Tin tức

Nhà nông tiên phong chuyển đổi canh tác theo xu thế mới
Nguồn tin: báo Cần Thơ
Cùng với tinh thần năng động và kinh nghiệm hơn 25 năm gắn bó với nghề nông, anh Huỳnh Văn Chiến ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đã tiên phong chuyển đổi canh tác cây trồng theo xu thế thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh Chiến còn phát huy vai trò thủ lĩnh của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thân Thiện, tổ chức tốt dịch vụ đầu vào và đầu ra hỗ trợ thành viên, dẫn dắt hàng trăm nhà nông vào HTX canh tác các loại cây trồng theo nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế và nguồn thu nhập cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Anh Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thân Thiện chăm sóc vườn na Thái…
Tiên phong chuyển đổi canh tác
Anh Huỳnh Văn Chiến là một trong những gương nông dân điển hình ở quận Thốt Nốt, luôn đi đầu trong xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Cùng với kinh nghiệm hơn 25 năm gắn bó với nghề nông, anh Chiến không ngừng sáng tạo và tìm tòi những mô hình canh tác nông nghiệp mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với những nỗ lực đó, đến nay anh Chiến đã gầy dựng được một ngôi nhà khang trang, với gần 2ha đất chuyên canh nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cùng với 1 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình 1-2 tỉ đồng/năm.
Chia sẻ hành trình chuyển đổi canh tác nông nghiệp theo xu thế mới, anh Chiến nói: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều bà con làm nông ở đây chủ yếu trồng lúa hàng hóa, nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao. Theo đó, ban đầu anh chuyển đổi canh tác, bằng cách luân canh lúa – mè trong nhiều năm liền, nhưng do biến động thị trường, đầu ra cây mè gặp khó, thu nhập mang lại không cao. Ðể thoát khỏi cảnh khó, anh Chiến quyết tâm tìm các loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế, mà thị trường đang cần và năm 2017 bắt đầu trồng thử cây đậu nành rau và bắp Mỹ trên 2ha đất hiện có của gia đình. Và bước đầu đã cho kết quả thành công, bởi bắp Mỹ và đậu nành rau có hương vị ngon, lại có giá trị về dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nên được nhiều thương lái, doanh nghiệp thu mua với giá khá cao. Tuy nhiên, sau 1 vài năm canh tác, chi phí đầu tư sản xuất cho các loại rau màu này càng tăng cao, nên lợi nhuận giảm nhiều so với trước. Từ đó, đã thôi thúc anh Chiến tìm hướng đi mới trong canh tác nông nghiệp và anh nhận thấy cây na Thái đang là cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, nên năm 2021 anh Chiến bắt đầu trồng cây na Thái, với diện tích ban đầu là 1ha. Qua 2 năm trồng, cây na Thái đã cho trái thu hoạch vụ đầu tiên, với năng suất đạt 8 tấn/ha, bán với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, tùy thời điểm và với 1ha đất trồng na Thái, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ, mang lại thu nhập từ 600-800 triệu đồng/năm.
Anh Chiến còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho nông dân theo hình thức trả chậm. Theo đó, sau mỗi vụ thu hoạch rau màu hay cây ăn trái, bà con mới mang tiền đến thanh toán cho cửa hàng. Không chỉ hỗ trợ lãi suất mua vật tư cho nông dân, nhất là bà còn có hoàn cảnh khó khăn, anh Chiến còn nhiệt tình hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… để tiết giảm được chi phí sản xuất, nhưng cây trồng vẫn đạt hiệu quả cao về năng suất và chất lượng. Với sự thân thiện của anh Chiến và có thể nói tiếng lành đã đồn xa, nên cửa hàng vật tư của anh ngày càng thu hút được nhà nông tìm đến mua vật tư cũng như học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm làm nông và doanh thu của cửa hàng ngày càng tăng so với trước.
Thủ lĩnh HTX nhiệt huyết
Với tinh thần nhiệt huyết chuyển đổi canh tác nông nghiệp đạt hiệu quả cao và tấm lòng thân thiện, tương trợ nhà nông làm nông theo xu hướng hiện đại, năm 2017, anh Chiến được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng vì đã có những đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Ðể tương trợ, giúp nông dân nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống, năm 2017, anh Chiến và những người cùng chí hướng đã thành lập HTX Nông nghiệp Thân Thiện, có 17 thành viên, với tổng diện tích canh tác gần 19ha. Theo đó, HTX đã gầy dựng cơ sở hoạt động, mở rộng mặt bằng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở quốc lộ 91, phường Tân Hưng để tổ chức dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên, với giá rẻ hơn so với thị trường từ 3-5%; triển khai cung cấp giống cây trồng và phân bổ diện tích gieo trồng cho thành viên theo thời vụ, dựa trên khối lượng và chủng loại nông sản mà HTX đã ký hợp đồng với đối tác… Với vai trò Giám đốc HTX, anh Chiến đã tiên phong khơi nguồn, hỗ trợ hàng trăm nhà nông chuyển đổi canh tác, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, theo xu thế thị trường và đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhà nông.
Anh Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thân Thiện (bìa phải) cùng với nhà nông trong HTX trao đổi kinh nghiệm trồng đậu nành rau…
Qua 8 năm đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp Thân Thiện đã không ngừng phát triển số lượng thành viên và diện tích canh tác. Hiện HTX có 39 thành viên, với diện tích canh tác 59ha và có 100 hộ liên kết, với tổng diện tích hơn 500ha, chuyên trồng các loại rau màu, trong đó bắp Mỹ, đậu nành rau và cây na Thái đang là những cây trồng chủ lực. Ðến nay, HTX có năng lực cung ứng hơn 400 tấn phân, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và các hộ liên kết; cung cấp trên 40 tấn nông sản các loại/ngày, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và doanh thu của HTX đạt trên 6 tỉ đồng/năm.
Theo anh Chiến, để HTX phát triển ổn định và bền vững, tạo dựng uy tín thương hiệu với khách hàng, đối tác được như ngày nay là cả quá trình gian nan trong hành trình gầy dựng niềm tin hợp tác, gắn kết giữa thành viên với tập thể HTX. Ðặc biệt, để tạo niềm tin cho nhà nông và thành viên vào ngôi nhà chung, HTX rất chú trọng đến chất lượng phân thuốc do mình cung ứng; đồng thời tích cực đồng hành với nhà nông về mọi mặt, như hướng dẫn bà con cách làm đất, sử dụng phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo cho cây trồng đạt năng suất và chất lượng theo yêu cầu thị trường.
HTX thường xuyên tạo điều kiện để thành viên và nông hộ vào HTX tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác cây trồng. Anh Trần Quốc Tuấn, nông dân HTX nông nghiệp Thân Thiện, cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ đồng hành của HTX, nhất là sự nhiệt huyết của anh Chiến, tận tình hướng dẫn tôi chuyển hướng canh tác, tận dụng 1,7ha diện tích vườn sẵn có, trồng cây na Thái đạt chất lượng cao, theo nhu cầu thị trường. Ðể có được khu vườn na Thái đạt chất lượng tốt nhất, tôi được anh Chiến truyền đạt nhiều kinh nghiệm hay trong cách sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng đến các quy trình tỉa cành, tỉa trái, xử lý các loại nấm bệnh, dịch bệnh trên trái, để trái na Thái đến độ thu hoạch đạt chất lượng to, đều, đẹp và sáng bóng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, bán được giá cao.” Và với diện tích 1,7ha hiện có của anh Tuấn, năng suất thu hoạch đạt hơn 30 tấn/2 vụ/năm, bán với giá từ 40.000 đồng/kg, gia đình sẽ có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm.
Không chỉ hỗ trợ nhà nông chuyển đổi canh tác cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, HTX Nông nghiệp Thân Thiện còn đảm bảo cung ứng nông sản đạt các yêu cầu về số lẫn chất lượng cho các đối tác và khách hàng. Nhờ đó, HTX đã tạo được uy tín thương hiệu, giữ mối làm ăn lâu bền và ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Với những ưu thế này, nên dù thị trường gặp nhiều biến động về giá cả, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhưng HTX vẫn đảm bảo đầu ra nông sản và ổn định đời sống của thành viên HTX cũng như nông dân làm ăn với HTX. Không chỉ hỗ trợ thành viên và nông dân ăn nên làm ra, HTX còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, quyên góp hơn 30 tấn lương thực, rau củ, nhu yếu phẩm cung cấp cho “chuyến xe 0 đồng” trong đợt dịch COVID-19; đóng góp kinh phí xây dựng cầu, đường nông thôn… tại địa phương.
Với những thành tích góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, HTX Nông nghiệp Thân Thiện là trong những mô hình kinh tế tập thể điển hình của thành phố; được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2023; được nhận bằng khen của UBND TP Cần Thơ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021 và 2022…
Bài, ảnh: MỸ HOA
Th408

Rau sản xuất theo hướng thuận thiên luôn ‘cháy hàng’
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
Các loại rau canh tác theo hướng thuận thiên này bán giá gấp 4 – 5 lần sản phẩm cùng loại ngoài chợ nhưng sản xuất vẫn luôn không đáp ứng kịp nhu cầu.
Các loại rau sản xuất thuận thiên của HTX đều cho phép ăn tươi ngay tại ruộng.
Bà Vũ Thị Hoa, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hưng Yên cho biết, HTX Nông nghiệp Rau củ sạch và Dịch vụ Mạnh Cường ở xã Liên Phương (TP Hưng Yên) đang trồng rau theo hướng thuận thiên, sản phẩm luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Lần theo các lối mòn ngoằn ngoèo trên cánh đồng thôn Đông Triều (xã Liên Phương), chúng tôi được tận mắt thấy, tai nghe tiếng chim hót líu lo, ếch và dế kêu ing ương, ộp oạp, cùng nhiều loại rau xanh, cỏ cây, hoa lá đang chen đua phát triển trong khu ruộng chừng hơn 1ha, tạo nên một quần thể sinh vật sống động, cân bằng. Đây chính là mô hình trồng rau thuận thiên của HTX, được rất nhiều chuyên gia nông học trong nước và quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đến thăm và trầm trồ khen ngợi.
Anh Phạm Mạnh Cường, Giám đốc HTX kể, anh có 5 năm làm nghề sơn tường nhà cho các bệnh viện, được chứng kiến rất nhiều người bị mắc bệnh ung thư, không thể chữa trị. Quá lo lắng cho sức khoẻ gia đình và người thân ngày nào cũng ăn đủ loại thực phẩm không biết chất lượng có đảm bảo hay không, anh Cường đã quyết định bỏ nghề, chuyển sang thuê ruộng và thành lập HTX trồng rau sạch theo hướng thuận thiên, trước nhằm đảm bảo nguồn rau xanh sạch cho gia đình, sau mới xuất bán ra thị trường.
Để sản xuất rau theo hướng thuận thiên, HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định “5 không” (không phun thuốc diệt cỏ, không bón phân hóa học, không dùng hoá chất bảo vệ thực vật, không gieo trồng giống biến đổi gen và không chất kích thích tăng trưởng). Trước đó, anh Cường còn tự bỏ tiền lấy mẫu đất và nước gửi đến các cơ quan chuyên môn phân tích, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ anh mới xuống giống gieo trồng.
Các sản phẩm rau sạch (cà chua, cà rốt, xà lách, cần tây, ớt ngọt, củ dền tím và vàng) sản xuất tại HTX.
Giải pháp phòng ngừa sâu bệnh hại cho rau sạch của anh Cường gồm lựa chọn hạt giống khoẻ, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao; gieo trồng đúng mùa vụ thích hợp nhất với từng loại giống như mùa hè trồng các loại rau có khả năng chịu nhiệt, mùa đông trồng các giống rau ưa lạnh; không phun thuốc diệt cỏ và hoá chất bảo vệ thực vật để khuyến khích chim và cú mèo đến ăn sâu, bắt chuột; xen canh rau xanh với một số cây trồng có khả năng xua đuổi côn trùng như sả, húng, cần tây, cúc vạn thọ kết hợp gieo thìa là để thu hút bọ ngựa, bọ rùa, bọ cánh cứng, bọ cướp biển, rệp bay, thiêu thân xanh đến tìm diệt sâu bướm, rệp sáp, rệp vừng, bọ trĩ, bọ mạt, bọ chét, bọ nhảy, nhện và bướm đêm. Chỉ đến khi mật độ sâu bệnh hại rau quá ngưỡng kinh tế (5%) anh Cường mới dùng dịch chiết từ nước ngâm tỏi, ớt pha loãng phun trừ.
Về giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng, bên cạnh mua phân hữu cơ vi sinh từ cơ sở cung ứng có uy tín, anh Cường còn tự chế biến các loại phân này bằng cách thu gom mọi tàn dư thực vật sau thu hoạch rau, cắt nhỏ đem ủ với chế phẩm vi sinh bản địa (IMO4), sau 7 – 10 ngày lọc lấy nước cốt pha loãng tưới rau, cặn bã còn lại dùng bón lót và bón gốc. Đồng thời duy trì độ ẩm luống rau thích hợp, không bón phân hoá học để giun, dế, ếch, nhái và các vi sinh vật hữu ích trong đất sinh sôi nảy nở giúp làm tơi xốp đất trồng và chuyển hoá các dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu cho cây trồng.
Để tiêu thụ sản phẩm làm ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất cao, anh Cường liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm an toàn Phú Xuyên (Hà Nội) và bán lẻ trên các mạng xã hội. Trong đó ưu tiên chọn trồng các giống rau “độc, lạ”, có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khoẻ và có nguồn gốc nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Israel như cải cầu vồng, củ dền vàng, cà rốt tím, cải bắp mini, bắp ngọt, rau bông tuyết… Các loại rau này ngoài chế biến ăn chín còn cho phép ép lấy nước uống hoặc ăn sống.
“Sản xuất rau sạch theo hướng thuận thiên cho năng suất không cao, bình quân mỗi tháng chỉ sản xuất được hơn 1 tấn rau các loại nhưng giá bán lúc nào cũng cao gấp 4 – 5 lần rau cùng loại ngoài chợ. Ví dụ, cà chua tươi của HTX bán 150.000 đồng/kg, ngoài chợ 30.000 đồng/kg. Nhờ đó lợi nhuận sản xuất luôn đạt 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3 lao động ngoài HTX”, anh Cường tiết lộ.
Cũng theo anh Cường, để không làm lỡ các đơn hàng như hiện nay, sang năm 2024, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng thuận thiên lên 3ha và làm hồ sơ đề nghị đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất rau đạt chuẩn hữu cơ…
Rau cải cầu vồng của HTX gieo trồng bằng nguồn giống nhập khẩu từ Mỹ.
Bà Trịnh Kim Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hưng Yên đánh giá, anh Phạm Mạnh Cường rất tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ. HTX dưới sự điều hành của anh Cường đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau theo hướng thuận thiên. Do quy mô canh tác nhỏ (1ha) không đủ điều kiện thẩm định cấp chứng nhận hữu cơ nên để khích lệ HTX, Chi cục đã đánh giá mô hình theo quy định và cấp chứng nhận VietGAP cho các loại rau sản xuất trong mô hình.
“Diện tích gieo trồng các loại rau ăn lá và ăn quả của tỉnh Hưng Yên đạt gần 14.200ha. Phần lớn diện tích này đều được sản xuất theo hướng VietGAP, chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Ngành nông nghiệp Hưng Yên cũng xây dựng và thực hiện Đề án “Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030″. Bước đầu đã hình thành được mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ gồm 12ha lúa và rau quả tại các huyện Văn Lâm, Phù Cừ và TP Hưng Yên”, bà Trịnh Kim Uyên cho biết.
Nguyễn Hải Tiến
Th408

Giá khoai lang chỉ còn 3.500 đồng/kg, Gia Lai kêu gọi hỗ trợ
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
Khoai lang rớt giá thê thảm cộng với sâu bệnh hoành hành khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Khoai lang đang bước vào vụ thu hoạch rộ ở Phú Thiện. Ảnh: Tuấn Anh.
Ngày 4/4, UBND huyện Phú Thiện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn vụ đông xuân 2023 – 2024.
Huyện Phú Thiện được xem là thủ phủ khoai lang của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Riêng trong năm nay, tổng diện tích khoai lang trên địa bàn huyện Phú Thiện đạt hơn 3.400ha, hầu hết người dân sử dụng giống khoai lang Nhật, tập trung chủ yếu ở các xã như Chư A Thai, Ia Sol, Ia Piar.
Vụ đông xuân năm nay, khoai lang có năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 68.800 tấn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích khoai lang trên địa bàn huyện Phú Thiện đã thu hoạch hơn 2.000ha (khoảng 60%), diện tích còn lại dự kiến đến 30/4 sẽ thu hoạch xong.
Cách đây khoảng hơn 2 tháng, giá khoai lang khoảng 10.000 đồng/kg. Còn hiện tại, giá khoai lang đang rớt thê thảm, chỉ còn 3.500 đồng/kg.
Theo đánh giá của UBND huyện Phú Thiện, hiện nay giá khoai lang giảm, thương lái thu mua cầm chừng và có chiều hướng giảm số lượng. Chính vì vậy, người dân trồng khoai lang đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra, trong khi diện tích còn lại đang đến kỳ thu hoạch rất lớn (khoảng hơn 1.600ha).
Mặt khác, năm nay thời tiết không thuận lợi dẫn đến sản lượng khoai lang thấp, tỷ lệ bị sùng, hà nhiều nên đã ảnh hưởng đến giá thu mua. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa có các doanh nghiệp chế biến đầu tư trên địa bàn huyện Phú Thiện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Do giá khoai lang thấp, dẫn đến người dân thua lỗ nặng.
Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết, trước việc khoai lang rớt giá thê thảm, HTX cũng đã báo cáo về huyện để nắm bắt tình hình tiêu thụ cũng như kiến nghị có giải pháp hỗ trợ người dân. “Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, mùa vụ năm nay người dân trồng khoai lang quá nhiều, diện tích tăng đột biến khiến giá giảm sâu, tiêu thụ cũng gặp khó khăn”, ông Năm nhìn nhận.
Giá khoai lang hiện đang giảm sâu xuống chỉ còn 3.500 đồng/kg. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Năm cho biết, ngay khi huyện báo cáo tình hình tiêu thụ khoai lang gặp khó khăn, đã có một số doanh nghiệp đến đặt vấn đề tiêu thụ cho người dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu thu mua khoai lang trồng trên đất đỏ bazan để thực hiện chế biến sâu. Trong khi lượng khoai lang sản xuất trên địa bàn quá lớn, lên đến vài chục ngàn tấn nên việc các doanh nghiệp đến thu mua để chế biến chỉ được vài chục tấn vẫn chưa giải quyết được đáng kể vấn đề tiêu thụ cho người dân.
“Để giảm thiệt hại cho người dân, vấn đề cần làm nhất lúc này là kéo dài thời gian thu hoạch khoai lang với hi vọng giá sẽ tăng trở lại. Muốn vậy, người dân cần tưới nước thường xuyên để tránh khoai lang bị sùng, hà làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Chứ hiện tại, người dân đang thu hoạch đồng loạt thì không thể tránh khỏi giá sẽ xuống thấp”, ông Năm chia sẻ.
Theo ghi nhận, năm nay diện tích sản xuất khoai lang tăng không chỉ trên địa bàn huyện Phú Thiện mà cả trong tỉnh cũng như các vùng, miền. Thời vụ xuống giống khoai lang ở các địa phương cũng trùng nhau nên sản lượng thu hoạch tăng đột biến, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Thiện chưa có các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu khoai lang, chủ yếu các thương lái thu mua là chính.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai, huyện Phú Thiện đã đề nghị tỉnh quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ khoai lang cho bà con. Về lâu dài, cần kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn tỉnh Gia Lai gắn với việc đưa các giống chất lượng, sạch bệnh, cho năng suất cao để người dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, ngay khi huyện có báo cáo gửi lên UBND tỉnh, đã có khoảng 3 – 4 doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua cho người dân. Số lượng thu mua bao nhiêu thì phải đợi trong vài ngày tới mới biết được.
“Trước khi mùa vụ khoai lang bắt đầu, chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng. Tuy nhiên, do 2 năm vừa qua người dân trồng khoai lang thắng lớn nên đã tập trung mở rộng diện tích ồ ạt. Việc cung vượt quá cầu dẫn đến giá khoai lang xuống thấp là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, giải pháp cấp bách nhất bây giờ là tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đến thu mua khoai lang càng sớm càng tốt nhằm giảm thiệt hại cho người dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện chia sẻ.
Th401

Có 145 mẫu cà phê tham gia Cuộc thi ‘Cà phê đặc sản Việt Nam 2024’
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, tính đến ngày 25/3 (thời hạn kết thúc đăng ký dự thi), đã có 145 mẫu cà phê của 82 đơn vị đăng ký tham gia Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2024”, tăng 73% mẫu so với năm 2023.
Trong đó, có 95 mẫu Robusta, 50 mẫu Arabica; tổng sản lượng 252,2 tấn, tăng 38% so với năm 2023 (trong đó Robusta tăng 50%, Arabica tăng 14%). Hiện tại, Ban tổ chức cuộc thi đang tiến hành lấy mẫu và niêm phong lô hàng (đến hết ngày 3/4), sau đó sẽ đánh giá lỗi vật lý.
Theo kế hoạch, thời gian dự kiến tổ chức đánh giá chất lượng thử nếm vòng sơ kết sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 21 đến 24/4/2024) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do lượng mẫu đăng ký tham gia dự thi vượt quá nhiều so kế hoạch, Ban tổ chức quyết định điều chỉnh tăng thêm thời gian tổ chức đánh giá vòng sơ kết lên 5 ngày (từ ngày 20 đến 24/4/2024).
Các học viên tham gia khóa đào tạo chế biến cà phê chất lượng cao do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức.
Được biết, Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2024” có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật nhất là sẽ tổ chức tuyển chọn các chuyên gia thử nếm (Q. Graders) làm giám khảo thay vì mời họ như trước đây.
Cùng với đó, khối lượng tối thiểu lô cà phê nhân của một mẫu dự thi giảm xuống còn 360 kg (trước đây là 600 kg) nhằm tạo điều kiện cho nhiều người mới tiếp cận với cà phê đặc sản có cơ hội tham gia cuộc thi; quy trình mã hóa nhập điểm của các vòng thi sẽ thực hiện thông qua phần mềm thay vì làm thủ công để bảo đảm tính khoa học, nâng cao tính khách quan, giảm bớt những sai sót…
Đây là lần thứ 6, Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” được tổ chức nhằm phát hiện và tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân Robusta và Arabica đạt tiêu chuẩn đặc sản.
Qua các lần tổ chức, cuộc thi đã giới thiệu và kết nối nhiều lô hàng cà phê đặc sản của Việt Nam đến với người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước. Từ đó, từng bước khẳng định vị thế cà phê đặc sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo động lực cho người trồng cà phê không ngừng nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Minh Thuận
Th401

Phục hồi sầu riêng sau thu hoạch
Nguồn tin: báo daklak
Thời điểm này, các nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng để bảo đảm năng suất và chất lượng cao hơn trong mùa vụ mới.
Gia đình ông Bùi Hữu Sơn (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) có hơn 1 ha sầu riêng trồng xen cà phê đang bước sang năm thứ năm.
Sau mỗi vụ thu hoạch, ông rất chú trọng đến việc chăm sóc cho cây sầu riêng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây được phục hồi, bởi sau một thời gian nuôi trái, cây sẽ bị suy yếu, dễ bị các loại sâu bệnh hại tấn công. Việc chăm sóc tốt sau thu hoạch sẽ kích thích sầu riêng ra đọt, nuôi hoa, tạo trái trong vụ mới.
Giai đoạn này, ông thường xuyên thăm vườn, tập trung chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ tỉa cành, cải tạo đất, tưới nước đến bón phân, xịt thuốc cho cây.
“Ngày nào tôi cũng đi thăm vườn, vì đây là thời điểm quan trọng. Tôi phải dùng các phương pháp kích thích cây sầu riêng nhanh ra cơi lá mới trong giai đoạn nuôi hoa, làm trái để hạn chế tình trạng cây “dồn sức” nuôi đọt non, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của trái.
Công đoạn này không chỉ giúp đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ, tập trung dinh dưỡng vào việc cây làm hoa và nuôi trái mà còn duy trì sức đề kháng của cây trước các yếu tố gây hại. Nếu để cây sầu riêng tập trung vào việc phát triển đọt trong giai đoạn làm hoa hoặc nuôi trái non, cây sẽ không ra mầm hoa được hoặc sẽ bị rụng hoa và trái hàng loạt trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để cây đậu quả, có sản lượng cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật chăm sóc và thời tiết thuận lợi”, ông Sơn chia sẻ.
Anh Tôn Văn Tùng (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) cho biết, muốn cây sầu riêng đạt năng suất cao và ổn định, trái to, đẹp đều, người trồng cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, từ khâu chọn giống, xử lý đất, các loại nấm bệnh và sâu bệnh, mật độ trồng cho đến các kỹ thuật canh tác như tỉa cành tạo tán, tỉa thưa hoa, trái. “Hầu hết cây trong vườn nhà tôi đã bắt đầu ra hoa. Năm nay, vườn sầu riêng ra hoa sum suê, lượng hoa dày đặc. Để giúp cây đậu trái, đạt chất lượng cao, tôi đã tiến hành cắt tỉa bớt số lượng hoa, quả trên cây, đặc biệt là số hoa, quả ra trái mùa, những cuống hoa nhỏ, hoa mọc quá khít nhau, hoa ở đầu cành”, anh Tùng cho hay.
Bắt đầu trồng sầu riêng xen với cà phê từ năm 2018, đến nay gia đình ông Nguyễn Như Văn (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên 9 sào; thu được hơn 10 tấn sầu riêng trong vụ vừa qua.
Theo ông Văn, trái sầu riêng phải to đều, đẹp, múi phải vàng ươm thì mới bán được giá cao, vì vậy, nông dân cần phải thường xuyên cập nhật các biện pháp chăm sóc sầu riêng khoa học thông qua tìm hiểu trên sách báo, mạng Internet, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và những nông dân giỏi đi trước.
“Để có một vườn cây sầu riêng luôn đạt năng suất trái ổn định, chất lượng trái đồng đều, bắt mắt, trong quá trình chăm sóc nên sử dụng kết hợp các loại phân hữu cơ và phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp. Đặc biệt, đừng quá vì ham lợi nhuận mà ép cho cây ra trái quá sức. Bởi hiện nay, nhiều nông dân thấy sầu riêng được giá nên kích thích cho cây ra nhiều trái. Như vậy, cây sầu riêng sẽ nhanh xuống sức dẫn đến không đạt sản lượng, cây sẽ yếu dần và chết”, ông Văn nói.
Ngọc Thùy
Th327

1.400ha lúa đông xuân muộn ngoài kế hoạch bị nhiễm mặn
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
Đến nay, Sóc Trăng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên diện tích lúa đông xuân muộn nằm ngoài kế hoạch của địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình hạn mặn tại huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề. Đây là những địa phương nằm trong vùng lõi đang chịu ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các ngành chuyên môn kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn mùa khô 2023 – 2024. Ảnh: Kim Anh.
Thống kê của ngành chuyên môn, đến thời điểm này nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương vẫn đảm bảo. Bà con đang tranh thủ nồng độ mặn giảm để lấy nước tích trữ vào đồng ruộng, mương vườn.
Nằm ven sông Hậu, huyện Kế Sách có điều kiện tự nhiên phù hợp sản xuất 3 vụ lúa/năm và trồng cây ăn trái. Bắt đầu từ cuối tháng 12/2023, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào địa bàn. Đến nay, địa phương đã ghi nhận 4 đợt xâm nhập mặn với độ mặn cao nhất tại vàm Nhơn Mỹ là 6,7‰.
Nhờ đẩy nhanh tiến độ, xuống giống sớm vụ đông xuân muộn theo lịch khuyến cáo. Bên cạnh đó, địa phương tổ chức các nhóm đo mặn, hỗ trợ thiết bị đo mặn cho tất cả các xã, thị trấn. Lập nhóm zalo theo dõi diễn biến mặn, hướng dẫn các biện pháp canh tác trong điều kiện hạn mặn trên lúa và cây ăn trái.
Từ đó, theo nhận định của Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, trên địa bàn chưa có biểu hiện thiệt hại do hạn, mặn. Tuy nhiên khu vực ấp Cây Sộp, Bồ Đề thuộc vùng cuối nguồn, nước mặn không thoát ra được có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng khoảng 30ha lúa.
Khoảng 1.400ha lúa đông xuân muộn nằm ngoài kế hoạch trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu tiếp tục thiếu nước ngọt trong thời gian tới. Ảnh: Kim Anh.
Riêng đối với trà lúa đông xuân muộn, diện tích xuống giống nằm ngoài kế hoạch trong toàn tỉnh trên 9.400 ha. Tập trung tại các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và TP Sóc Trăng. Phần lớn lúa đang trong giai đoạn đòng và trổ chín. Dự kiến sẽ thu hoạch tập trung từ ngày 10 – 20/4 và kết thúc thu hoạch trong tháng 5.
Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này, diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước do mặn xâm nhập ghi nhận khoảng 1.400ha, chủ yếu tại các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh của huyện Long Phú và Trần Đề. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng thiệt hại dưới 30% chiếm trên 906ha; từ 30 – 70% là gần 459ha và diện tích ảnh hưởng trên 70% gần 39ha.
Trước thực trạng này, ông Trần Văn Lâu yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh trong giai đoạn mẫn cảm này và về lâu dài cần xác định tài nguyên nước rất quý giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngành nông nghiệp rà soát lại hệ thống các cống cần duy tu, sửa chữa để trữ nước ngọt. Ảnh: Kim Anh.
“Tỉnh Sóc Trăng xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột, kinh tế chính của tỉnh đến năm 2030. Do đó, ngành nông nghiệp phải tính đến những phương án lâu dài đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Tuyên truyền cho người dân nhận thức về giá trị của tài nguyên nước”, Chủ tịch Lâu nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Lâu chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh kiểm tra lại hệ thống thông tin liên lạc để tuyên truyền đến người dân tiết kiệm nước. Trong đó, khuyến khích nông dân thiết kế, ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Bởi đây là mô hình đã chứng minh được hiệu quả cao từ các đợt hạn mặn vừa qua.
Ngoài ra, rà soát lại hệ thống các cống, những cống nào cần duy tu, sửa chữa để trữ nước ngọt phải có phương án thực hiện ngay. Trước mắt, về phía các huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành chuyên môn khảo sát lại hệ thống kênh mương, đảm bảo nạo vét thông thoáng để trữ nước ngọt. Nhất là vận động người dân cùng tham gia chuẩn bị tích trữ nước ngọt trong ao hồ phục vụ cho tưới tiêu. Bên cạnh đó, quan trắc, đo độ mặn thường xuyên để kịp thời thông báo cho người dân lấy nước vào dự trữ ngay khi độ mặn giảm xuống mức phù hợp.
Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh phân công cán bộ trực 24/24 đo độ mặn, khi có nước ngọt, tiến hành mở cống để lấy nước phục vụ sản xuất.
Hệ thống tưới tự động, giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả của nông dân huyện Kế Sách trong đợt hạn mặn này. Ảnh: Kim Anh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ động bố trí cán bộ huyện và nhân viên tại các xã nắm diễn biến xâm nhập mặn và hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp kỹ thuật để hạn chế ảnh hưởng đến cây lúa.
Thời điểm này, khi phát hiện cây lúa có biểu hiện ngộ độc mặn như chóp lá bị cháy, khô đọt non, chết cây… bà con phải tiến hành bón vôi (CaO) với lượng thích hợp, giữ nước 2 – 3 ngày, sau đó rút cạn nước trong ruộng và tiến hành đưa nước ngọt vào.
Th327

Vùng đất thiếu mưa, thừa nắng ấm no nhờ ‘vua rau’
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
NINH THUẬN Với sản phẩm chủ lực là măng tây xanh, HTX Châu Rế đã giúp người Chăm ở địa phương từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách, làm giàu trên vùng đất thiếu mưa, thừa nắng.
Tận dụng tiềm năng và lợi thế có sẵn là vùng đất cát, chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, những năm gần đây, diện tích trồng măng tây – cây được mệnh danh “vua của các loại rau” tại xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều gia đình đã mạnh dạn lựa chọn cây măng tây để canh tác, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương.
HTX Châu Rế đưa tiến bộ kỹ thuật tưới tiết kiệm trong sản xuất măng tây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Cơ.
Hợp tác xã (HTX) Châu Rế (thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) do bà Châu Thị Xéo (dân tộc Chăm) thành lập năm 2018 gồm 37 thành viên, số vốn ban đầu 111 triệu đồng, tổng diện tích trồng măng tây trên 15ha. Đến nay, HTX đã phát triển lên 82 thành viên, tổng kinh phí hoạt động 219 triệu đồng, tổng diện tích đất trồng măng tây xanh ở cánh đồng lớn là 20ha.
Hiện nay, HTX Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của xã viên ở làng Chăm thôn Thành Tín và bà con nông dân lân cận với giá bao tiêu sản phẩm ổn định từ 50.000 đồng/kg, tổng sản lượng măng tây xanh mà HTX xuất bán mỗi ngày từ 300 – 700kg. Cây măng tây đã mang lại thu nhập ổn định cho người trồng và duy trì hoạt động thường xuyên với 10 lao động người ở HTX.
Măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, đã được phát triển theo chuỗi giá trị và đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua, HTX Châu Rế đã hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân, đồng thời kiểm tra, giám sát và thu mua toàn bộ sản phẩm.
Măng tây của HTX Châu Rế được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Cơ.
Gia đình chị Từ Thị Ngọc Tuyết, thành viên HTX cho hay, trước đây 2 sào đất rẫy của gia đình trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng do đất cát pha, lại thiếu nước tưới nên năng suất thấp, thu nhập rất bấp bênh. Được HTX vận động, gia đình mạnh dạn đầu tư khoan giếng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và chuyển toàn bộ diện tích đất rẫy sang trồng măng tây xanh.
Chị tuyết chia sẻ: “Cây măng tây khá dễ trồng, chỉ cần bón phân theo định kỳ, hàng ngày cần tưới nước, nhổ cỏ, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng, nghỉ một tháng để dưỡng cây. Đến nay, vườn măng tây xanh cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi ngày trên 20kg măng, có thời điểm vườn cho thu hoạch 35kg măng/ngày, HTX thu mua với giá 50.000 đồng/kg, cho doanh thu hơn 1 triệu đồng/ngày. Gia đình hiện đang mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên thêm 3 sào trong năm nay”.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của măng tây xanh vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… Các hộ trồng măng tây xanh đa phần được các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thu mua với giá ổn định, các HTX tiếp cận thị trường xuất khẩu qua các công ty thu mua xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất rộng mở
Nhờ cây măng tây xanh, bà con người Chăm ở xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ngày càng ấm no. Ảnh: Nguyễn Cơ.
Cùng với tiếng vang “vua của các loại rau”, lại an toàn, tốt cho sức khoẻ, sản phẩm măng tây xanh rất được các nhà hàng, quán ăn và người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng măng tây xanh tại HTX Châu Rế ước khoảng 40 tấn, giá trị khoảng trên 2 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả, HTX đã quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.
Với sản phẩm chủ lực là măng tây xanh, HTX Châu Rế đã giúp các hộ đồng bào người Chăm ở địa phương từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thêm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuât trong quá trình canh tác và làm giàu trên vùng đất thiếu mưa, thừa nắng Phước Hải.
Th326

World Bank đặt vấn đề mua thêm 1 triệu tín chỉ các bon
Nguồn tin : Báo nông nghiệp
Lượng tín chỉ mua thêm nằm trong 5,9 triệu tín chỉ vượt trội mà Việt Nam đã thực hiện tại khu vực Bắc Trung bộ, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2019.
Rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Kiểu rừng này chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng nước ta nhưng có khả năng hấp thụ các bon cao gấp 4 lần so với rừng trên cạn. Ảnh: Tùng Đinh.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) xác nhận đã chi trả đầy đủ 51,5 triệu USD cho Việt Nam vì các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ các bon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ các bon thông qua trồng và tái tạo rừng.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Các bon Lâm nghiệp (FCPF) của World Bank.
Khoản chi trả này đã được chuyển do Việt Nam giảm được 10,3 triệu tấn phát thải các bon trong giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến 31/12/2019. Theo World Bank, đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từ Quỹ FCPF cho các tín chỉ các bon.
Dự kiến khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho hơn 70.000 chủ rừng và gần 1.500 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, World Bank đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu tín chỉ các bon, ngoài số lượng hợp đồng đã thanh toán.
Nguyên nhân là do chương trình thực hiện tại vùng dự án đã tạo ra 16,2 triệu tín chỉ các bon trong giai đoạn 2018 – 2019, cao hơn 5,9 triệu so với khối lượng 10,3 triệu trong thỏa thuận chi trả giảm phát thải mà Việt Nam đã ký với Quỹ FCPF.
Việt Nam có thể bán số lượng tín chỉ các bon vượt trội này cho bên thứ ba thông qua các hiệp định song phương hoặc thị trường các bon. Một phương án khác, là Việt Nam sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội này cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho biết: “Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ các bon toàn cầu và mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia”.
Thống kê của Quỹ FCPF cho thấy, chương trình giảm phát thải của Việt Nam đã bao phủ 3,1 triệu trong số 5,1 triệu ha đất trong khu vực thực hiện chương trình.
Những khu rừng này có tầm quan trọng về sinh thái, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 12% dân số Việt Nam, bao gồm 13 nhóm dân tộc thiểu số và nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào rừng và gần một phần ba dân số trong khu vực sống dưới mức nghèo của quốc gia.
Thông qua việc cải thiện quản lý rừng, đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và tăng cường các chính sách nông nghiệp, chương trình giúp tăng cả phạm vi và chất lượng che phủ rừng với sự hợp tác của cộng đồng địa phương.
Được thành lập năm 2008, Quỹ FCPF đã hỗ trợ cho nhiều chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng ở các nước đang phát triển.
Nhóm hoạt động này, thường được gọi là REDD+, đã được Quỹ FCPF triển khai tại 47 quốc gia đang phát triển tại châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cùng 17 nhà tài trợ đã đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1,3 tỷ USD.
Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường các bon cũng như khai thác các giá trị về đa dạng sinh học. Một trong số đó là rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.
So với rừng trên cạn, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các bon cao gấp 4 lần. Không những vậy, vùng đất ngập nước này còn nằm trên đường bay của chim di cư từ phương Bắc. Từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, nhiều loài chim quý hiếm như cò mỏ thìa, rẽ mỏ thìa, cò trắng Trung Quốc… lại tìm đến vùng đất nằm trên huyện Giao Thủy.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có hơn 10 kiểu sinh cảnh, nhưng có giá trị đa dạng sinh học cao nhất là các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên.
Th326

30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiễm cadimi vượt ngưỡng
Nguồn tin: báo tuổi trẻ
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.
Sầu riêng được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội – Ảnh: C.TUỆ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt xác nhận đơn vị vừa có công văn gửi một số địa phương, các doanh nghiệp và các chi cục kiểm dịch thực vật về việc truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo công văn ngày 18-3, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động – thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị 30 doanh nghiệp vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định tại thông tư số 17-2021 về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm và gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1-4.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp nêu trong danh sách thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.
Thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.
Rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật và gửi kết quả kèm theo hồ sơ liên quan về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 3-4, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.
Nhiều lô hàng sầu riêng không đáp ứng đúng theo yêu cầu
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 2 tỉ USD nhưng nước này cũng cảnh báo nhiều lô hàng sầu riêng vẫn còn sinh vật gây hại, chưa được làm sạch sâu bệnh, không đáp ứng đúng theo yêu cầu của nghị định thư đã ký.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức hội nghị để chấn chỉnh vấn đề vi phạm quy định trong xuất khẩu trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng.
Chí Tuệ
Th318

Trung Quốc sử dụng công nghệ cải tiến nhân giống sinh học, giống cây trồng
Nguồn tin: báo nông nghiệp
Trung Quốc đẩy mạnh ngành công nghiệp nhân giống sinh học thông qua các phương pháp khoa học công nghệ vào các sản phẩm nông nghiệp, mang lại ổn định cho nước này.
Trung Quốc đẩy mạnh ngành công nghiệp nhân giống sinh học thông qua các phương pháp khoa học và công nghệ, đóng góp to lớn vào nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng khác, mang lại ổn định cho đất nước.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc kiên quyết thúc đẩy quá trình hồi sinh ngành hạt giống và đạt được một số bước đột phá.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia này đã độc lập nhân giống ba giống gà thịt lông trắng mới, qua đó chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Thị phần của những giống mới này đạt 25,1% vào năm 2023 và chúng được xuất khẩu ra nước ngoài lần đầu tiên vào năm ngoái.
Trung Quốc năm ngoái cũng đã trồng thành công giống cải dầu mới với thời gian sinh trưởng chỉ 169 ngày. Chu kỳ tăng trưởng ngắn này cho phép nông dân tận dụng triệt để các cánh đồng bỏ hoang mùa đông ở miền Nam Trung Quốc bằng cách trồng cải dầu mà không làm trì hoãn việc trồng lúa đầu vụ vào năm sau.
Ngoài ra, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống nghiên cứu và phát triển nhân giống sinh học độc lập, hoàn chỉnh, đồng thời bảo đảm quyền sở hữu công nghệ độc lập và các công nghệ cốt lõi liên quan đến các gen và đặc tính di truyền quan trọng, như khả năng kháng côn trùng, khả năng chịu thuốc diệt cỏ, khả năng chịu hạn, chịu mặn và chất lượng hấp thụ dinh dưỡng được cải thiện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, gần đây, 37 giống ngô biến đổi gen và 14 giống đậu nành biến đổi gen của nước này đã vượt qua kiểm tra sơ bộ. Đây là bước đi tiên phong trong công nghiệp hóa chăn nuôi sinh học.
Những cây trồng biến đổi gen này cho thấy cả đặc tính kháng thuốc diệt cỏ và kháng côn trùng vượt trội. Ngoài ra, sản lượng của chúng cũng tăng 10%, chứng tỏ tiềm năng phát triển lớn.
Là “con chip” của nông nghiệp, hạt giống có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của ngành. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ chuyển gen là lựa chọn tất yếu để tăng khả năng cạnh tranh quốc tế trong tương lai và tối ưu hóa phân công công nghiệp, đồng thời cũng là giải pháp then chốt để đảm bảo an ninh lương thực đất nước và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.
Ông Li Jiayang, một học giả của Viện Khoa học Trung Quốc cho biết: “Mục tiêu cốt lõi trong tương lai là tăng sản lượng và cải thiện chất lượng hạt giống, giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cũng như giảm tổn thất do thiên tai gây ra”.
Theo số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ đóng góp của các giống cải tiến vào việc tăng năng suất ngũ cốc hiện vượt quá 45%. Đây được coi là lĩnh vực trọng tâm cốt lõi để phát triển ngành hạt giống, đổi mới khoa học công nghệ, giúp nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp Trung Quốc, qua đó thu hẹp khoảng cách về năng lực sản xuất giữa Trung Quốc và một số nước hàng đầu thế giới.
Th409