Tin tức

Tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc vào tối 13/10.
Tôn vinh và trao danh hiệu 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tại buổi lễ, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân, các cấp Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua các cấp Hội đã tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước ấy, đã xuất hiện lớp nông dân điển hình xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, tham gia bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, nhiều hợp tác xã tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp; dịch vụ…
Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân gương mẫu hiến đất; đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu đã đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, hình thành chuỗi sản xuất đa giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tại lễ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 hợp tác xã tiêu biểu, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định việc xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” với tinh thần là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức hợp lý; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng và phát triển của đất nước. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng nhanh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững diễn ra phong phú và sôi nổi, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh,100 nông dân xuất sắc và 63 hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu được tôn vinh hôm nay là những đại diện xuất sắc nhất trong hàng triệu nông dân tiêu biểu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế, là những tấm gương người thực, việc thực, đầy sức thuyết phục trong cộng đồng.
Tại Lễ tôn vinh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những thành tích đạt được của Hội Nông dân Việt Nam, của mỗi cán bộ, hội viên nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp trong những năm qua.
Đỗ Hương
Th1016

Bưởi da xanh Thanh Thủy trên đất dốc
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Trên sườn dốc cao của đất Mỹ Đức, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), một vườn bưởi da xanh với những trái bưởi đặc sản đang cho trái ngọt. Lựa chọn trồng giống cây giá trị cao trên đất dốc, người nông dân nơi đây đã cho thấy hướng đi hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Trường bên vườn bưởi da xanh
Anh Nguyễn Hữu Trường, nông dân Thôn 7, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh cũng như hầu hết những người nông dân xung quanh luôn trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để có được thu nhập ổn định. Mảnh đất của anh có diện tích lớn, tới 6 ha nhưng nằm trên một quả đồi cao. Đất bazan cao nguyên khô cháy dưới những cơn gió mùa khô khiến người nông dân càng thêm vất vả. Nhưng, anh Trường không ngại khó, không ngại khổ để trồng và hôm nay đã được hưởng vị ngọt từ trái bưởi.
Anh Trường kể lại, mảnh đất đồi khá dốc, cằn cỗi vì thiếu nước. Ban đầu, anh trồng điều vì với mảnh đất này, chỉ có cây điều mới chịu được khô hạn, cằn cỗi. Nhưng trồng điều thu nhập không ổn định, giá thất thường, năng suất bấp bênh. Vì vậy, anh tính toán trồng cây ăn trái như rất nhiều nông hộ trong xã. Nhận thấy cây bưởi da xanh rất hợp đất Mỹ Đức, lại cho giá trị kinh tế cao, anh Trường đã xuống giống 500 cây bưởi da xanh thương hiệu Thanh Thủy, thứ bưởi vỏ xanh, ruột hồng không hạt, có vị ngọt đậm đà. Anh Trường chia sẻ: “Trồng bưởi là trồng cây lâu năm, tôi tính toán phải trồng giống nào cho năng suất và chất lượng ổn định, thị trường ưa chuộng. Khi tính toán kỹ, tôi chọn giống bưởi da xanh Thanh Thủy và mua giống ở cơ sở cung cấp giống uy tín, đảm bảo chất lượng”.
Chặt từng gốc điều, cày sạch rễ, đào hố trồng từng cây bưởi ghép, anh Nguyễn Hữu Trường đã đổ nhiều mồ hôi trên mảnh đất đồi dốc. Anh cho biết, đặc trưng của cây trồng trên đất đồi là lớn khá chậm do nguồn nước không dồi dào. Để đảm bảo nguồn nước tưới, anh Trường đào ao trên đỉnh đồi, bơm nước từ khe lên ao và sau đó, nước theo đường ống tự động chảy xuống cung cấp nước cho cây trồng. Theo anh Trường, trồng trên đồi việc chăm sóc khó hơn, gió lớn hơn, đất khô hơn nên cây không lớn nhanh như trồng đất bằng. Vườn bưởi trồng từ năm 2018 tới nay mới bước vào vụ thu hoạch đầu tiên trong khi nhiều vườn bưởi chỉ 3 năm là có trái. Tuy nhiên, trồng trên đất đồi, bộ rễ cây không bị úng nước, cây ít bệnh tật, ít phải sử dụng các lại thuốc bảo vệ thực vật chữa nấm, chữa bệnh. Và cũng vì lớn chậm, vị trái cây đất đồi đậm đà hơn trồng tại những vùng có độ ẩm cao. Trái bưởi da xanh đất đồi ngọt lịm, anh Trường bán rất dễ, được bạn hàng ưa chuộng. Anh cho biết, bưởi được bán ngay tại vườn với giá trung bình 25-30 ngàn đồng/kg, bao nhiêu hàng cũng hết.
Anh Trường chia sẻ, trái bưởi da xanh Thanh Thủy đặc trưng là da xanh, tép quả hồng, không có hạt. Với vị ngọt đặc trưng, khách hàng rất ưa chuộng dòng bưởi không hạt này. Để tìm đầu ra ổn định cho cây bưởi, anh Trường còn tham gia HTX trái cây Mỹ Đức, trồng bưởi theo chuẩn VietGAP, đảm bảo trái bưởi “vào” được siêu thị, chuỗi cửa hàng trái cây sạch. Cùng với các thành viên trong HTX trồng bưởi da xanh, đăng kí thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, trái bưởi da xanh của anh Nguyễn Hữu Trường được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Không chỉ dừng ở nội tiêu, anh và bà con HTX còn đang xây dựng kế hoạch đưa trái bưởi xuất ngoại, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Anh Trường vui mừng cho biết, cây bưởi vài năm đầu năng suất chưa cao, những năm về sau năng suất sẽ tăng dần và có thể cho thu hoạch ổn định tới 20 – 30 năm, là nguồn thu rất tốt bởi nhu cầu của người tiêu dùng với trái bưởi rất cao, nhất là khi anh và bà con nuôi ý định xuất khẩu trái bưởi Mỹ Đức.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết, vườn bưởi của anh Nguyễn Hữu Trường là một điểm sáng trong xã. Giống ngon, trồng theo hướng trái cây sạch, anh Trường đang cung cấp những trái bưởi chất lượng cao ra thị trường. Chính quyền xã đang tích cực động viên, hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Hữu Trường xây dựng nông sản vườn nhà thành sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu – nói theo kiểu nông dân là làm “sản phẩm OCOP”. Từ việc xây dựng một sản phẩm OCOP, Mỹ Đức hy vọng thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp người nông dân chọn lựa và phát triển những giống cây trồng mới có giá trị cao hơn.
DIỆP QUỲNH
Th1012

Biến đồi hoang thành trang trại tổng hợp, bốn mùa cây trái sum suê
nguồn: Báo nông nghiệp
HÀ TĨNH Gần 20 năm miệt mài cải tạo đất, phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ, trang trại của anh Thái bốn mùa cây trái sum suê, mỗi năm thu gần 800 triệu đồng.
Sau hơn 20 năm đầu tư miệt mài, mô hình trang trại trồng cây ăn quả tổng hợp của anh Nguyễn Hùng Thái (tổ dân phố Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã cho những trái ngọt.
Với hơn 600 gốc cam chanh, trong đó 300 gốc đã cho thu hoạch, mỗi năm anh Thái thu hơn 15 tấn quả, tổng thu hơn 450 triệu đồng, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Dẫn chúng tôi thăm trang trại với nhiều loại cây ăn quả như hồng, cam, ổi, bưởi…, cây nào quả cũng trĩu cành, anh Thái vui vẻ chia sẻ, trước đây, anh tốt nghiệp công nhân xây dựng nhưng ra đi làm rất vất vả. Lúc đó, nhà nước có chương trình xây dựng vùng kinh tế mới tại khu vực núi Khe Thờ – một vùng núi hẻo lánh, đất trống đồi trọc. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự quyết tâm và nghị lực vượt khó, anh đã chọn nơi đây lập nghiệp.
Anh bắt tay cải tạo đất đai, vay vốn từ ngân hàng, anh em bạn bè để đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Thời gian đầu, do đất mới cải tạo, kỹ thuật trồng cây và chăn nuôi vẫn theo phương thức truyền thống nên hiệu quả chưa cao. Sau những thất bại ban đầu, anh Thái đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Trang trại cây ăn quả của anh Thái được canh tác theo hướng hữu cơ và bọc quả rất cẩn thận. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Ngoài học hỏi kiến thức qua sách báo, anh còn trực tiếp học tập kinh nghiệm từ các vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, tham gia các buổi tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức… Từ những kiến thức được học kết hợp những kinh nghiệm tự tích lũy ngay tại vườn nhà, đến nay, trang trại tổng hợp hơn 5ha của anh đã đem lại thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.
Năm 2021, diện tích cam của anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc nên vườn cam hiện nay đầy sức sống, sạch sẽ, thoáng đãng, hệ thống tưới tiêu, bón phân hữu cơ đồng bộ, cây nào cũng trĩu quả, quả to đều, mẫu mã đẹp. Sản phẩm tiêu thụ rất tốt do đảm bảo an toàn. Trang trại anh Thái hiện có hơn 100 gốc cam giòn đã cho thu hoạch vụ thứ 4. Đây là giống cam ngon, ngọt, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trang trại của anh Thái áp dụng canh tác tổng hợp, xen canh nhiều loại cây ăn quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Xen giữa những vườn cam và bưởi, anh Thái trồng thêm ổi lê Đài Loan. Anh áp các kỹ thuật rải vụ để cây ổi ra quả quanh năm. Ổi giòn, ngọt, được các cửa hàng hoa quả tại TP Hà Tĩnh lựa chọn. Với 200 gốc ổi, mỗi năm cho thu hoạch từ 2 – 3 tấn, giá bán dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, anh thu về hơn 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hơn 100 gốc hồng vuông mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 tấn, với giá bán tại vườn bình quân 10.000 đồng/kg, anh thu về hơn 20 triệu đồng. Hồng là cây lâu năm, dễ chăm sóc, năng suất cao. Anh cho biết chỉ cần làm cỏ xung quanh gốc và bón phân nên không tốn nhiều thời gian và chi phí.
Dưới tán cây ăn quả, anh nuôi thêm 22 đàn ong, vừa giúp thụ phấn tự nhiên cho cây, vừa tăng thêm thu nhập. Mỗi năm anh thu về hơn 200 lít mật ong, giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/lít, thu nhập 50 triệu đồng. Nuôi ong không tốn chi phí vì ong tận dụng nguồn phấn hoa tự nhiên trong vườn nên chất lượng mật thơm ngon, đảm bảo an toàn, được người tiêu dùng rất ưa chuộng nên lúc nào cũng “cháy hàng”.
Trang trại của anh Thái lúc nào cũng xanh mướt mát nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Để đảm bảo nguồn phân bón cho vườn cây ăn quả, đồng thời tận dụng diện tích cỏ tự nhiên, anh nuôi 18 con bò, trong đó có 8 con bò sinh sản, 1 con bò đực giống. Mỗi năm số tiền bán bò thịt và bê khoảng 100 triệu đồng.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng, anh đã chuyển sang chăm sóc các loại cây ăn quả trong vườn theo hướng hữu cơ. Anh áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây, nhất là việc bảo vệ quả, bọc nilon để ngăn côn trùng đốt, chích đẻ trứng, bảo đảm quả khi thu hoạch vừa đẹp về mẫu mã, vừa chất lượng.
Anh Thái nuôi hơn 20 thùng ong trong trang trại để vừa thụ phấn cho cây ăn quả, vừa tăng thu nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Thực hiện mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, anh Thái không sử dụng phân bón hóa học mà thay thế bằng những phụ phẩm nông nghiệp như dùng rơm rạ phủ gốc cây để giữ ẩm, tự phân hủy tạo mùn cho đất. Anh ủ phân chuồng bằng men vi sinh, kết hợp mua đậu tương, cá tạp… để ủ làm phân hữu cơ sinh bón cho cây, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nhằm đảm bảo sản xuất các sản phẩm cam, bưởi, ổi, hồng… đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Th1012

Nông dân Tiền Giang rục rịch xuống giống vụ hoa Tết
Nguồn tin: báo nông nghiệp
TIỀN GIANG Hiện nay, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng nhiều bà con ở tỉnh Tiền Giang đã tranh thủ xuống giống các loại hoa cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tổ hợp tác hoa kiểng Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) dự kiến xuống giống khoảng 800.000 chậu hoa kiểng các loại phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Minh Đảm.
Năm nay, nông dân chọn trồng các loại hoa giá bình dân, dễ bán như hoa cúc, vạn thọ, mã đình hồng, mào gà, hoa giấy…, tùy mỗi loại hoa mà thời điểm xuống giống khác nhau.
Từ tháng 6 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã tranh thủ xuống giống 1.500 chậu hoa cúc mâm xôi. Những ngày này, mưa to liên tục đã gây thiệt hại đáng kể cho vườn của gia đình ông Sáu. Nhẩm tính, đã có hơn 200 chậu bị thối rễ do nước mưa ứ đọng trong chậu, hiện gia đình ông đang xử lý các chậu có hoa đã hỏng để trồng mới.
Tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có nghề trồng hoa tươi phục vụ thị trường Tết cổ truyền phát triển. Riêng nông dân ở các xã ven TP Mỹ Tho như Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Trung An và phường 9 xuống giống gần 1 triệu chậu hoa Tết. Năm ngoái, dù chi phí tăng cao nhưng vụ hoa Tết cổ truyền Quý Mão nông dân tỉnh Tiền Giang vẫn thu lãi khá.
Ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa kiểng Mỹ Phong (TP Mỹ Tho) chia sẻ: Tổ có trên 130 thành viên sản xuất hoa kiểng phục vụ Tết. Thời điểm này, bà con đã xuống giống được khoảng 20.000 chậu. Riêng hoa cúc Hà Lan dự kiến tháng 10 này xuống giống khoảng 300.000 chậu, đây là các loại hoa được thị trường rất ưa chuộng.
“Giá cây giống năm nay cũng như năm rồi, chỉ tương đối chứ không cao. Bình quân cả Tổ hợp tác làm số lượng khoảng hơn 800.000 chậu hoa. Năm rồi, bà con trong Tổ hợp tác tiêu thụ hoa Tết ngon lành, trừ các chi phí thực lãi khoảng 30%”, ông Trương Văn Nhung chia sẻ.
Th1009

Vỡ mộng với trái cây ‘vua’
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Nhận định sầu riêng là mặt hàng “hot”, nhiều tiểu thương đã gom toàn bộ tài sản đầu tư vào vụ mùa năm nay. Nhưng trớ trêu thay, giá sầu riêng liên tục giảm sâu khiến nhiều thương lái “vỡ mộng” làm giàu…
Vỡ mộng với sầu riêng
Hiện, giá sầu riêng đã giảm hơn 10.000 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch. Một số doanh nghiệp đang thu mua sầu riêng tại kho ở mức 69.000 – 70.000 đồng/kg đối với hàng loại I; loại II chỉ dao động ở mức 50.000 – 55.000 đồng/kg. Song nhiều nông dân vẫn cho rằng, giá sầu riêng đang cao nên “neo”, không chấp nhận mức giá thương lái đưa ra.
Là thương lái có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua nông sản, anh Trần Thanh Thọ (ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cũng không tránh khỏi việc thua lỗ do giá sầu riêng lao dốc. Anh Thọ cho hay, anh đang phải đến từng nhà vườn để thương lượng lại giá cả và xin hạ giá so với thời điểm đặt cọc. Ngay từ đầu vụ, anh đã làm hợp đồng thu mua của nhiều hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện với nhiều mức giá, trung bình là 80.000 đồng/kg. Tùy vào sản lượng mà giá cọc dao động ở mức 30 – 50% đối với mỗi vườn. “Có nhiều nhà vườn thông cảm, họ sẵn sàng bớt và đồng ý bán theo giá hiện tại, nhưng cũng có không ít nhà vườn giữ nguyên mức giá như trong hợp đồng đã thỏa thuận. Nếu giá cả tiếp tục xuống thấp, tôi sẽ phải gánh chịu một khoản nợ lớn trong vụ sầu riêng năm nay”, anh Thọ ngậm ngùi.
Giá sầu riêng quay đầu giảm sâu nhưng thương lái vẫn tiếp tục thu mua sầu riêng của nông dân.
Lặn lội từ tỉnh Bình Phước lên tận Đắk Lắk để thu mua sầu riêng với hy vọng đổi đời, thương lái Nguyễn Phương Thanh đã lao theo cơn sốt sầu riêng. Anh đã gom hết toàn bộ vốn liếng, thậm chí vay mượn thêm để đầu tư vào vụ này. Giá sầu riêng quay đầu giảm sâu cũng là lúc những thương lái như anh thiệt hại nặng nề. Hiện anh Thanh đang chịu lỗ hơn 20 triệu đồng/tấn sầu riêng.
Trước vụ thu hoạch khoảng 2 tháng, anh Thanh đã vào tận vườn chốt giá thu mua với người dân ở mức từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, mỗi vườn sẽ đặt cọc từ vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào sản lượng. “Giá sầu riêng đã hạ nhiều so với đầu mùa, tôi phải năn nỉ nông dân bán hạ giá để cắt lỗ, vì đã lỡ ký hợp đồng với các chủ vựa trái cây nên phải giao hàng đúng hẹn. Rơi vào hoàn cảnh như hiện nay, một phần là do thiếu hiểu biết, chưa nắm vững những quy luật của thị trường và ham làm giàu từ sầu riêng để giờ vỡ mộng, thậm chí có nguy cơ trắng tay”, anh Thanh nghẹn ngào.
Chia sẻ rủi ro với thương lái
Là nông dân ở “thủ phủ” sầu riêng của Đắk Lắk, ông Ama Saly (buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) đã thu hoạch gần xong 7 sào sầu riêng, chỉ còn lại một số ít đang chờ thương lái vào cắt để kết thúc vụ mùa. Ngay từ đầu vụ, gia đình ông đã nhận 150 triệu đồng tiền cọc từ thương lái và chốt với mức giá 80.000 đồng/kg. “So với năm ngoái, giá sầu riêng tăng gần gấp đôi và tăng chóng mặt ngay từ đầu vụ. Tôi nhanh chóng ký hợp đồng với thương lái để có một mức giá ổn định. Tuy nhiên, giá sầu riêng liên tục lao dốc khiến người mua và người bán dễ xảy ra mâu thuẫn. Thấu hiểu phần nào những khó khăn mà các thương lái đang gặp phải, gia đình tôi đã quyết định bán theo giá thị trường để đôi bên dễ dàng mua bán”, ông Ama Saly nói.
Nông dân huyện Krông Pắc kiểm tra chất lượng sầu riêng. |
Đứng trước tình trạng giá sầu riêng giảm sâu, bà Nguyễn Thị Diệu, đại diện Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang (Quốc lộ 26, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) cho biết, giá cả thị trường lên xuống là điều hết sức bình thường. Bên cạnh việc thu mua quả sầu riêng để đóng gói xuất khẩu chính ngạch, đơn vị còn bóc tách múi cấp đông cung cấp cho thị trường trong nước nên kiểm soát được những thiệt hại về mặt kinh tế. Đối với những thương lái đã ký hợp đồng thỏa thuận về giá cả cũng như thời gian giao, nhận hàng, công ty cũng cố gắng hỗ trợ và điều chỉnh lại mức giá để hạn chế tối đa rủi ro cho cả hai bên. Thời điểm hiện tại, thương lái thu mua sầu riêng tại vườn chỉ ở mức 60.000 đồng/kg, nếu mua giá cao hơn, chịu lỗ sẽ là người mua.
Công ty hoạt động với phương châm “nhà lái không xin của nhà vườn”, bởi một năm người dân chỉ thu hoạch có một vụ, nếu xin hạ giá, bản thân họ đã thất thu một khoản khá lớn. “Trong kinh doanh, chúng tôi luôn đặt uy tín lên hàng đầu, những vườn đã ký hợp đồng thì đơn vị sẽ thu mua theo mức giá ban đầu đã thỏa thuận, tuy vậy nhiều chủ vườn sẵn sàng hạ thấp giá bán để hỗ trợ, san sẻ bớt phần nào khó khăn mà các doanh nghiệp, thương lái đang đối mặt”, bà Diệu chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá sầu riêng đã giảm nhiều so với đầu vụ thu hoạch; trong đó sầu riêng loại I được doanh nghiệp thu mua ở mức 80.000 đồng/kg; còn loại II, loại III sẽ thấp hơn rất nhiều. Trước đó, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo các thương lái, người nông dân phải hết sức tỉnh táo trong việc mua bán để tránh những trường hợp rủi ro có thể gặp phải.
Thúy Nga
Th1009

Hệ lụy lớn nếu trái cây tiếp tục vi phạm kiểm dịch thực vật
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Tình trạng nhiều loại trái cây vi phạm mã số vùng trồng khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã bị “cảnh báo” về kiểm dịch thực vật. Mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý, nếu các địa phương, doanh nghiệp… không khẩn trương khắc phục tình trạng này, nhiều khả năng phía Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh là ngừng nhập khẩu trái cây từ Việt Nam, khi đó hệ lụy khôn lường…
Nông dân thành phố Cần Thơ thu hoạch nhãn phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác. Ảnh: H.TÂN
Rất nhiều địa phương vi phạm
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, tính từ năm 2021 đến tháng 7-2023, cục đã nhận được 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu (gồm: chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt) hoặc các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không phải do Cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp, với khoảng 750 lô hàng vi phạm. Cụ thể, Tiền Giang là tỉnh có số lượt vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 267 vi phạm (chiếm 35,6%); Tây Ninh có 204 vi phạm (chiếm 27,2%); Đồng Nai có 186 vi phạm (chiếm 24,8%); Bình Thuận có 23 vi phạm (chiếm 3,1%); Đắk Lắk có 23 vi phạm (chiếm 3,1%); Long An có 19 lô vi phạm (chiếm 2,5%); các tỉnh khác có 28 vi phạm (chiếm 3,7%).
Trái cây vi phạm nhiều nhất là mít, với sinh vật gây hại phổ biến là rệp sáp. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các chi cục BVTV các tỉnh chỉ mới đánh giá được thực trạng của vùng trồng; còn cơ sở đóng gói không nêu được nguyên nhân không tuân thủ; một số lô hàng sau khi đánh giá thì đề nghị thu hồi, một số khẳng định chưa sử dụng mã số, thậm chí có cơ sở đóng gói không có hồ sơ truy xuất nguồn gốc (!?).
Cũng theo Cục BVTV, đối với an toàn thực phẩm từ năm 2021 đến tháng 7-2023, cục đã nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang một số nước như: EU (gồm Ý, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha); Canada; Hàn Quốc; Nhật Bản; Trung Quốc và Đài Loan. Tất cả các lô hàng này đều bị trả về do không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (như dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định, sản phẩm biến đổi gen, có chứa độc tố nấm, nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng, chất tạo màu không được phép sử dụng, hàng bị hư hỏng…). Ngay sau đó, Cục BVTV đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến các lô hàng trên thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương hỗ trợ giám sát quá trình truy xuất.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lo lắng: Tình hình vi phạm kiểm dịch thực vật trên cây ăn trái khi đưa đi xuất khẩu trong thời gian qua là đáng báo động. Phía bộ đã rất trăn trở và nhiều lần cảnh báo, yêu cầu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương chấn chỉnh, nhưng sự chuyển biến ở các địa phương rất chậm, thậm chí có nơi còn tệ hơn. Cần phải thấy rằng, nếu chúng ta cứ tiếp tục vi phạm về mã số vùng trồng trong thời gian tới, nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh như cho ngừng nhập khẩu thì sẽ khốn khó.
“Chúng ta có khoảng 11 loại trái cây được xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ cần phía bạn yêu cầu dừng xuất khẩu 1 loại thôi đã “mệt” rồi. Ví dụ như sầu riêng của ta hiện nay rất nhiều và phần lớn được xuất sang Trung Quốc, nếu trường hợp sầu riêng bị “trục trặc” thì chúng ta bán đi đâu (!?). Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng vậy. Đây là vấn đề cấp bách, hệ trọng và khắc phục ngay chứ không chậm trễ được nữa”, ông Hoàng Trung sốt ruột.
Vừa khắc phục, vừa quản lý chặt hơn
Là địa phương có số vụ vi phạm về kiểm dịch thực vật nhiều nhất trong thời gian gần đây, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: “Do tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 80.000ha, với rất nhiều nông hộ canh tác nhỏ lẻ và nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua, xuất khẩu. Tuy nhiên, lực lượng giám sát quá mỏng đã dẫn đến những vi phạm nhiều như thời gian qua”. Ông Nam giải thích thêm, khi tỉnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho các địa phương thì đã đề nghị UBND các xã, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, nhưng thực tế chưa như mong muốn. Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo và có phương án làm quyết liệt tình trạng vi phạm trên.
Ủng hộ vấn đề này, ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) thừa nhận, khi được cấp mã số vùng trồng và sản phẩm trái cây được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các nước khác, đã nâng giá trị lên rất cao. “Nếu như trước đây, bà con trồng nhãn còn manh mún, nhỏ lẻ và bán xô cho thương lái nên lợi nhuận thu về không cao. Sau khi thành lập HTX quy tụ hơn 29 thành viên làm ăn tập thể, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP theo hướng sạch, hữu cơ… giúp cho chất lượng trái nhãn tốt hơn. Mặt khác, khi HTX được cấp mã số vùng trồng xem như có được “giấy thông hành” để xuất sang Trung Quốc và các nước khác; nhờ đó nhiều doanh nghiệp đến bao tiêu đầu ra. Điển hình như năm nay, các xã viên bán nhãn Ido từ 20.000-30.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha. Nhờ giá trị tăng lên thấy rõ, nên bây giờ các thành viên của HTX luôn tuân thủ nghiêm các quy định về mã số vùng trồng”.
Tại Đồng Tháp, nơi được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất cả nước với 2.477 mã số, nhưng tỷ lệ giám sát còn thấp (chỉ mới 23%). Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ đẩy mạnh việc giám sát trong thời gian tới. Theo đó, trong đề án chuyển đổi số của tỉnh thì Đồng Tháp sẽ phối hợp với Công ty TNHH Rynan Technologies Việt Nam thiết lập nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số, trong đó có thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký cấp và quản lý mã số vùng trồng. Ngoài ra, việc cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói, truy xuất nguồn gốc… sẽ được tỉnh phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị có uy tín thực hiện thí điểm xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản chủ lực và liên kết doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Hướng dẫn nông dân thiết lập vùng trồng theo quy định, có thể nhận diện các đối tượng kiểm dịch thực vật; quản lý tốt sinh vật gây hại và ghi chép đầy đủ sổ nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc. Cập nhật thường xuyên và đầy đủ lên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Cục BVTV.
Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng đã được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… Các loại cây trồng được cấp mã số bao gồm: mít, xoài, nhãn, chôm chôm, bưởi, chanh, sầu riêng, khóm (dứa), dưa hấu, thạch đen, lúa với diện tích là 2.022,74ha, sản lượng trong năm đạt 6.018,8 tấn. Đối với mã số cơ sở đóng gói: Hiện có 8 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Các cơ sở bao gồm: HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, Doanh nghiệp tư nhân Minh Dũng, Công ty TNHH Ba Sương, Công ty TNHH MTV Hạnh Nguyên, Công ty CP tập đoàn Tiến Thịnh, Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Gia Huy, cơ sở đóng gói Dương Văn Khải. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ nhằm đảm bảo vùng trồng luôn thực hiện đúng theo các quy định, giúp duy trì tình trạng tuân thủ quy định của nước nhập khẩu.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho hay, những vi phạm kiểm dịch thực vật vừa qua có nguyên nhân do nhận thức của cán bộ địa phương và người sản xuất còn hạn chế; ngoài ra chúng ta chưa có chế tài xử lý vi phạm; chưa đầu tư đúng mức về công nghệ thông tin… Tới đây sẽ tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; thường xuyên kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số; kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng, từ đó phát hiện, xử lý nghiêm đối với các vi phạm.
Cục BVTV đề nghị các vùng trồng đã được cấp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và yêu cầu của nước nhập khẩu; hướng đến thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác. Các cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi cung cấp sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Cả nước hiện có 1.588 cơ sở đóng gói được cấp mã số cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, thạch đen, sầu riêng… ) và khoai lang, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đồng thời, có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang) xuất sang 11 thị trường khác nhau.
Thực hiện nhiệm vụ “Phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu” trong năm 2022 và năm 2023; Cục BVTV kiểm tra tại 25 tỉnh, thành phố với 393 mã số vùng trồng và 151 cơ sở đóng gói. Kết quả đến tháng 7-2023, Cục BVTV đã thực hiện giám sát ở Long An, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp… Kết quả, vẫn còn những tồn tại như cán bộ địa phương thiếu kinh nghiệm, kiến thức; giám sát còn buông lỏng; một số người sản xuất chưa hiểu rõ vai trò của mã số vùng trồng…
H.TÂN – H.THU
Th1006

Nơi Nghị định 98 của Chính phủ ‘đi vào lòng dân’
Nguồn tin: Báo Tiền Giang
Chuỗi liên kết sản xuất ở Tiền Giang bước đầu hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm xử lý các thủ tục dự án cần được khắc phục sớm.
Tham quan cánh đồng trong chuỗi liên kết sản xuất lúa ở vùng Gò Công, Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.
Trên 1.300 nông hộ tham gia 29 chuỗi giá trị liên kết
Trong 5 năm (2018 – 2023), thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 98) về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp tỉnh Tiền Giang có 109 danh mục dự án hoặc kế hoạch liên kết (gọi chung là dự án) được phê duyệt.
Tính đến tháng 7/2023, có 29 dự án được triển khai, chủ yếu trên cây lúa (15 dự án), còn lại trên rau màu và chăn nuôi. Các chuỗi giá trị huy động 29 HTX nông nghiệp, 55 doanh nghiệp và 1.320 hộ nông dân tham gia liên kết. Đáng quan tâm, có đến 28 HTX làm chủ trì chuỗi liên kết.
Về quy mô, cây lúa có lợi thế lớn với diện tích bình quân gần 40ha với khoảng 50 nông hộ. Kế đến là cây ăn trái với diện tích bình quân 26ha cũng khoảng 50 nông hộ. Tiếp theo, cây rau màu với khoảng 17ha của 40 hộ. Cuối cùng là chăn nuôi với quy mô chỉ khoảng 10 hộ.
Các chủ thể liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hay có thêm cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào.
Mô hình liên kết điển hình có thể kể đến là liên kết sản xuất giống lúa ST24, Nàng hoa 9 theo hướng an toàn hữu cơ ở HTX Mỹ Quới (Cái Bè), quy mô 200 – 300 ha/năm. Ngoài ra còn có liên kết tiêu thụ lúa ở HTX Hòa Hưng (Gò Công Tây) với quy mô khoảng 35ha, liên kết tiêu thụ gà của HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công xây dựng thương hiệu gà ta Gò Công sản lượng 100.000 – 120.000 con/năm…
Mô hình liên kết sản xuất cho hiệu quả ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Mai Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Hưng cho hay, trong liên kết, nông dân tham gia được hỗ trợ 4.750.000 đồng/ha lúa hàng hóa và 4.850.000 đồng/ha lúa giống. Bà con được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác và bao tiêu 100% sản phẩm lúa cho Công ty Vinh Hiển và Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang với giá cao hơn thị trường từ 200 – 300 đồng/kg. Trong quá trình sản xuất, công ty đặt cọc trước cho nông dân 2 triệu đồng/ha, sau khi thu hoạch thanh toán hoàn lại tiền cọc.
“Nông dân sản xuất lúa theo yêu cầu thị trường, biết trước giá bán, tính toán được lãi của vụ sản xuất, không lo sợ về đầu ra tiêu thụ, không sợ chèn ép giá. Đây được xem là một chuỗi sản xuất theo kế hoạch tối ưu, là bước đầu cho việc thay đổi tư duy nhận thức của người dân, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cơ chế trên cần được phát huy”, ông Mai Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Hưng đánh giá và khẳng định đây là Nghị quyết đi vào lòng dân.
Những khó khăn cần được tháo gỡ
Tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ cho 29 dự án trên 107 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 19 tỷ đồng cho các hoạt động tư vấn xây dựng liên kết; xây dựng hạ tầng; khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Tuy nhiên, vì vướng nhiều khó khăn nên đến cuối năm 2022 mới giải ngân được gần 7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp, HTX cho biết có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án. Theo đó, chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên nhiều chủ thể không có khả năng đối ứng. Các hỗ trợ theo Nghị định số 98 như hạ tầng, giống, vật tư, bao bì… được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu nên các chủ thể chưa nắm bắt hoặc không đủ năng lực để thực hiện được các thủ tục hồ sơ về đấu thầu, đầu tư xây dựng cũng như các thủ tục quyết toán. Tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp nên một số nơi xin dừng dự án.
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH thương mại HK Green (TP Mỹ Tho) cho biết: “Dự án liên kết tiêu thụ lúa gạo của Công ty HK Green không thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư nhà xưởng do vướng trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một số liên kết sản xuất lúa không thực hiện được do các địa phương chưa hỗ trợ”.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức lại sản xuất, phát động hợp tác tiêu thụ. Ảnh: Minh Đảm.
Ngoài ra, các chủ thể chưa nắm rõ nội dung, chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh Tiền Giang. Chủ thể là HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu, hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chưa ổn định… nên gặp khó khăn, ngán ngại trong triển khai lập dự án.
Về phía địa phương, công tác phối hợp giữa Phòng NN-PTNT và Phòng Tài chính huyện, thị xã chưa chặt chẽ, chưa chủ động trong việc hướng dẫn chủ thể triển khai lập dự án. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện chưa phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, viết dự án.
Quan trọng hơn, đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, thiếu doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, phần lớn là các thương lái ở địa phương…
Tổ chức lại sản xuất, phát động hợp tác tiêu thụ
“Khi đại dịch xảy ra thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của liên doanh, liên kết. Vì vậy, cần tiếp cận các nguồn quỹ để tạo vốn phát triển sản xuất. Phát triển đặc sản Tiền Giang đang giảm sâu như vú sữa Lò Rèn, sơ ri Gò Công do làm ăn nhỏ lẻ. Cần tổ chức lại sản xuất, để phát động hợp tác, tiêu thụ…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chia sẻ.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, giai đoạn 2021 – 2025 phải hoàn thành 109 dự án đã được phê duyệt, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 29 dự án được thực hiện. Thời gian tới, cần có sự phối hợp tốt của lãnh đạo các Sở, ngành liên quan. Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT cần liên kết để sớm thực hiện. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương cần quan tâm tháo gỡ khó khăn.
Ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tinh thần hợp tác của người dân, cán bộ cơ sở về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và tham gia liên kết tiêu thụ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.
Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa. Triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm (OCOP) có tham gia liên kết như trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, tham gia hoạt động số hóa, chống giả…
Vùng nguyên liệu sản xuất thanh long của HTX Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo). Ảnh: Minh Đảm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, trong việc thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc cần sớm đưa ra định hướng, khắc phục. Nghị định 98 hết sức ý nghĩa và phù hợp với tình hình địa phương do đó ông đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện tiếp tục nghiên cứu Nghị định 98 và các nghị quyết liên quan của UBND tỉnh, HĐND tỉnh. Các chủ thể tham gia dự án cần mở rộng liên kết.
Định hướng sắp tới, ông Phạm Văn Trọng cho biết, tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện Nghị định 98, các cơ quan chuyên môn, chủ lực là ngành NN-PTNT cần đánh giá lại những khó khăn để có hướng tháo gỡ do Nghị định ban hành từ 2018, có thể không phù hợp nên cần được kiến nghị, sửa đổi cho phù hợp…
Th1006

Giá phân bón tăng trở lại
Nguồn tin: Báo Long An
Sau khoảng thời gian giảm mạnh, hiện giá các loại phân bón (PB) đã tăng trở lại, trong đó, phân đạm tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tuần trước; các loại khác như NPK, DAP,… tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg, tùy loại. Theo nhiều nông dân, nguyên nhân dẫn đến giá PB tăng là “ăn theo” giá lúa. Mặt khác, do thị trường PB trên thế giới đều tăng giá nên giá PB trong nước cũng tăng theo.
Giá nhiều loại phân bón tăng cao, nông dân gặp khó khăn vì chi phí sản xuất tăng
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh khá lo lắng khi giá PB tăng cao, trong khi đầu ra nông sản còn bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Hòa (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ) cho biết: “Tôi đang trồng 1,2ha dưa hấu nên sử dụng PB khá nhiều. Tôi lo khi giá nhiều loại PB đang “nhích” lên, trong khi năm nay, giá bán dưa hấu lại bấp bênh, có lúc chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng/kg. Vừa qua, tôi mua PB DAP với giá trên 1,3 triệu đồng/bao, còn NPK gần 1,2 triệu đồng/bao”.
Theo ông Hòa, để giảm chi phí PB, ông giảm lượng sử dụng PB hóa học và tăng cường sử dụng các loại PB hữu cơ. Tuy nhiên, khi chuyển sang các loại PB mới cũng như giảm lượng sử dụng, nguy cơ cây trồng bị giảm năng suất khá cao.
Đối với nông dân trồng lúa, việc giá PB tăng đúng vào thời điểm đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu 2023 nên chưa ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, sau khi lũ rút, nông dân bắt đầu sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thì đây sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tấn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết: “Giá PB tăng trở lại sau một thời gian giảm, nhất là các loại phân đạm có giá khoảng 900.000 đồng/bao, trong khi, các năm trước chỉ từ 650.000-800.000 đồng/bao”. Hiện ông Tấn ngâm lũ 2,8ha đất và sẽ gieo sạ ngay sau khi lũ rút. Giá PB cao như hiện nay, ông Tấn sẽ phải tính toán rất nhiều trong việc sử dụng cũng như đầu tư các chi phí sản xuất khác để bảo đảm hiệu quả kinh tế vụ Đông Xuân 2023-2024.
Theo một số chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá PB đang ở mức cao do giá PB trên thế giới tăng cũng như các nguyên liệu nhập khẩu và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất PB ở trong nước tăng. Giá PB DAP nhập khẩu từ Trung Quốc (50kg/bao) được bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ở mức trên 1,1 triệu đồng/bao, giá NPK 20-20-15 TE ở mức trên 1,2 triệu đồng/bao. Trong khi đó, giá các loại phân đạm (Urê) như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc đang bán lẻ ở mức 780.000-800.000 đồng/bao.
Trước những khó khăn trên, nhiều nông dân và cửa hàng bán lẻ PB mong muốn giá PB sớm được bình ổn và ngành chức năng cần tổ chức thêm các lớp tập huấn, giới thiệu cụ thể cho nông dân về những loại PB có giá phù hợp và chất lượng bảo đảm, nhất là các loại PB hữu cơ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá và chất lượng các loại PB trên thị trường, tránh xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý hay hàng gian, hàng giả, kém chất lượng./.
Minh Tuệ
Th1003

Sóc Trăng: Canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Trong vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi cây trồng từ canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ. Điều đó làm tăng năng suất trên cây trồng, sản phẩm sau thu hoạch bán được giá tốt hơn, góp phần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương.
Ông Tăng Văn Sáng, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ: “Hơn 20 năm trồng hành tím, tôi chỉ sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, chi phí đầu tư cho mùa vụ rất cao, lợi nhuận thu về không nhiều. Gặp thời điểm hành rớt giá còn bị lỗ”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, việc sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học làm cho đất ngày càng thoái hóa, bạc màu dẫn đến hành dễ nhiễm các loại dịch bệnh và sâu hại tấn công, chất lượng củ hành kém, củ hành nhỏ và năng suất hành giảm. Hành sau khi thu hoạch, nếu cất giữ trong kho khoảng từ 4 – 5 tháng vẫn phải sử dụng các loại thuốc hóa học để bảo quản. Canh tác hành theo phương thức truyền thống, do chi phí cao nên lợi nhuận thấp. Từ kinh nghiệm và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi đã chuyển sang hướng hữu cơ và duy trì gần 4 năm nay với diện tích 1,3ha. Tôi được ngành chuyên môn của tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ về phân bón và kỹ thuật canh tác hành theo quy trình hữu cơ.
Theo ông Sáng, hành tím trồng theo hướng hữu cơ năng suất tăng từ 10 – 30% so với trồng truyền thống; giảm chi phí đầu tư mùa vụ từ 10 – 20%. Giá bán hành thương phẩm tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Sử dụng phân hữu cơ, đất tơi xốp, màu mỡ, giúp cây hành sinh trưởng khỏe hạn chế sâu bệnh. Với 1,3ha trồng hành thương phẩm theo hướng hữu cơ, năng suất thu về 21 tấn/ha/vụ (1 năm trồng 2 vụ hành), trừ chi phí ông bỏ túi hơn 200 triệu đồng/vụ.
Ông Đoàn Út Xuân, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên vườn sầu riêng canh tác theo hướng hữu cơ với diện tích 2,7ha. Ảnh: THÚY LIỄU
Thấy hiệu quả từ canh tác cây ăn trái theo hướng hữu cơ, ông Đoàn Út Xuân, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã áp dụng trên vườn sầu riêng 2,7ha hơn 5 năm. Ông Xuân chia sẻ: “Nhờ canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, diện tích vườn đã được cấp mã số vùng trồng, chất lượng đảm bảo nên được công ty đến thu mua. Khi trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tôi thấy đất dưới gốc cây ngày càng xốp hơn, cây xanh tốt hơn, trái có màu xanh đẹp mắt và số lượng trái đạt tiêu chuẩn hàng loại 1 tăng lên trên 80%. Trồng sầu riêng theo cách này, cây ít bị sâu bệnh tấn công và năng suất trái tăng cao hơn. Nếu so với cách trồng sầu riêng truyền thống năng suất tăng hơn 2 tấn/ha. Với 2,7ha sầu riêng, có tuổi đời từ 6 – 25 năm cho thu hoạch hơn 55 tấn trái/vụ/năm, trừ chi phí lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm”.
Theo đồng chí Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản có xu hướng mở rộng, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu trái cây có nguồn gốc xuất xứ đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao. Cùng với đó, sản xuất theo hướng hữu cơ đã đem lại các lợi ích thiết thực cho bà con nông dân như: tăng năng suất trên cây trồng, sản phẩm sau thu hoạch bán được giá tốt hơn, góp phần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương. Từ kết quả sản xuất theo hướng hữu cơ đem lại cho nông dân, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu của đề án là liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và trên thế giới.
Riêng trong năm 2023, Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho các đối tượng là cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, tại các địa phương tham gia đề án. Hỗ trợ tư vấn 14 mô hình sản xuất hữu cơ; xây dựng, hỗ trợ phát triển thương hiệu cho 3 sản phẩm trong các mô hình. Tổ chức hội nghị liên kết, tiêu thụ các sản phẩm của mô hình sản xuất hữu cơ trong tỉnh và tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm tại lễ hội, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh…
THÚY LIỄU
Th1003

Hậu Giang: Diện tích cây ăn trái tăng 1.726ha so với cùng kỳ
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh Hậu Giang đạt 45.536ha, tăng 1.726ha so với cùng kỳ 2022, đạt 99,4% kế hoạch năm 2023 (45.800ha), sản lượng được 544.612 tấn, đạt 97,3% kế hoạch. Trong đó, diện tích cây có múi là 12.371ha, đạt 104,4% kế hoạch, và giảm 521ha so với năm 2022; xoài có 2.916ha, giảm 214ha so với cùng kỳ; mít 9.753ha, tăng 863ha so với cùng kỳ; khóm có diện tích 3.113ha, tăng 91ha so với cùng kỳ năm 2022; mãng cầu 688ha, còn lại là cây ăn trái khác. Ước diện tích cây ăn trái toàn tỉnh năm 2023 đạt 45.800ha, sản lượng đạt 560.000 tấn, đạt 100% kế hoạch.
Diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh tăng mạnh so với năm trước.
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như mít, sầu riêng… Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân không trồng tự phát khi chưa có thị trường đầu ra ổn định, đồng thời cán bộ kỹ thuật các địa phương cũng tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng cao.
Tin, ảnh: H.T
Th1016