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua HTX và tổ hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.
Để đảm bảo đủ nguồn nước cho hơn 180 nghìn ha lúa hè thu, ngành nông nghiệp Đồng Tháp chỉ đạo các địa phương nạo vét kênh mương và các hệ thống thủy lợi nội đồng để chủ động đủ nước tưới trong vụ lúa hè thu.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới, đáp ứng gần 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động.
Lê Hoàng Vũ
Th417

Nông dân mong giá sầu riêng duy trì ở mức cao
Nguồn tin : Báo Cần Thơ
Hiện sầu riêng của nông dân các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ như Ô Môn, Phong Ðiền, Thới Lai… đã bắt đầu bước vào thu hoạch trái. Gần đây, dù giá sầu riêng đã giảm mạnh so với tháng trước nhưng vẫn còn đang duy trì ở mức khá cao so với cùng kỳ. Với việc sầu riêng trúng mùa nên nông dân có sầu riêng thu hoạch trái sớm đã đạt mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nông dân có sầu riêng chưa tới lứa thu hoạch khá lo về giá cả đầu ra sản phẩm trong thời gian tới.
Giá giảm nhưng vẫn còn cao
Hồi cuối tháng 3-2024, giá sầu riêng Ri 6 được nông dân ở TP Cần Thơ bán cho thương lái với giá từ 115.000-130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày 11 và 12-4, giá sầu riêng Ri 6 được nông dân bán xô cho thương lái chỉ còn ở mức từ 65.000-85.000 đồng/kg, tùy loại. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, hiện giá sầu riêng vẫn đang cao hơn ít nhất từ 15.000-20.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, cùng với việc nhiều vườn sầu riêng có trái cho thu hoạch sớm khá trúng mùa, nông dân trồng sầu riêng có thể đạt mức lợi nhuận rất cao, với từ 60-100 triệu đồng/công trở lên.
Chị Võ Thị Chi, ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Cách nay hơn 2 tuần, tôi đã thu hoạch 75 cây sầu riêng trồng trên diện tích gần 3 công đất và đã thu được 10,2 tấn trái, với giá bán 90.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, tôi có lời tổng cộng khoảng 800 triệu đồng. Hiện đứa em ruột của tôi đang thu hoạch 10 công sầu riêng, với năng suất đạt bình quân 2 tấn/công. Ðợt này, giá bán sầu riêng giảm còn ở mức 75.000 đồng/kg nên lợi nhuận không bằng đợt tôi bán nhưng vẫn ở mức khá cao so với các năm trước nhờ được giá hơn”. Anh Trương Văn Tuấn ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Với chỉ 1,5 công đất trồng sầu riêng mới cho trái chiếng trong năm nay, tôi vừa thu hoạch được 2 tấn trái sầu riêng và bán xô 65.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, tôi có lời khoảng 100 triệu đồng và rất phấn khởi”.
Ông Nguyễn Văn Ninh ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, vừa thu hoạch 10 công sầu riêng Mỏn Thon cho trái sớm, với năng suất đạt 1,5 tấn/công. Ông bán xô tại vườn cho thương lái với giá 105.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm hơn 80.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 3 tuần nhưng vẫn còn khá cao nên ông có thể kiếm lời hơn 100 triệu đồng/công.
Sầu riêng đang là loại cây ăn trái có diện tích trồng lớn. Thành phố hiện có 4.816ha trồng sầu riêng. Cây sầu riêng được trồng tại nhiều quận, huyện của thành phố (như Phong Ðiền, Thới Lai, Cờ Ðỏ, Ô Môn, Thốt Nốt…), với chủ yếu là sầu riêng hạt lép Ri 6 và sầu riêng Mỏn Thon. Huyện Phong Ðiền hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tại thành phố, với 3.284ha. Sầu riêng trồng trên địa bàn TP Cần Thơ được nhiều người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, bởi trái có màu sắc sáng đẹp bắt mắt, ăn ngon ngọt và ít bị sượng, nhất là đối với loại sầu riêng hạt lép Ri 6. Sầu riêng ở Cần Thơ được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để đem tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu.
Mong giá sầu riêng không giảm thấp
Hiện nay, nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn trong giai đoạn nuôi trái nhỏ hoặc có trái lớn nhưng chưa bước vào giai đoạn đủ độ già và chín để thu hoạch. Dự kiến trong những tuần tới đây, nhiều vườn sầu riêng mới bước vào vụ thu hoạch rộ.
Anh Nguyễn Văn Trí ở ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình tôi trồng được 25 công sầu riêng, trong đó có khoảng 13 công trồng sầu riêng Ri 6, còn lại trồng Mỏn Thon. Vừa qua, tôi đã thu hoạch 10 công sầu riêng Ri 6 cho trái sớm và bán được giá tới 110.000 đồng/kg. Hiện tại, tôi vẫn còn 15 công sầu riêng trái còn nhỏ, chưa tới lứa thu hoạch, tôi rất mong giá sầu riêng tới đây không bị giảm mạnh. Trong những năm trước, khi sầu riêng vào vụ thu hoạch rộ, giá Ri 6 có thời điểm chỉ còn ở mức trên dưới 45.000 đồng/kg”. Ông Nguyễn Văn Thọ ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 6 công sầu riêng Ri 6 đang cho trái và dự kiến vài tuần nữa mới tới lứa thu hoạch. Trước tình hình giá sầu riêng bị giảm, tôi cũng có phần lo cho đầu ra sản phẩm trong thời gian tới, nhất là khi hiện giá bán trái sầu riêng còn phụ thuộc nhiều vào đầu ra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tôi mong tới đây đầu ra xuất khẩu tiếp tục thuận lợi và giá sầu riêng được duy trì ở mức cao để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng sầu riêng. Tôi cũng rất mong có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến để liên kết, ký các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với nông dân. Qua đó, giúp đôi bên cùng có lợi khi giảm được các khâu trung gian, nông dân bán sầu riêng được mức giá tốt, doanh nghiệp có nguồn hàng đảm bảo chất lượng và có vùng nguyên liệu ổn định”. Cũng theo ông Thọ, thời gian qua khi sầu riêng mới có trái còn nhỏ và còn non, đã có nhiều thương lái tìm đến tận vườn ngỏ ý đặt cọc mua sầu riêng lúc thu hoạch với giá “chết” lên đến 80.000-100.000 đồng/kg nhưng không ký hợp đồng rõ ràng và số tiền đặt cọc cũng ít. Ðể tránh rủi ro, ông quyết không chịu bán vì sợ khi đến thu hoạch, giá giảm, thương lái có thể bỏ tiền cọc mà không đến thu mua đúng thời điểm. Khi ấy, nông dân bị động trong tìm các doanh nghiệp và mối lái khác để tiêu thụ sản phẩm.
Những năm gần đây, đầu ra trái sầu riêng có nhiều thuận lợi nhờ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mở rộng. Từ tháng 9-2022, nước ta đã xuất khẩu chính ngạch lô hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư, từ đó mở ra những đơn hàng lớn liên tục được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, nông dân trồng sầu riêng ở nước ta cũng bán được sản phẩm với mức giá cao hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Song, giá sầu riêng thời gian qua liên tục biến động với biên độ khá lớn, chứ không ổn định. Do vậy, ngành chức năng cần có các giải pháp cân đối cung – cầu, điều tiết và tổ chức sản xuất sầu riêng cho trái rải vụ một cách phù hợp để ổn định giá bán giữa các tháng trong năm. Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã và nông dân để tạo mối liên kết bền vững. Kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng và hành vi có thể ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng…
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Th410

Mô hình trồng xoài tăng 30% năng suất, giảm chi phí 30 triệu đồng/ha
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
ĐỒNG THÁP Qua 2 vụ xoài được triển khai, dự án đã giúp nhà vườn trồng xoài tăng năng suất từ 30 – 50%, chi phí đầu vào giảm 30 – 40 triệu đồng/ha.
Nhằm tăng chất lượng cho trái cây Việt Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã triển khai dự án hỗ trợ cho người trồng xoài tại Đồng Tháp tăng thu nhập, giảm chi phí đầu vào. Dự án do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tài trợ 100% kinh phí, được thực hiện từ tháng 12/2021 đến nay.
Mô hình sản xuất xoài của dự án giúp nông dân tăng năng suất từ 30 – 50%, chi phí đầu vào giảm 30 – 40 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tại ấp Hòa Long, xã Hòa An (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), vườn xoài của hộ ông Đặng Phước Hơn được chọn triển khai mô hình của dự án. Đây là mô hình trình diễn sản xuất xoài đảm bảo chất lượng xuất khẩu, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng. Cùng tham gia dự án có 25 hộ dân chuyên sản xuất xoài trên địa bàn xã Hòa An.
Qua 2 vụ xoài được triển khai, dự án đã giúp nhà vườn trồng xoài tăng năng suất từ 30 – 50%, chi phí đầu vào giảm 30 – 40 triệu đồng/ha. Sản phẩm làm ra có độ đồng đều cao, bảo quản được lâu hơn và đặc biệt xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, góp phần nâng cao thu nhập (đạt từ 120 – 150 triệu đồng/ha). Tổng diện tích thực hiện dự án vụ đầu là 0,5ha, vụ sau tăng lên 1ha.
Ông Trần Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, bên cạnh hiệu quả về kinh tế từ cây xoài mang lại, dự án còn góp phần tạo hiệu quả về mặt xã hội và môi trường. Những nông dân tham gia dự án được hỗ trợ thu thập dữ liệu sản xuất, phân tích và tư vấn, tập huấn kỹ thuật, tối ưu hóa khâu bón phân. Từ đó, đã từng bước giúp nông dân trồng xoài nâng cao năng lực sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 15.000ha xoài (chiếm gần 34% diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh). Nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm. Hiện xoài của Đồng Tháp được xuất khẩu trực tiếp đi nhiều quốc gia như EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Th504