Tin tức

Tiền Giang nâng sức cạnh tranh trái xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích trồng xoài lên 3.660 ha, tập trung tại các huyện gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Trong đó, riêng diện tích xoài cát Hòa Lộc chuyên canh đạt khoảng 260 ha, tập trung tại huyện Cái Bè, cho sản lượng mỗi năm gần 3.000 tấn quả.
Vườn xoài đầu dòng của người dân ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của miệt vườn tỉnh Tiền Giang, có xuất xứ từ xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè). Trái xoài cát Hòa Lộc được trồng tại vùng đất này có hương vị thơm ngon rất đặc biệt mà không nơi nào có được và từ lâu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Trái xoài cát Hòa Lộc Tiền Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chỉ dẫn địa lý xuất xứ xoài cát Hòa Lộc theo Quyết định số 1737/QĐ-SHTT, ngày 03/9/2009. Khu vực chỉ dẫn địa lý sản phẩm xoài cát Hòa Lộc gồm địa bàn 13 xã của huyện Cái Bè là: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A.
Đồng thời, trong nỗ lực khuyếch trương thương hiệu trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh, nâng sức cạnh tranh của trái xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện xoài cát Hòa Lộc bao gồm nhiều nội dung: Điều tra xã hội học, đánh giá hiệu quả kinh tế vườn xoài, đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng chuyên canh tại huyện Cái Bè… với sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan khoa học như: Trường Đại học Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang,…
Song song đó, gắn phát triển vùng chuyên canh với du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm…
Ông Đặng Văn Tung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho biết, địa phương còn triển khai Đề tài khoa học “Chứng nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè” giai đoạn 2020 – 2023. Trong khuôn khổ đề tài, địa phương xây dựng vườn cây đầu dòng trên diện tích 9.000 m2 tại ấp Bình, xã Hòa Hưng nhằm đẩy mạnh duy trì và phát triển cây xoài cát Hòa Lộc đặc sản tỉnh Tiền Giang.
Khu vườn hiện có 200 cây xoài cát Hòa Lộc, tuổi trung bình từ 8 đến 10 năm tuổi/cây. Ngành chức năng tiến hành đồng bộ các bước: Lập sơ đồ vườn xoài đủ điều kiện chứng nhận vườn đầu dòng, xây dựng hệ thống tưới tiêu, quy trình canh tác theo khoa học, thâm canh theo hướng GAP…
Dự kiến, cuối năm nay, các ngành hữu quan sẽ khảo sát, công nhận 50 cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng trong khu vườn. Đây sẽ là nguồn cung cấp cây giống chất lượng phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích xoài cát Hòa Lộc đặc sản tại tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, ngành đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Dự án chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ xoài cát Hoà Lộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Huyện Cái Bè cũng thành lập Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, có quy mô hơn 100 thành viên, diện tích canh tác gần 70 ha xoài cát Hòa Lộc chuyên canh, sản lượng xoài cho thu hoạch hàng năm gần 1.000 tấn quả cung ứng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc cho biết, Hợp tác xã đã có gần 20 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP. Dự kiến trong năm 2023, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc sẽ mở rộng diện tích xoài VietGAP lên khoảng 50 ha.
Đồng thời, Hợp tác xã cũng đã được cấp mã số vùng trồng xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu với 36 hộ, diện tích trên 22 ha; tiếp tục lập hồ sơ chờ cấp mã số trên diện tích còn lại trong thời gian tới.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang quan tâm việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật theo hướng GAP, giúp nông dân trồng xoài giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật canh tác như: Trồng, chăm sóc, bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, điều tiết nước, kiềm hãm sinh trưởng để xử lý ra hoa, điều khiển rải vụ thu hoạch, ứng dụng công nghệ bao trái, thu hoạch, bảo quản, quản lý sâu bệnh gây hại, trẻ hóa vườn xoài già cỗi; cơ giới hóa các khâu làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân… nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng trái cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm có tiềm năng thương mại cao từ trái xoài cát Hòa Lộc.
Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác trên quê hương giống xoài cát Hòa Lộc góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác xoài của nông dân địa phương, đưa khoa học công nghệ vào thâm canh, nâng chất lượng sản phẩm hàng hóa vừa giải quyết lao động và tăng thu nhập cho nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năng suất bình quân xoài cát Hòa Lộc đạt từ 10 đến 15 tấn quả/ha và lợi nhuận thu được mỗi năm trên 200 triệu đồng/ha. Đối với các vườn xử lý cho trái mùa nghịch thu lợi nhuận cao gấp 1,5 lần bình thường.
Nông dân Nguyễn Văn Khải, canh tác khoảng 3.000 m2 xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Khánh cho biết, nhiều năm nay ông chú trọng thâm canh vườn quả theo khoa học, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tỉa cành tạo tán, xử lý cho trái sớm luôn bán được giá cao. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận ròng gần 200 triệu đồng. Nông dân trồng xoài ngày nay phải đổi mới tư duy làm nông nghiệp, nhạy bén tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa trái xoài cát Hòa Lộc lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Theo đánh giá, đây là kênh quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại hiệu quả cho trái xoài cát Hòa Lộc, kích cầu tiêu dùng, góp phần hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản hàng hóa địa phương.
Hiện tại, xoài cát Hòa Lộc còn được xuất khẩu sang nhiều nước như: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc. Riêng thị trường Trung Quốc đã có gần 41 ha xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, trong đó có trên 22 ha xoài cát Hòa Lộc của 36 hộ nông dân.
Từ đó, mở ra tương lai phát triển bền vững cho vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc tại tỉnh Tiền Giang, tăng thêm nguồn cung nông sản hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, giúp nông dân tạo dựng cơ nghiệp, ổn định cuộc sống và xây dựng nông thôn mới thành công. Trong năm 2023, huyện Cái Bè, quê hương trái xoài cát Hòa Lộc đang phấn đấu cho mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Thành quả đó có đóng góp quan trọng của vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc.
Minh Trí
Th929

Xây dựng vườn dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Trái dừa đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như hướng đến xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi, hiện ngành chuyên môn và nông dân trong tỉnh đang xây dựng vườn dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mới đây, việc Mỹ chính thức chấp thuận nhập khẩu trái dừa tươi của nước ta đã mang đến tín hiệu tích cực cho các địa phương trồng dừa. Và khi Trung Quốc đồng ý xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm sẽ càng rộng đường xuất khẩu hơn.
Đây là điều kiện để dừa có mặt ở nhiều thị trường khó tính. Theo đó, thời gian qua, các địa phương khu vực ĐBSCL đã tập huấn, hướng dẫn nông dân canh tác dừa theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ…
Tại Vĩnh Long, không chỉ trồng xen canh, nhiều địa phương còn phát triển cây dừa theo hướng tập trung quy mô lớn.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã chọn 3 vùng trồng tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm với tổng diện tích hơn 34ha để xây dựng mã số vùng trồng cũng như đủ điều kiện xuất khẩu trái dừa tươi. Đây là bước tiến quan trọng đối với ngành trồng dừa ở tỉnh, tạo nền tảng để nâng cao giá trị trái dừa cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cây dừa là một trong những cây trồng được huyện lựa chọn phát triển trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại địa phương giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, địa phương có diện tích dừa lớn nhất của tỉnh với hơn 5.100ha. Trong đó, diện tích dừa ta chiếm 45%, dừa dâu 30%, dừa xiêm 23% và các giống dừa khác 2%.
Tuy nhiên, dừa trồng ở huyện Vũng Liêm phần lớn là lấy trái khô để thu cơm dừa, chỉ khoảng 10% là dừa để bán trái tươi. Mặt khác, thị trường tiêu thụ dừa hiện nay chưa được ổn định, chủ yếu bán qua thương lái và cung cấp đi các tỉnh Trà Vinh và Bến Tre do chưa có doanh nghiệp liên kết để tiêu thụ ổn định. Trước tình trạng đó, để có đầu ra bền vững, nhiều nông dân đã chủ động canh tác dừa theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có vườn dừa 8 công được Chi cục Trồng trọt-BVTV xây dựng vườn dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chú Huỳnh Công Thành (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Trước đây giá dừa bấp bênh do tiêu thụ trong nước và phụ thuộc vào thương lái, nên tôi phải tìm cách vượt qua khó khăn để đáp ứng yêu cầu từ nước nhập khẩu. Hơn 1 tháng nay, tôi tích cực phối hợp với ngành chuyên môn chăm sóc vườn dừa theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn. Tôi tin rằng khi được cấp mã số vùng trồng giá dừa sẽ cao hơn giá bên ngoài mô hình”.
Anh Lê Văn Thanh (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cũng chia sẻ: Khi tham gia thực hiện xây dựng mã số vùng trồng cho cây dừa, nông dân rất phấn khởi và kỳ vọng khi cấp được mã số vùng trồng thì giá trái dừa ổn định, lâu dài, từ đó tập trung đầu tư nhiều hơn để phát triển vườn dừa đạt chất lượng tốt hơn.
Ngoài chọn 3 vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ 1 doanh nghiệp các thủ tục để xây dựng mã số cơ sở đóng gói trái dừa tươi xuất khẩu. Mới đây, Cục BVTV (thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT) và Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh Vĩnh Long phối hợp với nước nhập khẩu đã kiểm tra thực địa các vùng trồng và cơ sở đóng gói này.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: Tỉnh có hơn 10.000ha diện tích trồng dừa nên khả năng xây dựng mã số vùng trồng rất lớn. Qua đợt kiểm tra thực địa tại tỉnh sẽ rút được kinh nghiệm những nhu cầu về phía Trung Quốc, sau đó giữa Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư thì sẽ có bộ tiêu chuẩn cụ thể hơn, tiếp tục sẽ mở rộng mã số vùng trồng trên cây dừa để vừa nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như tiêu thụ ổn định ngành hàng này.
Với sự nỗ lực của người nông dân và những hỗ trợ của ngành chuyên môn, trái dừa Vĩnh Long sẽ sớm vươn xa thị trường quốc tế, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị loại nông sản này cũng như mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người trồng dừa.
Việt Nam đang đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với kim ngạch khoảng 900 triệu USD. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích trồng dừa đã hơn 130.000ha.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Th927

Triển vọng trồng rau màu an toàn trong nhà màng
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Tích cực đổi mới, đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững, nhiều nông dân xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất rau màu; từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, ổn định kinh tế gia đình.
Mô hình trồng cà chua beef trong nhà màng của nông dân Ninh Loan đạt năng suất ổn định và cho thu nhập khá
“Đưa cho được những sản phẩm rau sạch, chất lượng đến cho người tiêu dùng là điều mà nông dân chúng tôi ưu tiên và luôn đặt lên hàng đầu” – đó là lời khẳng định của ông Vũ Quang Duy trú tại thôn Nam Hải, xã Ninh Loan, một trong những người tiên phong trồng rau màu trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả tại địa phương.
Dẫn chúng tôi tham quan hết một lượt vườn cà chua beef đang độ cho trái của gia đình, ông Duy kể rằng: Cũng giống như đa phần các hộ dân nơi đây, là một người con xa xứ, ông Duy rời quê hương Nam Định từ những năm 1981 và đến với vùng đất Ninh Loan để xây dựng kinh tế mới. Kể từ đó, ông luôn chăm chỉ lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, chủ yếu là trồng cà phê. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bằng sự năng động, nhạy bén và thích tiếp thu những cái mới, cái hay, ông Duy vẫn luôn chủ động tìm hiểu những giống cây trồng mới, chất lượng cao cho năng suất vượt trội hơn.
“So với trồng cây lâu năm như cà phê, thì cà chua beef và dưa leo baby cho thu hoạch sớm và không đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc nhiều, khí hậu cũng rất phù hợp với các loại rau màu này. Hơn thế nữa, trồng rau màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao sẽ cung cấp được những sản phẩm rau sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm; qua đó, nâng cao chất lượng cũng như giá trị mặt hàng, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng và phù hợp với xu hướng thị trường sử dụng thực phẩm sạch, hữu cơ hiện nay. Chính vì vậy, tôi chủ động chuyển đổi một phần diện tích cà phê đã già cỗi sang hướng sản xuất này vào năm 2016” – ông Duy chia sẻ.
Tuy thời gian đầu, phải đối mặt với nhiều vấn đề như cải tạo đất, kỹ thuật chăm sóc chưa thành thục, nhưng qua thời gian tiếp tục kiên trì, vườn rau của gia đình ông Duy đã phát triển tốt và có đầu ra ổn định. Với chi phí đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng trên diện tích đất 2,6 sào, đến nay, mỗi năm vườn rau sạch của ông Duy đã có thể cho thu hơn 50 tấn rau, thu 3 – 4 vụ/năm; phần lớn là các thương lái trên địa bàn huyện và TP Hồ Chí Minh đến tận vườn để thu mua. Sau khi đã trừ chi phí, trung bình thu nhập từ vườn rau khoảng 400 – 500 triệu đồng/vụ.
Cũng có xuất phát điểm từ trồng cà phê, chàng thanh niên Vũ Xuân Lợi trú tại thôn Nam Hải cho biết, qua các lần tích cực tham quan, học hỏi các mô hình tiên tiến ở các địa bàn lân cận, anh Lợi cũng đã “bén duyên” với giống cà chua beef cách đây tầm 3 năm. “Nhận thấy giá cả cà phê mỗi lúc mỗi bấp bênh, cùng trên một diện tích canh tác thu nhập không được cao, nên những năm gần đây, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn quả, chủ yếu là cà chua beef trên diện tích đất 4 sào. Nhờ mạnh dạn đầu tư nhà màng và áp dụng công nghệ cao ngay từ ban đầu nên vườn cà chua của gia đình đến mùa thu hoạch luôn sai quả và đạt năng suất cao” – anh Lợi nói.
Theo ông Phạm Anh Tiệp – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Loan, thời gian qua, các cấp Hội đã nỗ lực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học – kỹ thuật, điểm trình diễn; thông qua đó, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Từ các mô hình trồng rau trong nhà màng áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật có những tín hiệu đáng mừng như nhà nông Vũ Quang Duy, Vũ Xuân Lợi đã cho thấy đây là cách làm hiệu quả trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội sẽ trực tiếp phối hợp tuyên truyền, vận động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ hội viên nông dân quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng tại địa phương; đăng tải, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; giới thiệu những mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp để hội viên có thêm thông tin và lựa chọn các hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản…
HƯƠNG LY
Th927

Cái Bè: Nông dân thu lãi cao từ vụ dưa hấu Xuân hè
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Vụ Xuân hè năm nay, nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã xuống giống 136 ha dưa hấu, năng suất đạt 28 tấn/ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Phú, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Thành và Mỹ Hội.
Theo nhiều nông dân chuyên trồng dưa hấu, khi trồng được từ 25 – 30 ngày thì dưa hấu bắt đầu ra bông, lúc này tiến hành bẻ bỏ bông thứ nhất, thứ hai, chỉ để lại bông thứ ba, thứ tư và mỗi dây chỉ để 1 hoặc 2 trái. Thương lái đến tận ruộng mua dưa hấu với giá giao động từ 5.000 – 8.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha sau khi trừ đi chi phí.
Với mô hình trồng 01 vụ dưa hấu xen 2 vụ lúa của nhiều hộ nông dân ở huyện Cái Bè đã đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh ở những vùng đê bao khép kín sản xuất 3 vụ lúa/năm. Đây được xem là một mô hình phù hợp cho vùng đê bao khép kín của địa phương.
Chiêu Nam
Th927

Trồng xoài tứ quý cho lãi cao
Nguồn tin: Báo Bình Định
Nhiều năm nay, phát triển kinh tế gia đình từ vườn cây ăn trái mang lại cho nông dân xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nguồn thu nhập khá. Trong đó, vườn xoài tứ quý của chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (ở thôn Văn Trường) có khoảng 600 gốc, quy mô lớn nhất xã, và là sản phẩm duy nhất của xã Mỹ Phong vừa được UBND huyện Phù Mỹ phân hạng sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Xoài tứ quý của chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên được phân hạng sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Ảnh: GIA BẢO
Chị Tiên chia sẻ: Trong khi người dân xung quanh trồng mít thái, cam, bưởi da xanh… thì tôi chọn giống xoài tứ quý để canh tác trên 2 ha đất đồi. Tôi mua giống xoài tứ quý từ một công ty giống cây trồng ở miền Tây. Kỹ thuật chăm sóc giống xoài tứ quý như những giống xoài khác, đảm bảo đủ nước, chất dinh dưỡng và làm sạch cỏ ở khu vực gốc, lưu ý phòng ruồi vàng đục trái bằng cách bao bọc trái xoài trong suốt quá trình trái sinh trưởng. Phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết nên vườn xoài phát triển tốt, sau một năm rưỡi thì cây bắt đầu cho trái.
Giống xoài tứ quý thấp cây, nhỏ, nhưng cho trái khá lớn từ 400 – 800 g/trái, thu hoạch bình quân khoảng 15 tấn/năm. Xoài tứ quý có màu sắc vàng tươi bắt mắt, dày cơm, giòn nên được thị trường ưa chuộng. Mỗi độ thu hoạch, thương lái vào tận vườn để mua. So với xoài ba mùa mưa thì xoài tứ quý thường có giá gấp đôi, hiện ở mức 22.000 – 25.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Lần giá xoài tứ quý rớt xuống còn 18.000 đồng/kg thì gia đình chị Tiên vẫn có lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Thái Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, cho biết: Ngày 22.9, sản phẩm xoài tứ quý của chị Tiên cũng là đại diện duy nhất của xã Mỹ Phong đạt tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Phù Mỹ năm 2023 với phân hạng 3 sao. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm này sẽ có cơ hội xuất hiện tại các kênh phân phối chất lượng và uy tín. Qua đó, lan tỏa làm động lực để người dân địa phương nhân rộng phát triển kinh tế gia đình.
GIA BẢO
Th925

Đồng Tháp: Hội nghị liên kết tiêu thụ nông sản và Ngày hội khoai môn
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp
Hoạt động này sẽ được Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò tổ chức từ ngày 25 đến 26/9/2023, tại khuôn viên Đình Tòng Sơn, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).
Đa dạng sản phẩm nông nghiệp của huyện Lấp Vò
Trong đó, có các nội dung như: Khai mạc Ngày hội khoai môn; hội thảo về bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị từ khoai môn; hội thi chế biến và trình diễn ẩm thực từ khoai môn; hội nghị liên kết tiêu thụ nông sản; giới thiệu và thương mại sản phẩm từ khoai môn, nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP.
Ngày hội khoai môn khai mạc lúc 08 giờ, ngày 25/9. Trên địa bàn huyện Lấp Vò có diện tích trồng khoai môn khá lớn, từ 1.400 ha đến 1.500 ha, tập trung ở các xã: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Tân Mỹ, Hội An Đông, Bình Thạnh Trung. Tại các vùng sản xuất khoai môn đều có hợp tác xã hoặc hội quán. Sản lượng khoai môn hàng năm khoảng 25.000 tấn – 30.000 tấn.
Khoai môn Lấp Vò có nhiều tinh bột, thịt khoai có vân, có mùi thơm nhẹ. Nhờ có kinh nghiệm trong trồng khoai môn, cộng với được ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất và biện pháp phòng trị bệnh hại nên nông dân quản lý sản xuất hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn huyện có 100 ha khoai môn sản xuất theo hướng an toàn, 108 ha khoai môn được chứng nhận VietGAP, có 06 mã số vùng trồng khoai môn.
Nguyệt Ánh
Th925

Cơ hội cho người trồng cà phê Robusta ở Lâm Đồng
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về phát triển cây cà phê. Khoảng 91% diện tích cà phê của tỉnh là cà phê Robusta. Bởi vậy, việc thị trường thế giới có nhiều dấu hiệu tích cực và mở ra cơ hội cho cà phê Robusta là niềm vui lớn cho người trồng loại cà phê này ở Lâm Đồng.
Lâm Đồng hiện có trên 160 ngàn ha cà phê Robusta chiếm khoảng 91% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh
NIỀM VUI CHO NGƯỜI TRỒNG ROBUSTA
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích cà phê của tỉnh hiện có gần 176 ngàn ha. Trong đó, cà phê Robusta chiếm trên 160 ngàn ha, còn lại là cà phê Arabica.
Sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường các nước: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Theo thống kê, năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 175 triệu USD.
Ông Nguyễn Thái Nam, người đồng sáng lập Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam (đóng tại huyện Di Linh,) cho biết, thị trường có sự dịch chuyển và giá cà phê Robusta đang được cải thiện tích cực. Năm 2021, giá nhân xô Robusta vào khoảng 36.000 đồng/kg, năm 2022 tăng lên 42.000 đồng/kg và năm 2023 này đạt 66.000 đồng/kg. “Đây là tín hiệu vui cho người trồng cà phê Robusta của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng”, ông Nguyễn Thái Nam nói.
Huyện Di Linh là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng 45,6 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn, cà phê đóng góp cho nền kinh tế địa phương hàng năm trên 9 ngàn tỷ đồng. 100% diện tích cà phê của địa phương này là Robusta. Người trồng cà phê ở Di Linh nắm rõ đặc tính của cà phê Robusta và vui mừng trước những biến chuyển tích cực của thị trường đối với dòng cà phê này.
Gắn bó với cây cà phê Robusta từ những năm 1994, nông dân Bùi Trung Đảng (xã Tân Châu, huyện Di Linh) hiện đang sản xuất 1,5 ha cà phê Robusta, chia sẻ: Huyện Di Linh từng trải qua những đợt nắng hạn kéo dài khiến cây bị suy kiệt, rụng lá. Tuy nhiên, cà phê Robusta có sức chống chịu tốt nên chỉ cần tưới một lượng nước nhỏ là cây có thể duy trì sự sống để vượt qua mùa khô hạn và phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa tiếp theo. Cây cà phê Robusta cũng có sức kháng sâu, bệnh hại tốt hơn nhiều lần so với cà phê Arabica nên việc trồng và chăm sóc cũng dễ dàng.
Nông dân Bùi Trung Đảng nhấn mạnh thêm: “Có những thời điểm giá loại cây trồng này xuống quá thấp nên để duy trì vườn, gia đình trồng xen cây dâu, lấy lá nuôi tằm. Đồng thời, sử dụng phân bón tự ủ thay cho phân bón hóa học để cắt giảm chi phí. Bởi vậy năm nay, khi giá cà phê lên cao và thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực nên người trồng cà phê như chúng tôi cũng phấn khởi, hào hứng hơn”.
Và đó cũng là niềm vui chung của nhiều người trồng cà phê ở Di Linh. Theo ông Nguyễn Minh Ngọc – Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh), nơi có gần 70 hộ thành viên chuyên sản xuất cà phê Robusta: Trước thông tin thị trường quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm cà phê này, bà con nông dân, các hộ thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi. Bởi giá cả được cải thiện sẽ giúp nông dân tăng nguồn thu nhập. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở để bà con nông dân tập trung đầu tư, sản xuất cà phê một cách khoa học, bài bản, bền vững hơn.
SẴN SÀNG NẮM BẮT CƠ HỘI
Ông Mai Ngọc Định, phụ trách sản xuất chuỗi cà phê bền vững Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) cho biết: Từ năm 2022, thị trường có xu hướng chuyển qua sử dụng các sản phẩm từ cà phê Robusta của Việt Nam và đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Giá cà phê cũng tăng dần lên giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình cũng hướng đến mở rộng vùng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất, đặc biệt tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo các tiêu chuẩn như 4C, Rainforest Alliance.
Hiện, doanh nghiệp này đang liên kết với 3.000 hộ nông dân khắp các nơi trong tỉnh để sản xuất cà phê. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và cung ứng khoảng 30 – 40 nghìn tấn cà phê ra thị trường.
Nhận thấy các đối tác nước ngoài có sự thay đổi, quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm Robusta và đặc biệt dành sự ưu ái cho Robusta chất lượng cao của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thọ, Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông (đơn vị sản xuất cà phê với thương hiệu Got Coffee, đóng tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) nói rằng: “Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Song vừa qua các đối tác thị trường Hoa Kỳ đã làm việc và đặt hàng. Bởi vậy chúng tôi mở rộng liên kết với các nông hộ để sản xuất Robusta chất lượng cao, Robusta hữu cơ”. Hiện nay, doanh nghiệp này thực hiện quy trình thu hái chọn lọc, thu hoạch trái chín 100% để đưa vào quy trình chế biến, rang mộc theo tiêu chuẩn SCA của Mỹ, không dùng hương liệu tẩm ướp để giữ trọn vị thật của cà phê.
Thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, từ năm 2015 đến năm 2022, toàn tỉnh thực hiện tái canh, ghép cải tạo trên 77 ngàn ha cà phê. Riêng năm 2023, địa phương đưa ra kế hoạch thực hiện tái canh, ghép cải tạo với diện tích ước khoảng trên 7 ngàn ha. Theo đánh giá, công tác tái canh, ghép cải tạo giống cà phê Robusta đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,9 tấn nhân/ha năm 2015 tăng lên 3,3 tấn nhân/ha năm 2021. Sản lượng vì thế cũng được tăng từ 400 ngàn tấn năm 2015 lên 560 ngàn tấn vào năm 2021.
Đối với giống cà phê Robusta tại Lâm Đồng, hiện nay người dân, doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giống năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt như TR4, TR9, TR11, TRS1… Bên cạnh đó, một số giống do người dân chọn lọc có năng suất cao, chất lượng tốt như Thiện Trường, TS5 (xanh lùn), Hữu Thiên. Ông Trần Quang Duy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng nói: “Hiện nay, địa bàn tỉnh có 248 vườn ươm cây giống cà phê với năng lực sản xuất trên 14 triệu cây giống và 50 triệu chồi ghép. Nguồn giống này đảm bảo đủ cung cấp hàng năm cho việc trồng mới, tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh”.
Cùng với việc đảm bảo về nguồn giống cà phê Robusta chất lượng cao, ngành Nông nghiệp địa phương cũng tổ chức xây dựng mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, triển khai 5 vùng sản xuất cà phê Robusta công nghệ cao với quy mô gần 2 ngàn ha. Trong đó bao gồm, 470 ha tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), 370 ha tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), 900 ha tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và huyện Bảo Lâm.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Lâm Đồng. Do vậy, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển ổn định, giữ diện tích 170 ngàn ha vào năm 2025, trong đó, diện tích cà phê Robusta 150 nghà ha với năng suất 3,5 tấn/ha và tổng sản lượng vào khoảng 550 ngàn tấn.
NGỌC NGÀ
Th914

Mở cơ hội kết nối kinh doanh, đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp ĐBSCL
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Bài, ảnh: MỸ THANH
Tại chương trình giao lưu – kết nối kinh doanh doanh nghiệp (DN) Trung Quốc – DN ĐBSCL mới đây, các chuyên gia, DN đến từ Trung Quốc khẳng định với nền văn hóa, ẩm thực tương đồng, nông sản ĐBSCL có rất nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường tỉ dân này. Về phía DN ĐBSCL cũng bày tỏ mong muốn được phía Trung Quốc hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh như vốn, công nghệ, phát triển hạ tầng logistics…
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc trong 8 tháng năm 2023. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại tỉnh Bến Tre.
Th914

Đặc sắc sầu riêng Khánh Sơn ” Cơm vàng, hạt lép, lại chín ‘lệch pha’ vùng miền “
Nguồn tin: Báo nông nghiệp
KHÁNH HÒA Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng khá đặc biệt, đã tạo nên sầu riêng Khánh Sơn có múi to, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, đặc biệt chín ‘lệch pha’ so với vùng miền khác.
Chất lượng đặc biệt, chín “lệch pha” vùng khác
Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 100km về phía tây nam. Do nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải miền Trung nên khí hậu ở Khánh Sơn đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, ôn hòa.
Thêm vào đó, thổ nhưỡng ở đây với đặc thù đất đỏ bazan chiếm trên 71%, đất phù sa chiếm gần 5%, độ pH từ 5 – 6, độ phì khá, cùng với đó các khoáng chất trung vi lượng sẵn có trong đất nên rất thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh.
Sầu riêng Khánh Sơn có múi to, thơm béo, vị ngọt thanh, cơm vàng, hạt lép. Ảnh: Kim Sơ
Đặc biệt, cây sầu riêng giống Monthong được trồng ở Khánh Sơn cho năng suất, chất lượng cao, với trọng lượng trung bình 4 – 5kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt từ 7 – 8kg. Theo người tiêu dùng cũng như thương lái đánh giá, sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác, không chỉ múi to, thơm béo, có vị ngọt thanh mà còn có cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30 – 40%/quả.
Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng Khánh Sơn có chất lượng đặc sắc, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu cơm vàng hạt lép từ tháng 3/2011. Sở dĩ sầu riêng nơi đây có chất lượng vượt trội bởi nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao (8 – 9 độ C). Đây là điều kiện giúp quá trình tích lũy chất khô trong quả sầu riêng được tăng cường.
Mặt khác, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế là ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh, xung đột về thị trường tiêu thụ. Theo bà con nông dân ở huyện Khánh Sơn, mùa sầu riêng nơi đây bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Tức là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây và Đông Nam bộ tầm 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng. Do đó, khi đến mùa thu hoạch, thương lái các vùng miền đổ về thu mua sầu riêng, đưa đi tiêu thụ khắp nơi.
Trước đây, sầu riêng Khánh Sơn được một người dân trồng từ những cây sầu riêng hạt. Không ngờ, cây sầu riêngsinh trưởng và phát triển tốt. Đến năm 1999, sau khi nghiên cứu các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, huyện Khánh Sơn đã liên hệ với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đưa các giống sầu riêng như Ri6, Chín Hóa, Monthong về sản xuất thử nghiệm trên diện tích khoảng 10ha.
Đến nay, diện tích sầu riêng Khánh Sơn đạt khoảng 2.500ha, chủ yếu giống Monthong và một ít giống như Chín Hóa, Ri6. Trong đó, hiện khoảng 1.200ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với sản lượng 15.000 tấn.
Đặc biệt, cây sầu riêng giống Monthong được trồng ở Khánh Sơn cho năng suất, chất lượng cao, với trọng lượng trung bình 4 – 5kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt từ 7 – 8kg. Theo người tiêu dùng cũng như thương lái đánh giá, sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác, không chỉ múi to, thơm béo, có vị ngọt thanh mà còn có cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30 – 40%/quả.
Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng Khánh Sơn có chất lượng đặc sắc, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu cơm vàng hạt lép từ tháng 3/2011. Sở dĩ sầu riêng nơi đây có chất lượng vượt trội bởi nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao (8 – 9 độ C). Đây là điều kiện giúp quá trình tích lũy chất khô trong quả sầu riêng được tăng cường.
Mặt khác, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế là ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh, xung đột về thị trường tiêu thụ. Theo bà con nông dân ở huyện Khánh Sơn, mùa sầu riêng nơi đây bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Tức là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây và Đông Nam bộ tầm 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng. Do đó, khi đến mùa thu hoạch, thương lái các vùng miền đổ về thu mua sầu riêng, đưa đi tiêu thụ khắp nơi.
Trước đây, sầu riêng Khánh Sơn được một người dân trồng từ những cây sầu riêng hạt. Không ngờ, cây sầu riêngsinh trưởng và phát triển tốt. Đến năm 1999, sau khi nghiên cứu các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, huyện Khánh Sơn đã liên hệ với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đưa các giống sầu riêng như Ri6, Chín Hóa, Monthong về sản xuất thử nghiệm trên diện tích khoảng 10ha.
Đến nay, diện tích sầu riêng Khánh Sơn đạt khoảng 2.500ha, chủ yếu giống Monthong và một ít giống như Chín Hóa, Ri6. Trong đó, hiện khoảng 1.200ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với sản lượng 15.000 tấn.
Sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh thị trường tiêu thụ. Ảnh: Kim Sơ
Đến năm 2008, huyện Khánh Sơn đã hỗ trợ cấp giống, vật tư, phân bón cho bà con nông dân với diện tích gần 500ha, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón, hệ thống tưới cho những hộ dân chuyển đổi những giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.
Dự kiến thu 1.000 tỷ đồng từ sầu riêng
Những ngày cuối tháng 8, người dân huyện Khánh Sơn đang tất bật thu hoạch sầu riêng đợt cuối. Năm nay nhuận tháng 2 âm lịch, cùng với thời tiết có sự bất thường nên sầu riêng Khánh Sơn ra hoa 2 đợt và muộn hơn mọi năm.
Trước đó, vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7, một số ít diện tích sầu riêng chín sớm ở các xã phía tây của huyện này gồm Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Bình đã được bà con cơ bản thu hoạch xong, bán với giá trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 8, lứa sầu riêng chính vụ mới bắt đầu bước vào thu hoạch rộ.
Vườn sầu riêng của ông Lương Thanh Sơn có diện tích 0,8ha, năm nay lãi gần 600 triệu đồng. Ảnh: Kim Sơ
Tuy nhiên theo bà con nông dân, trước thời gian thu hoạch khoảng 2 tuần, vùng sầu riêng Khánh Sơn đã nhộn nhịp, thương lái khắp nơi, có cả thương lái Trung Quốc đổ về dạo các vườn sầu riêng trên địa bàn đặt cọc thu mua rất nhiều, đẩy giá sầu riêng tăng cao.
Ông Lương Thanh Sơn, một người trồng sầu riêng ở tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) cho biết, chưa năm nào người trồng sầu riêng Khánh Sơn vui mừng như năm nay, khi sản lượng, giá bán lập đỉnh lịch sử.
Theo đó, tùy theo vườn sầu riêng cho trái đẹp hay xấu, thương lái đặt cọc thu mua xô với giá khác nhau, trung bình khoảng 55.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri6 và từ 70.000 – 80.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong. Trong khi mọi năm sầu riêng Ri6 chỉ dao động từ 35.0000 – 42.000 đồng/kg, còn Monthong năm ngoái có giá cao nhất cũng chỉ dao động từ 52.000 – 53.000 đồng/kg.
Với giá này, theo ông Sơn, hầu hết bà con thu hoạch sẽ có mức lãi cao bởi năng suất sầu riêng năm nay bằng như mọi năm, trung bình từ 15 – 20 tấn/ha đối với cây từ 6 – 7 năm tuổi trở lên. “Với chi phí đầu tư 1ha khoảng 300 triệu đồng, nông dân thu hoạch sầu riêng sẽ lãi tiền tỷ”, ông Sơn khẳng định.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Nhã ở thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình có gần 2ha sầu riêng chủ yếu là giống Monthong, vụ này cho thu hoạch với sản lượng hơn 35 tấn. Chi Nhã phấn khởi cho biết, lứa sầu riêng đầu vụ, chị thu hoạch 15 tấn bán với giá 60 nghìn đồng/kg, còn đợt 2 thu hoạch 20 tấn bán với giá 72 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Sầu riêng Khánh Sơn đang thu hoạch cuối vụ, nhưng giá sầu riêng mua xô vẫn giữ mức ổn định từ 70 – 80 nghìn đồng/kg. Ảnh: Kim Sơ
Việc giá sầu riêng năm nay được thu mua cao nhất từ trước đến nay, theo bà con nông dân, đó là nhờ hiện nay nhiều vùng trồng sầu riêng ở Khánh Sơn đã có mã số vùng trồng nên các thương lái, có cả thương lái Trung Quốc đổ về lùng mua, chốt giá và đợi ngày thu hoạch để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay sầu riêng Khánh Sơn đang thu hoạch cuối vụ, song theo ghi nhận, giá sầu riêng mua xô vẫn giữ mức ổn định từ 70.000 – 80.000 đồng/kg đối với giống Mongthong (tùy vườn). Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, đây là vụ sầu riêng bội thu của bà con Khánh Sơn. Ngành nông nghiệp huyện ước doanh thu từ sầu riêng năm nay sẽ khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ông Bo Bo Khá, Tổ trưởng tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp cho biết, trước đây bà con ở huyện Khánh Sơn không mặn mà lắm với cây sầu riêng. Bởi vì sầu riêng khi chín có mùi khó ngửi, không ai muốn ăn. Dần dần sau này bà con ai cũng biết ăn và bây giờ thấy sầu riêng là thèm. Từ khi chuyển sang trồng cây sầu riêng, cuộc sống của bà con ở đây có sự đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, năm nay bà con được mùa sầu riêng, cộng thêm được giá nên có tiền để xây nhà, sắm sửa cho gia đình.
Th908

Nhà vườn kỳ vọng xuất khẩu trái dừa ổn định
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Hay tin dừa uống nước được xuất khẩu trở lại vào thị trường Mỹ, nông dân trồng dừa trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi và kỳ vọng dừa Bến Tre sẽ bắt đầu cuộc hành trình chính thức vào “miền đất hứa”, tạo điều kiện phát triển ổn định, bền vững của cây dừa trong tương lai.
Nông dân trồng dừa liên kết với doanh nghiệp phấn khởi vì thị trường Mỹ mở cửa nhập khẩu trái dừa tươi trở lại.
Nông dân Nguyễn Minh Dũng, xã Tường Đa, huyện Châu Thành cho biết, ông có 12 công đất trồng dừa, thu nhập trung bình 6 – 7 ngàn trái/lứa (vụ thu hoạch). Ông đã liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành đến nay được khoảng 7 năm. Vì thế, vườn dừa được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc tốt hơn, vừa được bao tiêu quanh năm, với giá cam kết thu mua thấp nhất là 50 ngàn đồng/chục dù cho thị trường bên ngoài có giá thấp cỡ nào. Cũng có thời điểm giá dừa lên 120 – 130 ngàn đồng/chục. Với giá bán hiện nay cho công ty là 75 ngàn đồng/chục trái, vườn dừa uống nước của ông Dũng cho thu nhập trên 30 triệu đồng/lứa.
“Hồi xưa khi chưa liên kết tiêu thụ, nhà vườn mạnh ai nấy chăm sóc khác nhau, dẫn đến chất lượng, năng suất, kích cỡ trái không đồng đều. Từ khi liên kết với công ty, vườn dừa được chăm sóc đúng cách, chất lượng ổn định, năng suất cao. Đặc biệt là nhà vườn luôn an tâm vì trái dừa bán giá cả ổn định. Công ty luôn mua giá cao hơn bên ngoài. Tháng trước, công ty mua giá 85 ngàn đồng/chục, tôi thu về hơn 40 triệu đồng. Nghe thông tin Mỹ mở cửa nhập khẩu dừa, nhà vườn ai cũng phấn khởi lắm… Nếu xuất khẩu ổn định, doanh nghiệp có thể duy trì giá thu mua ổn định cao cho nhà vườn”, nhà vườn Nguyễn Minh Dũng phấn khởi.
Huyện Châu Thành là địa phương đi đầu trong xây dựng mô hình Câu lạc bộ Vườn xanh sạch đẹp từ nhiều năm nay. Tham gia câu lạc bộ, các nhà vườn được tập huấn kỹ thuật canh tác cây trồng theo hướng an toàn, chất lượng, thân thiện môi trường. Đây là điều kiện rất thuận lợi để nhà vườn chuyển đổi canh tác theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu và Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Tín – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vườn xanh, sạch, đẹp xã Tam Phước, huyện Châu Thành cho biết, câu lạc bộ thành lập đến nay hơn 10 năm. Ông cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác dừa Tam Phước, với khoảng 21 hộ tham gia, có diện tích 17ha trồng dừa uống nước.
“Được biết, Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong thu mua bao tiêu dừa uống nước ổn định cho nhà vườn, tổ hợp tác hiện có 4 hộ đã liên kết tiêu thụ cho công ty, đây là vụ đầu tiên chúng tôi bán cho công ty này. Trước nay, không biết dừa trồng rồi có bán được ổn định lâu dài hay không nhưng khi có thông tin xuất khẩu, người nông dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển ổn định”, nhà vườn Nguyễn Đức Tín cho biết.
Ông Nguyễn Đức Tín cho hay: “Thu hoạch vừa xong là chúng tôi tiến hành rải phân thuốc bổ sung dinh dưỡng cho cây, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sử dụng”. Hướng tới, tổ hợp tác sẽ vận động các nhà vườn trong tổ liên kết tiêu thụ cho công ty để đảm bảo tính ổn định, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sẽ họp tổ để phổ biến cho bà con kỹ thuật canh tác, bón phân đảm bảo thời gian cách ly, có trái dừa chất lượng tốt hơn, đồng đều.
“Trước đây là mạnh ai nấy làm, chất lượng trái và kích cỡ trái không đồng đều. Bước đầu thay đổi phương thức sản xuất, nhiều anh em có thể gặp một số khó khăn nhưng bản thân tôi thấy rất cần thiết phải thay đổi, vì đây là xu thế tất yếu. Nếu sản phẩm chất lượng, công ty có thị trường ổn định, giá cả tốt thì nông dân sẽ trực tiếp được hưởng lợi”, ông Tín cho biết thêm.
Nhà vườn Trần Văn Năm chia sẻ, nông dân bây giờ phải thay đổi tập quán sản xuất để sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước chứ không thể mạnh ai nấy làm và chỉ làm theo cảm tính nữa. Công ty mua bán được thì nhà vườn mới bán được trái dừa. Hướng tới, nhà vườn chúng tôi mong muốn công ty tiếp tục tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật mới, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.
Ông Bùi Dương Thuật – Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong cho biết, doanh nghiệp đã quay trở lại ngay thị trường Mỹ, với lô hàng xuất khẩu là 5 container, tương đương 100 ngàn trái. Bước đầu, thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp tăng bình quân 10 container/tháng. Đây là thị trường ổn định quanh năm, tạo thuận lợi cho phát triển hoạt động xuất khẩu dừa uống nước của Bến Tre.
“Khi có thông tin Việt Nam và Mỹ đàm phán về việc cho phép trái dừa nhập khẩu vào Mỹ, công ty đã tăng diện tích bao tiêu nhà vườn. Đến nay, công ty đã liên kết tiêu thụ 150ha dừa uống nước trên địa bàn tỉnh. Sản lượng bao tiêu đã đáp ứng với công suất xuất khẩu qua thị trường này”. (Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong Bùi Dương Thuật)
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Th929